Chỉ ít phút sau khi anh Thanh Tâm Tuyền mất, Bùi Ngọc Tuấn từ Minnesota buồn gọi báo hung tin. Không thể được! Tôi gọi ngay chị Tuyền. Thảo, con gái, nhận ra giọng tôi. Chú Tâm. Bố cháu vừa mới mất lúc 11 giờ 30. Mẹ cháu ra ngoài chạy lo công chuyện không có nhà. Lặng đi giây lát. Quá ngạc nhiên. Mới vào độ cuối thu, anh còn gọi nói chuyện rôm rả, cười vui với tôi rất lâu. Tôi còn hẹn lên đón anh về Chicago. Hai thành phố không xa mà anh chỉ ngang qua, chưa có dịp ở chơi. Hứa không gặp ai. Chỉ đi xem cảnh, xem tranh và chuyện trò. Tôi hỏi cháu về bệnh trạng. Thảo cho biết. Bố chết vì ung thư phổi nặng. Cơ thể yếu không chịu được giải phẫu hay hóa trị. Bác sĩ phát hiện bệnh vào ngày 22 tháng 1. Chỉ vỏn vẹn ba tháng, anh từ giã “Bếp lửa” nhân quần ngày thứ tư 22 tháng 3, 2006 tại Saint Paul, nơi anh và toàn gia đình con cháu chọn làm nơi lưu trú trên mười sáu năm qua. Vì phổi không còn hoạt động bình thường, anh nằm bệnh ở nhà thở với bình ốc xy. Vẫn tỉnh táo. Nhớ chuyện. Nhớ người. Ngày thứ Sáu trở bệnh nặng. Cấp cứu. Ngày thứ Ba không còn ăn được. Trưa thứ Tư tắt thở. Chị và các cháu Trinh Thảo, Trung Từ, gái cưng và trai út, cận kề bên giường bệnh, sững sờ đau xót nhìn chồng, nhìn cha ra đi đột ngột.
Thuốc lá và cà phê đen là hai thứ không thể thiếu mà lại quá tải trong hàng chục năm với cơ thể của anh. Năm 1994, tôi lên ở chơi với anh vài ngày. Thói quen này không thay đổi. Năm 2000, lên dự đám cưới cháu Trinh Thảo. Anh đổi ra hút ống tẩu. Bên cạnh bàn trà có máy lọc không khí. Nhà mới mua, lại có thêm các cháu nhỏ, con của cháu Minh Trí vừa mới ở Việt Nam qua đoàn tụ. Sau cái chết cũng rất bất ngờ, cùng chứng bệnh, của người bạn chí thân họa sĩ Ngọc Dũng, thương lo cho chồng, chị thúc hối anh đi khám bác sĩ. Lần nào cũng gàn, bướng lần khân. Cứ mỗi lần như vậy vợ chồng lại cự nự nhau. Khi phát hiện, bác sĩ cho biết bệnh khởi đầu cách đây ba năm. Quá trễ! Có điều lạ, anh chẳng thấy dấu hiệu gì về bệnh trạng nên ỷ y. Sau chuyến về Việt Nam thăm mẹ trở về, trông khỏe hẳn, lên 5 ký. Thân mẫu của anh, tuy ngoài chín mươi, vẫn còn khỏe. Lúc còn ở bên nhà, tôi thường thấy cụ, dù đã trên bảy mươi, vẫn còn nhanh nhẹn, đi chợ bằng xe đạp. Năm trước anh cho biết, cụ đứng đợi bên lề đường, bị xe đụng gẫy chân. Có lẽ về thăm được mẹ già đã làm anh vui và khỏe. Chuyến về thăm, anh chỉ ở nhà với thân mẫu. Không tiếp xúc với ai. Chẳng đi đâu, ngoài đi ăn phở. Hỏi anh Sài Gòn. Anh cười. Tớ chẳng đi đâu cả.
Nhận được tin anh mất lúc tôi vừa xa Chicago một tuần lễ. Ðang ở Cali, trạm dừng chân đầu cho một chuyến đi dài hơn tháng. Ðại Hàn và các thành phố Nhật sẽ là những chặng đường kế tiếp. Vì thế dù rất muốn, không thể nào bay về dự đám tang anh được. Lẽ ra nơi đến đầu tiên là Minnesota. Tôi dự định lên chơi với anh mấy ngày, trước khi tạm xa thành phố gió. Một người bạn thân, anh Mai Tất Ðắc, người làm thơ và hâm mộ thơ Thanh Tâm Tuyền, lỡ dịp đôi lần gặp gỡ, muốn tháp tùng. Tôi đồng ý. Gọi bao nhiêu lần không ai bắt máy. Ðể lời nhắn, không thấy hồi âm như mọi khi. Nghĩ rằng anh chị đi xa thăm con. Cứ tưởng là cháu Quang Tuệ, đứa con trai thứ ba còn ở Texas. Cháu Thảo nói. Vì bố không muốn ai biết, nên không liên lạc với ai. Bố cũng không bằng lòng để mẹ hỏi những bạn bè trong trường hợp tương tự nhờ giúp ý kiến. Bố kiệt sức. Mẹ không chịu đựng được, buộc lòng trái ý chồng tìm kiếm dò hỏi. Ðó là lý do tôi đã mất liên lạc với anh. Lỡ dịp gặp thăm anh lần cuối.
Ðược tin anh mất, tôi gọi báo ngay cho anh Viên Linh. Tạp chí KHỞI HÀNH, là diễn đàn nhiều công lao trong việc cổ xúy và trân trọng nền văn học, nghệ thuật tự do của miền Nam Việt Nam, trong đó có SÁNG TẠO. Báo cho anh Lê Tất Ðiều, vì hôm qua, tôi mới ở chơi với anh chị trọn ngày. Chúng tôi cũng nhắc đến Thanh Tâm Tuyền. Cuối thu vừa rồi, chúng tôi đã nói chuyện rất lâu. Không ngờ đây là lần cuối nghe được giọng vừa cười vừa nói rất đặc biệt của anh. Trong câu chuyện, anh có nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy vừa ra một hồi ký của đời mình nhưng không hề nói đến tên một người anh uyên bác và tài hoa có ảnh hưởng, ông Phạm Duy Nhượng. Theo lời kể của Thanh Tâm Tuyền, là người được ông giới thiệu lên dạy học cùng ở Thủ Dầu Một. Trong dịp này, nói về thời gian làm báo TIỀN TUYẾN, anh cười vui nhắc đến nhà văn Lê Tất Ðiều. “Tên ấy nhỏ con nhưng võ nghệ giỏi. Qua Mỹ lại làm sĩ quan cảnh sát. Phục thật!” Chẳng ngờ cách hôm sau, ngày chúng tôi nhắc đến, anh không còn. Người thứ ba tôi báo tin ngay là Ðinh Cường, người Thanh Tâm Tuyền thường liên lạc sau những ngày tù về cho đến nay. Năm rồi qua Washington D.C. dự họp, Ðinh Cường đem xe đến khách sạn đón, đưa về nhà. Chị Tuyết Nhung cho ăn món Huế tuyệt vời. Ðinh Cường mở chai rượu chát ngon đối ẩm. Khoe bức sơn dầu vẽ chân dung Thanh Tâm Tuyền. Ðinh Cường muốn lên dự lễ tang. Cận ngày, vé quá đắt không kham nổi. Hẹn khi tôi trở về Chicago sẽ thu xếp cùng lên Minnesota thắp trước mộ anh một nén hương tiễn biệt.
Các anh nói tôi viết bài về Thanh Tâm Tuyền. Tôi không làm được. Ở xa nhà thiếu phương tiện. Việc riêng lại đang ngổn ngang. Cái chết của anh là một xúc động mạnh. Thêm nữa. Tuy sống ẩn dật trong bao nhiêu năm, sự nghiệp và tài năng cũng như tư cách của anh đã là sao Bắc đẩu trên nền trời văn học miền Nam và cả Việt Nam đương đại. Chắc chắn sẽ có rất nhiều bài viết, bài đọc về anh.
Tôi thức giấc nửa đêm, chú tâm cầu nguyện anh siêu thoát. Cầu cho anh, một người anh thương mến, một người bạn lớn tuổi, đã hiểu nhau, cùng chia sẻ những đắng cay buồn vui của tù đày, của nhân tình thế thái. Ðã cùng nhau hàn huyên tâm đắc trăm ngàn thứ chuyện trong mấy chục năm qua. Qua anh, tôi đã thấy sự thủy chung của tình bạn. Ðối với các anh chị thuộc gia đình SÁNG TẠO và những người thân quen, mối dây thân ái, tương kính, quan tâm đến nhau vẫn giữ cho đến cuối đời. Phục anh về khí khái của một kẻ sĩ khi quốc phá. Không ồn ào chống đối, nhưng chưa bao giờ thỏa hiệp. Không đua chen cho những hào quang và tăm tiếng. Chưa thấy anh ghét ai. Không ưa không phục thì không gần gũi. Thế thôi. Cách sống của anh, dù chẳng bao giờ muốn, cũng đáng cho nhiều người suy nghĩ. Anh là dòng nước, xuyên qua ghềnh thác, vẫn trong vắt sáng ngần trôi chảy vào đại dương mệnh số.
Tôi gần anh, chơi thân với anh. Một con người bình dị, chí tình trước hơn một thi sĩ, văn sĩ. Tôi viết về anh, những điều gần gũi thân quen, hơn là về những bài thơ người khen kẻ chê, người yêu kẻ ghét. Những điều vặt vãnh này chiếu một tia sáng nhỏ vào một góc đời cho những ai muốn hiểu thêm về anh. Thơ văn anh canh tân đột phá cái sáo mòn xưa cũ. Chắc chắn không dễ gì chinh phục lúc đầu. Thời gian mấy chục năm, im hơi lặng tiếng. Không tranh hơn thua. Không giải thích biện bạch. Ðủ để cho những đánh giá trung thực. Không phải đợi khi anh qua đời, mà những năm khi anh còn sống, giá trị công lao, tài năng của anh đã là một khẳng định, một tự hào của văn học Miền Nam Việt Nam tự do. Những bài viết, phân tích, nhận định phê bình của nhiếu người trước và sau cái chết của anh như Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc, Thụy Khê... và mới đây Ðặng Tiến cùng nhiều người khác, chắc chắn giúp cho người đọc có cái nhìn, cái hiểu biết khá sâu sắc về sự nghiệp văn thơ của Thanh Tâm Tuyền.
Nhờ cơ duyên, gia đình tôi được gần gũi các anh chị giới cầm bút, ngoài và trong Sáng Tạo. Các anh chị trưởng thượng như Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Sĩ Tế, Thái Tuấn... thì coi tôi như người em. Riêng Thanh Tâm Tuyền trẻ tuổi hơn quý vị kia, sau này gần gũi trong lao tù và sau lao tù, cho đến những ngày trên đất Mỹ, hiểu được nhau, tôi được anh xem như người bạn trẻ tuổi hơn, rất thân thiết. Tôi thường gọi tên anh là Thanh Tâm Tuyền hay gọn là anh Tuyền. Gọi chị, chị Tuyền. Thói quen này, có lẽ tại tôi với anh cùng tên chăng? Trong bài viết này dù gọi là anh, là ông hay trơ trọi Thanh Tâm Tuyền, cũng với lòng trân quý.
Không Thể!.
Tiến >>
Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 28 tháng 10 năm 2024