Hàng cây bút-bút
Trước bến đình làng Mỹ-Lý có một hàng cây bút-bút cành bặm và lá xanh. Hàng cây nầy nghe đâu mọc từ lúc mới dựng đình. Cây bút-bút có một chất nhựa như cao-su. Người làng thường dùng để làm thuốc. Vì có nhiều người lành bệnh nên họ đến đặt một cái am nhỏ trên hai cành cây vươn ra sông. Cây nầy lại ở ngay trước mặt đình. Hai bên là sáu cây khác mọc cách nhau chừng tám thước.
Cứ đến mồng một ngày rằm người ta lại đem hoa quả đến am cúng. Ở vùng quê một chuyện không ra gì lâu cũng thành tục lệ. Chẳng hạn nhựa cây bút-bút chữa được bệnh phong là nhờ chất cây hợp với bệnh cũng như trăm nghìn vị thuốc ngoại khoa khác. Người làng lại nghĩ một cách kỳ khôi hơn. Là tin có một ông thần nhập vào cây để cứu bệnh. Rồi họ dựng am và đặt ra lệ cắt nhựa:
Rằm (cắt nhựa) thì tốt,
Mồng một thì nguy,
Trăm chuyện còn tùy,
Ngày lành tháng dữ.
Bến đình trước kia là một nơi nghỉ mát của dân làng. Vì ở đó có nhiều tấm đá Thanh dài và nhẵn. Đó còn là nơi sạch sẽ nhất làng nữa. Vì sợ phải tội nên không ai đến tắm hay giặt. Nhưng sau người đến chơi càng ngày càng vắng. Họ sợ am Thánh và cây linh.
Thật ra cây bút-bút trông cũng hiền lành như cây thanh trà hay cây ổi. Nhưng lắm chuyện huyễn hoặc về hàng cây đã được kể với giọng thì thầm sợ sệt. Chuyện không đáng tin nhưng người làng cũng sợ. Và giữa đêm, ai cứng cổ đến đâu đi qua đó cũng thấy lạnh người. Chỉ tại họ nghe nhiều và hiểu ít.
Cũng vào lúc ấy nhà nước cho dựng trường Mỹ-Lý. Ông Lý và ông Bộ phải đến từng nhà để khuyến-khích con dân đi học.
Ngày ấy trong làng còn nhiều trường chữ Hán, nên thứ chữ mới chưa được ai mến chuộng. Sau tỉnh thúc và huyện sức mãi, ông Lý phải trích tiền làng cấp giấy mực cho con dân.
Nhờ sự tận tâm ấy, trường Mỹ-Lý nhận học trò càng ngày càng đông. Nhưng toàn học trò lớn tuổi cả. Lắm người đã có vợ con cũng cắp sách đến trường.
Chữ đã đổi trò chơi trong làng cũng đổi theo. Trước kia đi đâu cũng thấy người ta chơi căng, kiện, đáo hay cù. Lúc có trường học thì lối chơi ấy đã dần dần mất dấu. Các thầy giáo đã vẽ cho học trò đá bóng hay đánh bi. Trò chơi mới được bọn trẻ trong làng rất ham thích. Sốt sắng nhất là bọn chăn bò ở mấy quãng đồng.
Vì chúng nhàn rỗi luôn lại được nhiều khoảng đất trống nên chơi ban rất tiện. Nhiều lần chúng chơi say mê đến quên trời tối.
Cũng nhờ bọn ấy mà hàng cây bút-bút ở bên đình đã bớt oai nghiêm. Vì hồi ấy ban chơi thường là quả bưởi hay quả thanh trà chưa chín. Ban bằng cao-su đối với chúng còn hiếm và quý quá. Chúng tưởng không bao giờ chơi nổi. Sau có người cho biết nhựa cây bút-bút có thể làm ban được chúng liền lưu ý ngay.
Bắt đầu chúng lấy một cuộn giấy tròn rồi cắt cành cây bút-bút lấy nhựa phủ lên trên. Cứ xong một lớp nhựa chúng lại đem ra phơi thật khô để phủ lớp khác.
Chừng nào lớp nhựa trông khá dầy thì thôi. Quả ban bút-bút ấy được bọn trẻ làng xem như một vật báu. Vì mình nó dịu và mềm đá không đau chân. Một đặc tính khác của nó là biết dội cao nên chơi rất dễ.
Quả ban ấy có được là nhờ sự can đảm của bọn chăn bò. Chúng tinh nghịch quen và không sợ cây thiêng nên đến cắt nhựa tự nhiên. Bọn đàn anh đã nhiều lần hăm dọa và vẽ vời lắm chuyện tinh ma. Nhưng chúng vẫn xem như không. Vì đã nhiều lần đến lấy nhựa, chúng vẫn mạnh khỏe như thường. Dân trong làng từ đó đã bớt sợ hàng cây bút-bút. Bọn chăn bò được thể làm già. Chúng dám trèo lên tận đọt để lấy nhựa trong và dẻo hơn.
Trước bọn học trò trường Mỹ-Lý còn do dự. Sau thấy bọn chăn bò làm được việc nên họ làm theo. Nhờ sự chỉ vẽ của thầy, trái ban của bọn họ trông nhẹ và tròn hơn.
Họ lấy bong bóng heo thổi phồng thật lớn rồi lấy dây thắt lại. Đoạn lấy nhựa phủ lên từng lớp mỏng. Sau cùng họ lấy nhựa sung viết chữ lên trên mình ban. Nhựa bút-bút màu xám, nhựa sung màu trắng, đục, nên hàng chữ trông tươi và nổi lên rất đẹp. Quả ban ấy lớn và xinh hơn quả ban của bọn chăn bò.
Nhưng bọn sau này lại thuộc về hạng trẻ không bao giờ biết sờn lòng và chán nản. Chúng thấy có người lướt hơn chúng thì chúng tìm cách thắng lại ngay. Chúng đi lùng các chợ để mua cho kỳ được bong bóng bò. Rồi cũng theo cách trên, chúng đem phủ từng lớp nhựa bút-bút. Chúng thay phiên chăn bò giúp nhau, để phái người đi lấy nhựa. Nhờ ít nhiều kinh nghiệm, sau mỗi lớp nhựa phủ xong, chúng không đem phơi khô như trước nữa. Vì nhựa sẽ đông lại ngay. Và lớp trên, không ăn liền với lớp dưới. Chúng đã tìm được cách khác khéo léo hơn. Cứ phủ xong một lớp nhựa, chúng lại đem xuống sông dầm nước vài phút. Mình nhựa nhờ thế được dẻo và bền hơn. Và quả ban trông lúc nào cũng êm và cứng.
Sau một tháng làm việc đêm ngày, chúng mới đem được quả ban ra đá. Quả ấy đã chiếm được giải đẹp và to nhất làng. Không ai có ý làm lấn hơn chúng nữa. Cũng có người thử lấy bong bóng trâu làm cốt ban. Nhưng vì mình to quá nên ban hay xìu và hay vỡ.
Bọn học sinh ra chơi bến đình càng ngày càng đông. Họ đua nhau làm thật nhiều ban để tranh với bọn chăn bò. Cũng nhờ cách trường Mỹ-Lý có mấy cái lò heo, học trò thường đến mua bong bóng luôn.
Nửa tháng sau bọn chăn bò được hai quả ban thật lớn. Nhưng học trò lại được năm chục quả ban hạng vừa. Một đằng hơn về sức ban lớn, đằng khác thắng về số ban nhiều.
Và cuộc tranh đấu đầu tiên là do ở tài làm ban. Chứ về nghệ thuật đá ban thì họ chưa nghĩ đến. Sự tranh đấu ấy vẫn không kém hăng hái và thiếu lời khuyến-khích.
Một hôm bọn chăn bò đang trèo trên cây để lấy nhựa thì giữa lúc ấy bọn học sinh đi đến. Trong nửa giờ đầu, hai bên còn lặng lẽ ai làm việc nấy. Nhưng sau vì vô ý một đứa chăn bò để rơi nhựa cây trên mũ một cậu tên Minh.
Hai bên bắt đầu hằn học nguýt và lườm nhau. Một đứa chăn bò ngồi vỗ tay vào cành cây hát lớn:
Học trò đi học đường xa,
Đi lâu mỏi cẳng bắt cha cõng về.
Bọn học trò tức lắm, nhưng chưa nghĩ được mưu gì đáp lại. Minh nhanh trí nhớ được câu xưa liền hát:
Học trò đi học đường xa,
Mai sau thi đổ bắt cha bây cầm cờ.
Bọn chăn bò ngồi trên cành nghe hát liền dẫm chân mạnh cho lá cây bay xuống. Trong lúc ấy một đứa nhìn xuống chân cây hỏi lớn:
– Cha chúng tôi có cầm cờ hay không đó là chuyện mai sau. Nhưng chắc gì các cậu đã thi đậu. Nhưng ngay bây giờ thì chúng tôi đương ngồi trên đầu các cậu đây, các cậu nghĩ sao.
Nghe nói dứt lời cả bọn phá lên cười.
Minh lên tiếng:
– Còn nghĩ sao nữa. Ngồi trên cây vị tất đã khôn. Đứng dưới chưa chắc đã dại. Chúng tôi đi học cốt biết đến chữ nhường. Các anh ngồi được trên là nhờ sự nhịn nhường của chúng tôi thôi.
Bọn chăn bò biết là không hơn nổi, nói qua chuyện khác. Đứa nói lúc trước lại tiếp:
– À té ra các cậu nhường chúng tôi. Thế quả ban của chúng tôi lớn nhất làng cũng nhờ chữ nhường của các cậu đấy hẳn.
-Đó lại chuyện khác. Vì cốt ban chúng tôi là bong bóng heo và của các anh là bong bóng bò. Bò lúc nào cũng to hơn heo.
Đứa nói ban nãy lại cười lớn:
– Thế các cậu đã chịu nhận bò hơn heo rồi à? May nhỉ! Và bọn chăn bò có hơn người ở gần lò heo không các cậu?
Biết bọn chăn bò nói hỗn, cậu lớn tuổi nhất liền khuyên anh em:
– Thôi chúng mình đi qua mấy cây khác. Ngạn-ngữ đã có câu: Nói người khôn không lại, nói người dại vô cùng. Vả hơn hay thua ở đây cũng không lợi hay không hại gì cả. Chúng mình còn nhiều chỗ đáng hơn thua kia.
Bọn học trò ngoan ngoãn đi qua mấy cây gần đấy. Lũ chăn bò tưởng sẽ được một trận đánh sướng tay không ngờ lại cụt hứng. Nhưng từ đấy chúng lại biết nể bọn học trò làng hơn. Nhất là chúng không để lộ vẻ ngạo mạn như trước.
Công việc làm ban cũng dần dần mất găng. Hai bên đã nhiều lần thấy hòa nhã với nhau. Nhưng họ chưa hề xem nhau như bạn thân nếu đội ban của làng chưa thành lập.
Dầu sao bọn họ cũng phá được một cảnh linh thiêng. Và trả lại cho dân làng một nơi nghỉ mát đẹp.
Hàng cây bút-bút lại được trông hiền lành như cây thanh trà hay cây ổi.
*
Trận chơi đầu tiên
Nửa năm đầu ban của phe nào phe ấy chơi. Lối chơi vì thế không hăng hái và không náo nức. Nhưng sau có người nghĩ cách cho hai phe ở khác chỗ được chơi với nhau. Ý kiến ấy được nhiều người tán thành. Ngày chơi đã lựa được ngày chúa nhật. Và bãi đá ban sẽ là sân trường Mỹ-Lý. Hai đội ban được gặp nhau là phe học sinh và phe chăn bò. Các thầy giáo vất vả lắm mới tổ chức được cuộc chơi ấy. Vì học trò được nghỉ đi chơi dễ. Chớ với bọn chăn bò thì phải xin phép với chủ chúng đã. Các thầy phải thân hành đi khắp làng để xin về việc ấy. Biết bỏ trâu bò không ai chăn, mấy ông điền chủ cũng nể lời mấy thầy nhưng giờ chơi phải do họ định lấy. Vì có thế mới tiện việc nhà của họ được.
Sau khi tính toán cẩn-thận, giờ chơi đã định từ mười hai giờ trưa đến ba giờ chiều. Các thầy biết là lúc ấy nắng lắm, nhưng cũng phải chịu. Vì nếu bác đi thì trận đá ban phải hoãn lại. Nếu không bỏ hẳn
Trưa chúa nhật, học trò đã tụ họp đủ mặt trên sân trường Mỹ-Lý. Cả cha mẹ học-sinh cũng đi xem, vì họ được danh thiếp mời của ông đốc.
Trời nắng như thiêu như đốt. Tuy nóng nảy nhưng ai cũng chịu khó đứng chờ. Mãi đến một giờ chiều bọn chăn bò mới lục tục kéo nhau đến. Chúng lấy cớ là phải hầu chủ ăn cơm trưa nên đến chậm. Nhưng cũng không sao cả. Dân quê tánh vẫn dễ dãi.
Học sinh toàn mặc quần đùi, mình trên để trần. Bọn chăn bò xắn quần lên quá gối để lộ nước da đen rám trông rất dữ. Muốn được giống nhau chúng đều thắt giây lưng màu lá chuối.
Cái thành là hai chiếc nón úp cách nhau chừng bốn thước. Và bề rộng của sân cũng phỏng được trên hai sào. Trước giờ chơi, người lon-ton chạy quanh một vòng để mời người đứng hai bên theo hàng lối. Cha mẹ học sinh thì được ngồi dẫy ghế đặt trên thềm trường.
Sắp đặt đâu vào đó, thầy Sung liền cầm cây roi mây ra đứng giữa sân. Đoạn thầy nhìn chung quanh một lượt rồi nói:
– Lần này là một dịp để anh em học sinh và …
Thầy Sung định nói: chăn bò, nhưng sợ mất lòng bọn trẻ ấy, ngập ngừng một chút thầy liền tiếp:
– … Anh em học sinh và mục đồng trổ tài trên sân. Cấm không ai được chơi dữ. Và lúc nào nghe tôi hô thì phải dừng ngay. Và được lệnh ông đốc, hễ ai chơi trái phép thì tôi dùng roi nầy để trị.
Nói xong thầy Sung đưa cao cái roi vẫy trên không. Mọi người đều ngẩng mặt nhìn lên đọt roi yên lặng. Một lúc sau người lon-ton đem quả ban bút-bút ra đặt giữa sân. Thầy Sung đến cầm nâng lên hai tay rồi vừa phóng lên thật cao vừa nói:
– Cho phép đá.
Hai phe chờ quả ban rơi xuống là đua nhau dành lấy. Mỗi phe có mười lăm cầu tướng. Họ cho càng chơi đông càng vui. Và thời ấy, mấy thầy giáo cũng chưa biết luật lệ tinh tường lắm. Họ cốt ở cách chơi nhiều hơn ở giữ luật.
Ở giữa sân lúc ấy bụi cát nổi lên mù trời. Tiếng cười nói và vỗ tay dậy vang lên bốn phía. Thật là một cảnh hỗn độn không thể nào tả được. Trừ ra hai người thủ thành là đứng yên, còn bao nhiêu thì chạy theo ban, để dành, cướp. Ban lăn đến đâu là họ hùa chạy theo đến đó. Họ đi từng loạt hai mươi tám người và chạy đủ bốn góc sân. Cụm người ấy cứ vụt qua phóng lại túi bụi và tưng bừng. Họ toàn dùng sức mạnh để chẹn hay để lấn. Tài lanh lợi ở đây không tìm được chỗ dùng.
Thầy Sung mặc áo đen dài, đi giày hạ nên trông rất bệ vệ. Thầy vừa chạy lẹt xẹt vừa la:
– Không được ôm lưng chau! Đừng níu tóc.
Tiếng thầy lạc mất giữa tiếng ồn ào. Các cầu tướng vừa thở vừa dành nhau kịch liệt. Có khi họ dùng cả hai tay để ôm nhau nữa. Thế rồi ban đã đi xa, bọn bọ còn loay hoay đứng tìm. Lắm khi họ còn níu quần nhau để dành chạy trước. Thầy Sung phải chạy đến đưa roi dọa quất. Nhưng sợ quất nhầm học trò, thầy chỉ đưa tay rẽ đám đông ra. Trong hơn nửa giờ, nửa tá ban đã phải vỡ. Vì quả ban bị ép nhiều hơn bị đá.
Hai bên người đứng xem cứ đông lên mãi. Nghe tiếng la ó, mấy người lân cận liền chạy ra xem. Trông chừng họ cũng thích lắm. Họ múa tay và la hét lên vang cả xóm.
Lớp bụi cứ tung lên gần che khuất cả cầu tướng. Thấy chạy qua mặt, một vài người ngoài liền chạy vào đá giúp. Nhưng cũng không ai biết. Vì họ chạy vào một phút rồi phóng ra ngay. Họ giỏi trá lộn và nhờ bụi bay lên quá nhiều.
Một lúc sau có một cuộc cãi cọ giữa sâm. Thầy Sung phải bắt quả ban lại. Bọn người chung quanh chạy ùa ra như ong vỡ tổ. Họ đứng quay thành một vòng tròn khá lớn.
Nguyên lúc cậu Hà đang đưa ban thì một đứa chăn bò tên Vạn ra lấn. Hà liền bổ ngã chổng chân lên trời. Một người đàn ông đứng trên thềm trường vội vàng chạy bổ ra sân. Người ấy đến đưa thẳng cây dù đánh trên vai Vạn. Vạn đi lủi ra phía sau không dám nói gì. Người đàn ông đưa đầu dù chỉ theo Vạn nói lớn:
– Mày ở chăn bò nhà tau mà không biết mặt con tau à? Tại sao con tao đương đưa ban mày lại dám chạy đến lấn. Mày liệu nhường cậu mày một chút không được à? Rõ đồ phi nghĩa.
Kể thì vô lý, nhưng người đứng xem chung quanh cho là phải cả. Họ còn tin nhiều ở luân-lý hơn luật đá ban. Ông đốc phải chạy xuống nắm tay người đàn ông kéo lên. Ông này vừa đi vừa ngoái đầu lườm Vạn:
– Để tối nầy tau cất phần cơm cho mày xem.
Một bà già nãy giờ đứng yên lặng bên hàng rào, bỗng lên tiếng nói:
– Đã bảo chơi bằng tay là cay là cực mà không nghe.
Một người đứng bên cạnh bà ta tiếp:
– Nhưng ở đây họ chơi bằng chân, bà ạ.
Bà già liền háy người kia rồi bỏ đi thẳng.
Vạn phải về giữ cửa thành sợ chạm Hà lượt nữa. Người lon-ton chạy thêm một vòng nữa để dẹp người đứng thứ tự. Hai phe lại chạy ra sân chơi như cũ. Mười lăm phút sao phe chăn bò thắng học sinh hai bàn. Thầy Sung biết học trò mình mệt lả nên cho nghỉ giải lao nửa giờ.
Bọn học-sinh được cha mẹ và thầy giáo chăm nom từng chút. Người đàn ông ban nãy lại bắt Vạn đến quạt cho Hà. Họ còn được ăn mía và uống nuớc chè. Trái lại bọn chăn bò không ai tưởng đến cả. Chúng phải chạy vào nhà anh lon-ton để xin nước lạnh uống. Nhưng chúng cũng đi từng cụm bàn bạc với nhau rất thân mật. Vả chúng được thắng nên cũng tự thấy hả lòng. Tuy nói nửa giờ nhưng họ nghỉ ngơi hơn bốn mươi phút. Thầy Sung lần này cởi áo đen dài và đi guốc ra sân. Nhờ thế trông thầy nhanh nhẹn hơn lần trước. Đáng là phải đổi chỗ cho nhau. Nhưng thấy phía học sinh phải đứng chói mặt trời nên thầy làm lơ. Cũng không ai biết để cãi lại. Bọn chăn bò thường đá không kể giờ, chơi không cần luật. Chúng đã từng đá chơi với nhau trên sáu bẩy giờ tiếp. Ai sợ mệt bỏ cuộc thì thua. Hơn được mấy bàn cũng chưa cần lắm.
Trận chơi sau nhờ sự nhọc mệt của hai bên nên trông từ tốn và phải phép hơn. Họ chuyển ban cho nhau chứ không chạy theo một cụm nữa…. Thầy Sung cũng thấy ít la. Và bụi đã bớt bốc lên. Chỉ mấy phút sau bọn chăn bò lại hạ thêm một bàn nữa. Tiếng cười reo chung quanh liền dậy lên như pháo. Ông đốc trường chừng sợ thẹn nên lẩn vào trong buồng giấy.
Bọn học trò kể ra cũng tận tâm, nhưng sức yếu quá nên không thắng nổi. Vả bên địch có Vạn thủ thành lanh lợi quá nên không có quả ban nào qua lọt.
Ý sợ học trò thua nặng — trong ấy có cả con mình — thân sinh cậu Hà liền đứng dậy nhìn về phía sân gọi lớn:
– Vạn ơi đến đây tao bảo!
Thằng Vạn biết không phải lúc bỏ cửa thành, nhưng cũng nghe lời chủ. Lúc thấy Vạn đến, thân sinh Hà nói với giọng rất ôn hòa:
– Thôi trời xế chiều rồi. Mầy về cho bò ra đồng đi. Lúc khác tau sẽ cho chơi lâu hơn.
Vạn cúi đầu đi về phía hàng rào để lấy áo. Ngay lúc ấy bọn học trò đưa ban xuống thành bên địch rất nhanh. Bọn chăn bò liền nhao nhao gọi lên một lần:
– Vạn ơi! Vạn!
Nhanh như cắt, Vạn chạy vào thành đánh được quả ban ra thật xa. Bọn người đứng xem liền reo lên dậy đất. Giữa lúc ấy thân sinh Hà đứng trên thềm hét lớn:
– Vạn! Mày không nghe tau à. Có phải mày không muốn về thì nói với tau.
Vạn vội vàng lấy chiếc nón đựng áo chạy ra cổng. Vừa đi Vạn vừa quay đầu nhìn sân chơi trông rất lưu luyến. Vạn đi thì Hòa chạy vào thay. Phe chăn bò chỉ còn mười hai cầu tướng. Vạn bị đuổi. Lý đau chân phải nghỉ. Còn Phụng bị toạt quần nên sợ thẹn không dám ra sân. Số người đã sụt xuống, nhưng chúng không nản lòng. Chúng được sức dài nên chịu khó chạy khắp nơi và cùng chỗ.
Bên cửa thành học-sinh hai chiếc nón cứ xích lần vào mãi. Sau cùng trông bề ngang không đầy ba thước. Bọn chăn bò vẫn đưa được ban vào như thường. Chúng chơi càng lâu càng găng. Và sức mạnh cứ thêm lên mãi.
Thầy Sung thấy phe mình thua nhiều bàn quá thì toát mồ hôi hột. Thầy liền bỏ guốc để chạy chân không cho dễ. Thỉnh thoảng thầy tạo ra nhiều cú phạt rất buồn cười. Nhưng thiếu mánh khóe bọn học sinh vẫn không gỡ được. Thầy Sung tức bực lắm. Tóc thầy rối như ổ quạ.
Sau nhờ sự hết lòng của thầy Sung, học sinh mới thắng được một bàn. Giữa cảnh hỗn độn chen lẫn nhau trước cửa thành bên địch, thầy Sung liền thẳng chân đá ngay quả ban vào thành. Quả ban liền bay vào thật cao. Hòa đã nhẩy lên nhưng không với tới. Thầy Sung cũng nói lớn:
– Học trò hơn.
Cha mẹ học sinh lần nầy mới đứng dậy cười reo vui vẻ. Ông đốc trường cũng từ buồng giấy chạy ra vỗ tay.
Riêng Hòa biết quả ban vừa bay qua thành là do thầy Sung đá. Nhưng Hòa không dám cãi. Vì thầy Sung là bạn thân của chủ nó. Hòa sợ bị đánh la như Vạn thì nguy.
Sau bọn chăn bò cũng gắng đem ban qua thành học sinh để gỡ lại. Nhưng lúc thấy quả ban sắp vào đích, thầy Sung liền la lớn:
– Thôi hết giờ rồi.
Thế là mãn cuộc chơi hôm ấy. Người nào cũng cảm thấy sự rộn rã trong lòng và vẻ gắt gao trên mặt. Cả mấy bà bán hàng rong đứng lại xem cũng luận bàn nầy nọ. Trên đường về họ hằm hè nói chuyện với nhau rất gắt. Người bênh phe này kẻ bênh phe khác và nhao nhao nói toàn tiếng nặng.
Nhưng qua mỗi xóm lại bớt được ít người. Câu chuyện tự nhiên trở nên dịu dàng và dễ chịu.
*
Trận chơi trên sân trường Mỹ-Lý tuy đơn sơ nhưng cũng gieo được vào lòng người sự háo hức. Họ đã biết cách chơi lợi hại thế nào. Và giữa sân chơi họ phân biệt được ai tài và ai kém. Về phe chăn bò, bọn người được để ý nhất là Vạn, Hòa, Khai, Ớt. Còn về phe học sinh thì được Ngọc, Thức và Mùi.
Từ đó đến chúa nhật tuần nào cũng có cuộc chơi ban. Và tối đến câu chuyện đem bàn khắp gia đình là trận đá buổi chiều. Các điền chủ cho bọn chăn bò đi chơi dễ dàng hơn. Vì họ đã thấy được hân hạnh lây. Và người làng thường lưu ý đến họ. Vả được một đứa ở đá ban hay thì các thầy giáo đến chịu luôn. Họ cảm thấy tự đắc rồi săn sóc đến bọn chăn bò hơn trước.
Cũng bắt đầu từ đó, xin ở đối với bọn người nghèo biết đá ban là một chuyện rất dễ. Ai cũng muốn tranh giành cái hay về nhà mình.
Phong trào chơi ban dần dần lan qua mấy làng bên cạnh. Rồi bên ấy họ cũng họp nhau tổ chức những cuộc chơi khá kịch liệt. Vẻ vang nhất là đội ban làng Đồng-Lại. Cũng nhờ làng ấy có nhiều học ở tỉnh về nên cách sắp đặt đội ban trông đẹp mắt và đều đặn hơn. Nhưng quanh huyện ai cũng khiếp oai đội ban làng Toàn-Chánh. Cầu tướng của họ toàn là người lớn. Và làng nầy có đến ba ông cử võ và một ông đô đốc ăn thủ chỉ. Cách huấn luyện cầu tướng toàn do mấy ông ấy trông nom. Vì thế cách chơi ban lại gần giống với lối chơi côn quyền thời trước. Nghĩa là nhanh nhẹn và tinh vi hết chỗ nói. Đội ban Toàn-Chánh đi đâu cũng giật được phần thắng. Các làng quanh huyện đều khiếp mặt. Họ đã gọi làng Toàn-Chánh ra làng Toàn-Thắng.
Đội ban làng Mỹ-Lý cũng dần dần lớn lên. Tuv chưa giáp mặt đội ban Toàn-Chánh, nhưng họ cũng ước ao thầm được gặp. Trong đội ban đã có nhiều người lớn vào chơi. Và cầu tướng thì gồm đủ các hạng.
Làng còn bỏ công đi tìm người tài nữa. Nhân nghe tên Lạc là một viên thủ thành lợi hại của làng Toàn-Chánh, họ liền nghĩ mưu mẹo gọi về. Vì Lạc là con ông Bá Sang làng Mỹ-Lý. Ngày trước Lạc chơi bời quá độ nên ông Bá từ đi. Lạc liền qua làng Toàn-Chánh làm ăn và lấy vợ sanh con ở đó. Lạc không về làng nữa. Nhưng thỉnh thoảng túng tiền lắm, Lạc cũng sai vợ về bố mẹ xin. Làng nhân cơ hội nầy liền đến điều đình với ông bá hộ Sang. Họ lấy cớ Lạc biết tu tỉnh làm ăn, thì ông Bá cũng nên tha cho Lạc. Thêm tình ruột ai nỡ để cho đành được. Ông Bá nghe nói êm tai nên thuận lời ngay. Chiều hôm ấy ông cho người qua làng Toàn-Chánh gọi Lạc về. Lạc bị nhiều người bên ấy giữ lại nhưng Lạc một hai đòi về cho kỳ được.
Từ đó thanh thế đội ban Mỹ-Lý càng ngày càng lớn. Dân trong làng nô nức theo bóng tròn quá nửa. Nhiều người đã biết hy sinh. Chú thợ may ở xóm Đá hứa may không lấy tiền công mười một cặp áo quần. Nhà điền chủ Hải nhất định bỏ vụ mùa để dành thửa ruộng gần đình cho cầu tướng chơi. Nhưng cảm động nhất là ông lang Khương. Lần nào có trận đá ban ông cũng đem tráp thuốc nước, thuốc hườn đi theo. Ông ta chuyên trị bệnh trật gãy chân tay có biệt tài. Nhờ có ông nén nhiều cầu tướng tìm lại sức mạnh rất dễ. Ông chữa bằng thuốc lại còn phụ thêm cả phép mằn Mọi nữa. Nhà tuy nghèo nhưng đối với cầu tướng ông rất sẵn lòng.
Riêng hai ông Khóa Nghĩa và Tú Chai lúc nào cũng xem lối chơi ban như cừu địch. Có lẽ vi trường Mỹ-Lý đã cướp nhiều học trò chữ Hán của hai ông. Sau trận đá ban đầu tiên ở trường làng, người ta bỗng được nghe một bài vè rất lạ. Bài nầy do bọn con nít ở xóm Mía và xóm Sịa đọc nhiều nhất. Hai xóm ấy lại của hai ông Khóa Nghĩa và Tú Chai:
Gẫm đời có chuyện hay hay,
Nhựa cây bút-bút biết bay lên trời.
Rồi sinh ra một trò chơi,
Đầu óc là chó ông trời là… chân,
Được thì kẻ đỡ người nâng,
Thua thì cúi mặt như cần câu hanh,
Ra sân miệng phải ngậm chanh
Chân thoa nước đái thịt tanh như cò.
Trận đầu «heo» chịu sức «bò»,
Lậy trời nhà nước mở to trường làng.
Tuy không biết chắc ai làm ra bài ấy, nhưng họ cũng đoán được là ông Tú Chai. Vì ông này thường sâu sắc và khó tánh lắm. Vì trước kia ai cũng còn nhớ bài vè của ông chê ông Huyện dựng trường làng cho chó ở. Chẳng qua lúc làm trường xong thì gặp lụt lớn. Dân làng kéo nhau vào đình ở. Thấy chỗ cao ráo, một đàn chó lạ chạy vào ở trong trường. Ông Tú Chai liền làm vè chế nhạo.
Bài vè về đá ban lâu quá cũng không nghe ai nhắc đến. Đội ban làng trái lại lan tràn ra như nước.
*
Mỹ-Lý gặp Toàn-Chánh
Lần đầu tiên ở đình làng Mỹ-Lý có một cuộc hội họp kỳ khôi. Họ bàn tán với nhau vì một trận ban sắp đến. Nguyên năm ấy mấy người làm ruộng được mùa nên họ cúng làng năm chục bạc. Làng định mời phường hát bộ về hát. Lệ ấy cứ ba năm có một lần. Đúng với lễ tế Nam-Giao. Nếu không ai chịu cúng thì làng trích tiền quỹ ra tiêu.
Nhưng năm nay làng muốn có một cuộc cải cách lớn, đáng phải mời phường hát bộ, họ lại muốn gặp đội ban làng Toàn-Chánh. Bắt đầu có nhiều người phản đối. Nhưng phe yêu chuộng thể thao mạnh hơn. Phái địch đành phải ngồi câm lặng. Chỉ một mình ông Tú Chai là trương gân cổ cãi mãi:
– Phép vua thua lệ làng. Cái lệ ông bà đặt ra, con cháu phải tuân theo chứ! Bỏ đi phỏng xảy ra sự gì rối loạn trong làng thì ai chịu trách nhiệm. Và mấy người hảo tâm bỏ tiền ra cúng làng để hát bộ, chứ có phải bỏ cho… bọn ấy chơi đâu! Hãy lấy giấy niêm sân lại, cấm không ai được chơi,.
Mấy điền chủ ngồi bên chái tả nghe ông Tú Chai đả động đến mình thì cử ông Sâm đáp lại:
– Tiền chúng tôi cúng làng thì tùy làng định liệu. Chúng tôi không biết đến.
Ông Tú Chai quắc mắt tiếp:
– Mà phỏng làng đem ra để cho một bọn ngông nhảy múa trước đình thì mấy ông có bằng lòng không?
Ông Lý Tuyến liền cướp lời ông Sâm nói trước:
– Ông Sâm khoan trả lời đã. Để tôi định nghĩa rõ ràng hai chữ bọn ngông của ông Tú Chai. Bọn ngông đây là một bọn người biết đá ban có tài và có hạnh. Họ không làm hại ai cả. Kể cả nhà ông Tú. Trái lại họ đem danh tiếng cho làng nhiều bận. Thắng Thuận-Chỉ hai bàn, hạ Mỹ-Sơn một. Và trận sau hòa với Lộ-Chánh.Trong bọn ngông ấy lại có cả thầy giáo Kim và nhất là ông Cả Sanh, anh họ ông Tú Chai. Đó, bọn ngông của làng!
Ông Tú nghe khiêu khích thì tức giận nói lớn:
– Nếu họ không ngông thì trò chơi nhảy múa của họ ở trước đình cũng vô lễ.
Ông Lý Tuyến gật gù ra dáng mỉa mai:
– Thế con hát nhảy múa trước đình lại không vô lễ à?
Rồi quay nhìn bên chái tả ông Lý bèn tiếp:
– Vậy xin hỏi mấy nhà điền chủ câu này: Làng muốn trích tiền mở cuộc đá ban, các ông có vui lòng không?
Ông Sâm chắp tay trả lời:
– Bằng lòng lắm...
Ông Lý còn sợ thêm bớt điều gì nên ngắt lời nói vội:
– Thế là được. Trên quan thủ-chỉ thuận, dưới con dân bằng lòng. Vậy không được ai bàn cãi nữa. Nay ai có ý kiến gì hay về cách tổ chức thì cho làng biết. Con em được quyền nói như dân đàn anh.
Dân làng liền lao xao nói chuyện với nhau khắp mấy căn đình. Ông Lý phải nhắc:
– Ai có ý gì hay thì nói lớn cho làng nghe chứ đừng nói riêng.
Dân làng lại nhìn nhau ngồi im phăng phắc.
Ông Lý dục:
– Nói đi chứ.
Họ lại nói vang lên một lần, một lúc sau mới có một người đứng dậy nói:
– Muốn cho các cầu tướng nóng sức đá ban, xin làng cắt ông Lý ra làm trọng tài.
Mọi người đều gật đầu bằng lòng. Riêng ông Tú Chai vểnh râu cãi:
– Ông Lý ra chạy giữa sân thì còn gì thể thống của làng nữa. Sau nầy ông nói ai nghe.
Ông Lý Tuyến trề môi đáp:
– Nói cho ông Tú nghe chứ ai! Chẳng hạn làng đã cử tôi ra làm trọng tài thì tôi theo. Và ông Tú cũng phải nghe, chứ không trái lệnh làng được.
Ông Tú quay mặt nhìn chỗ khác để tỏ vẻ không cần nói lại. Một người khác đứng dậy xin nói:
– Thưa làng nên bày ngay một cái hương án bên sân.
Ông Lý hỏi:
– Để làm gì?
Người kia tiếp:
– Để thỉnh sắc thần ra xem đá ban luôn thể.
Mọi người đang ngẫm nghĩ chưa trả lời thì ông Khóa Nghĩa đã đứng dậy nói lớn:
– Thỉnh thần ra xem đá ban thì tội chết! Vì cầu tướng ăn mặc hở chân hở tay như người làm ruộng.
Ông Sâm nghe ông Khóa nói xấu nghề mình thì chột dạ:
– Mà làm ruộng thì đã tội lỗi gì với Thần. Ông tưởng mấy mẫu ruộng trước đình không ai cày cấy đấy hẳn. Đã là thần thì ngài còn chấp chi đến chuyện nhỏ mọn ấy. Họa chỉ có người nhỏ mọn thôi.
Tiếng ông Sâm vừa nói dứt thì một cụ lão đứng lên nói tiếp:
– Tôi chỉ xin yêu cầu làng một chuyện nầy. Sau trận đá ban làng nên trích tiền làm một con heo quay để ăn mừng.
Ông Lý Tuyến cười:
– Nhưng chắc gì thắng mà ăn mừng
Cụ già vuốt râu cười nói:
– Có hứa trước với cầu tướng heo quay, phần thắng mới nắm chắc trong tay được
Cả làng phá lên cười.
Riêng lần này Khóa Nghĩa với Tú Chai mới chịu ngồi yên không nói.
*
Chiều hôm ấy trời nắng ráo, bờ ruộng quanh đình đầy nức cả người. Trên bốn góc sân chơi có dựng bốn cây cờ đại thật cao. Chung quanh là cờ ngũ hành chen với lỗ bộ. Ngay trước đình có một cái hương án kết hoa và treo đèn rất đẹp. Hai bên có một cặp hạc sơn son đứng chầu. Trên một cái đôn, một đỉnh trầm nhả khói ra thơm ngát. Sau cặp hạc là giá trống chiêng và một phường bát âm đứng đợi.
Hai giờ làng bày lễ thỉnh sắc ra hương án. Hai giờ rưỡi làm lễ cáo. Các cầu tướng làng đều khăn đen áo dài đến làm lễ ra mắt thần. Đứng đầu là ông Lý Tuyến mặc áo thụng xanh, hai tay nâng cái mâm trên để trái ban và một cái còi. Đoạn ông thủ chỉ ra lệnh đánh chuông trống ba hồi thật dài để các cầu tướng đủ thì giờ ra khăn áo.
Dứt hồi trống thứ ba là mở đầu cuộc chơi. Cầu thủ cả hai làng chạy ra sân rất thứ tự. Họ không chào hỏi nhau. Phần ấy lại do hương chức của hai làng đã liệu xong trong cái rạp tranh gần đấy.
Ông Lý Tuyến bịt khăn điều, ngang lưng thắt một sợi dây lụa màu nguyệt bạch, ống quần thì bao quanh lại như sà cạp. Trông người ông lúc ấy cũng khá gọn. Cầu tướng Mỹ-Lý mặc áo xanh sọc trắng. Cần thủ Toàn-Chánh lại mặc áo trắng sọc xanh.
Người đi xem ngồi bừa bãi trên thành đình. Hay leo ngồi trên nhánh cây sơn trà. Người nào cũng hồi hộp đợi chờ. Nhưng trên gương mặt họ lại cố làm ra bình tĩnh. Người đi xem cứ tăng thêm mãi. Và trên khoảng ruộng dài, người ta thấy nhiều đám người đi hấp tấp. Họ ăn mặc chỉnh tề trông như lúc đi xem hội. Tà áo bay bốn bề in những màu rất đẹp trên mặt ruộng xanh.
Sau một tiếng còi rúc dài, cầu thủ đã bắt đầu chuyền ban. Lối chơi trông rất đẹp và đều. Vì nghe Toàn-Chánh nhiều người biết võ, nên cầu thủ Mỹ-Lý có hơi nhờn. Họ cứ lo tránh mãi nên mất ban nhiều bận. Sau thấy cách chơi của đối phương không nguy hiểm lắm, và lối đưa ban còn hớ hênh, nên họ bắt đầu tiến thủ. Nhưng cứ đưa ban đến gần hàng hậu vệ thì bị phá ngay. Một bên được hàng hậu vệ, bên khác được viên thủ thành. Đá hơn nửa giờ vẫn chưa phân thắng bại.
Ông Lý Tuyến giỏi chạy nên ban đến đâu cũng có mặt ông, ông còn khôn khéo là khác, ông phạt Mỹ-Lý trước rồi mới lừa dịp phạt Toàn-Chánh sau. Nhưng cái phạt đầu vẫn không hiểm bằng cái phạt sau.
Ông thường vừa thổi còi vừa la lớn: Cò-de (corner) hò-dơ (hors Jeu) bành-ty (penalty).
Nghĩa là mấy chữ ấy ở vùng quê họ đọc sai cả. Nhưng nghe quen hoặc không ai biết để chữa lại nên cũng xuôi tai. Chỉ riêng chữ mi-tăng (mi-temps) họ đọc được rõ, nhưng họ lại gọi trẹ là Mi-tang vì tăng là tên húy của ông khai canh làng Mỹ-Lý.
Trong lúc chơi, thiên hạ đứng ngoài la ó lên từng hồi rất nhiệt liệt. Ông Tú Chai trước còn giữ vẻ lạnh lùng ngồi yên. Sau ông cũng hoa tay múa chân cười la thật lớn. Người đứng chung quanh như điên, như dại, họ quên cả mình chỉ là người đến xem.
Vài trận đánh bậy nhỏ rải rác quanh sân giữa dân hai làng. Duyên cớ chính là do sự nói khích nhau. Mấy người xâu đến dẹp yên cả.
Bốn mươi lăm phút sau thì nghỉ giải lao. Cầu tướng của hai làng được mời vào đình ăn chè hột sen bọc nhãn. Người đi xem đến mấy quán bày ra quanh đình để tìm thức ăn.
Nghỉ được nửa giờ, các cầu thủ chạy ra chơi lại. Trận đá sau trông kịch liệt hơn. Suốt buổi chơi Vạn đã tỏ được một nghệ thuật tài tình và chắc chắn. Lừa qua khỏi hàng hậu vệ Toàn-Chánh, Vạn đã hạ được luôn ba bàn. Tiếng la hét nổi lên chung quanh nghe rền đất. Phường bát âm nổi kèn trống lên mừng. Ông Tú Chai cao hứng chạy vào đình lấy phèng la ra đánh.
Vì chán nản, nên đã gần hết giờ, Toàn- Chánh vẫn chưa gỡ được bàn nào. Lúc thấy ông Lý Tuyến chạy qua mặt, ông thủ chỉ liền vẫy lại ghé miệng bảo thầm:
– Ông ạ phải liệu cách nào cho Toàn-Chánh gỡ lại một. Vì giá họ thua nặng thì mấy ông chức sắc không chịu ăn cơm chiều ở đình làng mình đâu. Và ngay bây giờ ngồi gần họ để thấy họ buồn, tôi cũng khó chịu quá.
Ông Lý Tuyến chỉ gật đầu rồi chạy nhanh ra sân.
Một lát sau, ông Lý tự nhiên phạt Mỹ-Lý một cú sáu thước. Người đứng xem nhao nhao lên nói một hồi rồi im ngay. Ông Lý bảo Vạn đứng trong cửa thành nhảy ra sáu khoản để làm chứng. Vạc nín hơi gắng nhảy thực xa nên trông chiều dài hơn mười thước, Nhưng quả ban đá lần ấy vẫn lọt vào thành Mỹ-Lý như thường.
Vừa thổi còi thắng xong, ông Lý liền ra dấu bãi cuộc chơi vì hết giờ. Thiên hạ liền chạy tán loạn ra sân.
Cầu tướng Toàn-Chánh tối ấy được mời lại ăn cơm tại đình làng. Từ lúc dựng đình chỉ lần này mới có một cuộc vui tưng bừng và ý nghĩa.
*
Những ngày tàn tạ
Qua năm sau ông thủ chỉ làng Mỹ-Lý qua đời. Thế là đội ban làng mất một chân đứng. Vì lúc còn sống ông thủ chỉ đã hy sinh nhiều cho đội ban. Ông Tú Chai lên thay làm nhiều người, nhất là đám cầu tướng, lo nơm nớp. Vì ai cũng tưởng ông này sẽ gắt gao ra một với đội ban. Không ngờ ông ta lại rất sốt sắng, ông đã bàn trích quỹ làng ít nhiều để cấp áo quần cho cầu thủ nghèo. Nhưng hai tháng sau ông ta lại được giấy lên dạy chữ Hán trên trường tỉnh. Thêm trong kỳ bầu cử sau ông Lý Tuyến mất mục truyện. Ông cửu Hồi giàu tiền đi lo nên được việc. Ông Lý mới này lại thù với thể thao. Đội ban từ đó càng ngày càng suy nhược.
Cái họa thường thường không đi một mình. Vạn đau thương hàn mấy hôm rồi chết. Các cầu tướng đều mặc áo hội tuyển đến thăm. Và ngày đưa đám, ông Lý Tuyền và một số đông chức sắc đi đưa ra tận huyệt.
Chôn cất Vạn xong, mấy cầu tướng khác thấy lẻ loi nên kéo nhau lên tỉnh làm ăn. Nhiều người đã tìm được việc và tên tuổi trên ấy. Nghĩ cho kỹ thì đội ban tỉnh chỉ là sự kết đoàn của nhiều đội ban quê.
Qua năm sau đến ngày kỵ của Vạn. Ít nhiều cầu tướng sót lại bàn cách ra thăm mộ Vạn. Họ họp mặt tại nhà ông Tuyến. Trong số ấy đếm được Lạc thợ may, Kim giáo học, và Lượng học sinh.
Ông Tuyến vác dù đi trước, Lạc, Kim Lượng lẽo đẽo theo sau. Muốn giữ dấu vết của hội tuyển, Lạc đội cái mũ đã bạc màu vì áo quần Lạc đã mất đâu cả.
Kim mặc cái áo cụt xanh sọc trắng. Còn Lượng chỉ mặc được cái quần đùi màu lá cây. Thân trên, Lượng choàng cái áo đen dài lượt thượt.
Trên đường ruộng ướt và trơn, họ kéo nhau đi thành một hàng dài, buồn rầu một cách ngao ngán.
Hàng cây bút-bút trên bên đình làng Mỹ-Lý lại sống tiếp chuỗi ngày lặng lẽ và oai nghiêm.
1939
Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com/
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 9 năm 2024