MỘT lần nữa, tác giả xin trân trọng nhắc lại là mặc dầu dựa vào thực tế địa lý và thời sự, những tình tiết và nhân vật mà bộ truyện này chứa đựng chỉ là sản phẩm của tưởng tượng sáng tác. Bởi vậy, trong muôn một, nếu có sự gần gặn hoặc trùng hợp với sự thật ngoài đời thì đó chỉ là ngẫu nhiên ngoài ý muốn và trách nhiệm của người viết.
NGƯỜI THỨ TÁM
Nếu quả có thật thiên đàng hạ giới,
Thì phải đến nơi đây,
Vâng, phải đến nơi đây,
Mới tìm thấy thiên đàng.
(tạm dịch những giòng chữ vàng được khắc trong cung điện ngàn một đêm lẻ của một vì vua Ấn độ. Cung điện này tọa lạc trong khu cổ thành Tân Đề li, thủ phủ cộng hòa Ấn độ.)
I
Gặp gỡ bất ngờ
ĐỜI chàng đã quá quen với những sự bất ngờ nên chàng đinh ninh chuyến đi Ấn độ này cũng phẳng lặng như các chuyến đi trong dĩ vãng. Nhắm nghiền mắt, chàng có thể nhớ lại không sai một li vị trí từng nốt ruồi son, nốt ruồi ám tướng, và kích thước những vết thẹo trên thân thể Nàng (1). Bởi vậy, Văn Bình nhắm nghiền mắt cũng nhìn thấy mọi người ở phi trường Sápđátzăn (2) đang co ro trong quần áo chống lạnh.
Sápđátzăn là phi trường của Tân Đề li, và Tân Đề li là thủ phủ của xứ càri chà và, xứ bò thần lang thang. Nói nôm na qua xứ Ấn độ, ở Tân Đề li chỉ được phép uống rượu trong phòng cửa đóng kín mít. Ở phía bắc, khí hậu thật ác ôn, khắc nghiệt. Lúc nóng thì nóng chảy mỡ, hàn thử biểu phóc lên 45°C. Khi lạnh thì lạnh teo người. Tháng giêng đầu năm ở Sàigòn, trai gái phải mặc đồ nhẹ thì ở Tân Đề li là cuối mùa rét. Văn Bình đã thận trọng khoác cái pardessus dày cộm lên người, bên trong có có com-lê len cũng dày cộm, kèm thêm cái mũ phớt và cái phu-la len cũng dày cộm.
Khoảng này năm ngoái, hàn thử biểu tụt xuống 6°C. Thiên hạ đua nhau thử bom nguyên tử nổ ì ầm trên không, chắc chắn năm nay hàn thử biểu còn tụt xuống nhiều nữa. Phi cơ chưa hạ cánh, Văn Bình đã ôm ấp những giấc mơ ấm áp trong phòng khách sạn gắn máy sưởi, bên cạnh những cô gái cũng có máy sưởi thiên nhiên (3)
Nhưng đến khi cửa phi cơ mở rộng, ánh nắng gay gắt ùa vào, và cùng với ánh nắng là cơn gió nóng như từ lò nướng bánh phóng tới, Văn Bình mới vỡ mộng.
Những sự bất ngờ lần lượt xảy ra.
Trời ơi, nóng ơi là nóng! Văn Bình tự cho mình là du khách thành thạo nhất, té ra chàng chỉ là hành khách quê mùa hạng nhất vì chàng là quái nhân độc nhất chưng diện đồ ngự hàn trong khi già, trẻ, lớn, bé đều mặc quần áo mỏng phe phất. Chàng cởi bỏ thật nhanh, song cũng đã mất 2 lít bồ hôi là ít. Mất 2 lít bồ hôi, theo quan niệm y học thông thường, chàng phải tiếp tế cho bao tử 2 lít nước. Chàng không khoái nước, dầu là nước ngọt đóng hộp hơi gaz phun xì xì, chứ không phải nước lạnh nhạt phèo. Chàng chỉ khoái nước … Lưu Linh. Khốn nỗi, nước Lưu Linh là món quốc cấm ở Ấn độ. Nếu là ở nước nào khác, Văn Bình chỉ cần tạt vào nhà hàng phi trường, xỉa tờ bạc xanh đổi lấy chai huýt ky thượng hảo hạng. Rồi chàng muốn uống tại chỗ, hay xách đi tùy ý. Nhưng ở đây, chàng phải nhịn thèm. Ấn độ gồm 16 tiểu bang, mà chỉ có 3 không cấm rượu (4). Thủ đô Tân Đề li (5) nằm trong danh sách cấm rượu.
Những du khách gắn bó với ma men như điệp viên Z.28 đừng hòng nhấm nháp rượu ngoài đường lộ. Dĩ nhiên, họ được phép uống rượu, song muốn mua rượu, họ phải xin sẵn giấy phép. Hỡi ôi, ra đến phòng kiểm soát quan thuế, con sâu rượu Văn Bình mới sực nhớ quên mang theo 2 giấy phép tối quan trọng: T.I.C và A.I.L.P. (6), nghĩa là những cẩm nang giúp chàng kiếm được … chất cay.
Chàng trèo lên taxi, miệng khô nóng như người mắc bệnh bạch hầu. Trời nắng xiên khoai đã đành, không khí lại đầy bụi. Chàng thở toàn bụi nên càng khát thêm. Lệ thường, không ai ra đón chàng. Và sau khi yên vị, taxi đã chạy được một quãng, chàng không quên nép sang bên, quan sát phía sau để hễ thấy xe nào khả nghi rượt theo là đối phó thích ứng. Taxi chạy ì ạch, nên Văn Bình thấy rõ một chiếc xe sơn đen bám đuôi như bóng với hình. Nhưng chàng lại chẳng buồn phản ứng. Chàng còn bận liếm mép thưởng thức những giọt huýt ky vô hình. Tài xế bắt gặp cử chỉ của chàng trên mặt kiếng chiếu hậu. Không ngoảnh lại, hắn hỏi chàng, giọng cung kính:
-Sahib cần gì ạ?
Sahib tương tự với tiếng « ngài » trong Việt ngữ. Gia nhân thường gọi ông chủ là sahib. Văn Bình tiếp tục liếm mép:
-Khát quá!
Tài xế cười:
-Ngài có giấy L.P. chưa?
Văn Bình lắc đầu:
-Chưa. Đến nơi mới xin.
-Nghĩa là hiện giờ ngài cần rượu?
-Ừ.
-Ngài cần rượu gì?
-Huýt ky. Thứ nhập cảng.
Văn Bình nhấn mạnh 2 chữ « nhập cảng » vì uống huýt ky bản xứ chỉ tổ nhức đầu và sưng cuống họng. Tài xế taxi gạ bán rượu là chuyện lạ đối với Âu châu, nhưng ở xứ càri, nó chẳng lạ tí nào. Hơn một lần, chàng đã mua rượu cũng như mua tình trên xe taxi.
-Thưa ngài, tôi có loại Đen và Trắng (7).
-Bao nhiêu một chai?
-40 Rs (8).
-Có mấy chai?
-Thưa, hai.
Kiếm được 2 chai Đen và Trắng ở Tân Đề li với giá 40 Rs (9) là 1 kỳ công (đáng ghi vào lịch sử bợm nhậu quốc tế). Cho dẫu có giấy phép L.P. nghênh ngang, cũng chỉ được mua tối đa mỗi tháng 4 chai là cùng (10). Lẽ ra Văn Bình phải tươi rói, và móc bóp phơi lấy tiền trả cấp tốc, sợ rềnh rang tài xế đổi ý. Nhưng, mặt chàng vẫn lạnh như tảng băng trên đỉnh Hy mã lạp sơn hùng vĩ. Taxi sắp đến khách sạn. Chiếc xe sơn đen thất đức vẫn lẽo đẽo cách sau chưa đầy 100 mét. Chàng hỏi tài xế:
-Rượu đâu?
Tài xế lấm lét nhìn 4 phía. Trước khi luồn bàn tay xuống dưới băng xe, hắn thủ thỉ:
-Xin ngài cẩn thận, người ta biết thì khổ.
Hai chai huýt ky được gói bằng giấy nhật trình đàng hoàng. Văn Bình mở ra coi. Ánh nắng xuyên qua kiếng chắn gió xe hơi vờn múa lung linh trên chai rượu màu hổ phách óng ánh. Chàng đã thèm huýt ky hết nổi. Chàng có thể tu luôn một hơi cả chai. Tài xế đậu dạt vào lề trái. Hắn cầm tiền của Văn Bình, dáng điệu khoái trá. Văn Bình nhìn hắn trân trân. Thay vì khui rượu, chàng lặng lẽ buông chai xuống nệm xe. Chàng gằn giọng:
-Anh khoái trá lắm hả?
Tài xế giựt mình:
-Thưa sahib, không. Để tôi khui cho.
-Khỏi cần. Anh lấy hai chai rượu khốn khiếp này ở đâu?
-Thưa ngài, tôi lỡ dại.
Trên nắp nút bấc, Văn Bình khám phá ra hai lỗ nhỏ như đầu kim. Bằng hai lỗ nhỏ này, người ta dùng xơ ranh hút rượu thật và bơm rượu giả vào. Cái trò bơm rượu giả khá thịnh hành ở Sàigòn, Văn Bình chỉ liếc qua là biết. Chàng xách tai tài xế:
-Lỡ dại như thế nào?
Tài xế khúm núm:
-Xin ngài tha tội. Đây là rượu giả.
-Rồi sao nữa?
-Cháu xin hoàn lại 80 Rs cho ngài.
-Hừ … người ta thuê anh bao nhiêu?
-Thưa, thưa sahib … thuê 1.000. Cháu đang đậu xe ngoài phi cảng thì có người đến dúi vào tay 1.000 đồng, nói là chở ngài về trung tâm thành phố, rồi gạ bán rượu huýt ky cho ngài.
-Người ta dặn bán bao nhiêu tiền?
-Thưa … không dặn gì cả.
-Hừ … anh là đồ ngu, người ta cũng là đồ ngu như anh. Mở rộng tai, để tôi cắt nghĩa: một chai huýt ky Đen và Trắng rẻ ra cũng 150 Rs, hai chai là 300, đó là giá mua trong tiệm có giấy phép L.P., còn mua lậu thì giá gấp đôi, 600 hoặc 700 đồng. Vậy mà anh bán có 80 đồng. Cho nên tôi biết ngay là rượu giả.
-Xin ngài tha tội.
-Uống thử một hớp rồi tôi tha tội.
-Cháu không dám.
-Hừ … anh không dám uống vì rượu huýt ky này được pha thuốc độc. Anh vừa nói dối. Anh không phải là tài xế taxi lương thiện, vì ham tiền nên đâm đầu bán rượu giả. Lẽ ra tôi tặng anh một cú atémi, và sau đó ném cái xác hôi hám của anh xuống sông Yamuna.
Tài xế run như cầy sấy:
-Cháu cắn rơm, cắn cỏ lạy ngài tha cho.
Văn Bình cười gằn, tát nhẹ vào mặt tài xế. Nạn nhân ngã gục xuống băng. Chiếc xe hơi đen đã thắng lại phía sau. Trong tầm xa này, bọn địch ngồi bên trong khó thể dùng súng chính xác. Vả lại, đường đi đông như trảy hội, chàng thoát khỏi xe, dễ dàng lẩn vào đám khách bộ hành phục sức đủ kiểu, và bò cái, dê cái, ngựa kéo xe, lừa thồ hàng. Trong trường hợp chàng chậm chân, đã có sẵn những cảnh sát viên mặc đồng phục kaki, đội khăn đỏ đứng sừng sững trước mũi taxi. Chàng bèn giơ tay vẫy hai gã đàn ông cao lớn vừa mở cửa chiếc xe hơi đen, sửa soạn đặt chân xuống đất. Chàng thấy miệng cả hai đều mở rộng, nhép lên nhép xuống liên hồi. Chắc họ đang xổ nho với chàng.
Văn Bình nói thạo, nghe thạo tiếng hindi, tiếng nói của phân nửa trong tổng số 530 triệu dân Ấn (11).
Ngoài ra còn 13 tiếng nói thông dụng khác mà chàng không biết, hoặc biết lờ mờ, chưa kể 250 thổ ngữ. Chàng có cảm tưởng là hai tên địch đang xổ nho bằng thổ ngữ. Chàng vọt nhanh từ vỉa hè vào mái hiên. Và trong chớp mắt, chàng đã hòa mình vào làn sóng người, vật cuồn cuộn.
Đồng hồ tay chỉ 5 giờ.
Hồi còn đi học, Văn Bình thắc mắc nhiều lần về ý nghĩa của những chữ « nắng quái chiều hôm ». Thày giáo đã giảng giải cặn kẽ. Tuy nhiên, quê hương của chàng nằm gọn trong một vùng rừng núi ngoạn mục nên 4 mùa xuân, hạ, thu, đông có nhiều thứ nắng hoàng hôn mà không thể tìm thấy « nắng quái chiều hôm ». Mặt trời màu vàng cam tròn trạnh một cách sống sượng đang treo lơ lửng dưới những đám mây uất nghẹn. Những tia nắng do nó tỏa xuống thành phố nhung nhúc sinh mạng này đúng là « nắng quái chiều hôm ». Không khí nặng nề làm nghẹt buồng phổi như thể đứng gần ống sắp măng xe cam nhông to tướng, màu nắng thì đỏ chẳng ra đỏ, vàng chẳng ra vàng. Nó gây ra sức nóng đen da, rám thịt đã đành, nó còn gây ra ảo ảnh thị giác, mắt tóe đom đóm, đầu óc nhức mỏi kinh khủng.
Văn Bình dừng lại, rút mù soa lau bồ hôi chảy đầy mặt. Nắng quái, nắng quỷ, nắng ôn dịch làm ống thực quản của chàng cứng đét. Khi ấy, giá phải đổi một triệu đồng lấy chai huýt ky chính hiệu, chàng cũng không ngần ngừ một giây đồng hồ nào. Chàng thở dài, kêu xích lô máy. Khách sạn Sứ Thần ở đâu đây, song chàng cảm thấy cặp giò nặng chình chịch như bị đeo gông xiềng (12)
Mahan đã đặt phòng cho chàng từ trước nên chàng chỉ mất đúng một phút để làm thủ tục. Ấn là quốc gia tự do, công an không dòm ngó du khách, lữ quán khỏi trình báo lôi thôi, nên khi chàng nói với nhân viên tiếp tân là đã ghi tên thì lập tức được đón tiếp bằng cái chắp tay, cúi đầu cung kính, kèm theo tiếng chào cố hữu « na-máts-tê », rồi một anh bồi phục sức chỉnh tề cung kính sấn lại, cung kính xách cái va li nhẹ tâng của chàng, hướng dẫn chàng vào thang máy lên phòng. Mahan là phụ tá giám đốc trú sứ của Sở tại Tân Đề li và các tiểu bang kế cận. Ấn độ rộng mênh mông, nước Nam Việt của ông Hoàng và của Văn Bình chỉ nhỏ bằng một tỉnh nhỏ. Thế mà ông Hoàng đã mầy mò kiếm được đủ nhân lực và tài lực để sắp đặt tai mắt ở khắp các tỉnh. Cấp trên của Mahan là một ông đại tá già. Dưới quyền ông có một phụ tá, và Mahan được coi là phụ tá nặng kí nhất. Văn Bình chỉ biết chứ không quen thân Mahan. Hắn là thổ công ở địa phương. Hắn chọn lữ quán Sứ Thần không phải là không có dụng tâm. Theo lời hắn -những lời được ghi chép đàng hoàng bằng máy chữ trên giấy trắng mang tiêu đề của Sở, chàng được đọc ở Sàigòn- lữ quán Sứ Thần tọa lạc gần trường bay Sátđátzăn nên sự hiện diện của điệp viên Z.28 có phần được kín đáo hơn. Chàng thích những công viên cỏ xanh mướt, thích thắng tích nổi danh thì đây, lữ quán Sứ Thần được xây cất trong một khu vực có nhiều công viên và thắng tích. Kể ra, nếu ông tổng giám đốc cho phép chàng lựa nơi ngả lưng, chàng đã gạt lữ quán Sứ Thần ra rìa. Vì tuy nó là lữ quán hạng sang thật đấy, song chưa được liệt vào danh sách thượng đẳng như Oberoi Liên đại lục, mặc dầu nó được điều hòa khí hậu toàn diện, lạnh cũng như nóng, có phòng uống rượu riêng biệt, hộp đêm, phòng tắm hơi, phòng hớttóc, và mỹ viện. Mới rà chân xuống Ấn độ, chàng đã thấy Mahan bố trí trật lất. Hắn đinh ninh không ai khám phá ra sự hiện diện của chàng, không ngờ chàng vừa đến phi trường đã bị bám sát từng bước. Biết thế, chàng thuê phòng ở Asôka cho sướng cái thân.
Lần đầu chàng trọ ở khách sạn Sứ Thần nên chàng không quen ai. Giấy phép mua rượu chưa xin, lại lạ nước lạ cái, chàng sẽ phải tiếp tục đình công cái miệng Lưu linh là cái chắc. Kế hoạch hành động cho biết Mahan sẽ liên lạc với chàng ngay sau khi chàng đến nơi. Bởi vậy, chàng cầu mong chuông điện thoại reo vang. Trước khi bàn chuyện, chàng sẽ yêu cầu phó giám đốc trú sứ Mahan mang lại một chai huýt ky thơm phức.
Nhưng sự bất ngờ thứ 2 đã xảy ra …
Chàng rúc đầu dưới cái hoa sen trong buồng tắm để rũ bỏ bụi bặm và cơn nóng bức trái mùa. Chàng nhắm nghiền mắt, tận hưởng cái thú thần tiên của những tia nước mát rợi chảy xuống cổ và lưng. Lát sau, vì nước luồn vào lỗ tai, chàng phải lấy khăn bông trên tường để lau khô. Và tình cờ chàng phăng ra một sợi giây nhỏ lăn tăn màu trắng. Tường phòng được lót gạch men màu trắng nên người tinh mắt và có thói quen quan sát mới nhìn thấy sợi giây. Chàng men theo sợi giây đến góc phòng, nơi chôn dấu cái loa khuếch âm chỉ nhỏ bằng nửa đồng xu. Sợi giây chẻ làm 2 nhánh dẫn ra phòng ngoài và ở đó chàng lại tìm thấy 4 ống loa khuếch đại khác, được ngụy trang hết sức khéo léo sau cây đèn lămpađe dưới bàn xa lông và gần cửa vào. Hệ thống ghi âm này chỉ có tính cách tiếp vận. 1 số phần điện tử khác được thiết trí trong đường kính vài ba trăm mét sẽ thu những tiếng động trong phòng chàng vào băng nhựa. Kẻ gắn trộm bình thường đã phải mất khá nhiều thời giờ. 1 người chuyên nghiệp làm thì mất nửa giờ, nghĩa là họ có đầy đủ thời gian và đầy đủ phương tiện.
Họ là ai mà biết trước điệp viên Z.28 thuê phòng tại đại lữ quán Sứ Thần?
Văn Bình ngồi phịch xuống giường. Và chàng nhìn thấy một sự bất ngờ khác.
Sự bất ngờ thứ 3 trong ngày.
Sự bất ngờ này là cuốn sách khá dày, đặt trên bàn đêm, gần máy điện thoại, trong tầm tay chàng. Cuốn sách này được đóng gáy đỏ, mạ chữ vàng chói lọi, trên bìa có hàng chữ lớn « Kama Sutra », phía dưới là chữ V.S. Đối với chàng, thì Kama Sutra hoặc V.S. không phải là chuyện lạ. V.S. tức là Vatsya Yana, người đã soạn cuốn Kama Sutra từ 800 năm trước. Tác phẩm được coi là kỳ lạ vì tất cả những điều gì liên quan đến tình yêu xác thịt của con người đều được đề cập tới tỉ mỉ trong đó. Nào là tình yêu nam nữ thanh niên, tình yêu vợ chồng, tình yêu ngoại hôn, tình yêu với điếm thần, những cô gái còn trinh được gia đình bán khoán cho thần linh. Văn Bình đã đọc đi đọc lại hàng chục lần kinh tình Kama Sutra. Càng đọc, chàng càng say mê, chàng nghiền ngẫm nhiều lần đến nỗi nhớ thuộc lòng từng đoạn. Vẫn biết người Ấn coi nó là bộ sách quý, nhưng ban giám đốc các lữ quán chưa hề chưng bày trong phòng cho khách trọ thưởng thức. Thế tất đây là dụng ý. Nhưng là dụng ý của ai? Chàng không dám cầm cuốn sách bìa cứng lên tay. Trong quá khứ, hơn 1 điệp viên đã thiệt mạng oan uổng và lãng nhách vì chất nổ giấu trong sách. Phương pháp giấu chất nổ này rất giản dị: người ta khoét lỗ trong ruột sách, nhét đầy thuốc nổ, hễ cuốn sách được nhấc lên, hoặc bìa sách được mở ra là « ầm … ầm … » thần Chết xuất hiện. Địch đã bám sát chàng từ trường bay về thành phố. Địch đã gắn máy ghi âm bí mật trong phòng khách sạn, tất địch không nề hà gài bom lát tích.
Chàng đang suy nghĩ miên man thì chuông điện thoại reng vang. Trong lúc này, chàng đợi chuông điện thoại sốt ruột hơn cả con đợi mẹ đi chợ mua quà. Tuy vậy, chàng cố nán thêm lát nữa. Nếu có việc cần, người ta sẽ không cúp ngay. Chàng ráng chờ một phút, đề phòng máy điện thoại bị gắn chất nổ. Chàng rón rén nhấc ống nghe. Từ điện thoại vẳng ra giọng nói ồm oàm quen thuộc:
-Xếp hả?
Giọng nói rất quen thuộc, song Văn Bình chưa nhận ra ai. Chàng áp ống nghe vào tai, thở nhè nhẹ, nhưng không cất tiếng. Mục đích của chàng là dùng sự im lặng để thúc giục người đối thoại nói trước:
-Xếp hả, đại tá Z.28 hả?
Văn Bình biết ngay không phải Mahan. Hắn phải tiếp xúc với chàng, song bằng mật khẩu. Những mật khẩu này đã được quy định sẵn, không được thiếu cũng như không được thừa một chữ. Thủ tục tiếp xúc cũng quy định rõ ràng là Mahan phải xưng mật khẩu trước. Chàng bèn hỏi lửng lơ:
-Tôi đây. Ai đó?
Vẫn giọng nói ồm oàm:
-Hà hà … mỏa đã nhận ra tiếng nói của xếp. Nè toa, toa chưa nhận ra mỏa hả?
Văn Bình vốn ghét lối xưng hô « toa », « mỏa ». Thân thiết đến như Lê Diệp, chàng cũng gọi là « anh », hoặc bằng « cậu ». Kẻ xưng hô « toa, mỏa » ngọt sớt ở cuối đường giây chắc phải quen chàng từ lâu và quen chàng đậm đà. Chàng đáp thõng:
-Chưa.
-Hà hà … mỏa đây, Z.28 ơi … Mỏa nhớ toa và mang ơn toa muốn chết. Giờ đây mới được gặp. Mỏa là 29 đây.
-Z.29?
-Cóc khô. Mỏa không dính đến Zét, đến Zót gì cả. Mỏa là KS.29.
Hai tiếng KS.29 như thùng nước đá lạnh dội xuống đầu Văn Bình một đêm đại hàn!
Chú thích:
(1) xin chú ý, chữ « Nàng » ở đây được viết hoa.
(2) tức Safdarjang, ở phía cực nam thành phố.
(3) mùa đông ở Tân Đề li kéo dài từ trung tuần tháng 11 dương lịch đến tháng 2. Có khi hàn thử biểu chỉ 4°C. Mùa xuân từ tháng 3 đến giữa tháng 4. Mùa du lịch tốt nhất là khi trời mát.
(4) 3 tiểu bang thần tiên này là Bengal, Bihar, và Cát-sơ-mia ( Kashmir). Còn 3 tiểu bang triệt để cấm rượu là Maharastra, Gujrât, và Madras.
(5) New Delhi, Nouvelle Delhi.
(6) T.I.C là Tourist Introduction Card và A.I.L.P. là Alai-India Liquor Permit (tức giấy giới thiệu du khách với các cơ quan, và giấy phép mua rượu mạnh trên toàn nước Ấn độ). Khi được cấp chiếu khán, du khách được cấp luôn 2 giấy này. Nếu thiếu hoặc quên giấy phép rượu mạnh thì không thể mua rượu.
(7) tức là huýt ky Black and White.
(8) Rs là đồng rupie Ấn. Theo hối xuất chính thức năm 1970, 1 mỹ kim ăn 7,50 Rs.
(9) tưởng cần biết thêm 1 Rs ăn 100 Naya Paisa ( nP). Trước năm 1960, 1 Rs ăn 16 annas. Hiện người Ấn xài cả nP lẫn annas. Mua đồ trái cây, thuốc lá và các món ít tiền thì bằng annas.
(10) tuy vậy, mỗi tuần chỉ được phép mua tối đa 2 chai rượu mạnh. Nếu không, mua 1 chai rượu mạnh thì có thể mua 3 chai rượu vang và 1 số la de.
(11) đây là con số năm 1970.
(12) tức là đại lữ quán Ambassador, ở Sujan Singh Park, gồm 90 phòng, đầy đủ tiện nghi.
Chương I
Tiến >>
Đánh máy: tran datrau2022
Nguồn: tran datrau2022 - VNthuquan.net-Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 21 tháng 4 năm 2022