MÁI tóc bóng dầu chính là chi tiết mách lẻo chết người - không định chơi chữ gì đâu nhé.
Cả chiếc áo khoác da đã bạc phếch, rộng thùng thình kia cũng vậy, dù nó không lộ liễu như hai bên tóc mai. Rồi cái cách anh ta gật đầu và bật tắt chiếc bật lửa Zippo theo nhịp nữa. Anh ta thuộc về thời đại Jets và Sharks (1) năm nào.
Thế nhưng tôi luôn tinh ý trong những chuyện như thế này. Tôi biết phải nhìn vào đâu, bởi tôi đã chứng kiến gần như tất tần tật những loại ma quỷ mà các bạn có thể tưởng tượng ra. Người đi nhờ xe này ám một đoạn đường vòng ở Bắc Carolina, nơi chỉ có hàng rào phân tách ở hai bên chứ ngoài ra chẳng còn gì.
Các tài xế không chút ngờ vực có thể đã cho anh ta lên xe vì nghĩ anh ta chỉ là một cậu sinh viên đã đọc quá nhiều Kerouac(2).
“Bạn gái tôi đang chờ”, giờ anh ta nói bằng giọng háo hức, cứ như sắp được gặp cô gái ấy ngay khi chúng tôi trèo lên đỉnh đồi tiếp theo vậy. Anh ta gõ mạnh bật lửa vào bảng điều khiển, tới hai lần làm tôi phải liếc sang để đảm bảo là anh ta không để lại vết tích gì trên đó. Đây không phải xe tôi. Và tôi đã mất tám tuần ròng rã làm vườn cho ông Dean, một đại tá về hưu sống ở cuối dãy nhà tôi, chỉ để mượn nó.
Với một ông già bảy mươi tuổi thì ông Dean có sống lưng thẳng nhất tôi từng biết. Nếu có nhiều thời gian hơn tôi đã dành cả một mùa hè để nghe những câu chuyện thú vị của ông về Việt Nam. Thay vào đó tôi phải dọn dẹp bụi cây và cày một khoảnh đất hai nhân ba mét để làm chỗ trồng bụi hồng mới cho ông, trong lúc ông theo dõi với đôi mắt không thân thiện, đảm bảo là cục cưng của mình sẽ được an toàn trong tay một thằng oắt mười bảy tuổi mặc áo thun Rolling Stones cũ và đeo găng làm vườn của mẹ nó.
Nói thật nhé, khi đã biết mình sẽ dùng chiếc xe để làm gì, tôi cảm thấy hơi tội lỗi một chút. Nó là một chiếc Camar Rally Sport đời 1969 màu xanh chàm, vẫn còn mới toanh. Lướt đi êm như lụa và uốn lượn quanh các đường rẽ. Tôi không thể tin nổi là ông Dean chịu cho tôi mượn, dù có vụ làm vườn hay không.
Nhưng tạ ơn Chúa vì ông đã đồng ý, bởi nếu không có nó thì tôi toi rồi. Nó là một thứ mà người đi nhờ xe này sẽ để ý đến - một thứ đáng để anh ta đội mồ sống dậy.
“Chắc chị ấy xinh lắm”, tôi nói không mấy quan tâm.
“Ừ, ừ, chàng trai ạ”, anh ta nói lần thứ một trăm linh một kể từ lúc tôi cho anh ta lên xe cách đây tám cây số, tôi tự hỏi làm sao mà người ta có thể không nhận ra anh ta đã chết rồi chứ. Anh ta nói chuyện cứ như trong một bộ phim của James Dean. Lại còn cái mùi. Không hẳn là thối rữa nhưng chắc chắn là ẩm mốc, bám vào người anh ta như một màn sương. Làm sao người ta nhầm lẫn anh ta với người còn sống được nhỉ? Làm sao ai đó lại giữ anh ta trên xe trọn quãng đường mười sáu cây số tới cầu Lowren, nơi anh ta sẽ bất ngờ tóm lấy tay lái để đưa cả người và xe xuống sông?
Gần như chắc chắn là họ phải thấy rờn rợn trước bộ quần áo và giọng nói của anh ta, rồi mùi xương xẩu, một thứ mùi họ có thể nhận ra dù chưa bao giờ ngửi thấy. Nhưng đến lúc ấy thì đã quá muộn. Họ đã quyết định cho một người đi nhờ xe, và họ sẽ không để mình bị dọa đến mức đổi ý. Họ sẽ tự xua những nỗi sợ của mình đi. Đáng lẽ người ta không được làm thế.
Trên ghế hành khách, người đi nhờ xe vẫn đang nói bằng giọng xa xăm về cô bạn gái ở quê nhà, ai đó tên là Lisa, và chuyện cô có mái tóc vàng cùng nụ cười tươi ra sao, và họ sẽ bỏ trốn để lấy nhau như thế nào ngay khi anh ta đi nhờ được về tù Florida. Anh ta đã làm việc gần hết mùa hè ở đó cho một ông chú ở chỗ bán xe: Cơ hội tốt nhất để tiết kiệm tiền cho đám cưới của họ, cho dù điều đó có nghĩa là họ không được gặp nhau nhiều tháng trời.
“Xa nhà lâu thế chắc là khó khăn lắm”, tôi nói, và giọng tôi thực sự có chút cảm thương. “Nhưng tôi chắc chắn chị ấy sẽ mừng khi gặp lại anh.”
“Đúng đấy, chàng trai. Thì tôi đang nói thế mà. Tôi đã có mọi thứ chúng tôi cần, ở ngay trong túi áo khoác này. Chúng tôi sẽ cưới nhau và chuyển đến gần bờ biển. Tôi có một anh bạn ở đó tên Robby. Chúng tôi có thể ở cùng anh ấy cho đến khi tôi kiếm được một công việc sửa chữa xe.”
“Chắc chắn rồi”, tôi nói. Ánh trăng và đèn led trên bảng điều khiển soi sáng cái nhìn lạc quan buồn bã trên mặt người đi nhờ xe. Anh ta đã không bao giờ gặp được Robby, tất nhiên rồi. Anh ta cũng chẳng gặp được Lisa. Bởi vì ở kilomet số 3 trên đường lộ vào một ngày mùa hè năm 1970, anh ta đã bước lên một chiếc xe có vẻ rất giống chiếc này. Và anh ta đã kể với người lái xe rằng mình có một cách để bắt đầu cuộc sống mới trong túi áo khoác.
Người dân ở đây kể rằng chúng đã đánh anh ta nhừ tử chỗ gần cây cầu rồi lôi anh ta vào bụi cây, ở đó chúng đâm anh ta mấy nhát rồi cắt cổ. Chúng đã đẩy thi thể anh ta từ trên đê xuống một con suối nhiều nhánh. Gần sáu tháng sau, một người nông dân đã tìm được cái xác bị các cành dây leo cuốn quanh, miệng vẫn há hốc kinh ngạc như thể anh ta chưa tin nổi mình đã bị kẹt lại đây mãi mãi.
Giờ anh ta cũng không biết rằng mình đã bị kẹt lại. Dường như không ai trong số họ biết cả. Ngay lúc này người đi nhờ xe vẫn còn huýt sáo và gật gù theo điệu nhạc không tồn tại. Có thể anh ta vẫn đang nghe bài hát mà chúng đã bật trong cái đêm anh ta bị giết.
Anh ta tuyệt đối lịch sự. Là một người bạn đường dễ chịu. Nhưng khi chúng tôi tới chỗ cây cầu kia, anh ta sẽ trở nên giận dữ và xấu xí hơn bất kỳ ai. Người ta kể lại rằng hồn ma vẫn được gọi với cái tên Kẻ vẫy xe ở Hạt 12 này đã giết ít nhất mười hai người và làm bị thương tám nguời khác. Nhưng tôi không thể hoàn toàn trách anh ta. Anh ta chưa bao giờ được về nhà với bạn gái mình, nên giờ anh ta không muốn cho ai về nhà hết.
Chúng tôi đi qua cột chỉ đường kilomet số 37 - cây cầu chỉ còn cách không đầy hai phút nữa. Tôi đã lái xe trên đường này hầu như mỗi đêm kể từ khi chúng tôi chuyển đến đây, hy vọng có thể bắt gặp anh ta, nhưng không gặp may.
Mãi đến khi vớ được chiếc xe Rally Sport này mới thành công. Trước hôm nay, tôi đã có nửa mùa hè trên một con đường chết dẫm, với con dao chết dẫm dưới chân. Tôi ghét nhất những vụ như thế, giống như khi bạn rơi vào một chuyến đi câu cá dài khủng khiếp. Nhưng tôi không từ bỏ. Rốt cuộc vụ nào cũng sẽ có chuyển biến.
Tôi thả nhẹ chân ga.
“Có chuyện gì sao anh bạn?”, anh ta hỏi tôi.
Tôi lắc đầu. “Chỉ là đây không phải xe tôi, và tôi không có đủ tiền để sửa nó nếu anh quyết định hất tôi khỏi cầu.”
Người vẫy xe cười lớn, hơi quá lớn so với bình thường. Tôi nghĩ cậu đã uống phải cái gì đó tối nay rồi, chàng trai. Có lẽ cậu nên thả tôi ở đây luôn.”
Tôi nhận ra quá muộn là đáng lẽ mình không được nói vậy. Tôi không thể cho anh ta xuống. May ra thì anh ta sẽ bước ra ngoài và biến mất. Tôi sẽ phải giết anh ta trong lúc xe vẫn còn đang chạy hoặc làm lại tất cả từ đầu, mà tôi nghi là ông Dean sẽ không cho mượn xe thêm mấy đêm nữa. Ngoài ra, ba ngày nữa tôi sẽ lên đường tới vịnh Thunder.
Tôi còn có cả ý nghĩ là mình lại đang giết anh chàng tội nghiệp này lần thứ hai. Nhưng ý nghĩ ấy qua rất nhanh. Anh ta chết rồi còn gì.
Tôi cố giữ tốc độ ở mức trên tám mươi cây số một giờ - quá nhanh cho anh ta thực sự cân nhắc chuyện nhảy ra, nhưng với các hồn ma thì bạn không bao giờ chắc chắn được. Tôi sẽ phải hành động thật nhanh.
Chính lúc cúi xuống để rút con dao ra khỏi chân thì tôi nhìn thấy bóng chiếc cầu trong ánh trăng. Cùng lúc ấy người vẫy xe tóm lấy vô lăng và giật nó sang trái. Tôi cố giật lại sang phải và đạp chân phanh. Tôi nghe tiếng cao su giận dữ nghiến trên nhựa đường và qua khóe mắt, tôi có thể trông thấy khuôn mặt người vẫy xe đã biến mất.
Không còn anh chàng Joe dễ dãi với mái tóc bóng mượt và nụ cười háo hức nữa. Anh ta chỉ một chiếc mặt nạ da thịt thối rữa và những hốc đen trần trụi, răng hở cả ra như trong ảnh sọ người. Trông như anh ta đang cười, nhưng đó có thể chỉ là tác dụng phụ của việc cặp môi đã bị bong ra.
Ngay trong khi chiếc xe đang đánh võng và cố dừng lại, tôi cũng không thấy những hình ảnh chớp lóe về cuộc đời mình trước mắt. Mà thấy thì sẽ ra sao chứ? Một chuỗi những cảnh tượng trừ ma diệt quỷ chắc.
Thay vào đó tôi thấy một loạt hình ảnh tua nhanh và có trật tự về cái xác của mình: cảnh chiếcbánh lái đâm xuyên ngực tôi, cảnh khác là đầu tôi đã lìa khỏi cổ trong khi các bộ phận còn lại kẹt trong khuôn cửa sổ mất kính.
Một cái cây thình lình xuất hiện, nhắm thẳng vào bên cửa tài xế của tôi. Tôi không có thời gian chửi thề mà chỉ kịp giật tay lái và đạp ga, cái cây đã ở sau lưng tôi. Điều tôi không muốn làm là đến tận chân cầu.
Chiếc xe đã lao hết ra lề đường trong khi cầu thì làm gì có lề. Nó vừa hẹp, lại làm bằng gỗ và đã cũ kỹ lắm rồi.
“Chết cũng không tệ lắm đâu”, người vẫy xe nói với tôi, lúc này đang cào cấu cánh tay tôi để cố hất tôi ra khỏi vô lăng.
“Thế còn mùi thì sao?”, tôi rít lên. Trong suốt thời gian ấy tôi không hề tuột tay khỏi chuôi dao. Đừng hỏi tôi bằng cách nào làm được thế, xương cổ tay tôi như sắp lìa ra trong vòng mười giây nữa, và tôi đã bị đẩy khỏi ghế ngồi xa đến nỗi đang lơ lửng bên trên cần số. Tôi dùng hông gạt về số không (đáng lẽ phải làm thế từ nãy) và rút nhanh con dao ra.
Điều xảy ra tiếp theo rất đáng kinh ngạc: da thịt trở lại trên mặt người vẫy xe và mắt anh ta lại là màu xanh.
Anh ta chỉ là một đứa trẻ, đang nhìn chằm chằm vào con dao của tôi. Tôi lấy lại quyền điều khiển xe và đạp phanh.
Cú sốc của việc ngừng lại bất ngờ làm anh ta chớp mắt. Anh ta nhìn tôi.
“Tôi đã làm việc cật lực cả mùa hè vì chỗ tiền này”, anh ta khẽ nói. “Bạn gái tôi sẽ giết tôi nếu tôi làm mất nó.”
Tim tôi đập thình thịch vì nỗ lực kiểm soát chiếc xe tròng trành. Tôi không muốn nói gì. Tôi chỉ muốn làm cho xong. Nhưng thay vì thế tôi lại nghe tiếng mình nói.
“Bạn gái anh sẽ tha thứ cho anh. Tôi hứa.” Con dao vốn là dao tế của cha tôi, là ánh sáng trong tay tôi.
“Tôi không muốn trải qua lần nữa”, người vẫy xe thì thầm.
“Đây là lần cuối cùng”, tôi nói rồi xuống tay, kéo lưỡi dao qua cổ họng anh ta, mở ra một đường đen xì toang hoác. Ngón tay của người vẫy xe đặt lên cổ.
Chúng đang cố ấn cho da liền lại với nhau, nhưng có thứ gì đấy màu đen và đặc như dầu nhờn đang chảy ra từ chỗ vết thương và bao phủ lên anh ta, nó không chỉ chảy tràn xuống dưới chiếc áo khoác kiểu hoài cổ mà còn trèo lên mặt và mắt, chui vào trong tóc anh ta. Khá thú vị là có vẻ như nó không chạm tới lớp nệm trên xe. Người vẫy xe không gào thét trong lúc rùng mình, mà có lẽ là vì không thể: cổ họng anh ta đã bị cắt và chất lỏng màu đen đã chui vào trong miệng anh ta. Chưa đầy một phút sau anh ta biến mất, không để lại dấu vết gì.
Tôi xoa tay lên ghế ngồi. Nó khô cong. Rồi tôi ra khỏi xe và làm một vòng kiểm tra tốt nhất có thể trong bóng tối, tìm những chỗ bị trầy xước. Bánh xe vẫn còn đang bốc khói và tan chảy. Tôi có thể nghe thấy tiếng ông Dean đang nghiến răng. Tôi sắp rời thị trấn trong ba ngày tới, và giờ thì lại mất ít nhất một ngày để lắp bộ lốp Goodyears mới đây. Nghĩ đến đấy, có lẽ tôi không nên trả xe trước khi lắp xong lốp.
Chú thích:
(1) Tên hai băng đảng thù địch trong bộ phim kinh điển Mỹ West Side Story (Câu chuyện phía Tây) do Jerome Robbins và Robert Wise đạo diễn.
(2) Nhà văn Mỹ Jack Kerouac, nổi tiếng với tác phẩm On the road (Trên đường).
Chương I
Tiến >>
Nguồn: vuilen.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 23 tháng 3 năm 2021