NHỮNG CÁI CHẾT TRONG CÁCH MẠNG 1-11-1963

lê tử hùng

TỰA

Cái chết của Đại Tá Quyền cũng gây ra nhiều huyền thoại. Và cái chết nầy đến nay vẫn hoàn toàn bí mật.

Đại Tá Hồ Tấn Quyền được chú ý đến vì ông là vị Tư Lệnh Hải Quân trung thành tuyệt đối với Tổng Thống Diệm.

Ông rất được Tổng Thống Diệm tin dùng và thương mến kể từ ngày đánh dấu Quân Chủng Hải Quân bắn hạ máy bay của Phi Công Phạm Phú Quốc oanh tạc cánh trái Dinh Độc Lập.

Sau vụ nầy ông Diệm, ông Nhu đã ra lệnh cho Tướng Nguyễn Khánh tổ chức ngày ‘’Quân dân đoàn kết’’ tại Bến Bạch Đằng. Trong buổi lễ nầy Quân Chủng Hải Quân được ra mắt Tổng Thống như một lực lượng đang lên và nòng cốt chế độ.

Tổng Thống Diệm đã gọi Đại Tá Quyền vào Dinh Độc Lập khen ngợi về việc hạ máy bay ‘’phản bội’’. Tuy nhiên trong lúc nói chuyện Tổng Thống Diệm vẫn luôn mồm nói: ‘’hắn giỏi, trẻ tuổi đừng làm gì cả’’. Đó là Tổng Thống ngụ ý ‘’chịu hàng’’ Phạm Phú Quốc hơn là cầm tù thủ tiêu.

Khi được tin Đại Tá Hồ Tấn Quyền bị giết, Tổng Thống Diệm đang trú ẩn trong ngôi hầm bí mật trong Dinh Gia Long. Ông thương tiếc ngậm ngùi không nói gì cả.

Cũng trong ngày biến cố lớn lao 1.11.1963, Đại Tá Lê Quang Tung cùng em là Thiếu Tá Lê Quang Triệu cũng bị giết. Tuy nhiên thi hài của Đại Tá Lê Quang Tung gia đình ông đến nay chưa tìm thấy. Cái chết của Đại Tá Hồ Tấn Quyền đã bí mật thì cái chết của Đại Tá Lê Quang Tung ly kỳ hơn.

Ngày 1.11.1963, Đại Tá Lê Quang Tung được Hội Đồng Tướng Lãnh mời họp ở Tổng Tham Mưu. Đây là những buổi họp cuối tuần thường xẩy ra ở Tổng Tham Mưu với sự tham dự của các Tướng Tá để thảo luận việc quân đội.

Đại Tá Tung đi họp như thường lệ. Không ngờ trong phiên họp nầy ông bị quản thúc và Hội Đồng Tướng Lãnh xoay qua sự ủng hộ và lật đổ Tổng Thống Diệm, Đại Tá Tung một mực ủng hộ Tổng Thống Diệm và phản đối những ai mưu tâm lật đổ chế độ.

Cuộc bàn cãi đến chỗ căng thẳng. Một vài Tướng lãnh đứng dậy phát biểu: ‘’Ai chống lại Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng hãy đứng dậy’’.

Đại Tá Tung đứng dậy ngay lúc đó. Tức thời một số Quân Cảnh vào áp giải ông ra ngoài. Thế là Đại Tá Tung bị bắt. Rồi nghe tin ông bị giết.

Trong khi đó Thiếu Tá Lê Quang Triệu đang vui chơi từ tối 30.10.1963 được tin Sài Gòn có đảo chánh liền về Thủ Đô giữa tiếng súng.

Thiếu Tá Triệu về Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt, được biết Đại Tá Tung ở Tổng Tham Mưu. Ông Triệu vào Tổng Tham Mưu thì bị bắn giết khi Quân Cảnh đã áp giải Đại Tá Tung đi mất biệt.

Qua ngày 2.11.63 gia đình Đại Tá Tung tìm đến Tướng Trần Văn Đôn để thăm hỏi tình trạng sự thật. Tướng Trần Văn Đôn xác nhận Đại Tá Tung đã bị giết mà chính ông cũng không biết hiện tại thi hài đang để ở đâu?

Bà Tung đến Tướng Đính thì vị Tướng này cho biết sẽ cho người tìm kiếm. Ông chưa biết số phận của Đại Tá Tung như thế nào? Riêng Tướng Nguyễn Ngọc Lễ cho bà Tung biết đích xác là ông Tung đã chết.

Tướng Lễ khuyên bà Tung trở về lo làm ăn nuôi con cái khôn lớn. Sau đó bà Tung đã gặp Tướng Đôn, Tướng Đính trong nhiều bận, hai vị Tướng nầy an ủi bà Tung rất nhiều và hứa giúp đỡ bà Tung khi bà cần đến.

Ngang đây cũng nói rõ là Tướng Đính và Đại Tá Tung là hai người bạn rất thân thiết dưới chế độ Ngô Đình Diệm. Từ đó cái chết của Đại Tá Tung theo thời gian trôi nhanh. Và bà Tung không biết rõ rằng chồng mình chết như thế nào? Theo một số người thân bên cạnh gia đình Đại Tá Tung thì ông ta hiện nay vẫn còn sống. Trong biến cố 1.11.63 Đại Tá Tung bị bắt ở Tổng Tham Mưu áp giải đưa đi thủ tiêu. Đám Quân Cảnh đã dẫn Đại Tá Tung ra sân đánh Golt phía sau Tổng Tham Mưu và Hạnh Thông Tây (Gò Vấp Gia Định).

Quân Cảnh bắn và đâm Đại Tá Tung rồi bọc lại trong chiếc áo mưa nhà binh. Họ tưởng Đại Tá tung chết nên vất xác ở đó. Mãi đến chiều một số người Mỹ thường chơi Golt ở đó khám phá trong lúc Đại Tá Tung bị thương trầm trọng. Những người Mỹ nầy đã đưa Đại Tá Tung đi mất tích.

Mãi đến tháng 4 năm 1966, Hoa Kỳ khởi sự oanh tạc Bắc Việt, Báo Paris Match của Pháp đã đăng tải một bản tin về cuộc oanh tạc nhà máy điện Uông Bí. Và trong bản tin đó nói rằng Hoa Kỳ oanh tạc trúng mục tiêu là nhờ viên cựu Đại Tá Lực Lượng Đặc Biệt dưới thời Ngô Đình Diệm tên là Tung (trong bản tin đó viết là Thung).

Dựa vào bản tin ấy người ta nghi ngờ Đại Tá Tung còn sống và do người Mỹ bảo trợ. Có lẽ giờ nầy ông đang sống ở Thái Lan hoặc biên giới Lào-Việt để tổ chức những toán biệt kích.

Hai cái chết giữa tiếng súng cách mạng của Hồ Tấn Quyền và Lê Quang Tung được chú ý khi nói đến cuộc hạ bệ chế độ Ngô Đình Diệm. Đại Tá Tung và Đại Tá Quyền đã dính liền với sự trung thành, hòa đồng vào tiếng tăm cái chết của Tổng Thống Diệm vào ngày 2.11.63.

Ba cái chết thời giờ khác nhau, nhưng không gian cùng một lượt. Và tất cả đều bí mật. Sự bí mật làm cho óc tò mò càng đi vào con đường tìm hiểu.

Thời gian nầy Ngài Đại Sứ Henry Cabot Lodge ẩn vào bóng tối, giật dây những nhân viên cao cấp, ra mặt ủng hộ Tổng Thống Diệm.

Lê Tử Hùng

Sài Gòn 1971.

Hình bìa:

– Tổng Thống Ngô Đình Diệm

– Đại tá Hồ Tấn Quyền

– Ông Cố vấn Ngô Đình Nhu

– Ông Phan Quang Đông

– Đại tá Phạm Ngọc Thảo

– Ông Ngô Đình Cẩn

TỰA

Tiến >>


Nguồn: Thiên Quang Phụng - NXB LŨY THẦY 1971 -VietnamThuquan.eu
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 12 tháng 9 năm 2023