Sáng ra, cả hai đều xấu hổ, không dám nhìn nhau tận mặt. Liên mắc cỡ như là Ngọc đã đọc được rõ ràng tâm trạng của nàng đêm rồi, biết nỗi mơ ước, biết niềm tuyệt vọng của nàng.
Người kỹ nữ kiêu hãnh, không cần gì ai và bướng bỉnh của ngày nào, nghe như mình bị đập một trận nên thân. Nàng bị mặc cảm trông thấy và tự nhiên không cố ý, vẫn trở nên nhỏ nhoi ra từ dáng điệu, cử chỉ đến lời ăn tiếng nói.
Ngọc thì xấu hổ vì giây phút yếu hèn của chàng. Đêm rồi chàng bị xác thịt xô đẩy chớ không phải tình yêu. Yêu Liên thì chàng đã yêu, đang yêu và vẫn yêu. Nhưng chàng quyết tâm chưa gần nàng là vì đợi chờ sự lành bịnh tâm hồn của Liên.
Liên vốn biết điều đó thì tại sao chàng lại âu yếm cày tay vào tóc bạn? Liên nó thông minh lắm, hiểu ngay là vì đêm khuya canh vắng, chàng giựt mình thức giấc, thấy ánh đèn bất thường khuya khoắc trong buồng nên bước vào xem thử, chợt bắt gặp dưới ánh đèn người con gái yêu kiều, lòng dục của chàng nổi lên.
Liên nó sẽ chê cười mình chăng, chàng băn khoăn tự hỏi? Nó sẽ nói:”Thì ra hắn cũng như bất kỳ thằng cha đờn ông nào, hắn cũng chỉ là một con thú khi đứng trước một thiếu nữ đẹp. Thế mà hắn làm bộ cao thượng. Chưa chắc vì yêu mà hắn đem mình về. Chẳng qua hắn muốn hưởng mình, một mình hắn thôi. Đã tầm thưòng lại ích kỷ”.
Tuy xấu hổ với nhau, cả hai đều yêu nhau hơn lên.
Ngọc thương biết bao nhiêu người bạn đang cố thu mình cho nhỏ xíu lại ấy và chỉ muốn ôm lấy đầu bạn để hôn lên tóc nàng cho thật nhiều cái, cho thật dài hơi, cho thật sâu hơi thở.
Liên thì tình yêu khó hiểu hơn. Tình yêu ấy được tái sinh đêm rồi, tìm gặp người yêu ngay tức khắc nhưng không được yêu, thế sao lại yêu hơn? Có lẽ chính vì không được yêu nên tình nàng mới tăng.
Nếu Ngọc đã ẵm nàng trên tay, nếu họ đã qua với nhau một đêm mây gió, thì tình nàng được thoả mãn sớm quá, như một đứa trẻ con cưng của nhà giàu, muốn gì được nấy, và không còn biết thú vị gì nữa khi được quà.
Tình nàng tăng như sự thèm muốn của em bé nhà nghèo được nuôi nấng mãi vì cảnh không tiền.
Rồi sẽ đi đến đâu? Câu hỏi thầm ấy vang lên bên tai Liên và nhiều lúc nàng hoảng sợ cho tương lai của nàng.
Suốt ngày hôm ấy, Liên lại hi vọng, và hai lần Ngọc đi dạy học về, nàng đem nước đá chanh đường lên cho bạn uống, cả hai lần nàng đều xúc động mà thấy Ngọc nhìn nàng trong mắt.
Nhưng Ngọc không bước tới thêm bước nào cả. Đêm đến, nàng thức may đến khuya, và khi lưng mỏi muốn đứt ra, nàng dẹp đồ may đi nghỉ vẫn để đèn sáng, và không muốn buông màn, vẫn trăn trở mà Ngọc không vào lần nào hết.
Sáng hôm đó, Ngọc nghỉ dạy trọn buổi sớm mai. Liên đi chợ về, đang lui cui làm bếp thì nghe nhà trên có khách.
Người khách nầy lạ hoắc, hỗm nay chưa tới đây lần nào vì nàng nghe giọng lạ, và câu chuyện cũng lạ.
Ngọc đang ngồi sửa bài thì có tiếng gõ cửa, rồi chàng kêu lên:
– Kìa, anh Sang! Vào chơi, sao không học nữa?
Thì ra đó là học trò của Ngọc. Chắc người học trò nầy lớn tuổi rồi nên Ngọc gọi bằng anh theo lịch sự bắt chước của người miền Bắc.
Người khách đi giày đế da, nện mạnh gót giày lên gạch, có vẻ dõng dạc đường hoàng chớ không khúm núm như những người học trò khác đến nhà thầy.
– Ngồi chơi. Anh đến có việc gì? À, sao anh lại biết nhà tôi.
– Thưa thầy, tình cờ em đi ngang qua đây, thấy thầy ngồi trong nhà, em ghé thăm thầy.
– Cảm ơn anh đó. Sao anh lại bỏ học? Hay anh đi học trường khác?
– Thưa thầy, em lỡ dại, đi chơi sa đà nên bị ông già bà già đuổi đi và cúp lương.
Hắn cười lên, có lẽ để che dấu ngượng nghịu.
– Bậy lắm, anh là một anh học trò giỏi nên tôi tiếc anh quá. Anh có hối hận hay không?
– Dạ, hối hận lắm chứ thưa thầy.
– Bây giờ anh ở đâu?
– Dạ ở với người bạn.
– Cũng học trò như anh?
– Dạ không, nó dạy khiêu vũ.
– Hừ…ừ…m! Nghĩa là anh định bỏ học luôn?
– Dạ chớ thầy tính, còn biết làm sao. Tiền đâu mà đóng tiền trường.
– Bậy lắm, uổng lắm? Anh học giỏi lắm, bỏ thì uổng không biết bao nhiêu.
Cả hai làm thinh rất lâu, rồi Liên lại nghe Ngọc hỏi:
– Tôi hỏi thật: Anh có hối hận lắm hay không và có muốn học lại lắm hay không?
– Dạ cũng muốn.
Câu đáp nầy, Liên nghe nó yếu ớt lắm, và thấy ngay rằng hắn chỉ đáp miễn cưỡng như vậy thôi. Nhưng Ngọc mù quáng vì lòng tốt của một nhà mô phạm, ít biết thực trạng của cuộc đời, nên đề nghị:
– Nếu quả thật như vậy, tôi cho anh ở đây, đóng tiền trường cho anh học, anh nghĩ sao?
Chắc là anh học trò bị cha mẹ tống cổ nầy đang bối rối lắm. Đã trót lỡ nói rằng hắn ăn năn, hắn muốn học nữa nên không dám từ chối lời đề nghị quí báu của ông thầy cũ. Chắc hắn cũng có giáo dục, còn biết thế nào là tốt xấu mới khó nghĩ chớ nếu hắn là bọn vô lại, hắn đã xua tay mà rằng:”Ôi thôi, ông ơi, không được đâu.”
– Anh nghĩ sao? Ngọc lại hỏi.
Liên mỉm cười mỉa mai và nghĩ bụng “Rõ ràng một ông giáo gàn. Hắn ham ra tay tế độ kẻ trầm luân lắm, y theo những bài luân lý nhà trường. Hắn cứu mình và thật là may cho hắn là mình quả là kẻ muốn trở về đường ngay. Nếu hắn trúng phải một con bá vơ nào khác thì hôm nay hắn đã ngậm đắng nuốt cay nhiều lắm rồi”.
Sang nín giây lâu rồi nói:
– Thật ra thì tôi cũng đã chán quá rồi lối sống của người bạn của tôi. Nhưng dầu sao tôi cũng lỡ ghiền cái vui nơi nhà ảnh, tôi lại sợ làm phiền thầy.
– Thôi khỏi nói dài dòng. Anh có muốn tốt thì nhận lời, còn như ham chơi thì thôi vậy.
Anh học trò là một kẻ yếu đuối về tinh thần, không dám để cá tính của anh ta đường hoàng giữ địa vị của nó, không dám là anh ta nữa, nên rất miễn cưỡng, anh ta nói:
– Thầy đã thương thì tôi cám ơn vậy. Tôi xin phép thầy chiều tôi trở lại đây với thầy.
Liên đang làm cá, ngừng dao rất lâu để nghĩ lung tung về tình thế mới. Một người thứ ba lạ hoắc, chiều nay chen vào đời sống thân mật của nhà nầy.
Nếu gia đạo nàng an vui thì cũng đã khổ lắm rồi khi kẻ lạ xen vào. Đằng nầy, hơn bao giờ hết, nàng đang mong mỏi một xúc động thình lình của Ngọc trong một buổi gần gũi thân mật để chàng có thể yêu nàng thật sự thì kẻ lạ mặt nầy là một chướng ngại vật ngăn trở buổi gần gũi có thể có giữa đêm khuya canh vắng kia.
– Hay là mình về bên má ở? – Liên tự hỏi.
Nàng lắc đầu.. Bà Cai sẽ nghĩ sao về thái độ của nàng. Bà rất vui vì ngỡ con được chồng yêu. Bà sẽ buồn biết bao khi ngỡ hai đứa cắn đắng nhau sau một tháng sống chung!
Ngăn trở Ngọc tiếp khách chăng? Nàng không có quyền. Bề ngoài, nàng là bà chủ nhà. Nhưng Ngọc đã chưa nhìn nhận nàng có quyền nằm trên tay hắn thì làm sao mà nàng có quyền định đoạt việc khác được.
Mãi cho đến tối, sau bữa cơm, anh học trò mất nết mới xách va-li đến.
Bấy giờ Liên đang bày máy may, cả hai người định bụng rằng hắn sai hẹn và trốn luôn. Nhưng mà hắn đến.
Hắn vừa bước vào nhà thì đã mở miệng toan nói lớn lên điều gì,nhưng chợt thấy Liên, hắn ngậm câm lại.
– Sang, học trò của anh! Vợ thầy đó em à.
Ngọc giới thiệu cả hai với nhau rồi hỏi:
– Em đã ăn cơm tối chưa?
Ông thầy đã thân mật với học trò, không gọi hắn bằng anh nữa.
Sang nhìn Liên ngây ngất đến suýt quên đáp lời thầy:
– Dạ…ơ…hơ, tôi ăn rồi.
– Để va-li đây, rồi có đi tắm rửa gì thì đi.
Sang ngạc nhiên vì chỉ mới hay là ông thầy đã có vợ, hay là kinh ngạc trước sắc đẹp của Liên? Dầu sao, hắn cũng không còn bình tĩnh như khi sáng nữa.
Hắn trạc hăm hai, hăm ba tuổi, trẻ hơn Ngọc nhiều, mặc dầu Ngọc cũng chỉ mới hăm tám thôi. Chắc hắn không bận lo nghĩ về sinh kế nên trông mặt hắn cứ còn non.
Hắn đẹp trai như một anh kép xi-nê…Và như anh kép xi-nê, hắn không có lối để tóc, lối ăn mặc đứng đắn của một nhà giáo.
Hắn không biết phải nói gì, làm gì, nên ngồi lên ghế rồi làm thinh. Ngọc sắp đặt chốn ở của hắn:
– Lát nữa thầy với em khiêng bàn máy của cô vào buồng trong, ghế bố dành cho em, sẽ để ngay cửa sổ, chỗ bàn máy may bây giờ. Có cần làm bài thì tạm dùng bàn viết của thầy, còn như học bài thì ngồi nơi đây, hoặc nằm ở ghế bố mà học.
– Dạ, tôi học bài trên thơ viện. Trên ấy mát mẻ.
– Không nên. Nhiều người đã than phiền, học trò choáng chỗ để học bài, khó cho họ tìm tòi.
– Tôi không học trên đó thì tụi nó cũng cứ học, bề nào cũng tốn chỗ. Ở đất Sàigòn nầy, cũng chẳng mấy ai nghiên cứu cái gì trên đó.
– Em ơi! – Ngọc kêu bạn
– Dạ.
– Em ngưng may một lát được không?
– Dạ được..
Liên giả đò không nghe chương trình của chàng khi nãy nên day lại hỏi:
– Anh cần em làm việc chi?
– Không, em tránh chỗ cho anh dời máy may vào trong.
Cả ba đều đứng dậy, Liên vội hốt tất cả mớ vải trên bàn may, trừ tấm vạt áo dính trong kim, được chơn vịt đè chặt xuống.
Nàng xô ghế ngồi ra sau, rồi nép lại một bên.
Anh học trò không có cử chỉ gì sỗ sàng, nhưng cứ liếc trộm nàng mãi khiến nàng nghe khó chịu lắm. Liên bỏ đi vào trong để công việc nặng ấy lại cho nam phái tùy liệu.
Khi hai anh “phu” khiêng máy đến cửa buồng, nàng lại bước ra sau, cố tự nhiên như có công việc gì phải làm ngoài ấy.
Bây giờ Liên chợt nhận thức một mối nguy cho hạnh phúc của nàng. Không, người khách lạ nay không phải chỉ là chướng ngại vật cho cuộc sống thân mật giữa Ngọc và nàng thôi, hắn có thể là kẻ phá đổ vỡ cả đời nàng.
Hắn đẹp trai và Liên nhớ ra rằng nàng đã bị xúc động khi vừa thấy hắn lần đầu. Hiện giờ thì trí và lòng nàng chưa vẩn đục vì ý nghĩ quấy nào cả. Nhưng về sau, ai biết đâu!
Hơn thế, anh học trò đẹp trai cũng bị xúc động khi chợt thấy nàng. Hắn bối rối lên trông thấy. Mà hai người chỉ xấp xỉ tuổi với nhau thôi!
Khi máy may được đặt xong vào chỗ mới, hai người đàn ông lặng lẽ đi ra ngoài trước và Liên lặng lẽ trở về buồng nàng.
– Ghế bố của em dựng sát vách phía trong ghế bố của thầy. Chừng nào cần nằm, em cứ lấy mà trải ra. Giờ thì nói chuyện chơi một chút.Em ham chơi sa đà thế nào mà bị ông cụ bà cụ trừng phát nặng dữ vậy?
– Da, em bỏ học luôn ba tháng, lấy tiền học phí xài tuốt hết. Nhưng ba em không phải vì em đã xài hết tiền học phí, tiền ấy không đáng là bao đối với tiền túi của em, mà vì em bỏ học.
– Em bỏ học để làm gì?
– Không có làm gì hết. Nhưng chán quá, không muốn học nữa. Bỏ học rồi cũng buồn, lắm khi cả ngày không biết làm gì, nhứt là buổi xế trưa nóng bức, bạn hữu nó trốn đi đâu mất hết, buồn không thể tả được. Em xem chớp bóng hết rạp nầy đến rạp nọ cho tới tối, gặp bạn rồi mới biết làm gì.
– Nhưng khi không bỗng dưng chán sự học vậy à?
Sang ngần ngừ giây lát rồi nói:
– Dạ, không phải là khi không….
– Chớ tại làm sao?
– Dạ…ơ…hơ…vì em đã yêu.
– Vậy hả. Nhưng yêu sao lại chán sự học?
– Ban đầu em cũng thấy như vậy là kỳ lạ, vì em muốn gặp người em yêu lúc nào cũng được thì khỏi phải tưởng nhớ đến quên, đến chán mọi việc. Nhưng về sau em mới hiểu, khi em được yêu rồi thì em sống đời sống người lớn. Vì thế mà chán đời học trò.
– Như vậy em làm sao mà mong trở lại đời học trò được?
– Em hy vọng vì em đã chán đời người lớn, từ khi người yêu của em không yêu em nữa.
– Dễ dàng như vậy à?
– Dạ, không dễ dàng lắm. Em đau khổ một lúc, em sầu thảm một lúc, rồi mới chán nản và bây giờ thì không biết làm gì. Em học lại thử xem sao.
– Ừ, thì học lại thử xem sao. Nếu thầy thấy là được, thầy sẽ báo tin cho ba má em hay, bằng như không được thì vĩnh biệt vậy.
– Dạ, đồng ý.
Liên rất hiểu sự chán học của một người học trò lớn tuổi khi bước chân vào đời sống của người lớn.
Chính nàng cũng đã trải qua tâm trạng ấy, trải qua những cơn chán nản của người học trò đã trót biết nếp sống của người lớn.
Trong câu chuyện giữa hai thầy trò nầy, Liên đã nhiều lần làm bộ như phải sửa lại mũi kim, đường chỉ, ngưng chơn đạp máy để nghe rõ đầu đuôi.
Nghe xong, nàng không nghĩ gì cả nhưng tiềm thức nàng lại ghi nhận câu chuyện này, làm một cuộc so sánh: cả hai người trẻ tuổi đều cũng lỡ bước như nhau. Một tí cảm tình nho nhỏ phát sanh ra nơi lãnh vực sâu thẳm của lòng nàng, cảm tình vì lẽ đồng cảnh ngộ.
Như thế, nàng không thù ghét được cái con người thứ ba đã xen vào làm rối loạn mong ước của nàng.
Đêm ấy Liên ngủ ngay được sau khi may, bởi vì nàng biết không thể hi vọng có một cuộc hội kiến tay đôi thân mật với Ngọc.
Sáng ra nàng mua ba phần ăn lót dạ, nhưng chỉ dọn lên có hai phần thôi. Nàng mời chàng và khách ăn sáng, và người khách trẻ tuổi ấy, tự nhiên cứ ngại, mời lại:
– Thưa cô, xin cô cũng ăn một thể.
Hắn dùng tiếng “cô” một cách đường hoàng, không thể gây ngộ nhận được. “Cô” tức là vợ của thầy học, gọi theo thời nay là như vậy.
Nhưng vì người học trò lại cao niên bằng cô, nên Liên nghe tiếng cô ấy như là có nghĩa khác đi. Nàng lại ngần ngại không biết xưng hô thế nào với Sang cho tiện, nên chỉ ấp úng lâu lắm nàng mới đáp được, cố gọi hắn bằng em.
– Em ăn với thầy đi, một lát sau cô mới ăn, cô ăn sớm không quen.
Cũng may là ăn xong, hắn cũng cùng ra đi với Ngọc. Liên đóng cửa lại bên ngoài để đi chợ, tự hỏi cái khó chịu của nàng sẽ đến đâu, khi vì một lẽ gì đó, thí dụ gặp ngày trống khỏi phải đi học, người khách trẻ tuổi ấy phải nằm nhà?
Sang thì dễ chịu ngay từ ngày đầu, có lẽ vì hắn là con trai, lại là một anh con trai thuộc vào hạng trời đánh, nhưng chắc chắn là nhờ lối xưng hô của Liên phần nào. Liên đã gọi hắn bằng em, thì một người em khỏi phải giữ gìn gì cho lắm.
Hắn dễ chịu, ăn nói, đi đứng tự nhiên như thường, và thỉnh thoảng ra nhà sau uống nước, rửa mặt, rửa tay, hắn thường thân mật hỏi Liên những câu chuyện rất tầm thường như con cua lột bao nhiêu một con, mỗi tháng tốn bao nhiêu tiền nước cho cả nhà v.v..
Hắn dễ thân mật quá mà vẫn đủ lễ độ, nên Liên cũng chịu thân với hắn. Cuộc sống tay ba mà nàng tiên đoán sẽ khó chịu vô cùng, sẽ căng thẳng như không khí trong nồi súp-de, lại hoá ra dễ thở bất ngờ.
Hơn thế, nàng được an ủi phần nào trong cảnh cô đơn mà Ngọc không bao giờ nói gì với nàng, chỉ trừ những câu nói thật cần thiết, căn dặn mua thức ăn, hỏi thăm sức khoẻ vân …vân…
Vâng, Liên cô đơn lắm. Nàng có mẹ, có em, có chồng nhưng không vì thế mà khỏi trơ trọi được. Khi người con gái bị rứt ra khỏi tình mẹ con, thì chỉ có lòng một người đàn ông mới sưởi ấm lòng cô ấy được. Mà Ngọc thì như là xa lạ với nàng. Ngọc làm chồng rất tròn bổn phận, chỉ có thế thôi.
Cái anh học trò hư hỏng là Sang, thế mà cũng thông minh đó. Hắn vào đây sống chung với một cặp vợ chồng bề ngoài rất đầm ấm, vì Liên đã khôn khéo dấu được cay đắng của nàng. Hơn thế, vui được hỗm nay là nhờ có một đứa em trai hay nói hay cười, hay hỏi nhiều điều rất ngớ ngẩn. Nhưng hắn tế nhận được lớp sóng ngầm bên trong sự trầm lặng ở đây.
Không phải là việc ngủ riêng giường của cặp vợ chồng nầy đâu. Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng người mình hay bắt chước người Âu Châu ngủ riêng giường, hắn biết điều đó, quen với tập quán mới và xem như vậy là thường.
Nhưng hắn đã bắt chợt được những phút mà Liên như kẻ mất hồn: nỗi thẫn thờ của Liên không cắt nghĩa bằng lý do nào được khác hơn là nàng không mãn nguyện trong cuộc hôn nhơn.
Kể từ giây phút mà Sang tế nhận được những điều trên đây thì hắn đã có những ý nghĩ quấy trong đầu hắn rồi.
Cái đêm mới đến, hắn ngạc nhiên và bối rối trước một nhan sắc lạ và đáng kể. Rồi thôi. Hắn không phải là một trinh nam mà dễ bị xúc động quá lắm.
Hôm nay, gần gũi nhan sắc ấy, hắn vẫn không nghĩ gì bậy bạ, ngoài cảm tình đặc biệt với một thiếu phụ trẻ đẹp, ngoài sự sung sướng nhẹ nhàng không rõ vì sao mà có.
Nhưng giờ thì đã khác rồi. Hắn đã thấy nơi Liên một vật quí không được bảo vệ, không được trân trọng xứng giá.
Tuy nhiên không có sóng gió gì nổi lên sau đó cả. Ở đây tất cả đều ngấm ngầm diễn ra. Liên ngấm ngầm đau khổ, Ngọc ngấm ngầm toan tính điều gì không ai rõ được, còn người khách học trò thì ngấm ngầm đè nén những ý quấy vừa mọc mầm trong trí anh ta.
Liên tự hỏi:
“Cuộc sống như thế nầy sẽ kéo dài cho đến bao giờ? Nếu anh học trò lại hư hỏng thì anh ta sẽ bị tống cổ ra ngoài, như thầy trò đã thoả thuận với nhau. Nhưng rủi ro mà anh ta siêng học thì sao?”
À, Liên rất mừng mà nhớ ra rằng Ngọc cũng đã định liệu về trường hợp ấy. Ngọc thật là con người của lý trí, lo liệu chu đáo mọi việc, không sơ hở chút nào.Vì thế mà nàng hơi sợ Ngọc nếu không nói là rất sợ Ngọc.
Ừ, nếu trường hợp ấy xảy ra thì Ngọc sẽ báo tin thành công cho cha mẹ anh ta và trả anh ta lại cho gia đình anh ta.
Nhưng gia đình anh ta có thể gởi luôn anh ta ở đây lắm cũng như nhiều gia đình không trị nổi con cái, đã bỏ chúng vào nội trú của những trường mà kỷ luật rất nghiêm như trường thầy dòng chẳng hạn.
Và nếu như vậy thì tình thế kỳ khôi nầy sẽ kéo dài đến lúc nào?
Hôm ấy đến ngày mà số tiền Ngọc đưa cho Liên để tiêu xài cho gia đình trong một thời gian, đã hết.
Liên chưa nói gì mà Ngọc đã biết trước vì chàng có ghi sổ sách hẳn hoi. Chàng toan trao một số tiền mới cho bạn, bỗng nhớ lại điều gì, vói tay kéo hộc tủ lấy ra một thiệp mời lẩm nhẩm đọc rồi nói:
– Bậy quá, sao lại không mời em. Mặc dầu hôm tiệc cưới của ta, không có mặt nó, anh có gởi giấy báo hỉ cho nó, không thể nào mà nói rằng không biết anh đã có đôi bạn. Thằng thật bất lịch sự! Đáng lý thì anh không đi, nhưng không đi lại sợ mích lòng anh em! Anh cứ tưởng chiều nay anh với em đi dự tiệc đó, và định bảo em để em đi chợ ít hơn mọi ngày. Nhưng thôi, em cứ mua ăn như thường.
Liên cảm động khi nghe Ngọc muốn nàng đi với chàng. Nàng lại tức khi hụt đi ra ngoài với Ngọc. Từ hôm về đây đến nay, trừ cái đêm ăn mì rồi quá bước tới công trường Cộng Hoà, nàng chưa hề được Ngọc đưa đi đâu cả, cho dẫu là đi dạo mát một vòng. Lâu lắm mới có dịp may, thì họ lại không cho hưởng.
Tuy nhiên Liên vẫn nhẫn nại chịu số phận như đã chịu số phận hôm nay. Trước khi xách giỏ đi chợ, nàng lục trong cái hộc tủ mà Ngọc đã lấy thiệp mời khi nãy.
Tình cờ mắt nàng lướt qua thiệp ấy, và phẫn nộ vô cùng khi thấy trên ấy đề rõ ràng câu sau đây: …Kính mời anh chị…
Liên vò nát tấm thiệp mời, cắn môi và mặt nàng tím lại.
– Được ta sẽ ra khỏi ngôi nhà mà họ khinh miệt ta, họ cho là ta không xứng đáng đi song đôi với họ.
Nhưng lệ sao lại trào lên? Không, Liên không phải là kẻ khóc vì uất hận. Nàng đã nổi loạn rồi kia mà!
Liên khóc, và đó là nước mắt chịu thua, nước mắt tủi hờn.
***
Sang có thói quen tắm sớm mai, sau buổi tập thể dục, cũng như Ngọc, nhưng trễ hơn và đến bây giờ hắn mới xong.
Khi kẻ từ nhà sau đi lên, và người từ buồng trước đi xuống gặp nhau nơi buồng trong, hắn chưng hửng, đứng lại nhìn Liên đang thất thểu đi, nước mắt ướt cả mặt nàng.
Liên đến giường thì ngồi phệt xuống, ôm mặt lại và nức nở không thèm biết sợ xấu hổ trước sự có mặt của Sang.
Sang thương hại nàng quá, bước lại gần, đứng làm thinh rất lâu rồi gọi nho nhỏ:
– Chị..chị…chị làm sao đó chị?
Hắn không gọi Liên bằng cô như mọi ngày nữa, không hiểu vì sao.
Liên cứ nức nở không đáp được, hay không buồn đáp thì không rõ. Hắn bèn đứng mãi ở đó cho đến lâu thật lâu, khi Liên bớt cơn thổn thức, lệ nhoè nơi mắt thì nàng thấy hắn ngồi trên gạch trước mặt nàng.
– Chị có tâm sự gì buồn lắm phải không chị?
– Chị đau xót lắm em ơi…
– Em có thể biết được hay không chị? Em vào đây, nhờ sự tử tế của thầy, của chị, em mang ơn chị ngàn ngày..
Cảnh tượng trước mắt Liên không còn là cảnh thật nữa. Đó là một cảnh nàng thấy trong mơ; một người con trai độc nhứt muốn hiểu rõ lòng nàng, sẵn lòng an ủi nàng lúc nàng cần gởi gấm tâm sự để giải thoát lòng nàng đang nặng một gánh sầu. Vì thế Sang không còn là Sang, mà là một đứa em trai nhỏ dại.
Vô tình, nàng có cái cử chỉ thương mến là đưa tay ra vuốt đầu nó mà rằng:
– Em còn nhỏ dại, không hiểu được chuyện người lớn đâu.
Sang lặng người đi, vì cử chỉ bất ngờ ấy. Ban đầu hắn nghe như sét đánh, nhưng rồi hắn bình tĩnh trở lại, và nghe sung sướng lạ kỳ. Hắn ngồi làm thinh, lắng nghe cái đê mê huyền ảo từ đâu không rõ, truyền vào người hắn qua bàn tay ấy.
Hắn muốn lấy thân mật đáp lại thân mật nhưng chưa dám. Và hắn suy nghĩ. Hắn biết rằng Liên rất nết hạnh. Hắn lại hiểu tâm trạng Liên hiện giờ là đang đau khổ, cô đơn, nên cảm xúc trước sự săn sóc của hắn, và trong một phút mến hắn quá, xem hắn như đứa em, nên mới có cử chỉ ấy, chỉ có thế thôi.
Nhưng hắn lại hiểu sâu xa hơn là tiềm thức con người chủ động nhiều hành vi của ta lắm. Nếu nàng không đặc biệt cảm tình với hắn, thì cho dẫu là trong một lúc mất hồn, nàng cũng chẳng làm như vậy.
Tin vào suy luận của mình, Sang trở nên bạo hơn và đưa tay lên chận lấy bàn tay của Liên trên tóc hắn.
Bấy giờ Liên mới trở về thực tại và bắt gặp chính nàng trong một tình thế tội lỗi. Nàng ngẩn ngơ không hiểu sao nàng lại làm như thế. Nhưng cũng như Sang, nàng lắng nghe sự rung động sâu xa tại các tế bào, các thớ thịt của nàng do sự đụng chạm này gây ra.
Liên ngạc nhiên hết sức. Đã từ lâu, chẳng những lòng nàng chai cứng mà thôi, mà thể xác của nàng cũng bị ngâm trong băng giá, không có sự đụng chạm nào làm cho nàng chú ý được nữa cả.
Nàng đã trở lại đời sống bình thường của một người con gái bình thường chăng? Mới hôm nào, nàng bắt chợt nàng bâng khuâng và mong đợi Ngọc đến với nàng. Tuy nhiên nàng vẫn chưa tin lắm là nàng trở lại được như cũ. Nhưng hôm nay thì đã rõ rệt rồi vậy.
Qua vài giây chợt tỉnh, Liên nhận thức rõ tình thế, và hoảng sợ hết sức, nàng vội giựt tay ra. Sang không dám đuổi theo, vì hắn cũng sực tỉnh cơn mê.
Vội vàng lau nước mắt, Liên đứng dậy nói:
– Em đi học kẻo trễ.
Sang cũng đứng dậy, nhưng hắn tiếc giây phút vừa qua ấy lắm, không đi được.
– Chị à, hắn thỏ thẻ, em muốn an ủi chị.
– Cám ơn em lắm, nhưng không làm sao an ủi chị được.
– Chị Liên!
Giọng kêu của hắn nghe ra bướng bỉnh như một kẻ sắp liều mạng. Liên kinh sợ hết sức lách mình đi mau ra buồng trước mà cửa đang mở lớn.
Bây giờ, nàng mới nghe thoát nạn, nhưng vẫn còn kinh sợ khi nhớ lại màu mắt đỏ ngầu của Sang.
Liên bắt chợt nàng đang thở hổn hển vì sợ, vì bao xúc động khi nãy, và nàng đứng vịn lưng ghế cho tim nàng đập đều trở lại nhịp bình thường.
Sang thì bình thản như không có gì xẩy ra. Hắn cũng ra ngoài, với tay lấy cặp da, rồi cúi chào Liên, vừa mỉm cười, một cái mỉm cười khó hiểu, khiến Liên càng lo sợ hơn.
Không biết hắn dự định mưu kế gì trong đầu hắn, nàng tự hỏi. Kẻ vừa qua một cơn giông tố như vậy mà bình thản được là một kẻ thâm, và quyết chẳng chịu bỏ cuộc, tự tin rằng mình đủ bản lãnh đánh trận nữa và đang nghiên cứu chiến lược.
Liên thì chỉ muốn câu chuyện ngưng tại đó và không có hậu quả gì nữa cả.
Lòng người mâu thuẩn một cách kỳ dị. Măc dầu muốn như thế, Liên vẫn nghe dư vị của buổi giao tay ngắn ngủi khi sáng êm ái vô cùng và như là tiếc thương giây phút kỳ ảo ấy đã mất.
Thẫn thờ, nàng trở vô buồng thay áo để đi chợ, một công việc nàng làm máy móc vì thói quen, nhưng lòng cứ xao xuyến về trận bão bùng nhấp thoáng vừa qua.
- 1 -
Tiến >>
Đánh máy: Lê Thy
Nguồn: NAM CƯỜNG xuất bản 1962
baovecovang2012.wordpress.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 9 năm 2021