Người Vớt Rác Trên Sông

lâm du-yên

PHẦN MỘT - 1 -

Ở xóm Đình có hai người mà chỉ cần hỏi đến tên, cả đứa con nít cũng biết và dẫn bạn đến trúng phóc nhà họ. Đó là ông Năm Từ (người giữ đình) và ông Hai Rác (người vớt rác trên sông).

Họ là hai anh em ruột, trước đây ông Hai được bà con giao nhiệm vụ nhang khói trong đình. Từ ngày Năm, người em trai của ông từ dưới quê lên tá túc, ông Hai giao lại cho em mình việc đó còn ông thì mua một cái xuồng rồi làm cái nghề mà mình yêu thích: Vớt rác trên mấy con kinh.

Sát bờ kinh là một dãy nhà mái lá, mái tôn xen kẻ. Căn nhà nào cũng rất hẹp, bề ngang chừng ba mét đổ lại. Nhà ông Hai hẹp nhất bởi trước đây là khoảng trống giữa hai căn nhà.

Những căn nhà ở ké phân nửa thổ địa, phân nửa bà thủy nầy từ sáng đến tối luôn ồn ào, xô bồ xô bộn...Tiếng cười nói cãi cọ không ngớt.

Dân ít tiền xài tự do bù lại. Họ ít có thứ để mất nên hể thấy cái gì trái chướng là cự nhoi, mà vào cái thời buổi nầy mấy cái chuyện chướng mắt, chướng tai thì nhiều vô thiên lủng.

Có một điều nghịch lý ở xóm Đình, đó là những căn nhà càng nhỏ thì càng đông người chen chúc. Những căn nhà hẹp sát bờ kinh, để đủ chỗ chứa hơn bốn nhân khẩu trở lên, đều ốm nhom mà dài thòng. Nó rất giống mấy cây cầu ván đơn sơ bắt qua những con kinh miệt ruộng, có điều thêm cái mái ở trên.

Nhà ông Hai ngoại lệ, ngắn nhất vì ông ở một mình. Chiều dài của nó nhỉnh hơn chiều cao của ông Hai một chút. Hai bức vách mượn của hai căn nhà bên cạnh. Cái sàn mấp mô bởi mấy tấm ván dày mỏng không đều, chúng nằm trên những cây cột tràm to nhỏ khác nhau: Có cây lớn hơn cùm cẳng, có cây chỉ độ bắp tay. Mấy tấm tôn trên mái tấm thì rỉ sét, tấm mới thay thì xám hơn mái tóc của ông một chút.

Ông Hai hơn lối xóm một chiếc xuồng, ngoài thứ đó ra cái gì ông cũng thua họ. Chẳng hạn mỗi nhà đều có ít nhất là hai, ba, bốn...đôi dép để trước cửa, hai cái ông lò, hai chiếc chiếu, còn ông thì chỉ một. Thậm chí ông còn không có cái ông lò nào bởi suốt ngày ở miết trên xuồng, chỉ có tối mới lên nhà.

Ông Hai vớt tất cả mọi thứ trên sông, bán được hoặc không bán được: Những trái dừa hư, những khúc cây mục cho đến mấy thứ đồ nhựa, nhiều nhứt là bọc ni lông với các thứ bên trong.

Việc tiếp xúc với rác khiến ông Hai dần dần bị bà con đồng hóa với chúng. Từ một ông thủ từ được bà con kính trọng, ông bỗng trở thành người bị rẻ rúng nhứt xóm. Cho dù tính cách của ông không hề thay đổi và công việc của ông xem ra có ích hơn gấp mấy mươi lần.

Những món vớt lên được ông phân loại. Đồ nhựa để bán cho mấy gánh ve chai; Vỏ dừa và củi được ông chẻ nhỏ đem phơi trước nhà ; Mấy thứ không bán hoặc không làm củi được thì bị ông gom bỏ vô bô rác.

Bà con xóm Đình, nhất là những người sống ở bờ kinh đều nghèo nên họ thường sai mấy đứa con đến xin củi về để đốt nấu cơm. Cho nên vào những buổi chiều thỉnh thoảng người ta nghe tiếng gọi gióng giả của một người phụ nữ:

-Bé Tư ơi! Chạy lại nhà ông Hai Rác xin một mớ củi về cho má nấu cơm.

Con nhỏ bé Tư đó bèn ngưng ngang cuộc chơi, năn nỉ mấy đứa kia:

-Chờ tao chút xíu nghe!

Rồi ba chưn bốn cẳng chạy đi hốt một ôm củi. Nó chẳng những không thèm hỏi xin còn lầm bầm trong miệng, cằn nhằn cái ông Hai kỳ cục ấy, sao khoái làm mấy cái chuyện ruồi bu nầy làm chi cho nó khổ!

Ông Hai ăn uống hết sức đạm bạc. Những thực phẩm ông có hầu hết đều do người em mang đến, đa số đều làm từ chuối. Xóm Đình không giàu nên bà con thường mang chuối đến tạ lễ. Chuối nhiều quá ăn đâu có hết. Ông Năm đem phơi khô, nuôi giấm...còn dư thì luộc ăn thay cơm.

Một năm ông Hai được rửa ruột một lần, đó là vào dịp lễ kỳ yên. Ba ngày ấy ông không vớt rác. Tắm gội sạch sẽ, ăn mặc tươm tất, bưng một mâm nhang đèn đến đình cúng.

Cúng xong, ông không ngồi vào bàn tiệc với bà con mà mang cái mâm trong đó có cục xôi và mấy cái đầu, cánh, cẳng gà được kiến lại, về nhà mà ăn một mình. Năm nào có người cúng heo quay, ông Năm sẽ lén bà con, bỏ vô mâm của anh mình thêm một miếng nhỏ.

Ngày lễ kỳ yên ở xóm Đình được hết thảy mọi người mong đợi, nhứt là mấy đứa con nít nhà nghèo. Chúng đi theo ba má, chạy tọt vô bếp để ăn ké miếng xôi, miếng thịt. Chúng quanh quẩn trong đình suốt ngày, chờ đến tối để ngồi bệt trên nền xi măng cả mấy tiếng đồng hồ xem hát bộ.

Năm đó khi ba ngày lễ đã đi qua, sáng hôm sau ông Hai lại đi vớt rác như cũ. Chiều hôm ấy khi ông Hai bơi chiếc xuồng đầy rác về, bỗng thấy có một cô gái đang nằm trong căn nhà của mình.

Cô gái thấy ông Hai về thì lật đật ngồi dậy. Hai bàn tay cô lập tức đặt vào nơi to nhất của cơ thể mình: cái bụng, để giấu nó lại.

Ông Hai ngạc nhiên hỏi:

-Cô là ai? Sao ở trong nhà tui?

Cô gái lấy bớt ra một bàn tay, đưa lên để chùi cả hai giọt nước vừa chui ra từ khóe mắt, không cho nó chạy thẳng xuống để làm ướt hai gò má.

Cổ đáp:

-Con ghé đình xin ngủ nhờ một đêm, ông Năm dắt con tới đây.

Ông Hai không dám nhìn tận mặt cô gái, ông hỏi:

-Cô ăn cái gì chưa? Có đói bụng không?

Cô gái lắc đầu:

-Con ăn sáu trái chuối luộc, no dữ lắm rồi!

Vừa nói cô vừa chỉ tay vào cái dĩa chuối nấu. Cái dĩa to bị mẻ một miếng nhỏ bằng móng tay trên vành, trong đó còn đến năm, bảy, trái chuối sáp vàng tươi.

Ông Hai không dỡ rác từ xuồng lên liền như mọi bữa. Ông lật đật nhảy xuống sông tắm rồi trùm cái chàng xà rông vào để thay đồ.

Ông bảo cô gái:

-Tui đi đằng nầy một chút! Cô lấy cái mùng giăng lên rồi chui vô nằm. Ở đây chiều tối muỗi hằng hà sa số, cắn chịu hổng thấu đâu.

Rồi ông đi tuốt lại đình.

Ông Năm đang cúng, thấy ông anh của mình tới thì làm lẹ lẹ cho xong. Ông xá lia lịa tứ phương, cắm nhang vào mấy cái lư hương, rồi nói:

-Anh cho cổ ngủ nhờ rồi lại đây ngủ với tui.

Ông Hai hỏi:

-Cổ là ai vậy?

Ông Năm lắc đầu:

-Tui đâu có biết! Chắc giận chồng nên bỏ nhà đi cho đã nư. Cổ tưởng là đình bây giờ cũng như ngày xưa, ai lỡ đường là cứ ghé vô ngủ đỡ. Họ đâu có biết là phải có giấy tạm trú hẳn hoi, cho dù đình chùa gì cũng không được chứa chấp bậy bạ, tùm lum được.

Ông Hai nói:

-Chú đưa tui mượn cái mền của chú đi, cho cổ đắp. Cái mền của tui lâu rồi chưa giặt.

Ông Năm đưa cái mền con rồng còn khá mới cho ông Hai rồi nói:

-Cái mền của tui chắc cũng hổng khá hơn đâu! Thôi lấy cái nầy đi.

Ông Hai không cầm mà nói:

-Cho tui gửi đó đi, một chút quay lại lấy. Chú cho mượn cái gà mên nữa.

Ông Năm hỏi:

-Chi vậy?

Ông Hai đáp:

-Tui đi mua cho cổ một tô mì.

Ông Năm nói:

-Tui có đưa cho cổ mười mấy trái chuối nấu rồi.

Ông Hai gật đầu:

-Tui có thấy, cổ ăn đâu có hết, chắc ngán ngược rồi. Tội nghiệp...

PHẦN MỘT - 1 -

Tiến >>


Nguồn: Tác giả VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 19 tháng 9 năm 2019