Tôi thích viết về PHỤ NỮ, buồn vui đau khổ trong những ngóc ngách đời người tôi được biết được thấy, được nghe kể, nếu không nó chìm đắm trong tận cùng tâm khảm! Chấp nhận sống vì con, khóc thầm chịu đựng cho đến khi "người gây thảm gây sầu" chết đi!
Mà nỗi lòng ấy nếu không kể ra người phụ nữ giấu kín cho qua kiếp người!
Tôi kể ra giúp họ, những dòng nước mắt sẽ xóa muộn phiền để họ sống nhẹ nhàng hơn, hạnh phúc hơn.
Nếu có trùng hợp, chỉ là vì sống trùng thời trùng thế trùng định kiến của xã hội khi ấy - nay hẳn đã khác.
Ấu Tím
NỖI LÒNG
Chưa bao giờ tôi được khóc sung sướng như thế này, được khóc thỏa thuê như thế này. Nước mắt như giòng suối cạn bỗng mưa rào liên tục cứ thế cuồn cuộn tuôn.
Mùi nhang thơm thoang thoảng, tiếng động chung quanh không lớn lắm, vài lúc có tiếng lào xào, bóng người bước ra bước vào, tôi cần gì biết nữa, được khóc thế này là điều tôi ấp ủ bao lâu, khóc hồn nhiên, không xấu hổ, không sợ ai thấy, khóc ngay ban ngày không cần đợi bóng đêm đồng lõa mới thổn thức một mình, khóc mà không bị ai dỗ dành hay chì chiết, khóc mà không phải kể lể cãi lẫy, chỉ đúng nghĩa là khóc. Bao lâu rồi tôi không được khóc? Bao lâu rồi giòng suối nước mắt cạn khô, bao lâu rồi trên khuôn mặt tôi lúc nào cũng là nụ cười thật nhẹ vô hồn, bao lâu rồi mọi người tưởng tôi chẳng còn phiền não.
Tôi đã khóc như thế ngày nhóm họ, ngày chuẩn bị lên xe hoa về làm dâu nhà họ Nguyễn cho trọn đạo làm con, cho thơm lây họ Mạc, cho thỏa dạ Mẹ già. Mẹ tôi gả tôi chẳng phải nỗi gán nợ cho xong, chẳng phải sợ con ế chồng mà chỉ vì chút hão danh vương vất “thông gia với ông bà Huyện.”
Chữ quan Huyện đã mất từ ngày nảo ngày nào, trước khi di cư vào Nam vẫn còn giá trị trong lòng Mẹ tôi. Thêm vào đó bà tin những người đi lễ mỗi ngày là người hoàn toàn đạo đức thánh thiện, xứng đáng cho bà gởi trao con gái.
Tôi chưa biết rõ về người ấy, vài lần thoáng gặp trong nhà thờ khi dự lễ, vài lần chạm mặt chào lấy lệ vài câu. Dáng dấp cao ráo oai vệ, nụ cười phớt kiêu căng, không đủ để tôi mừng rỡ khi nghe Mẹ tôi bảo nhà người ta sang xin kết thông gia. Nhưng Mẹ tôi mừng rỡ ra mặt khi biết thêm anh ta là quan hai oai quyền có tài xế, có xe riêng.
Bà mẹ nào không vui khi con gái một bước lên quan. Vừa nhẹ nhàng vừa cương quyết vừa dùng tình cảm, bà thuyết phục tôi phải khứng chịu nghe lời. Tôi không sống hẳn trong thời phong kiến cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, con gái chỉ quẩn quanh xó bếp để đợi ngày người ta cheo cưới mang đi, tôi sống trong thời đệ nhất Cộng Hoà, tôi có bằng tú tài Pháp, tôi đi làm sở thuế Sài-Gòn, tôi không tàn tật xấu xí, tôi biết tôi đẹp, cái đẹp của cô gái Hà Nội ba mươi sáu phố phường, thế mà tôi cúi đầu nghe lời Mẹ đi lấy chồng, cúi đầu nghe lời Mẹ xé nát chiếc áo cưới tôi đã may cho mối tình đầu tưởng ổn thoả bỗng vỡ tan vào phút cuối, khi Mẹ tôi biết đàng trai không cùng tôn giáo.
Ngay sau khi đàng gái ra về để cô dâu một mình ngơ ngác bên nhà chồng mới, tôi ngỡ ngàng khi nghe có người bảo: “Sao chưa đưa con ra chào mẹ.” Con là con nào? Mẹ là mẹ nào? Thằng bé khoảng sáu tuổi tròn xoe đôi mắt nhìn tôi! Áo trắng cô dâu chưa kịp thay, khăn voan đội đầu chưa kịp tháo, bao nhiêu chiếc kẹp làm đẹp mái tóc dài bỗng nặng chịch đè chiếc cổ tôi thụt hẳn vào thân mình, chẳng biết bỏ chạy đi đâu. Chung quanh tôi toàn những khuôn mặt lạ, tôi nhận ra khuôn mặt bà mẹ chồng, người đã nắm tay tôi lôi xồng xộc từ nhà lên xe hoa để đến nhà thờ cho kịp giờ lễ cưới.
Tôi chạy đi đâu đây? Căn nhà lạ cửa vẫn còn mở toang bóng xe thấp thoáng qua lại, xác pháo đón dâu còn đỏ đầy mặt đất, những chiếc bàn tròn mướn để đãi tiệc, trơ trẽn phơi ra màu gỗ đen đủi, mốc cời dầu mỡ, sau khi chiếc khăn màu đỏ điều che trên mặt bị tháo bỏ đi. Làm sao chạy, chạy đi đâu? Mắt tôi hoa lên uất nghẹn.
Tỉnh dậy trong căn phòng lạ, chỉ chiếc vali trong góc là quen thuộc tôi lại khóc, khóc hết lòng hết sức, đổ lỗi cho ai? Mẹ tôi ư? Mẹ tôi cũng đâu biết chuyện này? Chuyện gả con gái cho người đàn ông đã có một đời vợ! Nước mắt tôi tuôn ướt đầm mặt gối hồng thêu hình loan phượng, chỉ mình tôi gánh nỗi buồn hận này, tam tòng tứ đức, sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân chia, miệng lưỡi thế gian, làm sao tôi dám phá bỏ, chỗ nào cho tôi nương thân khi trốn chạy.
Ngày đầu làm dâu bằng câu chì tiếng bấc:
– Mợ Cả có học, ngủ trương không dậy sớm nấu nước pha trà.
Ai biết cho tôi cả đêm động phòng chỉ là ngậm đắng nuốt cay nghe lời nhẹ nhàng khuyên nhủ thương lấy con chồng, chỉ là tính toán nói thế nào cho mẹ nghe, xử thế nào cho ra con người có giáo dục, sống thế nào cho ra người ngoan đạo và chỉ là “nghiến răng nhắm mắt cau mày cực chưa.”*
Ngày đứa con đầu tượng hình sau ba tháng làm dâu làm vợ đã trở thành lý do mẹ chồng bắt nàng dâu bỏ việc làm ở nhà hầu hạ. Ôi! Cô Loan trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh may mắn hơn tôi không có đạo, may mắn hơn tôi không có con chồng để phải hãm mình chịu lụy, để phải lôi hết đạo lý con người ra đè nén nỗi ghen tương âm ỉ, nỗi tự ái bị dối lừa! Cứ thế ngày tháng trôi, cứ thế tôi làm dâu làm vợ.
Nhân, con riêng của chồng tôi, được tôi giới thiệu với những người hay soi mói chuyện thiên hạ là cháu mồ côi được tôi nhận làm con, hận thì có nhưng hận ai thì tôi không thể đặt để riêng ai, đành hận số kiếp vô duyên, nhất là tôi không thế nào hận đứa bé chẳng làm gì nên tội. Tôi xây dựng đời sống gia đình trên giòng nước mắt nên nụ cười tôi gượng gạo, lâu ngày thành nụ héo nụ sầu chẳng ai hay.
Tôi cũng có một thời gian hạnh phúc ít ỏi sau ngày cưới, được chồng chiều chuộng đền bù sự chịu đựng của tôi. Ngược lại tôi dạy dỗ tim tôi phải yêu chồng để sống bình thường như trăm ngàn người đàn bà khác, qúa khứ chẳng có gì để tôi vương vấn, con tôi thành điểm tựa vững chắc cho tôi lau khô giọt lệ tủi thân mỗi khi nghĩ đến sự thờ ơ hắt hủi của mẹ ruột khi tôi cho bà biết sự thật về cháu Nhân.
Tôi biết bà ân hận, nhưng sự cao ngạo của bà làm bà câm nín, bà tự định ra rằng những việc gì bà làm và quyết định đều phải đúng tuyệt đối. Không có sự cảm thông của Mẹ, bạn bè tôi cũng chẳng còn ai, có gặp vội ngoài chợ cũng đôi lời chào hỏi vội vàng, có gì vui mà kể nhau nghe.
Con ra đời năm một, chỉ quẩn quanh với con mọn, bụng mang dạ chửa đời tôi như bị lãng quên, chồng tôi làm gì đi đâu tôi không hề biết. Mỗi tháng đưa tiền lo chợ búa cơm nước, nhu cầu riêng của tôi nhiều khi anh chẳng thiết đến. Lần sanh đứa thứ ba, ăn cơm nhà thương bốn ngày phát chán, nằm một mình bóng chiều lạnh tanh vàng vọt nghĩ đến con dại ở nhà với chị người làm, chẳng nỡ ở thêm hai ngày cuối gọi xe về nhà.
Hỡi ơi! Trời long đất lở, ai thay chỗ mình ngay trong nhà mình, mối ghen tương thường tình tôi đủ bản lãnh đè nén, tình yêu không đủ để máu sản hậu dâng lên kết liễu mạng tôi, nhưng những giòng nước mắt lại tuôn. Tôi biết lý do tại sao chồng tôi yêu cầu bác sĩ cho tôi ở nhà thương lâu hơn người khác, chẳng phải vì anh lo cho sức khỏe của tôi. Tôi biết lý do anh không vào thăm, chẳng phải vì đi công tác. Tôi khóc vì bị lừa như con nít, tôi khóc vì thấy mình chỉ được xem như thứ đồ chơi không hơn không kém, khóc vì không có nơi trốn chạy sự phụ phàng có thật.
Lặng lẽ khóc nơi xó bếp đến khi chị người làm về mới biết được cậu cho tiền dẫn các em đi xem chớp bóng. Tôi không khóc được nữa từ sau hôm ấy, các con bình thản nhởn nhơ biết gì nỗi nát tan lòng mẹ. Thằng Nhân lại là người quẩn quanh an ủi tôi với những câu nói, cử chỉ đơn sơ bày tỏ tình yêu thương quyến luyến. Nhưng chồng tôi sau buổi ấy trở nên lạ lùng. Tôi không ghen, không hằn học tra hỏi, chỉ âm thầm chịu đựng lo cho con thì anh lại cộc cằn thô lỗ.
Con vừa ba tháng tuổi đã bị nạt nộ quát tháo mỗi lần khóc, bình thủy bị ném vào tường vỡ tan nát, cơm chưa hết bữa chén đã tan tành. Mẹ tôi có lần vừa đến cổng nghe tiếng các cháu khóc, thằng Nhân chạy vội ra cổng đón bà cùng lúc chồng tôi hùng hổ bỏ đi không chào mẹ vợ, trong nhà cảnh đổ vỡ tang thương không che dấu. Thế mà tôi vẫn đon đả chào mời như chẳng có gì khác lạ, Mẹ tôi cũng lạnh như tiền giúp tôi thu dọn, khi con người chai lì vì đau khổ thì có lạ gì đâu một vết xướt nhỏ nhoi.
Mỗi đêm khi màn đêm xuống, các con đã ngủ, nghe tiếng cửa mở là tim tôi thót lại, có sự gì xảy ra cho tôi không? Trận cuồng phong xác thịt không thể chống đỡ, hay lời hoạnh họe ghen tuông vô lý: “Còn nhớ nhung gì ai mà thịt da lạnh ngắt đồng đen, mơ tưởng gì ai mặt trơ tượng ngọc.” Dù cách nào cũng là tra tấn, không thể xác cũng tinh thần. Tôi sợ chồng, ghê sợ chồng. Ai đậm đà chi ân ái, thịt da nào quấn quýt nhớ mãn kiếp mòn đời, riêng phần tôi tởm lợm ghê răng. Rồi tát tai, rồi dây da quất xuống, tôi vẫn không khóc được, sự trơ lì của tôi càng làm anh điên tiết.
Một lần anh đi gom từ tất cả các tiệm sách đến nhà xuất bản trong thành phố, đem một quyển tiểu thuyết mà anh tin nhân vật nữ chính trong đó là tôi, về chất đầy phòng khách, anh có trò chơi mới, mỗi đêm bắt tôi đọc cho anh nghe một đoạn, câu văn nào tình tứ, ý tưởng nào mơ màng là tôi bị đánh, anh đánh tôi cho hả cơn giận gì tôi không hiểu? Giận vì tôi lặng lẽ, giận vì tôi không khóc, giận vì tôi không ghen, không đòi hỏi, không cằn nhằn cau có, chỉ nhẹ nhàng chịu đựng? Có mang đứa thứ tư anh được gởi đi Mỹ tu nghiệp, sự nghiệp của chồng, tôi không được xẻ chia, chỉ biết anh là sĩ quan, những bộ quân phục được tiệm giặt ủi thẳng thớm thơm lừng mùi hồ. Chồng được thăng cấp tôi cũng chẳng hiểu vì sao, anh không đi đánh giặc chỉ quẩn quanh thành phố, tối đi nhảy đầm ở vũ trường nghe cô Cẩm Nhung bị vợ bạn tạt axide hư khuôn mặt liêu trai, anh buồn một thời gian, lúc ấy chắc anh mừng vì có vợ như tôi, không biết ghen!
Gần một năm rưỡi ở ngoại quốc về, anh mang cho tôi món nợ, phải bán hết nữ trang ngày cưới để trả. Biết thân mình chẳng được nhờ chồng, một nách năm con nhỏ tôi bắt đầu nghĩ đến buôn bán, hụi hè. Số vốn tôi giành dụm ngày còn đi làm Mẹ tôi giữ cho nay có chỗ dụng. Lo cho con trở thành niềm vui, sự an ủi lớn lao. Mọi người chung quanh ai cũng khen tôi có phước, chồng đẹp trai, con ngoan ngoãn, thậm chí có người còn ghen tị với tôi ra mặt. Chỉ mình tôi và chị người làm là biết trong chăn có rận, chỉ chị người làm là biết lòng tôi trong héo ngoài tươi. Cháu thứ năm ra đời, tôi mở cửa hàng bán hoa cườm phúng điếu đám ma, cả ngày quanh quẩn với những vòng hoa vừa tươi vừa giả đủ ve vuốt nỗi cô đơn không lối thoát của mình. Gặp những khách hàng không đau đớn vì mất người thân, cũng xốn xang vì lo toan một lần nghĩa tận, để tôi được mở lời an ủi, những lời an ủi tôi thèm được người khác cho tôi.
Rồi chồng tôi bị dính líu đến tòa án quân sự với tội danh buôn lậu, quyền chức anh bị lung lay, bao thế lực chở che cho anh đều không làm gì được, sau cùng anh thoát cảnh giam cầm vì người ta không tìm ra chứng cớ anh lấy tiền về cho vợ nhà chưng diện, mua vila, sắm kim cương vàng bạc, người ta chỉ thấy cảnh sáu đứa con nheo nhóc, năm đứa tôi sanh và cháu Nhân là sáu, đủ để không bắt anh đi.
Một lần như thế tính anh điềm đạm hơn, để ý đến mẹ con tôi hơn một chút, nhưng tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, không bị ở tù này, anh bị ở tù kia.
Tháng sáu năm 1975 anh bị đưa đi tù “cải tạo,” tháng tám tôi đi sanh đứa thứ sáu. Dầu đã đi biển mồ côi một mình nhiều lần nhưng lần này hoàn toàn khác hẳn, nhà thương Nguyễn Văn Học bị chuyển giao cho quân quản, toàn bộ nhân viên kẻ ở người đi, bác sĩ làm việc mặt mày thất thần, các cô y tá mặt mũi đăm chiêu, vài khuôn mặt thâm xì chai bủng lâu lâu nhắc nhở những mệnh lệnh lạ tai, không khí ngột ngạt bao trùm. Me tôi vào thăm phải đợi ngoài cổng gần hai tiếng đồng hồ, thấy cơm cho bà đẻ có tép nhỏ bằng đầu đũa rang muối, chén canh bí đỏ chỏng chơ vài miếng, Me tôi bảo: “Cho người ta ăn thế này để chết à?” Nhìn quanh phòng gần mười sản phụ, em bé nằm ngay bên cạnh, thật là một trời một vực với ngày xưa, thế mà cô hộ lý miền Bắc còn nhiếc móc: “Tư bản thối nát, đồi trụy làm hư hết phụ nữ miền nam, ngoài bắc tớ ấy à đẻ cứ nằm dài mà sổ, mai lại công tác như thường, đâu cần nhà thương nhà thí.”
Tôi hiểu sau hai mươi mốt năm trốn chạy khỏi miền Bắc, trốn chạy khỏi chủ nghĩa cộng sản, đến giờ phút ấy tôi phải đối diện lại với nó. Ngẫm nghĩ hay chồng tôi chính là người chịu trách nhiệm cho sự đổi dời này, anh mải ăn chơi phè phỡn, mải đàn đúm vây cánh hưởng thụ cho sướng thân, không xả thân giữ phần đất nước đẹp đẽ đã được trao sau hiệp ước Genève. Tôi thở dài, mắt ráo hoảnh ngắm con xinh đẹp bên cạnh và mọi sự chung quanh, chợt nghĩ sẽ đặt con tên Hoài Vọng. Tội nghiệp Vọng ra đời trong hoàn cảnh tối đen như thế và cháu cũng chẳng ở lại chia khổ với tôi lâu.
Đến tháng thứ mười tám, sau cơn sốt đột ngột cháu ra đi vội vã không thể nào ngờ. Lại khung cảnh nhà thương, buổi sáng bế thốc con vào bệnh viện Nhi Đồng, bệnh viện tối tân đầy đủ nhất nhì Đông Nam Á, chỉ hơn một năm vào tay kẻ dốt, thành một khu chợ chồm hổm, từ ngay cổng vào phải lạy van anh chàng gác cổng, lấy được cái đơn để nộp thì con lả trên tay, sang khu cấp cứu được biết bệnh nhân còn mở được mắt, không chảy máu là không có chế độ cấp cứu. Cứ đi từ bàn này sang bàn khác, cháu Nhân phải ra ngoài cổng mua đá đắp cho em, trong bệnh viện không có bất kỳ sự trợ giúp tối thiểu nào cho những thành phần được chế độ ca tụng ra rả hàng ngày trên những máy phóng thanh đặt đầu xóm: “Mầm non của quốc gia, tương lai của dân tộc.”
Đến khi có giấy nhập viện thì đã gần bốn giờ chiều. Vào được đến khu chữa trị, lòng tôi tan chảy hẳn ra khi phải cẩn thận bước để không dẵm chân lên những em bé được đặt nằm trên chiếu, chen chúc dọc hành lang. Mẹ con tôi tìm được một góc nhỏ gần nhà vệ sinh, mùi tanh làm tôi lợm giọng. Hơn hai tiếng đồng hồ chờ đợi, ông bác sĩ răng ám màu khói thuốc, bảo y tá truyền nước biển cho con tôi sau khi đặt ống nghe qua loa trên ngực cháu. Không lẽ chen lấn vào đến nơi lại bỏ về, đâu còn phòng mạch bác sĩ tư như ngày xưa mà hòng bám víu, con thì nóng như lửa đốt chẳng rõ nguyên nhân.
Đọc nhãn hiệu trên chai nước biển tôi mừng rỡ vì được sản xuất tại Pháp, hiệu lực vẫn còn, hy vọng con được cứu, tôi mệt mỏi tựa lưng vào hành lang ôm con trên tay, nhìn từng giọt nước nhỏ vào ống truyền mà đọc kinh cầu nguyện cho đêm mau qua ngày nhanh đến.
Khoảng một phần ba chai nước truyền thấy con mát dần tôi mừng thầm lay con, cháu hé mắt nhìn mẹ, nhoẻn cười. Nửa tiếng sau thấy cháu lạnh, lay con, con chỉ hơi hé mắt, tôi la gọi y tá xem lại giùm có gì bất thường không? Cô lạnh lùng nhìn sơ bảo không sao.
Bà bên cạnh có con sốt cao như con tôi an ủi đừng lo qúa, hôm qua con bà cũng có lúc bị lạnh sau khi truyền nước biển. Tôi kiên nhẫn đợi thêm nửa tiếng nữa, cháu càng lúc càng lạnh hơn, lại la gọi, lại được trả lời không sao. Lần thứ ba tôi thét lên khi gọi con không mở mắt nữa, bác sĩ y tá bâu lại, tôi nghe loáng thoáng: “Sao cô cho chảy nhanh thế!”
Là lúc cháu thật sự bỏ tôi mà đi. Mười giờ đêm thẫn thờ làm thủ tục đưa con vào nhà xác, mắt tôi ráo hoảnh.
Nhà xác bệnh viện Nhi Đồng quay lưng ra đường Trần Quốc Toản ngày xưa, lúc ấy bị đổi tên thành đường 3 tháng 2. Nếu con không chết, tôi đã không biết đó là nhà xác. Bên hông có một cái cổng gỗ khoảng hơn dang tay người lớn, đủ cho chiếc xích lô lọt vào.
Đêm ấy ở lại với con, dù biết chẳng làm gì được. Làm sao nỡ để con lại một mình. Ngồi trên chiếc ghế đá, đối diện với nhà xác, ánh điện leo lét hắt qua khe cửa, sững người nghe tiếng những bà mẹ khác khóc con, có tiếng rên i ỉ, có tiếng kể lể than trách, lâu lâu im bặt hẳn rồi lại bật lên. Tim tôi thắt lại khi giữa đêm tiếng rú điên dại từ phòng chữa trị trên lầu hai vẳng xuống, tiếng rú như dao đâm giữa ngực, như giáo nhọn xuyên hết thân mình. Người mẹ rú đau đớn khi con chết trên tay. Rồi tiếng chân rầm rập đến gần tôi, người ta mang xác mới vào chỗ con tôi đang nằm, người mẹ trẻ không cho đóng cửa nhà xác. Chị ngồi bên con gào khóc, đứa con đầu lòng cũng là đứa duy nhất vì chồng chị đã hy sinh ngày cuối cuộc chiến 30 tháng 4 -1975 đứa con kỷ vật, đứa con tình yêu, đứa con hạnh phúc, nghe chị kể lể gọi tên chồng kêu tên con, nhìn chị lăn lộn kêu gào cho đến khi kiệt sức, tôi vẫn sững như tượng, những bà mẹ mất con khác hoà tiếng khóc cùng chị tạo thành âm thanh tôi chưa bao giờ nghe thấy.
Chúa ơi! Đời sao khổ thế này, có lẽ đau đớn hơn dấu đinh quân dữ đóng trên tay ngài, có lẽ cũng ngang bằng vết đinh chúng đóng trên gan bàn chân ngài. Tôi không sao khóc được, mừng cho con thoát kiếp trầm luân. Nhưng nỗi đau đớn vì mất giọt máu mình đứt dạ đẻ ra! Vậy mà sao tôi không thể nào khóc? Còn nhớ trong những cơn đau khai hoa nở nhụy tôi thầm thĩ nói với các con lời mời mọc xẻ chia khổ đau trần thế, lần này đất nước đảo điên, khi trở dạ tôi ngậm tăm nhìn con đau đớn, rồi lại ngậm tăm nhìn con bỏ mình ra đi.
Ngày trôi, tháng trôi, nhận tin chồng từ ngoài Bắc, tờ giấy gọi là thơ thăm hỏi kê những thứ anh cần tôi gởi ra tiếp tế. Anh đòi đủ mọi thứ từ thịt khô, cá khô, đến lạp xưởng, chân giò. Tôi không biết anh có hay mẹ con tôi gạo độn bo-bo, khoai củ, chữ “thịt” không dám nghĩ đến. Những hôm hợp tác xã rao đầu làng cuối xóm có thịt, mọi người cầm sổ xếp hàng để mua, thảm thê sao miếng thịt, thảm thê sao con người, có thật sự cần không miếng thịt nhục nhằn tủi hổ. Tôi nghe những người cũng có chồng bị giam ngoài Bắc nói chuyện, chồng họ khuyên vợ lo cho con vượt biên, khuyên vợ cố làm sao trốn thoát lũ vô thần, đừng đi thăm nuôi xa xôi hiểm trở, không biết thế nào? Tôi chả dám hở răng khoe chồng mình thèm miếng ăn quên cả con cả vợ. Cuộc trần ai biết nói sao cho người hiểu, có những loại người chỉ nghĩ đến thân mình không biết phải trái, không nghĩ đến chung quanh và tôi “may mắn” sao được liên kết đời mình vào đấy! Thì thôi:
Phải rằng phận gái như mưa sa giữa đời
Có may gặp được biển khơi
Vừa trong vừa mát lại nơi an nhàn
Chẳng may số phận long đong
Lầm than cũng chịu há phàn nàn cùng ai?
Đến Mỹ năm 1990, dưới những ánh flash chớp chớp lóa mắt của phóng viên báo chí, chuyến bay đầu tiên chở cựu tù cộng sản đến sân bay Los Angles diện H.O1. Anh trả lời vài câu phỏng vấn rất lưu loát, đời sống mới bắt đầu sau bao năm sống dưới chế độ độc tài đảng trị.
Nếu không có các con, tôi đã chấp nhận ở lại chịu đựng chế độ ngục tù ngột ngạt như bao nhiêu người dân Việt Nam không được may mắn tháo bỏ gông cùm cộng sản khác, còn hơn! Còn hơn tiếp nối đời tôi với người được văn chương thi phú gọi là Bạn Đời!
Bạn đời gì Anh? Người bạn đời của tôi! Người bạn đời vội vã quên ngay những dốc, những đèo cao khúc khuỷu? Những đò dọc đò ngang? Những toa tầu chật nêm người từ Nam ra Bắc. Người bạn đời của tôi cũng quên ngay những bao bố nêm chặt ân tình: đường, muối, khô, trà, thuốc, lạp xưởng. Tay kéo tay mang, không màng chướng khí núi rừng Việt Bắc, không sợ thú dữ, côn đồ rình rập, tôi cùng bao người vợ lính khác đi thăm nuôi chồng bị giam tù ngoài Bắc.
Sau một năm được thả, khi không còn run sợ vì những tên công an khu vực, không còn lạ lùng với trình diện họp tổ, lao động đường phố, xin giấy phép đi đường, tạm trú, tạm vắng, anh bắt đầu vứt bỏ bộ đồ nghề sắm vội làm dép cao su, để bay nhảy tìm bạn cũ. Bạn anh, cô vũ nữ ngày xưa từng một thời làm anh điên đảo, lúc ấy vẫn làm anh đảo điên. Quán café của cô là nơi anh đến hàng ngày, chỉ tối khuya không cách gì khác anh phải trở lại nhà. Cô hơn tôi vì biết lên giọng cãi lẫy, biết cười thành tiếng khanh khách, biết cau có nhăn mày, cô biết những tiếng chửi thề giòn tan quyến rũ anh mê mệt. Tôi chịu thua không cách gì học được những điều ấy! Thôi thì môi tôi không đủ ngọt ngào! Thôi thì tay tôi chẳng còn gìn giữ được anh. Đành lại như chiếc bóng theo anh.
Các con hoà nhập rất nhanh trong xã hội mới. Sau bao năm bị che mắt, bịt tai sự khao khát tri thức là sức mạnh giúp các con ra trường, nhận bằng cấp, có việc làm tốt, mua nhà, sắm xe trở thành công dân Mỹ một cách nhẹ nhàng. Chỉ có anh, mải mơ màng về những điều không tưởng từ phút đầu đến Mỹ là còn khư khư như cũ. Anh phàn nàn nước chủ nhà không tự nhiên phát lương cho anh mỗi tháng, anh mắng nhiếc họ không giữ lời hứa trả cho anh một số tiền to vì anh ở tù Cộng Sản tám năm! Anh hăm he mắng chửi các con, đòi đi thưa cảnh sát cho chúng bị gởi trả về Việt Nam khi không nghe theo lời anh bảo phải làm điều này điều nọ. Anh dè bỉu con trai sợ vợ khi con nâng niu chiều chuộng đưa vợ đi sanh, chăm sóc đỡ nâng giúp vợ bồng con thay tã. Anh làm các con sợ hãi, xa lánh anh ngày một xa. Chỉ còn tôi lặng lẽ bên anh nghe lời anh than vãn. Âm thầm biết trong lòng anh còn tôn thờ nhung nhớ kẻ lạ người xa, những lá thơ từ Việt Nam, những ky cóp anh chắt chiu gởi về. Kể cũng lạ! Anh không cách gì lấy được một câu chì tiếng bấc nơi tôi.
Tôi cũng tự phục tôi khi nhìn nụ cười phơn phớt trên môi nhẹ nhàng thanh thản, trong lúc anh dấu diếm vòng quanh lẩn quẩn.
Còn nhớ hôm vợ Hậu, con dâu thứ hai của mình chuyển dạ con so, Hậu cuống cuồng gọi điện cho mẹ. Nhẹ nhàng nhờ anh chở vào nhà thương với con, anh bực bội khó khăn: “việc chi đến bà.”
Anh có biết đâu, ngoài tình liên hệ gia đình, ngoài sự nối kết yêu thương là nguồn cảm thông giữa đàn bà với nhau, giờ phút đớn đau khai nhụy. Đón xe buýt vào bên con để thấy, để so sánh, để thương cảm cho những người phụ nữ Việt Nam, để xót xa cho bao trẻ thơ Việt Nam còn bị đoạ đầy dưới chế độ Cộng Sản. Bước qua ngưỡng cửa bệnh viện, cảm giác an toàn, tin cậy phủ lấp nỗi sợ hãi lo toan, những khuôn mặt y tá, bác sĩ ân cần nhẹ nhàng, xoá bỏ ngôn ngữ bất đồng dị biệt.
Phòng chờ sanh trang nhã như phòng ngủ tại nhà, chồng bên cạnh vợ chở che an ủi, cô y tá lâu lâu lại ghé thăm chừng dặn dò nhã nhặn. Chợt nhớ ngày xưa, khi chờ sanh chỉ một thân một mình lặng lẽ. Từng cơn đau quặn càng lúc càng nhanh của người sản phụ, khiến con trai cũng xuất hạn, cau mày. Tôi biết con trai mình cũng đang đau, cùng đau, với cơn đau của vợ, lâu lâu bắt gặp ánh mắt con nhìn chia xẻ: “Mẹ cũng từng đau như vậy Mẹ hở?”
Cô y tá gọi bác sĩ, giờ đã điểm. Tiếng kêu thét “Hậu ơi!” Cùng lúc chiếc hoa bung nở, mắt tôi chăm chú ngắm cái đầu tròn trĩnh của đứa cháu thứ nhất vừa nhú ra từ lòng mẹ, tôi không khóc được, nhưng châu thân rần rật cảm giác lạ kỳ khi nhìn tận mắt kỳ công của Thượng Đế, kết hợp hai thân xác, tạo dựng nên thân xác mới. Con trai tôi mắt long lanh, vuốt những sợi tóc ướt mồ hôi trên trán vợ, đặt nụ hôn trịnh trọng thương yêu, nhận chiếc kéo từ cô y tá cắt cuốn rốn cho con. Tôi lặng người đi chiêm ngưỡng từng động tác con làm, như khi tôi thành khẩn nhìn Cha dâng thánh lễ Misa. Đến bao giờ Chúa ơi những người đàn bà Việt Nam quên đi câu ca dao:
Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình!
Câu ca dao nói lên sự cô đơn, đau đớn một mình khi sanh con lặng lẽ. Không biết từ đâu người đàn ông Á-Châu lại xem sự sinh nở là cái gì dơ bẩn, xui xẻo phải tránh xa? Từ đâu tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào đầu óc họ? Và từ đâu người đàn bà Việt-Nam cứ đắm mãi trong nỗi cô đơn? Hay chỉ có mình tôi trong trường hợp này.
Và hôm nay tôi khóc để nước mắt tôi rửa cho hết nỗi lòng tôi đau đớn bấy lâu, rửa cho sạch bao giận hờn chất chồng ngày đời tôi kết với đời anh trong cung thánh năm nào. Ngày mai tôi được sống lại với chính tôi không còn anh, bóng ma ích kỷ ám ảnh. Không còn anh tạo cho tôi cảm giác thế giới hoàn toàn lệch hẳn về một bên, thế giới đời tôi luôn phập phồng nghiêng ngửa.
Mà anh vội vã làm gì? Trước hay sau cũng gặp, “Họ” đã đến được Mỹ là có ngày anh được gặp. Anh ghen tức làm gì “Người ta” không lấy Việt-Kiều làm sao sang được bờ bến tự do. Anh quên mất tuổi đời chồng chất, không lanh lẹ như ngày còn trẻ, anh quên mất tuổi đời giới hạn tầm mắt anh nhìn, “dục tốc” làm gì cho “bất đạt” dở dang? Có đến sân bay đúng giờ anh thay đổi được gì mà bất chấp gió mưa giông bão? Vận tốc bao nhiêu mà chiếc xe chẳng còn hình còn dạng, “người ta” đáng gía nào mà anh trả bằng tính mạng của anh?
Thế là anh mang cả mấy lá gan sang bên kia thế giới, lá cùng vợ, lá cùng người! Khi đưa anh ra huyệt, tôi sẽ trút khối trầm uất nặng nề nhờ anh mang đi giúp. Sao thì cũng cám ơn anh, tôi đã tìm lại được tiếng khóc, tiếng khóc nức nở vui mừng.
Người ta lại đang khen ngợi: “Bà ấy yêu chồng quá cứ khóc lịm đi thế kia”.
Ấu Tím - Thu 2001
.
Nguồn: FB- Truyện ngắn Hải Ngoại
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 24 tháng 11 năm 2022