Trong Chiến Hào Thành Cổ

chu tam thành

1. Quê Hương

Quê hương là chùm khế ngọt. Câu ca da diết vào lòng người hòa tan trong máu chảy khắp cơ thể. Hợi dắt trâu vác cày ra đồng vừa đi vừa hát. Bỗng anh mỉm cười: nếu có chua một chút vẫn là quê hương. Chua thanh thanh hòa vị ngọt lại tạo ra tình cảm: đi thì nhớ về thì thương. Nghĩ trái khoáy cũng là một tính cách con người Hợi. Đôi khi ngang đến mức bướng bỉnh thì trời tròn hay vuông cũng mặc. Hơn nữa anh lại đang yêu một cô gái láng giềng và đang bực mình về chuyện lỡ đợt tòng quân đầu năm. Trong anh đang xáo trộn những tình cảm trái chiều.

Mặt trời lên rực rỡ đánh tan loãng chút sương sớm. Nắng tãi trên cánh đồng lúa xuân hè thẳng cánh cò bay đang vào kỳ mẩy hạt, ngọn bong lúa lao xao trong gió. Bờ tre làng vang vang tiếng chim đỗ quyên gáy giục lúa mau chín vàng cho xóm nghèo ấm lòng nuôi quân đánh giặc. Đến ngã ba cây đa cổ thụ, Hợi đập chạc mũi vào mông con trâu rẽ ra bãi sông Hồng. Những con sáo sậu ríu rít mời nhau ăn quả đa vui tai quá. Chỏm cây đa cao tít xa chục cây số vẫn còn nom rõ. Hợi ngước nhìn trời trên đỉnh cây đa xanh ngăn ngắt với bao chuyện đời người gắn cho cây. Anh lại trông vời vời mặt đất. Chà hôm nay như mới lạ, tất cả mặc áo mới, sao thế nhỉ? Tại mắt mình ư? Người vui cảnh cũng vui. Lòng anh rộn rã xao xuyến buổi dạo chơi tối qua với Quyên.

Bánh xe đạp cứ thong dong đưa hai đứa theo đe sông Hồng, gió mát rượi. Tuy đạp ngược chiều gió, anh cảm thấy nhẹ tênh. Quyên ngồi sau xe, tay phải quàng qua người anh.

- Anh mệ để em đạp tiếp nhé?

- Còn lâu. Lai anh nặng ký đô con thế này lỡ đổ xe em vồ vào anh cũng hay đấy nhỉ?

Hai đứa thích nhau từ khi Hợi đang học năm cuối cấp ba còn Quyên cấp hai, hơn nhau ba tuổi. Con đê mập mạp uốn lượn theo dòng sông. Chỉ đi thế này thôi họ đã cảm thấy thời gian vàng ngọc trôi nhanh quá. Giá xe đạp từ từ được hơn nữa thì hay biết mấy. Đến cổng đền Chử Đồng Tử xe tuột xích. Trong đầu Hợi diễn ra câu chuyện tình cảm của ông thánh lấy nàng Tiên Dung. Chà, chẳng lẽ ông thánh trong "tứ bất tử" lại sắp xếp cho hai đứa dừng chân nơi đây? Họ ngồi dưới gốc cây gạo. Trăng lê hắt bóng đền trù lên đôi trai gái đang yêu nhau.

- Em đã nghe sự tích đền này chưa?

- Có nghe lõm bõm chưa rõ ngọn ngành. Lần đầu tiên em đến đây. Cửa đền đóng không vào thắp hương được anh nhỉ?

- Ừ, chúng mình thắp trong lòng càng đậm đà phải không? Chuyện thánh từ thời đất nước còn hoang sơ, có thể thời hồng hoang, làm sao biết được ngọn ngành. Anh nghĩ cứ bí hiểm như thế cũng hay, người đời sau càng khám phá càng mê mẩn linh thiêng. Đời thuở nhà ai, anh chàng Chử nghèo rớt mùng tơi, nghèo không có cái khố che thân phải lặn kiếm cá khúc sông Hồng này. Bất chợt ào đến một đoàn con gái khênh kiệu võng, cờ quạt linh đình từ bờ sông ập tới. Chàng Chử không còn cách nào khác vội vùi mình trong cát mong thoát thân. Ngờ đâu công chúa Tiên Dung lại cho quây màn tắm đúng chỗ Chử vùi mình. Éo le quá! Nước tắm xối xuống, chàng trật ra. Thế là cả hai cùng trần như nhộng. Ông trời định ra sự việc kì quặc thế này ư? Em có tin không Quyên?

Quyên ngơ ngác nhìn vòm cổng đền. Lờ mờ con rồng và mũi đao mái đền cong vút trên nền trời.

- Em nghĩ gì thế? Rất đời mà cũng rất thánh phải không em? Thời hồng hoang mà! Nàng Tiên Dung trở về cung sợ vua cha hành tội. Bàn dân thiên hạ loang chuyện ra thì chẳng còn ra thể thống gì nữa. Vả lại số kiếp trời định thế này rồi, tính sao? Nàng đành cùng chàng thành thân vợ chồng. Họ bỏ kinh thành chuyên tâm học nghề làm thuốc trị bệnh cứu đời sau trở thành thiên y được dân tôn thờ là bậc thánh trong "tứ bất tử", bốn người không bao giờ chết trong lòng dân.

- Sao chuyện hai người lại dính đến cây đa làng ta?

- Thôi chúng mình về kẻo muộn. Anh sẽ kể sau, em ưng chứ?

Hương thơm trong đền phảng phất bay ra. Quyên nhìn Hợi trong bóng trăng đậm nhạt. Duyên phận của mình không tình cờ sao đến đây?

- Từ lâu anh đã muốn cầu hôn, ý em thế nào?

Đôi mắt Quyên ngước nhìn sâu hun hút qua sân đền vào điện thờ. Họ xích lại gần nhau:

- Chúng mình hứa hôn?

- Vâng!

Hợi muốn ôm Quyên để được hôn đến ngây ngất nhưng chợt nghĩ đây là chốn linh thiêng nên anh vội ngừng. Trong lòng hai người chung một ý nghĩ đã được Chử Đồng Tử và Tiên Dung chứng giám cho tình yêu đôi lứa cho dù bom đạn đang nổ trên khắp đất nước

Vắt. Brừ!

Con trâu vẫn chậm rãi vươn cổ kéo từng đường cày. Theo từng lát đất cày lật lên, Hợi vẫn chưa dứt được những rạo rực trong tâm hồn đêm qua.

Trên đường về cảnh vật như trong mộng. Họ rủ nhau ngồi bờ đê hóng mát ngắm trăng. Xa xa sông Hồng cũng đầy ánh trăng chẳng thấy đâu bờ bến. Bãi mía trải ra xa bát ngát lờ mờ bông cờ phơ phất gió. Tiếng chim sẻ thi thoảng lại ríu rít bay vù lên rồi đậu xuống im phăng phắc lặng đi trong ánh trăng. Tất cả đã được trăng phủ lên một lớp lụa mịn màng, óng ả, mềm mại... Huyền diệu quá! Hợi ôm Quyên vào lòng. Bốn mắt lúng liếng trăng rơi. Nụ hôn đầu đời sao mà nóng bừng cả cơ thể, rộn ràng cả trái tim. Hai mắt em nhắm nghiền hưởng trọn vẹn hạnh phúc hứa hôn. Buông lỏng Quyên ra, Hợi thẫn thờ nói như trong mộng: "Tiên Dung của anh, chúng mình trong sáng như ánh trăng đêm nay!".

Vắt vắt. Họ!

Hợi cột dài dây chão cho trâu ăn cỏ. Anh giở cơm nắm ăn trưa. Mặt trời đã chếch qua đỉnh đầu. Anh vừa ngả lưng mắt lim dim thì bóng Quyên lại hiện ra. Chà, tương tư rồi ư? Thì đã sao nào? Anh Hội ơi, giờ anh đang ở mặt trận nào? Thế là anh em mình không được nhập ngũ cùng một ngày. Em đang ở bên Quyên. Chị và con anh đều mạnh khỏe. Sao trớ trêu xã lại để em ở lại không nhập ngũ cùng anh? Anh có vợ con, giá như em đi trước thay thế cho anh có hơn không?... Hợi vùng dậy cày tiếp cánh đồng đất bãi tơi mịn phù sa.

Vắt. Brừ!

Phía trời tây ửng đỏ nhức mắt. Quay đường cày, Hợi giật mình thấy phía đông mây đen kịt ùn ùn kéo lên. Từ xa một vòi rồng thân uốn vặn loe to hình nấm khổng lồ. Anh tháo dây mũi cho trâu tự do chạy. Phát vào mông nó, anh quát: "Trốn đi, tao sẽ tìm mày!".

Anh lấy hết tốc độ chạy về phía cây đa làng. Gió thốc sau lưng càng giúp anh chạy nhanh hơn. Nghe như có tiếng rít u i ù ì rờn rợn ghê người. Rồi như có tiếng réo sôi sùng sục đuổi gấp những sinh vật trên mặt đất. Hợi không thể hình dung được nó như thế nào cho chính xác. Không rõ tiếng gió hay tiếng nước cuốn lên trời, hay cả nước và gió xoáy cuộn tao ra âm thanh quỷ quái nghe sởn tóc gáy, nổi gai ốc khắp người. Đôi chân tự nó guồng cật lực giữ lấy mạng sống cho cơ thể. Sắp tới cây đa làng, một em bé sợ quá nằm bẹp gí xuống đường. Anh liền bế xốc em lên lưng chạy đến gần gốc đa lại gặp Quyên đang ríu chân đứng lên ngã xuống. Một tay ôm thằng bé, một tay Hợi kéo Quyên vào ẩn trong đám rễ đa đã thành cả chục thân cây to ôm tròn lấy cây mẹ to đùng to đoàng. Hợi dang tay đứng giữa hai thân cây con. Trông anh như Thạch Sanh đứng trấn mãng xà. Cành đa gẫy răng rắc. Nước xối xuống như đổ cột trời. Đầm làng rộng mấy chục mẫu vòi rồng hút sạch nước trơ đáy.

- Đừng sợ. Vòi rồng không cuốn nổi cây đa này đâu!

Tất cả ướt hơn chuột lội. Bỗng tạnh ráo rất nhanh, ầm ầm là thế mà giờ như một không gian chết lặng. Hợi cởi áo vắt kiệt nước lau mặt cho em bé, cho Quyên.

- Em lại đẹp rồi. Nom xinh ơi là xinh!

- Anh, cá giãy trắng ngoài bãi cỏ.

Hợi giật mấy rễ đa tăm buộc túm áo thành một túi to, giật thêm mấy rễ đa tăm nữa rồi chạy ra bãi cỏ.

- Quyên ơi, ra mà xem cá!

Anh bắt những con trắm đen, chép râu, chuối hoa to, lướt qua những con mè ranh, diếc, rô đang giãy đành đạch. Thích quá không cất vó mà được mẻ cá lớn. Anh chập ba rễ đa tăm xâu thành hai dây cá cho Quyên và em bé mang về. Đang ở tư thế quỳ xâu cá, anh nâng hai tay cho em yêu dây cá nặng.

- Em vơ lại gánh cỏ quẩy cá về một thể.

Thấy anh mình trần ngực nở, Quyên đỏ ửng mặt. Ngộ quá, anh không đứng dậy, hai bàn tay úng vào vú mình: "Anh là Chử Đồng Tử của em đây. Nào Tiên Dung cúi xuống đi!". Anh chúm chím môi chờ đón. Bé cầm xâu cá đã chạy xa, cô liền quỳ xuống ngang mặt anh. Anh ôm lấy em mặc xâu cá giãy đành đạch trên lưng. Ôi chao, nụ hôn tình yêu thứ hai trong hoàn cảnh hiếm có này quên sao được!

- Anh còn nợ em câu chuyện sao Chử Đồng Tử lại đến cây đa làng ta?

Cơn lốc mem dọc qua đầm không vào làng. Vác trên lưng bịch cá to, Hợi gọi vang làng xóm:

- Bà con ơi, cá quanh gốc đa nhiều lắm. Ra nhặt cá về nấu cơm chiều!

Anh không quên nhặt riêng cho mẹ một mớ tôm càng vẫn tanh tách nhảy trong ống tay áo. Món tôm rang mẹ Hợi thích ăn nhất với nước luộc rau muống dầm quả sấu vườn nhà.

Thôn Cầu quê của Hợi nhỏ xinh như cái lá tre dọc theo đường Năm, chỗ lồi ra, chỗ thụt vào thắt eo, quy ra chừng non một cây số vuông. Nhỏ vậy mà chứa đựng lắm chuyện cổ tích. Người ta thi nhau kể vanh vách từ thuở "Chúa chết thì vua băng hà" có ông Tả Ao xem mạch phong thủy nói bâng quơ với người đi đường cái quan rồi một truyền hai, hai truyền mười, loang ra cả vùng về thôn Cầu trai gái lấy nhau phải ủng ỉnh vài ba năm duyên phận mới thắm nồng.

Máy bay Mỹ dạo này thường săm soi đường Năm, bắn thăm dò phố Nối, bỏ bom Quán Toan, roẹt rốc két xuống sát công trình thủy công Hưng Hải. Mặc Mỹ đánh phá, mặc lời khuyên, bà Thảo vẫn như cuốc kêu ra rả đánh tiếng cho bà Tôn nghe: "Con trai tôi đi bộ đội đánh Mỹ từ chiến trường ra, nó bị thương vẫn sinh con tốt. Có mất đâu mà giữ con gái. Úi chà ơi, nó sang đón vợ nó mà bà thông gia cứ kè kè ngủ bên con gái. Thế thì đây cũng trêu cho bõ tức. Nè, cứ gánh rượu thịt, gánh thóc ả trả đủ ăn từ sáng đến tối như ngày dẫn cưới cho nhà bà ấy thì đây cũng chưa chịu đâu. À mà thôi, nói chơi chứ còn lâu đây mới chịu cưới vợ cho con lần thứ hai. Bây giờ hợp tác xã ở đâu mà chẳng phải ăn, chán rồi cũng phải tìm về - Nhưng bà Thảo lại phân bua y như mở lối rẽ rào gai - Bà Tôn làm tôi nghĩ phát uất lên, đau mắt đỏ cả tháng trời. Con nó về có thời có hạn, làm mẹ phải nghĩ đến con đến cháu chứ! Làm bà ngoại không sướng à? Mà tất bật là tại cái con đường kia kìa, đến cây đa làng rẽ hai ngả ôm lấy bìa làng. Ngã ba phải gió phải dây làm gẫy mặc đất từ đời cha ông, khổ thế đấy!".

Hợi nghe cứ bấm bụng cười: "Cái thằng ấy nhát. Cứ sang mà lôi vợ về, xong hết!". Anh huýt sáo đánh tín hiệu cho Quyên. Cô nàng cắp rổ ra vườn hái rau ngót. Hàng rào nẹp thanh tre một hàng cây rau ngót dài đến bờ ao.

- Em nghe tiếng bà Thảo rồi chứ? Liệu chúng mình có ủng ỉnh đến ba năm không? Anh không chịu nhịn đâu nhé!

Quyên nói nhỏ:

- Không chịu thì anh làm gì?

- Sang lôi qua hàng rào.

Quyên nguýt. Hợi cười. Họ lặng nhìn nhau để cho đôi mắt nói chuyện được nhiều hơn. Thời gian trôi qua dọc theo bước chân cô gái hái rau ngót bờ rào. Thi thoảng chàng trai si tình lại bỏ qua hàng rào vào rổ một chét tay rau.

- Anh còn nợ kể chuyện chưa trả đấy!

- Thế thì em nợ anh ngày cưới phải không? Vui em nhỉ! Chúng ta đã thống nhất với nhau là như đinh đóng cột. Ông bố anh sang thưa chuyện thì em cứ thế... Cứ thế mà nói với bố em. Hai tâm hồn chúng mình là một, chẳng có tình yêu nào đánh đổi được chúng ta đâu! Anh tin như tin chính mình. Khó như chàng Chử, sang như nàng Tiên Dung còn thánh thiện thế cơ mà! Em mà không nhắc anh cũng quên khuấy đi mất. Bà nội khi còn sống, đêm nào trước khi ngủ cũng kể cho anh nghe chuyện xưa. Mỗi đêm một chuyện, nhiều chuyện liên quan đến làng ta. Bà như một pho sách nghe mê lắm. Trong máu anh có hòa chuyện kể của bà. Một lần Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung đi kiếm cây lá thuốc đã đói lả ở gốc đa làng ta. Nhờ thần hoàng làng báo mộng mà hai người đã lấy được linh dược trên ngọn đa. Em có biết linh dược gì không? - Cô chớp chớp mắt tỏ ý không hiểu - Là cây tầm gửi. Không phải dây tơ hồng màu vàng quả thị trong chuyện Tấm Cám leo đầy bờ rào cúc tần làng ta chuyên se duyên kết tóc cho nam nữ yêu nhau đâu. Bà bảo dây tầm gửi này cực hiếm, phải trèo lên ngọn cây đa cổ thụ ngàn năm mới có. Phải lấy khi có sương đêm, dây còn đang tơ mới nở búp chưa xòe lá, búp màu tím gần như búp đa. Ngay trong đêm ấy Chử đã cùng vợ gồng gánh vượt rừng ngập nước đầy cá sấu đem tầm gửi về cứu sống những người dân bị một dịch bệnh lạ nguy hiểm.

- Làng ta xưa có cá sấu sao?

Anh vặt mấy ngọn rau ngót cho vào miệng nhá, nước rau màu xanh lơ nhuộm răng trắng bóng.

- Em hỏi gì kỹ thế. Vùng ta gáp sông Hồng xưa đầy cá sấu. Thời ấy chưa có đê, nước lũ về lênh láng tràn ngập thì làng ta có cá sấu là cái chắc. Học cấp ba đọc sử anh biết, ngàn năm sau chàng Chử, cụ Hàn Thuyên còn làm văn tế cá sấu sông Hồng bằng chữ Nôm cơ mà. Giờ thì bói chẳng còn một con, em tin chưa?

Cộc hàng rào đến bờ ao. Họ đứng lại nhìn nhau im lặng. Linh tính một cái gì đang trùm lên hai người. Dặn nhau cái gì mà kín thế? Úp úp mở mở với ông bố Quyên là chuyền gì? Có thể chỉ trời biết và có thể chỉ Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng biết. Quyên xuống cầu ao rửa rau. Cá đớp tóp tép quả sung rụng nổi đầy mặt ao, cô hờ hững vốc nước rửa mặt. Mặt cô theo sóng loang ra rung rinh. Hình như cô cũng đang suy nghĩ điều gì lung lắm. Chuyện của Hợi kể cũng không vơi nỗi niềm của cô. Hợi ít nói, lỳ lợm, chỉ đến với Quyên những ngày này là anh hoạt bát, lanh lợi. Có thể anh muốn át đi nỗi buồn cho cả hai người.

Mấy ngày sau Hợi lên oto trong bộ quân phục khi gà cất tiếng gáy lần thứ nhất báo trời sắp rạng sáng.

Đoàn xe phải chạy đêm trên quãng đường Năm tránh máy bay địch săm soi đánh phá. Quyên tiễn chân Hợi, cô tặng anh chiếc bút máy Hồng Hà và chiếc khăn thêu hai con chim dính mỏ vào nhau làm kỷ vật.

Theo bánh xe lăn, qua cửa sổ Hợi căng mắt nhìn màn trời đêm mờ xa. Làng trên xóm dưới không một ánh đèn. Thi thoảng vẳng tới tiếng người già ho khù khụ giục trâu cày. Tiếng con gái nói cười rúc rích. Họ canh tác đã bao nghìn ngày đêm không nghỉ trước bom đạn của không quân Mỹ rình rập đánh phá. Bất chợt trong không gian lặng lẽ tiếng ru ngái ngủ khê nồng ở một nhà ven đường vọng theo xe.

"À ơi,

Mẹ ru con ngủ cho ngoan

Cha còn đánh giặc phương Nam chưa về..."

Hợi thấy cay xè trong sống mũi, anh nhớ người mẹ tần tảo gập mình trên ruộng lúa, xoài người đẩy mái chèo đưa đò qua sông, chắt chiu từng đồng lấy tiền cho anh ăn học. Anh bậm môi ngăn không cho giọt nước mắt lăn xuống má, âm ư trong cổ họng lời ca "Tổ quốc ơi, xin hiến dâng Người một trái tim hồng!".

Anh được huấn luyện tại căn cứ của sư đoàn Chiến Thắng 312 rồi cấp tốc lên đường vào chiến trường.

1. Quê Hương

Tiến >>


Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 22 tháng 12 năm 2024