ÁNH đang ủi đồ, một đống quần áo của người lớn lẫn trẻ con để bên cạnh. Lúc ông giáo sư Ngọc Minh nắm bàn tay Ánh, Ánh khẽ hất ra. Ánh biết rằng ông Ngọc Minh không toan tính điều gì bất lương. Nhưng một chút cử chỉ thân thiện đó cũng đã làm cho Ánh hoảng sợ rồi. Ánh vùng đứng dạy chạy xuống bếp. Ông Ngọc Minh thong thả bước theo.
Ánh ngồi trầm ngâm trên ngạch cửa không ngó ông. Ông Ngọc Minh đứng trước mặt nàng. Ông thò tay vào túi áo lấy ra gói thuốc, đánh lửa châm một điếu hút, rồi nói với con ở:
- Xin lỗi Ánh, lúc nãy tôi đã làm phiền lòng Ánh.
Ánh cúi đầu làm thinh, ông giáo sư nói tiếp:
- Tôi rất mến Ánh. Tôi để ý đến Ánh lâu rồi, chắc Ánh cũng đã cảm thấy. Ngay từ ngày Ánh vô giúp việc trong nhà này nghĩa là cách đây sáu tháng, tôi đã hiểu Ánh nên tôi yêu Ánh. Nhưng chỉ yêu âm thầm mà thôi. Nay nhân cơ hội gia đình đi vắng, tôi muốn thú thực với Ánh cảm tình thiết tha chân thật của tôi. Nếu Ánh tin tôi, tôi sẽ thuê phòng riêng để ở với Ánh.
Con ở điềm nhiên, không đáp. Ông Ngọc Minh ngồi xuống ngạch cửa, gần Ánh. Ông âu yếm nhìn vào khuôn mặt hồng hào tuyệt đẹp, khẽ hỏi:
- Ánh có yêu tôi không?
Ánh ngẩng mặt lên nghiêm nghị ngó ông:
- Tôi không thể yêu ông được,
- Tại sao không thể?
- Tại hoàn cảnh.
- Tôi không thấy hoàn cảnh nào cản trở tình yêu của tôi với Ánh. Ánh biết rằng tôi góa vợ đã hai năm nay và không có con?
- Dạ tôi biết.
- Vậy thì tôi được tự do yêu Ánh và lấy Ánh làm vợ, có gì ngăn cản đâu?
- Ông được tự do, nhưng tôi không được tự do.
- Nếu tôi không lầm thì Ánh chưa có chồng.
- Dạ, tôi chưa có chồng.
- Vậy sao Ánh nói là không tự do?
Con ở làm thinh.
Ông Ngọc Minh hơi ngạc nhiên vì những câu trả lời cứng rắn của người tớ gái mười chín tuổi. Rất đẹp và rất hiền lành, thường ngày Ánh ít nói. Lần đầu tiên ông thấy Ánh có cử chỉ và ngôn ngữ khôn ngoan cương quyết không ngờ. Ông gặng hỏi:
- Ánh! Tại sao Ánh không được yêu tôi? Hay là Ánh đã có người yêu rồi?
Con ở vẫn nghiêm nét mặt:
- Dạ không phải.
- Thế thì tại sao?
- Ông là người trí thức, chắc ông hiểu nhiều.
- Tôi thực không hiểu.
- Xin ông tha lỗi tôi phải đi ủi đồ, khuya rồi, ông Năm bà Năm sắp về...
- Hai em tôi dẫn các cháu đi xem xinê, 12 giờ khuya mới về.
Nhưng Ánh không muốn nói chuyện nữa. Ánh đi thẳng lên phòng giữa, ngồi lặng lẽ tiếp tục ủi đồ, làm công việc bỏ dở ban nãy.
Ông Ngọc Minh đến ngồi cạnh Ánh:
- Ánh à, tôi muốn biết rõ tại sao Ánh không được tự do yêu tôi, trong lúc tôi thiết tha yêu Ánh?
- Thưa ông, tôi chỉ là đứa đầy tớ, tôi đâu có quyền được yêu một người ở giai cấp giàu sang, một bậc trí thức thượng lưu.
- Tôi không cần giai cấp. Tôi không phân biệt giai cấp. Tôi chỉ biết Ánh là một thiếu nữ như tất cả các thiếu nữ khác. Ánh lại có tư cách đứng đắn, ngôn ngữ đoan trang, nết na hiền lành, và Ánh có đi học, đã ở Đệ-Tứ. Ánh có học thức, chỉ tại vì số phận quá hẩm hiu cực khổ nên Ánh phải đi ở mướn tạm một thời gian thôi. Tôi biết rõ hoàn cảnh của Ánh lắm chớ!
Ánh ngạc nhiên ;
- Tại sao ông biết?
- Tháng bảy vừa rồi, bà cô của Ánh đến thăm Ánh trong lúc Ánh đi chợ, Ánh có nhớ không? Nhân vui miệng với em tôi, bà đã kể hết chuyện của Ánh cho em tôi nghe. Ngồi ở phòng khách tôi được nghe rõ cả. Do đó, tôi được biết rằng ba má của Ánh là người lao động ở một ngõ hẻm xóm An Bình. Hồi nhỏ Ánh đi học đã được thầy thương bạn mến, vì Ánh học giỏi và hạnh kiểm tốt nhất trong lớp. Ánh đã đổ bằng tiểu học và học đến lớp Đệ Tứ thì ba của Ánh chết vi tai nạn lao động trong xưởng máy. Ánh phải thôi học, kiếm việc làm ở đâu cũng chưa được nên phải ở nhà giúp đỡ mẹ Sau, Ánh đi bán hàng ở cầu Muối. Mẹ Ánh thì làm công trong một hãng thuốc lá. Rồi hai năm sau mẹ Ánh tái giá, gặp phải người chồng lưu manh, chỉ cờ bạc rượu chè, và giao du với bọn đàng điếm. Nhiều lần cha ghẻ bắt ép Ánh đi làm nghề mãi dâm do y kiếm mối. Ánh cự tuyệt và hai lần phải bỏ nhà trốn đi đến nhà bà cô.
Ánh muốn học đánh máy chữ để dễ kiếm việc làm, nhưng không có tiền. Ánh phải gánh nước thuê ở xórn Bàn Cờ. Rồi có lần Ánh nhớ mẹ, về thăm mẹ thi mẹ Ánh đi vắng, người cha ghẻ khốn nạn lại ép buộc Ánh làm nghề mãi dâm. Ánh cương quyết không chịu liền bị y đánh đập tàn nhẫn đến đỗi lổ đầu sưng mặt. Người cha ghẻ vũ phu, vô lương tâm, đạp Ánh té nhào xuống cạnh, chum nước, Ánh nằm bất tỉnh, tưởng như chết rồi. May nhờ hai bà hàng xóm kêu xe chở Ánh vào nhà thương. Ở bệnh viện ra, Ánh không về nhà cha ghẻ nữa, trốn đến nhà bà cô ở ngõ hẻm Bàn Cờ. Từ đó Ánh đi ở mướn để kiếm tiền độ thân. Ánh xem, tôi biết rõ hoàn cảnh rất đau khổ của Ánh như thế đấy. Vì lẽ đó mà tôi đem lòng thương Ánh và yêu Ánh.
Ánh ngồi ủi đồ, hai dòng nước mắt lặng lẽ trào ra trên đôi má hồng, âm thầm rơi xuống áo.
Ông Ngọc Minh khẽ hỏi:
- Những điều bà cô của Ánh kể lại như thế có đúng không, Ánh?
Ánh ngưng bàn ũi, gục đầu vào tường, khóc nức nở. Ông giáo sư bảo:
- Ánh à, với tôi Ánh không phải một kẻ ty tiện đâu. Tôi coi Ánh như một người bạn gái đau khổ, vì nghèo, phải, chỉ vì NGHÈO, mà chịu cảnh lầm than cực nhọc! Tôi không có quan niệm giai cấp. Tôi chỉ có quan niệm LÀM NGƯỜI. Cho nên tôi thành thật đem lòng yêu Ánh, và tôi muốn giúp đỡ Ánh tìm hạnh phúc mà mọi người đều có quyền được hưởng, mọi người đều phải có, không phân biệt ở từng lớp nào, không chia ranh giới một giai cấp nào. Ánh có tin lời nói của tôi không?
Ánh càng khóc, nước mắt càng chảy ràn rụa.
Ông Ngọc Minh xúc động, âu yếm hỏi:
- Ánh à, nếu tôi thành thật muốn cưới Ánh, thì Ánh nghĩ sao?
Ông Ngọc Minh hỏi đi hỏi lại ba lần, Ánh chỉ khóc mà không trả lời. Ông hỏi nữa, Ánh lau nước mắt, khẽ nói:
- Thưa ông, ông có lòng tốt nói vậy, nhưng tôi đâu dám nhận.
- Tại sao?
- Tại vì tội là một đứa ở. Tôi là hạng người hèn hạ như ông thấy.
- Tôi đã nói với Ánh rằng tôi không nghĩ như thói thường nhiều người đã nghĩ. Quả thật trong xã hội có những thành kiến giai cấp quá vô lý, nhưng tôi sẽ tỏ cho mọi người thấy rằng, không giai cấp nghèo và giàu, không có giai cấp tư bản và vô sản, mà chỉ có giai cấp lương thiện và bất lương, chỉ có giai cấp quân tử và tiểu nhân, chỉ có giai cấp cao thượng và đê tiện, chỉ có giai cấp ở phẩm giá của con người mà thôi. Trước mắt tôi, một thiếu nữ nghèo nàn mà tính tình cao đẹp như Ánh, có tư cách đứng đắn, đoan trang như Ánh, là đáng quí, đáng trọng hơn một tiểu thơ khuê các Ở nhà cao cửa rộng, đi xe hơi Mỹ, mà tính tình bất hảo, tư cách đê tiện, phẩm giả hèn hạ. Tôi đánh giá trị con người không phải với những hào nháng bề ngoài của vật chất, mà với giá trị tinh thần và đạo đức.
- Thưa ông, ông nói thế chớ làm sao xóa bỏ những thành kiến giai cấp cho được? Tôi đã nói, tôi không được tự do, bởi tôi bị ràng buộc trong thành kiến giai cấp. Tôi ít học, tôi chỉ thấy thực tế đời người trong xã hội, cho nên tôi đâu dám mơ tưởng đến danh vọng cao xa.
- Nhưng tôi yêu Ánh, tôi muốn chánh thức cưới Ánh làm vợ, tức là tôi muốn phá tan những thành kiến bất công.
- Tôi xin lỗi ông, dù ông thực lòng thương tôi chăng nữa, tôi cũng xin thành thật cảm ơn tấm lòng quá tốt của ông, nhưng thật tình tôi không dám nhận. Bởi lẽ gia đình của ông và xã hội thượng lưu của ông, vẫn khinh bỉ tôi, vì họ chì thấy tôi là một đứa đầy tớ, con gái của một người cu li đi làm thuê ở mướn. Thưa ông, tôi hiểu như thế cho nên tôi phải giữ giá trị của tôi. Thà rằng tôi cam phận tôi đòi, một ngày kia tôi có lấy người chồng cu li chăng nữa, cũng không ai khinh tôi được. Tôi tuy là ít học nhưng tôi cũng biết gìn giữ danh giá của một người con gái. Tôi vẫn thường nghe người ta nói rằng tình yêu không có giai cấp, nhưng tôi phải tự biết thân phận tôi ở một địa vị hèn hạ, thấp kém mọi bề, tôi đâu có tham vọng lớn lao.
- Nhưng một khi tôi yêu Ánh, thì Ánh có quyền yêu tôi chớ. Ánh có quyền tỏ cho mọi người thấy rằng một cô gái nghèo cũng có thể là một người vợ tốt, một người mẹ hiền, một phụ nữ xứng đáng trong xã hội.,. Tôi đã nói những ý nghĩ của tôi cho Ánh nghe, tôi mong Ánh suy nghĩ, và hiểu lòng tôi. Tôi mong Ánh sẽ đồng ý với tôi, và Ánh đừng tưởng rằng tôi muốn ve vãn Ánh để làm trò chơi, hoặc lừa gạt Ánh như một kẻ trưởng giả bất lương. Không phải vậy đâu Ánh à. Tôi thật lòng yêu Ánh và muốn lấy Ánh làm vợ, công khai trước gia đình và xã hội. Thôi tôi lên lầu... Ánh suy nghĩ, và mai mốt Ánh trả lời cho tôi biết nhé. Tôi tha thiết chờ đợi câu trả lời của Ánh.
Ông Ngọc Minh chúc Ánh ngủ ngon đêm nay, rồi ông thong thả bước lên lầu. Ánh điềm nhiên ngồi ủi đồ. Một đống áo quần của gia đình bà Năm, Ánh giặt từ lúc sáng sớm, phơi cả ngày, rồi bắt đầu ủi từ lúc chín giờ tối sau khi dọn rửa chén bát, đến bây giờ mới gần hết. Đồng hò treo trên tường điểm mười một tiếng đã lâu. Một cây đèn nê ông gắn trên trần nhà chiếu một ánh sáng xanh dịu xuống căn phòng khá rộng, nơi đây dựng một tủ lạnh, một tủ chứa đồ vặt, và một bao gạo, một xe mô tô, một bàn máy may, một tủ đựng đồ chơi cho hai đứa con của ông Năm, bà Năm, là em rể và em gái của ông giáo sư Ngọc Minh. Ông Năm làm chủ sự trong một văn phòng Bộ trưởng với ông giáo Minh đều là công chức vào hàng thượng lưu và trung lưu, bậc ‘‘ông’’ chớ không phải là bậc ‘‘thầy’’ theo thủ tục giai cấp ở miền Nam.
Đây là căn nhà giữa, thông qua phòng ăn và phòng khách ở phía trước và nhà bếp ở phía sau. Nơi đây, con ở thường ủi đồ hoặc may vá, làm các việc lặt vặt.
Vợ chồng bà Năm kêu con ở bằng ‘‘nó’’, gọi nó là ‘‘Con Ánh’’. Hai đứa con bà gọi bằng ‘‘Chị Ánh’’. Riêng ông Ngọc Minh thì gọi thân mật bằng tên: ‘‘Ánh’’. Phòng ngủ của Ánh ở kế bếp, có cửa nhưng chật, vừa đủ kê một chõng tre, một bàn con và treo một ngọn đèn mười lăm nến mù mờ, Ánh tuy là đứa đầy tớ đi ở mướn cho gia đình bà Năm mỗi tháng sáu trăm đồng bạc lương, nhưng với tuổi mười chín, Ánh có thân hình nở nang tuyệt đẹp và sạch sẽ, lễ phép, nhu mì. Ông Ngọc Minh góa vợ đã cảm mến Ánh và yêu Ánh thành thật, hay là chỉ mê sắc đẹp ‘‘con nhỏ ở’’ rồi tìm cách lợi dụng, quyến rủ nỏ, như trăm nghìn ông chủ nhà khác đã tư tình với con ở, lừa gạt lấy con ở cho có chửa rồi tống cổ nó ra khỏi nhà? Ông giáo sư Ngọc Minh có thật yêu Ánh hay không, chỉ có lương tâm ông biết mà thôi. Nhưng có điều chắc chắn là làm vinh dự cho ông, là ông không bao giờ khinh khi người nghèo. Thật sự, ông không hề có thành kiến giai cấp và giả sử ông có thật lòng yêu Ánh thì chắc vì hoàn cảnh xót xa đau khổ của Ánh, vì tư cách đứng đắn của Ánh, chứ không phải hoàn toàn vì nhan sắc diễm kiều của cô gái đang tuổi dậy thì. Ông đã lén lút nhiều lần tìm cơ hội để chuyện trò với con ở. Nhưng không có dịp nào ông được toại nguyện cả, vì Ánh cứ tìm cách thối thoát và trốn tránh ông hoài. Ánh không tàn nhẫn đâu, trái lại Ánh rất lễ phép, dịu dàng nhưng Ánh cũng rất cương quyết và khéo léo chối từ. Đã nhiều lần ông muốn tặng Ánh một vài món tiền khi hai trăm đồng khi năm trăm đồng, nhưng không lần nào Ánh nhận. Ánh nhã nhặn cám ơn ông mà không bao giờ Ánh cầm lấy những tờ giấy bạc mới tinh của ông âu yếm trao tặng Ánh.
Một hôm đầu tháng lương ông Ngọc Minh có mua một chiếc đồng hồ đeo tay của phụ nữ đáng giá gần ba ngàn đồng. Thừa lúc cơm trưa xong, vợ chồng ông chủ sự đã lên lầu, ông Ngọc Minh lẻn xuống bếp đưa cho con ở và nói thầm với nó:
- Tôi tặng Ánh chiếc đồng hồ này làm kỷ niệm.
Nhưng Ánh khẽ bảo ;
- Thưa ông, ông thật có lòng cao quí, tôi xin đa tạ ơn ông. Nhưng tôi không dám nhận.
- Tại sao Ánh không nhận? Tôi thành thật tặng Ánh đây mà.
- Dạ, xin cám ơn ông. Nhưng tôi ít có dịp dùng đến đồng hồ.
- Tôi đã mua nó để tặng Ánh, có hóa đơn đề tên của Ánh đấy. Ánh nhận món quà kỷ niệm nầy cho tôi vui lòng.
- Dạ thưa ông, tôi không dám. Nhưng tôi rất cảm ơn lòng tốt của ông.
Ánh đi rửa chén bát. ông Ngọc Minh khẽ nắm lấy cánh tay con ở, cánh tay trắng nõn nà, xinh xắn làm sao! Nhưng Ánh nghiêm nghị ngó ông:
- Thưa ông, xin ông buông cháu ra!
Ông Ngọc Minh vội buông tay Ánh:
- Tôi chỉ muốn đeo chiếc đồng hồ vào cổ tay của Ánh.
Ánh rưng rưng nước mắt, không trả lời, vội vàng ngồi xuống rửa bát đĩa. Vừa có tiếng guốc lóc cóc của bé Ân từ trên lầu đi xuống, đứa con trai đầu lòng sáu tuổi của bà Năm. Ông Ngọc Minh vội vàng bỏ chiếc đồng hồ vô duyên vào túi áo, với tấm giấy hóa đơn đề tên Lê thị Ánh. Ông bước lẹ lên nhà giữa. Bé Ân vừa xuống đến nơi, hỏi:
- Cậu Hai không lên nghỉ, cậu Hai? Cậu Hai làm gì dưới này, cậu Hai?
Ông Ngọc-Minh bẽn lẽn, hỏi lại nó:
- Con chưa ngủ trưa à?
- Thưa cậu Hai, má con bảo con xuống mời cậu Hai lên nghỉ.
- Ờ, cậu Hai lên đây. Nãy giờ cậu Hai còn uống nước.
Chú bé âu yếm nắm ngón tay ông Ngọc Minh:
- Sao cậu Hai uống nước lâu vậy cậu Hai?
Ông Ngọc Minh kề tai khẽ bão cháu:
- Cậu hai đau bụng, chưa muốn lên lầu con à.
Lên đến lầu, bé Ân chạy lật đật lại má:
- Má ơi, cậu Hai đau bụng, má à.
Bà Năm tưởng thật, hỏi anh:
- Anh đau bụng hả, anh Hai?
Ông Ngọc Minh không biết nói sao, chỉ đáp thon lỏn một tiếng:
- Ừ.
Rồi ông sang phòng riêng của ông, đóng kín cửa lại.
Mặc dầu ông đã bị Ánh từ chối không nhận đồng hồ, tiền bạc và tình yêu của ông. Ông Ngọc Minh vẫn cứ đeo đuổi mãi cái bóng mơ thấp thoáng của cô nữ sinh nghèo nàn đau khổ, vì hoàn cảnh khắt khe phải đi làm con ở...
Ánh yêu kiều duyên dáng trong bộ quần áo bà ba sạch sẽ gọn gàng, ẩn hiện những đường cong tuyệt mỹ, những nét mơ uyển chuyển đào tơ.
Đêm nay, vợ chồng ông Năm dẫn hai đứa con đi xem chớp bóng.
Đáng lẽ, ông Ngọc Minh cũng đi, nhưng sau bữa cơm tối ông khước từ, viện lẽ hôm nay đau bụng. Bà Năm định bảo chồng ở nhà để tối mai anh hết đau bụng sẽ cùng đi đông đủ cho vui.
Nhưng lúc sáng sợ hết chỗ ông Năm vào sở đưa tiền nhờ người tùy phái đi mua trước ba vé. Bà Năm ra đi với chồng mà trong lòng không vui. Bà khẽ bảo chồng.
- Dạo nầy, sao anh Hai cứ đau bụng hoài, mình nhỉ?
Ông Năm cũng vô tình đáp:
- Ừ, phải bảo anh Hai ngày mai đi bác sĩ, để họ khám xem, lỡ ảnh có đau bao tử chăng?
Vợ chồng ông Năm ra đi được ba mươi phút, Ánh đang ủi đồ, thì ông Ngọc Minh đủng đỉnh mang dép từ trên lầu xuống, đến ngồi cạnh con ở để tỏ niềm tâm sự như các bạn đã thấy...
Ánh vừa ủi đồ, vừa khóc. Hai dòng lệ âm thầm rơi xuống áo, Ánh đã lau hai ba lần nhưng vẫn trào ra,, như tràn ngập cả trong tim. Ánh thầm trách người cô của Ánh sao đem chuyện đời tư đau đớn nhục nhã của Ánh nói cho gia đình bà chủ nghe làm chi? Ánh đã muốn quên dĩ vãng đầy nước mắt, và lo công việc đầy đủ cho người ta để rán dành dụm chút ít tiền làm vốn. Công việc trong nhà rất nhiều, một mình Ánh làm hết, cả ngày lui cui làm mãi, tối đến có khi 12 giờ mới được đi ngủ, Ánh mệt nhoài người, không còn rãnh trí để nhớ mẩu đời rất buồn thảm đã qua. Ánh còn muốn thời gian làm xóa nhòa mau hết những kỷ niệm chua xót ấy. Còn hiện tại và tương lai của Ánh, một nữ sinh nghèo khổ bơ vơ đem thân đi làm tôi mọi cho người hơi đâu mà nghĩ đến! Nghĩ đến làm chi cho tủi phận buồn duyên!
Nhưng tối nay, bỗng dưng ông Ngọc Minh vô tình nhắc lại quãng đời của Ánh đầy gian truân sầu hận, khiến Ánh càng đau khổ xót xa hơn, Ông giáo sư chỉ nghe người cô của Ánh mách lẻo một câu chuyện làm quà, ngờ đâu vì câu chuyện ấy mà ông giáo lại đem lòng yêu quí Ánh, không kể Ánh là kẻ tôi tớ ở thành phần hạ cấp.
Nhưng Ánh không tin rằng ông Ngọc Minh thực lòng yêu Ánh như ông đã nói. Đã nhiều lần ông lén lút gia đình em gái ông, tìm Ánh để tỏ tình thiết tha với Ánh lắm. Thường ngày Ánh cũng nhận thấy ông giáo sư là người rất đàng hoàng hiền lành, lịch sự và có lẽ ông thương hại hoàn cảnh của Ánh chăng. Nhưng nói rằng ông yêu Ánh bằng một tình yêu chân thật đậm đà thì làm sao Ánh dám nhận lãnh một mối tình ngang trái giữa một ông chủ với một con ở, giữa một bậc trí thức giàu sang với một thiếu nữ ty tiện con nhà lao động, đi ở làm thuê? Ánh cho rằng chẳng qua ông Ngọc Minh trông thấy Ánh có khuôn mặt trái xoan đều đặn, cặp mắt huyền ảo lạnh lùng mà Ánh đã từng nghe nhiều bạn gái trầm trò khen ngợi lúc Ánh hãy còn đi học trường Gia Long, cặp mắt mà nhiều lần chính ông Ngọc Minh cứ nhìn đê mê khiến Ánh ngượng ngùng khó chịu. Phải chăng ông Ngọc Minh đã say mê đôi má ửng hồng của Ánh mơn mơn đào tơ và thân hình của Ánh nở nang uyển chuyển, cho nên cứ theo rủ rỉ những lời tình tự với Ánh? Ánh nghĩ rằng có thể ông Ngọc Minh cảm sắc đẹp của Ánh mà dùng lời đường mật để quyến rũ Ánh như bao nhiêu người đàn ông khác, thế thôi.
Nhưng tại sao tối nay ông Ngọc Minh, và lần này Ánh nhớ là lần thứ ba từ khi Ánh mới đến làm công ở nhà ông, ông lại nói đến vấn đề tình yêu không giai cấp? Đành rằng tình yêu không phân chia giai cấp, nhưng ông có địa vị cao sang thì ông yêu ai mà chả được? Hiếm gì các cô gái trẻ đẹp, học giỏi, nhà giàu, sao ông không yêu, ông lại yêu một đứa ở tồi tàn? Nghe ông nói thật là hay như trong tiểu thuyết vậy, nhưng ngoài đời thực tế làm gì có một tình yêu chân chính giữa hai cấp bậc trong xã hội hoàn toàn trái ngược nhau như thế?
Không! Nên tránh ông Ngọc Minh thì hơn.
Ánh nghĩ thế. Ánh không nên để cho ông giáo sư đeo đuổi mãi một mối tình vô lý. Ánh đã từ chối nhiều lần những món quà cũa ông cho. Ánh đã cự tuyệt nhiều lần những cử chỉ bồng bột của ông. Ánh nhất định phải cương quyết giữ vững thái độ ấy, để tự ông sẽ có ngày chán nãn và đì tìm tình yêu khác hợp cảnh, hợp tình, hợp lý hơn.
Ánh ủi gần hết đống đồ thì có tiếng gia đình bà Năm đã về. Cửa ngoài không khóa. Hai đứa nhỏ xô cửa vào trước. Bà Năm và ông Năm vào sau.
Ánh vẫn ngồỉ yên ủi đồ. Bé Ân dắt em leo cầu thang lên thẳng lầu. Ông Năm đóng cửa nhà ngoài xong cũng đi lên lầu. Bà Năm còn vào căn nhà giữa. Ánh lễ phép chào:
- Thưa ông bà đi coi hát đã về.
Bà Năm ngỏ bốn đống quần áo đã ủi và sắp xếp tử tế, để riêng từng đống đồ của bà, của ông Năm, của ông Ngọc Minh, và của hai chú bé. Còn năm sáu cái áo sơ mi và quần của bé Ân chưa ủi hết. Bà hỏi Ánh ;
- Khuya rồi mà mầy ủi chưa xong à?
- Thưa bà gần xong rồi.
Ngó đầu tóc con ở hình như bị bù rối, cặp mắt như muốn sưng, và nét mặt có vẻ buồn rầu, không được tự nhiên và không vui như mọi khi, bà hỏi:
- Ông Hai đã đi ngủ chưa?
Ánh điềm nhiên đáp:
- Dạ, thưa bà, em ủi đồ dưới nầy, em không được biết ạ?
Bà Năm làm thinh quày trở ra phòng ăn, lên lầu. Ánh ủi vội vàng, không suy nghĩ gì nữa. Nhưng Ánh đâu có biết rằng bà Năm đã nghi ngờ ông anh cả bà hình như có tình tự gì với Ánh. Bà nghi đã lâu rồi, do thái độ của ông anh từ mấy tháng nay có hơi thay đổi bí mật đối với ông, nhưng đâu có bí mật được với cặp mắt tinh ranh của cô em gái ông.
Bà Năm chỉ hoài nghi thôi, chứ thật ra, bà không có lần nào bắt gặp anh bà tình tự với con ở. Thỉnh thoảng, bà rầy la với những câu tàn nhẫn, hoặc bất công, thì đợi khi vắng Ánh, ông Ngọc Minh khẽ bảo em nên cư xử dịu dàng với đứa ở. Bà Năm đã không chịu nghe lời phải và còn giận anh sao lại bênh con ở. Tối nay ông Ngọc Minh không đi xem chớp bóng, bà cũng giận và nghi ngờ ông muốn ở nhà một mình với Ánh. Kể ra thì bà Năm nghi cũng đúng thật đấy, nhưng vì đó mà bà lại hay kiếm cớ gắt gỏng với con ở của bà.
Ánh thức khuya ủi đồ, bà Năm đã không thương Ánh làm mệt nhọc suốt ngày cho đến 12 giờ đêm, bà lại còn rầy Ánh sao khuya rồi mà chưa ủi đồ xong. Ánh sực nhớ quãng đời đau khổ vừa qua, mà ông Ngọc Minh nhắc lại lúc ban nãy. Ánh còn thấy bao nhiêu mỉa mai chua xót của số kiếp một nữ sinh nhà nghèo đi ở mướn!
Ánh ủi đồ xong, tắt đèn phòng giữa, đi xuống buồng riêng của Ánh ở cạnh bếp, để ngũ. Đồng hồ đã điểm một giờ khuya.
Nhưng Ánh nghe tiếng bà Năm từ trên lầu gọi vọng xuống:
- Ánh! Đun nước sôi pha cà-phê!
Trong buồng ngủ tối om, Ánh vừa đặt lưng trên chõng tre chưa được năm phút, đã ngồi dậy, đáp:
- Dạ.
Ánh bật đèn bếp, thổi lửa bếp để đun nước. Trong khi đợi cho nước sôi, Ánh đứng chụm thêm mấy que củi, đầu óc nghĩ vẩn vơ đến thân phận của mình... Tự dưng Ánh nhớ lại một vài kỷ niệm của thời nữ sinh ngây thơ vô tư lự.
Ánh trở vào buồng, lấy gói vải xanh trong đó có đựng tất cả gia tài của Ánh ; ba bộ áo quần bà ba và ít đồ lặt vặt. Ánh ôm gói ra bếp, lấy tờ nhật trình cũ lót trên bàn, để cái gói lên và mở gói soạn đồ đạc ra coi lại. Ánh rút một quyển học bạ bìa xanh đã cũ của Ánh học ở trường Gia-Long. Học bạ ghi rõ từ lớp Đệ-Thất lên lớp Đệ-Tứ, mỗi năm mỗi lớp. Lớp nào Ánh cũng được đứng hạng nhì, hạng ba, và được các cô giáo- và bà Hiệu-trưởng khen:
- Rất chăm chỉ.
- Siêng năng và rất thông minh.
- Hạnh kiểm tốt.
- Có biệt khiếu về môn vẽ, và thêu,
- Học mau tấn tới. Rất chuyên cần. Nhiều triển vọng- về Việt-văn, Sinh ngữ.
- Nhiều cố gắng, và tiến bộ vê tất cả các môn.
- Rất ngoan.
Và sau cùng, cuối năm Đệ-Ngũ được bà Hiệu-trưởng khen:
- Người nữ sinh giỏi nhất trong lớp về học lực cũng như về hạnh kiểm. Cô thiếu nữ này sẽ có tương lai rực rỡ, đầy hứa hẹn, nếu cô có điều kiện tiếp tục sự học đến nơi đến chốn.
Riêng lớp Đệ-Tứ, Ánh chỉ học được mấy tháng rồi phải thôi, má Ánh không cho học nữa.
Ánh mỉm cười chua chát, nghĩ thầm: ‘‘Tội nghiệp cho cựu nữ sinh Gia-Long! Đứng trước bếp lửa sáng bừng nầy, nó thấy cái tương lai của nó quả thật ‘‘rực rỡ’’ làm sao! Bà Hiệu-trưởng và mấy cô giáo, mấy thầy giáo của Ánh, có biết đâu ngày giờ này đứa nữ sinh ‘‘rất ngoan’’ rất ‘‘thông minh’’, ‘‘đầy hứa hẹn’’ của họ chỉ làm một con đầy tớ, một giờ khuya còn nấu nước sôi để pha cà-phê cho chủ!
Ánh tủi hổ, từ từ gấp học bạ cất lại dưới mấy chiếc áo quần cũ. Ánh coi đến một quyển ‘‘lưu bút ngày xanh’’ của bạn gái cùng học một trường với Ánh, viết một bài với một tấm ảnh dán nơi đầu trang... Đây là Trần-thị- Huệ... chị nầy đã đỗ lấy hai bằng Tú-Tài, bây giờ đang học Đại - học Sư - phạm, nhờ cha mẹ làm công chức có tiền. Đây là Lan-Phương, bây giờ làm thư ký đánh máy trong một tư sở. Đàv là Ngọc- Quỳnh, con nhà xuất nhập cảng, được cha mẹ cho đi học ở ngoại quốc.
Đây là con Minh, học dở nhứt trong lớp, lười biếng nhứt, lại lẳng lơ trơ trẽn, nhưng nhà nó giàu. Nghe nói nó đã có chồng làm chủ nhà máy cưa ở Biên-hòa...và Túy-Phượng, bạn thân nhất của Ánh, nhưng ba má nó có thế lực, nó được xin phép vào học trường Marie Curie.,.
Mấy chị ấy học kém hơn Ánh, nhưng nhờ hoàn cảnh, mấy chị đã tiến thân được vẻ vang, nhiều ‘‘hứa hẹn’’ và ‘‘tương lai rực rỡ’’ thật sự. Còn Ánh! Ánh nay là đứa đầy tớ! Chỉ vì cha mẹ Ánh là dân lao động, vì cha Ánh chết, mẹ Ánh đi bán hàng rong, cha ghẻ Ánh là tên vô loại! Ánh trơ vơ một thân trơ trọi, nghèo xác xơ không bạc tiền, không nơi nương tựa, sống khổ cực, sống nhục nhã, sống tuyệt vọng, không có ngày mai!
Từ trên lầu lại có tiếng bà Năm gọi:
- Nước đã sôi chưa, Ánh? Sao lâu vậy mậy?
- Dạ, thưa bà, nước vừa mới sôi ạ.
Ánh cất tập ‘‘lưu bút ngày xanh’’ vào trong gói quần áo, vội vàng xách ấm nước sôi lên lầu.
Một lúc sau, Ánh trở xuống bếp, cột cái gói lại định đem cất để đi ngủ. Ánh vừa chợt thấy một mảnh giấy rơi dưới chân bàn. Ánh cúi xuống lượm: bức thư của người bạn trai đã gởi cho Ánh từ lâu. Ánh mở ra coi lại. Đây là thư của Hoàng, người bạn cùng lớp, hồi còn học chung dưới mái trường tiểu học Chợ Quán.
Hoàng cũng con nhà lao động, cha làm tùy phải ở một sở nhà nước, lượng tháng không quá một ngàn đồng. Khi Ánh xin được vào trường Gia Long thì Hoàng đi học trường tư, và đỗ Trung học Đệ Nhất Cấp.
Sáu năm qua, dữ không! Để kỷ niệm khối tình ngây thơ và đầm ấm giữa Hoàng và Ánh chỉ mỗi trang thư nhầu nát nầy mà Ánh còn cất mãi!
Ánh mĩm cười, nhớ đến lúc Ánh với Hoàng cùng học trường Tiểu-học. Hai người thân nhau lắm. Nói rằng hai người đã ‘‘yêu’’ nhau thì không phải, vì hồi đó Ánh mới mười sáu tuổi, Hoàng mười bảy tuổi, cả hai đều chăm chỉ học hành chẳng hề nghĩ đến tình yêu như các bạn trẻ đồng lứa và chưa biết yêu là gì. Cặp thiếu niên ấy cùng con nhà nghèo, cùng học giỏi và cả hai đều tính nết đoan trang, đã cảm thấy mến nhau, và tự nhiên quyến luyến nhau. Bức thư độc nhất của người bạn trai mà Ánh còn cất trong gói áo quần rách rưới đêm nay rớt bên chân Ánh, là bức thư không dài quá một trang, của Hoàng gởi cho Ánh hồi còn đi học, một hôm gần thi Ánh đau nặng phải xin phép nghỉ ở nhà ba ngày.
Ánh nhớ lại rõ ràng hôm ấy là chiều thứ Tư. Ánh nóng lạnh nằm trùm mền trong nhà. Tan học một hồi lâu thì Hoàng đến, thập thò trước cửa nhà Ánh mà không dám vào. Như thường lệ, giờ ấy má Ánh đi bán hàng rong ở chợ cầu Ông Lãnh chưa về. Trong nhà Ánh không có ai, Hoàng có thể vào thăm Ánh tự do. Nhưng ngày thường Hoàng cũng ít dám vào vì sợ gặp ba của Ánh. Hôm ấy, bà Ánh đi làm chưa về, nhưng Hoàng vẫn cứ lấp ló ngoài cửa một lúc mới chạy đại vào. Hoàng đến cạnh giường nơi Ánh đang nằm trùm mền, nhưng Hoàng không dám gọi Ánh. Hoàng lấy trong túi áo bức thư đã viết sẵn, khẽ nhét cạnh đầu nằm của Ánh, rồi vội vàng đi ra. Ánh nằm mê man, không hay biết gì cả. Mãi đến sáu giờ má Ánh về nấu cơm, Ánh đã bớt nóng, lóp ngóp ngồi dậy và gượng xuống bếp để giúp mẹ. Không ngờ Ánh trông thấy một mảnh giấy gấp làm tư nằm bên gối. Ánh ngạc nhiên mở ra coi, thấy một trang chữ đều đặn, nét chữ dễ thương của Hoàng.
Bức thư đầu tiên và cũng là bức thư độc nhất của người bạn trai hồi còn đi học lớp Nhứt trường Chợ Quán.
Đêm nay Ánh đọc lại, tủm tỉm cười vì giọng ngây thơ thành thật của người bạn trai mười bảy tuổi.
Ánh thân mến,
Sao ba ngày nay Ánh không đi học? Hoàng không dám đến nhà thăm Ánh, nhưng nghe chị Ngọc nói là Ánh đau, Hoàng buồn quá Ánh à. Trong trường mình, vắng bóng Ánh thì thấy buồn buồn làm sao! Tối hôm qua không học để đến thăm Ánh mà không dám vô, vì có ba Ánh ở nhà, Hoàng đi qua lại trước nhà Ánh ba bốn lần, ngó vô cứ thấy ông ngồi ghế coi nhựt trình hoài. Ánh đau sao mà lâu khỏi vậy? Hoàng cầu mong Ánh mau lành bịnh để đi học, chớ gần thi rồi! Ánh thì chắc đỗ, rán uống thuốc cho mau mạnh rồi đi học, Ánh nhé, trường vắng Ánh sao tôi không muốn học gì hết...
Chúc Ánh mau lành bệnh.
HOÀNG.
Đọc xong thư đã cũ nhèo từ sáu năm về trước, Ánh suy nghĩ, nét mặt buồn rầu, cúi xuống hôn bức thư.
Ánh rưng rưng nước mắt, nhớ lại người bạn học nghèo năm xưa. Hoàng thi đỗ Trung học Đệ Nhất-Cấp rồi đi học đánh máy chữ, tìm một chỗ để yên phần sinh kế. Cuộc đời người thiếu niên nghèo đâu còn có tham vọng nào cao xa hơn nữa được! Bao nhiêu cố gắng phấn khởi của tuổi thơ trong thời kỳ học tập đến đây là chấm dứt, để phải lăn mình vào đời sống thực tế, cam khổ lầm than của con nhà lao động.
Hoàng học khá nhất trong lớp, thi đỗ cũng đứng cao. Nhưng học giỏi mà làm gì? Đỗ cao mà chi? Ánh cũng thông minh, chăm chỉ, học đến Đệ-Tứ rồi ngày nay đi làm đầy tớ cho người ta để kiếm tiền độ thân, thì còn mong gì ‘‘tương lai’’ đầy hứa hẹn’’ như lời của bà Đốc trường ghi trong học bạ?
Hoàng còn xin được chút ít tiền của cha mẹ để học đánh máy. Ba tháng sau ra trường cũng bơ vơ thất nghiệp như bao nhiêu kẻ thanh niên nhà nghèo, lang thang trên vỉa hè đi tìm đường sinh kế! Ánh còn nhớ một buổi tối, Ánh đang ngồi bán hột vịt lộn và mực nướng trước rạp hát cầu Muối, bỗng Hoàng đi phất phơ qua đấy, nét mặt tiều tụy, nhưng đôi mắt thông minh sáng ngời, như lúc còn ở nhà trường với miệng cười chân thật, dễ thương, biểu lộ một tinh thần đầy lạc quan vui vẻ.
Hoàng dừng bước trước hai cái mẹt hàng của cô bạn cũ, bỡ ngỡ, chào:
- Ánh!
Ánh cũng bẽn lẽn chào lại, nhưng vui mừng lộ ra trên mặt;
- Anh Hoàng!...
- Ánh bán hàng, khá không?
- Khá gì đâu anh! Ngày lời được vài chục đồng... chán lắm, anh à,.. Còn anh, anh kiếm được chỗ làm chưa?
- Có bằng đánh máy, nhưng xin việc làm chưa được đâu hết.
Ánh chỉ một chiếc ghế trệt cạnh lò lửa than nướng khô mực, mời bạn:
- Anh Hoàng ngồi chơi.
Hoàng kéo ghế ngồi gần Ánh ;
- Ánh bán hàng như vầy có đủ sống không?
- Có bữa vừa đủ nuôi hai mẹ con, có bữa thiếu. Nhiều hôm ế lắm anh ơi! Em chán lắm!
- Còn hơn Hoàng ngày hai buổi vẫn ăn nhờ cha mẹ.
- Anh lo gì, có sẵn bằng cấp trong tay không sớm thì muộn anh cũng tìm được chỗ làm. Phần em thì có lẽ già đời phải ngồi bán hột vịt lộn với khô mực! Hai đêm nay bị mưa, ế hàng quá.
Hai người khách đến, hai anh phu xe cyclo đạp, để xe lên lề đường, kéo nhau lại chỗ Ánh và ngồi xuống chiếc ghế dài thấp, trước mặt cô;
- Bán hai đồng khô nướng với hai ly rượu đế cô Hai!
- Dạ.
Ánh niềm nở tiếp hai chú phu xe cyclo. Họ nâng ly uống một hớp rượu trắng, rồi xé một miếng mực nướng đưa vào miệng, nhai nhỏm nhẻm. Họ nói chuyện oang oang, giữa đám đông người toàn là bình dân ăn nhậu và cười nói ồn ào trước cổng rạp cầu Muổi.
Hoàng lặng lẽ ngồi ngỏ Ánh nướng mực. Hoàng không ngờ mới xa cách nhau chưa bao lâu mà người bạn cũ đã lớn hơn nhiều. Ánh đã mười chín tuổi, một cô gái đang tuổi dậy thì, sắc đẹp mặn mà, duyên dáng gấp mấy lần hồi còn xách cặp da đi học.
Ánh mặc áo bà ba trắng, quần đen, làn tóc huyền, chảy mướt xuống đến giữa lưng. Ánh đèn điện làm nỗi bật khuôn mặt trái xoan của Ánh với đôi mắt sầu mơ, tròng con ngươi đen lóng lánh, đôi má ửng đào tơ, bộ ngực nở nang vun vén, hai bàn tay mủm mỉm nỏn nà, trông Ánh thật là diễm lệ và trong trắng dịu dàng làm sao!
Hoàng ngồi lặng lẽ ngắm cô bạn học cũ nhà nghẻo mà cậu quý mến nhất. Ánh vẫn còn là người bạn thân yêu từ khi Ánh học trường Gia Long, Hoàng học một trường tư thục. Dù ít gặp nhau vì hoàn cảnh gia đinh, vì chăm lo học, đôi bạn trẻ vẫn nặng tình lưu luyến, âm thầm thương nhớ, chưa dám thố lộ cùng nhau.
Cho đến bây giờ, người đi bán hàng rong, kẻ lang thang thất nghiệp.
Hoàng nghĩ rằng nếu Ánh sinh trưởng trong gia đình giàu có, đời sống xa hoa, thì Ánh còn hơn xa gấp mấy lần các cô tiểu thư khuê các?
Ánh cũng nghĩ rằng nếu cha mẹ Hoàng có tiền của, Hoàng được đi học đến nơi đến chốn, thì Hoàng đâu có kém gì các bậc trí thức thượng lưu? Chỉ vi cảnh nghèo khổ đã giam hãm một trang thanh niên tuấn tú trọng vọng lẩn quẩn của sinh kế, nên bây giờ chàng mới bị cảnh thất nghiệp, lang thang ngày tháng đi kiếm không ra một việc làm!
Còn Ánh thì cũng chả hơn gì! Cả vốn liếng chỉ có một rổ hột vịt lộn với một mớ rau răm, vài chục con mực nướng. Bán từ trưa đến khuya Ánh kiếm giỏi lắm là ba chục đồng bạc lời, tạm đủ nuôi sống thân gái nghèo, và giúp đỡ mẹ già.
Hai anh phu xe cyclo ăn hết hai con khô mực và uống cạn hai ly nhỏ rượu trắng, vừa nói chuyện lè nhè - trong hai mươi phút đồng hồ, rồi móc túi lấy ra 5 đồng bạc nhèo nát đưa cho Ánh. Ánh nhét dưới thúng không cần đếm lại. Trời sắp đổ mưa. Lúc đầu còn lác đác rơi vài hột, nhưng Hoàng nhìn lên trời thấy một vòm mây đen nghịt. Gió ào ạt thình lình thổi mạnh, lay chuyển các ngọn cây hai bên đường. Lá rụng tơi bời, bay xào xạc dưới ánh đèn. Hoàng giúp Ánh vội vả thu dọn hết gánh hàng vào núp tạm trong hè rạp hát. Mưa xối xuống như nước lũ. Trong chốc lát hai bên đường nước ngập tràn không kịp chảy xuống cống. Mưa ào ào không ngớt. Đường phố vắng teo không một bóng người. Bao nhiêu khách bộ hành bị mắc mưa thình lình đưa nhau chạy núp mưa, đông nghẹt hai bên hè phố.
Hoàng và Ánh bị đám đông dồn ép hai bên, phải đứng sát vào nhau. Ánh bẽn lẽn, lần đầu tiên đứng sát vào cạnh một người con trai, người ấy lại là Hoàng, Hoàng cũng mắc cở, muốn đứng xê ra một tý. Nhưng đám người đụt mưa cứ lấn áp mãi không còn chỗ quậy cựa được nữa. Ánh thẹn thùng cảm thấy vai Hoàng và vai Ánh dựa kề nhau như thể truyền cho nhau một hơi ấm dịu dàng êm ái làm sao ấy...
Ngẫu nhiên bàn tay của Hoàng chạm vào bàn tay của người bạn gái, hai ngón tay của Hoàng hình như nắm lấy ngón tay út của Ánh. Ánh thấy tự nhiên rung động toàn thân thể. Vô tình, Ánh xoay ngó Hoàng, Hoàng cũng vừa quay lại... Hai làn điện chan hòa cùng nhau trong hai nụ cười và hai tia mắt. Cả hai đều im lặng
Rạp hát Cầu Muối đêm ấy diễn tuồng hát bội đặc sắc của bầu Thắng, bà con cô bác đi coi thật là đông. Trong rạp đã chật nứt khán giả, tại cơn mưa rào mà một số đông người thừa cơ hội lộn xộn ùa vào rạp không cần mua vé. Vì vậy, người ta đã phải đóng cửa rạp, không bán vé nữa. Số người say mê hát bội, đã dầm mưa từ nhà đến rạp để coi hát, đến đây họ thất vọng đành phải ở ngoài, chen lấn với đám đông người mỗi lúc mỗi chật thêm. Trong rạp, tiếng trống kèn inh ỏi, hòa lẫn tiếng mưa thành một cuộc hòa tấu lào xào, ào ạt lạ lùng.
Hai bà mập ù, mà Ánh nhớ mặt một bà là một tay đầu thảo chuyên sống về nghề góp hụi ngày ở chợ Ông Lãnh, bà thứ hai miệng nhai trầu nhỏm nhẻm, cười nói oang oang, vừa từ trong xe xích lô chui ra, bước lẹ xuống trước mặt Ánh, nhảy đại qua gánh hàng của Ánh và đứng chen vào giữa Ánh và Hoàng. Sự xâm lấn đột ngột và bất lịch sự của hai bà mập nầy làm nổi sóng trong đám đông người đụt mưa trên vỉa hè chật chội. Người đầu tiên bị lấn ra mưa là Ánh, Ánh bị ướt cả đầu tóc và áo quần, tức giận kêu lên:
- Bà nầy kỳ quá, sao bà xô tôi?
Hoàng liền nhảy ra mưa, nắm tay Ánh đỡ lên chỗ cũ.
Hoàng lấy cùi chỏ hất mạnh bà mập ra một bên để giành cho nàng. Nếu không bị vướng gánh hàng của Ánh, thì Hoàng xô bà mập ra ngoài mưa rồi. Nhưng bà mập bị cùi chỏ của Hoàng thúc mạnh vào hông, ngã vào bà bên cạnh, và những người đứng kế cận đều bị xô đẩy ngả nghiêng.
Tiếng phản đối và cãi nhau nhao nhao nổi lên, mọi người đều gây gỗ với hai bà mập vừa mới chen vào. Bà mập quay lại sừng sộ với Hoàng và tỏ vẻ hung hăng muốn đánh lộn với cậu. Hoàng chỏi lại không kém, nhưng Ánh nắm tay Hoàng khẽ bảo:
- Thôi anh! Nhịn là hơn, đừng nói gì hết.
Hoàng còn đang tức giận, bảo:
- Để tôi cho họ một bài học, kẻo họ làm tàng!
Ánh kề miệng vào tai Hoàng bảo nhỏ:
- Chỗ này chật quá, nếu đánh nhau với mẽ thì đổ hết gánh hàng của em. Một chút bớt mưa em về.
Hoàng nghe lời Ánh, không nói lại một câu trong khi mụ mập cứ cheo chéo cái mồm.
Trời Sàigòn không giống như trời ở các nơi khác. Lúc nắng thì nắng chang chang như thiêu, như cháy, lúc mưa thì ào ào trút đại hồng thủy xuống trần gian. Thành phố đang khô ráo, thiên hạ đang đi tấp nập ngoài đường, không có một báo hiệu gì là trận mưa sắp đổ. Bỗng dưng ông trời động cởn thổi một cơn gió, trút một trận mưa rào rào như muốn lùa trôi cả Sàigòn ra sông. Nhưng không lâu. Chỉ mười lăm phút hay nửa giờ sau cơn điên rồ tràn ngập, rồi trời tạnh mưa, không còn rơi rớt một hột nhỏ.
Hoàng ngó lên trời đã thấy lác đác năm ba ngôi sao. Đám người đục mưa đã lần lượt kéo ra đường, ung dung đi chơi, hoặc bu lại các gánh hàng quà. Ánh kề vai vào đòn gánh, mỉm cười bảo Hoàng:
- Em bán hết rổ hột vịt lộn và mấy con khô mực rồi em về.
Chương 1
Tiến >>
Đánh máy: Thanh Vân & Ct.Ly
Nguồn: Miền Nam xuất bản 1965
VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 8 tháng 12 năm 2019