Vụ Chơi Khăm Ngài Triệu Phú

maurice leblanc

dịch giả: đinh minh hương

I - Con gái ngài triệu phú

arsène lupin
siêu trộm hào hoa

Những luồng ánh nắng tháng Chín tràn ngập đại sảnh lâu đài Công tước xứ Charmerace, thứ ánh nắng dịu dàng làm sáng ngời những món chiến lợi phẩm hội tụ về đây từ bao nhiêu thời kỳ và bao nhiêu xứ sở, được bài trí hỗn độn với gu thẩm mỹ gớm ghiếc thông thường là căn bệnh cố hữu của những kẻ có tiêu chuẩn giá trị duy nhất là tiền. Ánh nắng óng vàng sưởi ấm những bức tường ốp ván và những đồ đạc cũ kĩ, khiến chúng hắt sáng mờ mờ. Nó trả lại cho nước sơn son thếp vàng đang phai của những chiếc tràng kỷ và những chiếc ghế dựa thời Đế chế thứ Nhất [1] một chút gì rực rỡ xa xưa. Nó chiếu vào cả một dãy dài các bức tranh treo trên tường, chân dung những thành viên dòng họ Charmerace đã khuất bóng, những gương mặt đàn ông hoặc lạnh lùng hoặc vui vẻ, những chiến binh, những chính khách, những công tử phong nhã hào hoa, những gương mặt phụ nữ với vẻ đẹp hoặc độc đoán hoặc hiền hòa. Nó làm các bộ áo giáp sắt bật ra những tia lấp lóe và làm các bộ áo giáp đồng hắt sáng mờ mờ. Màu sắc của những món đồ sứ quý hiếm, của những chiếc tủ ngăn kéo phong cách phương Đông hoặc Phục Hưng được chạm khảm lộng lẫy lẫn với màu sắc của các bức tranh, các tấm thảm lớn và các tấm thảm nhỏ Ba Tư đặt rải rác khắp mặt sàn bóng loáng, đem đến cho sảnh đường sự phong phú, rực rỡ sắc màu.

Giữa tất cả những thứ đẹp đẽ và giá trị mà ánh nắng ấm áp làm cho vẻ đẹp bộc lộ rõ ràng hơn ấy, gương mặt một cô gái trẻ ngồi viết bên bàn, trước khung cửa sổ trải dài, mở ra bãi cỏ rộng mênh mông tuổi đời đã bao nhiêu thế kỷ nay, là thứ đẹp đẽ và giá trị nhất.

Đó là một vẻ đẹp thanh khiết, gần như mong manh. Làn da trong suốt, láng mịn tựa lớp men sứ cổ, đôi gò má trắng muốt, chỉ hơi phơn phớt hồng. Chiếc mũi thẳng tắp, thanh tú, cái cằm tròn trĩnh tuyệt diệu. Một người yêu cái đẹp sẽ bối rối, không biết nên chiêm ngưỡng cặp mắt xanh trong, thật đáng yêu và dễ khiến trái tim tan chảy, hay nên chiêm ngưỡng cái miệng nhạy cảm, với đôi môi đầy đặn, mọc mời những nụ hôn. Tuy nhiên, anh ta chắc chắn sẽ thấy nhói lòng bởi vẻ buồn bã khôn nguôi trên gương mặt xinh đẹp ấy, cái vẻ u uẩn bâng khuâng của người Slav bị một nỗi bất hạnh, đau khổ riêng tư nhuốm đậm thêm.

Mái tóc vàng mềm mại ôm lấy gương mặt cô gái trẻ. Nắng đậu xuống khiến những món tóc óng ánh. Những lọn tóc quăn nho nhỏ, không tuân theo chiếc lược, lòa xòa trước vầng trán trắng muốt, phủ lớp lông tơ óng ánh vàng.

Cô gái đang viết địa chỉ lên các phong bì, bên tay trái cô là một danh sách dài dằng dặc những cái tên. Cứ viết xong địa chỉ lên chiếc phong bì nào, cô lại nhét nhanh vào đó một tấm thiệp mời đám cưới. Mỗi tấm thiếp in hàng chữ: Ngài Gournal-Martin hân hạnh thông báo với quý vị đám cưới của con gái ngài, tiểu thư Germaine và Công tước xứ Charmerace.

Cô gái viết đều đều, hết phong bì này tới phong bì khác, chồng phong bì mỗi lúc một dày lên trước mặt cô, sẵn sàng để được đưa tới bưu điện. Nhưng thỉnh thoảng, khi mấy người con gái đang chơi tennis ngoài bãi cỏ – mặt mũi ửng đỏ, tươi cười – cao giọng hơn bình thường đọc điểm số, khiến cô mất tập trung vào công việc, ánh mắt cô lại lang thang nhìn ra qua cửa sổ, rầu rầu dừng ở mấy người con gái kia, và khi ánh mắt cô trở về với nhiệm vụ của mình, cô bâng khuâng thở dài, khẽ khàng đến nỗi cô hầu như chẳng biết là mình vừa thở dài nữa. Rồi một giọng gọi to vang lên từ bãi cỏ: “Sonia! Sonia!”

“Vâng, thưa chị Germaine.” Cô gái đang viết trả lời.

“Trà! Em gọi trà, nhé!” Cô gái hét lên, giọng nóng nảy, khá gay gắt đối với tai người nghe.

“Vâng, thưa chị Germaine.” Sonia đáp, viết nốt địa chỉ đang viết dở, rồi đặt chiếc phong bì lên chồng phong bì đã sẵn sàng để được đưa tới bưu điện. Cô đi ngang qua căn phòng, tới trước chiếc lò sưởi lớn lâu đời, rung chuông.

Cô đứng bên lò sưởi một lúc, cắm lại bông hồng bị rơi từ lọ hoa xuống bệ lò sưởi, tư thế của cô với hai cánh tay vươn lên cắm lại lọ hoa bộc lộ nét duyên dáng của cái cơ thể mảnh dẻ. Cô vừa buông tay xuống thì người hầu bước vào.

“Ông làm ơn đem trà ra nhé, Alfred.” Sonia nói bằng giọng trong ngần, thánh thót như chuông, món quà quý giá nhất tạo hóa ban cho chỉ một vài nữ diễn viên xuất sắc nhất.

“Cho mấy người, thưa cô?” Alfred hỏi.

“Cho bốn người, trừ phi ông chủ của ông đã về.”

“Ồ, chưa. Ông ấy chưa về, cô ạ. Ông ấy đi Rennes ăn trưa bằng xe hơi, mà Rennes thì cách đây nhiều dặm đường. Phải một tiếng đồng hồ nữa ông ấy mới về được.”

“Còn Công tước, ngài ấy cưỡi ngựa dạo chơi chưa về, phải không?”

“Vâng, cô ạ.” Alfred đáp rồi quay đi.

“Hẵng khoan.” Sonia nói. “Tất cả gia nhận đã gói ghém xong hành lý để đi Paris rồi chứ? Ông biết đấy, mọi người sẽ phải khởi hành sớm. Tất cả đám hầu gái đã sẵn sàng chưa?”

“À, đám đàn ông con trai đã sẵn sàng rồi, tôi biết, cô ạ. Nhưng còn đám đàn bà con gái, tôi không biết, cô ơi. Bọn họ cứ lăng xa lăng xăng suốt ngày, có điều bọn họ bao giờ cũng mất nhiều thời gian hơn bọn tôi.”

“Ông bảo bọn họ khẩn trương lên, và làm ơn chuẩn bị trà nhanh nhất có thể nhé.” Sonia nói.

Alfred rời khỏi căn phòng. Sonia quay lại bàn viết. Cô không cầm bút mà cầm lên một tấm thiệp mời đám cưới. Đôi môi cô chầm chậm mấp máy đọc, vẻ trầm tư, muộn phiền.

Cái giọng nóng nảy, hống hách khi nãy cắt ngang sự trầm ngâm của Sonia.

“Em đang làm gì thế, Sonia? Em không tiếp tục viết đi à?” Germaine Gournay-Martin cao giọng bực bội, bước qua khung cửa sổ mở sát xuống đến sàn để vào sảnh.

Cô gái thừa kế hàng triệu franc nhà Gournay-Martin cầm chiếc vợt tennis trong tay, đôi má vốn hồng hào càng hồng hào hơn vì vừa chơi thể thao. Đó là một cô gái xinh đẹp theo kiểu đỏ đắn, dễ thu hút sự chú ý, có phần lồ lộ, rất đối lập với vẻ đẹp thanh khiết của Sonia. Môi cô ta hơi mỏng quá, mắt không sâu chút nào, hai điều này kết hợp lại đem đến cho cô ta một vẻ khá khắc nghiệt, hoàn toàn tương phản với gương mặt dễ thương, hiền hậu của Sonia.

Hai cô bạn vừa chơi tennis với Germaine theo cô ta vào sảnh: Jeanne Gautier – vóc người cao ráo, làn da tối màu, vàng vọt, có vẻ gì như hiểm độc và Marie Bullier – thấp, tròn, tầm thường và ủy mị.

Bọn họ đi tới trước bàn Sonia đang ngồi viết. Marie chỉ chồng phong bì, hỏi: “Tất cả đây đều là thiếp mời đám cưới à?”

“Ừ. Mà mới tới được vần V.” Germaine nói, cau mày với Sonia.

“Công nương de Vernan… Công tước phu nhân de Vauvineuse… Hầu tước… Hầu tước phu nhân? Cậu mời cả quận Faubourg Saint-Germain ấy nhỉ!” Marie nói, xáo trộn chồng phong bì vẻ ghen tị.

“Cậu hầu như sẽ chẳng biết ai vào với ai ở đám cưới của cậu.” Jeanne khúc khích cười đầy ác ý.

“Xin lỗi các cậu.” Germaine nói vẻ khoe khoang. “Hôm trước, phu nhân de Relzières – chị họ chồng sắp cưới của tớ – đã tổ chức một buổi tiếp khách tại gia để tỏ lòng yêu quý tớ đấy. Ở buổi tiếp khách, bà ấy đã giới thiệu tớ với cả nửa Paris, cái thành phố Paris mà tớ chắc chắn sẽ quen thuộc, cái thành phố Paris mà các cậu sẽ thấy trong phòng khách của tớ.”

“Nhưng bọn tớ sẽ chẳng còn xứng đáng làm bạn cậu khi cậu trở thành Công tước phu nhân Charmerace.” Jeanne nói.

“Tại sao?” Germaine hỏi, rồi vội vã nói thêm: “Việc quan trọng nhất này, Sonia, đừng quên Veauléglise, 33 phố Đại Học… 33 phố Đại Học.”

“Veauléglise, 33 phố Đại Học.” Sonia nói, lấy một chiếc phong bì mới và bắt đầu điền địa chỉ.

“Khoan, khoan. Đừng đóng phong bì vội. Tôi đang phân vân không biết Veauléglise phải được đánh một dấu thập, hai dấu thập hay ba dấu thập.” Germaine nói với vẻ cực kỳ quan trọng.

“Thế nghĩa là thế nào?” Marie và Jeanne đồng thanh kêu lên.

“Một dấu thập có nghĩa là mời tới lễ nhà thờ, hai dấu thập có nghĩa là mời tới đám cưới và ăn sáng, ba dấu thập có nghĩa là mời tới đám cưới, ăn sáng và lễ ký giấy giá thú. Các cậu nghĩ nên dành cho Công tước phu nhân Veauléglise mấy dấu thập?

“Đừng hỏi tớ. Tớ chưa có hân hạnh quen biết bà phu nhân cao quý đó.” Jeanne kêu lên.

“Tớ cũng vậy.” Marie nói.

“Tớ cũng vậy mà.” Germaine nói theo. “Nhưng tớ có ở đây danh sách khách khứa của Công tước phu nhân Charmerace đã quá cố, mẹ Jacques. Hai bà phu nhân này ngày trước hết sức thân thiết với nhau. Ngoài ra, Công tước phu nhân Veauléglise mặc dù đã sức tàn lực kiệt nhưng vẫn rất được ngưỡng mộ vì lòng sùng đạo. Bà ấy đi dự lễ sớm ở nhà thờ mỗi tuần ba lần.”

“Thế thì đánh ba dấu thập.” Jeanne nói.

“Tớ thấy không nên.” Marie nói nhanh. “Ở vị trí của cậu, bạn yêu quý, tớ sẽ không liều lĩnh để xảy ra sơ suất. Tớ sẽ hỏi ý kiến chồng sắp cưới của tớ. Anh ta hiểu biết cái xã hội này mà.”

“Trời đất, chồng sắp cưới của tớ! Anh ta cóc quan tâm đến những chuyện kiểu này đâu. Bảy năm qua, anh ta đã thay đổi nhiều. Chứ bảy năm trước, anh ta coi mọi việc trên đời đều chẳng có gì hệ trọng. Anh ta đã lên đường đi thám hiểm Nam Cực chỉ để gây ấn tượng với mọi người. Ôi, ngày xưa, anh ta đích thực là một bậc công tước.”

“Còn ngày nay?” Jeanne hỏi.

“Ôi, ngày nay, anh ta là một kẻ kề rà kề rề, rất đỗi bình thường. Những chuyện thù tiếp khiến anh ta khó chịu. Anh ta nghiêm trang y như ông quan tòa vậy.” Germaine trả lời.

“Ngài ấy hết sức vui vẻ mà.” Sonia bất ngờ phản đối.

Germaine bĩu môi nói với Sonia: “Ồ, anh ta cũng vui vẻ ra phết đấy, mỗi khi anh ta bỡn cợt mọi người. Nhưng những lúc khác thì anh ta nghiêm trang y như ông quan tòa vậy.”

“Cha cậu ắt hẳn hài lòng với sự thay đổi này.” Jeanne nhận xét.

“Đương nhiên cha tớ thấy hài lòng rồi. Hôm nay cha tớ đang ăn trưa với ông Bộ trưởng, chủ đề bàn bạc duy nhất là tặng thưởng huân chương cho Jacques đấy.”

“Chà, được huân chương Bắc Đẩu bội tinh thì tuyệt.” Marie nói.

“Bạn yêu quý! Huân chương Bắc Đẩu bội tinh đối với những người thuộc tầng lớp trung lưu thì tuyệt, nhưng đối với một bậc công tước thì không phù hợp đâu!” Germaine kêu lên.

Alfred mang khay trà vào, đặt lên chiếc bàn nhỏ gần chiếc bàn Sonia đang ngồi viết.

Germaine cảm thấy mình quan trọng tới mức không thể ngồi yên, cứ đi đi lại lại xung quanh phòng. Bỗng nhiên, cô ta dừng phắt lại, chỉ một bức tượng bằng bạc đặt trên chiếc đàn piano, hỏi: “Cái gì thế này? Tại sao bức tượng này lại ở đây?”

“Sao vậy nhỉ? Khi chúng ta vào đây, nó ở trên chiếc tủ ngăn kéo, chỗ thường lệ của nó mà.” Sonia nói, có phần kinh ngạc.

“Ông đã vào sảnh lúc chúng tôi chơi ngoài vườn à, Alfred?” Germaine hỏi ông già gia nhân.

“Không ạ, thưa cô.” Alfred đáp.

“Nhưng ắt hẳn một kẻ nào đó đã vào đây.” Germaine khăng khăng.

“Tôi không nghe thấy có ai vào. Còn lúc nãy thì tôi ở dưới bếp ạ.” Alfred nói.

“Chuyện này hết sức kỳ quặc.” Germaine nhận xét.

“Kỳ quặc thật đấy!” Sonia nói. “Tượng không có chân mà tự di chuyển chỗ này chỗ kia được.”

Tất cả mọi người nhìn chằm chằm vào bức tượng, như thể họ chờ cho bức tượng lại ngay tức khắc di chuyển, trước mắt họ. Rồi Alfred đặt nó trở về vị trí cũ trên một chiếc tủ ngăn kéo, đoạn rời khỏi căn phòng.

Sonia rót trà, mấy cô con gái vừa uống trà vừa dông dài bàn luận về đám cưới sắp sửa diễn ra, về việc sẽ mặc váy áo ra sao, về những món quà Germaine đã nhận được. Chuyện này nhắc nhở cô ta hỏi Sonia xem có ai từ ngôi nhà của cha cô ta ở Paris gọi điện đến chưa, Sonia trả lời là chưa có ai gọi cả.

“Thật bực mình quá!” Germaine nói. “Thế tức là hôm nay chưa có ai gửi quà cho tớ.”

Cô ta vừa bĩu môi vừa nhún vai với dáng vẻ của đứa bé vốn vẫn được cưng chiều, chẳng phù hợp với một thiếu nữ hai mươi ba tuổi đã hoàn toàn trưởng thành.

“Hôm nay là Chủ nhật. Các cửa hiệu không giao đồ vào Chủ nhật ạ.” Sonia nhẹ nhàng nói.

Nhưng Germaine vẫn bĩu môi chẳng khác nào đứa bé hư.

“Chàng Công tước hay ho của cậu không đến uống trà với bọn mình à?” Jeanne hơi sốt ruột hỏi.

“Ồ, phải rồi. Tớ đang đợi anh ta tới lúc bốn rưỡi. Anh ta phải cưỡi ngựa dạo chơi với hai anh em nhà du Buit. Họ cũng sẽ đến uống trà đấy.” Germaine nói.

“Cưỡi ngựa dạo chơi với anh em nhà du Buit? Nhưng bao giờ vậy?” Marie hấp tấp kêu lên.

“Chiều nay.”

“Anh ta làm sao đi cùng bọn họ được.” Marie nói. “Sau bữa trưa, anh trai tớ tới nhà du Buit để gặp André và Georges. Bọn họ đã lái xe đi từ sáng hôm nay, và đến đêm khuya mới trở về.”

“Ồ, nhưng… nhưng tại sao Công tước lại nói với tớ như vậy?” Germaine bối rối cau mày.

“Nếu tớ là cậu, tớ sẽ điều tra cho ra nhẽ việc này. Các công tước… Chà, chúng ta biết các công tước thế nào mà, tóm lại là nên để mắt trông chừng anh ta.” Jeanne nói với vẻ hiểm độc.

Mặt Germaine lập tức bừng đỏ, ánh mắt lóe lên. “Cảm ơn cậu. Tớ hoàn toàn tin tưởng Jacques. Tớ tuyệt đối chắc chắn về anh ta.” Germaine tức tối nói.

“Ôi, chà… Nếu cậu chắc chắn thì chẳng có vấn đề gì nữa.” Jeanne đáp lời.

May thay, tiếng chuông điện thoại chuyển hướng cuộc chuyện trò.

Germaine chạy ào tới chỗ điện thoại, áp chặt ống nghe vào tai, kêu lên: “Xin chào, anh đấy hả, Pierre?… Ồ, là Victoire à?… A, một số món quà đã đến, phải không?… Ồ, ồ, là những thứ gì? Hả? Một con dao rọc giấy, lại một con dao rọc giấy à?… Lại một bình mực kiểu thời Louis XVI à?… Ôi, phiền thế! Ai gửi? Ôi, Bá tước phu nhân Rudolph và Nam tước de Valéry à?” Giọng Germaine cất cao, run lên vì hãnh diện.

Rồi cô ta ngoảnh mặt lại phía các bạn, ống nghe vẫn áp chặt ở tai, kêu lên: “Ôi, các cậu, cả một chuỗi vòng cổ ngọc trai nữa! Một chuỗi vòng cổ lớn! Những viên ngọc trai lớn!”

“Thích thế!” Marie nói.

“Ai gửi?” Germaine quay lại với chiếc điện thoại, hỏi. “Ồ, một người bạn của ba.” Cô ta nói thêm bằng giọng thất vọng: “Chả sao, suy cho cùng thì đây vẫn là một chuỗi vòng cổ ngọc trai. Bà phải bảo đảm khóa các cửa cẩn thận, nhớ chưa, Victoire? Và cho chuỗi vòng vào một ngăn tủ buffet kín đáo rồi khóa lại… Vâng, cảm ơn rất nhiều, Victoire. Ngày mai tôi sẽ gặp bà.”

Germaine gác ống nghe, cau mày rời khỏi chỗ chiếc điện thoại.

“Thật phi lý!” Cô ta hờn dỗi nói. “Bạn bè của ba và anh em họ hàng tặng tớ những món quà tuyệt diệu, còn các ông các bà trâm anh thế phiệt lại tặng tớ những con dao rọc giấy. Tất cả là lỗi tại Jacques. Anh ta chẳng quan hoài gì đến những chuyện kiểu này. Quận Faubourg Saint-Germain hầu như chưa biết bọn tớ đã đính hôn đâu.”

“Anh ta tất nhiên không chạy khắp nơi thông báo với tất cả mọi người.” Jeanne mỉm cười bình luận.

“Cậu hẳn đang đùa, tuy nhiên cậu nói đúng. Đó chính xác là điều chị họ anh ta – phu nhân de Relzières – bảo với tớ tại buổi tiếp khách bà ấy tổ chức để tỏ lòng yêu quý tớ hôm trước, phải không, Sonia?” Germaine bước về phía cửa sổ và quay lưng lại với mọi người, nhìn đăm đăm ra bên ngoài.

“Nàng này mở miệng ra là buổi tiếp khách, buổi tiếp khách.” Jeanne và Marie hạ giọng thì thào.

Tiếp đó là một sự im lặng đầy lúng túng. Rồi Marie phá vỡ sự im lặng này.

“Nói tới phu nhân de Relzières, các cậu có biết bà ấy đang sốt ruột như ngồi trên đống lửa không? Hôm nay con trai bà ấy có cuộc đấu kiếm.” Marie nói.

“Với ai ạ?” Sonia hỏi.

“Chẳng ai biết là ai. Bà ấy nhận được một lá thư từ những người làm chứng.” Marie cung cấp thông tin.

“Tớ khá yên tâm về công tử Relzières. Tay kiếm của anh ta thuộc loại cự phách. Chẳng ai thắng được anh ta đâu.”

Sonia có vẻ không yên tâm như vậy. Trán cô xuất hiện những nếp nhăn nhỏ đầy bối rối, y như thể cô đang giải một bài toán nào đấy, và có một vẻ rất giống nỗi khiếp sợ trong ánh mắt hiền hậu của cô.

“Chẳng phải Relzières từng là bạn thân thiết với chồng sắp cưới của cậu hay sao?” Jeanne hỏi.

“Bạn thân thiết à? Tớ cho là thế” Germaine đáp lời. “Gia đình tớ biết Jacques là qua Relzières mà.”

“Ở đâu?” Marie hỏi.

“Ở đây, ngay tại lâu đài này.” Germaine nói.

“Trong chính ngôi nhà của anh ta thật ư?” Marie hỏi, có chút ngạc nhiên.

“Ừ, đúng là ở đây đấy. Cuộc đời kỳ khôi không chứ?” Germaine nói. “Nếu Jacques không bỗng dưng thấy mình rơi vào hoàn cảnh túng thiếu sau khi cha anh ta qua đời được vài tháng và bắt buộc phải bán tòa lâu đài này để dồn tiền cho chuyến thám hiểm Nam Cực, nếu lúc ấy ba tớ và tớ không muốn một tòa lâu đài có tính lịch sử, và cuối cùng, nếu ba tớ không bị chứng thấp khớp thì một tháng nữa, tớ sẽ chẳng mang danh Công tước phu nhân Charmerace đâu.”

“Thế quái nào mà chứng thấp khớp của cha cậu lại liên quan tới việc cậu trở thành Công tước phu nhân Charmerace vậy?” Jeanne kêu lên.

“Lý do quan trọng bậc nhất đấy.” Germaine nói. “Ba tớ sợ rằng tòa lâu đài này bị ẩm thấp. Để chứng minh cho ba tớ thấy rằng ba tớ không phải sợ gì cả, Jacques, _en grand seigneur,_ đã dành cho ba tớ sự tiếp đãi thịnh tình, ngay tại đây, tại tòa lâu đài của dòng họ Charmerace, trong những ba tuần lễ.”

“Đích thực là một bậc công tước.” Marie nhận xét.

“Nhưng ngài ấy vốn luôn như vậy.” Sonia nói.

“Ồ, về khía cạnh đó thì anh ta không có vấn đề gì, anh ta chỉ hầu như chẳng quan tâm đến chuyện giao du thôi.” Germaine nói. “Ôi, bởi một phép thần diệu, ba tớ khỏi được chứng thấp khớp khi ở đây. Jacques đem lòng yêu tớ, ba tớ quyết định mua tòa lâu đài này, và tớ yêu cầu Jacques phải hỏi cưới tớ.”

“Cậu đã yêu cầu? Nhưng lúc ấy cậu mới mười sáu tuổi mà.” Marie hỏi, có chút ngạc nhiên.

“Ừ, nhưng ngay cả khi mới mười sáu tuổi, một thiếu nữ cũng phải biết được rằng một công tước là một công tước. Nên tớ đã yêu cầu anh ta như vậy.” Germaine nói. “Thế rồi, vì lúc ấy Jacques đang chuẩn bị lên đường đi thám hiểm Nam Cực, và ba tớ thì nghĩ tớ còn quá trẻ để lấy chồng, tớ hứa sẽ chờ đợi Jacques trở về.”

“Ôi, chuyện này thật quá lãng mạn!” Marie kêu lên.

“Lãng mạn à? Ồ, phải.” Germaine nói, rồi cô ta bĩu môi. “Nhưng giữa bọn mình với nhau, thú thật, nếu tớ mà biết trước anh ta sẽ ở Nam Cực chừng ấy thời gian thì…”

“Đúng đấy!” Marie chen ngang. “Rong ruổi đi ba năm và thời gian xa cách là bảy năm… ở cái chốn tận cùng của thế giới ấy.”

“Tất tật tuổi thanh xuân tươi đẹp của Germaine.” Jeanne nói với nụ cười đầy ác ý.

“Cảm ơn!” Germaine cay đắng đáp lời.

“Chà, cậu đang hai mươi ba tuổi, tuổi thanh xuân rực rỡ nhất đấy.” Jeanne nói.

“Không hẳn là hai mươi ba.” Germaine hấp tấp đáp. “Hãy xem cái số đen đủi của tớ. Chàng Công tước đổ bệnh và phải chạy chữa ở Montevideo. Ngay sau khi bình phục, vì là một kẻ ương bướng nhất đời, anh ta kiên quyết tiếp tục lên đường thực hiện chuyến thám hiểm. Anh ta ra đi và suốt một thời gian dài không một lời nhắn nhủ, không một tin tức… không một tin tức dưới bất kỳ hình thức nào. Các cậu biết đấy, trong vòng sáu tháng, gia đình tớ đinh ninh rằng anh ta đã chết.”

“Chết? Chao ơi, lúc đó chị ắt hẳn đau lòng lắm!” Sonia nói.

“Ồ, đừng nói tới việc ấy! Trong vòng sáu tháng, tôi chẳng dám diện bộ váy áo sáng màu nào.” Germaine ngoảnh sang Sonia.

“Cô nàng hẳn phải vô cùng quan tâm tới anh chàng.” Jeanne thì thào với Marie.

“May mắn làm sao, một ngày đẹp trời, những bức thư lại được gửi về. Ba tháng trước, có một bức điện thông báo cho gia đình tớ là anh ta sắp sửa trở về, và cuối cùng thì ngài Công tước trở về thật.” Germaine nói với vẻ rất kịch.

“Chàng Công tước trở về.” Jeanne kêu lên, bắt chước Germaine.

“Không hề gì. Xin hãy tưởng tượng việc chờ đợi vị hôn phu của mình gần bảy năm trời. Đấy là sự kiên trung.” Sonia nói.

“Ồ, cô thật là đa cảm, cô Krichnoff.” Jeanne nói, giọng giễu cợt. “Cái đó do ảnh hưởng của tòa lâu đài này.”

“Cậu nói thế nghĩa là thế nào?” Germaine hỏi.

“Ồ, sở hữu tòa lâu đài của dòng họ Charmerace và vẫn mang danh tiểu thư Gournay-Martin… Như thế thật chẳng đáng. Người ta dứt khoát phải trở thành một công tước phu nhân.” Jeanne đáp lời.

“Đúng, đúng, và bất chấp sự kiên trung đáng thán phục suốt bảy năm trời này, Germaine suýt chút nữa đã đính hôn với một người đàn ông khác.” Marie mỉm cười nói.

“Và anh ta chỉ là nam tước thôi.” Jeanne cười thành tiếng.

“Gì ạ? Đúng thế sao?” Sonia hỏi.

“Cô không biết à, cô Krichnoff? Cô ấy suýt nữa đã đính hôn với cháu họ của Công tước, Nam tước de Relzières. Như thế thì làm sao cao quý bằng.”

“Ồ, cười cợt tớ cũng được thôi, nhưng vì là cháu họ, đồng thời là người thừa kế của Công tước, Relzières sẽ được thừa kế tước hiệu, nếu lấy anh ta, tớ vẫn sẽ trở thành công tước phu nhân.” Germaine nói với vẻ đắc thắng.

“Hiển nhiên đó là vấn đề duy nhất quan trọng.” Jeanne bình luận. “Ôi, bạn yêu quý, tớ phải đi đây. Gia đình tớ hứa ghé thăm Bá tước phu nhân de Grosjean. Các cậu biết Bá tước phu nhân de Grosjean chứ?” Jeanne nói với vẻ tự hào hờ hững, đứng dậy để đi.

“Chỉ nghe tên thôi. Ba tớ quen chồng bà ta ở Sở Giao dịch Chứng khoán khi ông ta vẫn đơn giản là ông Grosjean. Về phần ba tớ, ông thích giữ nguyên tên của mình.” Germaine nói với niềm hãnh diện kín đáo.

“Giữ nguyên ư? Đó là một cách nhìn nhận vấn đề. Ôi, thôi, tớ sẽ gặp cậu ở Paris nhé! Cậu vẫn định khởi hành vào ngày mai à?” Jeanne hỏi.

“Ừ, sáng ngày mai.” Germaine trả lời.

Jeanne và Marie vừa mặc áo khoác ngoài vừa tiếp tục huyên thuyên và hôn tạm biệt nhau, rồi rời khỏi căn phòng.

Sau khi đóng cửa lại, Germaine quay sang Sonia, nói: “Tôi thật ghét hai cái đứa này! Bọn chúng đúng là hợm hĩnh kinh khủng.”

“Ồ, bọn họ cũng thân thiện mà.” Sonia nhận xét.

“Thân thiện á? Ôi, đồ ngốc nghếch, bọn chúng chẳng qua đang ghen tị nổ mắt với tôi thôi… Ghen tị đến nổ mắt đấy!” Germaine nói thêm đầy tự tin, ngắm nghía mình trong tấm gương kiểu Venice với vẻ tự mãn của đứa bé vốn vẫn được cưng chiều.

Chú thích:

[1] Đế chế thứ Nhất hay còn gọi là Đệ Nhất đế chế, là một chế độ chính trị trong lịch sử nước Pháp, do Napoléon Bonaparte lập ra để thay thế cho Chế độ Tổng tài.

Tiếng Pháp, có nghĩa là _một bậc đại quý tộc._

I - Con gái ngài triệu phú

Tiến >>


Nguồn: NXB Văn Học
ebook©vctvegroup
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 22 tháng 3 năm 2023