Cô gái trong điệu nhảy loạn cuồng

andrew lâm

dịch giả:trịnh y thư

Cô lớn lên như một đứa con gái tomboy, đánh gậy bóng chày giỏi hơn thằng em trai mình, có thể đá văng cặp kính ra khỏi mặt một thằng con trai, và vì thế cô không gần với mẹ lắm. Cô chẳng thấy mẹ mình có gì đáng yêu kính. Bà là người với một thân hình đẫy đà, có tật ngồi lê đôi mách, luôn tay luôn chân công việc nhà cửa, lại nợ nần cờ bạc, chẳng bao giờ thích hoạt động ngoài trời, vì quá quan tâm đến những chuyện trong gia đình nên bà chẳng hề đi đâu thăm thú thế giới, đại dương này nọ, ví dụ, bầu trời xanh chẳng có gì cho bà quan tâm, thấy thú vị.

Ngược lại, con bé là một cô gái nghịch ngợm hay cười và thích chơi đùa, thích thể thao, thích phim kung fu, thích đấu võ, thích được người khác thích mình, thích con trai.

Con bé đặc biệt thích đi chơi với Papa, ông trước đây là một trung sĩ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến của quân đội Nam Việt Nam, một sát thủ từng được đào tạo trong chiến tranh, hoặc cái gì đó nguy hiểm tương tự, nhưng lúc đó cô còn quá bé để nhận biết một cách chắc chắn. Thực ra, điều đó không quan trọng. Đối với cô, ông là một người đàn ông hiền lành. Ông dạy cô cách móc con giun vào lưỡi câu cá, cách ném, và phải im lặng để cá đến. Cô cũng học được từ ông cách chuyển động theo nhịp điệu của đại dương, biết cảm nhận chiếc thuyền lắc lư như thế nào, biết trân trọng sự cô đơn của ông; ông già đôi khi trông giống như một bức tượng đá, có lẽ một sinh vật cổ xưa, nhưng nếu có con cá dính câu, thì ông bỗng bừng lên sống động mạnh mẽ.

Gầy gò, mỏng manh và nhỏ bé đến thế, ai có thể nghĩ rằng một con bé thích nghịch ngợm, liệu có trở thành một phụ nữ xinh đẹp?

Nhưng rồi đến năm mười sáu tuổi, cô trổ mã. Cái đẹp cứ thế nở ra từ bên trong như những đóa snapdragondaffodil. Một đóa hoa nở muộn, mọi người nói như thế, và hoa nở muộn thì chẳng bao giờ tàn phai. Thật đẹp, thật duyên dáng; mông vú nảy nở, mái tóc đen nhánh chảy dài như tơ, nụ cười rạng rỡ, và cô có sự nhanh nhẹn của một con linh dương, sự nín thở của một con bồ câu đang bay.

Tại một bữa tiệc ăn tối được tổ chức mừng sinh nhật lần thứ năm mươi của ông bố, tất cả những gã đàn ông có mặt cố không nhìn cô lúc cô đem đồ uống cho mọi người. “Không thể là con bé đó được!” Họ cứ kháo nhau như thế, trong lúc ông bố cả cười, “Chính là con bé nghịch ngợm của tôi chứ còn ai vào đây. Chính nó đấy.”

Một người trong nhóm bạn lính của bố cô, người trẻ nhất, hiện là một nhà buôn bán địa ốc thành đạt và mới ly hôn, công khai tán tỉnh cô. “Cưới anh nhé,” hắn ta bảo con bé, “em là người đẹp nhất trên đời!” “Được thôi, chú, bất cứ lúc nào chú muốn,” cô trả lời người đàn ông và ngồi lên đùi hắn theo cách cô vẫn làm từ khi còn con nít, “và cháu muốn chú mua cho cháu một lâu đài trên đồi!”

“Bất cứ điều gì em muốn!” hắn ta nói. “Bất cứ điều gì, công chúa của anh,” và tất cả bọn họ đều phá lên cười, nhưng cô thoáng trông thấy cặp mắt nhíu mày không vừa ý của ông bố nhắm về mình trong nửa giây. Nó là con bé tomboy bé nhỏ của tôi, ông bố lại nói với mọi người, và lẽ tất nhiên, cô trả lời ông, Papa ơi, lúc nào cũng vậy, Papa biết điều đó mà. Nhưng sau đó, khi khách khứa ra về hết, ông tát cô một cái nổ đom đóm. Mày hành động như một con điếm, ông lạnh lùng bảo cô, nhưng vang vọng trong cái tát đó cô nghe lời thì thầm của gã đàn ông bạn ông bố lúc chào từ biệt ra về – Em thật là ngon đếch chịu được! – và gần như bật cười thành tiếng.

Ngon đếch chịu được đến nỗi nhan sắc của con bé trở thành một lời nguyền, không còn thích hợp nữa cách cô từng sinh sống trong chính ngôi nhà của mình, cách cô đi lại trong căn nhà đông người giờ đây hoàn toàn khác hẳn; ngon đếch chịu được đến nỗi sự căng thẳng không ai nói ra ngày càng gia tăng giữa cô và các chị em gái vốn thua xa cô về nhan sắc; ngon đếch chịu được đến nỗi anh em trai phải tránh nhìn cô và không chơi đấu võ với cô nữa; ngon đếch chịu được đến nỗi mẹ cô trở nên lạnh lùng và xa cách hơn; ngon đếch chịu được đến nỗi năm mười bảy tuổi cô bỏ nhà ra đi.

Dù sao chăng nữa thì cũng đã đến lúc cô phải bước ra ngoài nhìn xem thế giới ra làm sao. Cô lặng lẽ đóng gói áo quần và nói lời tạm biệt với gia đình, họ phản đối, nhưng cô tự hỏi chẳng phải những người phụ nữ trong gia đình đã kín đáo lộ vẻ mừng vui khi thấy cô khăn gói ra đi đấy sao?

Họ khóc, và cô cũng khóc, nhưng cô đã đi. Đến trường đại học ở miền Bắc, cô gặp một người đàn ông rồi một người đàn ông khác rồi một người đàn ông khác nữa. Thực ra, đàn ông đủ mọi loại người, đủ mọi màu da và chủng tộc, đổ xô đến với cô.

Đàn ông mạnh mẽ, trẻ trung, gợi cảm, đẹp trai và thông minh, đàn ông tham vọng, giàu có và nghèo đói. Những người đàn ông yêu cô và cô nghĩ là cô cũng yêu lại họ. Cô có tất cả sự duyên dáng trời phú cho một người đàn bà. Lại thông minh và có trí tưởng tượng phong phú, một người thú vị và vui tính, cô còn biết nhảy cha-cha-cha, nhảy pasodoble và tango. Cô duỗi chân một cách thoải mái như con thiên nga duỗi đôi cánh trắng như tuyết, cô mỉm cười, cổ họng kêu gù gù khi người tình đi vào cô, những buổi trời mưa, một tiếng thở dài của cô cũng có thể làm nên một câu thơ – cô chẳng phải là người bạn tuyệt vời của bất kỳ gã đàn ông nào, một người vợ ngoại hạng của bất cứ thằng chó đẻ nào may mắn giành được trái tim cô đấy ư?

Nhưng hãy nói cho tôi biết, trái tim cô ở đâu? Thật kỳ lạ, cô chẳng bao giờ thấy gắn bó với bọn đàn ông này, luôn cảm thấy cô đơn, không hạnh phúc, chuyện làm tình, ôm nhau hôn hít chỉ là những khoảnh khắc thoáng qua, và những tên đàn ông đẹp trai, tài giỏi đầy tương lai tan biến cùng với gió hoặc bị mưa và sương mù từ những ngọn đồi vào sáng sớm cuốn trôi đi.

Bạn gái cô có lúc hỏi cô mọi chuyện thế nào với anh nọ anh kia thì cô chỉ khẽ thở dài và nói một cách mơ hồ, Ồ, có gì đâu, nhưng...

Nhưng không ổn chút nào. Cô chóng chán và tìm ra lỗi ở những gã đàn ông này, bởi tất nhiên họ cũng chỉ là đàn ông, tất cả đều có lỗi lầm. Bạn biết là tôi không thích hoa hồng...

Nhưng không phải vì lỗi lầm của những gã đàn ông mà mối quan hệ giữa cô với họ không kéo dài. Có một cái gì đó khác sâu thẳm bên trong, một cái gì đã buộc cô nhắm mắt lại hoặc rên rỉ thành tiếng, điều gì khiến cô sợ rằng chẳng mối quan hệ nào kéo dài, và chỉ một thời gian là tan vỡ y như nhau. Và thế là, từng người một, cô chia tay người đó, hoặc người đó chia tay cô.

“Chuyện gì thế, em yêu,” có người đàn ông hỏi cô. “Anh đã làm gì sai trái?”

“Chẳng có chuyện gì đâu, cưng à,” Cô thở dài, “có lẽ chỉ là thời tiết. Có lẽ chỉ vì chúng ta quá thoải mái với nhau thôi.”

Và chẳng bao lâu sau, trái tim người đàn ông tan vỡ: cô không muốn gặp lại anh ta nữa.

“Chúng ta chỉ là bạn bè,” cô nói với một người, hoặc, “Mối quan hệ của chúng ta đã sai lệch và bây giờ chúng ta là anh em,” với một người khác. Một trái tim tan vỡ. Rồi một trái tim khác nữa. Một trái nữa.

Nhiều đến nỗi cô quyết định xóa bỏ âm thanh những trái tim bị tan vỡ trong máy trả lời điện thoại. Cô cắt điện thoại, đem chiếc máy ghi âm thanh những trái tim tan vỡ đi cho, và cùng lúc cô dọn sạch mạng nhện và những đồ vật phế thải bừa bãi trong căn hộ của mình, ném hết bàn ghế và tất cả quần đùi, cà vạt, áo sơ mi tích tụ trong tủ quần áo từ bấy lâu. À, bây giờ thì có rồi, sự bình yên, không gian này, sự cô đơn này, sau đó cô tự nhủ, đây chính là

những điều ta ước muốn. Từ giờ trở đi, chỉ có ta và chính ta mà thôi.

Nhưng nỗi buồn vẫn tiếp tục. Và chẳng bao lâu, vì cô đơn, cô có một người yêu mới và kết nối lại điện thoại, và thế là những trái tim tan vỡ lại tiếp tục được ghi vào máy nghe, một số không còn nghe thấy gì nữa. Nhưng thực ra, ai đếm? Không phải cô. Cô vẫn không vui và vẫn xa cách, sương mù vẫn tiếp tục đánh giạt những buổi sáng qua căn hộ của cô, và cô cảm thấy đã muốn chạy trốn ra khỏi cuộc tình mới này, một người đàn ông Mỹ gốc châu Phi cao ráo và đẹp trai, nước da màu mật ong sáng láng, một nhân viên bảo vệ đang học để trở thành nhà làm phim, nhưng cô đã chống lại và tìm cách xa lánh, bởi vì cô biết rằng mọi thứ sẽ bắt đầu lại từ đầu và cô quá mệt mỏi.

Nhưng có chuyện gì với cô? Cô bị lời nguyền rủa nào sao, bị một mụ hà bá trù ẻo như thường nghe trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, để sống phần còn lại của đời mình trong vùng ánh sáng nhợt nhạt, tối tăm?

Cô không thể tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này bởi vì cuộc sống cô bây giờ đã trở nên khá mờ rối, như cái cách khán giả của cô xuất hiện trước mặt khi cô múa thoát y tại một nhà hàng bán rượu cao cấp. Nhưng nếu cô chỉ cần làm việc, làm những gì cô làm tốt, nhảy nhót một chút, tán tỉnh một chút, khoe khoang một chút phần da thịt nõn nà tuyệt đẹp của mình, thì có lẽ điều gì đó khác sẽ hiện lên. Có lẽ nếu cô lại tìm đến một nơi xa xăm nào đó, có lẽ nếu cô thay đổi nơi sống của mình để có nhiều ánh sáng mặt trời hơn, hoặc nếu cô chấp thuận lời đề nghị của một gã khách hàng trẻ giàu có bay sang Paris trên chiếc máy bay phản lực riêng của gã ta, hoặc đồng ý đến Hollywood với cái lão già béo phệ ngồi trên chiếc limousine bóng loáng và xem cách lão ta biến tưởng tượng thành hiện thực, có thể cô sẽ giải quyết một số những điều phiền muộn bí ẩn trong tâm tư cô.

Có lẽ...

Một đêm nọ, về nhà sau khi nhảy ở nhà hàng về, cô đi tắm thật lâu, lúc bước ra khỏi bồn tắm, chiếc khăn xanh yêu thích của cô bỗng rơi từ trên tóc xuống sàn nhà. Cô cúi xuống nhặt lên. Trên chiếc khăn nhăn nhúm cô chợt thấy hiện lên một hình ảnh gì đó khiến cô cảm thấy buồn nôn vô cùng và đầu óc cô trở nên hoảng loạn, cô chạy về phòng ngủ vùi mặt vào chiếc gối lông vũ.

Cô bắt đầu nhìn thấy những khuôn mặt, một số người quen nhưng một số người hoàn toàn xa lạ. Họ tụ tập quanh cô trong một căn phòng rất tối, và cô cảm thấy như thể mình đang chết đuối. Sau đó, cô nghe tiếng sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền. Có người đang gọi tên cô, tên tiếng Việt của cô. Cô cố tìm giọng nói đó phát xuất từ đâu giữa những khuôn mặt buồn bã trong căn phòng đầy người đó. Thoạt đầu thì rất rối loạn, nhưng dần dần, cô nhận ra người đang gọi tên cô. Đó là khuôn mặt mà cô đã biết trước khi cô trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, trước khi làm nghề múa thoát y cho đàn ông xem, trước khi học nói tiếng Anh và trước khi đến xứ Mỹ. Tất nhiên, đó là khuôn mặt của cha cô, và nó hiện ra trong mắt cô khi cô nằm ngủ chập chờn trên miếng giẻ trong thân tàu đầy ắp những người tị nạn ở giữa Thái Bình Dương, một đứa trẻ nhỏ đang chết khát. Gia đình cô ở xung quanh, không khí ẩm ướt và hôi thối không chịu nổi, vẻ lờ đờ kỳ lạ là lời nguyền rủa trong mắt mọi người. Cha cô bảo, “Dậy đi con, dậy đi, dậy uống ly sữa này trước khi chết.”

Cô nhớ ánh mặt trời chiếu xuống cô như thế nào và gió thổi càng lúc càng mạnh, cô nhớ lại khung cảnh cô liếc nhìn ra ngoài thấy đại dương xanh biếc và bao la như thế nào. Sau đó cô thấy người cha đỡ cô lên cho ngả đầu về phía ông, rồi cô nếm cái chất lỏng âm ấm nhơn nhớt, và cả thế giới đi vào cô cùng với những ngụm nhỏ đó. Cô ngước nhìn cha mình, chớp mắt, thậm chí cố mỉm cười, vì sâu thẳm bên trong, cô biết cô sẽ sống sót, dù chỉ là sống cho ông.

Và lúc này trên chiếc giường của cô, lúc này là một người đàn bà trẻ đẹp đang khóc, cô biết rằng cô đã rất sung sướng lúc đó chứ không phải bây giờ. Vì không gì có thể thay thế được cử chỉ của cha cô lúc đó; mọi thứ khác – Nước Mỹ, những người đàn ông yêu thương cô, những người quan tâm đến cô, những kẻ đã khóc, đã nhảy múa, những kẻ có trái tim vỡ tan như pha lê trong máy trả lời điện thoại, thậm chí ngôi nhà hạnh phúc mà cô đã bỏ đi, thậm chí Paris và Hollywood và xe limousine và tiền, tất cả là một ẩn dụ nghèo nàn cho những gì cô mong muốn. Điều cô khao khát là cử chỉ thoáng qua trên đại dương đó, lúc này, hơn bao giờ hết, cô cảm thấy cơn khát điên cuồng trào dâng từ sâu thẳm bên trong, một cơn khát mãnh liệt, mãnh liệt đến độ điên cuồng, thiêu đốt tất cả đến nỗi không có gì trên thế gian này, ngay cả tình yêu, có thể dập tắt được.

Andrew Lâm

Trịnh Y Thư dịch

Chú thích:

* 'Cô Gái Trong Điệu Nhảy Loạn Cuồng' hay She In The Dance of Frenzy) là truyện ngắn mở đầu của cuốn sách "Stories from The Edge of The Sea" (Chuyện Bên Rìa của Biển) của nhà văn Mỹ gốc Việt Andrew Lâm, do nhà sách Red Hen Press xuất bản và phát hành vào ngày 25 tháng Ba, 2025.

“Stories from the Edge of Sea” hiện đã có mặt trên các trang mạng, độc giả mua sách có thể vào: https://redhen.org/book/stories-from-the-edge-of-the-sea/

Tác giả Andrew Lâm sẽ có mặt cùng tác phẩm “Stories from the Edge of Sea” tại hội thảo “50 Years of Storytelling: The Evolution of Vietnamese American Voices in Literature Moderator,” do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức vào lúc 10 giờ 30 phút sáng Chủ Nhật, 6 Tháng Tư, tại viện bảo tàng Bowers Museum, 2002 N. Main St., Santa Ana, CA 92706.


Nguồn: Vietbao.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 27 tháng 3 năm 2025