Màu Da Oan Nguyệt

kate chopin

dịch giả: gió vi vu

Kate Chopin , Tác giả

nguyên văn désirée’s baby

Kate Chopin, tên thật là Katherine O’Flaherty, sinh năm 1851 mất năm 1904, người Hoa Kỳ gốc Ái Nhĩ Lan, con của một gia đình giàu có. Từ lúc thơ ấu bà được nuôi dưỡng theo khuôn mẫu dành cho các cô gái con nhà giàu của thời hậu nội chiến Hoa Kỳ, đi học trường Công giáo và tham dự những buổi tiệc tùng khiêu vũ. Người ta dễ sai lầm liệt cô tiểu thư Kate vào nhóm người hưởng thụ thú vui đọc sách hơn là người khổ công sáng tác. Mười chín tuổi bà kết hôn với Oscar Chopin, một thương gia chuyên mua bán bông vải ở vùng New Orleans. Khi sự nghiệp suy thoái bà cùng với chồng mở một cửa tiệm và trông nom đồn điền bông vải gần Natchitoches. Đây là nơi bà đã dùng làm bối cảnh cho nhiều truyện ngắn trong đó có Bayou Folk (1894) và Night in Acadie (1897). Tác phẩm của bà phản ảnh sự kết hợp phong phú của hai nền văn hóa, người Hoa Kỳ da đen và người Pháp sống ở địa phương này. Sau khi chồng bà qua đời năm 1883 bà mang sáu người con quay trở lại St. Louis sống với mẹ, bà ngoại, và bà cố. Chắc chắn bà đã chịu ảnh hưởng từ những người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ này. Đặc biệt bà cố của bà là một người có tài kể truyện đã góp phần hun đúc Kate Chopin trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Tác phẩm của bà, truyện ngắn và các bài phác họa về người và phong tục tập quán của địa phương xuất hiện đều đặn trên các tạp chí danh tiếng như Vogue.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của bà là The Awakening (Thức Tỉnh) xuất bản năm 1899 nói về một người phụ nữ đi tìm bản ngã, nhận biết tình cảm của mình đã cưỡng lại quan niệm thông thường về đạo đức, hôn nhân và hạnh phúc mà xã hội đã thiết lập. Những tác phẩm cuối cùng của bà thể hiện rõ nét sự hiếu kỳ về dục tính của phụ nữ đồng thời có vẻ chất vấn những nề nếp mà phụ nữ phải tuân theo nên bị xã hội công kích trầm trọng. Năm năm sau khi tác phẩm Thức Tỉnh ấn hành, bà qua đời mà không viết thêm tác phẩm nào khác. Hơn nửa thế kỷ hai mươi, lịch sử văn học Hoa Kỳ lãng quên bà. Nếu có nhắc đến bà người ta chỉ xem bà là người minh họa cuộc sống địa phương, nơi sinh sống của những người nói tiếng Pháp Creole và Cajun ở tiểu bang Louisiana. Từ năm 1950 bà được chú ý nhiều hơn trong vai trò tiên phong của khuynh hướng thể hiện cuộc sống thôn dã của người Hoa Kỳ ở miền Nam nước Mỹ. Khuynh hướng này đã đưa ra văn đàn những nhà văn thượng thặng của Hoa Kỳ trong đó có William Faulkner. Bà cũng được xem là nhà văn có khuynh hướng nữ quyền, biểu lộ khát vọng được tự chủ và độc lập của phụ nữ.

.

Bà có số lượng tác phẩm đồ sộ dù thời gian bà viết không lâu dài. Bà cho biết bà viết rất nhanh, viết như ma ám hay ơn trên thôi thúc. Có nhiều truyện ngắn bà viết trong vòng một vài giờ. Tác phẩm được nhiều người biết đến gồm có: A Pair of Silk Stockings (Đôi Tất Bằng Lụa), A Reflection (Hồi Tưởng), A Respectable Woman (Người Phụ Nữ Đáng Kính), A Shameful Affair (Mối Tình Nhục Nhã), At the ‘Cadian Ball (Đêm Khiêu Vũ), Beyond the Bayou (Qua Khỏi Vùng Đầm Lầy), Desiree’s Baby (Đứa Con của Desiree), Ma’am Pelagie (Bà Pelagie), Regret (Hối Tiếc), the Kiss (Nụ Hôn), the Locket (Cái Mề Đay Lồng Ảnh), The Storm (Cơn Bão), The Story of an Hour (Câu Chuyện Một Giờ).

Câu Chuyện Một Giờ tạo ấn tượng mạnh nhất trong tôi. Câu chuyện xoay quanh Louise, người vợ trẻ của Brently Mallard. Nàng bị bệnh tim vì thế Josephine, chị của Louise và Richards, bạn của chồng, rất cẩn trọng khi báo tin cái chết (sai lầm) của Brently trong một tai nạn xe lửa. Tuy nhiên người ta không thể kiểm soát sự trở về đột ngột của người chồng. Brently Mallard vì bị trễ chuyến xe lửa nên thoát nạn. Ngay lập tức khi nhìn thấy chồng, Louise ngã ra chết. Ông bác sĩ gia đình chứng nhận Louise chết vì trái tim nàng không chịu được sự vui mừng tột độ.

Truyện ngắn này thú vị ở diễn tiến nội tâm của Louise trong vòng một giờ đồng hồ từ khi nàng nghe tin người chồng chết cho đến khi nhìn thấy chồng nàng, bình an và khỏe mạnh, xuất hiện ngay dưới chân cầu thang. Người đọc nhận thấy chuyển biến tư tưởng và tình cảm của nhân vật từng bước một. Đầu tiên, Louise khóc òa. Rồi như thể không chịu được nỗi đau đớn nếu đứng một mình, nàng lao vào vòng tay của người chị. Phản ứng này xem chừng sôi nổi hơn phản ứng thông thường của phụ nữ thời bấy giờ. Đáng lẽ, Louise nên có vẻ sững sờ tê tái và khóc trong im lặng cho phù hợp với thái độ của phụ nữ đương thời cùng ở trong cảnh ngộ. Có lẽ, nhận ra cái nông nổi của mình, nàng đòi được hứng chịu đau buồn trong yên lặng. Nàng vào phòng riêng và nhất quyết không cho bà chị cùng vào. Nàng ngồi bất động trên một cái ghế bành hướng ra cửa sổ, yên lặng, thỉnh thoảng có tiếng khóc rấm rức phát ra từ cổ họng làm rung chuyển nhè nhẹ thân hình. Quan sát hình dáng nàng, ta nhìn thấy nỗi buồn của người chịu tang. Louise dần dần thoát khỏi trạng thái đau buồn khi chú ý đến khung cảnh chung quanh. Những ngọn cây xanh chuyển mình trong mùa xuân, mưa nhẹ như hơi thở ngon lành trong không gian, tiếng rao hàng, tiếng nhạc vọng xa xa, và tiếng chim ríu rít; nàng nhìn thấy, nghe thấy, và cảm thấy mùa xuân, biểu tuợng của sự sống, cái vươn mình của vũ trụ thức tỉnh sau giấc ngủ dài của mùa đông. Sự sống đầy hy vọng và niềm vui. Tóm lại, như thi hào Nguyễn Du đã nói, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Nàng chợt nhận ra niềm vui của mình và điều này làm nàng sợ hãi. Không sợ hãi sao được, chồng chết mà nàng không buồn thì rõ ràng là tội lỗi hư đốn quá. Ngoại tình chăng? Không phải. Nàng chợt nhận ra mình được tự do.

Bây giờ ngực nàng đang phập phồng rối loạn. Nàng nhận ra “nó” đang tiến đến gần để chiếm hữu nàng và nàng cố gắng đẩy lui nó với tất cả ý chí – cũng yếu đuối bất lực như hai bàn tay trắng mảnh khảnh của nàng.

Khi nàng không tự kềm chế, đôi môi hé mở của nàng thoát ra lời thì thầm. Nàng lẩm bẩm lập đi lập lại: “tự do, tự do, tự do!” Ánh nhìn xa vắng tiếp theo là vẻ khủng khiếp đã biến mất từ trong mắt nàng. Đôi mắt nàng vẫn giữ nguyên vẻ nhanh nhẹn sáng ngời. Mạch nàng đập nhanh, dòng máu chảy ấm áp làm thân thể nàng thư giản.

Nàng biết mình sẽ buồn khi nhìn thấy xác chồng nằm chắp tay trong quan tài. Nàng bảo rằng nàng thỉnh thoảng nàng cũng yêu chồng đấy chứ. Kate Chopin như bóc vỏ củ hành từng lớp một vạch cho độc giả thấy cái mơ ước được tự do, được giải thoát của nhân vật. Cái mà người ta cho là hạnh phúc lại là cái đã giam hãm nàng. Louise nghĩ đến chuỗi ngày còn lại sẽ thuộc về nàng. Nàng sẽ không phải sống vì ai hay cho ai mà chỉ sống vì mình cho mình.

Nàng không ngừng lại để thắc mắc vì sao dường như trong lòng mình có một niềm vui to lớn đến thế. Lòng nàng quá rộn ràng nên nàng gạt cái thắc mắc ấy qua một bên như một chuyện không đáng để ý.

Nàng biết nàng sẽ lại khóc khi nàng nhìn thấy đôi bàn tay của người chồng quá cố nhân hậu dịu dàng xếp chồng lên nhau; gương mặt ấy không bao giờ có vẻ được giữ gìn bằng tình yêu của nàng, nó bất động và xám ngoét và chết ngắt. Tuy nhiên nàng nhìn xa hơn những phút giây cay đắng để thấy chuỗi ngày dài sắp đến hoàn toàn thuộc về nàng. Và nàng dang rộng hai tay để chào đón tương lai.

Nàng sẽ không còn sống vì ai cho ai. Tình yêu không quan trọng bằng quyền tự do, được làm chủ bản thân, cuộc sống và những ước vọng của riêng mình.

Nàng sẽ không sống vì ai hay cho ai trong những ngày sắp đến. Nàng sẽ chỉ sống cho chính mình. Sẽ không ai có thẩm quyền để uốn nắn ý chí nàng bằng sự kiên nhẫn thật bền bỉ đầy mù quáng mà người ta, cả đàn ông lẫn đàn bà, tin là họ có quyền áp đặt sở thích riêng tư của họ lên đồng loại. Hành động áp đặt kềm chế này cho dù có cố tình độc ác hay không thì tội của nó cũng không giảm đi khi nàng quan sát nó thật rõ ràng.

Dù sao đi nữa nàng cũng đã từng yêu chồng – thỉnh thoảng. Thường thường thì nàng không yêu. Điều này thì có ảnh hưởng cái gì đâu chứ. Tình yêu, một điều bí ẩn, có thể mang đến gì cho nàng khi nàng được sở hữu quyền tự chủ cá nhân mà nàng chợt nhận ra đây là một mong muốn mãnh liệt nhất trong lòng nàng!

“Tự do! Cả thể xác lẫn tâm hồn!” Nàng tiếp tục thầm thì.

Quyền tự do làm chủ bản thân là quyền căn bản với phụ nữ Tây phương trong xã hội hiện đại, nhưng vào những năm cuối thế kỷ mười chín đòi hỏi được quyền này là vượt khuôn khổ của xã hội. Giữa thế kỷ mười chín, phụ nữ phương Tây đang tranh đấu để được quyền bầu cử và mãi đến năm 1860 New York mới có luật bảo vệ quyền người phụ nữ khi lập gia đình, được quyền nuôi con và thừa hưởng tài sản khi chồng qua đời. Trước đó phụ nữ hoàn toàn lệ thuộc vào ân huệ của chồng. Kate Chopin cho thấy khát vọng được tự do, suy nghĩ, chọn lựa, và quyết định của Louise là một mơ ước thật là to lớn.

Trí tưởng tượng của nàng chạy hỗn loạn về những ngày sắp đến. Những ngày mùa xuân, và những ngày mùa hạ, và những tất cả các thứ ngày sẽ là của riêng nàng. Nàng khấn thầm rằng cuộc đời sẽ dài mãi mãi. Mới hôm qua nàng còn rùng mình sợ rằng cuộc đời sẽ quá dài.

Kate Chopin ngưỡng mộ các nhà văn Pháp như Gustave Flaubert, Emile Zola và Guy de Maupassant. Câu Chuyện Một Giờ biểu lộ rõ nét nhất khuynh hướng viết về đời sống con người với những ràng buộc của văn hóa trong xã hội trong tác phẩm của Maupassant tiêu biểu là truyện ngắn The Necklace (Xâu Chuỗi). Bà cũng sử dụng cách kết cấu truyện ngắn, cẩn thận dàn dựng diễn tiến đưa đến kết thúc bất ngờ của Maupassant đến mức tuyệt hảo. Báo cho độc giả biết Louise bị bệnh tim nặng ngay từ đầu, cái chăm sóc của người chị, cái cẩn trọng chờ biết chắc chắn mới báo tin chết của người bạn thân, cái buồn mất chồng biến thành niềm vui được tự do, rồi biến thành nỗi thất vọng to lớn đã giết chết Louise thật là một tuyệt chiêu trong truyện ngắn này mà tôi không tìm thấy ở những tác phẩm khác của Kate Chopin. Tôi thông cảm cái mơ ước được tự do của Louise nhưng cũng nhận thấy cái mơ ước này có phần nào quá khích. Không phải ai cũng có thể bồng bột gạt bỏ tất cả tình thân liên hệ để được tự do sống cho mình và vì mình mà thôi. Phụ nữ, nhất là phụ nữ Á châu, dù sống trong xã hội Tây phương ở thế kỷ hai mươi mốt vẫn tự đặt mình trong vòng kềm tỏa vô hình của những quan niệm đạo đức họ đã thấm nhuần.

Thức Tỉnh phảng phất dáng dấp truyện Anna Karenina. Một thiếu phụ đẹp, sống trong một gia đình nề nếp, chồng giàu và nghiêm khắc, con xinh xắn, có một cuộc sống hoàn toàn hạnh phúc mà người ngoài nhìn vào bằng đôi mắt thèm thuồng mơ ước, lại đổ chứng đi yêu một người đàn ông khác trẻ tuổi hơn nàng. Trong khi Alexei Vronsky tận lực đeo đuổi chiếm đoạt Anna Karenina vì yêu nàng thì Robert Lebrun (trong Thức Tỉnh) chủ động lảng tránh Edna Pontellier bởi vì yêu nàng và muốn bảo vệ nàng. Anna Karenina hoàn toàn lệ thuộc chồng về mặt tài chánh trong khi Edna có tài sản riêng được ông bố lén cho. Anna ủy mị yếu đuối rơi vào vòng tay của Vronsky rồi đầu hàng số mệnh còn Edna luôn luôn ở trạng thái chủ động chọn lựa giữa hôn nhân và tình yêu. Ngay cả cái chết của nàng cũng ở trong trạng thái hưởng thụ tự do giữa biển cả.

Theo chồng và các con về Grand Isle để nghỉ hè, Edna Pontellier gặp Robert Lebrun. Chồng của Edna, Léonce Pontellier là một thương gia giàu có, thường xa nhà. Ông rộng rãi về mặt tiền bac và yêu thương vợ tuy nhiên ông đòi hỏi nàng phải vâng lời ông và phiền lòng khi cho rằng Edna không mấy quan tâm chăm sóc con. Edna ao ước tự do. Nàng vùng vẫy trong tuyệt vọng khi trách nhiệm của hôn nhân và gia đình đè nặng lên nàng khiến Leonce hoang mang nghĩ là nàng bị bệnh tâm thần. Robert Lebrun đã giới thiệu với Edna một nữ nghệ sĩ dương cầm, Cô Reisz. Robert Lebrun đánh thức tình yêu trong tâm hồn Edna còn Reisz giúp Edna nhận ra bản chất nghệ sĩ khao khát tự do trong tâm hồn nàng. Khác với tác phẩm Anna Karenina, Thức Tỉnh không nhấn mạnh đến thảm kịch của mối tình ngang trái, mà bộc lộ cái mơ ước được tự do, được làm chủ trọn vẹn bản thân, từ thể xác đến tâm hồn của một người nghệ sĩ mà cũng là phụ nữ.

Lần đầu tiên ra biển với Robert, Edna đã có cảm tưởng như sau:

Edna bắt đầu nhận biết vị trí của mình, con người trong vũ trụ, và tương quan của cá nhân nàng với thế giới bên trong cũng như thế giới chung quanh nàng. Điều này giống như sức nặng kỳ diệu của sự hiểu biết đè lên tâm hồn của người thiếu phụ hai mươi tám tuổi – có lẽ còn hiểu biết hơn là đức Chúa Thánh Thần đối với lời cầu xin của bất kỳ phụ nữ nào.

Nhưng sự bắt đầu của rất nhiều điều, đặc biệt là của thế giới, thường hay mù mờ, rối rắm, và vô cùng hỗn loạn. Rất ít người trong chúng ta có thể bảo toàn với những sự bắt đầu như thế! Có biết bao nhiêu tâm hồn bị tiêu hủy trong sự hỗn loạn này.

Giọng nói của biển cả thật là quyến rũ; không ngừng, thì thầm, huyên náo, lao xao, mời gọi tâm hồn lang thang đi tìm một lời nguyền dưới vực sâu thẳm của tịch liêu; rồi tự biến mất trong trận đồ của nội tâm.

Giọng của biển nói với tâm hồn. Cái vuốt ve của biển thật gợi cảm, ôm kín thân thể nàng bằng vòng tay thật là mềm mại.

Edna tự phân tích tư tưởng và tình cảm của nàng dành cho Robert Lebrun:

Cái tình cảm nàng dành cho Robert không giống như tình cảm nàng dành cho chồng, chưa bao giờ nàng có cảm xúc này, và cũng chẳng ngờ là mình sẽ có. Suốt đời nàng quen với việc giữ kín tư tưởng và không bao giờ thố lộ cảm xúc. Chưa bao giờ thấy khó khăn trong việc này. Tư tưởng và cảm xúc là của riêng nàng và nàng cả quyết đó là quyền của nàng không liên can đến ai. Đã có lần Edna nói với bà Ratignolle (bạn thân) là sẽ chẳng bao giờ nàng hy sinh bản thân nàng cho bất cứ ai, ngay cả các con của nàng. Hai người cãi nhau dữ dội như thể hai người không thể nào hiểu nhau hay không nói với nhau bằng ngôn ngữ chung. Edna cố gắng giảng hòa với bạn, giải thích:

“Tôi có thể bằng lòng đánh mất những thứ không cần thiết; Tôi có thể cho tiền hay mạng sống của tôi cho các con tôi; nhưng tôi sẽ không đánh mất chính tôi. Tôi không biết giải thích cách nào; tôi chỉ mới bắt đầu hiểu cái tự đòi hỏi này, nó tự hiển hiện ra với tôi.”

Người bạn mới của Edna, nữ dương cầm thủ Reisz, là một người nhỏ bé, và cô độc. Giữa bà và Edna có một sự quí mên thông cảm nhau đặc biệt của hai tâm hồn đồng điệu. Edna đang cố gắng phát huy khả năng sáng tạo của nàng qua hội họa. Nàng đưa vài bức phác họa cho bà Reisz và bà đã nói thế này:

“Tôi không biết bà lâu và sâu sắc đủ để nhận xét. Tôi không biết rõ tài nghệ cũng như tính tình của bà. Để trở thành một nhà nghệ sĩ; người ta cần phải có nhiều tài – tài đặc biệt – không phải lúc nào cũng có thể nhờ cố gắng mà có được. thêm vào đó, để thành công, một người nghệ sĩ cần phải có tâm hồn can đảm.”

“Bà có ngụ ý gì khi nói đến tâm hồn can đảm?”

“Can đảm, ma foi! Một tâm hồn can đảm là một tâm hồn dám thực hiện mơ ước và dám phản kháng.”

Nữ dương cầm thủ này có lần đã vòng tay ôm nàng và sờ nhẹ vào xương vai của nàng như thể xem đôi cánh của nàng có khỏe hay không bà nói:

“Con chim muốn bay vút lên cao vượt qua những đồng bằng của tục lệ và thành kiến phải có một đôi cánh rất khỏe. Chẳng có gì đáng buồn hơn và thê thảm hơn nhìn thấy một con chim yếu ớt bầm dập, mệt mỏi, loạng choạng bay trở lại mặt đất rồi bị mai mỉa. Gãy cánh rồi sao?”

Bên cạnh cách viết với hình ảnh sống động, Thức Tỉnh nói lên sự xung đột nội tâm đưa đến hành động cưỡng chống của một phụ nữ muốn yêu muốn sống vượt ra ngoài luân lý mà xã hội đàn ông đã áp đặt lên họ.

Truyện ngắn Cơn Bão nói về Calixta, chồng và con của nàng đi chợ phiên và bị mắc kẹt trong cơn bão. Trong khi cơn bão ập đến, Alcée Laballière, tình cờ đi ngang, vào nhà nàng để tránh bão. Trước khi lấy chồng Alixta và Alcée đã một thời yêu nhau. Hai người ôn lại chuyện cũ và trong cơn bão hai người ân ái với nhau. Cái đặc biệt của truyện ngắn này không phải chỉ là một câu truyện ngoại tình mà là cách bà Chopin tiếp cận và phân tích dục tính của phụ nữ, viết về tình dục một điều cấm kỵ với văn hóa xã hội thời bấy giờ, lại càng cấm kỵ hơn nếu đó là nhà văn nữ. Bà trình bày câu chuyện ngoại tình cách thản nhiên không phê phán. Bà kết cục bằng cách cho Alcée vui vẻ viết thư bảo vợ mình cứ tiếp tục cuộc sống ở xa không cần phải gấp rút trở về. Alixta vui vẻ đón chồng và con trở về sau cơn bão. Cuộc sống lại tiếp diễn không ai lo lắng hay bận tâm về chuyện vi phạm thuần phong mỹ tục đã xảy ra. Không có gì phải lên án, chỉ là, vui thôi mà.

Hai người chẳng chú ý đến cơn mưa như thác đổ, và tiếng gầm của bão làm nàng cười to khi nàng nằm trong cánh tay chàng. nàng là một hình ảnh đẹp lồ lộ trong cái khung cảnh mờ ảo của căn phòng; trắng như cái ghế dài nàng đang nằm bên trên. Thịt da săn chắc của nàng, lần đầu tiên từ khi ra đời nàng nhận biết, như đóa hoa lily trắng sữa mà ánh nắng đã làm tăng hơi thở thơm tho cho cuộc đời trường sinh bất tử.

Cơn mê đắm tràn trề của nàng, không ác tâm hay lừa dối, như ngọn lửa trắng xâm nhập vào và tìm thấy câu trả lời trong tận cùng sâu thẳm của cảm giác từ trước đến này chàng chưa bao giờ được thụ hưởng.

Khi chàng mơn trớn ngực nàng cả hai cùng thả hồn mê đắm vào đôi môi run rẩy mời mọc của chàng. Miệng nàng là nguồn suối của khoái lạc. Khi chàng chiếm hữu nàng cả hai cùng tan loãng vào ranh giới bí mật của cuộc đời.

Trong truyện ngắn này Kate Chopin đã diễn tả khéo léo cái chuyển biến của hai người từ trạng thái ngượng ngập cho đến cởi mở, ôn lại tình cũ nghĩa xưa, và dần dần bước vào cơn mê tình ái rất dễ dàng và hợp lý, chỉ trong thời gian một cơn bão đi ngang.

Sau khi tác phẩm Thức Tỉnh được phát hành, Kate Chopin bị xã hội tẩy chay. Người ta bảo rằng văn của bà đáng ghê tởm. Thư viện không lưu trữ tác phẩm của bà. Bạn bè xa lánh bà. Xã hội ruồng bỏ bà thậm chí những Câu Lạc Bộ cũng từ chối không nhận bà làm thành viên vì bà đã phiêu lưu vào địa hạt nhục cảm của phụ nữ, đã miêu tả, cái run rẩy của một nụ hôn mềm, làn da ấm của cho người tình (trong Thức Tỉnh), màu trắng của da thịt, lọn tóc tơ của hai người tình cũ bị giam trong một căn phòng khi người hôn phối của họ không có mặt (trong Cơn Bão). Cái gọi là cú sốc về tình dục trong tác phẩm của bà Chopin thời ấy còn hiền hơn cả phim PG 13 bây giờ. Điều làm tôi thấy sốc là cái mơ ước được tự do tuyệt đối của nhân vật Edna. Edna bảo rằng nàng có thể đổi mạng sống để bảo vệ các con nhưng không vì các con mà tự đánh mất bản thân. Ở đây tôi không hiểu rõ ý của tác giả. Có lẽ bà muốn ám chỉ là bà sẽ chọn sự tự do sáng tạo của một nghệ sĩ dù phải mất quyền nuôi con? Bởi vì nếu dám cho mạng sống cho con mình là đã dám cho tất cả. Không còn mạng sống thì khó mà thực hiện được lý tưởng. Dù cô bạn thân của Edna đã hết sức ngăn cản nàng đừng bỏ các con, nàng vẫn khăng khăng theo đuổi tự do của mình. Quyết định này là một hành động quá đáng tuy không phải là một chuyện không thể xảy ra. Độc giả thời ấy đã quá khắc khe phê phán Kate Chopin qua cách bà khai triển về quan điểm tình dục của phụ nữ nên không chú ý việc bà đã dùng nhân vật Edna và Reisz là biểu tượng của những tài năng và tuổi trẻ bị lãng phí vì không được sống và sáng tạo như họ mong ước. Lòng yêu tự do và và nhất quyết sống cho mình của Kate Chopin, một trăm năm sau được Ayn Rand, tác giả của Atlas Shrugged lập lại qua câu nói: “Tôi sẽ không sống cho ai và cũng không muốn ai sống cho tôi.” Nói về Kate Chopin có lẽ không gì chính xác hơn mượn lời nói của chính bà khi phát biểu ý kiến về Maupassant: “Đây là một người đã vượt thoát lề lối cổ truyền và quyền hành đã áp đặt, người đã quay vào trong chính con người của mình, quan sát cuộc đời qua chính bản thân mình, bằng chính cặp mắt mình, thẳng thắn và đơn giản kể lại cho chúng ta biết những gì người ấy nhìn thấy.”

(Kate Chopin – khát vọng sống của người phụ nữ ở thế kỷ mười chín - Tác giả Nguyễn Thị Hải Hà = Nguồn damau.org)

Kate Chopin , Tác giả

Tiến >>


Nguồn: NguoiPhuongNam.blogspot.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 13 tháng 1 năm 2023