Ngày xưa có một ông trưởng giả.
Ông trưởng giả ấy có hai nếp nhà ngói năm gian toàn gỗ lim làm giáp đốc, một cái sân gạch bát tràng phơi nổi hai trăm phương thóc. Trước sân có vườn rộng trồng rau, sau sân có lẫm thóc cao chót vót ngất trời xanh.
Nhưng ông trưởng- giả ấy tuy giàu mà kiệt lắm, biển -lận hơn hết các ông trưởng giả biển- lận khác.
Trong nhà trăm công nghìn việc bề bộn mà ông chỉ nuôi có mỗi một người lực- điền. Thôi thì việc gì cũng đến ‘‘anh Cu Cậu’’ (tên người lực -điền). Suốt ngày, tiếng ông trưởng- giả cắt đặt: ‘‘Cu Cậu giã cố cho ông mẻ gạo! Cu Cậu đi xúc thóc ra sân phơi phóng cho ông, con!’’.Lời lẽ ông rất mềm -mỏng dịu -dàng, ở đời thiệt gì lời nói, chiều người lấy của! Chú sao?
Anh lực- điền được chủ quý mến chiều chuộng chung nai lưng ra làm việc, chẳng quản nặng nhọc, vất vả chẳng nề hà nóng nực, rét mướt. Đêm thức khuya thu dọn, sáng dậy thật sớm để quét tước trong nhà, ngoài ngõ sạch sẽ như lau như lim…
Nhưng một dạo, anh Cu Cậu bỗng sinh ra lười biếng: thẫn thờ như người đau ốm, lẩn thẩn như bị ma làm. Có khi đương giã gạo anh dừng chân đạp, vịn dây chão đứng nhìn vơ-vẩn, hai con mắt đỏ ngầu như muốn khóc. Có khi ra cầu ao vớt bèo, anh mơ màng để rơi cả rỗ lẫn con sào xuống nước mà vẫn không hay.
Chẳng cái gì mà mắt ông trưởng- giả lại không nhìn thấy. Ông ôn tồn bảo anh Cu Cậu:
-Con phải chịu thương, chịu khó mới được chứ, chóng rồi ông gây- dựng cho.
Lời ngọt- ngào của ông hình như đã mất hết công-hiệu, vì Cu Cậu vẫn không sao chăm chỉ được như xưa.
Ông trưởng- giả đã nghĩ đến tìm một người lực- điền khác. Nhưng một hôm tình cờ ông chợt hiểu duyên- cớ sự lười biếng của Cu Cậu: ông thấy anh ta dựa cột chuồng lợn đứng ngắm cô Rốt đang trộn cám với bèo trong cái ang sành. Cô Rốt là cô gái út xinh xắn của ông.
-À ra thế!
Ông trưởng- giả mỉm cười lẩm bẩm. Tối hôm ấy ông gọi Cu Cậu lên nhà đấm lưng cho ông. Rồi ông nhỏ to trò chuyện bàn việc làm, việc nhà, việc cửa:
-Cậu ạ, cô Rốt, ông xem xấu cả người lẫn nết, phải không?
Cu Cậu không đáp, tuy anh ta muốn cãi: ‘‘Thưa ông, con thì con cho rằng cô Rốt được cả người lẫn nết’’. Ông trưởng- giả cũng không để cho Cu Cậu kịp chen một câu. Ông tiếp luôn:
-Các cô nhớn, ông gả toàn nơi khá giả, con đã biết đấy. Nhưng ông xem ra mấy anh chàng rể ấy rặt là đồ ăn hại, biếng nhác, vô tích- sự. Nên ông muốn kén cho cô Rốt một người chồng chịu làm, chịu ăn, thức khuya dậy sớm thành- thạo các việc đồng- áng…Như con chẳng hạn.
Giá lúc ấy là ban ngày thì hẳn ông trưởng- giả đã trông thấy má Cu Cậu đỏ ửng lên, và cặp mắt Cu Cậu tuôn hai giòng lệ sung sướng.
Sáng hôm sau, gà gáy lần thứ nhất, ông trưởng- giả đã nghe thấy tiếng chổi xể quèn quẹt trên sân gạch. Ông mừng thầm, bụng bảo dạ:
-Trúng kế rồi!
Từ đó, Cu Cậu lại siêng- năng chịu khó làm ăn vất- vả. Sức anh ta như vụt tăng lên bội- phần.
Ông trưởng- giả càng tỏ ý muốn gả cô Rốt cho anh ta tỏ bằng lời nói bóng gió, hoặc bằng cái liếc mắt, cái mỉm cười thân- mật.
-Cậu ơi, (ông bỏ hẳn tiếng Cu đi), gọi cô lên ông bảo.
-Cậu ơi, con ra sân chứa thóc với cô cho ông đi.
Luôn luôn tiếng ‘‘cô’’ với tiếng ‘‘cậu’’ đi liền trong miệng ông trưởng- giả. Sợ anh lực- điền thực thà quá không hiểu ý.
-Cậu ạ, con cứ chịu khó trông coi giúp ông, rồi ông gả cô Rốt cho.
Thấy có hiệu -quả, ông trưởng- giả thường dùng câu khuyến- khích ấy mỗi khi ông thấy Cu Cậu hơi uể- oải, uể oải vì mệt nhọc quá, chứ không phải vì chán- nản hay cụt hy- vọng. Còn bao giờ anh ta mất hy- vọng được. Dẫu có người bảo anh ta biết rằng ông trưởng- giả lừa dối anh ta, anh ta cũng không nao- núng. Anh ta tin rằng một lời hứa của ông trưởng- giả chắc chắn như đinh đóng vào gỗ lim. Vì thế, anh ta càng tận- tụy làm việc, có bao nhiêu sức đem ra dùng cho kỳ hết, không tiếc một tí nào. Vì thế anh ta coi cô Rốt như người vợ chưa cưới của anh ta, tự coi mình như người đương ở rể nhà ông nhạc.
Cô Rốt không hiểu cái tham- ý của cha – mà hiểu thế nào được, nhất là cô ta lại ngây- thơ, thật thà chẳng kém Cu Cậu mấy tí. Bởi vậy cô ta chỉ coi Cu Cậu như một đứa ở, có khi giận- dữ mắng nhiếc thậm- tệ.
Thấy thế, ông trưởng-giả bảo con ngay trước mặt anh lực- điền:
-Con không được hỗn. Anh Cậu là con nhà tử- tế (thực ra Cậu chỉ là con một anh đánh dậm), anh ấy không phải như những người đi ở khác đâu. Mà con đừng gọi anh ấy là Cu Cậu, lúc bé cha mẹ anh ấy gọi là Cu Cậu, bây giờ anh ấy nhớn rồi, chỉ nên gọi anh ấy là Cậu thôi, nghe chưa?
Rồi ông mỉm cười nói đùa:
-Cha định gả con cho anh ấy đấy.
Cô Rốt không cãi lại. Xưa nay cô rất phục tòng và vâng lời cha. Cô nghĩ thầm:
‘‘Con gái như hạt mưa sa, cha mẹ đặt đâu yêu đấy’’.
Từ hôm ấy – cô thấy anh Cậu đẹp trai -mà anh ta đẹp trai thực và ăn nói có duyên, tuy anh ta rất ít nói, ít cả cười nữa. Anh ta thỉnh thoảng hát ví một câu mà anh ta cho là ở trong đó có ẩn nhiều ý- nghĩa âu- yếm lắm:
‘‘Áo anh sứt chỉ đường bâu,
‘‘Ước gì nàng ấy vào khâu cho cùng.
‘‘Khâu rồi anh sẽ trả công…’’
Câu ca-dao tình -tứ biết bao, vì mặt cô Rốt bẽn-lẽn lộ đầy vẻ cảm động.
Một hôm, Cu Cậu thấy người ta đội bánh dầy bánh chưng, buộc lạt đỏ đến nhà ông trưởng- giả. Anh ta tò- mò nhìn, chẳng hiểu chủ mình đặt làm gì nhiều bánh thế. Muốn hỏi để biết nhưng chủ mãi tiếp khách- khứa, còn mình thì bận túi- bụi ở nhà bếp để đun nước và giúp cô Rốt làm cơm.
Khách về, ông trưởng- giả không đợi Cu Cậu căn vặn gọi ngay anh ta lên thì- thầm bảo:
-Con ạ, ông biết con mồ côi cha mẹ, chú bác họ đương lại không ai có gì, nên ông đã bỏ tiền ra thửa bánh dầy bánh chưng để chia cho họ hàng rồi. Đây tức là lễ ăn hỏi của con.
Cu Cậu tin thực và sung sướng quá, muốn xụp xuống lạy ông bố vợ.
Một năm qua, một năm làm việc vất -vả hơn con bò kéo cầy giữa buổi trưa mùa hạ.
Rồi một hôm, sáng sớm tinh sương, ông trưởng- giả gọi Cu Cậu lên nhà buồn- rầu phàn- nàn:
-Cậu ơi, ông thương con lắm, ông định gả cô Rốt cho con, nhưng trong họ ông chẳng ai bằng lòng cả. Người ta bảo rằng con nghèo thế thì lấy gì làm sính lễ. Mà trong họ nhà ông xưa nay lại có cái lệ thách cưới. Vậy con tính sao?
Cu Cậu nức- nở:
-Thưa ông trăm sự ở ông cả, ông thương con phận nào con được nhờ phận ấy…chứ con còn biết tính sao.
Ông trưởng- giả bóp trán suy nghĩ:
-Việc này hơi khó đây. Nhưng ông đã thương con thì thế nào cũng xong. Bây giờ ông thách con một vật lấy lệ, con nghe ra chưa? Ông không thách con châu -báu, tiền bạc, trâu bò, những thứ ấy con làm gì có phải không? Ông chỉ thách con một cây tre trăm đốt.
Cu Cậu chưa từng đếm đốt một cây tre bao giờ, vui vẻ nhận lời ngay:
-Con xin đi chặt cây tre trăm đốt về nộp cho ông.
Ông trưởng- giả hơi tỏ vẻ thương- hại:
-Giống tre trăm đốt như hiếm lắm đấy con phải vào giữa rừng sâu mới kiếm được.
-Ông cứ yên lòng. Con xin vào rừng đây.
Cu Cậu thổi cơm, nắm một nắm thực to rồi vác con dao phạt bờ hấp tấp ra đi.
Mặt trời lên đã cao, Cu Cậu mới tới rừng tre, anh ta ngồi ở chỗ có bóng rợp, giở cơm nắm với muối vừng ra ăn cho đỡ đói. Vừa ăn anh ta vừa để ý nhẩm đếm đốt những cây tre cao ở chung quanh. Không cây nào quá bốn mươi đốt. Anh ta nghĩ thầm:
-‘‘Ta đi sâu vào phía trong thì thế nào chả gặp được một cây tre trăm đốt!’’.
Cu Cậu đi từ giờ Thìn cho tới giờ Mùi mới gặp được một cây tre thực già, gốc to ngoài hai chét tay, mà cao, cao quá, cao đến nỗi anh ta ngửng mặt nhìn lên không trông thấy ngọn.
Anh liền hạ nó xuống, róc đẽo hết những cành lá rườm- rà, trong lòng mừng thầm rằng thế nào nó cũng có đủ một trăm đốt.
Nhưng đếm đi đếm lại ba lượt, anh ta vẫn chỉ đếm được tới số năm mươi lăm. Anh ta chán- nản ngờ- vực, thất- vọng ngồi ôm mặt khóc hu hu.
Bỗng anh ta thấy có một bàn tay mát rượi dịu- dàng đặt trên vai. Và giật mình kinh- ngạc thấy đứng bên mình một ông cụ râu tóc bạc phơ, tay cầm phe phẩy cái phất chủ, chân đi đôi guốc làm bằng trúc già. Đó là một ông tiên hiện lên vì nghe thấy tiếng khóc Cu Cậu. Ông tiên hỏi:
-Tại sao con khóc?
Cu Cậu liền đem câu chuyện riêng ra kể đầu đuôi cho ông nghe, rồi nức nở nói tiếp:
-Con đã tìm kiếm mãi, không thấy cây tre nào vừa cao, vừa to bằng cây tre này, thế mà con chỉ đếm được năm mươi lăm đốt, vậy con chắc khó lòng, có một cây tre trăm đốt.
Ông Tiên mìm cười bảo:
-Con cứ chặt đủ một trăm đốt tre đem về đây cho ông.
Cu Cậu vâng lời làm theo và chỉ một lát đem về đủ một trăm đốt tre.
-Bây giờ con chắp một trăm đốt tre lại với nhau, rồi đọc ba lần câu thần chú: ‘‘Khắc nhập’’. Dứt lời, ông tiên biến mất.
Cu Cậu chắp trăm đoạn tre lại với nhau, rồi ba lần đọc ‘‘khắc nhập! khắc nhập! khắc nhập’’. Tức thì những đoạn tre gắn liền lại với nhau mà thành một cây tre trăm đốt.
Cu Cậu mừng quýnh cúi xuống vác cây tre lên vai để đem về dâng ông trưởng -giả, nhưng cây tre dài quá, vướng vấp cành, rễ trong rừng, anh không sao mang ra nổi. Cu Cậu lại ngồi ôm mặt khóc hu hu, và ông Tiên lại hiện ra hỏi:
-Tại sao con khóc?
Cu Cậu lau nước mắt đáp:
-Thưa ông, dài quá con không mang ra được.
-Con hãy đọc ba lần cầu: ‘‘khắc xuất! khắc xuất! khắc xuất’’.
Quả nhiên cây tre lại rời ra từng đoạn như trước.
Cu Cậu sung sướng, vội xụp xuống lạy ông Tiên nhưng đã biến mất rồi. Anh ta liền chẻ hạt bó trăm đốt tre lại đội về nhà ông trưởng- giả.
Tới nơi Cu Cậu thấy trên nhà tấp nập những người. Họ đang cùng nhau ăn uống linh đình, cười nói vui vẻ, vì hôm ấy chính là ngày cưới cô Rốt, họ nhà trai đến đón dâu.
Buổi sáng ông trưởng- giả đánh lừa bảo Cu Cậu đi kiếm tre trăm đốt là cốt sai anh ta đi xa, đi thực xa để anh ta khỏi làm ngăn trở việc hôn -nhân của con gái. Ông thừa biết cô ả và Cu Cậu quyến- luyến nhau, nhưng khi nào ông lại thèm gả con ông cho thằng ở, dù thằng ở ấy là kẻ đã giúp nhà ông có thêm thóc đụn, của kho.
Ông vẫn tưởng anh lực- điền ngây dại chưa kiếm được cây tre trăm đốt, - mà kiếm sao được?
Thì chưa dám mò về, sợ ông giận không gả cô Rốt cho nữa. Ông sẽ đủ thời giờ đưa dâu về nhà chồng, một nhà hiàu có gấp hai nhà ông. Vài hôm nữa, khi nào Cu Cậu hai bàn tay không trở về, ông sẽ tìm cớ nói thoái- thác hoặc mắng át mấy câu là xong chuyện. Ông có ngờ đâu, giữa lúc hai họ đang chè chén tưng- bừng, anh lại dẫn xác đến như thế kia.
Vừa thấy Cu Cậu vào tới sân, trên đầu đội bó tre nặng, ông trưởng- giả vội chạy ra hỏi:
-Cây tre trăm đốt đâu?
Cu Cậu đặt bó tre xuống đất, đáp:
-Thưa ông, đây.
Ông trưởng- giả mắng:
-Đồ khốn nạn! Tao thách cưới một cây tre trăm đốt, chứ tao có bảo mày đi chặt một trăm đoạn tre đâu?
Cu Cậu tươi cười:
-Ông cứ để mặc con.
Rồi anh ta lúi húi xếp một trăm đoạn tre đang từ đầu sân đến cuối sân. Hai họ thấy vậy kéo ùa cả ra xem, kẻ cười người chế nhạo lao sao.
Liếc nhìn thấy họ mặc toàn quần áo mới đẹp, Cu Cậu ngờ vực hỏi:
-Các ông các bà đến làm gì đông thế?
Một người bên họ nhà trai vô- tình đáp:
-Hôm nay ngày cưới cô con gái ông chủ nhà mà không biết sao?
Cu Cậu ngơ- ngác:
-Cưới cô Rốt?
Họ lại trỏ một người nói tiếp:
-Chú rể kia kìa.
Cu Cậu căm tức toan bỏ đi ngay. Nhưng thấy ông trưởng- giả buông lời trách- móc và cúi xuống toan nhắc một đoạn tre của mình, anh ta liền thét:
-Khắc nhập! khắc nhập! khắc nhập!
Tức thì cả ông trưởng- giả lẫn một trăm đoạn tre dính lại nhau và nằm song song dưới đất. Ông ta kêu trời đất toan chỗi dậy, nhưng vẫn ôm chặt lấy cây tre ngất ngưởng dựng đứng giữa sân. Xưa nay thực chưa ai từng trông thấy một cây tre cao đến thế: cao chót vót chọc thủng đám mây vàng.
Nghe tiếng cầu cứu, ông thông gia chạy lại để lôi ông trưởng- giả ra. Cu Cậu thấy phép mầu- nhiệm khoái trá đọc luôn mồm:
Thế là cây tre trăm đốt lại có một người thứ hai đứng ôm thêm cho vững. Rồi đến lượt chú rể vào cứu cha, rồi lần lần họ nhập bọn, xúm xít chung quanh và đờ đẫn như đám rễ tre già.
Chỉ một mình cô Rốt đứng ngoài vừa khóc vừa nói:
-Ai bảo thầy lật lọng!
Cô van xin anh lực- điền:
-Anh Cậu ơi, anh tha cho thầy tôi, chả tội- nghiệp.
Nể lời cô Rốt, Cu Cậu đọc liền:
-Khắc xuất! khắc xuất! khắc xuất!
Trăm đốt tre và đôi bên hai họ lại rời nhau ra, Cu Cậu cười reo:
-Đã biết tay Cậu chưa?
Ông thông- gia cùng con trai và họ hàng sợ phép lạ bỏ ra về thẳng.
Còn ông trưởng- giả thì phải giữ lời hứa gả cho Cu Cậu.
Cu Cậu thích chí nghêu- ngao hát:
-‘‘Đã hứa phải gả cho ta.
Tuy là đứa ở nhưng mà có công’’
Câu ấy thành câu ca- dao.
HẾT
Bản scan: https://fliphtml5.com/oimsx/mnzs-Đánh máy: Thanh Vân
Nguồn: NXB Đời Nay 1941 - VNthuquan.net- Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 3 tháng 12 năm 2022