BẾN MA

thanh tịnh

Trăng hôm ấy sáng vằng vặc. Bờ cây bụi lát hai bên sông óng ả và láng mướt như nhung. Và cả giòng sông cũng lờ đờ lười không muốn chảy.Thỉnh thoảng trong đám cây rậm có đôi cánh chim đánh bần bật, rồi tung loáng ra thật nhanh, đoạn bay thẳng lên không. Vài tiếng chim như hoảng sợ điểm lên trong ánh sáng trăng tà.

Nước sông đọng những vũng trăng sáng, và lâu, lâu lắm mới thay sắc mấy đám mây trắng bạc. Nhưng bóng hàng cây trên đường chạy dọc theo bờ sông in xuống nước sừng sững như ngủ lặng từ lâu.

Trời vào khoảng canh ba. Mõ điểm canh làng Thụy-Như đã sang canh từ lâu. Và hồi chuông chùa Tĩnh-Thanh cững bắt đầu lên tiếng ngâm dài dìu dặt. Trời đất như đã tan rã, im lìm ảm đạm.

Nhưng xa xa tiếng hát một cô lái thuyền đã lướt bật lên cao, phập phồng như hơi thở nặng tình thương nhớ. Tiếng hát cỏ vẻ ung dung nhàn rỗi, lơ lửng và khoan thai tỏ ra thái độ người chèo cốt quấy nước lấy vui và con thuyền trôi nhẹ theo chiều gió lướt.

Tiếng hát càng khuya càng nghe não nùng bi thiết. Và sương sa xuống dầy như để giúp cho tiếng hát rộng thêm cảnh hắt hiu.

Cả một giòng sông khi vang tiếng hát lại không được ấm cúng như ta vẫn tưởng. Trái lại sông nước như chịu sức đè nén u uất của một linh hồn cô độc. Tiếng hát ở đây không thỏ thẻ, không du dương trầm bổng để ứng hợp với cảnh trời khuya man mác. Kỳ thật là một nỗi oán hờn chắp nối lại nhau rồi nhạc điệu thổn thức chen vào, như trong tiếng khóc thầm mơn man như có tiếng gió.

Một con thuyền hai mui rẽ nước từ từ lướt nhẹ trong ánh trăng khuya bàng bạc. Con thuyền chập chờn trong bàu sương đậm chỉ thỉnh thoảng để lộ một cột buồm cao.

Tiếng hát ở đây không giống với lối hát ở vùng nào. Vì càng chăm chú nghe, giọng hát như bị rã ra nhiều đoạn. Và khi tìm từng đoạn chắp nối với nhau, tiếng hát lại mất mạch lạc và tan cả nguồn cảm hứng.

Thành thử tiếng hát của cô lái thuyền canh ba — quanh vùng Mỹ-Lý thường gọi cô ta tên ấy — chỉ biết âm u sầu thảm trong âm thanh huyễn hoặc. Và điệu hát không nên lời để dung hòa với nỗi căm hờn không bật tiếng. Khúc hát chỉ huyên huyên trong sương nhạt hay vọng lên nhè nhẹ như bay tự một trời xa.

Và khi tiếng hát lướt lên cao là như vẽ được một bức tranh sầu lạnh.

Ấy thế mà tiếng hát ấy đi đến đâu lại gieo sự khủng khiếp ngại ngùng đến đó. Lệ nghe mõ làng Mỹ-Lý gióng sang canh, dân ở quanh đã lục tục trở dậy lo cơm nước đi ra đồng áng sớm. Thế mà từ hôm nghe được tiếng hát dị kỳ của cô lái thuyền đêm vắng, họ lại đâm giật mình và không dám dậy sớm nữa.

Họ chờ chuông chùa Vĩnh-Thanh điểm xong hồi cuối, chừng chừng vừa lúc thuyền ma đã lướt qua làng, mới dám gọi nhau trở dậy. Kể gọi cũng không đúng lắm. Vì có ai ngủ đâu. Từ khi tiếng hát bắt đầu vọng lên ở cầu làng Hòa-Am — lệ thường bao giờ cũng bắt đầu từ đó — là như một luồng điện giật, họ đã ngồi nhỏm dậy rồi.

Vì tiếng hát say sưa ở vùng quê thường quyến theo nhiều câu hò khác. Cũng như canh gà say tiếng gáy, cứ bắt được tiếng hát thoảng trong không là họ tự nhiên thấy ngứa cổ và lên giọng hò đáp lại. Không hò được ngay lúc ấy, họ tự nhiên thấy băn khoăn khó chịu lắm. Vì khúc tình tứ của họ không diễn được thành lời suông. Họ chỉ cho vào giọng hò và nhạc điệu thiên nhiên đã che được cho họ sự e dè và ngượng ngập. Và hò đáp lại như thế thường gây được nhiều đoạn tình duyên, nên trai tráng trong làng say hò như người ta say bùa ngải.

Khi hò trả lại, tất cả sự phấn khởi đều đổ dồn lên một lúc. Trong ấy ẩn cả tiếng lòng mình, và cả sự kiêu hãnh của lòng mình nữa. Vì khi tiếng hò đi qua làng lạ và không người đáp được là cả dân vùng ấy phải mang tiếng thiếu mặt tài hoa.

Nhưng tiếng hát của chuyến đò khuya trên lại không ai dám hưởng ứng. Sự thật trước kia cũng có vài chàng chống cửa ra hò đáp lại. Nhưng hò xong họ mới biết là vu vơ không biết đã trả lời gì và cho ai? Vì con thuyền, lúc nào cũng loang loáng trong sương và tiếng hát chỉ dập dìu như hồi chuông tỏa.

Tự nhiên họ thấy lạnh toát người rồi tiếp nằm liệt giường liệt chiếu vài ba tuần mới hồi tỉnh.

Dân quanh vùng Mỹ-Lý đều đồn chiếc thuyền ấy từ am Cổ-Lại chèo ra và đến tận đầu phá Hoài-Sơn thì biến mất. Am Cổ-Lại dựng trên bờ thùy hai bên có hai hàng cây đa lá phủ trùm kín cả một đoạn sông. Thuyền bè qua đó như chui qua một cái hầm kết lá. Đi được một quãng dài chừng bốn cây số, con sông thùy lại nối với phá làng Hoài-Sơn. Duyên tích cô gái canh ba thì không ai được rõ. Họ chỉ biết lờ mờ, trước đó hai năm, trận lụt năm Tỵ nước nguồn đổ xuống thình lình và một cô gái làng Vĩnh-Linh tỉnh Quảng-Trị chèo thuyền ra được đầu phá liền bị trận gió lật hẳn thuyền, và cô ta bị chết đuối.

Từ đó, những đêm sáng trăng đều có tiếng hát véo von của cô lướt trên sông thùy như oán trách, như căm hờn những đoạn tình duyên lỡ dở.

Các cô gái chưa chồng chết oan đều biến thành tinh.

Họ không xuống âm-phủ. Họ lởn vởn trên thinh không và dật dờ theo sương gió. Thân thể của họ chết. Nhưng cái tinh khí của họ chưa rã nên sống mãnh liệt lắm và đủ sức hút cả dương cách của người ta. Đó là các luận lý của các cụ đồ nho.

Nhưng theo ông già bà cả, cô ấy chưa tới số chết nên dưới Âm Ty chưa chịu nhận vào.

Mặc dầu sự bàn tán làng xa xóm gần cứ mỗi khi mỗi đổi, tiếng hát vẫn văng vẳng trong đêm khnya, thánh thót lên thật cao để đổ hồi như gió dồn lá rụng.

Và một hôm có một chàng trai từ đâu lại không biết, thuê nhà ở gần am Cổ-Lại. Rồi đêm, lúc tiếng hò mới chớm nở lên cao, anh đã vội vàng ra khỏi nhà hò đáp lại. Rồi cứ như thế, anh theo thuyền ra đến đầu phá Hoài-Sơn mới chịu trở về. Bắt đầu có người khuyên anh ta đừng nên theo thuyền ma vì sẽ gặp nhiều chuyện không may. Anh chỉ gật đầu mỉm cười yên lặng. Nhưng đêm đến anh vẫn theo thuyền như thường. Và cũng không phải sao cả.

Giọng hát của anh ta đậm dà và thiết tha lắm. Cứ theo lối dứt câu chậm và rên, để câu trên lơi và hạ câu cuối lửng mà đoán, thì đâu anh gần vùng Kim-Long cũng gần Quảng-Trị.

Anh ta hát như ăn ý lắm, câu bắt lấy câu rất tinh xảo. Trong lối hát lờ mờ của cô lái thuyền, anh lại như hiểu được cả nỗi lòng u uất và đáp lại rất tự nhiên.

Cứ do theo lối hát của anh ta cũng dựng được một câu chuyện tình nho nhỏ. Theo đó thì như anh chị đã nặng tình yêu nhau lắm ; sau vì cảnh làm ăn xa xôi, hai người phải sống theo hai hướng. Đến ngày hẹn hò gặp nhau, anh lại được tin nàng chết đuối.Cho nên anh liền dò đến nơi thuyền đắm để tìm bóng cũ người xưa. Và hôm nay bắt được tiếng lòng anh quyết không xa nhau nữa.

Ý nghĩa câu hát chỉ có thế. Nhưng tiếng thơ lan rộng trong giọng hò lại bao la không bờ bến.

Nhưng một hôm trời mưa lâm râm quá, ánh trăng mờ lạnh nhạt, người hai bên bờ sông lại rờn rợn cả người. Vì lần này tiếng hát trao đi đáp lại đều không bật lên lời và u uyên như khói huyền lan tỏa.

Có người đánh bạo hé cửa ra nhìn thì bóng chàng trai cũng có dáng mờ như con thuyền rẽ nước.

Cả đêm ấy dân làng Mỹ-Lý tự nhiên thao thức, không ai ngủ yên. Họ chờ đợi đến sáng để hỏi nhau xem đêm qua có cùng nghe như thế không.

Và ngày mai mới chống cửa lên, chưa kịp hỏi nhau họ đã được tin ở đầu phá Hoài-Sơn chàng trai trẻ định lội theo thuyền nên chết đuối.

Họ cũng không ngạc nhiên lắm. Vì theo cổ truyền những chuyện tình duyên oan uẩn đều phải có kết quả đau thương như thế cả.

Từ đó qua lại ở bến sông đầu phá Hoài-Sơn họ thường gọi là Bến Ma.

Và cũng từ đó lời hát uyên ương như bắt được tiếng vọng đá vàng, nên trên dải sông thùy, dân quanh làng Mỹ-Lý không nghe vẳng lên với ánh trăng tà nữa.

Thanh Tịnh


Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com/
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 9 năm 2024