TAMANGÔ

prosper mérimée

dịch giả: ngọc hà

Viên thuyền trưởng Lơđu là một tay giỏi nghề đi biển. Hắn xuất thân là một thủy thủ thường, sau lên làm phụ lái. Trong trận Trafanga (1) bị một mảnh gỗ bắn trúng làm dập bàn tay trái, hắn phải cưa tay, sau đó bị thải hồi và được cấp chứng chỉ tốt. Ngồi không là một việc không thích hợp với hắn chút nào, nên chợt có dịp lại được đi biển nên hắn liền đi ngay và làm phó thuyền trưởng thứ hai trên một chiếc tàu cướp. Nhờ có tiền kiếm được sau mấy chuyến cướp, hắn mua sách học lý thuyết về nghề hàng hải là nghề hắn vốn đã hết sức thông thạo về mặt thực tiễn. Dần dà hắn trở thành thuyền trưởng một chiếc tàu cướp hai cột buồm có ba đại bác và sáu mươi thủy thủ; những người buôn bán dọc bờ biển vùng Gierxây(2) ngày nay hãy còn nhớ những vũ công của hắn. Hắn rất lấy làm buồn khi hòa bình được lập lại(3); hồi chiến tranh, hắn đã kiếm được một số tiền khá lớn mà hắn hy vọng còn làm tăng thêm nhiều nữa bằng cách đi ăn cướp của người Anh. Hắn buộc lòng phải đến xin làm việc cho những nhà buôn lớn kinh doanh một cách hòa bình; vì hắn được tiếng là tay quả cảm và có kinh nghiệm nên người ta không ngần ngại giao cho hắn một chiếc tàu. Khi việc buôn bán người da đen bị cấm và muốn làm nghề đó không những phải đánh lừa được sự cảnh giác của nhân viên thuế quan Pháp - điều đó kể ra cũng không lấy gì làm khó lắm, - mà còn phải - và điều này mới thật là bất trắc hơn cả - lẩn tránh được những tuần dương hạm Anh, viên thuyền trưởng Lơđu trở thành con người rất quý đối với bọn con buôn gỗ mun (4).

Khác hẳn với phần lớn những tay đi biển đã sống quá lâu như hắn trong những chức vụ thấp kém, Lơđu không hề sợ những cái mới và không có đầu óc bảo thủ như người ta thường thấy ở những người được giữ những chức vụ cao. Trái lại, viên thuyền trưởng Lơđu là người đầu tiên đã đưa ra ý kiến với chủ tàu nên dùng những két sắt để chứa và để dành nước ngọt. Trên tàu của Lơđu, còng và xích - những thứ mà các tàu buôn người da đen thường dự trữ - đều chế tạo theo kiểu mới và sơn vécni rất cẩn thận cho khỏi rỉ. Nhưng điều vinh dự nhất cho Lơđu trước mắt bọn con buôn nô lệ là việc hắn đã đích thân điều khiển đóng một chiếc tàu hai cột buồm dùng để buôn người, một chiếc tàu buồm xinh xắn, thon dài như tàu chiến, và có thể chứa được rất nhiều người da đen. Hắn đặt tên là tàu HY VỌNG. Hắn muốn các boong giữa chật hẹp và thụt vào phía trong, chỉ cao ba pi-ê bốn pu-xơ (5). Với chiều cao như vậy, hắn cho rằng những tên nô lệ tầm vóc vừa phải cũng có thể ngồi một cách thoải mái rồi; vả lại chúng cần gì phải đứng dậy?

- Đến thuộc địa, Lơđu nói, chúng sẽ tha hồ đứng!

Những người da đen, lưng tựa vào thành tàu, ngồi làm hai hàng, ở giữa có một khoảng trống mà ở các tàu buôn người khác chỉ dùng làm lối đi lại, nhưng Lơđu nghĩ ra cách xếp thêm ở đó một số người da đen nữa nằm vuông góc với những người kia. Như vậy, tàu của hắn, so với những tàu khác cùng một trọng tải, có thể chứa thêm được hơn chục người nữa. Kể cố ra còn có thể chất nhiều hơn nữa; nhưng phải có lòng nhân đạo một chút và dành cho mỗi tên da đen một khoảng dọc năm pi-ê, ngang hai pi-ê, để có chỗ co duỗi trong cả một chuyến vượt biển lâu tới sáu tuần lễ và có khi hơn nữa."Vì dù sao, Lơđu nói để giải thích với chủ tàu về cách đối xử rộng rãi đó, người da đen cũng là người như người da trắng".

Tàu HY VỌNG khởi hành từ Năngtơ (Nante) (6) vào một hôm thứ sáu, nhiều người mê tín về sau có chú ý đến điều này. Nhân viên kiểm tra xuống khám xét chiếc tàu hai cột buồm rất kỹ lưỡng, nhưng không phát hiện được sáu chiếc hòm lớn chứa đầy xích sắt, còng tay và những chiếc cùm sắt mà không hiểu tại sao gọi là "cùm công lý". Họ cũng không hề ngạc nhiên về số nước dự trữ rất lớn chở trên tàu HY VỌNG, theo giấy tờ chỉ đi đến Xênêgan (Sénégal)(7) để buôn gỗ và ngà voi.

Đành rằng chuyến đi không xa lắm, nhưng dù sao đề phòng cẩn thận cũng không hại gì. Nhỡ lúc trời lặng gió, không có nước thì sẽ ra sao?

Vậy tàu HY VỌNG khởi hành vào một hôm thứ sáu, mọi thứ đều sắm sửa trang bị đầy đủ. Có lẽ Lơđu muốn có những cột buồm vững chắc hơn tí nữa, nhưng có hắn chỉ huy tàu, thì không ngại gì điều ấy. Chuyến đi rất may mắn và chóng vánh cho tới bờ biển Châu Phi. Hắn cho tàu bỏ neo trên sông Giôan (hình như thế) vào lúc các tuần dương hạm của Anh không đi tuần trong vùng bờ biển đó. Bọn mối lái hàng ở trong xứ vội lên ngay tàu. Thời cơ hết sức thuận lợi, Tamangô, một chiến tướng nổi tiếng và chuyên làm việc bán người, vừa mới giải đến bờ biển rất nhiều nô lệ muốn bán rẻ cho xong tay, như một con người biết mình có đủ khả năng và phương tiện cung cấp hàng cho nơi này, một khi món hàng của gã trở nên khan hiếm.

Viên thuyền trưởng Lơđu sai người dẫn mình lên bờ rồi đến thăm Tamangô. Hắn gặp Tamangô trong một túp lều rơm người ta vừa mới vội dựng lên cho gã, bên cạnh hai vợ gã cùng mấy tay giúp việc bán và áp giải nô lệ.

Tamangô ăn mặc đẹp đẽ để tiếp viên thuyền trưởng da trắng. Gã mặc một chiếc áo quân nhân cũ màu xanh, hãy còn đính bộ lon cai; nhưng trên mỗi vai, lòng thòng hai chiếc ngù vàng gài vào cùng một khuy, lủng lẳng một chiếc đằng trước, một chiếc đằng sau. Gã không mặc sơ mi, chiếc áo lại hơi ngắn đối với thân hình cao lớn của gã, nên người ta thấy lộ ra giữa hai ve áo trắng và cái quần lót bằng vải Ghinê một vệt da đen rất lớn trông chẳng khác gì một cái thắt lưng rộng. Ở bên sườn, lủng lẳng một thanh kiếm lớn của kỵ binh đeo bằng một sợi dây thừng, còn tay gã thì cầm một khẩu súng Anh hai nòng rất đẹp. Trang bị như vậy, gã chiến tướng người Phi kia tưởng mình diện sang hơn cả những tay công tử diện nhất ở Pari hay ở Luân- đôn.

Viên thuyền trưởng Tơđu im lặng nhìn Tamangô một lát, trong khi đó gã ưỡn thẳng người lên như một vệ binh khi diễu qua trước mặt một viên tướng người nước ngoài.

Trong lòng gã rất khoái trá về cái ấn tượng mà gã tưởng đã gây ra được đối với người da trắng kia. Lơđu sau khi nhìn kỹ Tamangô bằng con mắt sành sỏi, quay lại bảo viên phụ tá:

- Thằng này ta có thể bán được ít nhất nghìn ê-quy(8) nếu đưa được đến Martinich (Martinique)(9) khỏe mạnh và không sứt mẻ.

Mọi người ngồi xuống, và một thủy thủ biết đôi chút tiếng Vôlô phơ (10) làm phiên dịch. Sau những lời chào hỏi xã giao đầu tiên, một thủy thủ nhỏ tuổi mang một giành rượu mạnh lại; mọi người uống rượu, và để làm cho Tamangô vui vẻ, viên thuyền trưởng tặng gã một lọ đựng thuốc súng bằng đồng có chạm nổi hình Napôlêông. Chủ nhân nhận tặng phẩm và cảm ơn tươm tất xong, mọi người bước ra khỏi nhà, ngồi xuống dưới bóng cây, những chai rượu mạnh để cả trước mặt, rồi Tamangô ra hiệu cho dẫn những nô lệ gã định bán đến.

Họ đi thành một hàng dài, vừa mệt vừa sợ, mình cúi lom khom, người nào cổ cũng có một cái chạc dài hơn sáu pi-ê, đầu hai nhánh buộc liền vào một thanh gỗ ở đằng sau gáy. Khi đi, tên áp giải đặt lên vai mình cán chạc của người nô lệ đi đầu; người này lại vác cán chạc của người đi liền ngay sau, người nô lệ thứ hai mang cái cán chạc của người thứ ba và người khác cũng cứ như thế. Khi cần đứng lại, người đi đầu cắm đầu nhọn của cái chạc của mình xuống đất, thế là cả đoàn người đứng lại. Người ta có thể thấy ngay rằng không ai dám nghĩ đến chuyện trốn khi ở cổ có buộc một cái gậy dài tới sáu pi-ê.

Mỗi người nô lệ, nam hay nữ, đi quá trước mặt, viên thuyền trưởng lại nhún vai, cho rằng đàn ông thì yếu ớt quá, còn đàn bà thì già quá hay ít tuổi quá, và kêu giống người da đen ngày càng suy đồi. Hắn nói:

- Ngày nay cái gì cũng thoái hóa cả, trước kia khác xa. Đàn bà ngày xưa cao năm pi-ê sáu pu-xơ, còn đàn ông thì bốn người cũng quay nổi cái tời cuộn xích để nhổ chiếc neo cái trên tàu buồm lớn.

Tuy vậy, hắn cũng vừa chê bai vừa chọn riêng ra một lứa đầu tiên những người da đen khỏe mạnh và đẹp nhất. Những người đó, hắn có thể trả theo giá thường; còn những người khác hắn đòi bớt rất nhiều. Về phía Tamangô, gã cũng bênh vực quyền lợi và tán dương hàng của mình, nói đến tình hình khan hiếm người, đến những nguy hiểm trong việc buôn người. Kết luận, Tamangô đòi một giá nào đó, tôi không rõ, về những người nô lệ mà viên thuyền trưởng da trắng định chất xuống tàu.

Người phiên dịch vừa dịch xong đề nghị của Tamangô ra tiếng Pháp, Lơđu ngạc nhiên và giận quá xuýt ngã ngửa người; rồi miệng lẩm bẩm văng mấy câu chửi rủa rất tục, hắn đứng dậy làm như định cắt đứt việc mua bán với một con người không biết điều như vậy. Thấy thế, Tamangô vội giữ lại và khó khắn lắm mới kéo được hắn ngồi xuống. Một chai rượu nữa lại được mở ra và cuộc thảo luận lại tiếp tục. Bây giờ đến lượt gã da đen cho những đề nghị của người da trắng kia là điên rồ và quá quắt. Hai bên la hét, tranh cãi rất lâu, uống không biết bao nhiêu rượu mạnh nhưng rượu mạnh đối với hai bên giao dịch có một tác dụng khác hẳn nhau.

Gã người Pháp càng uống càng dìm giá; gã người Phi càng uống càng nhượng bộ. Cứ như thế cho đến khi hết giành rượu thì hai bên đi đến chỗ ngã giá. Một số vải xấu, thuốc súng, đá lửa, ba thùng rượu mạnh, năm mươi khẩu súng cũ sửa chữa qua loa được đem trao đổi lấy một trăm sáu mươi người nô lệ. Để công nhận giao kèo, viên thuyền trưởng vỗ vào tay gã da đen lúc ấy đã gần say bí tỉ, rồi ngay sau đó số nô lệ được trao cho bọn thủy thủ Pháp. Họ vội vã tháo những chiếc chạc gỗ ra rồi đóng gông và lấy khóa sắt còng tay những người nô lệ lại; xem vậy mới thấy rõ tính ưu việt của nền văn minh châu Âu.

Còn lại độ ba mươi người nô lệ nữa, toàn là trẻ con, người già và phụ nữ tàn tật, Tàu đã chất đầy mất rồi.

Tamangô không biết làm gì với số người thừa ế kia, bèn nói với viên thuyền trưởng xin bán nốt lấy mỗi đầu người một chai rượu mạnh. Giá có vẻ hời lắm. Lơđu chợt nhớ trong một buổi diễn vở "Buổi lễ chầu ở Xixilơ"(11) ở Năngtơ, hắn thấy khối người vừa to vừa béo vẫn len vào ngồi được ở tầng dưới nhà hát đã chật ních vì lẽ thân thể con người là một vật dễ nén ép. Hắn bèn nhận hai mươi người thân hình thon mảnh nhất trong số ba mươi nô lệ còn lại.

Tamangô lúc đó chỉ đòi trả một cốc rượu mạnh về mỗi người trong số mười người còn lại; Lơđu suy nghĩ thấy trẻ con chỉ phải trả nửa vé và ngồi nửa chỗ trên các xe công cộng. Hắn bèn lấy thêm ba đứa trẻ; nhưng hắn tuyên bố nhất định không lấy thêm một tên da đen nào nữa. Tamangô thấy mình hãy còn phải gánh bảy tên nô lệ nữa, bèn lấy súng nhắm vào người đàn bà đứng đầu; người đó là mẹ ba đứa trẻ kia.

- Mua đi, gã nói với tên da trắng, không thì tôi bắn chết nó. Một cốc rượu nhỏ thôi, không thì tôi bắn.

- Mày bảo tao mua nó làm cái quái gì, Lơđu đáp.

Tamangô nổ cò, người nô lệ kia vật xuống đất chết.

- Nào đến lượt đứa khác! Tamangô vừa lớn tiếng quát vừa giơ súng ngắm vào một cụ già còm nhom tàn tật.

- Một cốc rượu mạnh không thì...

Một người vợ của Tamangô hất cánh tay gã về phía trước, phát đạn nổ vu vơ. Người vợ đó vừa nhận thấy ông già sắp bị chồng giết kia là một ghiriô, tức là phù thủy, lão ta trước có xem tướng số cho chị nói chị một ngày kia sẽ được làm hoàng hậu.

Tamangô đã trở nên hung dữ vì say rượu, khi thấy có người dám cưỡng lại ý mình thì không tự chủ được nữa. Gã lấy báng súng đánh vợ rất tàn nhẫn, rồi quay lại phía Lơđu:

- Này, tôi cho ông con mẹ này đấy!

Chị kia trông xinh xắn. Lơđu nhìn chị ta mỉm cười, rồi cầm tay nói:

- Thế nào ta cũng tìm được chỗ cho cô ả.

Người phiên dịch vốn có lòng thương người. Anh ta cho Tamangô một cái hộp đựng thuốc lá sợi bằng bìa cứng và xin gã sáu người nô lệ còn lại. Anh ta tháo chạc cho họ rồi để cho họ tùy ý muốn đi đâu thì đi. Lập tức họ chạy trốn, người về phía này, người về phía kia, rất lúng túng, không biết làm thế nào tìm về được quê hương cách bờ biển đến hai trăm dặm.

Trong khi đó, viên thuyền trưởng từ biệt Tamangô và lo xếp hàng xuống tàu cho thật nhanh.

Ở lâu quá trong sông là một việc không nên; các tuần dương hạm có thể xuất hiện và hắn muốn sửa soạn nhổ neo vào ngày hôm sau. Còn Tamangô say rượu nằm ngủ như chết trên bãi cỏ dưới bóng mát.

Khi gã tỉnh dậy thì tàu đã giương buồm xuôi theo dòng sông.

Tamangô đầu hãy còn nặng vì bữa quá chén hôm trước, hỏi đến vợ là Aysê đâu. Người ta nói Aysê đã bất hạnh làm cho gã giận nên đã bị gã đem cho viên thuyền trưởng da trắng và tên này đã đưa lên tàu mất rồi. Được tin ấy, Tamangô sửng sốt, đập đầu đập tai, rồi vớ lấy cây súng. Vì con sông chảy quanh co nhiều khúc trước khi đổ ra biển, nên gã theo đường tắt chạy thẳng đến một cái vũng nhỏ cách cửa sông chừng nửa dặm. Tới đó gã hy vọng tìm được xuồng và có thể đuổi kịp chiếc tàu vì các khúc sông ngoằn ngoèo chắc thế nào cũng làm cho tàu đi chậm lại. Gã đã không lầm; gã đã kịp nhảy xuống một chiếc xuồng và đuổi kịp chiếc tàu buôn người da đen.

Lơđu rất ngạc nhiên khi trông thấy gã, và ngạc nhiên hơn nữa khi nghe thấy gã đòi lại vợ.

- Của đã cho không đòi lại được, Lơđu đáp.

Nói rồi hắn quay lưng đi. Gã da đen vẫn cứ nằng nặc đòi và xin trả lại một phần của cải Lơđu đã đổi cho gã lấy những người nô lệ. Viên thuyền trưởng phá lên cười và nói Aysê là một người đàn bà rất tốt và hắn muốn giữ lại. Thế là anh chàng Tamangô tội nghiệp kia, nước mắt chảy ròng ròng, rú lên những tiếng kêu đau xót như tiếng kêu của một con người khốn khổ nào đó đang bị mổ xẻ. Khi thì gã lăn lộn trên boong tàu, miệng gọi em Aysê thân yêu, khi thì đập đầu xuống ván sàn như định tự tử. Viên thuyền trưởng mắt vẫn lạnh như tiền, chỉ lên bờ ra hiệu cho gã là đã đến lúc phải xéo ngay đi nhưng Tamangô vẫn cố vật nài. Gã xin đổi đến cả bộ ngù vàng, cây súng và thanh kiếm của gã, nhưng đều vô ích.

Trong khi hai bên tranh luận, viên phó thuyền trưởng tàu HY VỌNG bảo Lơđu:

- Đêm qua ta chết mất ba tên nô lệ; ta hãy còn chỗ. Tại sao ta lại không bắt lấy thằng cha lực lưỡng này, một mình nó cũng đáng giá hơn cả ba tên mới chết kia?

Lơđu suy nghĩ thấy rằng Tamangô rất có thể bán được tới nghìn ê-quy; chuyến đi này đối với hắn khởi đầu đã có vẻ lãi lớn, chắc có lẽ là chuyến cuối cùng của hắn; sau hết hắn đã kiếm được một cái vốn to rồi và sẽ thôi không làm cái nghề buôn nô lệ này nữa thì hắn cần gì đến việc để lại tiếng tốt hay không tốt trên bờ biển Ghinê kia. Vả lại trên bờ không có một ai và gã chiến tướng người Phi kia hoàn toàn nằm trong tay hắn. Bây giờ chỉ còn vấn đề là tước vũ khí của Tamangô vì trong khi hắn còn vũ khí ở trong tay mà bắt hắn là một việc rất nguy hiểm. Lơđu bèn bảo Tamangô đưa súng, làm như để xem khẩu súng có thật đáng đổi nàng Aysê xinh đẹp kia không. Trong khi kéo ra kéo vào các lò xo, hắn cố ý để cho thuốc ở kíp rơi ra. Còn viên phó thuyền trưởng cũng mân mê thanh kiếm; khi Tamangô không còn vũ khí nữa, hai thủy thủ lực lưỡng liền xông vào vật ngửa hắn ra định trói gô lại. Gã da đen chống cự lại rất anh dũng. Qua cơn kinh ngạc lúc đầu và tuy ở vào một tình thế bất lợi, hắn vật lộn với hai thủy thủ rất lâu.

Nhờ có sức khỏe phi thường, hắn đứng dậy được, cho tên thủy thủ đang nắm cổ mình một quả tống ngã lăn quay; bị tên thủy thủ kia túm áo, hắn giằng ra, để lại một mảnh áo toạc rách trong tay tên này; rồi tức như điên, hắn lao mình vào tên phó thuyền trưởng để giành lại thanh kiếm.

Tên này cầm kiếm chém vào đầu hắn gây một vết thương rộng nhưng không sâu lắm. Tamangô lại ngã một lần nữa. Lập tức chúng trói chặt chân tay hắn lại. Trong khi chống cự, hắn tức giận điên cuồng, gầm hét và giẫy giụa như lợn mắc lưới; nhưng khi thấy có chống cự mấy cũng vô ích, hắn liền nhắm mắt lại nằm im không cử động nữa. Chỉ có hơi thở mạnh và dồn dập chứng tỏ hắn vẫn còn sống.

- Mẹ kiếp! Viên thuyền trưởng Lơđu nói, bọn da đen bị nó bán đi phen này hẳn được một mẻ cười khoái trá khi thấy đến lượt nó cũng thành nô lệ nốt. Có thể chúng nó mới thấy rõ là Trời có mắt.

Trong khi đó gã Tamangô khốn khổ kia đang mất hết máu. Người phiên dịch có lòng nhân từ, hôm trước đã cứu sống sáu người nô lệ, đến bên cạnh băng bó vết thương cho hắn và nói mấy lời an ủi. Người ấy nói với hắn những gì tôi cũng không rõ. Gã da đen nằm yên không cựa quậy, như một xác chết. Phải cho hai thủy thủ khiêng hắn như khiêng một kiện hàng xuống boong giữa đặt vào chỗ dành cho hắn. Hai ngày liền, hắn không chịu ăn uống gì cả, chỉ thỉnh thoảng mở mắt ra một tí. Những người cùng bị giam trước kia là tù nhân của hắn, nay thấy hắn cùng chung số phận với họ thì ngạc nhiên ngơ ngác nhìn. Hắn hãy còn làm cho họ sợ đến nỗi không một ai dám lên tiếng sỉ nhục sự khốn cùng của kẻ đã đưa họ đến cảnh đau khổ này.

Nhờ gió thuận thổi từ đất liền ra, con tàu rời bờ biển châu Phi đi rất nhanh. Bây giờ không còn sợ tàu tuần tiễu Anh nữa, viên thuyền trưởng chỉ còn nghĩ đến những món lãi kếch xù đang chờ đợi hắn ở những thuộc địa hắn đang đi tới. Món gỗ mun của hắn giữ được nguyên vẹn, không bị hư hỏng gì. Không hề xảy ra bệnh truyền nhiễm. Chỉ có mười hai tên da đen trong số những đứa yếu nhất đã chết vì nóng. Chuyện không đáng kể. Để món hàng người đỡ tổn thương vì đi tàu nhọc mệt, hắn đã có ý chăm sóc, ngày nào cũng cho các nô lệ lên boong chơi; lần lượt một phần ba những kẻ khốn khổ kia được phép lên một giờ lấy không khí dự trữ cho cả ngày. Một số thủy thủ giữ việc trông coi, vũ trang rất đầy đủ vì sợ nổi loạn, hơn nữa người ta cẩn thận không bao giờ tháo hẳn xiềng xích ra cả. Đôi khi một thủy thủ biết chơi vĩ cầm biểu diễn cho họ nghe. Thật là ngộ nghĩnh khi tất cả những bộ mặt đen xịt kia quay về phía người kéo đàn, dần dần mất hết vẻ tuyệt vọng ngây ngô, cười hềnh hệch và vỗ tay khi không vướng xiềng xích quá. Vận động thân thể vốn cần thiết cho sức khỏe; vì vậy một trong những việc làm bổ ích của viên thuyền trưởng là thường bắt số nô lệ nhảy múa cũng như người ta bắt ngựa dậm chân tại chỗ trên tàu trong những chuyến đi biển lâu.

- Nào, thôi các con, nhảy múa đi, vui đùa đi, viên thuyền trưởng nói, giọng như sấm, vừa đi vừa vút chiếc roi ngựa to kêu đen đét.

Thế là những người da đen tội nghiệp lập tức nhảy múa.

Vết thương của Tamangô làm gã phải nằm bẹp dưới cửa boong mất một thời gian. Rồi sau gã cũng lên. Thoạt tiên gã ngẩng cao đầu, hiên ngang giữa đám người nô lệ sợ sệt, gã đưa con mắt buồn rầu nhưng bình thản, nhìn làn nước mênh mông chung quanh tàu rồi ngả mình nằm dài, hay đúng hơn là gieo người xuống sàn gỗ trên boong, không thèm để ý kéo lại xiềng xích cho khỏi vướng.

Lơđu ngồi ở đằng sân lái, ung dung phì phèo cái tẩu. Gần chỗ hắn, Aysê tay chân không xiềng xích, mặc một chiếc áo vải màu xanh rất lịch sự, chân đi đôi giầy păng-túp rất xinh bằng da dê, tay bưng một cái khay trên để đầy các thứ rượu mùi, sẵn sàng hầu rượu. Rõ ràng là cô ả giữ chức vụ cao bên cạnh thuyền trưởng. Một người da đen vốn ghét Tamangô, ra hiệu bảo gã nhìn về phía ấy. Tamangô quay đầu lại, nhìn thấy Aysê liền thét lên một tiếng; rồi đứng phắt dậy chạy lại phía sân lái, làm cho mấy người thủy thủ đứng cạnh không kịp ngăn chặn một việc vi phạm nghiêm trọng đối với kỷ luật trên tàu như vậy.

- Aysê! gã thét một tiếng như sét và Aysê sợ không còn hồn vía, rú lên; con kia, mày tưởng ở xứ sở quân da trắng không làm gì có Mama Giumbô phải không?

Bọn thủy thủ đã giơ cao gậy đổ xô lại; nhưng Tamangô tay khoanh trước ngực, thản nhiên như không, yên lặng quay về chỗ cũ, còn Aysê nước mắt dàn dụa đứng đờ ra như tượng đá, trước những lời bí hiểm kia.

Người phiên dịch giải thích Mama Giumbô là gì mà chỉ cái tên cũng đủ gây khủng khiếp như vậy.

- Nó là con ngoáo ộp của người da đen, hắn nói. Khi có anh chàng nào sợ vợ mình làm mất cái việc mà rất nhiều phụ nữ ở Pháp cũng như ở châu Phi thường làm, thì anh ta lại lấy Mama Giumbô ra dọa vợ. Chính tôi đây đã được trông thấy Mama Giumbô và hiểu rõ mưu mẹo của họ; nhưng người da đen... vốn chất phác quá chẳng hiểu gì hết. Ông thử tưởng tượng, một buổi tối, trong khi đám phụ nữ chơi đùa nhảy múa, chơi trò phôn-ga (12), như họ thường nói, bỗng nhiên từ trong một khu rừng nhỏ cây cối rậm rạp âm u có tiếng nhạc rất kỳ lạ mà không thấy người chơi nhạc đâu cả; nhạc công đều nấp trong rừng. Có tiếng sáo sậy, tiếng trống ếch, tiếng đàn ba-la-phôt (13) và đàn lục huyền làm bằng nửa quả bầu nậm. Tất cả những cái đó hòa thành một điệu nhạc đến ma quỷ cũng phải sợ chạy. Bọn phụ nữ vừa nghe điệu nhạc đó đã run như cầy sấy, định chạy trốn nhưng bị chồng giữ lại: các cô ả biết cái gì đang đe dọa mình. Bỗng có một bóng trắng từ trong rừng đi ra, cao như cột buồm, đầu to bằng cái đấu, mắt to như lỗ dây neo, miệng như miệng quỷ sứ, trong có lửa cháy. Cái bóng trắng cứ lừ lừ tiến lại, nhưng không đi ra khỏi rừng quá nửa phần mười hải lý. Đám phụ nữ hét:

- Mama Giumbô kia kìa!

Họ kêu oai oái như những mụ bán hàu. Những đức ông chồng kia bấy giờ mới nói:

- Nào, những con ranh kia, thú thật đi có lang chạ với ai không? Dối trá thì Mama Giumbô đây kia sẽ ăn sống nuốt tươi ngay. Có những cô ả ngây thơ thú thật tất cả. Thế là bị chồng đánh cho một trận tơi bời.

- Thế cái bóng trắng Mama Giumbô kia là cái gì thế? viên thuyền trưởng hỏi.

- À, chỉ là một thằng cha tinh nghịch khoác một cái khăn trải giường trắng to, lấy một quả bí khô khoét ruột trong thắp một ngọn nến, cắm ở đầu một cái gậy dài, giả làm đầu. Có gì lạ lắm đâu: và chẳng phải vắt óc nghĩ mưu tìm kế mới đánh lừa được tụi da đen. Cái trò Mama Giumbô thế mà hay, và tôi cũng muốn mẹ đĩ nhà tôi tin có Mama Giumbô như vậy.

- Còn vợ tao ấy à, Lơđu nói, nó không sợ lão Mama Giumbô thì cũng sợ Martanh Batông(14), vả lại nó cũng biết nếu giở trò gì ra với tao thì sẽ nhừ tử với tao ngay. Dòng họ Lơđu nhà tao không phải là những người tốt nhịn, và tuy tao chỉ còn một bàn tay, nhưng sử dụng roi thừng(15) vẫn giỏi chán. Còn cái thằng đã nói đến Mama Giumbô ở đằng kia, bảo nó hãy liệu hồn đừng có dọa con bé này, không tao lại dần cho một trận khiến da nó đang đen sẽ biến thành đỏ như miếng thăn bò sống cho mà xem.

Nói xong viên thuyền trưởng đi xuống phòng riêng cho gọi Aysê đến, tìm cách dỗ dành; những vuốt ve và cả đòn vọt - vì mãi người ta cũng phải sốt tiết - cũng không làm chuyển được lòng cô gái da đen xinh đẹp, cô ả cứ khóc như mưa như gió. Viên thuyền trưởng lại trở lên boong, vẻ bực tức, gây sự với viên quan đương trực điều khiển tàu chạy lúc bấy giờ.

Đến đêm khi hầu hết thủy thủ trên tàu đã ngủ say, những người gác thoạt đầu nghe thấy một giọng hát trầm trầm, trang nghiêm, ảo não từ trong boong giữa vọng lại, rồi tiếp đó có tiếng đàn bà kêu rú lên nghe rất khủng khiếp. Lập tức sau đó có tiếng Lơđu, giọng oang oang, chửi rủa, đe dọa, và tiếng cái roi ghê gớm của hắn kêu vun vút vang lên khắp tàu. Một lát sau, tất cả lại trở lại yên lặng như cũ. Ngày hôm sau, Tamangô hiện ra trên boong, mặt mày thâm tím, nhưng vẻ mặt vẫn hiên ngang và quả cảm như trước.

Aysê đang ngồi ở sân lái bên cạnh viên thuyền trưởng, vừa thoáng trông thấy Tamangô liền vội chạy nhanh lại trước mặt chồng cũ, quỳ xuống và nói bằng một giọng hết sức tuyệt vọng:

- Anh tha tội cho em, anh Tamangô! Anh tha tội cho em!

Tamangô trừng trừng nhìn Aysê một phút, rồi nhận thấy người phiên dịch đã đi xa, liền nói:

- Cho tao một cái giũa!

Nói xong gã lại ngả mình nằm dài xuống boong tàu, quay lưng đi. Viên thuyền trưởng mắng Aysê tàn tệ, thậm chí còn cho cô ả mấy cái tát và cấm từ rày không được nói chuyện với chồng cũ nữa; nhưng hắn không hề nghi ngờ gì về ý nghĩa những lời vắn tắt hai người vừa mới trao đổi với nhau, và cũng không căn vặn gì về việc ấy cả.

Trong khi đó, Tamangô bị nhốt chung với những người nô lệ khác, ngày đêm thúc giục họ phải cố gắng dũng cảm tìm cách giành lại tự do. Gã nói với họ rằng người da trắng trên tàu chỉ có ít và chỉ cho họ thấy rõ bọn thủy thủ giữ việc canh gác ngày càng chểnh mảng; rồi tuy không nói rõ ý định của mình ra sao, gã cũng nói cho họ biết gã sẽ có cách đưa họ trở về quê hương, gã khoe mình có phép thần thông, điều mà người da đen vốn rất mê tín, và dọa ma quỷ sẽ trả thù những kẻ nào không chịu giúp gã trong việc này. Trong lời hô hào vận động, Tamangô chỉ dùng tiếng địa phương của người Pơ-lơ (16), mà phần lớn nô lệ đều biết nhưng người phiên dịch không hiểu. Uy tín của Tamangô và thói quen của những người nô lệ vẫn thường sợ và nghe theo lời gã, lại càng giúp thêm một cách tuyệt diệu cho tài hùng biện của gã. Bọn da đen thúc giục gã ấn định ngày giải phóng họ, mặc dầu chính bản thân gã chưa chắc đã có thể làm được việc đó. Gã trả lời những người cùng âm mưu khởi nghịch một cách lửng lơ rằng thời cơ chưa đến, hắn có nằm mơ thấy cái ma nhưng cái ma chưa báo ngày nào, họ phải chuẩn bị sẵn sàng để hễ có hiệu lệnh là khởi sự ngay. Trong khi đó gã không bỏ qua một cơ hội nào để thử sự cảnh giác của những người canh gác gã. Một lần có một thủy thủ dựng cây súng vào thành tàu, đang thích thú xem một đàn cá bay bơi theo tàu, Tamangô cầm lấy cây súng mân mê, bắt chước một cách vụng về những động tác mà gã thấy thủy thủ vẫn làm khi luyện tập. Lát sau, người đó lấy lại súng, nhưng gã nghiệm được rằng mình có thể sờ vào vũ khí mà không làm cho người ta lập tức nghi ngờ; và khi nào đến lúc phải dùng nó, thì kẻ nào liều mạng lắm mới dám xông vào giằng lại vũ khí đã ở trong tay gã.

Một hôm Aysê vứt cho Tamangô một cái bánh bích-quy, vừa vứt vừa ra hiệu, chỉ có mình gã hiểu. Trong chiếc bánh có một cái giũa con; cuộc âm mưu khởi nghịch thành hay bại là trông cả vào dụng cụ đó. Mới đầu Tamangô tránh không đưa cho các bạn cùng bị giam xem cái giũa đó; nhưng đêm đến, gã lấm rầm nói những câu gì rất khó hiểu, kèm theo những điệu bộ hết sức kỳ quặc. Dần dần gã hăng lên đi đến chỗ hò hét quát tháo, cứ nghe giọng nói của gã khi lên khi xuống, người ta tưởng chừng như gã đang rối rít nói chuyện với một nhân vật vô hình nào đó.

Bọn người nô lệ đều run sợ, tin chắc rằng cái ma đang đứng trước mặt họ. Tamangô vui sướng thét lên một tiếng để chấm dứt lớp kịch đó.

- Hỡi các bạn, Tamangô lớn tiếng nói, ta cầu cái ma nay đã được cái ma ban cho điều cái ma đã hứa, và nay ta đã cầm trong tay công cụ để giải phóng cho chúng ta. Bây giờ các bạn chỉ còn cần đôi chút dũng cảm là được tự do.

Gã đưa cho những người bên cạnh sờ xem cái giũa, và mưu mẹo bịp bợm đó tuy hết sức thô thiển vẫn được những con người còn thô thiển hơn kia tin ngay.

Sau khi chờ đợi một thời gian khá lâu, ngày báo thù và tự do trọng đại kia đã đến. Bọn người mưu phản cấu kết với nhau bằng một lời thề long trọng, sau khi cùng nhau bàn tính đã định xong mưu kế.

Những người quyết tâm nhất, đứng đầu là Tamangô, khi nào đến lượt lên boong phải cướp súng của bọn gác; vài người khác sẽ chạy thẳng vào phòng thuyền trưởng cướp lấy số súng để ở đó. Những người nào đã giũa được xiềng xích phải bắt đầu tấn công ngay; nhưng tuy đã kiên trì làm việc trong mấy đêm liền, một số lớn người nô lệ vẫn chưa thể tham gia hành động một cách mạnh mẽ được. Vì vậy ba người da đen lực lưỡng có nhiệm vụ phải hạ thủ tên giữ chìa khóa xiềng trong túi, và lập tức đi cứu ngay những bạn còn bị xích.

Ngày hôm đó, viên thuyền trưởng tỏ ra rất vui vẻ đáng yêu. Trái với thường lệ hắn đã tha tội cho một thủy thủ nhỏ tuổi đáng đánh đòn. Hắn khen ngợi viên sĩ quan đương trực về cách điều khiển con tàu, tuyên bố với thủ thủy rằng hắn rất bằng lòng và báo cáo cho họ biết đến Martinich, nơi chẳng bao lâu nữa họ sẽ tới, mỗi người sẽ được lĩnh một món tiền thưởng. Thủy thủ người nào người nấy đều ôm ấp ý nghĩ khoái trá đó, tính nhẩm trong đầu những việc sẽ dùng đến món tiền thưởng kia. Họ đang nghĩ đến rượu mạnh, đến những cô gái da màu ở đảo Martinich, thì người ta cho Tamangô và những người mưu phản khác lên boong.

Họ đã cố ý giũa xiềng xích thế nào cho người ta không trông thấy xích đã bị đứt, nhưng chỉ cựa mạnh là đủ làm cho nó gẫy. Hơn nữa họ lại còn làm cho xiềng xích kêu loảng xoảng để ai nghe thấy cũng tưởng như họ mang những xiềng xích nặng gấp đôi. Sau khi đã thở hít không khí được một lúc, họ cầm tay nhau nhảy múa, trong khi đó Tamangô cất tiếng hát bài chiến ca của dòng họ mình (17), bài hát mà xưa kia gã thường hát trước khi ra trận. Nhảy múa được một lát, Tamangô làm như mệt quá, ngả nằm dài dưới chân một thủy thủ đang uể oải dựa người vào thành tàu: tất cả những người mưu phản khác đều làm như Tamangô. Thành ra cứ mỗi thủy thủ lại có mấy người da đen vây quanh.

Sau khi nhẹ nhàng bẻ gãy xiềng xích của mình, bỗng nhiên, Tamangô thét lên một tiếng lớn để làm hiệu, giật mạnh chân người thủy thủ đứng ở gần mình cho ngã lăn xuống sàn rồi dẫm chân lên bụng, giằng lấy súng của hắn và lấy súng đó hạ thủ viên sĩ quan đương trực. Cùng lúc ấy, mọi người thủy thủ đứng gác đều bị đánh, tước vũ khí và đâm chết ngay. Bốn bề tiếng hò reo vang dậy. Tên coi giữ chìa khóa xiềng là một trong những người bị giết chết trước tiên. Thế là cả một đám đông người da đen tràn lên boong tàu. Người nào không kiếm được vũ khí thì vớ lấy những tay càng ở cái tời cuốn xích neo hay những bơi chèo ở cái xuồng. Từ lúc đó bọn thủy thủ người Âu đã lâm vào cảnh tuyệt vọng. Tuy vậy cũng có vài thủy thủ vẫn chống cự ở đằng sân lái; nhưng bọn họ không có vũ khí và thiếu kiên quyết. Lơđu hãy còn sống, tinh thần dũng cảm không hề bị nhụt đi chút nào. Nhận thấy Tamangô là linh hồn của cuộc nổi loạn, hắn tính nếu giết được Tamangô thì sẽ chẳng còn sợ gì bọn tòng đảng nữa. Hắn liền nhảy bổ lại phía Tamangô, tay cầm kiếm, miệng hét gọi Tamangô. Lập tức Tamangô xông tới trước mặt hắn. Gã cầm đầu nòng súng dùng làm trùy để đánh. Hai tay thủ lĩnh gặp nhau trên một lối đi hẹp, chỗ đi lại giữa sân mũi với sân lái. Tamangô đánh trước. Tên da trắng khẽ né người tránh được. Báng súng giáng xuống sàn ván vỡ tan, làm cái súng bật lại mạnh quá tuột khỏi tay Tamangô. Thế là Tamangô không còn có gì để tự vệ; Lơđu nở một nụ cười ma quái, giơ tay sắp sửa đâm. Nhưng Tamangô nhanh nhẹn như giống beo ở quê hương gã, lao mình vào trong tay đối phương, tóm lấy bàn tay cầm kiếm. Một bên thì cố giữ chặt lấy kiếm, một bên thì cố giằng ra. Trong cuộc vật lộn điên cuồng đó, cả hai cùng ngã, nhưng gã người Phi bị nằm dưới. Không ngả lòng, Tamangô lấy hết sức ghì chặt đối phương, cắn vào cổ họng mạnh đến nỗi máu phọt ra như dưới nanh sư tử. Viên thuyền trưởng bủn rủn để tuột thanh kiếm. Tamangô vớ ngay lấy kiếm đứng dậy, miệng nhoe nhoét máu, hét vang tiếng kêu chiến thắng, cứ thế đâm lấy đâm để vào mình địch thủ lúc bấy giờ đã ngắc ngoải.

Thắng lợi không còn nghi ngờ gì nữa. Mấy thủy thủ còn sống sót, xin tha mạng, nhưng tất cả đều bị tàn sát không một chút thương hại, kể cả người phiên dịch là người không hề làm gì họ cả. Viên phó thuyền trưởng đã hy sinh một cách vẻ vang. Hắn rút lui về phía đằng lái, tới bên một khẩu đại bác thuộc loại nhỏ quay trên một cái trụ và bắn bằng đạn ria. Tay trái điều khiển đại bác, tay phải cầm kiếm, hắn chống cự rất hăng, làm những người da đen xô lại xung quanh rất đông. Bấy giờ hắn bèn bấm cò đại bác làm một số đông trong đám người chen chúc đó ngã xuống thành một dẫy dài xác chết và người bị thương ngắc ngoải ngổn ngang kín cả mặt sàn tàu. Một lát sau hắn cũng bị xả ra từng mảnh.

Xác người da trắng cuối cùng bị băm nát và chặt ra từng mảnh đã vất xuống biển rồi, bọn người da đen báo thù đã hả bấy giờ mới ngước nhìn những cánh buồm tàu vẫn căng thẳng trước ngọn gió mát hình như hãy còn vâng theo ý muốn của những kẻ đã áp bức họ, và không kể gì họ đã chiến thắng, vẫn cứ thẳng đường đưa họ đến đất nô lệ.

- Ra vẫn chưa đâu vào đâu cả, họ buồn rầu nghĩ thầm, và vật thần to lớn của bọn da trắng này không biết có chịu đưa chúng ta, những người đã làm đổ máu bọn chủ của nó, trở về quê hương xứ sở chúng ta không?

Có một vài người nói Tamangô nhất định sẽ có cách bắt nó phải vâng theo ý muốn của mình.

Lập tức người ta lớn tiếng gọi Tamangô.

Gọi mãi cũng không thấy đâu cả. Cuối cùng người ta tìm thấy gã ở buồng lái đang đứng một tay chống thanh kiếm vấy máu của viên thuyền trưởng, một tay thờ thẫn giơ cho vợ là Aysê đang quỳ trước mặt gã hôn. Nỗi mừng chiến thắng không làm giảm được nỗi lo lắng u uất biểu lộ trong từng nét mặt, từng cử chỉ của gã. Không quá thô thiển như những người da đen khác, gã cảm thấy rõ rệt hơn những khó khăn trong tình thế của mình.

Sau đó gã lên boong, làm ra vẻ bình tĩnh, nhưng thật ra trong lòng chẳng bình tĩnh chút nào.

Bị hàng trăm tiếng lao xao thúc giục gã đứng ra điều khiển con tàu, Tamangô tiến lại gần bánh lái, thong thả từng bước như để làm chậm thêm đôi chút giây phút quyết định, đối với gã cũng như đối với người khác, mức độ quyền lực của gã.

Khắp trên tàu không một người da đen nào, dù ngu ngốc đến đâu lại không nhận thấy tác dụng của một cái bánh xe và cái hộp để trước mặt đối với mọi chuyển động của con tàu: nhưng đối với họ, trong bộ máy đó vẫn có cái gì thần bí cao siêu. Tamangô ngắm nghía cái la bàn rất lâu, đôi môi mấp máy làm như đang đọc những chữ kẻ ở trên; rồi gã đưa tay lên trán ra dáng suy nghĩ như một người làm tính nhẩm trong đầu. Tất cả đám người da đen đứng xúm xung quanh, miệng há hốc, mắt giương thao láo, hồi hộp theo dõi từng cử chỉ của gã. Cuối cùng với tâm trạng vừa lo sợ vừa tin tưởng của một người ngu dốt, gã đưa tay lên bánh lái xoay mạnh một cái.

Như một con tuấn mã chồm lên khi bị mũi đinh thúc ngựa của một kỵ sĩ dại dột thúc vào sườn, chiếc tàu buồm HY VỌNG rất đẹp kia nhảy vọt trên mặt sóng do sự điều khiển quái gở đó. Người ta tưởng chừng như con tàu căm phẫn quá, định trầm mình xuống nước cùng với viên hoa tiêu ngu dốt. Mối quan hệ cần thiết giữa hướng buồm và chiều bánh lái bị phá vỡ đột ngột, con tàu nghiêng hẳn đi tưởng như sắp chìm xuống biển sâu. Những trục buồm dài đâm cả xuống nước. Nhiều người ngã, một số văng xuống biển. Một lát sau, con tàu chống lại với sóng, hiên ngang đứng thẳng lên, như để một lần nữa chống lại sự diệt vong. Gió càng thổi dữ, rồi bất thình lình hai cột buồm đổ xuống đánh rầm một tiếng rất khủng khiếp, gãy cách boong tàu chừng vài pi-ê, làm boong tàu phủ đầy mảnh vụn và như bị trùm trong một màng lưới dây thừng.

Bọn người da đen kinh hãi chạy trốn xuống các cửa boong và hét lên những tiếng khủng khiếp; nhưng vì gió không còn đập vào chỗ nào nữa, nên con tàu lại đứng thẳng lên rồi nhè nhẹ lắc lư theo làn sóng vỗ. Bấy giờ những người da đen gan dạ nhất lại trèo lên boong dọn dẹp những mảnh vụn làm nghẽn lối đi. Tamangô đứng yên lặng, khuỷu tay tì vào hộp la bàn, úp mặt vào cánh tay gập lại. Aysê đứng bên cạnh, nhưng không dám nói năng gì với chồng. Bọn người da đen mon men lại gần; tiếng xì xào lại nổi lên chẳng mấy chốc đã biến thành những lời trách móc chửi rủa đổ xuống như bão táp.

- Đồ gian giảo! Đồ lừa lọc! Chỉ tại mày chúng tao mới đến nỗi khổ sở như thế này. Chính mày đã bán chúng tao cho những tên da trắng, chính mày đã bắt chúng tao phải nổi dậy chống lại chúng nó. Trước mày khoe mày tài giỏi, mày hứa sẽ đưa chúng tao về quê hương xứ sở. Chúng tao đã dại dột tin mày, thế là xuýt nữa thì chết mất xác cả, chỉ vì mày đã xúc phạm đến thần thánh của người da trắng.

Tamangô kiêu hãnh ngửng đầu lên, bọn người da đen đứng chung quanh sợ hãi lùi ra. Gã nhặt hai cây súng, ra hiệu cho vợ đi theo, vượt qua đám đông đi về phía mũi tàu; gã đi đến đâu, đám người rẽ ra đến đấy. Tới mũi tàu, gã lấy ván và vỏ thùng rượu xếp thành một cái lũy rồi ngồi vào giữa, lưỡi lê của hai khẩu súng chĩa ra, trông rất ghê sợ. Người ta để mặc gã ở đó. Đám người nổi loạn, kẻ thì khóc lóc kẻ thì giơ tay lên trời, kêu cầu những thần thánh của mình và của người da trắng; một số quỳ trước la-bàn, thấy nó luôn luôn chuyển động rất lấy làm thán phục, khấn xin nó đưa mình về quê hương; còn một số nằm dài trên boong tàu chán nản âu sầu. Giữa đám đông người tuyệt vọng đó, ta thử tưởng tượng nào đàn bà, nào trẻ con sợ hãi khóc thét và độ hai chục người bị thương cầu cứu mà không một ai nghĩ đến chuyện cứu giúp họ cả.

Bỗng nhiên có một gã da đen mặt mày hớn hở hiện ra trên boong tàu; hắn báo tin hắn mới tìm thấy chỗ người da trắng cất rượu mạnh, cứ trông vẻ vui mừng và điệu bộ của hắn cũng đủ biết hắn vừa mới nếm thử xong.

Tin đó làm cho những người tội nghiệp kia ngừng kêu khóc được chốc lát. Họ đổ xô lại chỗ kho lương thực, lấy rượu ra nốc lấy nốc để. Một giờ sau đã thấy họ nhảy múa, cười đùa trên boong, làm đủ mọi trò quái gở của một cuộc say sưa hết sức thô bạo. Đi đôi với những lời ca điệu múa của họ là những tiếng rên rỉ nức nở của những người bị thương, cứ như thế cho mãi đến tối và suốt cả đêm.

Sáng ra, lúc thức dậy lại càng tuyệt vọng. Đêm hôm trước một số lớn những người bị thương đã chết. Con tàu trôi lênh đênh, xung quanh toàn là xác chết. Biển động, trời lại sương mù. Họ họp nhau lại bàn, vài người mới học nghề phù thủy, trước đây trước mặt Tamangô không dám nói đến tài nghệ của mình, nay lần lượt xin ra tay giúp. Người ta thử mấy phép hô thần kỳ đảo rất thiêng, nhưng mỗi lần làm thử thấy không có kết quả họ lại càng ngã lòng. Cuối cùng người ta lại nhắc đến Tamangô lúc bấy giờ vẫn chưa chịu ra khỏi thành lũy của mình. Dù sao Tamangô cũng vẫn là người hiểu biết hơn nhiều cả, và chỉ có Tamangô mới có thể cứu được họ thoát cảnh khủng khiếp mà gã đã đẩy họ vào. Một ông già tiến lại gần Tamangô mang theo đề nghị giảng hòa và yêu cầu gã đến cho biết ý kiến, nhưng Tamangô cũng như Côriôlan (18) không hề lay chuyển, nhất định làm ngơ trước những lời cầu khẩn đó. Ban đêm, giữa lúc hỗn độn, Tamangô đã đi lấy bích quy, thịt muối để dự trữ. Gã có vẻ nhất quyết sống riêng rẽ ở nơi ẩn náu của mình.

Rượu mạnh hãy còn. Ít nhất nó cũng làm ta quên biển cả, cảnh nô lệ và cái chết sắp tới. Người ta ngủ, người ta mơ đến châu Phi, người ta trông thấy những rừng cây gôm, những túp lều lợp rơm, những cây bao-báp to lớn, bóng che rợp cả một làng. Rồi lại uống rượu say túy lúy như hôm trước. Mấy ngày liền như vậy. Kêu gào, khóc lóc, bứt tóc bứt tai, rồi lại uống say và ngủ.

Họ cứ sống kéo dài như vậy. Có nhiều người chết vì uống rượu nhiều quá, có người nhảy xuống biển hay đâm cổ lẫn nhau.

Một buổi sáng, Tamangô ra khỏi thành lũy của mình, tiến mãi tới chỗ gần chân cột buồm lớn.

- Hỡi những người nô lệ kia! Tamangô nói, ta đã nằm mơ thấy cái ma hiện về chỉ cho ta biết cách cứu các ngươi ra khỏi chốn này, đưa các ngươi về quê hương xứ sở. Vong ân bội nghĩa như các ngươi, thì đáng lẽ ta mặc kệ mới phải; nhưng ta thương hại đám đàn bà con trẻ đang kêu khóc kia. Thôi ta tha thứ cho các ngươi. Hãy nghe ta nói đây.

Bọn người da đen ai nấy đều cúi đầu, kính cẩn xúm lại xung quanh.

- Chỉ có những người da trắng, Tamangô nói tiếp, mới biết được những lời có phép mầu nhiệm làm cho những tòa nhà gỗ to lớn này chuyển động. Nhưng chúng ta có thể tùy theo ý mình điều khiển những chiếc thuyền nhẹ kia giống như những thuyền ở quê hương chúng ta.

Tamangô chỉ cái sà-lúp và những chiếc xuồng khác ở trên tàu.

- Chúng ta hãy mang lương thực chất đầy các xuồng rồi chúng ta xuống xuồng, bơi theo chiều gió; Chúa của ta và cũng là Chúa của các ngươi sẽ bắt gió thổi xuồng về phía quê hương chúng ta.

Người ta tin gã. Thật chưa bao giờ có một việc mưu tính điên rồ hơn. Không biết cách sử dụng la bàn và dưới một bầu trời xa lạ, gã chỉ có thể lênh đênh phiêu bạt. Gã tưởng cứ bơi thẳng về phía trước mặt là cuối cùng thế nào cũng tới một nơi nào đó trên đất liền có người da đen ở, vì người da đen sống trên đất, còn người da trắng sống trên tàu của họ, đó là điều trước kia gã vẫn được nghe mẹ kể.

Chẳng bao lâu mọi việc chuẩn bị xuống thuyền đã xong xuôi, nhưng chỉ có cái sà-lúp và một chiếc xuồng đi biển có thể dùng được. Như vậy ít quá, không đủ chứa nổi tám mươi người da đen còn sống sót. Đành phải bỏ lại tất cả những người ốm và người bị thương. Phần lớn đều xin được giết đi trước khi bị bỏ lại.

Chiếc sà-lúp và chiếc xuồng, hì hục mãi mới hạ được xuống nước, và chở quá đầy, rời chiếc tàu vào lúc biển động, sóng vỗ bập bềnh, lúc nào cũng chỉ chực đắm. Chiếc xuồng tiến lên trước. Tamangô cùng Aysê xuống chiếc sà-lúp, vừa nặng hơn lại chở nhiều hơn, nên đi chậm tụt lại đằng sau một quãng khá xa. Người ta hãy còn văng vẳng nghe thấy tiếng kêu rên của mấy người tội nghiệp bị bỏ lại trên chiếc tàu buồm, thì chợt một đợt sóng khá to tràn ngang qua chiếc sà-lúp làm nước hắt vào đầy thuyền. Không đầy một phút, sà-lúp đắm. Chiếc xuồng trông thấy tai nạn, những người trên xuồng càng ra sức chèo, sợ phải vớt một vài người bị đắm lên xuồng. Những người đi sà-lúp bị chết đuối gần hết. Chỉ có chừng mươi mười hai người lại trở về tàu được. Trong số này có Tamangô và Aysê. Mặt trời lặn, họ trông thấy chiếc xuồng đi khuất dưới chân trời, sau ra sao không ai rõ.

Làm bạn đọc phải mệt óc với những chuyện miêu tả kinh tởm về những nỗi cực hình của cái đói làm gì? Chừng hai mươi người dồn trong một khoảng chật hẹp, khi thì bị biển động sóng to dồi lên dập xuống, khi thì bị mặt trời nắng gắt thiêu đốt cháy da, ngày nào cũng tranh nhau chỗ lương thực ít ỏi còn lại. Mỗi miếng bích quy là một cuộc ẩu đả, kẻ yếu bị chết không phải vì bị kẻ mạnh giết, mà là vì bị bỏ mặc cho chết. Mấy hôm sau, trên chiếc tàu buồm HY VỌNG chỉ còn lại có Tamangô và Aysê.

Một đêm, biển động sóng to, gió nổi rất dữ, trời tối quá đến nỗi ở đằng lái cũng không trông thấy rõ đàng mũi. Aysê nằm trên một chiếc đệm trong buồng thuyền trưởng, Tamangô ngồi ở dưới chân nàng.

Hai người yên lặng từ lâu.

Cuối cùng Aysê nói:

- Anh Tamangô, tất cả những đau khổ của anh đều tại em.

- Anh không đau khổ gì cả, Tamangô xẵng giọng đáp.

Nói rồi, gã ném xuống đệm một nửa cái bánh bích quy còn lại.

- Anh giữ lấy mà ăn, Aysê vừa nói vừa nhẹ nhàng đẩy trả lại miếng bánh; em không đói nữa.

Mà em ăn làm gì nữa, em chẳng đã đến giờ tận số rồi sao?

Tamangô đứng dậy không đáp, loạng choạng đi lên boong ngồi xuống chân một cột buồm gãy. Đầu gục xuống ngực, gã huýt sáo bài ca của dòng họ mình. Bỗng nhiên Tamangô nghe thấy một tiếng kêu thét át cả tiếng gió và tiếng sóng; một ánh sáng hiện ra. Sau gã lại nghe thấy nhiều tiếng kêu nữa, rồi một chiếc tàu lớn, đen lùi lũi đi rất nhanh gần sát chiếc tàu HY VỌNG, gần đến nỗi trục buồm lướt qua cả đầu gã. Gã chỉ thấy hai người do một ngọn đèn ló treo ở cột buồm chiếu sáng. Hai người đó lại hét to lên một tiếng rồi liền ngay lúc đó tàu của họ bị gió cuốn đi khuất vào đêm tối. Chắc hẳn những người canh trên chiếc tàu kia đã trông thấy con tàu bị nạn, nhưng vì trời phong ba bão táp nên họ không trở buồm được. Một lát sau, Tamangô trông thấy một khẩu đại bác lòe lửa rồi nghe thấy tiếng nổ; sau đó lại thấy một khẩu đại bác nữa lòe lửa, nhưng không nghe thấy gì cả; rồi sau đó không trông thấy gì nữa. Ngày hôm sau, không thấy bóng một cánh buồm nào hiện ra ở chân trời. Tamangô lại nằm xuống đệm, nhắm mắt lại. Aysê, vợ gã, chết đêm hôm đó.

Tôi không rõ bao nhiêu lâu sau đó chiếc tàu buồm Anh La Benlon trông thấy một chiếc tàu gãy cột buồm, thủy thủ trên tàu hình như đã bỏ mặc. Họ bèn cho một chiếc sà-lúp sang xem thì thấy trên tàu có một phụ nữ da đen đã chết, và một người đàn ông da đen gầy còm chỉ còn nắm xương trông như một cái xác chết ướp khô. Người da đen ấy nằm bất tỉnh nhân sự, nhưng hãy còn thoi thóp thở. Viên bác sĩ giải phẫu trên tàu vội đón và chạy chữa, và khi tàu La Benlon cặp bến Kinhxtơn (19) thì Tamangô đã hoàn toàn bình phục. Người ta hỏi chuyện gã. Gã biết những gì kể lại hết. Bọn chủ đồn điền trên đảo muốn người ta đem gã ra xử treo cổ về tội là một tên da đen phiến loạn; nhưng viên thống đốc trên đảo vốn là người nhân từ, chú ý đến gã, cho rằng trường hợp của gã có thể biện bạch được, vì dù sao gã chỉ sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình, vả chăng những người bị gã giết chỉ là người Pháp. Người ta đối xử với gã như đối với tất cả mọi người da đen bắt được trên một chiếc tàu buôn nô lệ bị tịch thu. Người ta trả lại tự do cho gã, nghĩa là bắt gã làm việc cho chính phủ; nhưng mỗi ngày gã được sáu xu và được nuôi ăn. Gã là một người cao lớn đẹp đẽ. Viên đại tá Trung đoàn 75 trông thấy bèn lấy gã vào làm chân đánh chũm chọe trong ban quân nhạc trung đoàn. Gã học được một ít tiếng Anh, nhưng rất ít nói. Trái lại gã uống rượu rem(20) và rượu ta-phi-a(21) quá độ, sau chết ở nhà thương về bệnh sưng phổi.

Chú thích:

(1) Trận này diễn ra ngày 21-10-1805 ở gần mũi đất Trafanga (eo biển Gibranta), trong đó hạm đội Anh do đô đốc Nenxơn chỉ huy, đánh tan hạm đội liên hợp Pháp-Tây Ban Nha.

(2) Tên một hòn đảo thuộc Anh ở bể Măngsơ.

(3) Đây muốn nói đến hòa ước ký kết giữa Pháp và Anh sau khi nền đế chính của Napôlêông sụp đổ (1815).

(4) Tên bọn con buôn người da đen tự đặt cho mình.

(5) Đơn vị đo chiều dài ở Châu Âu thời xưa bằng khoảng 32 cm. Còn pu-xơ thì bằng 2,5 cm.

(6) Tên một hải cảng lớn ở bờ biển phía Tây nước Pháp.

(7) Tên một thuộc địa cũ của Pháp ở Tây Phi.

(8) Một loại tiền cổ ở Pháp, bằng 5 phơ-răng.

(9) Tên một đảo thuộc Pháp ở Trung Mỹ. Hồi đầu thế kỷ XIX ở các đồn điền trồng mía ở Martinich, phần lớn công việc trồng trọt đều do người da đen nô lệ bị buôn từ Châu Phi sang làm.

(10) Tên của một trong những bộ lạc lớn nhất ở Xênêgan.

(11) Bi kịch của thi sĩ Pháp Cadimia Đơ Lavinhơ (1793 - 1813), đả kích phong kiến.

(12) Tiếng Bồ Đào Nha trong nguyên văn, nghĩa là trò giải trí. Danh từ này đã đi sâu vào ngôn ngữ của bộ lạc da đen Vô-lô-phơ.

(13) Thứ đàn của người da đen, gồm 20 miếng gỗ rất rắn, ở phía dưới có buộc những nửa quả bầu già phơi khô để làm cho tiếng kêu to.

(14) Tiếng gọi đùa người cầm gậy, cầm roi, đây ý nói sợ đòn.

(15) Roi làm bằng giây thừng bện lại, hồi trước dùng để trừng trị thủy thủ.

(16) Tên một bộ lạc da đen ở Xênêgan.

(17) Đội trưởng da đen nào cũng có chiến ca riêng.

(18) Một người quý tộc thời xưa vì xung đột với thứ dân, bị buộc phải rời khỏi La Mã. Về sau ông mang quân về vây thành, khăng khăng cự tuyệt mọi đề nghị giảng hòa của nghị viện La Mã; mãi sau có một phái đoàn phụ nữ trong đó có mẹ, vợ và con gái ông đến xin cầu hòa, ông mới chịu.

(19) Thủ đô đảo Giamaica ở Trung Mỹ, nguyên trước là thuộc địa Anh.

(20), (21) Tên hai thứ rượu mía.


Nguồn: Lê -Hà - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 14 tháng 4 năm 2020