Tuần vacation vừa rồi về Việt Nam, cha con tôi về Huế thăm lại nơi mà tôi đã đưa mẹ tôi về với dòng sông Hương. Cha thẫn thờ lặng nhìn dòng sông và thì thầm như đang trò chuyện cùng mẹ. Huế vẫn đẹp và buồn. Mưa lất phất. Tôi tin rằng mẹ tôi đang khóc. Sau đó gia đình tôi cùng với bác Phong và bác Chắt trò chuyện nhắc lại những kỷ niệm về mẹ trong một bữa cơm tối thân mật. Có lẽ tôi là đứa con gái có cá tính giống mẹ nhất trong nhà, tôi mang ơn ai làm cho mình điều gì cho dù là điều nhỏ nhặt. Ngày tôi đưa mẹ ra Huế, hai bác nhiệt tình chu toàn với mẹ hết mực. Cái tình cảm bạn bè sao mà đáng trân trọng đến vậy. Phải, cha mẹ tôi đã – và đang có những người bạn như thế.
Trở về lại với thường nhật sau những ngày bên cha, nhiều cảm xúc. Những dòng vụn viết về cha…
Người ta hay nói, hầu hết đàn ông Huế khó tính và gia trưởng. Tôi thì không biết điều đó có đúng hay không chứ tôi đã sống chung với một người đàn ông Huế thực thụ hai mươi mấy năm trời mà không hề cảm thấy điều đó. Người đó chính là cha tôi.
Người Việt mình, nhất là người Huế có một “văn hóa” rất đặc trưng, đó là ăn cơm bằng mâm. Chiếc mâm cơm trong nhà tôi là vật đã chứng kiến biết bao kỷ niệm của gia đình. Có những ngày mẹ tôi bận rộn với công việc, vậy là người lo lắng cơm nước cho anh em tôi là cha. Cha tôi đó – tuy là người của công việc mổ xẻ đầy máu me, nhưng ông lại là một người đầy tài hoa. Tôi không phải quá khen mà sự thật là vậy. Ông nấu ăn còn ngon hơn cả mẹ tôi (không những chỉ riêng tôi mà cả chồng tôi cũng nhận xét vậy!). Ông chỉ nấu ăn cho vợ con. Nhìn ông mạnh mẽ trong công việc của một bác sỹ, không ai nghĩ rằng ông cũng là người luôn lo cho chiếc mâm cơm trong nhà luôn đầy đủ và ngon miệng.
Chiếc mâm cơm mà tôi đã ngồi bên hằng ngày trong suốt hai mươi mấy năm qua, còn là nơi để cha mẹ dạy dỗ anh em tôi. Khi tôi càng lớn thì gia đình càng ít thời gian ngồi bên nhau ngoài giờ cơm. Vậy là bên chiếc mâm ấy là nơi cha dặn dò, mẹ chỉ bảo, cũng là nơi để tôi kể chuyện trường lớp bè bạn. Có lần mẹ la tôi trong lúc đang ăn vì chuyện học hành, cha nhũn nhặn “trời đánh tránh bữa ăn, cho con nó ăn xong rồi mình la”… Vậy đó, cha lúc nào cũng nhẹ nhàng với tôi.
Không biết có phải hết thảy đàn ông Huế ai cũng lãng mạn như tôi đã từng nghe, riêng cha tôi phải nói rằng ông quá lãng mạn. Hồi đó nhà tôi có một khoảng sân nhỏ phía trước. Vậy là mỗi tối cha đều đặt ghế ra ngồi ngắm trăng và… làm thơ. Tôi còn nhớ lúc đó tôi cũng hay theo ông cùng ngồi mà chẳng ngắm trăng, chỉ đòi ông kể cho tôi nghe chuyện cổ tích. Không biết cha kể cho tôi nghe hàng mấy chục lần vậy mà mỗi lần nghe cha kể chuyện là tôi cứ “há miệng” ngồi nghe. Cha thương tôi lắm. Nhưng cũng rất nghiêm khắc. Nhớ có lần lúc tôi mới sáu tuổi, đi học mà không về nhà lại theo bạn bè la cà. Mải chơi quên cả thời gian, về đến nhà thì trời sụp tối. Vừa tới nhà thấy mẹ đứng trước cửa ngóng với vẻ mặt lo lắng, và cha cũng vừa trờ chiếc xe đạp tới sau khi quanh quất tìm tôi. Cha không nói không rằng mà lấy cái chổi lông gà quất vào mông tôi một roi đau điếng. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong đời cha đánh tôi. Ngồi bên mâm cơm ăn tối, tôi vừa thút thít xin lỗi thì cha gắp cho miếng thịt to nhất như là đền bù cho ngọn roi vừa rồi.
Trở lại chuyện “chiếc mâm cơm”, chỉ là một vật dụng bình thường nhưng lại mang theo biết bao hình ảnh thời ấu thơ của tôi. Cái ngày tôi vừa tròn ba tuổi đã lẽo đẽo theo chân cha mẹ lên tàu vô Sài gòn. Thời hậu chiến tranh, Huế khổ chi lạ. Tôi sinh ra thì cha đi làm một nơi xa, hai tháng tuổi đã phải vào nhà trẻ để mẹ trở lại công việc. Rồi vợ chồng con cái dắt díu nhau vô Sài Gòn mong thoát đổi được cái khắc nghiệt của Huế thời đó. Vào Sài Gòn rồi, ban ngày cha mẹ đi làm để anh em tôi thui thủi chơi trong căn nhà trọ khoá trái cửa bên ngoài. Đến trưa mẹ về nấu vội miếng cơm vừa lúc cha về, vậy là cả nhà quây quần bên chiếc mâm cơm được mẹ đậy lồng bàn cẩn thận. Mà tôi thích nhất là chén nước mắm cha hay xắn ớt tươi vào trong để ngay chính giữa mâm cơm. Mới ba tuổi đầu thôi mà tôi đã thích cái vị mặn mặn cay cay đó và thường xuyên chan vào chén cơm trắng nóng hổi vừa xuýt xoa vì cay và ngon lành ăn hết.
Gia đình tôi cũng dọn qua vài ba chỗ trọ và cuối cùng cha mẹ cũng tằn tiện chi tiêu tích góp mua được căn nhà nhỏ hiện tại. Mỗi lần dọn nhà mẹ đều đem theo chiếc mâm và cái lồng bàn cũ kỹ. Hình như đó là hai vật bất ly thân của bất kỳ bà nội trợ Huế nào (!??) Hồi sinh viên cũng ngày hai buổi chạy đến trường, dù thời gian nghỉ giữa giờ ít ỏi mà tôi lúc nào cũng tranh thủ chạy về nhà buổi trưa để ăn cơm. Suốt bốn năm đại học ngày nào tôi cũng được mẹ dành phần thức ăn ngon nhất để sẵn trong mâm có đậy lồng bàn. Hai mươi mấy năm trời tuy chiếc mâm và lồng bàn cũng đã thay cũ đổi mới bao lần, nhưng đó là hai vật luôn hiện diện trong bữa cơm gia đình tôi.
Mười mấy năm trời xa cha xa mẹ, mặc dù ngày nào cũng quây quần vợ chồng con cái cùng ăn cơm tối, nhưng không có hình ảnh của chiếc mâm và chiếc lồng bàn. Nhập gia tuỳ tục! Hình như tôi đã dần bỏ hết những thói quen thời còn sống tại quê nhà để hoà nhập với một vùng văn hoá mới. Cũng là bữa cơm gia đình nhưng không có chén nước mắm xắn ớt tươi đặt ngay giữa mâm mà thay vào đó là mỗi người có một dĩa gắp thức ăn riêng, ly nước riêng và thậm chí là nước chấm cũng riêng. Không có cái tô canh lớn để giữa bàn cho mọi người cùng múc vào chén cơm mà thay vào đó là mỗi người một chén soup để bên cạnh chén cơm và dĩa đựng thức ăn đã gắp riêng ra. Xuất giá tòng phu, và tôi cũng đã “tòng” đến những hơn mười năm trời và “tòng” luôn cả cái văn hoá khác xa với văn hoá quê tôi. Và tôi vẫn cảm thấy với hạnh phúc hiện tại của bữa cơm tối quây quần vợ chồng con cái mặc dù thiếu vắng chiếc mâm cơm.
Cha tôi – luôn dịu dàng và thương yêu vợ con hết mực. Cha luôn chia xẻ công việc nội trợ với mẹ. Với cha, không có quan niệm “gia trưởng” hay “chồng chúa vợ tôi”. Cha chưa từng lớn tiếng với vợ con. Có giận cha cũng chỉ nhỏ nhẹ bảo ban. Hồi nhỏ tôi luôn nói với cha mẹ, sau này không tìm ra người đàn ông giống như cha tôi thì tôi sẽ ở giá suốt đời. Phải, nhân cách của cha ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hiện tại của tôi.
Hôm trước lang thang trên mạng tình cờ đọc được một bài viết với tựa đề “Bay 1.400km chỉ vì muốn ăn cơm nhà với Ba Mẹ”. Bản thân tôi còn “bay” xa hơn tác giả bài viết. Tôi đã thường xuyên “bay một phần tư vòng trái đất chỉ vì muốn ăn cơm nhà với cha mẹ” trong suốt mấy năm qua từ khi mẹ tôi mang bệnh nặng. Mỗi lần tôi về nhà là cha mẹ loay hoay nấu cho tôi món này món kia. Giờ đây chỉ còn một mình cha. Cha là người hiểu nhất những món khoái khẩu của tôi mà. Cứ hầu như mỗi một – hai tháng tôi lại tranh thủ chuyến công tác rồi về thăm cha, ở với cha vài ngày, “bay một phần tư trái đất chỉ để ăn cơm với cha” … Có lẽ đó là điều mà tôi có thể làm cha tôi nguôi ngoai nhất trong lúc này.
Ngày xưa khi chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, mặc dù mong muốn nhưng cha mẹ đã không “ép” tôi phải theo con đường Y như xuất thân của cả cha lẫn mẹ, mà lại cho tôi tự lựa chọn theo ý thích của mình. Thật ra cũng một phần vì tôi không được thông minh như cha và giỏi giang như mẹ. Nhưng tôi vẫn luôn tự hào vì mình đã lựa chọn và đi trên con đường mặc dù đầy chông gai nhưng bước bằng chính đôi bàn chân của bản thân. Cha luôn ủng hộ trong cuộc sống cũng như trong công việc của tôi.
Từ lúc mẹ tôi bệnh, tôi đã có những “thực tế” tại nơi mà người ta gọi là bệnh viện mang tầm quốc gia. Tôi mang một mơ ước – đích thân tôi sẽ dùng hết những “sức lực và chất xám” để tự tay mình thiết kế một cái bệnh viện “thực thụ” cho quê hương.
Phải, bệnh viện ở xứ mình, tôi không thể dùng lời để tả hết những suy nghĩ trong lòng. Tôi còn nhớ rõ lúc mẹ tôi nhập viện phẫu thuật, tôi tức tốc bay về thăm mẹ ngày hôm sau. Bước chân vào cổng bệnh viện tôi không thể hết bàng hoàng. Người nằm la liệt ở hành lang, ghế đá. Leo lên tầng bốn nơi mẹ đang nằm, trên hành lang có quá nhiều người đang nằm san sát nhau không có kẻ hở để bước chân qua. Mỗi cái băng ca nhỏ xíu mà hai bệnh nhân với vết thương được băng bó chằng chịt chen chúc nhau nằm trên đó. Đây là một hình ảnh thực tế chứ không phải như những cảnh tượng trên phim mà tôi đã từng xem. Rồi cái ngày mẹ tôi xuất viện, mẹ phải ngồi trên chiếc xe đẩy vì chưa thể cử động được. Vậy mà để xuống được tầng trệt để lên xe về nhà, mẹ tôi với cơ thể đau đớn yếu ớt phải chờ ở trước thang máy hơn nửa tiếng đồng hồ. Trong bệnh viện có tất cả sáu cái thang máy. Khoảng năm phút một lần thang mới dừng ngang tầng bốn. Trong thang máy chật kín người. Nhiều thanh niên khỏe mạnh đứng bên trong. Thấy mẹ tôi chờ lâu trong cơn mệt mỏi. Sốt ruột nên tôi giữ thang lại và nói với mấy anh thanh niên khỏe mạnh chịu khó đi thang bộ, người bệnh đang ngồi xe đẩy cần xuống dưới tầng trệt mà phải chờ lâu quá. Đáp lại lời tôi là một sự im lặng và hai cánh cửa thang máy đóng lại một cách lạnh lùng. Hai giọt nước mắt của tôi trào ra không kiềm chế. Một phần vì xót cho mẹ tôi đang đau đớn mệt mỏi. Một phần vì cái “tình người” của những con người chung quanh tôi sao bị đánh mất một cách dễ dàng đến vậy…
Giờ đây ước mơ nhỏ nhoi của tôi đã trở thành hiện thực. Khi mẹ tôi trong cơn hôn mê trước lúc mất, tôi nhận được tin từ công ty là tôi sẽ là thành viên chính thức trong nhóm chuyên gia thiết kế bệnh viện cho một thành phố ở Việt Nam. Tôi thì thầm với mẹ và tin rằng mẹ nghe được những lời của tôi và vui vì điều đó. Có người bảo tôi sống không thực tế, cứ mãi đeo đuổi lý tưởng và ước mơ. Tôi hiểu chứ, hiểu rõ là đằng khác, hiểu rằng giống như bỏ một vốc muối vào giữa biển. Muối chẳng thể làm nước biển thêm mặn. Nhưng dù sao tôi vẫn muốn dùng hết “chất xám” và kinh nghiệm trong mười mấy năm làm việc xứ người, để mang những kỹ thuật mới nhất về cho quê nhà. Một nhà triết học người Pháp, Jean Paul Sartre có câu “The best work is not what is most difficult for you, it is what you do best!”.
Viết những dòng vụn vặt sau một chuyến đi, và sau một sự chiêm nghiệm lại những trang sách mẹ tôi để lại. Một cuốn sách với những ưu tư, yêu thương, lo lắng thấm đẫm tình cảm người mẹ, người vợ, người bà, đồng môn và đồng nghiệp dồn ứ lên đầu ngọn bút. Một bệnh nhân cảm nhận tất cả những đau đớn của mình để viết lại trên hơn một trăm trang sách. Tôi thật sự cảm phục nghị lực sống thật mãnh liệt của mẹ với tư tưởng tân tiến của một người phụ nữ Huế, tiên phong cho việc không giữ lại tro cốt thờ phượng, nghĩa là không muốn lưu dấu cả nấm mồ. Muốn cho người ở lại không phải ưu tư, khuôn khổ đi về thăm nom … Người nghệ sĩ của tự do muốn buông xả mọi ràng buộc cuộc đời …Nhưng, hình ảnh của mẹ vẫn luôn in dấu sâu đậm trong tim của cha con tôi.
We love and miss you most, mother. Because we still needed you in our lives.
Trâm Anh
Nguồn: Trang Huế Online-HUẾ CỐ ĐÔ
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 30 tháng 11 năm 2024