Cụ Cò trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Cành tre thi thoảng lại rung lên. Đêm tháng sáu, trời đầy sao. Đằng đông chớp nhay nháy liên tục. Không một tí gió. Nóng bức quá. Chắc lại sắp bão đây? Xung quanh cụ, đại gia đình cò nhiều kẻ hình như cũng đang cùng thao thức giống cụ. Chỉ có bọn trẻ là vô tư. Đang tuổi ăn, tuổi ngủ có khác. Đặt mình xuống là ngáy. Cắm đầu cắm mỏ xuống mà ngáy. Y như cụ ngày xưa vậy.
Nhắc tới ngày xưa, đột nhiên cụ Cò nhớ quá. Cái thời ấy sao mà thanh bình, yên ả thế không biết. Đồng xanh bao la. Rừng xanh bát ngát. Đâu chỉ có họ cò nhà cụ, các loài khác cũng vậy, đều đông đàn dài lũ, nhiều vô kể. Rặng tre nhà cụ Canh chạy suốt ven đồi Hang Khay mới thích chứ. Rậm rạp. Xanh rì. Bụi nào bụi ấy ken dày. Cây nào cây ấy mập mạp, vươn cao. Già thì đốt vàng óng, bóng loáng. Trẻ thì lá xanh, thân xanh. Lũ măng thì đua nhau tua tủa chọc trời. Giống tre kết đoàn bao bọc lấy nhau thành thành, thành lũy. Tháng sáu, nóng nực oi bức thế mà ở đó vẫn mát lẹm. Thì tre pheo như thế, trước mặt là bềnh lầy lau sậy, sau lưng lại là núi đá cao thì bảo sao mà không mát? Họ hàng nhà cụ bao nhiêu đời đã ở đây. Vậy mà…
Nghĩ tới đó, cụ Cò bỗng thở dài. Rồi không chịu được nữa, cụ ngóc đầu lên ngoảnh sang cành tre kế bên hỏi: “Bố thằng cò còn thức hay đã ngủ rồi đó?”. “Dạ. Con vẫn thức bố ạ! Bố chưa ngủ à?”. “Chưa. Ngủ sao được. Anh thức thì may quá. Tôi đang định nói với anh chuyện này”. “Có chuyện gì vậy bố?”. Giọng con trai cụ Cò to hơn, vẻ lo lắng. Cụ Cò nói tiếp: “Tôi tính, ngày mai đưa thằng Cò về thăm quê. Năm nay nó lớn rồi, phải cho nó biết quê cha đất tổ anh ạ”. “Sao đột ngột vậy bố? Để sang năm cho cháu nó cứng cáp thêm tí nữa được không?”. “Không được – Cụ Cò dứt khoát – Nó cứng cáp thì tôi lại già yếu đi. Tôi thấy năm nay sức khỏe xuống rồi. Bỗng dưng lại nhớ quê lắm anh ạ”. “Bố yếu thì cứ ở nhà. Con đưa cháu nó đi cũng được mà”. “Không. Tôi phải đi”. “Thế thì cả nhà mình cùng về quê một chuyến bố ạ”. Mẹ Cò bất chợt lên tiếng. Cụ Cò hơi ngỡ ngàng: “Chị cũng chưa ngủ à? – Rồi cụ dứt khoát – Thôi. Chỉ mình tôi đưa cu Cò đi là được. Anh chị phải ở nhà. Nhà bao việc đấy”.
Ba người rọ roạy trên hai cành tre, bàn tán rì rầm mãi. Chỉ cu Cò nằm cạnh ông nội là vẫn ngủ vô tư. Khuya, vợ chồng anh Cò đành phải chiều bố. Họ đồng ý để bố mình đưa thằng cu về quê. Năm nào cũng vậy, bố họ đều có một chuyến như thế. Cứ vào mùa cày cấy tháng sáu là cụ lại bay. Nào có phải gần đâu. Mấy trăm cây số chứ ít gì? Từ đảo cò Hải Dương về mãi tận trung du sông Lô cơ mà. Thế mà cụ vẫn tung hoành dọc ngang phong độ lắm. Được về chốn cũ quê xưa mà. Đến như mình cũng còn háo hức nữa là. Tuy nhiên, những năm đó, cụ còn trẻ, còn có sức. Chứ năm nay thì… đúng như cụ nói, sức khỏe cụ giảm sút nhiều. Bố Cò lo lắm. Được cái thằng cu Cò cũng lớn rồi. Ra dáng thanh niên phết rồi đấy. Để nó đi hộ tống cụ cũng yên tâm. Cụ đưa đích tôn lần đầu về quê. Đích tôn hộ tống cụ thăm quê. Hai ông cháu dựa vào nhau, thế là ổn. Vợ chồng anh Cò phải ở lại. Nhà bao việc đúng như cụ Cò nói. Sang năm, vợ chồng anh sẽ thay cụ về hương khói cho mẹ anh, cho các cụ. Chả gì đó cũng là nơi mình sinh ra. Phải làm thế để răn dạy con mình chứ. “Con người – í quên, con cò – có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Ca dao dạy thế rồi.
Nhà cụ Cò xưa, chính xác ra là tổ của nhà cụ ở mãi trên ngọn tre trong rặng tre nhà cụ Canh. Cho đến tận bây giờ, cụ vẫn thấy nơi đó là đẹp nhất. Sinh ra và lớn lên, cụ gắn bó quá nửa cuộc đời ở đó. Rặng tre xanh, đồng lúa vàng, bềnh lau sậy rậm rạp, núi đá Hang Khay sừng sững, dòng Lô trong xanh hiền hòa… Những mảng khối, sắc màu ấy hòa trộn vào nhau tạo nên một khung cảnh nên thơ lãng mạn lắm. Đặc biệt, những con người nơi đây, họ mới thân thiện làm sao. Vợ chồng cụ Canh, những đứa trẻ trâu, những bác nông dân hiền lành chất phác… Sao mà yêu họ đến thế. Trên thì ríu rít chim hót. Dưới thì róc rách suối reo, là râm ran tiếng trẻ trâu gọi nhau í ới. Cánh đồng rộn rã tiếng cười nói. Lũ trâu cặm cụi cày bừa. Chúng nhẫn nại bước đi theo tiếng “vặt, diệt” của con người. Còn lũ cò nhà cụ thì cứ nhẩn nha bắt tép, thư thả kiếm mồi.
Khoảng thời gian vui nhất trong ngày của làng cò là khi hoàng hôn buông xuống. Mặt trời khuất dần sau dãy núi Hang Khay, hắt lên trời những tia rẻ quạt màu tím sẫm. Gió hạ mơn man mát rượi. Họ cò nhà cụ í ới gọi nhau vội vã sải cánh về tổ. Cả rặng tre mấy trăm mét nhao nhao cánh cò. Nhà nào nhà nấy con đậu, con bay. Lũ cò trẻ tranh nhau chỗ đậu. Chúng cãi nhau ỏm tỏi. Cánh trung tuổi thì vừa lựa thế hạ cánh vừa ngoảnh đầu hỏi thăm nhau bằng thứ ngôn ngữ riêng của mình. Hôm nay thế nào? Dễ kiếm không? Kiếm được nhiều chứ? Đi tận đâu? Có mang về cho con được con tép nào không? Về mấy chuyến rồi..? Thôi thì đủ thứ chuyện. Cả ngày mới gặp lại nhau mà. Tình làng nghĩa xóm là thế. Cãi nhau đấy, tranh nhau đấy. Vậy mà lại vui.
Quên sao được tiếng kẽo kẹt bờ tre những trưa hè gió thổi. Nhớ vô cùng giọng bà Canh ru cháu lúc thu sang. Bà ru thế nào nhỉ? “À ơi…!”. “Gió mùa thu…”. A! Phải rồi! “Cái cò đi đón cơn mưa/ Tối tăm mù mịt ai đưa cò về/ Cò về thăm quán cùng quê/ Thăm cha, thăm mẹ cò về thăm anh”. Hay thế cơ mà! Cảm động thế cơ mà! Họ nhà cò được lên câu hát ru cơ đấy. Có hẳn một làn điệu dân ca “Cò lả” nha. Cò còn được đặt cả tên cho làng nữa nha. Thì đấy, làng Cổ Cò đấy. Có phải tôi nhận vơ đâu? Loài người họ tôn vinh chúng tôi đấy chứ. Không phải dạng vừa đâu nha.
Những ngày mưa, nhất là mưa Ngâu, cò không đi làm được, nằm trong tổ hoặc đậu trên cành tre mà được nghe bà Canh ru cháu thì chỉ có nhất. Mà kể cả không phải ngày mưa đi nữa thì vẫn cứ tuyệt. Thì đấy, những đêm “trăng lên lùa cành tre, gió thổi tiếng ru hời” xem? Không cảm thấy rung động, ngẩn ngơ trước tiếng ru thì dứt khoát không phải là cò. Thế nên, cứ nghe bà Canh ru cháu, thằng Tèo nhà bà chưa ngủ thì lũ cò nhà cụ đã ngủ hết cả lũ rồi.
Ơn cứu mạng của cụ Canh thì cụ Cò nhớ không bao giờ quên. Hai lần chứ có phải ít đâu. Lần thứ nhất là khi cụ vẫn còn là quả trứng. Chân dung cụ ngày đó đơn giản lắm. Chỉ cần khoanh một đường ô van là xong. Loài người bảo quả trứng nào mà chả giống nhau? Chân dung gì lại thế? Vậy mà không phải. Chỉ cùng loài mới hiểu được. Mỗi quả trứng đều có những đặc điểm khác nhau. Như vân tay con người đó. Mỗi người mỗi khác. Trứng cò cũng vậy. Phải có con mắt trong loài mới nhận ra. Mỗi con cò được định hình từ mỗi quả trứng đó. Dạo ấy, chả biết bố mẹ cụ vụng chân vụng tay thế nào mà để cụ rơi xuống đất. May mà lớp lá tre dày nên không hề hấn gì. Cụ Canh đi qua thấy quả trứng cò liền nhặt lên đặt lại vào tổ. Hú hồn. Thế là Cò thoát chết. Mà chả phải riêng gì cụ Cò, rất nhiều bạn của cụ ngày ấy cũng được đối xử như thế. Cụ Canh, lũ trẻ trâu hoặc bất cứ người nào khác nữa, hễ thấy trứng cò rơi là họ lại nhặt lên đặt vào tổ. Trân trọng, đáng yêu thế cơ chứ. Chính vì vậy mà họ nhà cò cứ đông đàn dài lũ mãi lên.
Lần thứ hai, cái ơn nghĩa cứu mạng của cụ Cò còn cao dày hơn. Số là đêm ấy mưa bão mù trời. Sấm chớp dữ dội. Gió giật, mưa tuôn. Cây cối nghiêng ngả. Rặng tre ken dày như thế vậy mà cũng bị quăng bên nọ, quật bên kia tới tấp. Tổ vỡ, tổ rơi. Đàn cò táo tác. Cò lớn, cò bé bay loạn xạ. Đêm tối mịt mùng. Cụ Cò lúc đó mới nở được mấy ngày. Thân còn yếu lắm. Mềm nhũn, quặt quẹo. Da đỏ hỏn, chưa có tí lông nào. May đôi mắt vừa mới đến kỳ mở. Chưa kịp nhìn đời thì Cò gặp ngay cơn bão. Gió giật vật vã, quật tung cái tổ nhà Cò. Cò rơi bịch xuống đất, lẩy bẩy, vùng vẫy trong đám lá tre. Bố mẹ Cò bay tứ tán. Họ gọi Cò khản tiếng. Gió như thế, mưa như thế, đêm tối như thế làm sao mà Cò nghe được? Mà có nghe được thì Cò cũng chẳng thể nào gọi lại được. Đau ê ẩm, rét run người, sợ hết hồn, Cò còn tâm trí hơi sức đâu mà gọi? Thực ra, loài cò không có ống tiêu và không có khả năng phát ra âm thanh thì làm sao mà gọi được? Cò đành nằm tơ hơ trong đêm phó thác số phận cho dòng đời xô đẩy.
Sáng sau, bão tan. Rặng tre xơ xác. Cây đổ, măng gãy. Bầm dập ngổn ngang. Trứng cò rơi trắng đất. Nhiều quả vỡ nát bét. Nhiều cò con bị rơi. Có đứa chết cóng. Co quắp, còng queo. Cò con mở mắt thấy vậy vô cùng hoảng hốt. Về sau, biết mình may còn sống, Cò ngóc đầu lên tìm mẹ. Trên trời, cò bố, cò mẹ của các nhà chấp chới bay, nháo nhác gọi nhau, gọi con. Mệt quá, Cò con không thể nào cất tiếng được. Không biết trong số cò đang bay kia ai là bố mẹ của Cò? Hiện giờ bố mẹ Cò ở đâu? Làng cò xơ xác, mất hết dấu thế này liệu bố mẹ có tìm được chỗ của Cò? Con nằm đây này, bố mẹ ơi! Đến cứu con đi bố mẹ! Kêu thầm, gọi nhỏ vậy nhưng có thành tiếng đâu? Rõ khổ cho loài của mình, ông Trời chẳng ban cho tiếng hót thì gọi thế nào được? Tủi thân quá, hai giọt lệ ứa ra trên hai khóe mắt của Cò. Kiểu này chắc chết? Thế rồi Cò lịm đi lúc nào không hay…
Sau cái đêm mưa bão định mệnh đó, sáng sau, cụ Canh nhặt được Cò. Hai tay cụ chụm vào nhau ôm Cò. Cụ hà hơi, đốt lửa sưởi ấm cho Cò. Cò tỉnh dần. Run rẩy, ngơ ngác. Sau đó, cụ làm một cái tổ gài lên cành tre và đặt Cò lên đó. Có lẽ cụ chờ bố mẹ Cò về nhận Cò? Ngày nào cụ cũng mấy bận bắt tép mang tới bón cho Cò. Tối tối, cụ ra tổ ngóng chừng. Vẫn không thấy bố mẹ Cò về. Càng chờ càng vô vọng. Chẳng biết bố mẹ Cò còn sống hay đã chết? Lẽ nào tìm Cò mãi không được nên họ đã bỏ đi chăng? Cò chính thức mất bố mẹ, trở thành đứa trẻ mồ côi. Cuối cùng, để tiện cho việc chăm sóc, cụ Canh mang Cò về nhà mình. Dưới bàn tay của cụ, Cò cứ thế lớn lên. Nhờ giời, Cò lớn nhanh lắm. Khi Cò đủ lông đủ cánh, cụ mang Cò ra cánh đồng. Đứng giữa đồng, cụ bần thần nói với Cò: “Lớn rồi, khỏe khoắn rồi. Trả con trở lại về với thiên nhiên con nhé. Trời của con đấy. Cánh đồng của con đây. Con hãy tự do bay cùng chúng bạn”. Nói đoạn, cụ dứt khoát tung Cò thả lên trời. Sau giây lát ngơ ngác, theo bản năng phản xạ, Cò vỗ cánh liệng một vòng quanh cụ Canh rồi bay vút đi. Đằng xa kia, họ hàng cò đang đậu trắng đồng. Cò phải đến chỗ đó. Ơn cứu mạng của cụ Canh, cả đời Cò xin khắc cốt ghi xương.
Đấy, đời cụ Cò cò hai biến cố quan trọng như vậy đó. Cụ bươn chải lớn lên, tự lập, trưởng thành. Ngày ngày, Cò vẫn tiếp tục bay tìm bố mẹ. Tuy nhiên, tin tức về bố mẹ vẫn “bóng chim tăm cá”. Tuy không ở trong nhà cụ Canh nữa nhưng Cò vẫn quẩn quanh với cụ. Cứ thấy cụ ra đồng là Cò bay sà theo. Lúc thì đậu trên lưng con trâu cụ ông đang cày. Lúc lại bì bõm lội bắt tép trên thửa ruộng cụ bà đang cấy. Cò còn rủ thêm lũ bạn đến vui cùng. Đúng là “trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”. Cò thấy đẹp quá chừng. Có lúc, Cò còn nghe được mấy bác nông dân hát hò trêu chọc cụ Canh. “Công anh bắt tép nuôi cò/ Cò ăn cò lớn cò dò lên cây”. Ý họ nói về cái vụ cụ Canh nuôi Cò đây mà. Cò để ý cụ Canh chẳng thấy cụ tự ái gì. Ngược lại, cụ ấy và mấy người kia còn cùng cười vang nữa cơ. Vui lắm. Cò nghển cổ nhìn họ rồi tự thanh minh: “Không phải thế đâu các bác ơi! Con vẫn ở đây với cụ Canh đấy”. Nghĩ vậy nhưng Cò không nói được, đành cứ ngày ngày quẩn quanh bên vợ chồng cụ. Chiều về, Cò cùng họ hàng nhà mình đỗ đầy trên ngọn tre trước cửa nhà cụ Canh. Cuộc sống làng cò lại trở lại thanh bình yên ả như trước.
Cánh đồng làng Cổ Cò ngày đó đẹp như tranh. Thời khoán hộ, ruộng nhà nào nhà đó xanh quanh năm. Lúa khoai tốt bời bời. Đỗ đậu sai trĩu quả. Rau màu xanh mướt mắt. Vào vụ, cả cánh đồng rộn rã tiếng cười nói. Vụ cày, vụ cấy, vụ gặt lúc nào cũng râm ran. Họ hàng cò tha hồ sà xuống ruộng mò tôm, bắt tép. Chúng cứ quanh quẩn bên những người nông dân. Khi nông nhàn, tức là lúc lúa đứng cái, ít người ra đồng hơn. Thi thoảng lắm mới có bác nông dân vác cuốc thăm đồng thôi. Họ nhường cánh đồng lại cho cò. Cò tự do thoải mái. Chấp chới cánh cò trắng bay trên thảm lúa xanh mênh mông… Trời ơi! Sao lại đẹp thế này? Những thửa ruộng lúc này to hơn, vuông vắn hơn, chẳng còn manh mún như trước nữa. Đâu như người ta “dồn điền đổi thửa” thì phải?
Cò vừa bay vừa nghe các cô thôn nữ hát trêu chọc bọn cò. “Bờ ta phá bỏ từ lâu/ Lúa chen chỗ đứng còn đâu chỗ cò”. Đúng thế thật. Lúa tốt lắm. Cò bay mỏi cánh mà tìm mãi chả được chỗ đậu. Rồi họ lại hát: “Cò ơi! Ta bảo thật cò/ Cánh kia có mỏi cho nhờ đậu vai”. Rồi thì: “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”…Có cô còn vung tay giả vờ ném đất về phía đàn cò, để đàn cò nhất loạt vỗ cánh bay lên. Trong nắng thu vàng mơ, cánh cò bay chấp chới trắng đồng. Còn các cô thôn nữ ấy thì cùng cười ré lên ròn rã. Ôi! Sao mà đáng yêu thế cơ chứ! Và trong thời kỳ đáng sống ấy, anh Cò đã tìm được bạn đời cho mình. Hạnh phúc đến như mơ. Sau đó, con cái anh Cò cứ thế lần lượt ra đời. Núi Hang Khay, làng Cổ Cò là quê cha đất tổ của cụ Cò như thế đó. Vậy mà…
Sáng sau, hai ông cháu cụ Cò dậy sớm, rời đảo Cò. Họ bám nhau sải cánh. Cu Cò liên tục bay trước. Thằng bé háo hức lắm. Nó cứ xăm xăm lao đi. Đầu nó nghiêng bên nọ ngó bên kia. Mắt nó chăm chăm nhìn xuống dưới. Miệng nó liến thoắng hỏi hết điều này đến điều khác. Đúng là tuổi trẻ. Cái gì cũng lạ. Cái gì cũng muốn biết. Cụ Cò phải “tăng ga” đuổi theo. Cụ vượt lên dẫn đường. Khi sóng đôi với thằng Cò, cụ Cò ngoảnh đầu sang giảng: “Loài chim bay trên trời từ ba con trở lên thì phải bay theo hình tam giác. Một con dẫn đầu như mũi tên. Các con sau dàn hàng ngang phân ra theo lớp. Càng đông thì đáy tam giác càng rộng. Như thế mới đỡ lực cản của gió, đội hình luôn ở thế tiến công. Còn khi chỉ có hai con, như ông cháu mình đây, thì có thể sóng đôi. Tuy nhiên thường bay chếch nhau một tí, cháu ạ. Cháu chưa biết đường, bay từ từ thôi để ông bay trước dẫn cho kẻo lạc”. Đã bảo vậy rồi mà thằng Cò nhiều lúc cứ nhắng lên, bay vượt trước. Thì phong cảnh phía dưới đẹp thế kia cơ mà! Làm gì thằng bé chả háo hức? Kia là cánh đồng hoa Mê Linh. Nọ là khu rau sạch Sóc Sơn. Kia nữa là Đầm Vạc… Sao mà nhà cửa phố xá nhiều thế? Cứ san sát san sát ra. Có cái cao vút chọc trời. Có cái to đùng hoành tráng. Bề thế, quy mô thật. Những cây cầu qua sông mới oách chứ. Thanh Trì, Chương Dương, Thăng Long, Hạc Trì… Cái nào cũng sừng sững, hiên ngang vắt qua sông. Chẳng bù cho những cây cầu khỉ lắt la lắt lẻo bắc qua suối, qua bềnh trên quê cũ hồi nhỏ cụ đã từng chứng kiến.
Đẹp thì đẹp thật. Hoành tráng thì hoành tráng thật. Thế nhưng, rừng rú, đồng bãi, những nơi cho họ cò nhà cụ sinh sống thì hình như cũng đã bị thu hẹp lại. Nhiều đoạn, khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi thối kinh quá. Mù mịt, nồng nặc. Ông cháu cụ Cò phải bay vút lên, vòng ra xa để tránh. Thảo nào, hòn đảo nơi cụ trú quán, chim chóc, nhất là cò, lại cứ đông dần mãi lên. Thì nơi đó sông nước hiền hòa, đồng bãi phì nhiêu, cây cối tươi tốt, con người nhân hậu, môi trường trong lành… bảo sao mà không thu hút họ cò nhà cụ chứ? “Đất lành chim đậu” mà. Các cụ nói có sai bao giờ đâu?
Lúc bay qua Đầm Vạc, cụ Cò rưng rưng lắm. Khu ấy đồng nước mênh mông, đảo xanh cây xanh… đúng là thiên đường của loài Vạc. Loài Vạc cũng là chỗ quen biết của cụ Cò. Giá thư thả như mọi lần cụ sẽ ghé lại chơi thăm họ nhưng hôm nay cụ lại đang vội. Thôi, để lúc về dừng chân vào đó vừa nghỉ vừa thăm họ sau cũng được. Nhân tiện giới thiệu cho thằng Cò biết và làm quen với cu Vạc. Không chỉ cho nó biết đất tổ quê cha cũng phải cho nó biết cả lân bang xóm giềng nữa. Họ vạc, họ nông với họ cò có phải ai đâu mà xa lạ. Nghĩ tới đó, cụ Cò suýt phì cười về câu ca dao của loài người. “Cái cò, cái vạc, cái nông/ Ba con cùng béo vặt lông con nào?”. Họ cứ dọa trêu thế thôi chứ có vặt được ai bao giờ? Vậy mà… Lòng cụ Cò bỗng quặn lên đau đớn. Thôi. Không nhắc chuyện này nữa. Tập trung vào đường bay kẻo chệch hướng sang núi Ba Vì thì khổ.
“Ông ơi! Sao mình không ở trên rừng mà lại về dưới đảo Cò để ở hả ông?”. Tiếng thằng cò vọng lên bên tai. Cụ Cò ngoái cổ sang phía nó. Đầu thằng Cò nghển lên hướng về cụ. Đã bảo không nhắc tới chuyện cũ rồi mà thằng cháu lại gợi lên. Cụ Cò ậm ừ: “Chuyện dài lắm cháu ạ. Tới trên đó, cháu sẽ hiểu. Bây giờ tập trung vào bay đi. Nhớ là vừa bay vừa phải giữ sức đấy cháu nhé. Đường còn xa lắm. Các cụ dạy “đường dài mới biết ngựa hay”. Đừng có “ngựa non háu đá” đấy cháu ạ!”.
Ông lại “ngày xưa” với “các cụ dạy rồi”. Sao ông cứ hay nhắc những cụm từ ấy thế nhỉ? Cò nghe mãi thành quen. Quen rồi thì Cò thuộc. Những tích, những câu ông nội dẫn Cò nhớ nằm lòng. Ơ! Dưng mà mình là cò, mình bay trên trời chứ có phải loài ngựa với con đường ở dưới đất kia đâu mà ông nói vậy nhỉ? Câu này hôm nay Cò mới nghe lần đầu đấy. A! Phải rồi! Ông ví von! Ví vậy nghe cũng dễ hiểu đấy chứ. Quả thực, mình cũng đã thấm mệt rồi. Phải nghe lời ông thôi. Chớ có cậy sức, về sau đuối dần, không theo kịp ông thì gay. Nghĩ vậy, Cò điều chỉnh nhịp vỗ cánh. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, nó lại bị cuốn hút vào phong cảnh phía dưới, quên phắt luôn cái điều định hỏi ông lúc nãy. Thế là nó lại hăm hở vỗ cánh bay.
Cuối cùng, hai ông cháu cụ Cò cũng tới được ngã ba sông Lô và sông Chảy. “Tới nơi rồi đó cháu. Quê mình ở phía kia kìa!”. Cụ Cò nói với thằng cháu. Cu Cò reo lên: “Đẹp quá! Ngã ba sông kìa! Tượng đài kìa ông ơi!”. Nó sà cánh xuống thấp. Cụ Cò vội rướn mình lên đuổi theo nó. Cụ quát to: “Cẩn thận cháu ơi! Ở đây không như đảo Cò dưới mình đâu”. Bay sát bên thằng Cò, cụ ngoảnh sang nhắc nhở: “Từ giờ trở đi, nhất nhất cháu phải theo ông nha”. Cò ngạc nhiên: “Thế cơ ạ?”. Cụ Cò gật đầu. Hai ông cháu tiếp tục nhằm hướng núi Hang Khay bay tới.
Làng Cổ Cò xưa đây rồi. Khác quá! Sao cứ như cục bê tông cả thế này? Nhà san sát. Cái nào cái đó vuông vức, nhức mắt. Mái tôn sắt, mái bê tông. Cái thò cái thụt. Cái nhô cao, cái dàn trải. Cây cối đi đâu hết cả rồi? Tịnh chả thấy bụi tre nào nữa? Giữa trưa hè làng vắng tanh vắng ngắt. Con đường chính giữa làng lát gạch nghiêng đâu rồi? Sao lại bê tông láng bóng thế kia? Cả những đường ngang, lối xóm nữa? Cũng bê tông rồi kìa! Ngày trước con đường chính của làng lát gạch nghiêng, đi thích lắm. Lệ làng là mỗi đám cưới phải góp gạch lát cho làng mười mét đường. Cặp nào dâu ngoài, rể ngoài thì gấp đôi. Con đường vì thế mà khang trang, sạch sẽ dần lên. Những lối ngang, ngõ xóm thì các xóm, các gia đình tự lo. Cũng lát gạch nghiêng như đường chính. Vậy mà bây giờ lại bê tông hóa cả thế này? To đấy, sạch đấy nhưng trông nhức mắt và có vẻ nóng bức lắm. Thì nó đang bốc hơi hầm hập lên kia kìa!
Cụ Cò nghiêng cánh bay về hướng đình. Mái đình bây giờ lọt thỏm giữa xung quanh những cao tầng. “Ông ơi! Làng mình đây à? Thế nhà mình trước ở đâu?”. Cò nghển cổ hỏi ông nội. Cụ Cò đáp: “Ừ. Làng mình đấy. Nhà mình ở đằng chân núi Hang Khay kia kìa”. Vừa nói, cụ vừa vảy cái mỏ về phía trái. Cò nhìn theo. “Thế còn cánh đồng? Cháu thấy ông và bố mẹ cháu tả về nơi đó đẹp lắm mà?”. Cụ Cò lại ngoắt mỏ, hất đầu sang phải: “Kia kìa! Đồng làng ngày trước ông và bố mẹ cháu kiếm ăn sinh sống đấy”. Cò con tròn xoe mắt ngơ ngác. Trước mặt nó chỉ thấy những khung nhà lợp nilon trắng toát. Sân gold rộng mênh mông. Có thấy đồng xanh, lau sậy nào đâu? Cụ Cò giải thích: “Ngày trước thì thế. Bây giờ người ta làm dự án hết rồi. Chân cao họ cải tạo làm sân gold, chân vàn thì họ làm rau sạch trong nhà kính. Còn tí chân trũng kia họ cũng đào làm bể bơi”. “Thế thì còn đâu chỗ cho cò nhà mình nữa ông nhỉ?”. “Thì thế – Cụ Cò thở dài – Thôi. Ông cháu bay về núi Hang Khay đi. Tới đó may mới có chỗ nghỉ cháu ạ”.
Mỏi cánh lắm rồi nhưng trước tình cảnh ấy, Cò con đành phải theo ông. Cụ Cò nhớ năm ngoái về, trước cửa nhà cụ Canh còn sót lại bụi tre. Vợ chồng cụ Canh đều đã mất. Các con cụ đều đi công tác xa. Ngôi nhà cụ đóng cửa im lìm. Bụi tre trở thành điểm đỗ, nơi nghỉ của cụ Cò. Hy vọng năm nay đưa thằng Cò về, bụi tre ấy vẫn còn. Hai ông cháu cụ sẽ nghỉ qua đêm ở đó. Trong kẽo kẹt cành tre đêm hè, giữa không gian dạt dào đất tổ, cụ sẽ kể cho nó nghe về ngày xưa, về bà nội, về tổ tiên của nó.
Chao đi đảo lại, lượn mấy vòng, cụ Cò vẫn không thấy bụi tre đâu? Trời ơi! Cố nhân không còn! Bụi tre cuối cùng cũng đã mất! Thay vào đó là một tòa cao ốc cao sừng sững. Rặng vải trong vườn cụ Canh giờ đã ở trong khuôn viên ngôi biệt thự nọ. Hình như có mấy thằng người đang lô nhô họng súng săn? Thôi chết rồi! Gặp đại gia, thiếu gia rồi! Cụ Cò giật mình hoảng hốt. Lập tức, cụ liệng mình va vào thằng cháu, ra hiệu cho nó biết sự hiểm nguy. Hai ông cháu vội vút lên cao rẽ bay về hướng khác. Vừa lúc đó, tiếng súng nổ đùng đoàng sau lưng.
Tới đỉnh núi Hang Khay, ngọn núi giờ trơ trọc, quan sát mãi cụ Cò mới thấy một bụi cây. Hai ông cháu liền sà xuống. Thằng Cò run như cầy sấy, mặt tái mét. Cái mệt, cái sợ cùng lúc ập đến. Cụ Cò đến bên nó động viên. Lúc này, hai ông cháu mới cảm thấy đói. Biết làm sao bây giờ? Đồng không? Hồ không? Ao đầm cũng không? Bất chợt, soạt một cái sau lưng. Cả hai ông cháu giật mình hoảng hồn. Đang định cất cánh thì cụ Cò nhìn thấy con bìm bịp ở đâu chui vào. Bìm bịp cũng kịp nhìn thấy cụ. Nó lên tiếng: “Cụ Cò mới về à? Sao cụ lại lên đây?”. Thở phào một cái, cụ Cò đáp: “Tôi đưa cháu nó về quê chơi nhưng chưa kịp hạ cánh thì bị bắn. Suýt chết đấy bác ạ!”. Cu Cò lí nhí chào. Bìm bịp nói tiếp: “Thảo nào, cháu vừa nghe thấy tiếng súng nổ”. “Đấy. Chúng nó bắn ông cháu tôi đấy. Thế nhà bác vẫn ở đây ư? Sao không ở dưới chân núi?”. “Vâng. Vợ chồng cháu vẫn cố bám nơi này. Cụ bảo đi đâu được nữa? Dưới kia họ săn bắn rát quá, chúng cháu phải lên đây. Cũng tạm bợ thời gian, sau tính tiếp cụ ạ”.
Hai bên hỏi thăm sức khỏe, gia cảnh của nhau. Mãi sau, cụ Cò thú nhận rằng hai ông cháu đang đói chưa biết tính sao. Bìm bịp sốt sắng: “Tiếc quá. Nhà cháu chỉ còn đoạn rắn nước cụ lại không ăn được. Chẳng có thứ gì khác nữa. Cụ và cháu chịu khó xuống Đầm Sen kia xem kiếm được con tép nào không? Chỗ đó khuất nên dự án chưa làm. Tối nay, mời cụ và cháu về nhà cháu nghỉ cho an toàn”. Cụ Cò cảm ơn rồi dẫn Cò lặng lẽ sà xuống khu đầm sau núi. Chỗ này cụ Cò nắm khá rõ. Ngày trước, cụ cũng thường hay kiếm ăn ở đây. Chỉ tiếc là nơi này quá nhỏ, không đủ chỗ cho cả họ hàng nhà cò. Hơn nữa, nó cũng bị lũ người rình rập. Vì vậy, khi dự án đến, tre pheo bị phá, ruộng đồng bị san lấp, chim thú bị săn bắn thì chim cò lũ lượt rủ nhau bỏ đi. Cụ nặng lòng với quê, nhớ cụ Canh nên hàng năm vẫn cố bay về một lần. Cây có cội, nước có nguồn, mình có tổ tông. Phải vậy chứ.
Đêm ấy, hai ông cháu cụ Cò trò chuyện với vợ chồng bìm bịp mãi tận khuya. Vợ chồng bìm bịp ca cẩm, than vãn. “Môi trường bây giờ độc hại lắm cụ ạ. Dưới đất thì thuốc trừ sâu. Vỏ chai lọ vứt đầy đồng. Nước thải từ các khu công nghiệp, các làng nghề chảy lênh láng. Chiều nay ở Đầm Sen chắc cụ rõ rồi đấy. Trên trời thì khói bụi. Chẳng biết người ta làm gì mà lắm khói bụi thế cụ nhỉ? Lại cả tiếng ồn nữa chứ cụ”. Bìm bịp chồng thở dài ngao ngán. Bìm bịp vợ chép miệng tiếp lời: “Thế vưỡn không sợ bằng việc họ săn bắt, tận diệt cụ ạ. Chim chóc, cá tôm, thú rừng, cua ếch cạn kiệt cả. Họ nhà cà cuống thì tiệt hẳn giống rồi. Vợ chồng con phải sống chui sống lủi mới tồn tại được đấy. Cũng chẳng biết được bao lâu nữa? Cơ trời này khéo lại trở thành thứ ngâm rượu toàn tính cho lũ người cũng nên? Nếu bay xa được như cụ thì chúng con cũng bay lâu rồi!”. Cu Cò nghe chuyện sởn gai ốc. Chắc vì thế mà nhà cò phải bỏ nơi này ra đi?
Bỗng cụ Cò nghe tiếng cuốc kêu dưới chân núi. Cu Cò cũng dỏng tai nghe. “Nhà Cuốc nó vẫn ở đây à?”, cụ Cò hỏi vợ chồng bìm bịp. “Vâng – Bìm bịp chồng đáp – Cũng chui lủi trốn chạy như nhà con cụ ạ”. Bìm bịp vợ cắt ngang lời chồng: “Anh chồng nó cũng vừa mới bị bẫy hôm kia rồi. Giờ còn mỗi con vợ thôi. Đấy. Nó kêu thảm thiết thế cơ mà”. “Rõ khổ! Mai tôi phải tới thăm nó tí”. Cụ Cò thở dài nói. “Ông ơi! Cháu sợ lắm – Cu Cò kêu lên – Mai ông cháu mình về thôi!”. “Đừng sợ cháu ạ – Cụ Cò nói – Gì thì cũng nhân chuyện chuyến về quê, ta thăm luôn. Biết đâu, sang năm ông không về được nữa?”. Vợ chồng bìm bịp nhìn cụ Cò cảm thông. Cụ ấy già lắm rồi. Lông xám lại xác xơ. Chẳng còn trơn lông đỏ da như trước. Chân cẳng thì khẳng khiu, khô quắt. Cồ cao gầy dài ngoẵng. Mắt cụ ấy hình như cũng mờ rồi. Bố mẹ mình mà không bị dính bẫy thì bây giờ cũng ở cái tuổi của cụ.
Khuya. Vợ chồng bìm bịp lên tiếng: “Thôi, cụ và cháu nghỉ đi. Đường xa dặm thẳm, bay cả ngày mệt rồi. Nghỉ lấy lại sức, mai tính tiếp cụ ạ!”. Cụ Cò đồng ý. Trong khi đó, cu Cò đã thiếp đi tự bao giờ. Rõ khổ. Thương thằng bé quá. Lần đầu tiên đi xa. Về quê tưởng vui vẻ nào ngờ… Chỉ tại cái dự án chết tiệt mà họ hàng nhà cụ phải tan đàn sẻ nghé. Dân ở đây bản chất tốt, hiền lành lắm. Vậy mà…cũng bị cuốn vào vòng xoáy, vào cơ chế thị trường. Cũng không thể đánh đồng tất cả. Chỉ một số người thôi. Thế cũng làm hỏng cả một làng cổ rồi. Làng Cổ Cò chẳng còn được như xưa nữa. Dở phố, dở làng. Ồn ào, lộn xộn. Nhịp sống gấp gáp lắm. Nghe đâu, trai gái làng cũng rủ nhau kéo đi nơi khác làm ăn thì phải?
Cụ Cò trằn trọc. Lần này có lẽ là lần cuối về thăm quê của mình? Sang năm thì đành chịu. Tuổi già sức cạn, lại hiểm nguy như thế, biết thế nào được? Giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng cuốc kêu vọng tới như cứa vào tim cụ Cò. Bà nó ơi! Hiểu cho lòng tôi nhé! Tôi đưa cháu nó về thăm bà đây. Bà hãy chứng nhận cho tôi nghe bà. Cụ xót xa nhớ về biến cố thứ ba trong đời. Đó là là khi dự án về phá tan lũy tre làng. Sau đó là sự kiện vợ cụ bị bắn chết.
Cụ nhớ như in cái ngày đau thương này. Hôm đó hai vợ chồng cụ đang mải mê bắt tép giữa đồng thì bỗng “đoàng” một cái. Cụ giật mình lập tức vỗ cánh bay vọt lên. Trên không trung, cụ ngoảnh đầu tìm vợ. Xung quanh không thấy, cụ nhìn xuống. Trời ơi! Bà ấy nằm sõng soài trên mặt ruộng, máu loang ra đỏ thẫm cả một vùng nước. Mấy thằng người chạy tới. Chúng nắm cổ bà buộc túm lại cùng với mấy con chim con cò khác. Cả bọn hí hửng xách xâu chim lên, cười nham nhở. “Quân giết người!”. Cụ kêu lên lượn mấy vòng bám theo xác vợ. Một thằng giương súng. Nó nhằm cụ. Hoảng quá, cụ vọt bay đi vừa lúc tiếng súng nổ lộng óc ở bên tai. Rối cánh, cụ Cò bay loạng choạng. Cứ ngỡ đã dính đạn. Thế nhưng, rất may, viên đạn chỉ sượt qua tai. Cụ đành chấp nhận bỏ cuộc. Hôm sau, cụ bám theo các nhà cò khác, dẫn con bay đi tìm vùng đất mới. Cụ sống cảnh “gà trống nuôi con” trên đảo Cò. Tiếng súng chiều nay lại xoáy vào tim cụ sự kiện đau lòng đó. Hình ảnh vợ cụ bị treo lủng lẳng trong túm cò chết được thằng người xách đi một lần nữa lại hiện về. Cụ vừa căm tức thằng đó, vừa xót xa thương vợ đến vô cùng. Thôi, mai thăm thêm nhà Cuốc nữa thì về. Ngộ nhỡ đâu thằng Cò lớ ngớ rồi bị như bà nó thì mình ân hận suốt đời.
Tinh mơ. Mặt trời vừa nhô lên. Vừng đông ửng hồng báo hiệu một ngày nắng chói chang. Cụ Cò vươn vai sau một đêm đầy ác mộng. Vợ chồng bìm bịp cũng đã dậy. Chỉ có cu Cò là vẫn nằm mê mệt. Đang định lay gọi cháu thì bỗng mặt đất chuyển động rùng rùng. Cây cối chao đảo. Những tiếng nổ đinh tai nhóc óc nối tiếp nhau vang lên. Đất đá bay vèo vèo. Có cục to tướng văng tới ngay cạnh bên. Cả nhà bìm bịp rúc đầu chúi mãi vào trong lùm cây. “Cụ gọi cháu nó dậy, bay ngay đi. Ở đây nguy hiểm lắm”. Bìm bịp chồng gọi cụ Cò. “Có chuyện gì vậy hả anh chị?”. “Lũ người họ nổ mìn phá đá làm đường – Bìm bịp gấp gáp nói – Ở đầu núi đó. Hai ông cháu bay ngay đi!”. “Thế còn anh chị?”. “Chúng cháu không bay được. Tạm lủi vào đây rồi tính sau. Cụ cứ lo cho cháu nó đi”.
“Oàng oàng”. “Ục ùng”… Tiếng nổ tiếp tục vang lên. “Vèo vèo”. “Bịch bịch…”. Tiếng đất đá tiếp tục bay, rơi. Cu Cò hoảng quá. Nó đã vút lên cao tự bao giờ. Cụ Cò thấy vậy cũng vút lên. “Nhớ cho tôi gửi lời thăm nhà Cuốc cái nha!”. Vừa bay cụ vừa ngoái lại nói với bìm bịp. Từ trong giữa lùm cây, bìm bịp chồng nói vọng lên: “Cụ yên tâm. Bảo trọng cụ nhé!”. “Anh chị cũng liệu tìm nơi khác mà sống. Ông cháu tôi đi nha”. Cụ Cò cố nói xuống. Bụi cây bỗng nhòa đi. Làn đất đá bụi mù vừa rơi ập xuống đó. Thôi chết! Không biết nhà bìm bịp có sao không? Hai ông cháu lượn mấy vòng trên cao ngó nghiêng. Lùm cây nát hết cả rồi. Không thấy động tĩnh gì. Có lẽ nhà ấy bị rồi cũng nên? Thôi! Rời ngay khỏi đây về đảo Cò. Đành thế vậy.
Thế là xa thật rồi làng Cổ Cò! Thế là xa nơi chôn nhau cắt rốn của ta! Cò con ơi! Cháu hiểu vì sao mà ông phải bỏ làng đi rồi chứ? Đau lòng lắm nhưng biết làm sao khác được. Bám sát ông cùng sải cánh cháu nhé.
Trong nắng hè sớm mai, cánh cò chấp chới sang sông. Vừa bay, thi thoảng cụ Cò vừa ngoảnh đầu ngoái lại…
ĐỖ XUÂN THU
Nguồn: https://vanhocsaigon.com
Được bạn: Thanh Vân đưa lên
vào ngày: 25 tháng 3 năm 2025