CARMEN

prosper mérimée

dịch giả:tô chương

- I -

Người phụ nữ nào chẳng đắng như mật.

Song có hai trường hợp tỏ ra dễ thương:

trên giường cưới và trên giường chết.

PALAĐAT[1]

I

Từ lâu tôi vẫn ngờ rằng các nhà địa lý học không nắm vững điều họ nói, khi họ đặt chiến trường trận Munđa vào xứ sở của người Baxtuli Pêni, gần thành phố Munđa mới, cách Marbenla chừng hai dặm về phía bắc. Theo phỏng đoán của riêng tôi dựa trên văn bản của tác giả vô danh cuốn Benlom Hixpanienxơ, và dựa trên một vài tài liệu thu lượm được trong thư viện đặc sắc của công tước Oxuna, tôi cho là phải tìm ở quanh vùng Môngtila địa điểm đáng ghi nhớ của trận sống mái cuối cùng giữa Xêda và các chiến sỹ bảo vệ nền cộng hòa. Đầu mùa thu năm 1830, nhân đang ở Angđaludi, tôi đã đi một chuyến khá lâu để giải quyết những nghi vấn còn tồn tại đối với tôi. Tôi hy vọng bản luận án mà tôi sắp công bố sẽ xóa bỏ mọi điều nghi hoặc còn sót trong trí của tất cả những nhà khảo cổ thành thực. Trong lúc chờ đợi bản luận án của tôi giải quyết được vấn đề địa lý đang làm các nhà bác học châu Âu phân vân, tôi muốn kể các bạn nghe một câu chuyện nhỏ, câu chuyện ấy không quyết đoán trước điều gì đối với vấn đề lý thú về địa điểm thành Munđa cả.

Ở Corđu, tôi đã thuê một người dẫn đường với hai con ngựa, và bắt đầu xuất chinh, trong hành lý chỉ có cuốn “Bình luận của Xêda” và mấy chiếc sơ mi. Một hôm, trong khi lang thang trong vùng cao của đồng bằng Casêna, vừa mệt nhoài vừa khát nước đến chết, lại còn bị nắng gắt thiêu đốt, tôi chỉ muốn bỏ phăng Xêda và lũ con của Pompê, bỗng thấy cách khá xa con đường mòn tôi đang đi một bãi cỏ xanh rờn, điểm thêm cói lác và lau sậy. Cái đó báo trước cho tôi biết gần đấy có suối. Quả vậy, khi đến gần, tôi thấy nơi tôi tưởng là bãi cỏ thực ra là một bãi lầy có một dòng suối chảy vào, suối đó hình như bắt nguồn từ một khe núi hẹp, giữa hai ngọn hoành sơn cao vút thuộc rặng núi Xiera Carba. Tôi kết luận là nếu đi ngược dòng suối, tôi sẽ tìm ra nước mát hơn, ít đỉa và ếch nhái hơn, và biết đâu chẳng có chút bóng râm ở giữa những tảng đá. Đến lối vào khe núi, con ngựa của tôi hí lên, và một con ngựa khác ở đâu không rõ đáp lại ngay. Tôi vừa đi được độ trăm bước, khe núi đột nhiên mở rộng, làm tôi nhìn thấy một cái truông, hoàn toàn râm mát nhờ có những vách đá cheo leo cao vút bao quanh. Thực không thể tìm đâu được một chỗ nghỉ chân dễ chịu hơn cho du khách. Dưới chân những tảng đá đứng sừng sững, dòng suối vọt ra ngầu bọt và đổ vào một vũng nhỏ, ở đấy phủ một lớp cát trắng như tuyết. Năm sáu cây sồi xanh tốt mọc trên bờ suối, luôn luôn được kín gió và có nước tưới mát, phủ bóng rậm rạp trên dòng suối; và sau hết, quanh vùng, một thứ cỏ mịn bóng tạo thành một cái giường tốt hơn giường ở bất cứ quán trọ nào trong khắp mười dặm xung quanh.

Không phải tôi đã có vinh dự phát hiện ra nơi tốt đẹp đến thế. Một người đã nằm nghỉ ở đấy và chắc đang ngủ lúc tôi mới bước tới. Nghe tiếng ngựa hí, người ấy thức giấc, nhỏm dậy, và tiến đến gần con ngựa của mình, con vật đã lợi dụng lúc chủ ngủ để chén một bữa cỏ ngon lành ở xung quanh. Đấy là một chàng trai, dáng người tầm thước nhưng có vẻ cường tráng, và có đôi mắt nhìn rầu rầu và kiêu hãnh! Màu da anh trước kia có lẽ đẹp, nay đã rám nắng thành đen sạm hơn cả mái tóc. Một tay, anh nắm vòng cổ ngựa, còn tay kia, anh cầm một khẩu ét-panh-gôn[2]bằng đồng. tôi thú thật là thoạt đầu cây ét-panh-gôn và dáng bộ dữ tợn của người cầm súng làm tôi hơi giật mình, nhưng vì đã được nghe nhiều chuyện về trộm cướp mà chưa hề gặp bọn họ bao giờ, nên tối cũng không tin là có nữa. Vả lại, tôi đã từng thấy biết bao người chủ trại lương thiện, vũ trang thật đầy đủ để đi chợ, nên việc nhìn thấy một khẩu súng chưa cho phép tôi nghi ngờ tư cách của người lạ mặt. “Vả lại, tôi tự nghĩ, hắn ta lấy sơ mi và cuốn Bình luận Endevia của mình làm gì kia chứ?”. Cho nên tôi cứ ngả đầu chào thân mật người cầm ét-panh-gôn, và tôi mỉm cười hỏi anh xem tôi có làm mất giấc ngủ của anh không? Anh không trả lời, lừ mắt nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi hình như hài lòng về sự xem xét của mình, anh cũng quan sát kỹ lưỡng như thế người dẫn đường của tôi lúc ấy đang bước tới. Tôi thấy người này tái đi và đứng dừng lại, lộ vẻ kinh hãi rõ rệt. Cuộc gặp gỡ không hay rồi! Tôi nhủ thầm. Nhưng sự khôn ngoan lập tức khuyên tôi đừng để lộ vẻ lo ngại. Tôi xuống ngựa, bảo người dẫn đường tháo cương ngựa, rồi tôi quỳ xuống bên bờ suối, vục đầu và tay vào dòng nước; đoạn tôi nằm sấp uống một ngụm đầy, hệt như những anh lính bạt mạng của Ghêđêông.

Tuy nhiên, tôi vẫn để mắt quan sát người lạ mặt và anh dẫn đường của tôi. Anh này bước lại gần có vẻ bất dắcdĩ lắm, còn người kia xem ra không có ác ý gì đối với chúng tôi vì anh lại thả ngựa ra, còn khẩu súng lúc đầu anh cầm ngang, giờ đây đã chúc nòng xuống đất.

Thấy không cần giận về việc người ấy có vẻ coi thường tôi, tôi nằm dài trên cỏ và ung dung hỏi người cầm súng xem anh có bật lửa không? Đồng thời, tôi rút hộp xì-gà ra. Người lạ mặt vẫn không nói một lời lục túi lấy ra chiếc bật lửa và sốt sắng bật lửa cho tôi. Rõ ràng anh thuần đi, vì anh ngồi xuống trước mặt tôi, tuy vẫn không rời vũ khí. Điếu xì gà của tôi châm xong, tôi chọn điếu ngon nhất trong số còn lại và hỏi anh có hút không?

- Thưa ông, có, anh trả lời.

Đấy là những tiếng đầu tiên tôi được nghe anh ta nói, và tôi nhận thấy anh ta không phát âm chữ S theo kiểu Angđaludi, do đấy tôi đoán rằng anh cũng là một người đi đường như tôi, chỉ có điều là không phải dân khảo cổ mà thôi.

- Ông sẽ thấy thuốc này khá ngon, tôi vừa nói vừa đưa mời anh một điếu regalia chính cống La Havan.

Anh ta hơi nghiêng đầu, châm điếu xì gà của anh vào điếu thuốc của tôi, cám ơn tôi bằng một cái gật đầu nữa, đoạn anh bắt đầu hút có vẻ thích thú lắm.

- A! Anh ta vừa thốt lên vừa thong thả phả bụm khói đầu tiên ra bằng mồm và mũi, đã lâu lắm tôi không được hút thuốc.

Ở Tây Ban Nha, tặng và nhận của nhau một điếu xì gà là thiết lập quan hệ chủ khách, y như ở Đông Phương có tục chia bánh mì và muối vậy. Anh chàng tỏ ra ưa trò chuyện quá mức mong muốn của tôi. Vả lại, dù anh ta tự nhận là dân miền Môngtila, xem ra anh ta không biết mấy về miền này. Anh ta không biết tên cái thung lũng xinh đẹp mà chúng tôi đang nghỉ chân, anh không thể kể tên một làng nào ở vùng lân cận. Sau cùng, khi tôi hỏi anh có thấy ở quanh đây những bước tường đổ nát, những viên ngói rộng có bờ cao, những tảng đá chạm trổ không, anh thú thật rằng chưa bao giờ chú ý đến những thứ ấy. Trái lại, anh tỏ ra rất am hiểu về ngựa. Anh chê con ngựa của tôi, điều ấy không khó; đoan anh kể giòng giống con ngựa của anh vốn là một giống ngựa có tiếng ở Corđu: theo lời chủ nó, nó thực là con tuấn mã, dai sức đến mức có lần phi nước đại và nước kiệu lớn luôn ba mươi dặm đường trong một ngày. Đang nói thao thao, người lạ mặt bỗng nhiên dừng lại, hình như ngạc nhiên và bực mình vì đã nói quá nhiều. “A, mà tôi rất vội phải đi Corđu, anh nói tiếp, hơi lúng túng. Tôi phải đến gặp các quan tòa để xin giúp đỡ về một vụ kiện…” Vừa nói anh vừa nhìn Antôniô, người dẫn đường của tôi, lúc ấy đang nhìn xuống.

Bóng mát và dòng suối làm tôi hứng thú đến nỗi tôi nhớ đến mấy khoanh giăm bông hảo hạng mà các bạn tôi ở Môngtila đã bỏ vào trong đẫy của người dẫn đường. Tôi bèn bảo mang giăm bông ra, và mời người khách lạ dự bữa ăn nhẹ tình cờ ấy. Nếu từ lâu lắm anh chưa hút thuốc, thì xem ra anh cũng chưa ăn ít nhất là từ bốn mươi tám giờ rồi. Anh ta ngốn như một con sói đói. Tôi nghĩ rằng việc gặp tôi đối với cu cậu thật may như có trời phù hộ. Song người dẫn đường của tôi thì ăn ít, uống lại còn ít hơn, và không nói gì hết, mặc dầu từ lúc bắt đầu đi với gã, tôi thấy không ai ba hoa bằng gã. Sự có mặt của người khách kia hình như làm gã lúng túng, và một sự giữ miếng nào đó làm hai người xa nhau mà tôi không thể đoán được nguyên nhân.

Những vụn bánh mì và giăm bông cuối cùng đã biến mất; chúng tôi mỗi người hút thêm một điếu xì gà thứ hai. Tôi bảo người dẫn đường thắng ngựa và tôi đang định từ biệt người bạn mới thì anh định hỏi tôi định ngủ đêm ở đâu.

Chưa kịp chú ý thấy người dẫn đường ra hiệu, tôi đã trả lời rằng định đi tới văng-ta[3] Đen Quy éc vô.

- Thưa ông, đấy là chỗ trú chân không tốt cho một người như ông. Tôi cũng tới đó, và nếu ông cho phép, chúng ta sẽ đi với nhau.

- Rất sẵn sàng, tôi vừa nói vừa lên ngựa.

Người đưa đường của tôi, trong lúc giữ bàn đạp cho tôi, lại đưa mắt ra hiệu cho tôi lần nữa. Tôi đáp lại bằng cái nhún vai, như muốn bảo gã rằng tôi hoàn toàn yên tâm, thế rồi chúng tôi lên đường.

Những ám hiệu của Antôniô, nỗi lo âu của gã, mấy tiếng của người lạ mặt chợt thốt ra, nhất là chuyến phóng ngựa ba mươi dặm đường và lời giải thích khó tin của anh về chuyến đi đó, làm tôi đã có một nhận định về người bạn đường. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đang gặp một tay buôn lậu, và cũng có thể là một tay trộm cướp. Nhưng việc quái gì? Tôi đã biết khá rõ tính khí người Tây Ban Nha, nên tôi tin chắc rằng một người vừa ăn vừa hút thuốc với mình thì không có gì là đáng sợ cả. Sự có mặt của người ấy còn là một sự che chở chắc chắn đối với mọi cuộc gặp gỡ không may. Vả lại, tôi rất thích được biết một tay cường đạo là người như thế nào. Phải đâu ngày nào cũng gặp họ được? Và sống ngay bên cạnh một con người nguy hiểm có một cái gì say mê quyến rũ, nhất là khi ta cảm thấy hắn dịu hiền và thuần hóa.

Tôi hy vọng có thể dần dần làm người lạ mặt kia thổ lộ tâm sự cùng tôi và, mặc những cái nháy mắt của người đưa đường, tôi lái cuộc chuyện trò vào những chuyện về bọn cướp đường. Dĩ nhiên tôi nói đến họ một cách kính trọng. Hồi đó ở Anđaluđi có một tay tướng cướp nổi tiếng tên là Giôdê Maria, mọi người đều truyền tụng những chiến tích của anh ta. Tôi nghĩ thầm: “Nếu như ta đang ở cạnh Giôdê Maria thì sao nhỉ?”. Tôi bèn kể những chuyện tôi biết về nhân vật cừ khôi đó, vả chăng toàn là những chuyện để ca tụng y, và tôi tỏ ra rất khâm phục tính can trường và lòng hào hiệp của y.

- Giôdê chỉ là một thằng xoàng. Người lạ mặt lạnh lùng nói.

“Anh này tự đánh giá cho đúng hay chỉ quá khiêm tốn?” tôi tự hỏi thầm, vì ngắm mãi người bạn đường, tôi đi tới chỗ gán cho anh ta diện mạo của Giôdê Maria mà tôi thấy kể trong yết thị dán ở cửa nhiều thành phố xứ Anđaluđi. – phải, chính hắn! Tóc hung, mắt biếc, miệng rộng, hàm răng đẹp, bàn tay nhỏ nhắn, áo sơ mi bỏ khuy, áo ngắn ngoài bằng nhung cài khuy bạc, đôi ủng da trắng, một con ngựa hồng… còn nghi ngờ sao được! Nhưng thôi, ta hãy tôn trọng sự ẩn danh của hắn.

Chúng tôi tới quán trọ. Thật đúng như người khách lạ đã tả, đây là một trong những quán trọ tồi tàn nhất mà tôi đã thấy. Một gian phòng lớn vừa dùng làm bếp, vừa làm phòng ăn và phòng ngủ. Ở giữa gian phòng, lửa bếp cháy trên một tấm đá phẳng, khói thoát ra theo một lỗ hổng đục trên mái, hay nói cho đúng là tụ lại thành một đám mây cách mặt đất chừng vài piê. Dọc thân tường, thấy trải dưới đất năm sáu tấm khố tải đắp lừa ngựa, đấy là giường nằm cho lữ khách. Cách nhà, hay nói cho đúng hơn, cách cái gian phòng độc nhất tôi vừa mới tả, độ hai mươi bước, có một thứ lều kho dùng làm chuồng ngựa. Trong cái quán trọ mĩ miều ấy, không còn người nào khác, ít nhất là trong lúc này, ngoài một mụ già và một em bé chừng mươi, mười hai tuổi. Cả hai đều đen như bồ hóng, và ăn mặc rách rưới kinh khủng. “Đấy là tất cả dân cư còn lại của thành Munđa Đêtica xưa kia! Tôi tự nhủ. Hỡi Xêda! Hỡi Xếchtuýt Pôngtê! Nếu các vị trở lại dương gian, các vị ắt ngạc nhiên biết mấy!”

Vừa trông thấy người bạn đường của tôi, mụ già đã buột miệng kêu lên kinh ngạc:

- Chao ôi! Ngài Đông Giôdê!

Đông Giôdê cau mày và giơ bàn tay lên với điệu bộ như ra lệnh làm mụ già im bặt. Tôi quay lại nhìn người dẫn đường của tôi, và kín đáo ra hiệu tỏ cho anh ta biết rằng chả cần anh bảo tôi cũng thừa hiểu về con người mà tôi sắp cùng ngủ đêm rồi. Bữa cơm tối ngon lành quá sự mong đợi của tôi. Người ta dọn trên một chiếc bàn nhỏ cao chừng một piê cho chúng tôi món cháo gà sống già, với rất nhiều ớt, rồi đến món ớt trộn dầu, sau hết là món gatpasô, một thứ salát trộn ớt. Ba đĩa thức ăn trộn nhiều gia vị như thế, buộc chúng tôi phải luôn luôn dùng tới một vò rượu vang xứ Môngtila tuyệt ngon. Ăn xong thấy có một cây đàn măng đô lin treo trên tường - ở Tây Ban Nha, đâu đâu cũng sẵn măng đô lin – tôi liền hỏi em nhỏ phục vụ xem em có biết chơi măng đô lin không.

- Không ạ, em đáp, nhưng Đông Giôdê chơi đàn này hay lắm đấy.

Tôi bèn nói với anh ta:

- Ông làm ơn hát cho tôi nghe một bài thì tốt quá, tôi mê âm nhạc dân tộc của nước ông lắm.

- Tôi không thể từ chối điều gì đối với một bậc hào hoa phong nhã đã tặng tôi những điếu xì gà ngon đến thế, Đông Giôdê nói to giọng vui vẻ. Anh bảo đưa đàn măng đô lin rồi vừa hát vừa tự đêm đàn. Giọng anh thô nhưng dễ nghe, âm điệu buồn buồn và kỳ dị, còn về lời ca thì tôi không hiểu được tiếng nào. Tôi nói với anh ta:

- Nếu tôi không nhầm, bài ông vừa hát không phải là điệu Tây Ban Nha. Tôi thấy bài ấy tựa những khúc doóc-di-cô mà tôi đã được nghe ở Các Tinh[4], và lời ca bằng tiếng Baxcơ.

- Đúng thế, Giôdê trả lời với một vẻ rầu rầu. Anh đặt cây đàn xuống đất, rồi khoanh tay lại, ngắm ngọn lửa đang tàn với một vẻ mặt buồn thảm lạ lùng. Khuôn mặt anh, được ngọn đèn đặt trên chiếc bàn nhỏ chiếu sáng, vừa có vẻ cao quý, vừa dữ tợn, khiến tôi liên tưởng tới Quỷ Sa tăng trong thơ của Mintơn. Có lẽ cũng như nhân vật đó, người bạn đường của tôi đang nghĩ đến nơi mình đã phải rời bỏ và những ngày lưu lạc đầy ải mà anh đã nếm trải vì một lỗi lầm nào đó. Tôi phải gắng khơi lại câu chuyện cho linh hoạt lên, nhưng anh không trả lời, đăm đăm trong những ý nghĩ sầu não. Lúc này, mụ già đã vào nằm trong một góc phòng che bằng một tấm chăn thủng căng trên một sợi dây. Em gái nhỏ cũng đã theo mụ già vào nơi nghỉ dành cho nữ giới đó. Người dẫn đường của tôi bèn đứng dậy, mời tôi theo gã xuống chuồng ngựa; nhưng vừa nghe thấy thế, Đông Giôdê như giật mình tỉnh giấc, xẵng giọng hỏi gã định đi đâu. Người dẫn đường đáp:

- Xuống chuồng ngựa.

- Để làm gì? Ngựa đã có ăn rồi. Hãy nằm ngủ ở đây! Tôn ông cho phép đấy!

- Tôi lo ngựa của ông tôi bị ốm. Tôi muốn ông tôi xem ngựa; có lẽ ông tôi biết nên làm gì cho nó.

Rõ ràng Antôniô muốn nói riêng với tôi, nhưng tôi không muốn làm cho Giôdê nghi ngờ, và trong hiện tình tôi thấy tốt hơn hết là tỏ ra hoàn toàn tin cậy. Tôi bèn trả lời Antôniô rằng tôi không biết gì về ngựa và tôi đang buồn ngủ. Đông Giôdê theo gã xuống tàu ngựa, chẳng bao lâu trở lại một mình. Anh nói với tội rằng ngựa chẳng làm sao hết, nhưng người dẫn đường của tôi cho nó là một con vật quý đến nỗi gã lấy áo sát mạnh cho nó ra mồ hôi, lại còn định thức suốt đêm để làm cái công việc êm ái đó. Lúc ấy, tôi đã nằm dài trên những tấm khố tải vẫn đắp cho la, quấn thật kỹ chiếc áo khoác của tôi vào người để khỏi chạm vào khố tải. Sau khi ngỏ lời xin lỗi tôi về việc tự tiện đến nằm bên cạnh tôi, Đông Giôdê nằm xuống trước cửa ra vào, không quên nhồi lại mồi khẩu súng ét-panh-gôn và cẩn thận đặt súng dưới cái tay nải dùng làm gối. Chúng tôi chúc nhau ngủ ngon xong, được năm phút thì cả hai đều ngủ thiếp đi.

Tôi cứ tưởng mình đủ mệt để có thể ngủ được ở nơi trú chân như thế, nhưng được một giờ, những cơn ngứa ngáy rất khó chịu làm tôi đang ngủ phải bừng tỉnh dậy. Vừa mới hiểu rõ tại sao ngứa, tôi liền trở dậy, tin chắc rằng thà ở ngoài trời cho đến sáng còn hơn nằm trong cái nhà không chiều khách này. Tôi rón rén đi ra cửa, bước qua chỗ ngủ của Đông Giôdê lúc đó đang ngủ rất say, tôi bước êm đến nỗi tôi ra khỏi căn nhà mà Đông Giôdê vẫn không thức giấc. Bên cửa có một chiếc ghế dài bằng gỗ khá rộng tôi ngả lưng nằm trên ghế, cố xoay xở cho qua hết đêm. Tôi sắp chợp mắt lần thứ hai, chợt thấy hình như có bóng một người và bóng một con ngựa đi qua trước mặt tôi, cả hai đều không gây ra tiếng động nhỏ nào. Tôi nhỏm dậy và nhận ra Angtôniô. Thấy gã ở ngoài chuồng ngựa vào giờ này, tôi ngạc nhiên nhỏm dậy tiến đến bên gã. Thoạt trông thấy tôi, gã đã dừng lại.

- Hắn ta đâu? Angtôniô thì thầm hỏi tôi.

- Trong quán trọ, đang ngủ. Anh ta không sợ rệp. Tại sao anh lại dắt ngựa đi thế này?

Lúc đó tôi nhận thấy Angtôniô đã bọc kỹ vó ngựa bằng những mảnh bao tải cũ, để tránh gây tiếng động khi đi từ trong lều kho ra.

- Lạy chúa, xin ông nói khẽ chứ! Angtôniô bảo tôi. Thế ra ông chưa biết tên ấy là ai ư? Chính là Giôdê Navarô tên cướp cừ khôi nhất xứ Angđaludi đấy. Suốt ngày hôm nay, tôi đã bao lần ra hiệu cho ông, nhưng ông cứ không muốn hiểu.

- Cướp hay không, việc quái gì đến tôi? Tôi đáp; anh ta có lấy gì của chúng ta đâu và tôi đánh cuộc với anh rằng anh ta không có ý định ấy!

- Thế càng hay! Nhưng người nào bắt được hắn sẽ được thưởng hai trăm đồng đuy-ca. Tôi biết cách đây một dặm rưỡi có một đồn thương kỵ binh[5] và tôi sẽ đưa tới đây mấy tay trai tráng lực lưỡng trước khi trời sáng. Tôi đã định lấy ngựa của Giôdê nhưng con vật dữ đến nỗi ngoài hắn ta, không ai tới gần nó được!

- Ma quỷ hãy bắt anh đi! Tôi nói với gã. Người tội nghiệp ấy có làm hại gì đến anh chưa mà anh đi tố giác người ta? Vả lại, anh có chắc đấy là tên cướp mà anh vừa nói không?

- Hoàn toàn chắc chắn chứ ạ. Hồi nãy, hắn theo tôi xuống chuồng ngựa và bảo tôi: “Mày có vẻ nhận ra tao! Nếu mày nói với cái ông tử tế ấy rằng tao là ai, thì tao sẽ bắn vỡ óc mày ra.”. Ông hãy ở lại, ông ạ, ông hãy ở lại với hắn, ông không phải sợ gì cả! Chừng nào hắn thấy ông còn đây, hắn sẽ không nghi ngờ gì cả.

Vừa nói chuyện, chúng tôi vừa bước đi khá xa quán trọ, không còn sợ ai nghe thấy tiếng vó ngựa nữa. trong nháy mắt, Angtôniô lột bỏ những mảnh giẻ rách bọc chân ngựa. Gã sửa soạn nhảy lên mình ngựa. Tôi cố giữ gã lại bằng cách vừa van nài vừa đe dọa. Hắn nói:

- Ông ạ, tôi chỉ là một kẻ nghèo đói khốn khổ, tôi không thể bỏ lỡ hai trăm đuy-ca được, nhất là lại giải thoát được cho xứ sở này một tên khốn nạn như hắn. Nhưng ông hãy coi chừng: Navarô mà thức dậy, hắn sẽ vồ ngay lấy cây súng ét-panh-gôn. Và lúc đó thì ông liệu đấy nhé! Còn tôi thì tôi đi đã quá xa rồi không thể lùi được nữa; ông liệu thu xếp thế nào cho ổn thì thu xếp.

Lúc đó, thằng khốn nạn đã lên yên, gã thúc mạnh và trong bóng tối phút chốc tôi đã không nhìn thấy gã đâu nữa.

Tôi rất bực mình về người dẫn đường của tôi và thấy khá lo ngại. Suy nghĩ một lúc, tôi quyết định và trở vào quán trọ. Đông Giôdê vẫn ngủ, chắc để bù lại những lúc mệt nhọc và thức đêm trong nhiều ngày phiêu lưu. Tôi phải lay mạnh để đánh thức anh. Không bao giờ tôi có thể quên được cái nhìn dữ tợn và cử động của anh để vớ lấy cây ét-panh-gôn mà tôi đã thận trọng đặt cách xa chỗ anh nằm một chút.

- Này ông, tôi bảo Giôdê, tôi xin lỗi đã đánh thức ông, nhưng tôi muốn hỏi ông một câu dại dột này: “Ông có vui lòng thấy chừng nửa tá thương kỵ binh kéo đến đây chăng?”

Giôdê nhảy choàng dậy và hỏi bằng một giọng đáng kinh hãi:

- Ai bảo ông thế?

- Tin báo ấy từ đâu đến chẳng có gì là quan trọng, miễn là nó có ích.

- Tên dẫn đường của ông đã phản bội tôi rồi. Được, nó sẽ phải đền tội!... Nó đâu rồi?

- Tôi không biết… chắc hắn ở trong chuồng ngựa… nhưng có người đã nói với tôi…

- Ai đã nói với ông… chẳng lẽ là mụ già…

- Một người tôi không quen. Thôi, không nói nhiều, tôi chỉ hỏi ông có lý do gì để không chờ bọn lính tới hay không? Nếu có, xin ồng đừng mất thì giờ nữa, nếu không, xin chúc ông ngủ ngon và xin lỗi đã làm mất giấc ngủ của ông.

- Chà! Tên dẫn đường của ông! Tên dẫn đường của ông! Tôi đã ngờ hắn ngay từ lúc đầu… nhưng, được rồi, cứ để tội nó đấy… Xin vĩnh biệt ông, Thượng đế sẽ đền bù cho ông cái ơn của ông đối với tôi. Tôi không đến nỗi hoàn toàn xấu như ông tưởng đâu… phải, trong người tôi, vẫn còn có một chút gì xứng đáng với lòng thương của một bậc phong nhã… Thôi xin vĩnh biệt ông… Tôi chỉ có một điều ân hận là không trả ơn ông được.

- Để trả ơn tôi, Đông Giôdê ạ, ông hãy hứa với tôi là không nghi ngờ ai cả, cũng không nghĩ đến việc trả thù. Đây là mấy điếu xì-gà để hút dọc đường; chúc ông đi may mắn!

Và tôi chìa tay ra bắt tay Giôdê. Anh ta siết tay tôi không nói một lời, rồi cầm lấy súng, tay nải, nói với mụ già vài tiếng lóng mà tôi không hiểu, rồi chạy ra lều kho. Một lát sau, tôi đã nghe thấy tiếng vó ngựa của anh ngoài đồng.

Còn tôi thì lại nằm xuống ghế dài, nhưng không ngủ lại được. Tôi tự hỏi không biết cứu khỏi tội giảo một tên tướng cướp, một tên có lẽ đã giết người, chỉ vì tôi đã cùng ăn dăm bông và món cơm va-lăng-xiên với hắn, như thế có đúng không? Làm như thế tôi có phản lại người dẫn đường đã ủng hộ pháp luật hay không? Tôi có làm cho người này lâm vào nguy cơ bị một tên khốn kiếp trả thù hay không? Nhưng còn bổn phận tiếp đãi khách ân cần lịch sự… Thành kiến mọi rợ, tôi tự nhủ như thế. Tôi sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những tội ác mà tên cướp này sắp gây ra. Nhưng cái lương tâm thuộc bản năng ấy chống lại mọi sự lý luận, có phải là một thành kiến hay không? Có lẽ tôi không cách nào thoát khỏi tình thế éo le này mà không có sự ân hận. Tôi còn đang hết sức phân vân không biết hành động của mình có hợp đạo lý hay không, bỗng thấy xuất hiện dăm sáu kỵ binh cùng gã Angtôniô thận trọng đi đoạn hậu. Tôi ra đón họ và báo tin rằng tên cướp đã tẩu thoát từ hơn hai giờ rồi. Khi người toán trưởng hỏi mụ già thì mụ trả lời là có quen Navarô, nhưng vì sống một mình nên mụ không bao giờ dám liều mạng tố cáo hắn. Mụ nói thêm rằng hắn có thói quen mỗi khi đến nhà mụ, là lại ra đi vào lúc nửa đêm. Về phần tôi, tôi phải đi vài dặm đường để xuất trình giấy thông hành và ký vào một tờ khai trước mặt một viên an-cát[6]. Sau đó người ta cho phép tôi tiếp tục công việc khảo cổ. Angtôniô oán tôi, ngờ rằng chính tôi đã làm gã hụt mất khoản hai trăm đồng đuy-ca. Tuy thế, đến Corđu, chúng tôi từ biệt nhau một cách thân ái và tôi cho Angtôniô món tiền thưởng hậu nhất đối với khả năng tài chính của tôi.

- I -

Tiến >>


Nguồn: Lê Hà
NXB Văn Học, 1981
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 30 tháng 3 năm 2020