Một Lần Nữa, Trên Bãi Biển Xưa

andrew lâm

dịch giar: doãn hưng

Tuổi thơ của tác giả đã kết thúc, ít nhiều, trên bãi biển Vũng Tàu, Việt Nam, "nơi phép thuật và lời cầu nguyện đã thất bại". Trong đoản văn trữ tình này, ông trở lại khung cảnh ngày xưa như một người tị nạn kép - cả thực tế lẫn trong ký ức.

*

Một buổi chiều, từ rất lâu rồi, tôi thấy mình đơn độc trên bãi biển Vũng Tàu, Việt Nam, một thành phố biển gần Sài Gòn, đứng nhìn ra khơi. Chiến tranh ngày một tệ hơn. Huế và Đà Nẵng đã thất thủ. Tiếp theo là cao nguyên Trung Phần. Sài Gòn đang hoảng loạn. Quân đội cộng sản đang tiến quân mà không bị cản trở. Tôi mới mười một tuổi và khá nhỏ con so với tuổi của mình. Bãi biển gần như vắng tanh. Gió và sóng như thét gào bên tai tôi. Với hai cánh tay dang rộng, tạo thành những hình thù kỳ lạ trên không, tôi lớn tiếng tụng niệm những câu thần chú.

Nhưng tôi đã làm gì ở đó một mình?

Không thể nào quay ngược lại quá khứ để khẳng định rằng mình biết rõ cậu bé đó. Trong một thời gian rất dài ở Mỹ, khoảnh khắc đó đã trôi qua với tôi - cho đến tận những năm gần đây. Nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ điều gì đã dẫn đến khoảnh khắc đó. Gần cuối chiến tranh, cha tôi và người anh trai, cả hai đều là tướng lĩnh trong quân đội Miền Nam Việt Nam, đã bị Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu giam giữ, cùng với năm vị tướng khác. Sau khi ra lệnh rút quân khỏi các khu vực khác để về bảo vệ Sài Gòn và vùng phụ cận, Thiệu lo sợ một cuộc đảo chính quân sự. Vì vậy, ông đặt các vị tướng trong vòng giám sát tại một khu nhà tươm tất bên trong Bộ Quốc Phòng cạnh sân bay Tân Sơn Nhất.

Gia đình tôi và gia đình bác tôi đến Vũng Tàu theo chỉ thị của cha tôi. Ông được cho biết các tàu hải quân Mỹ sẽ cập cảng để di tản nhiều gia đình có địa vị và thân thế. Chúng tôi ở trong một biệt thự khá lớn, với những cây phượng bắt đầu nở hoa đỏ thắm, và biển ở ngay bên kia đường. Một buổi chiều, tôi nhớ tất cả những người phụ nữ ngồi cùng nhau tại một bàn ăn cạnh cửa sổ mở trên tầng hai, cần mẫn tháo kim cương và hồng ngọc khỏi vòng tay và nhẫn bằng những chiếc kềm nhỏ. Mỗi người đều có một bộ đồ khâu vá chứa cúc áo, đê, kim và chỉ, những viên sáp giống như những ngôi sao. Dưới ánh nắng nhiệt đới, sáp đã mềm đủ để họ có thể nhét những viên đá quý vào bên trong để giấu chúng; tất cả là để chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra trên tàu.

Họ làm việc chăm chỉ trong khi trò chuyện; nhưng đột nhiên một tiếng hét vang lên: một viên kim cương rơi khỏi chiếc nhẫn của dì tôi xuống sàn, và biến mất đâu đó dưới chân. Thật khó để tìm thấy nó trên sàn gạch hầu như trắng xóa; họ đã cố gắng tìm kiếm nhưng vô ích. Vì vậy, họ gọi tôi. Là một cậu bé, tôi bỏ lại đống truyện tranh tiếng Pháp của mình, dễ dàng chui xuống gầm bàn ghế, để cuối cùng tìm thấy viên kim cương lấp lánh gần chân bà tôi. Tôi nhớ mình đã giơ nó lên cho mọi người nhìn thấy. Dưới ánh nắng mặt trời, nó lấp lánh giữa những ngón tay nhỏ bé của tôi; mọi người đều cười nhẹ nhõm.

Và tôi nhớ mình đã cảm thấy hạnh phúc. Một thảm họa đang ập đến thế giới, nhưng tôi không hiểu gì mấy. Việc tìm thấy viên kim cương là đóng góp duy nhất của tôi cho gia đình; nhưng khi nhìn lại nó chẳng có nhiều ý nghĩa.

Có lẽ những câu chuyện về cướp bóc trên biển khơi, giết người, hãm hiếp khiến tôi sợ hãi, nên tôi một mình rảo bộ trên bãi biển tìm kiếm sự bình yên cho riêng mình. Cũng có thể là do buồn chán. Tôi rời ngôi biệt thự, đi dạo trên bãi biển bên kia đường một mình. Đó là một chuyến đi đơn độc hiếm hoi, vì hồi đó ít khi tôi được đi đâu một mình; lần này mẹ tôi không ngăn cản vì bà quá bận rộn. Tôi bước đi và bước đi. Tôi muốn làm điều mà những người anh em họ từng thách thức: đi bộ dọc theo toàn bộ chiều dài của bãi biển. Thường đông đúc vào cuối tuần, bãi biển giờ đây vắng tanh.

Khi không có ai nhìn thấy, tôi dừng lại. Chân tôi lún xuống cát, tay múa những động tác trên không trung. Tôi bắt đầu tụng những câu thần chú mà tôi tự nghĩ ra, rồi cầu nguyện với các vị Phật, những lời mà người mẹ Phật tử thuần thành đã dạy. Tôi múa tay trong gió như thể đang kéo một sợi dây vô hình. Tôi không thể khẳng định rằng biết chính xác những gì đã diễn ra trong tâm trí cậu bé lúc đó. Nhưng tôi đoán cậu bé tin rằng bằng một cách nào đó, với sự kết hợp giữa phép thuật, lời cầu nguyện và sức mạnh võ thuật tưởng tượng, cậu giống như những anh hùng trong tiểu thuyết võ thuật có thể gọi một con tàu Mỹ xuất hiện ở đường chân trời để giải cứu gia đình và người thân.

Tôi không nhớ mình đã biểu diễn điệu nhảy kỳ diệu này trong bao lâu, nhưng nó kết thúc khi tôi nghe có người gọi tên mình. Tôi quay lại và thấy người chị. Chị đi tìm tôi, vẻ mặt tuyệt vọng. Chị nói rằng có tin xấu, tàu Mỹ sẽ không đến. Chúng tôi phải về Sài Gòn ngay để tìm những con đường thoát khác.

Ngay sau đó, Thiệu trốn khỏi Nam Việt Nam. Các vị tướng may mắn được thả khỏi nơi quản thúc. Cha tôi nhanh chóng tìm được cách để chúng tôi rời khỏi Việt Nam. Sáng ngày 28 tháng 4 năm 1975, hai ngày trước khi Sài Gòn sụp đổ, chúng tôi chen chúc trên một chiếc máy bay vận tải để bay đến Philippines. Sau đó, chúng tôi lên một chiếc máy bay khác đến Guam, nơi những chiếc lều quân đội được dựng vội vã trên bãi đất mới được san phẳng, để chào đón những di dân mới nhất của nước Mỹ.

Tôi nhớ những cơn gió khô nóng, mặt đất gồ ghề, những dãy người xếp hàng dài dưới cái nắng gay gắt để nhận khẩu phần ăn. Khi đài BBC thông báo Sài Gòn đã thất thủ, tiếng khóc than vang khắp khu lều trại.

Thời gian lưu trú của chúng tôi khá ngắn. Gần một tháng trôi qua nhanh như một cơn lốc; rồi chúng tôi được đưa đến một căn nhỏ nhỏ ở cuối phố Mission thuộc khu vực Top of the Hill, một khu phố lao động đầy sương mù ở phía nam San Francisco, nơi anh trai cả của tôi đã sống khi còn là sinh viên du học.

Vài tuần đầu tiên ở Mỹ, tôi cảm thấy như tê liệt và bối rối. Tôi còn gặp một cơn ác mộng tái diễn, trong đó tôi bị bỏ lại trong ngôi nhà của mình ở Sài Gòn, và bị những người đàn ông vô danh mặc quần áo đen rượt đuổi. Chúng tôi mặc những chiếc áo lạnh được biếu tặng, ăn ngay trên sàn nhà. Chúng tôi không có tin tức gì về cha mình, người đã ở lại. Rồi một ngày điện thoại reo: cha tôi sau cùng đã thoát khỏi Việt Nam trên một con tàu hải quân. Tất cả chúng tôi đều khóc vì sung sướng. Đến giữa mùa hè, cha đến ở với chúng tôi. Mặc dù là một gia đình tị nạn nghèo sống ở rìa thành phố, nhưng chúng tôi cảm thấy trọn vẹn.

Rồi những cơn ác mộng tái diễn cũng kết thúc, và tôi bắt đầu thay đổi. Nếu vào đầu mùa hè tôi cảm thấy sợ hãi, lạc lõng giữa sự to lớn của nước Mỹ; thì đến cuối mùa hè tôi đã đi khám phá những ngọn đồi gần ngôi nhà mới cùng những người bạn mới trong khu phố. Tôi học cách chửi thề bằng tiếng Anh một cách thích thú, học luật chơi bóng chày và cách bắt bóng, mặc dù còn rất dở.

Chẳng mấy chốc, tôi bắt đầu vỡ tiếng. Giọng nói vỡ đi cùng lúc tiếng Anh thấm vào, đến nỗi tôi cảm thấy như thể ngôn ngữ mới đang biến đổi tôi từ trong ra ngoài. Và hơn thế nữa, nó giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn lưu vong giờ đây bao trùm lên những thành viên trong gia đình tôi.

Ở nhà, tôi gần như câm lặng; nhưng ở trường, tôi điệu bộ, lắm mồm. Vào cuối tuần, tôi đến các thư viện công cộng đọc ngấu nghiến tiểu thuyết Mỹ. Vào thời gian rảnh rỗi, tôi xem phim hài hoặc đi chơi với bạn bè. Chúng tôi chơi quần vợt, ném đĩa, bóng bầu dục. Chúng tôi nghe nhạc Mỹ trên radio và nghe đĩa tấu hài. Chúng tôi xem Looney Tunes và cười phá lên.

Nghĩa là, tôi đã nuốt trọn nước Mỹ. Khi tôi vào trường trung học vài năm sau đó, tôi trở thành một người khác. Tôi còn đổi tên thành Andrew. Việt Nam, giống như một tấm bản đồ cũ của một thế giới không thể cứu vãn được, được cất giữ cùng với nỗi buồn và thương đau, chắc chắn sẽ phai nhạt dần. Trong một vài năm, tôi đã từ bỏ nó bằng cách từ chối nói tiếng mẹ đẻ, mặc dù vẫn nghe rất nhiều. Người lớn nói chuyện hàng đêm trong ngôi nhà mới ở Mỹ, thường là với giọng buồn bã, hoài niệm. Tôi giả vờ không nhớ gì cả. Với những tham vọng và cảm xúc mới hình thành của một người Mỹ, tôi tiếp tục cuộc sống mới một cách hạnh phúc.

Nhưng tại sao tôi lại kể cho các bạn về những điều này?

Bởi vì tôi đang viết những dòng này từ bãi biển Vũng Tàu, nơi tôi đã từng đứng gần nủa thế kỷ trước. Sau ngần ấy năm dài, tôi quyết định sẽ hoàn thành chuyến đi bộ trên bãi biển mà mình từng muốn làm khi còn trẻ. Và tôi muốn bạn biết rằng, đôi khi qua nhiều khúc quanh kỳ lạ của cuộc sống, con đường hướng tới tương lai có thể đưa bạn trở lại đúng bờ biển năm xưa, nơi mà bạn đã từng cầu nguyện được thoát khỏi.

Nhưng con đường trở về nhà không dễ dàng. Trong nhiều năm, cuộc chiến đã giết chết nhiều người; và chuyện bao nhiêu người chết nữa trên con đường vượt biển trốn chạy đối với tôi chỉ là những câu chuyện đầu môi, kể lại để gây sự chú ý với bạn học, người quen, rồi sau đó, với người yêu. Những câu chuyện đó tạo cho tôi đôi chút khác biệt, nhưng không nhiều. Nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, thay vì học trường y, tôi đã học văn chương, và trở thành một nhà văn, nhà báo.

Cuối cùng, tôi đã được nhìn thấy quê hương của mình một lần nữa vào đầu những năm 1990. Khi đó, tôi nhìn Việt Nam như một nhà báo Mỹ, đưa tin về câu chuyện của một đất nước từng bị tàn phá sau Chiến Tranh Lạnh. Tôi quan tâm đến nghề nghiệp, những gì tôi có thể viết nhiều hơn là việc tôi có gắn bó với quê hương hay không. Tôi tự nhủ rằng Việt Nam chỉ là một điểm đến, không còn là định mệnh của tôi nữa. Vẫn còn những điểm đến khác: Lào, Campuchia, Thái Lan, Hồng Kông.

Và phải mất thêm nhiều năm, nhiều chuyến về thăm, nhiều nhiệm vụ và câu chuyện được giao để viết, và một vài nỗi đau trước khi tôi có thể bắt đầu nghĩ đến việc trở về sống ở quê hương của mình một lần nữa.

Nhưng ở thời điểm hiện tại...

Những ngày này, khi đã nghỉ hưu, tôi chia thời gian sống giữa San Francisco và Sài Gòn, thành phố nơi tôi sinh ra, hay thành phố Hồ Chí Minh như những người khác vẫn gọi. Nhưng khi ở Việt Nam, một đất nước đầy những người trẻ tuổi háo hức tiến về phía trước, tôi luôn phải cân bằng giữa ký ức tuổi thơ về một quê hương đã mất từ ​​lâu; với thực tế của một đất nước đang hiện đại hóa nhanh chóng, đang tiến về tương lai với tốc độ chóng mặt.

Từng là một đứa trẻ trong một gia đình khá giả sống ở Sài Gòn, giờ đây tôi là một lữ khách đơn độc ở đó. Gia đình và gia tộc tôi đã chạy trốn ra nước ngoài và tản mát từ lâu; cha mẹ thân yêu của tôi giờ đã khuất. Vào những ngày Sài Gòn nắng nóng không thể chịu nổi, thỉnh thoảng lắm tôi mới đi ra Vũng Tàu hoặc đến các khu nghỉ mát gần đó. Mặc dù tôi rất thích gió biển, nhưng tôi sợ một nỗi buồn không thể tránh khỏi, không mạnh mẽ mà mơ hồ, lúc có lúc không. Vì vậy, đôi khi ở Vũng Tàu, tôi ở các khu nghỉ mát bên ngoài thành phố, tránh xa quá khứ.

Lý do thật dễ hiểu. Khi nhìn thấy những đứa trẻ la hét chạy quanh trên cát, những bà mẹ khó tính đuổi theo, gia đình và bạn bè quàng khăn tắm tụ tập bên nhau với tiếng cười và tiếng la hét, tuổi thơ của chính tôi lại trở về. Thật vậy, đối với chúng tôi, những đứa trẻ trong thời chiến tranh Việt Nam, Vũng Tàu là một niềm vui thuần khiết, một sự giải thoát mong ước so với Sài Gòn nóng nực và chật chội, nơi không có gì ngoài trường học, những con phố nhỏ, và lệnh giới nghiêm do chiến tranh. Tôi nhớ những trò chơi bài náo loạn, chơi trốn tìm với những người anh em họ. Tôi nhớ nhiều tiếng hát; những người lớn kể chuyện ma khiến những đứa trẻ như tôi hét lên vì sợ hãi.

Vũng Tàu là một mỏm đất nhô ra biển dài mười một dặm, có lịch sử bắt đầu từ thế kỷ thứ Mười Bốn, khi thương thuyền đến cảng giao thương với người dân địa phương, khi đó vẫn là thuộc Vương Quốc Khmer. Vũng Tàu theo nghĩa đen có nghĩa là khu vực của tàu thuyền. Cát ở đây khá thô, có màu nâu ngả đen, và biển dường như chưa bao giờ chuyển từ xám sang xanh. Có lúc nước còn bị ô nhiễm, đặc biệt là khi dòng sông mang theo rác thải từ Sài Gòn đổ ra biển, đến nỗi có những ngày chỉ những người rất dũng cảm và ngu ngốc mới dám bơi. Và vào những ngày cuối tuần và ngày lễ, một nửa Sài Gòn dường như trốn thoát đến Vũng Tàu; bằng cách nào đó tái tạo một Sài Gòn quá tải, tắc nghẽn khác bên bờ biển.

Đối với một khách du lịch sành điệu, Vũng Tàu là một thành phố nghỉ mát hạng ba. Nhưng với riêng tôi, từng lớp lịch sử được chôn sâu trong những bãi cát này; chúng khiến cho những chuyến ghé thăm hiếm hoi của tôi còn trở nên khó khăn hơn. Vũng Tàu thực sự trở thành một thành phố du lịch; bãi biển đầy những khách sạn lớn, khu chung cư, trung tâm hội nghị; thậm chí còn có một công viên giải trí ngay bên bờ biển. Nhưng đó không phải là thành phố biển mới mà tôi thấy. Thay vào đó, ký ức cũ trên bãi biển đó lại ùa về, tạo ra một loại sức mạnh kỳ lạ và bất ngờ đối với tôi.

Đối với nhiều người, tuổi thơ phai nhạt chậm. Đối với một số người, ký ức tuổi thơ còn kéo dài đến tận khi trưởng thành. Tuy nhiên, tuổi thơ của tôi đã kết thúc ở một thời điểm, một địa điểm cụ thể: nó kết thúc trên bãi biển Vũng Tàu, nơi phép thuật và lời cầu nguyện của tôi đã thất bại.

Nhìn lại, tôi là một người tị nạn kép. Đột ngột bị buộc phải rời khỏi quê hương yêu dấu của mình, tôi cũng thoát khỏi những điều kỳ diệu thời thơ ấu cùng lúc đó. Sau đó, ở đất nước mới, tôi đã đi rất xa và nhanh thoát khỏi cậu bé ngày xưa, đến nỗi khi nhìn lại, tôi không thể khẳng định rằng mình thực sự biết cậu bé này.

Giữa cậu bé đó và tôi là một gián đoạn tâm lý phát triển thành một vực thẳm. Giống như bằng cách nào đó vẫn còn một phần của tôi đứng đó trên bãi cát, hy vọng phép màu sẽ xảy ra; và rồi người đàn ông lớn lên ở nơi khác, trở nên thế tục, và giờ đang ở ngưỡng cửa tuổi già.

Ngày xửa ngày xưa, ông ta là một đứa trẻ được cưng chiều. Là con út trong ba anh chị em trong một gia đình giàu có ở Miền Nam Việt Nam, cậu bé vẫn chưa biết hết ý nghĩa của từ lưu vong. Quá đắm chìm trong các trò chơi đuổi bắt, đắm chìm trong truyện tranh và tiểu thuyết võ thuật, cậu bé không bao giờ thấy nắng cháy da đang đến, mặc cho những lời khuyên răn không ngừng của mẹ. Cậu bé sống trọn vẹn trong hiện tại, trong một thế giới mà phép thuật và ma quỷ là có thật, nơi mà việc trò chuyện hàng đêm với tổ tiên và Đức Phật là chuẩn mực. Trong khi người đàn ông đã vượt qua rất nhiều biên giới; người biết sống thoải mái trên bờ biển của người lạ; người chứng kiến ​​các đế chế trỗi dậy và sụp đổ; người viết về sự tàn ác và đau khổ của con người. Và, ông ta không thể không cảm nhận thời gian đang trôi qua không ngừng nghỉ trong mỗi bước chân.

Nhưng dù sao, cuối cùng ông ta cũng ở đây, một lần nữa trên bãi biển cũ, lần theo những bước chân mà cậu bé đã từng bước. Chạy dọc theo bãi biển giờ đây có một lối đi dạo lát đá, và ông ta bước đi trên đó. Với làn gió mặn, những con sóng nhấp nhô, những đứa trẻ cười đùa chạy quanh trên cát, ông ta nghĩ đến sự trớ trêu: làm thế nào mà một thành viên trẻ tuổi và Mỹ hóa nhất trong gia đình lại là người duy nhất trở về chốn này sau nhiều năm tháng; và tưởng tượng rằng đất nước mà ông ta đã từng trốn chạy rất có thể sẽ là của mình một lần nữa.

Và biển gầm rú. Đứng giữa sóng gió lúc chạng vạng, ông ta cảm nhận được tuổi tác của mình khi ngón chân phải bắt đầu nhói đau. Ông sợ rằng đó có thể là một cơn gút khác. Ông nhìn đồng hồ. Trời đã muộn rồi. Ông dự đình tìm taxi trở lại khách sạn để uống một ít thuốc kháng axit, trước khi đi ăn bữa tối hải sản do bạn bè đãi.

Xa xa trên bãi cát, ông nhìn thấy hai cậu bé đang chơi đùa. Trong khi mẹ chúng nói chuyện điện thoại liên tục gần đó, chúng đang say sưa trong một cuộc đấu võ thuật. Hai cậu bé làm những cử chỉ trên không trung. "Lòng bàn tay của Thiên Long", một đứa hét lên. "Những ngón tay của tia chớp dương thượng", đứa kia đáp lại. Hình bóng của chúng nhảy múa trong bóng tối, tiếng cười vang lên, niềm vui của chúng lan tỏa.

Người đàn ông quan sát hai cậu bé, rồi trong vô thức chợt bắt chước những cử chỉ đó. Nhưng rồi ông dừng lại, cảm thấy ngượng ngùng. Không ổn chút nào, không có sức mạnh ma thuật nào phát ra từ những ngón tay nhăn nheo này. Nhưng trong nỗ lực đó, ông nhìn thấy một điều khác mà mình chưa từng thấy trước đây: cậu bé của ngày xưa không chỉ cố gắng cứu gia đình và gia tộc bằng trí tưởng tượng. Ở mức độ sâu thẳm nhất, nó đang cố gắng theo cách riêng của mình, bảo vệ thế giới của những linh hồn và bóng ma của những anh hùng bay trên những đám mây; thế giới mà nó sống và tin tưởng cho đến giây phút cuối cùng. Có nghĩa là nó đang cố gắng cứu lấy tuổi thơ của mình. Những gì người đàn ông cảm thấy lúc đó không phải là cay đắng hay hoài niệm, mà là một điều khác trước đây chưa từng cảm thấy: sự dịu dàng và lòng trắc ẩn đối với tuổi thơ của mình.

Và có lẽ thế là đủ.

Proust đã từng viết rằng "hành trình khám phá thực sự không phải là tìm kiếm những cảnh quan mới, mà là có đôi mắt mới". Nhưng để trở về nhà sau một thời gian dài như vậy có thể đòi hỏi quyết tâm nuốt những nỗi đau bằng tất cả các giác quan; và tìm cách nối lại những mảnh vỡ rời rạc của cuộc đời thông qua thơ ca, truyện kể, giai điệu.

Đèn đường bật sáng, trên đầu người đang ông bầu trời chuyển từ màu hồng sang màu xám hoài niệm. Và, bên kia đường, một công viên giải trí lớn sáng lên; vòng đu quay và vòng xoay ngựa gỗ lấp lánh quyến rũ trong ánh đèn lung linh. Lối đi dạo giờ đây lấp lánh và rực rỡ về phía đường chân trời, người qua lại thưa dần.

Trời trở lạnh hơn khi màn đêm buông xuống. Ngón chân ông lúc này nhói đau. Tuy nhiên, sau một hồi do dự, ông ta quyết định tiếp tục đi. “Tốt hơn là mình nên thử, ít nhất là một lần, đi hết chiều dài bãi biển này trước bữa tối,” ông tự nhủ. “Lần sau ở đây, nếu có lần sau như vậy, mình có thể không đi hết nổi toàn bộ quãng đường.”

Andrew Lam

Doãn Hưng dịch

*

Andrew Lam là tác giả của tập truyện Birds of Paradise Lost và các tập tiểu luận East Eats West: Writing in Two Hemispheres và Perfume Dreams: Reflections on the Vietnamese Diaspora. Các bài tiểu luận trước đây của ông cho tạp chí WLT gồm “Living in the Tenses in Saigon” (Mùa hè năm 2019) và “To Feed, to Nurture, to Protect” (Tháng 7 năm 2023). Red Hen Press sẽ xuất bản tập truyện mới của ông, Stories from the Edge of the Sea, vào những ngày sắp tới trong tháng 3 năm 2025. Đón đọc bài điểm sách của Việt Báo vào cuối tháng.


Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 27 tháng 3 năm 2025