Ái Ân Thâu Ngắn Cho Dài Tiếc Thương

bình nguyên lộc

- 1 -

Biết rằng không có ngày mai

Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương.

THẾ NẦY THÔI ANH NHÉ

Cảm đề tiểu thuyết

“ÁI-ÂN THÂU NGẮN CHO DÀI TIẾC THƯƠNG”

của Bình-Nguyên Lộc,

đăng trong nhựt-báo Thời-Báo

và do Thế Kỷ xuất bản

– Thế nầy thôi, anh nhé!

Em đến cùng anh đây.

Dù rằng trong giây phút,

Em, của anh từ nay.

– Thế nầy thôi, anh nhé!

Bàn tay trong bàn tay.

Dù rằng em không nói,

Em buồn, anh có hay?

– Thế nầy thôi, anh nhé!

Đôi môi tìm đôi môi

Sau bình minh nắng ấm,

Lắm mưa buồn, anh ơi!

– Này, chiều em, anh nhé!

Ta hãy dừng nơi đây,

Em còn con nhỏ bé,

Anh còn nhiều tương lai.

– Vĩnh biệt nhau, anh nhé!

Đời dù không ngày mai,

Ái-ân càng thâu ngắn,

Tiếc thương nhau thêm dài….

Sàigòn, Xuân 1963

T. Luôn

Quí xem đồng hồ thì thấy mới có bốn giờ chiều, nhưng bức trần mây thấp lè-tè che kín vòm trời cứ cho chàng cái cảm giác rằng sắp tối đến nơi.

Vả đường cũng xa, dạo này chạy xe đêm qua những cánh đồng vắng minh mông, không được vững bụng lắm, nên chàng vội vã sửa soạn ra đi.

Chàng rời bắc Cổ-Chiên, ở bên này hồi bốn giờ hai mươi, phỏng định lên tới bến đò Rạch-Miễu chậm lắm là năm giờ hai mươi ; qua đò mà có tốn bốn mươi phút cũng chẳng sao, vì như thế tám giờ tối, đã về tới Saigon rồi.

Quí không thích mắc mưa trên xe vì hai cây chổi quét nước nơi tấm kính gió đã hỏng, nên chi chàng cho xe chạy khá mau, mặc dầu đường hẹp lắm.

Độ mười lăm phút qua. Đến một nơi nào đó không rõ, bỗng từ một gốc dừa già trồng ở vệ đường, xuất hiện một bóng người mặc toàn đen. Người ấy đưa tay vẫy xe. « Còn xa quá – Quí nghĩ – chắc họ lầm xe mình với xe lô ». Nghĩ vừa xong ý đó thì xe chàng lướt tới đủ gần nơi ấy để chàng thấy kẻ bắt xe chàng là một người đàn bà.

Cứ vài giây qua là chàng biết thêm được một điều: đó là một thiếu nữ đẹp, ăn mặc sành như người ở các thành phố lớn.

Xe chàng đã đến gần người ấy, để cô ta biết chắc rằng đó là xe nhà. Nhưng chàng ngạc nhiên lắm mà cứ thấy người khách đón xe tiếp tục đưa tay ra.

Trong giây phút, Quí phát sợ lên. Nỗi sợ tiền kiếp của loài người trong những chiều sấm chớp, từ đời tiền sử còn truyền lại đến ngày nay trong huyết mạch của Quí, hợp lại với nỗi sợ vì tình trạng bất an hiện nay trên những truông vắng, xui chàng làm lơ, trông về đàng trước và cho xe chạy luôn.

Nhưng nghĩ sao không biết, chàng bỗng hãm xe lại thình lình, và vì xe bị thắng gấp nên người tài xế đang ngủ gục ở băng sau, chúi nhủi tới trước, đập mũi vào lưng băng chàng ngồi. Anh ta giựt mình rồi khủng khiếp, kêu lớn lên: « Chết rồi, trời ơi! »

Quí cười ngất hỏi:

– Có sao không anh Chín?

– Lỗ mũi suýt ăn trầu và đầu suýt bịt khăn đỏ. Gì đó cậu?

Quí không đáp, chàng bận de xe lại, vừa de vừa nhìn qua khung kính sau. Thiếu nữ áo đen bươn bả chạy tới. Gió chuyển mưa thổi mạnh, dán sát tà áo trước của nàng vào người nàng, trong khi tà áo sau lưng bay phấp phới.

Nàng chạy tới, xe lui lại và hai người gặp nhau giữa quãng đường một trăm thước mà Quí đã chạy lố qua.

Thiếu nữ thở hổn hển, mặt ửng đỏ vì mệt, nói gần không ra hơi:

– Thưa ông, em cần lên Bến-Tre ngay, nhưng sợ không còn xe đò, nên xin phiền ông cho em xin quá giang.

Quí hối hận đã sợ tầm phào một thiếu nữ xinh đẹp và yếu đuối như thế, nên mau miệng nói:

– Rất vui lòng, mời cô lên.

Chàng mở cửa trước ra, nhưng thiếu nữ đã quày quả toan chạy đi, nói vói lại:

– Thưa ông, cho phép em đi lấy hành lý, em gởi đằng quán kia.

– Cô ơi, cô khỏi phải nhọc công nữa, mời cô cứ lên, tôi de xe lại mau hơn là cô chạy bộ.

Thiếu nữ chạy được bốn bước, vừa qua khỏi đuôi chiếc xe đỏ của Quí thì dừng lại. Trong khi ấy thì xe cũng đã de đến nơi nàng đứng.

– Mời cô lên.

Không e ngại, nàng vén áo bước lên xe và đóng cửa lại. Quí tiếp tục cho xe lùi đến trước cái quán xép dựng lên sau gốc dừa. Đó là một nếp nhà lá hai căn cất trên đất trầm thủy nên có lót ván bằng tre đập thành vạn. Quán bán chút ít hàng tạp hoá: thuốc giấy, dầu hôi, giấy vàng bạc, đèn dội, đèn cầy và nước ngọt với lại dừa tươi.

Chung quanh quán, xa trong kia, lơ thơ vài nếp nhà lá khác và một bờ đất bên hông quán đưa vào trong xa nữa, đến một hòn đảo dừa giữa ruộng minh mông.

Quán vắng teo. Hai vợ chồng người chủ quán bó gối trên một bộ ngựa mỏng, trong khi năm sáu đứa con nhỏ của họ đang chơi gì trên sàn tre không rõ.

Cô gái xuống xe, chạy vào quán, lấy chiếc va-ly nhỏ để trên bàn và nói:

– Cám ơn anh Tư, chị Tư. Anh chị ở lại mạnh giỏi nha.

– Cô đi mạnh giỏi, lâu lâu về chơi.

– Dạ.

Mãi đến lúc sang số bốn, Quí mới tìm được câu chuyện để nói với người khách quá giang:

– Thưa cô, chắc cô cũng ở gần đâu đằng quán?

– Dạ, nhà ba má em ở trong xóm, giữa cái đảo dừa mà ông thấy ở đàng xa.

– Sao cô lên tỉnh tối như vậy?

– Thưa, em về Saigon. Nhưng lên được trên Bến-Tre là chắc chắn có xe luôn luôn. Xe Cổ-Chiên, em sợ trời tối mà mưa, không có khách, họ không lên, nên mới phiền ông như vầy. Em cần về Saigon ngay nội đêm nay.

Quí không tìm được gi nữa cả để hỏi người ngồi cạnh chàng. Chàng là một thanh niên lịch sự, không thích tò mò về đời riêng của người khác, và không thích tán một cô gái đang chịu ơn chàng, cho dẫu là một cái ơn nhỏ mọn thôi. Như vậy còn biết nói gì nữa bây giờ!

Mưa đầu mùa, chuyển dữ, hầm hè cho người ta lo, nhưng không rơi được. Gió nhiều quá, nhứt là vì xe chạy mau, nên Quí thoáng thấy mái tóc dài của cô gái bay tỏa ra sau, còn tóc con trước mặt nàng thì phất phơ và xơ rơ trên trán nàng.

Xe chạy vùn vụt, vì Quí muốn về Saigon sớm, mà cũng vì có cô gái đẹp đang ngồi bên cạnh. Không phải để lấy le với mỹ nhân đâu mà chàng cứ đạp ga để gia tăng tốc độ. Nhưng khi một thanh niên ngồi gần một cô gái đẹp thì hắn đâm ra nghĩ vẩn vơ, nhứt là trên một chuyến viễn du chung, gần như là chỉ có độc hai người thôi.

Hắn nghe phấn khởi, nghe như hắn bay bổng lên vì tưởng tượng nhiều quá, và tự nhiên là hắn chạy mau mà không hay.

Quí đã thấy đại để là cô gái ấy đẹp lắm, nhưng chưa kịp ngắm kỹ cô ta. Chàng nhớ đến những cuộc kỳ ngộ trong tiểu thuyết, trong phim ảnh và mơ một cuộc phiêu lưu kỳ thú trên đường ình với con người gặp gỡ bất ngờ này.

Chàng lại đoán cảm nghĩ của cô gái về chàng.

« Chắc cô ta ngỡ mình bảnh lắm vì mình đi xe nhà, lại có tài xế ngồi sau mới là sang nữa chớ! Nhưng mình có bảnh trai hay không nè? Chắc cô ta không cảm tình với mình, nên chỉ trả lời thôi, mà không nói gì cả. »

Lâu lắm chàng mới tìm thêm được một câu:

– Tôi cũng về Saigon, nếu cô thấy không bất tiện cho cô, tôi xin đưa cô về luôn trên ấy, khỏi mất công sang xe.

Họ đã gần vào tỉnh lỵ Bến-Tre và Quí nghĩ đến cuộc chia tay sắp tới nên hoảng hốt, cố tìm mới nói được điều ấy.

Cô gái làm thinh suy nghĩ một lát rồi đáp:

– Chỉ sợ phiền ông lắm thôi.

– Không phiền gì đâu. Tôi không có ghé đâu cả, cũng không phải rước ai dọc đường.

– Như vậy em xin cám ơn lòng tốt của ông nhiều.

– Không dám.

Họ đã qua khỏi châu thành, nhắm bến đò Rạch-Miễu mà thẳng tiến.

Bỗng Quí giựt mình khi chợt thấy tấm lắc ghi tên và địa chỉ chủ xe. Chiếc Aronde này, chàng mượn của bạn. Anh bạn tử tế quá, cho luôn tài xế đi theo, để đỡ đần tay chơn chàng.

Chàng không bị tự ti mặc cảm về cái nghèo của chàng, nhưng đã trót bị người ta ngỡ là mình giàu thì khó lòng có can đảm chịu đựng một sự thất vọng của người ta.

Tấm lắc đề: Trần-Công-Minh, Thầu-khoán, 178 Phan-Thanh-Giản. Bây giờ nàng có thế ngỡ Quí là Trần-Công-Minh. Nhưng hôm nào đó, có thể nàng sẽ ghé qua địa chỉ này mà nàng cố nhớ, để thăm đáp lễ, chừng ấy nàng sẽ biết tất cả sự thật thì không hay chút nào.

Cũng may là chiếc lắc gắn bên phía tay lái, và nét chữ sơn đỏ đã tróc nước sơn trên một nền đồng đã đóng ten thì có thể nàng ngồi xa không đọc được.

Hôm ấy là ngày chúa nhựt, nên người Saigon về thăm xứ sở, trở lên rất đông. Họ tới bến đò thì phải đậu sau hơn hai mươi lăm chiếc xe đò và xe nhà.

Cả ba người trên xe đều sốt ruột trông thấy. Họ xuống xe và Quí nói với người khách quá giang:

– Ta đi ra mé sông cho mát, với lại để kiếm món gì uống cho đỡ khát.

Đoạn day ra sau, chàng mời người tài xế của bạn mà chàng có bổn phận trọng đãi:

– Đi uống nước anh Chín.

Anh Chín vâng dạ nhưng vẫn đứng đó, đợi hai người đi một đỗi đường rồi mới chẫm rãi bước theo. Thật anh ta «Điệu» hết sức.

Bấy giờ, băng ngang đường, sang vỉa hè bên trái, họ đi thong dong như người nhàn rỗi đi dạo phố, Quí mới có dịp quan sát cô gái áo đen. Chàng lịch sự nên nãy giờ không dám nhìn cô ấy kỹ, chớ không phải vì bận lái xe. Giờ, họ đi qua nhiều quán ăn, quán giải khát và Quí, đi bên phải của nàng, tức là đi phía ngoài đường, làm bộ dòm bên trái của chàng để chọn quán, hầu có dịp ngắm người đẹp.

Cô gái mặc một bộ đồ lụa nhơn tạo nặng mình, đen một mầu đen sậm như tang phục của đầm. Đành rằng cô ta đánh phấn, đánh khéo lắm, nhưng người ta biết được rằng dưới lớp phấn mỏng, nước da của cô cũng trắng mịn màng.

Chưa bao giờ Quí thấy được ba món đẹp của mặt người, nằm gần nhau mà hòa hợp với nhau đến thế: đôi mắt mà tròng đen y màu với sắc áo, cái mũi nho nhỏ và cao, nhưng cao dìu dịu chớ không nhô lên đột ngột như mũi phụ nữ Âu-châu, và cái miệng he hé mỉm cười khi chàng nói đùa một câu, cái miệng ấy có thể an ủi ngay bất kỳ gã sầu tình sâu đậm nào.

Câu nói đùa của chàng như thế nầy:

– Tôi biết cô sốt ruột lắm và muốn nhảy lên mấy chiếc xe đò đậu đằng trước, để về Saigon, nhưng cô trót nhận lời đi xe tôi rồi, cô ngại không muốn bước ngang như vậy.

Cô gái mỉm cười và nói:

– Ông sành tâm lý như vậy, em không chối mất công. Nhưng nếu tự ông, ông bảo em đi xe đò để mau tới nơi hơn thì em lại mang ơn ông một lần nữa.

– Tôi rất muốn cô được về sớm, nhưng lại không thích giải thoát cô ra khỏi lời hứa. Thành ra tôi chỉ làm thinh, tùy cô liệu định.

Cô gái lại mỉm cười, ở đây gần bờ sông nên gió càng mạnh hơn trên đồng gấp bội. Vì thiên hạ đông như vào ngày hội, nên cô gái cố nắm vạt áo cho khỏi bị gió thổi tốc lên, trong một dáng điệu giữ gìn rất khả ái.

Thiếu nữ y phục đen như vừa tắm với cả áo quần dưới sông mới lên hay vừa mắc một trận mưa to, áo quần dính vào da thịt và Quí đã mấy phen mắc cỡ với khách chờ đò vì đã mấy phen nhìn cô ta ngây ngất.

Những chiếc áo dài phụ nữ có gắn một sợi dây thun bên trong áo, chỗ eo ếch, đã giúp họ có eo một cách nhân tạo và nam phái thất vọng lắm mà gặp rất nhiều eo bằng dây thun như vậy.

Thỉnh thoảng gặp một cái eo tương tự như eo con kiến vàng thì không người đàn ông con trai nào mà dửng dưng được cả.

Người tài xế đi theo họ nhưng đã chừa một quãng cách khá xa giữa họ và hắn, ngạc nhiên lắm mà thấy sao họ đã qua khỏi cái quán cuối cùng tức là cái quán đầu bến, mà không chịu vào nơi giải khát nào cả.

Quí chỉ chiếc xe đầu đoàn, một chiếc xe đò và nói:

– Nếu tôi là cô, thì tôi rất thèm chiếc xe nầy. Nó được ưu tiên chạy nhứt và trừ phi xe quân sự, không xe nào giành nổi với nó quyền xuống trước dưới chiếc phà máy kia cả.

Phà máy từ bên kia Mỹ-Tho qua, còn chạy giữa sông và Quí chỉ tay ra ngoài ấy. Bỗng thấy hành khách chen nhau đi ra cầu bắc, Quí sực nhớ lại một điều, rồi mừng rỡ hết sức, chàng nói với cô gái áo đen:

– Hay là ta đi đò nhỏ theo họ để qua bên Mỹ trước, tìm cái gì ăn tối. Anh tài xế đợi năm bảy chuyến phà sau thì qua đó rước ta ở đây không có món gì ăn ngon cả, mà ta thì không thể nhịn đói tới chín mười giờ đêm.

– Tùy ông, hay là như thế cũng hay.

Quí vừa móc túi quần sau lấy bóp phơi, vừa day lại gọi người tài xế. Khi anh ta chạy đến nơi, Quí trao cho anh ta một trăm bạc và nói:

– Tôi đi đò nhỏ, đưa cô này qua trước bên kia, anh cầm lấy tiền này mà ở lại ăn cơm, rồi tới phiên xe ta qua phà thì anh đưa xe qua bên ấy sau.

– Dạ.

– Qua tới Mỹ, anh tìm tôi tại vườn hoa Lạc-Hồng, dài theo bờ sông, anh biết chớ?

– Dạ.

– Thôi, tôi đi đây anh Chín nhé. Nào mời cô xuống đò.

Hai người mau bước đi theo bọn hành khách khi nãy kẻo lại trễ đò nhỏ nữa. Bến đò Rạch-Miễu đặc biệt hơn các bắc Mỹ-Thuận và Bassac ở chỗ có vô số đò máy nhỏ. Tuy nhiên, đò nầy chỉ tương đối nhỏ hơn phà, chớ cũng khá to và chỉ đủ hành khách nó mới chạy.

Chiếc đò máy họ xuống cũng giống như bao nhiêu chiếc đò máy khác với hai dãy băng gỗ đặt dài hai bên, hành khách chia đều ngồi đối diện với nhau.

Không khí trong khoang đò bị một ngày nắng nung đốt và bị trận chuyển mưa đầu mùa dai dẳng này đè xuống, nên nóng hầm quá, mặc dầu gió bên ngoài thổi vù vù.

Day qua hỏi người bạn dọc đường, đang ngồi bên cạnh chàng, Quí thấy cô ta đang nhìn mặt sông mà châu mày.

– Cô khát lắm hay không? Tôi sợ trễ đò, phải đợi lâu, nên không kịp mời cô uống nước.

Day vào trong, cô gái cười đáp:

– Em khát lắm, nhưng nãy giờ bận lo uống nước sông nên đã hết khát rồi.

Bấy giờ đò đã len lỏi ra khỏi khóm đậu và đổ ra sông rộng mênh mông. Bất giác Quí nhớ đến danh từ «Ba đào» mà chuyện Tàu thường nói đến trong những đoạn mà nhân vật trong chuyện phải qua hai đại giang Hoàng-Hà và Dương-Tử.

Gió chiều, hơn thế, giông chuyển mưa trên sông Cửu-Long, luôn luôn xới lên những con sóng dễ sợ đối với ghe thuyền. Đò máy chỉ là một chiếc thuyền nhỏ có gắn máy, nên nó bị nhồi như chiếc vú cau trong thau nước mà một đứa bé nghịch đã quậy tay để gây một trận phong ba nhân tạo.

Khách qua đò toàn là người địa phương đi buôn bán, hoặc đi thăm bà con qua lại hai bờ sông mỗi ngày, nên họ quen đi, cứ vui vẻ nói cười và không ai tỏ ra lo ngại cả.

Thỉnh thoảng một chị đàn hà nói bâng quơ một mình:

– Sóng lớn quá!

Và không có tiếng vang nào phụ họa lại với chị ta hết.

Khúc sông Cửu-Long nơi đó lớn như ngoài cửa, và nếu không có đảo giữa sông thì có thể bảo là bắc Rạch-Miễu rộng hơn cả bắc Bassac nữa.

Bấy giờ sấm vang rền tứ phía và nhìn qua cửa đò, họ thấy những lằn sét dài vẽ những chữ «Chi» ghê rợn lên nền trời của hai hướng Tây-Bắc và Đông-Nam.

Trận mưa đầu mùa, âm ĩ chuyển từ hơn mười ngày nay thình lình đổ xuống dữ dội. Hai bờ sông bị xóa hẳn, ban đầu bức màn trắng đục còn mong mỏng, và người trên đò còn trông thấy lờ mờ cây cối xanh hóa đen, nhưng bức màn ấy dầy lần lên và như là từ bờ sông bay ra đò, trên đò chỉ còn trông xa được độ mươi lăm thước thôi.

Cây mưa to và đột ngột ấy chẳng những không làm tắt được ngọn gió mà trái lại như chọc cho giông thôi mãnh liệt và cuồng loạn hơn.

Quí là người miền Đông, ít có dịp qua sông lớn nên đã bắt đầu sợ hãi, mặc dầu chàng cố trấn tĩnh cho khỏi xấu hổ với người đẹp bên cạnh. Nhưng mà người đẹp, tuy là người địa phương, cũng khiếp sợ, và hơn chàng, nàng đã để lộ sự kinh khủng ra nơi đôi mắt của nàng.

Phà và đò máy từ bên Mỹ qua thì thường chạy bọc đầu trên của cù-lao giữa sông, nhưng hôm nay từ bên Rạch-Miễu qua Mỹ thì đò này lại chạy bọc đầu dưới.

Không biết trông thấy gì trong một cái chớp nhoáng mà anh tài công phụ la hoảng lên:

– Bậy rồi, ta đâm vào cù-lao, lấy tay lái lại, rẽ bên mặt để xuôi hướng Nam.

Xuôi hướng Nam tức là chạy xuống đầu dưới của cù-lao. Có lẽ anh tài công cũng đã thấy dạng bờ cù-lao mà họ đâm vào, nên anh ta lẹ làng lái mũi qua tay mặt.

Nhưng anh ta đã lẹ tay quá khiến đò trở mũi gấp, nghiêng triền một bên. Bấy giờ những chị đàn bà xem sóng gió không ra gì khi nãy lại kinh hoàng lên. Họ kêu la như đò đã chìm, rồi áp nhau mà chạy qua cái phía nào cao của chiếc đò, không nghĩ rằng đò mà chìm thì đứng bên cao hay đứng bên thấp gì cũng sẽ rơi xuống sông tuốt.

Đó là bản năng tự tồn của con người, quyết cứu vãn một tình thế nguy ngập bằng cách lập lại thăng bằng đã mất của chiếc đò.

Thăng bằng ấy tự nó lập lại lấy nó, vì đò tuy day mũi gấp cũng không đến đỗi nghiêng tới cái mức phải lật, và quả thăng bằng tự lập lại, nhưng tất cả hành khách đều đổ dồn lại có một bên, và cộng thêm vào đó cái áp lực của sức chạy của họ, nên chi bấy giờ đò lại nghiêng qua phía bên kia. Lại một phen hốt hoảng nữa và thiên hạ lại chạy trở về phía mà một số người đã và thiên hạ lại chạy trở về phía mà một số người đã rời bỏ ban nãy.

Đàn bà, trẻ con kêu khóc rùm lên, và hai anh tài công với lại cả Quí nữa, phải hét đến rát cả cổ họng:

– Đứng yên, chạy thì chết!

– Ai ở đâu ở đó!

– Phải bình tĩnh!

Cô gái áo đen tương đối bình tĩnh hơn những người khác, nhưng nàng níu lấy tay Quí và giữ chặt cứng trong tay nàng.

Nếu như hồi ngồi trên xe, hay lúc đi trên bến đò mà nàng làm thế thì chắc Quí đã sung sướng như được trúng số độc đắc. Giờ đây, chàng không nghe sao cả khi chợt ý thức về cái sức trì của cô gái nơi tay chàng.

Bao nhiêu mạng người sẽ chết nếu rủi ro xảy ra tai nạn, chính bản thân chàng, chàng cũng chẳng biết rằng mình sẽ cứu nó được hay không. Sông thì rộng, sóng gió lại to, và nếu đò lật thì tất cả đều bị lúng túng trong khoang hầm, khó lòng thoát ra được để mà lội.

Thiên hạ cứ chạy qua chạy lại như trò chơi cút bắt với cái chết, như là sợ thần sóng chụp họ nên chạy lên phía cao để tránh. Hai anh tài công hốt hoảng không giữ tay lái nữa, mà cũng chẳng quát tháo được nữa. Chỉ còn có Quí là còn cố bình tĩnh được:

– Chết bây giờ! – Chàng hét thật to trong tiếng ầm ì của mưa, gió, sấm, chớp và khóc la. – Ai còn chạy bậy nữa, tôi đập một cây chết bây giờ!

Chàng vừa nói vừa cúi xuống gỡ một tấm ván sạp cầm nơi tay, hùng hổ cho hách dịch để dọa nạt người ta. Nhưng không ai xem chàng vào đâu cả, và cảnh hỗn loạn diễn ra một cách tuyệt vọng.

– Chết rồi, trời ơi!

Nhưng không chết, hay nói đúng ra, chưa chết. Cả đò chỉ kêu hoảng lên khi nó nghiêng quá độ, và vì thế mà phản ứng của họ chớp nhoáng và mạnh lắm, phản ứng làm trái lại luật thiên nhiên của trọng lực, mong lập lại thăng bằng cho chiếc đò. Vì thế mà đò lại nghiêng qua bên kia, và lần này không sức nặng nào xô nó trở lại được nữa cả vì nó đã nghiêng thật quá độ.

– Trời ơi, chết rồi!

Khung cửa đò phía bên chỗ Quí và cô gái đứng đã úp lên mặt nước, cả đò đều té lăn cù và Quí thoáng thấy hai đứa bé lọt xuống sông, sụp chân qua mấy cái cửa ấy.

– Chết rồi, ông ơi!

Quí cũng té nằm và bị cô gái áo đen ngã chận lên người chàng. Bấy giờ nàng mới kêu và ôm chặt lấy Quí.

Quí vừa gỡ tay nàng ra, vừa xô nàng xuống vừa nói, giọng xẵng:

– Buông tôi!

Rồi chàng lồm cồm ngồi dậy và lẹ như chớp, đứng lên. Chàng ngước mắt nhìn lên trên, giờ trên đầu chàng không phải là mui đò nữa mà là mấy mảnh trời vuông và xám xịt trông thấy qua mấy khung cửa.

Như con vượn, chàng vừa nhảy lên vừa vói tay níu lấy một cây khung cửa rồi rút mình lên. Chàng hành động lẹ hơn những lời nói ra để tả những hành động của chàng. Thế mà bấy giờ nước đã tràn vào khoang đò và ngập tới ống quyển của những hành khách đã đứng dậy được.

Nhiều hành khách sụp chơn nơi các khung cửa bấy giờ nằm ẩn dưới đáy nước và chìm luôn sau một tiếng kêu thất thanh. Họ lún xuống nước và khi đầu họ sắp chìm, sau hết, nghe khua một tiếng « úp » ngắn. Nước lấp kín ngay kẻ chìm và nơi đó không còn dấu vết nào cả. Những kẻ chưa hụt chơn không quan tâm đến cái chết thê thảm quanh họ vì họ cũng sắp chịu một số phận tương tợ như vậy.

Bấy giờ Quí đã ngồi trên hông đò, biến thành một tấm ván bằng mặt với mặt phẳng nằm ngang của đất, của nước, của mọi thứ vững chãi trên đời. Chàng thò đầu vào cửa, thòng xuống một cánh tay, nhìn cô gái áo đen đã đứng lên được từ nãy giờ, và kêu:

– Nhảy lên, nắm lấy tay tôi!

Cô gái tuân y theo lịnh chàng. Suýt một chút là nàng nắm hụt cánh tay thòng như một cái rễ cây đa ấy.

Quí, một tay phải vịn trên nầy kẻo ngã, nên chỉ rút được tay kia thôi chớ không thể giúp cô gái bằng cách nắm tay cô mà kéo lên.

Cô ấy cố rút mình lên để có thể dùng thêm một tay nữa. Khi hai tay cô nắm được cái cổ tay của Quí thì chàng hết lo, cứ cố mà rút tay chàng lên.

Cô gái không nặng, nhưng tại cái thế bất tiện, nên chàng phải nhọc sức quá. Bấy giờ chiếc đò vừa chìm xuống ngang hông, vừa lật úp lại, và khi nãy nó chìm chậm bao nhiêu thì càng giây, tốc độ chìm càng tăng bấy nhiêu. Hông đò nơi Quí ngồi đã dốc xuống, và chàng ngồi trong một thế chúi mũi tới.

Chàng hì hục với hòn đá treo nơi tay, sốt ruột vô cùng mà thấy sao hòn đá ấy lâu ra khỏi miệng giếng quá. Nhưng rốt cuộc chàng cũng kéo nó lên được.

Cô gái buông bớt một tay để níu be đò cho Quí đỡ nặng và bấy giờ, phụ lực với sự kéo rút của Quí, chính nàng cũng cố rút mình lên. Đò sắp lật úp, Quí bối rối hỏi:

– Cô biết lội không?

– Biết.

– Ta nhảy nè! Ngồi đây nguy lắm. Đò nó chìm, nó rút ta theo mấy phút ta mới trồi lên được.

Khi cả hai cùng phóng ra ngoài kia, Quí thoáng thấy có mấy người cũng vừa thoát được theo lối của chàng.

Mưa không ngớt và sóng lớn đánh úp vào mặt của hai người đang lội song song với nhau. Quí mở miệng hỏi cô gái một câu, nói mới hai ba tiếng đã bị nước ùa vào đầy mồm.

– Cô biết… cù-lao… ở hướng.. nào không?

– Kh..ô…ông

– Phải lội vô… cù.. lao… mới… được, vì đò… đã… xa.. bến… quá… không.. mong trở lại…Rạch-Miễu….

– Làm… sao!

– Cứ… lội… tới… đâu… hay đó…

Quanh họ, nhiều người khác cũng đang lội. Đò đã chìm hẳn, nhiều tấm ván nổi lên mặt nước và sau đó mấy mươi giây, một số hành khách cũng nổi lên. Có lẽ họ thoát được nhờ sự may mắn bất ngờ nào giúp họ tự nhiên lọt ra khỏi khoang hầm, qua các lỗ cửa.

Quanh họ là một bức tường trắng dày mịt, không ai còn biết phương hướng nào cả. Hai chị đàn bà giành nhau một cái thùng thiếc. Nhưng thùng chòng chành như cái trứng vịt nên cái chị giành được loay hoay một lát thì thùng đã vuột khỏi tay chị ta. Chỉ có một tấm ván mà đến bốn người níu, trong khi nhiều tấm ván khác trôi lềnh bềnh mà không ai buồn mó đến.

Quí với tay chụp được một ván sạp ngắn và gọi cô gái:

– Cô vịn lấy cho đỡ mệt.

Họ tiếp tục lội một hơi nữa và Quí nói:

– Phải liều cô à. Ta nhắm… đại một hướng nào đó mà… đâm… vào, dầu…sao cũng… tới được… nơi nào đó, chớ.. xàng quây.. mãi như vầy, sẽ chết đuối mất…

– Em nhắm… mắt theo ông.

Quí chưa quyết định. Có lẽ chàng cố nhớ lại những vị trí và phương hướng thay đổi liên tiếp từ khi anh tài công bẻ mũi thuyền ra để tránh đâm vào cù-lao, hầu nhận định vị trí và phương hướng hiện tại, tuy không chắc nhận đúng lắm, mà còn hơn là nhắm mắt tiến càn.

Đoạn chàng bảo người bạn đồng cảnh ngộ:

– Lội tới hướng kia!

Một lát sau, họ không còn thấy được ai nữa cả. Mỗi người, mỗi nhóm người bị một bức màn trắng bọc quanh họ, ngăn cách họ với người khác, với nhóm khác. Như thế, ai đuối sức thì chết, không mong trong bờ hay biết để tổ chức cuộc cứu vớt.

Mưa cứ nặng hột, gió cứ vùn vụt thổi, sóng cứ nhảy bổ lên đầu lên mặt họ. Họ lội như vậy không biết trong bao lâu, nhưng cả hai người đều nghe như là thiên vạn kỷ đã qua.

Nếu họ lội ngược trở lại bến đò Rạch-Miễu, tuy xa nhưng còn có nơi để mà tới, chớ như họ mà lội về hướng nguồn hay về hướng biển thì cái chết kể như nắm chắc trong tay: họ sẽ đuối sức trước khi mưa tạnh, nghĩa là trước khi người trong bờ hay biết tai nạn để đâm thuyền ra cứu họ. Lại có thể gặp phà nó đụng vào đầu mà nát óc.

Nghĩ đến những cái không may Quí tuyệt vọng hết sức. Trong giây phút, chàng sống tốc hành đời sống bình thường của chàng trên bờ, tại Saigon ; công việc mà chàng yêu mến phải bỏ dở, hạn hữu chàng sẽ ngậm ngùi thương tiếc chàng, cha mẹ chàng, hai bụi tre già ấy, phải khóc măng non.

Trong những trường hợp như vầy, người đẹp bên cạnh thật không có nghĩa gì cả. Tuy nhiên không vì thế mà Quí quên mỹ nhân được, vì cô ta vừa kêu:

– Ông ơi! Em mệt quá!

– Cô ráng lên, một chút xíu nữa là đến nơi.

Đến đâu? Quí cũng chẳng biết. Chàng nói thế để nuôi nấng hy vọng mà tăng cường ý chí của cô ta thôi.

– Ông ơi, em đã đuối lắm rồi!

– Cô nên cố gắng, một lát nữa thôi mà!

Bỗng Quí mừng như vừa bắt được vàng, kêu rú lên:

– Ta đi trúng đường, thoát rồi đây!

– Vậy à?

– Ừ, cô xem sóng thì biết. Gió từ hướng đông-nam thổi vào và sóng cũng chạy đến chụp ta, từ hướng ấy, mà ta đang lội theo một đường thẳng góc với chiều hướng của sóng gió, tức là ta lội theo hướng tây-bắc, tức là ta đang đâm vào cù-lao, chắc chắn như vậy, không thể lầm được.

– Vậy thì may-mắn quá. Nhưng thật là uổng, em không hưởng được may mắn ấy. Em sắp buông tấm ván đây.

– Bậy nào, cô nên ráng lên chớ!

– Em… em thở… không ra… hơi nữa…

Quí chụp lấy tay nàng trong một cử động theo bản năng, chàng bỗng ý thức rõ lại là sẽ không cứu bạn được, bởi chính chàng cũng mệt lả, không mong đèo thêm một người vào thân.

Cô gái không la hoảng đâu vì cô vừa buông thật sự tấm ván ấy. Quí khủng khiếp mà thấy cô ta bỏ cuộc và nghe nặng lắm nơi tay chàng ; cô gái buông trôi và sắp chìm, có lẽ đã chìm rồi nếu Quí không nắm lấy cô.

– Thoát rồi!

Chàng reo lên, vì chân vừa đụng phải bùn non dưới đáy nước. Sức lực tàn lụn của cô gái bỗng dưng bừng dậy, và mỉa mai thay, bấy giờ, cô ta lại cố bám vào tấm ván và cố lội.

Nửa phút đồng hồ sau, họ đã đứng lên, nước tới bụng họ.

– Chơn em bị chôn trong bùn có lẽ sâu đến hai tấc tây.

– Tôi cũng vậy. Nhưng mệt quá nghỉ cái đã, rồi hãy lội vào, chớ không đi được trong bùn đâu.

Bấy giờ họ mới thấy rặng cây cối trong bờ lờ mờ qua bức màn mưa trắng xóa.

– Ở đây là đâu ông?

– Chắc chắn là bờ cù-lao. Ta đang đứng trên bãi bùn của bờ ấy, và nước đang ròng. Nếu nước lớn mà ta đứng cạn như vầy thì chỗ ấy phải gần sát bờ, đưa tay là chạm cây cối ở bờ rồi: cù-lao chỗ này đất thấp, nước lớn bò vào xa trong đất.

Họ nghỉ độ một phút đồng hồ và cả hai, kỳ lạ thay, bấy giờ hết sợ, mới bắt đầu nghe lạnh, cô gái rùng mình mấy lượt và đánh bồ-cạp, hai hàm răng chạm nhau, cô ta cố giữ, cắn chặt lại nhưng không được.

– Nào ta lội vô bờ thôi cô.

Nhưng nàng không rút chân ra khỏi bùn được, vì hai cẳng đã mỏi rụng không còn sức lực nữa để làm cái cử động ấy.

Quí ngả mình trên nước và nắm lấy cô gái nơi nách mà xô tới. Chàng không có chỗ dựa nen không bứng gốc cô ta lên được.

Cả hai cùng lội độ một phút nữa thì nước đã cạn quá, phải đứng lên.

Bấy giờ họ bắt đầu đi, nặng nề như có hai trái chì treo nơi hai bàn chơn họ. Mực nước từ bụng họ hạ lần tới vế, tới đầu gối, tới ống quyển.

Sóng từ ngoài xa đổ xô nhau chạy vào bờ, rượt theo họ mà cứ vượt họ mãi vì sóng chạy mau mà họ thì đi chậm quá.

Họ đi từng bước, từng bước, nặng nề vì đuối sức và nhứt là vì bùn rị chơn họ lại mãi. Khi mà cơn nguy đã qua khỏi, bao nhiêu tàn lực mà con người gom góp lại để cố gắng thoát hiểm, bỗng dưng bỏ họ mà đi. Cô gái xem chừng cứ muốn ngã, mà chính Quí cũng không vững bao nhiêu.

Họ bước càng phút càng chậm và bấy giờ họ đã tới mé nước rồi. Tuy nhiên chơn họ vẫn cứ chôn dưới bùn đến hơn hai tấc. Mỗi lần họ rút chơn ra là nghe một tiếng «pho…óc» tựa như tiếng táp mống của một con cá lóc khổng lồ nào.

– Em đuối lả rồi ông ơi!

Cô gái nói xong câu đó thì thân hình cô ta xiêu xiêu như một cây trụ chôn không được sâu, bị gió thổi mạnh, xô nó ngã từ từ xuống.

Quí vội vã đưa tay ra đỡ và cô gái rơi trên hai cánh tay cứng rắn của chàng bấy giờ đã run rẫy vì lạnh và vì mệt.

Hình như là cô ta đã ngất đi lúc xỉu xuống, nhưng Quí không kiểm soát được điều ấy. Chàng bối rối, dừng bước lại để thở dốc một hơi.

Bấy giờ, chàng mới nghe cuống họng của chàng nóng bỏng và miệng chàng khô cạn, mặc dầu lúc lội, chàng đã bị uống nước khá nhiều, mỗi lần hả miệng ra để nói.

Trong một cuộc nỗ lực vô biên, Quí ẵm ngửa cô gái lên, chàng toan bước đi, nhưng lần nầy sức nặng của chàng được nhơn cho hai lần nên chơn chàng bị lún sâu hơn khi nãy, chàng cố giựt nhưng cảm nghe như có ai níu mà rị xuống.

Bước đi mấy bước, chàng cứ muốn vứt cục nợ trên tay xuống bùn cho rồi, vì nghe khó lòng mà tiến thêm được nữa.

Nếu như bãi sông là một bãi cát, và nước đang ròng thì hành động như vậy, không có nghĩa là bỏ rơi người mắc nạn. Nhưng bãi lại là bãi bùn, mà nước thì đã bắt đầu lớn lên, độ nửa tiếng đồng hồ nữa, khi mà chàng chưa lấy sức lại được, nó sẽ bò tới đây để chôn lấp người bất tỉnh.

Mưa đã dứt, nhưng hoàng hôn lại đổ xuống thay thế cho nước mưa. Chàng đứng lại thở dốc rồi lại khệ nệ bước.

Chơn của người bất tỉnh rơi lòng thòng, cày lên bùn non rất láng mặt, đào lên hai luống cày cạn, tạo nên một lực cản trở phụ thêm vào sức cản của bùn, vào cái mệt của người lâm nạn.

Một bước, hai bước, ba bước! Chỉ còn độ mười thước nữa là tới đất cứng, nhưng Quí thấy cái quãng đường ấy sao mà xa thăm thẳm, như là không bao giờ chàng sẽ tới nơi được cả.

Một bước, hai bước, ba bước! Cô gái trên tay chàng giống như bằng bông gòn, thứ bông gòn hút nước và càng giây càng hút lấy sự ẩm ướt nơi đây hay sao mà cứ càng giây cô ta càng nặng hơn lên.

Mốt bước, hai bước, ba bước, bốn… bước… năm, bãi bùn đã hết với mấy cái rễ bần, gốc bần nằm trên đất khô – khô chỉ là một lối nói, để đối chọi với bùn, chớ đám mưa vừa rồi đã làm ướt tất cả mọi vật.

Quí tiến lên hai bước nữa rồi đặt cô gái nằm cạnh gốc cây bần đầu tiên mà chàng gặp. Chàng nhẹ cả người.

Bấy giờ chàng mới có thì giờ để xây lưng ra sông. Ghe thuyền đông nghẹt ngoài giữa dòng. Chắc bờ bên kia đã hay biết tai nạn và đã tổ chức cuộc cứu vớt từ lâu rồi mà chàng không thấy.

Bờ bên kia đã bị xóa nhòa trong hơi sương chiều và Quí thấy vài ánh đèn leo lét trong làn sương trắng đó.

Chàng không buồn kêu gọi thử, vì biết không ai nghe, kêu rát cổ cũng chỉ hoài hơi thôi. Lặng lẽ chàng nhìn đêm, bấy giờ xuống mau lẹ trông thấy và trùm bóng tối lên đám ghe thuyền ngoài kia. Mặt sông còn giữ được chút ít ánh sáng, và đèn bên kia bờ đã tỏ rạng lên.

– Ông ơi!

Quí giựt mình nhớ đến người bất tỉnh bên cạnh chàng. Chàng day lại thì thấy lờ mờ cô ấy đang lồm cồm ngồi dậy.

– Cô nghe đỡ chưa?

– Dạ, đã đỡ, nhưng khát quá và lạnh quá! Đây là đâu ông?

– Cù lao Rồng, đầu dưới. Cô đã nhớ ra tại nạn rồi chớ?

– Dạ nhớ, ta trôi dạt vào đây hả ông?

– Ừ.

– Thật là hú vía!

Quí bước lên một bước là đã đứng sát cô gái rồi. Nàng cũng đứng dậy và hỏi:

– Làm thế nào ông? Tìm nhà ai nghỉ đã, em vẫn còn mệt lắm, nhứt là lạnh vô cùng.

– Cô đi với tôi vào đây.

Ở đây trông ra ngoài sông thì còn thấy được bóng dáng người và cây cỏ, nhưng nhìn vào giữa đảo thì nó tối om như trong hang núi.

Quí tiến lên, chẫm rãi bước, và cô gái nối gót theo chàng. Lau sậy mọc cao khỏi đầu gối họ và những cành cây chĩa ngang, bị Quí vẹt qua, quất mạnh trở lại khi chàng qua khỏi nơi đó và đập lên người cô gái.

Bị quất roi đầu, nàng hốt hoảng kêu thét lên khiến Quí cũng hoảng sợ ngỡ nàng lại mắc phải tai nạn gì thình lình. Khi biết duyên cớ, chàng nói:

– Xin lỗi cô, tôi vô ý thật. Đau lắm hay không cô?

– Dạ không việc gì, em chỉ phải một phen giựt mình vì bị quất thình lình.

– Ốp!

Tới phiên Quí kêu lên vì trán chàng chạm phải thân một cây gì đó không biết. Chàng đứng lại xoa trán và hít hà giây lát đoạn rẽ sang tay trái, không quên nói cho cô gái biết để rẽ theo chàng.

– Cô có nghe dưới chân gì lạ không?

– A, ông hỏi em mới nhớ ra, thì ra nãy giờ em đi chơn không.

– Vậy à? Tôi cũng quên mất điều đó.

Đôi guốc của nàng hẳn đã rời khỏi chơn nàng lúc đò lật và nàng ngã lăn cù.

Quí xót xa hỏi:

– Cô lạnh chơn lắm không? Cô phải lấy giày của tôi mà đi mới được.

Từ phút gặp gỡ đến giờ, Quí mới nghe cô gái cười một lần. Tiếc là không lấy được hai hàm răng của cô ta. Cô gái cười ngất rồi nói:

– Em xỏ chân vào giày ông thì như trẻ con mới tập đi, xỏ chân vào giày của papa. Nó rộng thình, em làm sao đi được.

Quí bỗng nghe bao nhiêu mệt nhọc của chàng tiêu tan cả. Người đẹp ấy có vẻ lạnh lùng hết sức từ lúc đón xe quá giang đến lúc đò sắp chìm. Chàng đã mơ một giấc mộng thần tiên mà trong đó chàng và nàng cùng nhau viễn du trên một chuyến yêu đương kỳ thú, nhưng sự thật, với thái độ thờ ơ của nàng, đã làm cho chàng thất vọng nhiều.

Thế là người đẹp đã cười! Nhứt tiếu thiên kim ấy, chàng không trông thấy được trong bóng đêm dày mịt, nhưng chính nhờ thế mà hóa hay vì tưởng tượng giúp vào, cái cười vô hình nở ra, có duyên hơn tất cả cái cười nào ở thế gian này. Và phải chăng cái cười là sự biểu lộ cảm tình?

– Ừ, cô đi chơn không và như vậy, chắc đã thấy rõ hơn sự thay đổi của mặt đất.

– Phải, đất ở đây ráo hơn những nơi ta đã qua.

– Có lẽ nơi đây là khu đất gò nằm giữa hòn đảo nầy.

– Sao chưa thấy bóng đèn nhà ai cả vậy ông?

– Không, cù-lao nầy không có người ở.

– Không có người. – Cô gái sợ hãi kêu lên – có phải đây là cù-lao Rồng, nơi có trại cùi hay không?

– Không, đây là cù-lao Tân-Vinh. Thật ra cù-lao gồm ba đảo, các đảo dính liền nhau bằng bãi bùn hẹp khi nước ròng. Các bãi bùn ấy biến thành những cái lạch con khá cạn khi nước lớn. Ở xa mà nhìn vào thì khối cây xanh của mấy đảo trông như dính liền với nhau, khiến người ta cứ ngỡ chỉ có một hòn đảo thôi, và thường gọi chung cả ba là cù-lao Rồng.

Đảo bên kia mới thật là cù-lao Rồng, đất khô ráo hơn, ở được. Từ khi trại cùi bị dẹp bỏ thì đồng bào ra đó ở rất đông ; họ không ở được chỗ ta đang đứng, vì đất thịt trồng trọt được nơi đây ít quá.

Chắc là cô gái kinh sợ lắm, không phải sợ bóng đêm, vì đã có Quí bên cạnh, hoặc sợ không nơi ẩn núp vì nếu trời có mưa thì tương đối vẫn ít ướt và lạnh hơn dưới sông khi chiều, vì ở đây có hàng cây che mưa, có thân cây che gió.

Bằng vào tiếng kêu của cô, Quí đoán biết nỗi hãi hùng nơi cô và hơn thế, biết rõ sự kinh sợ ấy thuộc loại nào: đêm khuya thân gái yếu đuối, trên một hoang đảo với một thanh niên mạnh khỏe, nàng đẹp mà đạo đức của chàng không rõ ra sao.

« Tôi như hiểu được cô. Nhưng tôi là người có giáo dục, cô cứ an lòng mà tín nhiệm nơi tôi.»

Quí dừng bước lại, chàng bận xem địa thế nên không quan tâm nữa đến nỗi lo sợ của cô gái kia.

Qua ánh sáng lờ mờ của mặt nước sông, bóng thân cây nổi lên, đen thui; chàng nhận ra ở đây là một khoảng trống, hẹp, bằng một nền nhà lá nhỏ. Đất không có lau sậy mọc, cũng không có lá ủ giữ nước mưa lại làm ẩm ướt hoài nơi đó.

– Ta nghỉ nơi đây cô nhé!

Cô gái chỉ làm thinh, và Quí nghe rằng cô ta đoán đã đến hồi quyết liệt nên có lẽ đang thủ thế cũng nên.

Nhưng mặc kệ chớ, làm sao mà mở lòng, mở dạ chàng ra cho cô ta thấy được chất tốt bên trong của chàng. Chàng ngồi xuống đất, nhưng cô gái không ngồi theo.

Bấy giờ cô ta là một thân cây, như bao nhiêu thân cây khác, và hình bóng của cô ta in lên nền sáng của nước sông. Đó là một thân cây đặc biệt, không suôn đuồn đuột như bao thân cây khác, mà có chỗ no chỗ đói, chỗ cong, chỗ eo như là một cây cảnh non bộ được bàn tay của một nhà nho uốn nắn nhiều năm, mỹ thuật một cách lạ kỳ.

Y phục của cô gái bị ướt, dính sát vào người cọ, nên bây giờ pho tượng đồng đen ấy tuyệt-mỹ như một pho tượng đá của các đền đài cổ La-Hy.

« Cô ta sợ là phải, – Quí nghĩ. – Mình đang mệt, đang đói, đang lạnh, thế mà máu nóng trong người suýt sôi lên đây. »

Nghĩ thế, chàng thôi tức giận kẻ đã dám nghi ngờ đạo đức của chàng, một thanh niên đứng đắn, được bạn hữu khen là người gương mẫu.

– Cô ơi… cô à!

– Dạ!

– Sợi dây nịt của tôi nhỏ xíu, cô có thể dùng làm dây cột được, xin cô cứ lấy mà trói hai tay tôi lại, chớ nếu cô cứ sợ, cứ thủ thế như vầy mãi thì khổ cho cô quá, mà chính tôi đây cũng xót xa, không an dạ được.

Cô gái bật cười, cười dòn một chuỗi cười rất dài:

– Sao ông biết em sợ ông?

– Tôi đoán biết.

– Ông là nhà tiên tri chắc? Hồi chiều ông đã đoán biết em thèm xe đò. Chỉ phiền là ông không đoán được tai nạn mà ta vừa thoát.

Cả hai cười xòa và Quí thấy cô gái ngồi xuống.

Chàng hỏi:

– Cô có ân hận lắm không mà đã không đi xe đò? Nếu định sang xe, cô đã không đi đò nhỏ và đã đợi chuyến phà đang chạy gần tới bến.

– Không, em không ân hận gì hết.

– Cám ơn cô. Nếu cô ân hận thì tôi đây cũng bị ân hận đè nặng lên lương tâm vì đã gián tiếp nài nỉ cô tiếp tục đi xe tôi.

Chắc cô gái đang sờ soạng tay lên mặt đất nên cô ta kêu:

– Trời, cỏ ướt mem.

– Cố nhiên là cỏ phải ướt. Y phục ta ướt, ta ngồi lên cỏ, không nghe sao cả. Chắc cô sờ tay lên đó nên mới hay.

– Dạ, em nhờm cái gì ươn ướt, mềm mềm. Gốc là dân ruộng, em lại rất sợ phải đi trong bùn. Khi chiều, nếu không có cái chết rượt theo sau lưng, chắc không thế nào em qua được bãi bùn non ở bờ sông.

Quí thò tay lục soát các túi của chàng, túi sơ mi và ba túi quần. Chàng rút ra một chiếc bóp phơi, rảy một cái thật mạnh cho nước đọng trong đó văng ra, đoạn đặt nó lên cỏ. Như thế nó mau khô hơn là nằm trong túi áo ướt.

Chàng lại rút ra một cái túi bằng chất nhựa mà tục thường gọi là lầm là nylon. Trong túi ấy chàng để ống điếu, quẹt máy và hộp thuốc rời Prince Albert mua lậu ở Chợ-Lớn ngày hôm kia. Quí hy vọng chất nhựa ấy bảo vệ được các món đồ và chàng sẽ được hút vài bíp ngon lành.

Nhưng tất cả ba món đều ướt mem. Chàng bật hộp quẹt máy mấy mươi lần, lửa đá có lóe lên, nhưng lửa tim không cháy.

Thất vọng, chàng lại mò kiếm cái bóp và đặt ba món nầy kề chiếc bóp da.

– Cô ơi!

– Dạ.

– Như cô đã thấy, không còn hy vọng đốt lửa. Tôi định bẻ nhánh khô, đốt lên một đống un cho cỏ hơ ấm, nhưng cái bật lửa lại không chịu cháy.

Chàng nín lặng một hồi, ngần ngừ rất lâu rồi tiếp:

– Tôi nói điều này táo tợn quá, nhưng ta đang ở trong một tình thế đặc biệt, không thể cư xử như lúc bình thường, xin cô biết cho.

Mặc dầu đã rao Nam mấy câu, chàng cứ ngần ngừ. Một hồi lâu nữa, chàng mới nói được cái điều khó nói ấy:

– Nếu cô mặc y phục ướt suốt đêm nay thì sẽ nguy cho sức khỏe của cô. Nhơn đêm tăm tối, tôi nghĩ cô nên thay ra, vắt cho thật ráo rồi phơi trên nhánh cây. Gió sẽ thổi khô áo quần cô sau vài tiếng đồng hồ, và ngủ trong y phục tương đối ấm ấy, cô đỡ lo hậu quả tai hại của cái lạnh ẩm.

Cô gái làm thinh không đáp, cũng chẳng rục rịch. Cô nhớ lại ngay bóng dáng của Quí mà cô đã thấy lúc vừa tỉnh dậy ngoài bờ sông. Chàng đẹp một vẻ đẹp thể thao, đứng vững như một gốc cổ thụ. Nhưng đó là chuyện khác. Điều đáng chú ý là người khác thấy được chàng và chàng sẽ thấy được cô ta. Ngoài bãi thì thế, mà ngay cả ở đây, nàng lại chẳng đang thấy bóng dáng của cây cối..

– Thưa ông…

– Sao cô?

– Em nghe nói người sơn cước họ không hề cần tới diêm quẹt mà vẫn làm ra lửa được.

– Đúng như vậy. Theo nguyên tắc thì cứ cọ hai khúc cây lại với nhau hoặc xoay mãi một mũi nhọn trong một lỗ cây vừa cái mũi đó, thì sự cọ xát sẽ gây sức nóng, đến nổi nảy lửa, nhưng …

Quí bật cười một hơi rồi hỏi:

– Năm ngoái cô có xem chiếu bóng chớ?

– Dạ có.

– Cô nhớ có thấy, trong một kỳ họp bạn ở Trảng-Bom, à phim thời sự ấy mà, hướng đạo sinh Việt-Nam ta đã trổ tài làm lửa theo lối người sơn cước?

Cô gái bỗng sực nhớ lại đoạn phim ấy và rũ ra mà cười.

– Cái ông xướng-ngôn-viên bình phim, ông ấy trào phúng cũng giỏi. Khi các hướng đạo sinh ta thất bại, tìm hộp diêm để đánh lửa thì ông ấy nói: «Tuy thế, đánh diêm lên vẫn chóng có lửa hơn là cọ xát hai khúc cây».

Hai người cười một hồi rồi Quí thú nhận:

– Tôi còn dở hơn hướng đạo sinh nhiều, nên xin chịu thua trước.

Bấy giờ trên nền trời đen thui, sao mọc dài như sạn trắng trải sân nhà giàu, ảnh sáng yếu ớt của bầy sao giúp họ trông thấy tương đối rõ hơn khi nãy.

– Hình như là trời nóng bức thì phải, ông có nghe như vậy hay không?

– Ừ, mưa đầu mùa, dữ dội như vậy, nhưng được cái là hễ tạnh thì tạnh hẳn, không rỉ rả dầm dề như mưa thu miền Nam, rồi không khí nóng hầm trở lại như lúc mới chuyển mưa.

– Và em nghe y phục em đang khô lần.

– Của tôi cũng vậy. Cô có nghe đói lắm không?

– Chưa, vì em đang còn mệt. Có lẽ càng về khuya khi mệt tan lần càng nghe đói. Ông nè, trại cùi thiết lập ở đây, chắc quanh đây có nhiều mả người cùi, ghê quá.

– Cô sợ ma lắm không?

– Không, em chỉ sợ hơi đất của các chỗ nê địa nó mang lên theo vi trùng cùi…

Quí cười hề hề:

– Hơi đất không mang theo được vi trùng, vả lại trại cùi ở đảo bên kia, gọi là cù-lao Rồng, mà cũng đã dẹp từ lâu rồi. Cô có biết vì sao mà trại cùi ở đây được dẹp đi không? Ngày xưa người Pháp đã tính dời trại đi nơi khác vì người trong bờ hay chèo xuồng ra đây bán chác quà bánh và các thứ hàng hóa lặt vặt và mang vi trùng theo họ vào đất liền. Hơn thế nhiều chị hàng rong dưới xuồng lại tư tình với người cùi, rồi sanh con đẻ cháu, bịnh cùi càng ngày càng lan rộng.

Chợt sau chiến tranh, giới bác học các nước tiền tiến khám phá ra bịnh cùi là thứ bịnh tuy truyền nhiễm nhưng ít lây hơn tất cả mọi bịnh truyền nhiễm khác, và nếu loài người còn tiếp tục cô lập người cùi thì chỉ vì ghê tởm họ thôi, chớ không phải vì sợ vi trùng nữa. Tại sao vi trùng lao phổi, ba trăm lần dễ truyền nhiễm hơn vi trùng cùi, ta lại không tập trung người lao? Và có phải chăng ghê tởm họ thì vừa vô nhàn đạo, vừa nguy cho xã hội, bởi họ bị mặc cảm, họ thương mến vợ con, sợ bị nhốt nên trốn mãi không dám ló mặt ra để điều trị, thành ra vi trùng được giấu giếm nuôi nấng mãi trong nhiều gia đình, tai hại không biết bao nhiêu mà kể.

Vì vậy mà ta trả tự do lại cho người cùi bằng cách dẹp trại nầy luôn.

Sự mệt mỏi thấm lần vào cơ thể họ và cả hai cùng nghe thèm nằm một lượt. Quí nói:

– Cô thích ngồi dựa gốc cây hay không, chớ tôi thì chỉ muốn nằm thôi. Dựa gốc cây nguy hơn vì có thể rắn trên ấy bò xuống.

– Trời ơi!

Cô gái kêu rú lên.

– Gì thế cô?

– Không có gì hết, em nghe ông nói đến rắn em giựt mình sợ hãi vậy thôi. Và ngồi đây cũng nguy lắm ông ơi.

– Coi vậy mà không sao, rắn nghe động thì tránh đi. Còn như ta ngủ quên, nó nghe im nó cũng chẳng làm gì ta.

Chàng vừa nói vừa ngả lưng xuống đất, nằm ngửa nhìn trời, đưa cả hai cánh tay lên làm gối.

– Ừ.

Quí thấy nàng cũng nằm xuống, bấy giờ hai người không trông thấy dạng nhau nữa vì họ đã thấp quá rồi.

– Ở đây đất cát.

Nghe tiếng cô gái Quí đoán biết cô ta không nằm ngửa như chàng, mà nằm nghiêng và gối đầu thật cao bằng tay chống. Cô không nằm song song với chàng mà nằm đâu chơn, chơn nàng cách xa chơn chàng độ hai thước tây. Đó là lối nằm thủ thế, có biến thì người nằm sẽ ngồi dậy mau lẹ hơn là nằm ngửa.

Quí nghe sự mệt mỏi như chầm chậm len vào các thớ thịt, các tế bào của chàng. Chàng theo dõi được cả bước đi lần của nó, nhứt là trong cánh tay và chả vai bên phải, hai bộ phận làm việc nhiều nhứt lúc phải kéo cô gái ra khỏi khoang hầm.

– Cô ơi, cô đã ngủ chưa?

– Dạ chưa, em không biết mệt mỏi nhiều thì khó ngủ hay dễ ngủ. Mỗi người nói một khác về vấn đề nầy.

– Mệt nhiều thì dễ ngủ, nhưng mỏi quá lại khó ngủ. Tôi thì tôi nghe như ai đập ai dần lên bả vai tôi, không sao nhắm mắt được cả.

– Em cám ơn ông hết sức, đã khó nhọc kéo em lên, lúc tàu vừa lật ngang. Nếu không có ông thì…

– Thì đã có người khác. Và nếu tôi không cứu cô, tôi cũng đã cứu người khác.

– Có những người đáng thương hơn em, đáng sống hơn em nhiều.

– Cô khiêm nhượng, nhưng cũng có thể cô nghĩ đúng. Nhưng tôi không thể chọn lựa. Trong các tai nạn như thế, người ta lo cho người nào gần gũi hơn hết, hoặc quen biết nhiều hơn hết hay là cảm tình nhiều hơn hết, chỉ có thế thôi. Tôi không ân hận đã hành động như vậy, và tin rằng tôi hành động đúng. Những bài toán trường hợp lương tâm mà người ta hay đố nhau chơi để biết khi chìm đò, giữa nhiều người, ta phải cứu ai, những bài toán ấy ngớ ngẩn và ngu muội lắm.

Hai người lại làm thinh. Giây lát Quí gọi:

– Cô ơi!…

– Dạ!

– Tôi quên tự giới thiệu với cô. Tôi là…

– Không, không, em van ông, ông đừng cho em biết ông là ai.

– Sao lạ vậy?

– Khó nói lắm? Em chỉ biết khẩn khoản xin quyết điều ấy thôi.

Quí ngạc nhiên hết sức, làm thinh để suy nghĩ.

«Có lẽ nàng sợ ta xưng danh tánh, nghề nghiệp rồi tò mò hỏi nàng về căn cước của nàng mà nàng muốn giấu. Lạ quá cho cô gái này. Cô ta kín đáo hết sức. À, nhưng tại mình lịch sự, không tò mò, và có ai khảo đâu mà nàng lại xưng».

Sự thật thì không phải thế. Đó là một thái độ khôn ngoan và kinh nghiệm hết sức của thiếu nữ trầm lặng này.

Nếu thanh niên kia mà có dở trò gì và nếu rủi ro nàng không tự vệ được thì dầu sao nàng cũng có thể bảo toàn tánh mạng bằng cách giả đò ưng thuận vào phút chót.

Còn như mà hắn bị lộ tung tích, ắt hẳn phải sợ một vụ đầu cáo về sau, và chắc chắn hắn phải thủ tiêu nàng, ngay sau trò chó má bỉ ổi của hắn, để không còn nguyên cáo nữa.

Biết bao nhiêu đàn bà con gái bị thủ tiêu sau khi bị cưỡng hiếp chỉ vì trót biết căn cước của kẻ hiếp dâm họ, và trót dại khoe rằng mình biết thế, để hăm dọa những kẻ kia.

Vì đoán sai ý của người bạn đồng thuyền, nên Quí dè dặt, không hỏi gì cô ta cả. Nhưng chắc cũng có thể phần nào, vì cô gái không bao giờ nói đến mình, chỉ cái tên của cô mà thôi, cô cũng không thèm cho ân nhân của cô được hân hạnh biết đến.

– Ông ơi!

– Sao cô?

– Hồi chiều em ngất đi vào lúc nào?

– Lúc ta đi lên đến bãi bùn.

– Em ngã xuống bùn à? Nhờm quá!

– Không. Tôi đã đỡ cô khi thấy cô xiêu xiêu sắp té.

– Và sau khi em ngã trên tay ông, ông ẵm em lên đất khô chắc?

– Ừ

– Ngày mai, ông giúp em vô đất liền, em sẽ đội ơn ông ngàn ngày. Nhưng em xin về Saigon bằng xe đò…

Quí cười khà nói:

– Cô sợ xe tôi, nhưng đã muộn rồi, anh tài xế ngỡ ta chết, đã về tuốt Saigon rồi.

Cô gái không chú ý tới lời chàng, nói tiếp:

– Em van xin ông một điều là đừng có cho báo chí biết rằng ông đã cứu em trong nhiều trường hợp, và ta đã qua đây một đêm dài.

– Vâng, tôi hiểu. Báo họ sẽ tò mò tìm biết căn cước cô gái áo đen, và rất nguy hại cho danh dự cô, nhứt là về sau, khi cô đến tuổi lấy chồng.

– Ông hiểu cho như vậy, em rất cám ơn ông.

Họ lại làm thinh, và Quí nghe thích thú lắm mà được giữ chung một bí mật với người đẹp. Sự tùng đảng giữa một đôi trai gái bao giờ cũng khiến một trong hai người nghĩ vẩn vơ, nếu không nghĩ quấy.

Chàng nghe hơi yêu cô gái nầy, chớ không chỉ có cảm tình như từ lúc thấy mặt đến giờ. Và vì đã bắt đầu yêu, chàng không cưỡng được tánh tò mò, ra khỏi sự dè dặt của chàng:

– Cô học trường nào?

Cô gái không đáp và để đánh trống lấp, cô hỏi:

– Em ngất đi có lâu hay không ông?

– Khá lâu. Nhưng mặc dầu có cách, tôi cũng không muốn đánh thức cô dậy ngay.

Cô gái sợ hãi vô cùng, vì tiết lộ nầy. « Tại sao hắn để cho mình bất tỉnh lâu? » Muốn gợi chuyện để đoán biết những gì xảy ra trong lúc tri giác của nàng đi vắng, nàng hỏi, giong khiêu khích:

– Tại sao ông lại không giúp em tỉnh lại ngay nếu ông biết cách.

– Tôi thú thật điều nầy, xin cô đừng cười chê hay khinh bỉ tôi. Tôi chỉ là người thôi, chớ không phải một thánh nhơn…

Cô gái bỗng vụt lồm cồm ngồi dậy theo bản năng tự vệ để thủ thế, chống lại một xúc phạm mà nàng đã bị rồi. Câu nói nửa chừng của Quí cho nàng đoán hiểu như vậy, và bản năng khiến nàng tự vệ muộn màng.

Quí hiểu tâm trạng cô ta, nên vội nói tiếp ngay:

– … Cô có xem phim « Địa-ngục-môn » chớ?

– Có, – cô gái đáp bằng một giọng xẵng và đượm nhiều nóng nảy muốn nghe tiếp.

– Cái anh tướng trẻ ấy đã dùng một cách độc nhứt giữa đường là phun nước lên mặt người thiếu phụ giả làm người hoàng tộc để trốn, nhử cho giặc rượt theo và ngất giữa đường.

Những giọt nước ấy rất công hiệu, giúp người ngất xỉu tỉnh lại. Nhưng làm công việc ấy, anh ta lại bị con quỷ trong người anh xui dục, vì đã nhìn quá gần một gương mặt đẹp, nên anh ta đã xúc phạm đến thiếu phụ ấy bằng cách giả vờ mớm nước cho cô ta để cắn vào môi cô ta.

Tôi không muốn ngã như anh tướng trẻ trong phim, nên mới để cô yên trong giấc ngủ của cô.

Cô gái nghe nhẹ cả người. Thì ra không có tai họa nào xảy ra hết khi cô hôn mê. Nhưng thú nhận của Quí lại làm cho cô ta lo.

« Hắn thú thật rằng hắn chỉ là người với tất cả yếu hèn của con người, của xác thịt, thì hắn có thể bị lửa dục xui hắn làm liều »

Nghĩ thế cô gái không dám nằm trở lại.

– Cô có khinh sự yếu hèn của tôi không?

– Dạ, không. Trái lại nữa. Ồng đã chiến đấu với nội tâm ông, và ông đã thắng. Em cũng đoán được phần nào con người ông qua vài câu chuyện ban chiều.

Quần của Quí bằng Spiking hút nước rất nhiều và rất lâu khô. Chàng ngứa ngáy khó chịu, rất thèm cởi ra và phơi dưới giỏ. Nhưng lại ngại không dám làm công việc ấy. Cho dẫu không thấy nhau, người kia cũng đoán biết chàng làm gì, và cho dẫu không thấy nhau người ta cũng tưởng tượng và như thấy rõ bên kia. Như thế là công khai xúc phạm tu sỉ của người kia rồi.

Nghĩ tới đó, chàng nhận ra rằng cô gái nầy là một con người đặc biệt chớ không phải tầm thường. Cô ta đã tế nhận khi nãy những điều mà chàng chỉ mới khám phá ra đây thôi, nên cô ta đã không hoan nghênh đề nghị phơi áo của chàng.

Quí mò kiếm những đồ vật để dưới đất khi nãy. Chàng thử bật hộp quẹt máy, nhưng lửa đá cứ xẹt mà tim không bắt cháy. Chàng mở nắp dưới ra, thổi mạnh vào cục gòn tẩm xăng xong, lại bật nữa. Nhưng vẫn không làm lửa cháy được.

Tức giận, chàng ném mạnh cái bật lửa xuống đất và bất giác nói to lên một mình:

– Thèm muốn chết đi!

Cô gái hiểu là chàng thèm một điếu thuốc. Nhưng dầu sao cô ta cũng lo sợ vì động từ « thèm » ấy, bởi hắn cũng có thể thèm thứ khác, dữ dội như thèm thuốc bíp.

Quí lẩm bẩm ngâm theo giọng miền Bắc câu ca dao gợi thèm ấy:

Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên.

Để lái ý nghĩ của Quí qua hướng khác, bắt hắn nhớ lai một cái khổ thứ nhì, nó có thể hành hạ con người cho con người quên tất cả mọi thứ, cô gái nói:

– Em, em chỉ thèm một tô mì. Hay giờ mà có phở thì tuyệt. Ông thường ăn khuya lắm không?

– Cũng thường. Giấc nầy dễ đã một giờ khuya rồi đây. Ở Saigon, vào giấc này phải đi xa lắm mới tìm được một món ăn ngon. Cô nhắc, tôi lại thèm chết đi thỏi. Tôi nhớ hiệu phở khuya trước quán Anh-Vũ quá!

– Ông có ăn bánh cuốn khuya không?

– Có chớ! Mà không hàng nào ngon bằng hàng bánh cuốn bày ngay dưới đất, trên vỉa hè của một ngõ hẻm phố…..

– … Phố Phan-Đình-Phùng.

– À, té ra cô cũng thích hàng bánh cuốn đó.

Quí lấy làm kỳ dị cho cô gái nầy. Tại sao con gái lại thích đi ăn bánh cuốn nửa đêm nó chỉ là hàng quà của khách ta bà? Hay là…

Không, chàng không dám đi sâu vào cái ý nghĩ kỳ quái vừa nẩy ra nơi trí chàng. Có rất nhiều chi tiết đính chánh lập tức ý nghĩ của chàng, tác phong của cô gái là tác phong một thiếu nữ nhà lành.

– Dạ, bánh cuốn hàng đó ngon, mà không khí quanh đó cũng hay hay.

– Cô thi sĩ lắm. Ngồi ngay dưới đất nhìn ngọn lửa bập bùng, đợi từng cuốn bánh nóng hổi, và nghe bên cạnh mình những thực khách khác hít hà vì cay ớt cùng đủ chảy nước miếng đầy miệng, và chính nhờ vậy mà đến lúc được ăn, nghe ngon không biết bao nhiêu.

Cô báo hại, tôi thèm muốn chết đi và bỗng dưng nghe đói quá sức. Tôi xấu chứng đói lắm cô à. Phải thức khuya làm việc, tôi đói run vào khoảng một giờ đêm và nếu không có gì ăn, tôi không sao nhắm mắt được, và phải thức trắng cho tới gần sáng thì dậy đi uống cà phê luôn.

À, còn cái giấc cà phê cắc-chú hồi năm giờ sáng đó nữa! Cũng thích lắm! Nó có biệt sắc riêng mà không ai tìm thấy nơi đâu cả! Ý a, tôi nghe như văng vẳng đâu đây tiếng của hai con dao Tàu nặng nề mà anh thợ xíu mại bầm thịt liên tu bất tận trên thớt, tạo nên một điệu nhạc gỗ hay hơn cả nhạc trống bongo nữa.

Quí say sưa nói đến món ăn, khiến cô gái tức cười mà rằng:

– Ông làm em cứ nhớ anh chàng khổng lồ đi tìm vàng chung với chủ hề Charlot trong phim « Đổ xô tìm vàng ». Đến khi đói quá, anh ta sảng sốt trông gà hóa quốc và trông chú Charlot hóa ra con gà béo tốt mà anh ta muốn thịt ngay vì thèm quá.

Quí bật cười, nói để chữa thẹn:

– Con người yếu hèn lắm cô à! Biết bao nhiêu thảm kịch nhuốc nhơ đã xảy trong giới hàng hải quốc tế từ xưa đến nay. Những khi tàu hỏng giữa bể khơi, trôi nổi bình bồng từ tháng này qua tháng khác, những chuyến đắm tàu, thủy thủ trôi dạt lên hoang đảo, hoặc năm ba anh thoát thân trên một chiếc xuồng nhỏ với một ít lương thực, những khi ấy thì họ giết nhau vì một miếng bánh mì, vì một chén nước uống là chuyện thường xảy ra.

Người ta kể rằng đôi khi họ còn ăn thịt lẫn nhau nữa là khác.

Thật là xấu hổ quá cho con vật tự xưng là khôn ngoan nhứt trong các loài vật, biết phân biệt thiện và ác, biết đạo đức, nhưng đến lúc cùng, lại hành động y như con vật.

– Không phải ai cũng thế cả ông à. Có những người đức hạnh cao cho đến đôi họ vượt được tất cả mọi thử thách, và luôn luôn thắng sự hèn yếu của thể chất.

– Cũng có. Nhưng đến mức nào con người còn chiến thắng, đến mức nào họ phải đầu hàng, chớ không phải họ cứ thắng hay cứ bại đâu.

– Ý ôi, trời ơi! Chết tôi rồi!

Thình lình cô gái kêu lên như vậy, khiến Quí hết cả hồn vía, ngỡ nàng bị rắn cắn.

– Sao… sao… đó… gì đó… cô?

Cô gái tiếp tục kêu mà không đáp. Quí bối rối quá, mò kiếm hộp quẹt máy. Chàng quẹt lên, nhưng nó vẫn không cháy. Túng thế chàng bước lại gần thiếu nữ, mong ánh sáng khi chớp khi tắt của đá lửa bị cọ giúp chàng thấy được chút gì.

Quả chàng thấy được. Cô gái nằm yên như không có gì xảy ra cả, mà miệng lại cứ kêu luôn.

– Cô làm sao? Cô ráng nói một lời cho tôi biết?

– Ông ơi, em bị vọp bẻ!

– Trời! Tôi cứ lo thầm cho chuyện nầy xảy ra, và quả không khỏi. Phải mà, cô bị ngâm nước, bị dội nước hàng giờ, rồi lại nằm trong y phục ướt gần suốt đêm, bị vọp bẻ là dĩ nhiên.

– Ôi, trời ơi!

Quí đã đứng dậy, chạy chung quanh cô gái, quýnh quíu như gà mắc đẻ, sốt ruột lắm, nhưng không biết phải làm sao. Giây lát chàng đánh bạo hỏi:

– Tôi xin cô cho phép tôi giúp cô nhé.

Thiếu nữ không trả lời, cứ hít hà. Quí đoán biết nàng đang cắn răng chịu đựng cho khỏi kêu, như những người đàn bà chuyển bụng mà tốt nết.

– Trời ơi!

Chàng nghe đau như chính chàng bị vọp bẻ, và không hiểu vì sao chàng lại táo tợn đến thế, dám ngồi xuống bên cạnh thiếu nữ rồi thoa bóp cho nàng ở bắp chơn.

Người bịnh chắc đỡ lắm, và cũng lỡ rồi, huống chi hồi chiều nàng đã ngả trong tay chàng và được chàng ẵm trên tay rất lâu thì đã sao… nên làm thinh không phản đối.

Các bắp thịt ở bắp chuối của cô gái săn cứng lại và chạy đi chớ không đứng yên một chỗ. Chỉ bấy giờ Quí mới thấy hai tiếng «chuột rút» của miền Bắc là đúng.

Y như là có một con chuột to dưới da người, nó tìm cách thoát thân vì bị chụp dưới một tấm bố.

Chàng thoa bóp hết chơn nầy qua chơn khác một hồi thì các bắp thịt có mòi mềm trở lại. Tay chàng lần xuống bàn chơn và nghe như là vừa chạm phải chơn người chết vì nó lạnh như bị ướp nước đá!

Hai bàn chơn của cô gái không phẳng mặt nữa, mà giống hai chiếc gương lõm vì gân co rút bên trong. Những ngón chơn của nàng, nhứt là ngón chơn cái quắp lại như đi bấm vào đất cho khỏi trợt.

Quí không thể bẻ ngay ra tức khắc mà con bịnh chịu đựng nổi sự đau đớn, nên chi chàng bóp mạnh nhưng chỉ bẻ từ từ thôi.

Một lát sau, hai bàn chơn thiếu nữ mềm dịu trở lại như thường và Quí nghe trong tay chàng thịt chơn đã ấm. Hai bàn chơn ấy dịu quá và hai gót chơn rất non, khiến người thanh niên hăm sáu tuổi này trong giây phút không ngăn được một ý quấy xẹt qua trí óc chàng một cách chớp nhoáng.

– Hai bàn tay em cũng rất cứng từ lâu rồi ông ơi!

Quí bỏ chơn, ngồi xịch lên mấy bước để hơ ấm và nhồi mềm các bắp thịt của hai bàn tay mắc nạn, như đã giúp cho hai bàn chơn.

Tay chàng khá mỏi vì một anh tẩm quất chuyên nghiệp cũng không làm việc nhiều thế trong một buổi săn sóc một khách hàng.

Nhưng chàng lại không muốn ngừng tay vì chàng nghe không có cảm giác nào thần tiên cho bằng cuộc tao phùng của bốn bàn tay nầy.

Thiếu nữ nói:

– Cám ơn ông, cứ làm phiền ông hoài, em ngại quá.

Nàng vừa nói vừa rứt tay ra khỏi sự nặn nọt của chàng thanh niên mà nàng sợ và đã ngồi thủ thế từ lâu, nhưng vì bị vọp bẻ thình lình nên phải ngã xuống.

Bấy giờ nàng lại lồm cồm ngồi dậy rồi dang ra xa. Quí hiểu ý, cũng lùi lại chỗ cũ của chàng, vừa lùi vừa hỏi:

– Chắc cô đã nghe đỡ nhiều?

– Dạ, đã khỏi hẳn.

– Trẻ con ở nhà quê ham nước lắm. Chúng tắm sông suốt mấy tiếng đồng hồ liền mà không chịu lên.

Vì thế thỉnh thoảng lại có một đứa bị vọp bẻ thình lình như vậy và chìm luôn. Dân quê ta rất ngạc nhiên sao trẻ con lội giỏi lại chết đuối trong cạn, và họ cố cắt nghĩa những tai nạn khó hiểu ấy bằng con ma-da, loại ma dưới nước chuyên kéo cẳng người tắm sông và lôi hô tuốt xuống tận đáy.

– Em cũng thường nghe nói đến ma-da, nhưng không biết cắt nghĩa thế nào. Ông giải thích nghe hữu lý lắm. Nếu như lúc đò chìm, em mà bị vọp bẻ thì chắc đã bị ma-da-vọp rút rồi. Thật hú vía.

Cả hai cùng cười. Quí nói:

– Lạ quá, về chỗ cũ mới biết nơi đó ẩm hơn chỗ khác. Cô nên về chỗ cũ cho đỡ lạnh.

Cô gái nghe lời chàng, vả lại chàng đã dang xa rồi, nên không phải sợ nữa.

– Quả thật nghe ấm hơn. Thú quá!

Giọng nói của thiếu nữ chàng nghe bấy giờ cũng ấm lắm. Đó là cái ẩm tưởng tượng, vì tình yêu vừa chớm nơi lòng chàng. Chàng nói, giọng buồn bã vô cùng:

– Còn có vài tiếng đồng hồ nữa thôi là cô sẽ lên đường về Saigon rồi không bao giờ ta còn gặp lại nhau nữa.

Không một tiếng vang đáp lại câu nói tầm thường mà thốt ra bằng một giọng lâm ly thống thiết thật tình của Quí.

Chàng nín lặng, lắng nghe tiếng dế, tiếng trùng, tiếng vạc kêu sương, để ghi lại tất cả những gì nghe thấy, cảm nghĩ, trong lúc này, để về sau, trong lúc vui buồn nào đó, chàng sẽ cho những cảm giác đêm nay sống lại vài giây.

Và lâu lắm, chàng đánh bạo hỏi thẳng lên một câu mà tánh kiêu ngạo của chàng ngăn chàng nói ra từ đầu hôm đến giờ.

– Cô ơi!

– Dạ.

– Chắc không bao giờ ta còn gặp lại nhau nữa, sau đêm nay, phải không cô?

– Rất có thể là như vậy. Nhưng em vẫn tự hỏi ta có nên gặp lại nhau nữa hay không? Ơn của ông, em ghi tận đáy lòng em, vì không mong đáp nghĩa bằng gì được cả. Như vậy tái ngộ có ích gì hay không?

– Ừ, có ích gì hay chăng? Nếu đặt câu hỏi thì tự nhiên thấy là không ích gì hết. Thêm một người quen hay bớt một người quen, thật không ảnh hưởng đến cuộc sống của ta mảy may nào. Nhưng tôi thấy ở đời lắm khi ta lại rất cần những thứ xem như là không cần, chẳng hạn như một mối giao thiệp, lần đầu chỉ là tình cờ gặp gỡ, nhưng rồi…

– Gì mà vẳng nghe như gà gáy? – Thiếu nữ đánh trống lấp bằng câu ấy.

Quí lắng tai và kinh sợ hết sức mà nghe quả đó là tiếng gà gáy hiệp đầu bên hai đảo kế cận:

– Phải, gà bên cù-lao Thái-Sơn và cù-lao Rồng gáy!

Thiếu nữ không cho chàng nghĩ vẩn vơ, hỏi:

– Bên ấy đông dân lắm phải không ông?

– Hình như thế. Nghe đâu như hòn Thái-Sơn chia ra đến chín ấp, vì nó dài đến 10 cây số, còn hòn cù-lao Rồng thưa dân hơn mà cũng gồm được bốn ấp.

– Ông là người địa phương?

– Không, tôi gốc ở miền Đông.

– Nhưng sao ông biết rõ vùng này hơn em là người ở đây?

Quí không thèm đáp nữa. Chàng huýt gió lên những câu nhạc dạo, điệu Việt-Nam, do chàng ứng khẩu tùy hứng. Câu nhạc dạo hôm nay buồn thấm thía, và chưa bao giờ chàng nghĩ ra được một điệu hay đến thế. Bạn hữu chàng thường bảo là giọng huýt gió những câu nhạc buồn của chàng trầm và ấm như tiếng tiêu.

Cô gái cứ phá đám:

– Họ nói rắn gọi nhau bằng tiếng huýt gió. Ông huýt gió, sợ e chúng nó đến chăng?

Quí bất kể, cứ tiếp tục ứng khẩu tùy hứng, mãi cho đến khi cô gái phải năn nỉ:

– Em van lạy ông, đừng có huýt gió nữa.

– Cô sợ rắn lắm à?

– Không, nhưng em sợ buồn lắm.

– Cô có buồn đâu mà sợ nó. Chính tôi đây mới buồn chớ!

– Nhưng em sẽ bị lây nỗi buồn của ông.

– Giá thử buồn giây lát cũng không sao mà, còn thú vị nữa là khác.

– Nhưng đêm nay em không thích buồn.

– Sao vậy cô?

– Vì buồn đêm nay, em có thể sẽ buồn mãi mãi.

Quí không hiểu cô ta muốn nói gì, vả bận lo trời mau sáng nên không hỏi nữa, sợ mất thì giờ không tận ghi nhận được những phút không bao giờ tìm lại được nầy đây.

Mặc dầu không phải là một tay ăn chơi, Quí cũng khá kinh nghiệm về gái. Như vậy, không phải hễ cứ gặp một cô gái đẹp là chàng yêu ngay hay mơ mộng vẩn vơ như một gã trai tơ.

Nhưng mà thiếu nữ này đặc biệt quá, chớ không phải chỉ đẹp không mà thôi. Hơn thế, hơn một tiếng đồng hồ săn sóc cho cô ta, chàng không sao khỏi bị xúc động vì sự gần gũi quá thân mật ấy.

Bấy giờ sao trên trời tắt dần từng cái một, những cái chưa rụng đã mờ đi, chỉ còn sao mai là sáng chói thôi.

Gà bên kia đảo đã gáy chập hai.

Bên cầu điểm điểm hạt mưa

ơ… ơ… ờ.. còn nặng gánh canh vừa gáy tan.

Quí ngâm nho nhỏ hai câu thơ của Tản-Đà, nhưng thay chữ TÌNH ở đầu câu thứ nhì bằng ba tiếng ơ… ơ… ờ.., rồi không cầm giữ được nữa chàng nghẹn ngào nói:

– Cô à!

– Dạ.

– Cô có biết tiếng Pháp hay không?

– Dạ biết.

– Cô có đọc truyện ngắn Pháp «Những vì sao» hay không?

– Dạ có.

– Cái anh chăn cừu, khi thấy sao trên trời lần lượt tắt, nỗi tuyệt vọng của anh ta không biết có bờ bến nào hay không?

– Ông nè!

– Sao cô?

– Trên đời khi ta đi suông sẻ gần mút con đường nào, em nghĩ ta nên mừng mà đi nốt quãng đường còn lại, mong không bao giờ gặp chướng ngại, gai góc vào giờ chót mà uổng công vạn dặm đăng trình, có phải như vậy hay không ông?

– Phải, cô nói chí lý, rất là chí lý!

– Chắc ông hiểu em nhiều?

– Vâng, và tôi rất sung sướng mà nhận ra rằng cô cũng đã hiểu tôi.

– Vâng, em cũng hiểu ông nhiều.

– Như vậy là đủ cho tôi lắm rồi cô à. Tôi không dám mong hơn nữa.

Trời hừng sáng, rồi kế đó, rạng đông tô đậm màu son Tàu lên đầu rừng dừa nước mọc ở mũi cù-lao hướng Đông, tức hướng trông ra biển.

Bóng của cây cối càng lúc càng lợt màu và họ đã trông thấy được nhau, cả hai đều ngồi yên như tượng đá.

Cô gái khi ban chiều, chỉ nghiêm trang và lãnh đạm, nhưng giờ sao cô ta lại buồn vô hạn, khi mà cô sắp trở về với bạn hữu của cô ta?

Quí không dám nhìn cô ta, và lo gom góp bóp phơi, ống bíp cho vào túi, đoạn đứng lên. Chàng tập thể dục theo lối Thụy-Điển một hơi và day lại thì thấy thiếu nữ đang nghiêng má trên bàn tay lật ngửa, cùi chỏ chống lên đầu gối của nàng.

– Ta đi thôi cô à.

Chàng xây lưng liền và tin chắc cô gái cũng đứng lên để theo chàng. Đi được một đổi, Quí ngạc nhiên lắm mà không nghe tiếng bước khua lá chết, sau chàng. Chàng day lại thì lạ quá, cô gái vẫn ngồi yên đàng kia, trong dáng điệu mà chàng đã thấy.

– Cô có sao không?

Thiếu nữ không đáp, uể oải đứng lên rồi lững thững theo chàng. Khi họ ra tới cái chỗ mà cô gái tỉnh dậy chiều hôm qua thì thấy nước đã lên tới đó.

Mặt sông buổi sáng phẳng lặng như gương, khác hẳn với sự giao động chiều hôm trước, sự giận dữ của hà-bá nó đã cướp đi không biết bao nhiêu là sinh mạng.

Ngoài kia ghe thuyền đã tấp nập và đò máy, phà, đã qua lại như là mười hai tiếng đồng hồ trước đây, không có tai nạn chết người nào xảy ra cả.

– Nước lớn đầy «mà». – Quí nói.

– Vâng, nước lớn đầy «mà». May là gặp lúc nước «kém»! Nếu như trong ngày «rong», chắc cả đảo đều ngập.

– Để tôi gọi thuyền cho cô về trước.

– Chớ ông không về à?

– Tôi đi chuyến khác. Ta không nên cùng đi, vì chính cô đã yêu cầu như thế kia mà.

– Em chỉ xin không đi chung xe với ông thôi chớ.

– Xe tôi, anh tài xế, chắc đã đưa nó về Saigon rồi để loan tin rằng tôi đã chết chìm. Nhưng đi chung xuồng vào bờ, thì chắc cũng phải đi chung chuyến xe đò rồi.

Thiếu nữ không phản đối, cũng chẳng tán thành. Quí đưa hai tay lên miệng làm ống loa rồi hú một tiếng rất to và kéo dài ra, tưởng như không bao giờ dứt.

Cô gái nhìn trân trối người thanh niên trong cái thế đứng vững như tượng đá trồng trên bệ xi-măng ấy và nhìn trân trối cái cổ của hắn to phồng lên lúc hắn lấy hơi để hú.

Ngoài kia ghe thuyền thờ ơ đi qua. Họ không có phận sự gì cả đối với người trong đảo mà họ không dè rằng đó là hai kẻ sống sót của tai nạn hôm qua.

Mãi đến hơn một tiếng đồng đồ sau mới có xuồng nhỏ bơi gần qua đó, Quí gọi họ ghé lại.

Nhờ nước lớn đầy «mà» nên xuồng chĩa mũi đâm vào đến sát chân họ được.

– Đưa giùm bà con tôi qua chợ Mỹ, anh nhé, chúng tôi sẽ tạ ơn anh.

– Dạ được. Nhưng sao lại…

– Chúng tôi bị chìm đò chiều hôm qua, trôi dạt vào đây và kẹt ở đây suốt đêm rồi.

– Mời thầy cô xuống.

Quí đưa tay ra, ra hiệu mời cô gái. Cô ta nhìn Quí mà không rục rịch cũng chẳng nói được gì. Bốn mắt gặp nhau, và cả hai người đều như muốn ký gởi vào lòng kẻ đối diện những cảm nghĩ câm lặng của mình, và Quí ngạc nhiên hết sức mà thấy vẻ đắm đuối của đôi mắt nàng nó khác hẳn sự lãnh đạm, sự dè-dặt và giữ gìn của nàng đêm rồi.

Lâu lắm, cô gái mới nghẹn ngào nói bằng tiếng Pháp:

– Em nhớ mãi đến suốt đời em, những gì đã xảy ra từ chiều hôm qua đến giờ… Xin vĩnh biệt…

– Vĩnh biệt!

Thiếu nữ bước xuống xuồng, và xuồng chòng chành dưới sức nặng của người khách mới, vì cô ta chỉ đứng một bên thôi, cô gái dang tay ra như con chim chắp cánh để lấy thăng bằng, và khi cả xuồng lẫn người đều vững bộ rồi, nàng ngẩng lên, tươi cười nói, cũng cứ bằng tiếng Pháp:

– Giờ hết sợ ông như đêm rồi, em xin ông cho em biết quí danh, quí nghiệp và địa chỉ.

Đêm rồi Quí ngỡ nàng tránh phải trao đổi căn cước nên không chịu biết về chàng. Giờ cái tiếng « sợ » của cô gái bỗng giúp chàng thấy ngay sự thật của tâm trạng nàng lúc cả hai còn ở trên đảo giữa đêm tăm tối.

Chàng thừ người ra và chợt nhận thấy cô gái thông minh hết sức. Tuy nhiên, chàng còn ngần ngừ, không muốn nói.

– Em xin ông…

– Tôi là Quí, tức họa sĩ Đằng-Phương, 456 đường Lê-Lai, Saigon. 4-5-6 ba số lớn lần lên liên tiếp, dễ nhớ lắm!

Xuồng từ từ tách bến, và cô gái trố mắt nhìn chàng, như là ngạc nhiên lắm mà vừa biết được một điều quan trọng bất ngờ.

Chiếc xuồng nhỏ quá nên cứ chòng chành, mặc dầu mặt sông phẳng lặng như tờ. Cô gái chỉ muốn đứng thôi, nhưng vẫn phải ngồi xuống. Bấy giờ xuồng trở mũi ra hướng biển, nằm song song với cù-lao. Cô gái ban đầu day mặt qua bên trái nàng để nhìn người đứng trong bờ, nhưng giây lâu, xuồng đi khỏi đó rất xa, nàng phải xây cả người lại cho khỏi mỏi cô vì mãi ngoái ra sau lưng.

Quí tay vịn thân một cây bần, tay thọc vào túi quần, thấy cô gái vẫy tay, chàng cũng đưa tay lên vẫy lại. Dáng người áo đen nhỏ dần, và một khi kia một chiếc mu-xoa trắng bay phấp phới ở đầu tay nàng trong gió. Chiếc mu-xoa ấy không biết thiếu nữ đã cất ở đâu mà còn giữ được đến bây giờ, qua bao nhiêu chìm nổi.

Xuồng đã bọc đầu cù-lao phía nam, và cô gái đã khuất dạng. Quí còn đứng đó rất lâu, mới gọi xuồng khác để xin vào bờ.

Một tiếng đồng hồ sau đó, chàng qua tới Mỹ và biết chiếc Aronde đỏ mượn của bạn đã về Saigon chớ không đợi người mà anh tài xế ngỡ đã chết chìm, chàng đáp xe đò về thủ đô.

- 1 -

Tiến >>

Lê Thy đánh máy từ sách của vietmessenger.com
Nguồn: baovecovang2012.wordpress.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 20 tháng 9 năm 2022