MỘT NGÀY DÀI HƠN THẾ KỶ
(giải thưởng quốc gia liên xô)
người dịch: lê khánh truờng - nguyễn đức dương
LỜI GIỚI THIỆU
CHINGHIZ Aitmatov, tác giả tiểu thuyết MỘT NGÀY DÀI HƠN THẾ KỶ (I dolshe veka dlitsja đen, 1980) là nhà văn Kirgiz, anh hùng lao động Liên Xô, giải thưởng Lênin Văn Học, 1963, giải thưởng quốc gia Liên Xô các năm 1969, 1977, 1983… Viện Sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học - Nghệ Thuật Châu Âu, Paris, 1983.
Chinghiz Aitmatov sinh năm 1928, trong một gia đình viên chức, tại vùng thung lũng Talax, làng Sêkerơ, huyện Kirop, nước Cộng Hòa Xô Viết Kirgiz, thuộc miền Trung Á Liên Xô.
Ngay khi còn là sinh viên trường Đại Học Nông Nghiệp Kirgiz, ông đã bắt đầu say mê hoạt động văn học.
Năm 1956-1958, Chinghiz Aitmatov theo học khoa văn, Viện văn học M.Gorki-Mockva. Xong chuyển hẳn sang hoạt động báo chí và văn học.
Cùng năm 1958, nhân ‘Tuần Văn học-Nghệ thuật Kirgiz’ tổ chức tại Frunze, hai tuyển tập truyện ngắn bằng tiếng Nga và tiếng Kirgiz của ông đã được xuất bản.
Ngay từ những tác phẩm đầu tay này, Chinghiz Aitmatov đã chứng tỏ sự trưởng thành về các mặt tư tưởng, nghệ thuật và tài năng của mình. Khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên văn đàn trong nước và thế giới.
Truyện Giamilia, 1958, ca ngợi sự dũng cảm của một cô gái Kirgir, dám sống, dám yêu, dám chống lại những phong tục tập quán cổ hủ, lỗi thời, được đông đảo độc giả đồng tình và chú ý.
Tập Núi Đồi và Thảo Nguyên, 1961, giải thưởng Lênin, gồm ba truyện vừa: Người thầy đầu tiên, Cây phong non trùm khăn đỏ, Mắt lạc đà, ca ngợi tính ưu việt của cuộc sống mới, quan hệ mới giữa người với người, và giữa người với thiên nhiên.
Sau tập truyện trên, mỗi tác phẩm mới của ông ra đời là một sự kiện mới trong đời sống văn học Liên Xô.
Truyện vừa:
Cánh Đồng Mẹ, 1963
Vĩnh Biệt Gun-xa-rư, 1966 - giải thưởng quốc gia Nga, 1969
Kịch bản phim Con Tàu Trắng, 1969, chuyển thể từ truyện vừa cùng tên, viết năm 1970 - giải thưởng quốc gia Liên Xô 1977
Sếu Đầu Mùa, 1975
Con chó khoang chạy ven bờ biển, 1977 và
Một ngày dài hơn thế kỷ, 1980 - giải thưởng quốc gia Liên Xô, 1983.
Hầu hết tác phẩm của Chinghiz Aitmatov đều viết về dân tộc Kirgiz, mang tính thời đại sâu sắc và nêu được những vấn đề về lịch sử, triết học, đạo đức và vũ trụ… trong khoảng một phần tư thế kỷ trở lại đây.
Chinghiz Aitmatov viết bằng tiếng mẹ đẻ và tiếng Nga. Văn phong giản dị, tế nhị nhưng hàm súc, cô đọng, giàu chất trữ tình và chất suy tưởng. Bằng thực chất lao động, nhà văn của mình, ông đã có nhiều đóng góp lớn trong việc phát triển và làm giàu tiếng Nga văn học.
Ông được công nhận là một cây bút văn xuôi xuất sắc của nền văn học Xô Viết, ảnh hưởng tốt đến các nhà văn khác, nhất là lớp cầm bút trẻ.
Hầu như mỗi tác phẩm của ông đều gây nên những cuộc tranh luận lớn trong sinh hoạt văn học Liên Xô, nhưng tựu trung đều khẳng định sức khám phá, sáng tạo của một nghệ sĩ lớn khi khái quát hiện thực xã hội cũng như phong cách và thủ pháp nghệ thuật.
Ông đã kết hợp tài tình tính dân tộc và tính hiện đại trong khi vận dụng nhuần nhuyễn truyền thuyết và huyền thoại trong dân gian lẫn khoa học viễn tưởng vào tác phẩm của mình.
Nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim: Giamilia, Mắt lạc đà, Người thầy đầu tiên, Cánh đồng mẹ, Quả táo đỏ, Con tàu trắng…
MỘT NGÀY DÀI HƠN THẾ KỶ là tiểu thuyết quan trọng của Chinghiz Aitmatov. Ngay từ lúc mới ra đời đã không ngừng được dư luận rộng rãi trong và ngoài nước đặc biệt theo dõi.
Ở nước ta, đây là lần đầu tiên, tác phẩm độc đáo này do Nhà xuất bản TRẺ tổ chức dịch và giới thiệu tương đối đầy đủ với bạn đọc từ lâu vẫn mong đợi và dành cho tác giả quen thuộc này nhiều cảm tình đặc biệt.
MỘT NGÀY DÀI HƠN THẾ KỶ là đỉnh cao của khuynh hướng triển khai triết lý đối với cuộc sống, thông qua số phận một con người[1]. Triết lý của tác phẩm nảy sinh từ những suy tưởng sâu sắc về những chủ đề lớn: lao động, nhân tạo, vũ trụ, lịch sử…
Đó là những bi kịch về thời đại, những nỗi đau nhân tình muôn thuở của con người khi lâm vào cảnh ngang trái, gian truân, phải đấu tranh để sinh tồn. Đó là số phận của Edigej - một công nhân đường sắt già - suốt đời lận đận mưu sinh. Cuối cùng, gia đình trụ lại ở một ga xép giữa thảo nguyên úa vàng heo hút, thuộc miền Đất Giữa.
Để đảm bảo giao thông cho con đường huyết mạch của Tổ Quốc, bất kể ngày đêm, bão tuyết, họ phải lao động chân tay đơn giản, liên tục, năm này qua năm nọ, không thể khác được. Với một tinh thần cần mẫn, nghiêm túc, tự giác tự nguyện. Nghĩa vụ lao động đã trở thành một nhu cầu nội tại, gắn liền với sự tồn tại của đất nước và bản thân.
“Người lao động - theo tác giả - chính là chỗ dựa, là cái trục của Trái Đất”.
Đó là chủ nghĩa nhân đạo được thể hiện ở tình thương yêu, đùm bọc của Edigej và các công nhân Bornly-Bão Tuyết đối với Abutalip, một người lao động chân chính gặp cảnh gian truân.
Đó là tình cảm gắn bó với quá khứ dân tộc, thể hiện qua sự gìn giữ trân trọng những truyền thống tốt đẹp, bảo vệ ký ức, tàng trữ những giá trị lâu bền của con người.
Khi nhắc lại truyền thống về loài chim Donenbaj, về tên nô lệ mankur u mê nghe lời chủ, bắn chết chính mẹ đẻ của mình, tác giả qua đó phê phán mạnh mẽ loại ‘mankur hiện đại’ quyền cao tước trọng, học hàm, học vị và kiến thức đầy đủ, nhưng bên trong trống rỗng như người không tim, hoàn toàn mất gốc truyền thống gia đình và dân tộc.
Đề tài vũ trụ được triển khai bằng một thủ pháp nghệ thuật kỳ ảo, nhằm gây hiệu quả lạ hoá, làm nổi bật những vấn đề tư tưởng có ý nghĩa rất thực tại: nhân loại phải có tầm nhìn xa trong việc bảo vệ môi trường sống trên Trái Đất. Và, phải đặt Trái Đất trong tồn tại vũ trụ, mới khách quan nhận ra những âm mưu gây chiến trên Trái Đất trở nên vô cùng phi lý, phi nhân, nhỏ nhen và tầm thường.
Với trình độ xã hội và kỹ thuật mà nhân loại ngày nay đạt tới, những vấn đề lớn của hành tinh chúng ta không thể nào giải quyết riêng rẽ mà nhất thiết phải có sự hợp lực thống nhất của mọi nước, mọi lực lượng trên thế giới.
Trong MỘT NGÀY DÀI HƠN THẾ KỶ, qua sự kết hợp giữa tuyến tường thuật cuộc đời những công nhân ở ga xép bão tuyết với tuyến miêu tả những cảnh tượng từ sân bay vũ trụ Sarozek và những biến cố về sự liên hệ giữa Trái Đất và Hành Tinh Ngực Rừng, tác giả đã tạo ra một sự so sánh đầy ý nghĩa: vấn đề bảo vệ ký ức, những truyền thống tốt đẹp của quá khứ mà những công nhân đường sắt ở Boranly-Bão Tuyết quan tâm, mang ý nghĩa sống còn, có tầm nhân loại, chẳng kém việc chinh phục vũ trụ, đi tìm những nền văn minh khác ngoài Trái Đất của các nhà bác học và các nhà du hành vũ trụ.
Càng đọc MỘT NGÀY DÀI HƠN THẾ KỶ, chúng ta càng thấm nhuần tính thuần hậu của chủ nghĩa nhân đạo Cộng Sản. “Những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc trong thời gian gần đây cho thấy rằng văn học đã cảm nhận được nhu cầu của xã hội phải chuyển sang một trình độ mới về chất… Nó đã lần ra được những điểm nhức nhối của cuộc sống chúng ta, những chiều hướng bất lợi trong các lĩnh vực xã hội, tinh thần. Những vấn đề xã hội-đạo đức gay gắt nhất mà xã hội hiện nay đang chú ý đã được đặt ra trong một loạt tiểu thuyết… ” [2].
Chúng ta rất vui mừng và không ngạc nhiên khi biết rằng, ngày 28-6-1986, trong đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ VIII. Chinghiz Aitmatov đã được đề cử vào Ban thường vụ gồm 9 người, và ông có tên ở vị trí đầu tiên trong danh sách ấy.
CHÚ THÍCH
[1] Theo Hoàng Ngọc Hiến, "Văn học Xô Viết hiện nay".
[2] Trích báo cáo của G. Mác-Cốp tại đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ VIII.
LỜI GIỚI THIỆU
Tiến >>
NHÀ XUẤT BẢN VĂN NGHỆ TP HỒ CHÍ MINH
Nguồn: TVE-4U
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 15 tháng 5 năm 2023