CHUYỆN GIẢI BUỒN
Cuốn 2

huỳnh tịnh của

Phần VIII

CHUYỆN GIẢI BUỒN

CUỐN SAU

Dịch rút trong các sách hay, lại phụ các án tấu, án đoán quan Annam làm, lập lời nói trang nhã, lịch sự, để giúp trong các trường học cùng giúp cho các người học tiếng Annam.

69 - CHUYỆN KỲ VIÊN

Ông Ký-viên, thuở còn đi học, dạo ra ngoài đồng, thấy có ba ông già chừng bảy, tám mươi tuổi, tóc râu trắng bạc, lum khum cuốc đất, công việc làm như kẻ còn trai. Ông Ký-viên hỏi: ba ông tuổi tác chừng ấy, tiếp dưỡng thế nào, mà sức lực còn mạnh thế ấy. Một ông trả lời rằng: Thất nội cơ thô xú (nghĩa là trong nhà vợ thô kém); một ông đáp rằng: Ván phạn giảm sổ khẩu (nghĩa là cơm chiều bớt và miếng); ông thứ ba đối lại rằng: Dạ ngọa bất phúc thủ (nghĩa là đêm nằm chẳng úp đầu). Ông Ký-viên bèn nối ba câu ấy mà rằng: Chí tai tam tẩu ngôn, sở dĩ thọ trường cữu (nghĩa là ý chí thay lời ba già, chỗ do sống lâu xa.

Chính là lời dạy người ta muốn hưởng tuổi xa, thì phải tiết ẩm thực, viện sắc dục, vần hiệp với lời Tiền-kiên[1] ca rằng: Thượng sĩ dị phòng, trung sĩ dị bị, phục dược bách lóa, bất như độc ngọa ; nghĩa là kẻ thượng sĩ riêng phòng; kẻ trung sĩ riêng mền; uống thuốc trăm viên, chẳng bằng nằm riêng.

Đính vận cả hai bài ca.

Thất nội cơ thô xú;

Vàn phạn giảm sổ khẩu;

Dạ ngọa bất phúc thủ;

Chi tai tam tẩu ngôn;

Sở dĩ thọ trường cữu.

Thượng sĩ dị phòng;

Trung sĩ dị bị;

Phục dược bách lỏa;

Bất như độc ngọa.

Bài trước ngũ ngôi, bài sau tứ ngôn.

70 - THANH DẠ VĂN CHUNG ( Đêm thanh nghe chuông)

Đời nhà Minh có hai ông quan có thinh danh lớn; một ông giàu, một ông nghèo. Ông giàu có một người con trai bạc hạnh, phóng đảng ăn chơi, ngày theo cờ bạc, tối dựa thanh lâu. Cha làm hết cách răn con không đặng. Một bữa ông nghèo tới viếng ông giàu, trách ông giàu rằng chẳng hay kềm thúc con nhà, để nó hoang, thì e phải đảng sản khuinh gia. Ông giàu tự nhược đáp lại rằng: nếu mình làm quan thanh liên, dẫu làm cho tới bậc đại thần, cũng không hậu súc, (nghĩa là không làm giàu lớn); nay mình làm ra sự nghiệp nầy, thì làm sao cũng không khỏi bác tước [2] của dân, tích lấy của phi ngải; bởi vậy ông trời giả thù [3] nơi con tôi, khiến cho nó phá; bằng chẳng vậy, thì là Thiên phú bất đạo chi gia nghĩa là trời làm giàu cho nhà vô đạo, để cho cha con tôi tọa hưởng của phi nhơn phi ngãi sao.

71 - ÔNG TƠ BÀ NGUYỆT

Đời nhà Đường có tên Vi-cố đi kén vợ phương xa, tới đất Tống-thành, gặp chủ quản tử tế đem mối, chỉ con gái họ Phan ở đàng sau chùa Long-hưng, lại biểu tối phải đi tới chùa.

Vi-cố nghe lời đi tới chùa, xảy thấy một người già cả ngồi dưới thềm chùa, bên mình có một cái túi, hai tay mở sách đưa lên trăng mà coi. Vi-cố hỏi là sách gì. Người già ấy nói là sách hòn thơ trong thiên hạ. Vi-cố hỏi túi ấy là túi gì? Người già nói là túi xích thằng, để mà cột chân các kẻ làm vợ chồng; dây ấy cột rồi, dẫu người thù nghịch, hoặc ở phương xa cũng phải phối hiệp, không chạy chối được. Vi-cố nói có người chỉ con họ Phan, con ấy có được chăng? Người già nói chưa được; lại rằng: vợ cậu mới có ba tuổi, 17 tuổi mới về nhà cậu. Vi-cố nóng hỏi con ấy ở đâu? Người già nói nó là con mụ bán rau, họ Trần, ở đàng sau xóm quán. Người già chỉ đàng rồi biến đi mất.

Sáng ngày, Vi-cố bươn bức đi tìm, tới xóm rau thấy một mụ già bồng một đứa con gái nhỏ chừng ba tuổi, mặt mũi xấu xa, lem hem như con ăn mày. Vi-cố tức mình trở về nhà quán, trao gươm biểu tên đầy tớ đi giết con nhỏ ấy cho được thì cho một trăm quan tiền. Tên đầy tớ lãnh mạng đi, đâm một gươm phạm nhằm chưn mày con nhỏ, mụ già bồng con chạy khỏi. Cách 14 năm, con nhỏ ấy lưu lạc qua đất Tương-châu, bà Thứ sữ đất ấy thấy con nhỏ dung nhan đẹp đẻ, trên chưn mày thường dán một miếng giấy bằng đồng tiền, tục kêu là dán hạnh, đòi hỏi lắm, nó bèn nói thiệt rằng nó là cháu ông quận thú, cha nó chết thuở nó còn bé, nhờ vú bán rau mà nuôi. Một bữa vú bồng nó đi chơi ngoài đàng, xảy có quân hoang đâm nhằm chang mày, vú bồng nó mà chạy mới khỏi chết. Bà Thứ sữ bèn làm mai gả cho Vi-cố. ấy gọi là Thiên-duyên.

72 - ĐẠO CHÍCH

Đạo-chích là người nước Lỗ, hung hoang, trộm cướp, không biết đạo lý, không biết ông bà, nhóm họp quân hoang có đôi ba ngàn, cứ việc cướp giết, đốt nhà, đuổi trâu, bắt con bắt vợ người ta, ai nấy đều kinh khủng.

Đức Phu-tử nghĩ Truyền-cầm cũng là môn đệ, có em không hay kềm thúc, bèn đi tới mà ngăn can, có thầy Nhan-uyên, Tử-cống đi theo. Chẳng dè Đạo-chích đã chẳng thèm nghe lời phải, lại nổi hung, nói nhiều tiếng ốc nhục mà đuổi Đức-phu-tử đi.

Đạo-chích nói rằng: bọn chú là loài xảo trá, uốn ba tấc lưỡi, gạt đời dối dân, không cày mà cũng có cơm; không dệt mà cũng có áo; trộm cướp ấy là chú. Trách thiên hạ không kêu chú là trộm cướp, lại nhè một mình ta mà kêu là Đạo-chích.

Chú mở miệng nói chuyện đạo đức, xưng tụng Nghiêu, Thuấn, mà dòng dõi Nghiêu, Thuấn bây giờ ở đâu? Chú ở nước Lỗ, hai phen bị đuổi; chú cùng đàng nơi nước Tề; chú bị vây nơi Trần, Thái. Trong thiên hạ không ai thèm chịu lấy chú. Chú còn khua mỏ với ai? Và Nhơn sanh hữu tử như nhựt dạ chi đương nhiên ; (người sanh có thác như ngày đêm phải vậy) cuộc vui chơi đặng mấy lăm ngày, bởi vậy người ta mới nói: Nhơn sanh bách niên, ná hữu tam vạn lục thiên nhựt chi lạc, (người sanh trăm năm, đâu có ba vạn sáu ngàn ngày đều vui.) Huống chi là làm lành cũng chết, làm dữ cũng chết. Con người ta chẳng đặng Lưu phương thiên cổ, cũng phải Di xú vạn niên ; nghĩa là chẳng đặng rơi thơm ngàn thuở, cũng phải để xấu muôn năm, có sợ giống gì.

Giữ theo đạo chú thì phải thiệt thòi một đời nào được ích gì. Lời chú nói, ta đã thừa ra, chú phải trở lộn về, chớ khua môi nơi cửa sấm.

Một bữa trong bọn lâu la có đứa hỏi Đạo-chích rằng: Đạo diệc hữu đạo hồ, nghĩa là việc trộm cướp cũng có đạo lý gì chăng?

Đạo-chích nói lại rằng: Hà thích nhi vô hữu đạo, nghĩa là sao lại không có đạo lý. Kìa của người ta giấu trong nhà mà mình biết, sao chẳng phải là trí; dám vào trước hết sao chẳng phải là dõng; thủ thế ra sau, sao chẳng phải là nghĩa; chia tang đồng đều, sao chẳng phải là nhơn. Chẳng có bốn ấy, thì chẳng bằng mấy thuở làm nên trộm cướp lớn.

73 - QUÂN TỬ KHÃ KHI DĨ KỲ PHƯƠNG

(Nghĩa là có thế mà dối người quân tử được

Thầy Tử-sản là người nước Trịnh, cũng là môn đệ Đức-phu-tử.

Ngày kia thầy Tử-sản, phát tiền cho đầu bếp đi chợ. Tên đầu bếp đem tiền ra chợ, gặp chúng bạn, rủ đánh lú thua hết. [4]Trở về tay không thì sợ thầy quở, nó bèn kiếm chước nói dối thầy mà rằng: bữa nay tôi ra chợ, tôi thấy họ bán một con cá lớn đại, mập núc, và tròn quay; tôi hỏi giá, họ nói có một quan tiền, chớ mọi lần họ bán cho tới hai ba quan. Tôi nghĩ không mấy khi gặp cá ngon bán rẻ, dốc lòng tìm miếng ngon cho thầy, tôi bèn mua trụm cả quan tiền. Tôi lấy dây xỏ mang con cá mà xách về, gần tới nữa đàng, chẳng dè nó cứng đơ không cục cựa, tôi nhớ sực lời người ta nói: Cá lên khỏi nước cá khô. May vừa đi ngang qua hồ, tôi lật đật đem con cá bỏ xuống nước, họa là nó lấy hơi nước mà sống lại chăng. Hồi tôi mới thả, nó nằm trơ, không máy động; vừa giập bả trầu, nó quậy quậy và ngáp gió; giây phút nó vùng một cái. Tôi vừa thò tay mà bắt lại, nó đã quạt đuôi, lội đi mất. Ấy là tại tôi dại, xin thú thiệt cùng thầy.

Thầy Tử-sản nghe nói bèn vỗ tay mà rằng: Đắc kỳ sở tai, đắc kỳ sở tai! (Chỉ nghĩa là chim trời cá nước, được thế nó thay, được thế nó thay!)

Thằng đầu bếp ra ngoài, cười thầm, học cùng chúng bạn rằng: Ai gọi thầy Tử-sản là trí! Tiền chợ thầy đưa, tao thua hết, tao kiếm đều nói láo, mà thầy ấy cũng tin ngay. Ai gọi thầy Tử-sản là trí!

Thầy Mạnh-tử giải rằng: quân tử khả khi dỉ lý chi sở hữu, mà bất khả khi dĩ lý chi sở vô, nghĩa là lấy việc có lý mà dối người quân tử cũng được; chí như việc không có lý thì chẳng lẽ dối đặng.

74 - CHUYỆN TRANG TỬ

Trang-tử là người đời Tống, học hành có tiếng, vợ chết, bà con đi lễ điếu, thầy ấy ngồi giãi chơn, vỗ trống mà ca, chẳng có dấu chi là thương tiếc.

Thầy ấy ca rằng: “Kham ta phù thế sạ, hữu như hoa khai tạ! Thê tử ngả tất mai; ngả tử, thê tất giá. Ngả nhược tiên tử thì, nhứt trường đại tiểu họa: điền vị tha nhơn canh; mả vị tha nhơn khóa; thê vị tha nhơn luyến; tử vị tha nhơn mạ. Suy thử đồng thương tình, tương khan lụy bất hạ. Thế nhơn tiếu ngã bất bi thương, ngã tiểu thế nhơn không đoạn trường. Thế sự nhược huờn khốc đắc chuyển, ngã diệc thiên thu lụy vạn hàng.”

Thích nôm:

Nên than ôi thế sạ,

Dường hoa đơm lại rả.

Vợ chết, ắt ta chôn;

Ta chết vợ cải giá.

Ví bằng ta chết trước;

Một cuộc cười hả hả:

Ruộng phải người khác cày;

Ngựa mắc tay cỡi lạ.

Vợ để lại người xài;

Con bị người rủa thỏa.

Nghĩ lại chạnh tấm lòng;

Nhìn nhau không lả chả.

Đời cười ta chẳng có bi thương;

Ta cũng cười đời luống đoạn trường.

Cuộc đời khóc mà vản hồi [5]được;

Ta cũng ngàn thu khó muôn hàng.

Các người đi điếu nói: vợ chồng già, chẳng khóc nhau thì chớ, nở nào lại vổ bồn mà ca. Thầy Trang-tử bèn đi ngay vào chỗ vợ nằm, chỉ mà nói rằng: kìa người ta nằm trơ, mình đã hiểu biết, gượng gạo mà khóc thì e thiên hạ cười mình không biết đều, chẳng thông nơi số mạng.

75- KHÓC LẦN

Đức-Phu-tử làm sách xuân-thu gần rồi, xảy có người đi hái củi, gặp một con lân, không biết mà giết lầm. Thiên hạ đồn giết nhằm lân, Đức-Phu-tử cũng đi coi; tới nơi thấy quả là lân; bèn giậm chơn mà than rằng: Đàng -...

... ngu chi thế hề, lân phụng du, kiêm phi kỳ thì hề, lai hà cầu ; lân hề, lân hề, ngả tâm ưu! Nghĩa là đời Đảng đời Ngu, lân, phụng nhởi, nay chẳng phải thì, nào cầu mà tới, lòng ta lo buồn, lân hởi!

Từ ấy người tuyệt bút, dứt việc tu sách xuân-thu, bỏ ăn bỏ uống, cứ việc khóc lu bù, sưng hiếp con mắt. Thầy Tử-công hỏi: Lân chết mặc lân, cớ sao mà khóc. Đức-Phu-tử đáp rằng: Lân ra, ắt có Minh Vương; ra không nhằm thuở, mới phải người hại, lân bị hại, nghĩa là đạo ta cũng rồi.

Các đệ tử xăng văng, khuyên giải hết cách, Đức-phu-tử cũng không nguôi lòng, túng thế phải kiếm một con bò con, kết tiền điếu sáng bao phủ cả đầu mình chơn cẳng con bò. Việc rồi bèn dối Đức-Phu-tử rằng con lân đã sống lại: dắc con lân tới cho người coi.

Đức-phu-tử nghe nói, lật đật đi coi, vừa ngó thấy con lân, thì la lên rằng: ồi! Nó là con bò, kiết tiền vào nhiều thì gọi là lân.

76 - CHUYỆN NGHĨA HẦU ( Chuyện con khỉ có nghĩa)

Gần đất Việt, có một tên ăn mày che chòi ở ngoài đồng, nuôi một con khỉ, thường tập nó múa, cho mang lục lạc, bận đồ hoa hòe, đem đi múa ngoài chợ, để mà kiếm ăn. Người ta cho đặng ít nhiều, tên ăn mày chia với con khỉ; mưa nắng, cực khổ, đều nhờ nhau, ở với nhau như tình cha con. Cách hơn 10 năm, tên ăn mày già mà lại bịnh, không dắc con khỉ ra chợ được. Mỗi ngày con khỉ cứ quì bên đàng mà xin ăn, phụng dưỡng tên ăn mày, không thiếu bữa nào.

Đến khi tên ăn mày chết, con khỉ làm mặt bi thương, xăng văng bên tên ăn mày, dường như con khóc cha. Nó cứ việc quì dài bên đường, kêu tiếng buồn thảm, ngửa mặt, giơ tay mà xin tiền. Chẳng trót ngày, xin được hơn ba bốn quan, nó bèn lấy chuỗi xỏ lại, cột vào lưng, đi ra chợ, tới chỗ trại hàng, lanh quanh ở đó. Chủ trại biết ý, bèn bán cho nó một cái hòm. Nó cũng không đi, cứ ngồi xo rỏ, ngó mông ra ngoài đường, thấy quân khiêng, liền chạy ra níu áo. Quân khiêng hội ý, vào khiêng cái hòm tới chỗ tên ăn mày chết, hom liệm chôn cất xong xuôi. Con khỉ cũng đem tiền ra mà đền ơn cho mỗi một người.

Việc rồi nó chạy ra ngồi bên đàng xin đồ ăn, để mà tế tên ăn mày. Tế rồi nó liền đi kéo chà bồi cùng là cỏ khô chất đống bên mộ; lấy đồ tên ăn mày sắm cho nó múa khi còn sống, để lên trên đống bồi, nổi lửa mà đốt. Nó kêu hú thảm thương vài tiếng rồi thì nhảy vào giữa ngọn lửa mà chết. Ai đi ngang qua cũng đều lấy làm một chuyện kỳ, cảm vì con khỉ có nghĩa, bèn làm mả cho nó, kêu là Mả nghĩa hầu.

77- CHUYỆN HAY

Thuở xưa, nước Rôma giàu mạnh, nhứt thống [6] cả phương Tây cũng như Trung quấc nhứt thống cả phương Đông.

Các vua đời ấy thường ngự giá thân chinh, đánh đông dẹp bắc, thiên hạ đều tùng phục.

Có một ông Hoàng đế đồng binh thuyền, ngự đi đánh phương Nam. Tiền đạo bắt đặng một đảng ăn cướp biển, dẫn đầu đảng đi nạp. Hoàng đế phán hỏi tên đầu đảng sao chẳng biết bổn phận, cả gan cướp phá làm rối thiên hạ, chẳng biết ghớm búa đao, chẳng kiêng oai Thiên tử. Tên đầu đảng trợn mắt đáp lại rằng: biết ai là Thiên tử, biết ai là thất phu. Bệ hạ binh thuyền đông, đánh phá thiên hạ được nhiều, kêu là Thiên tử; nhà mình binh thuyền ít, phải bệ hạ bắt, thì kêu chỉ danh là ăn cướp; như lấy sự thể mà luận, thì có khác chi nhau. Người ta nói: Phú quí sanh lễ nghi, bần cùng sanh đạo tặc. Con người được giàu sang, mạnh mẻ, làm ra nghi lễ rồi, ai còn dám gọi là trái chơi.

Trong nước lại có một ông Hoàng đế hay lễ hiền hạ sĩ, nghĩa là kẻ kính kẻ hiền, khiêm nhượng cùng kẻ sĩ, không hay làm bệ vệ, mà bổn tánh hay diễu cợt.

Có một người nghèo tới xin tiền, hoàng đế phán hỏi muốn xin bao nhiêu. Tên nhà nghèo tâu rằng xin ít ít. Đức hoàng đế dạy rằng: cho ít ít không phải thể thống Hoàng đế. Người nhà nghèo bèn tâu xin nhiều nhiều, Đức hoàng đế dụ rằng: xin nhiều nhiều lại quá phận nhà nghèo.

Thầy Tăng-tử nghèo đáo để, đến đỗi tróc khâm khiến trửu, nặp lý khuyết chúng, nghĩa là vén vạc lòi kiến tay, xỏ dép bày gót; ai nấy đều lấy làm thương hại. Có kẻ biểu ông ấy đi tới nhà giàu mà xin, họa may người ta thấy mình là người học hành, mà cho ít nhiều chăng.

Thầy Tăng-tử đáp rằng: Dữ nhơn giả thường kiêu nhơn, thọ ư nhơn giã hằng húy nhơn ; túng dữ giã bất ngả kiêu, ngả yên năng bất húy bỉ tai! Nghĩa là kẻ có của cho, thường hay ỷ, kẻ chịu của cho, hằng phải kiêng sợ người cho; dẫu kẻ cho không ỷ, không làm mặt đức sắc, mà trong lòng ta sao cho khỏi kiêng sợ hoài hoài.

Bởi vậy có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít. Quân tử phải An bần (an phận nghèo.)

78 - MUA CUA

Có tên nhà quê xuống đất thiền thị, nghe người ta nói cua ngon, nói hình tích nó có hai càng, tám ngoe, có kẻ kêu là con hoành hành[7] là vì nó đi hàng ngang, có kẻ kêu là vô trường công tử, là vì nó không có ruột. Đến khi tên nhà quê về nhà, bèn hối vợ, biểu phải xuống chợ dinh mà mua cho được một con cua, để mà ăn thử cho biết nó ngon thế nào. Người vợ liền đem tiền xuống chợ, thấy sam cũng có ngoe càng, ngỡ là cua, bèn mua một con đem về cho chồng.

Người chồng thấy mu sam khum khum, mắng vợ sao có mua rùa, hai đàng không nhịn, bèn đánh lộn, la làng. Việc phải đem ra làng, chú xả thây con sam có đuôi, nói là con cá đuối, xử hai đàng phải thất. Vợ chồng tên nhà quê không nghe, đi kiện huyện. Quan huyện cho đòi làng kinh tương nội vụ tới nha. Đầu hết quan huyện dạy đem con cua cho người coi, rồi người phê thị cho làng cùng hai vợ chồng biết ai quấy ai phải.

Phê rằng:

Con mua cua, mua đã chẳng xong;

Thằng nói rùa, lại càng thêm rối;

Thằng cha xả, xử con cá đuối,

Ấy ba đàng giai quấy cả ba.

Hễ con dại thì có mẹ cha;

Dân dại cậy cùng quan trưởng.

Đế ông phê minh chí thượng, cho khỏi hoài nghi:

Cua, rùa, cá đuối giai phi,

Ờ, ờ, đem cho ông coi lại,

Ấy chỉ thị là con bò cạp nước.

Phần VIII

Tiến >>

Sưu tầm Nguyễn Bửu San
Nguồn: PAULUS CỦA. ĐỐC PHỦ SỨ CÓ HỘI ĐỒNG QUẢN HẠT GIÚP TIỀN. CUỐN SAU IN LẦN THỨ HAI. SAIGON BẢN IN NHÀ HÀNG REY ET CURIOL. 1887
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 11 tháng 9 năm 2018