Anh Thân đi làm từ sớm, chị Dậu đi chợ, chị Mai đi trả đồ khâu, chỉ còn mình Khánh ở nhà. Trời hôm nay nóng lắm. Khánh nằm trên bộ phản, tay cầm cái quạt nan cũ, rách đến một nửa, quạt phành phạch; chán rồi Khánh nằm yên như quên hẳn nóng bức, mắt nhìn theo hai con thạch sùng đang đuổi nhau trên tường. Bỗng Khánh như bị rệp hay kiến đốt, giật nẩy mình, xoay người tìm khe phản, nhưng không thấy con rệp, con kiến nào.
Nhìn lại các vết lõm con con in đầy trên mặt phản, Khánh nhớ lại hồi ba năm về trước.
Ngày ấy Khánh mới có chín tuổi, chị Mai mười hai, chị Dậu mười bốn và anh Thân mười lăm tuổi. Mấy anh em sống vui vẻ bên cạnh mẹ, trong căn nhà hai từng rộng. Mẹ Khánh làm chủ một cửa hiệu may lớn. Chính bộ phản Khánh đang nằm đây, hồi đó kê ở dưới buồng thợ, với nhiều bộ khác, để cho thợ làm việc và ngủ. Những vết lõm con con là do những người thợ đục dấu xuống khiến mặt phản bị lỗ rỗ.
Khánh đang mải nghĩ ngợi, bỗng ngửi thấy mùi sào rán thơm phức từ phía bếp của cụ Tư, chủ nhà, bay tới làm Khánh nuốt nước bọt và nhớ đến cái đói như cào ruột của mình, quên cả việc bố mẹ mất sớm.
Suốt từ sáng đến giờ, dễ đã quá mười hai giờ rồi, Khánh chưa được ăn tí gì. Chị Mai, Chị Dậu, anh Thân mãi không thấy về; mùi sào rán mỗi lúc lại đưa tới nhiều hơn, Khánh nghe rõ tiếng sèo sèo của chảo mỡ sôi, và nhận thấy cả tiếng réo ở trong bụng mình.
Như bị cơn đói xui giục, Khánh chợt nằm sấp xuống, mắt nhòm qua một lỗ hổng nhỏ của tấm ván ngăn làm tường, nhìn ra sân bếp; cụ Tư đang lúi húi làm cơm, bụi tro bếp bám đầy vành khăn nhung cũ.
Những cái mai cua bể nhồi thịt, đang được rán vàng trong chảo mỡ. Khánh tưởng tượng đến vị thơm ngon của món ăn đó, hồi còn mẹ, Khánh vẫn thường được ăn. Sự liên tưởng đưa ý nghĩ Khánh đi rất mau.
Khánh gục mặt vào cánh tay, nhớ đến những hạt cơm trắng muốt với rất nhiều thịt cá đựng trong cái bát hoa xinh xinh của Khánh, mà bữa nào mẹ cũng ngọt ngào dỗ cho Khánh ăn…
Có tiếng động ở cửa, Chị Dậu về, chị đặt cái làn xuống đất, vừa cởi áo vừa bảo:
- Khánh, đứng lên đi lấy nồi!
Nhưng chợt thấy nét mặt buồn so của Khánh. Chị Dậu ngừng công việc lại, hỏi:
- Khánh làm sao thế?
- Em đói!
Dậu sẵng tiếng, mắng:
- Đói một tí mà cũng xịu mặt lại.
Dứt lời, Dậu thấy trong lòng nao nao vì thương em. Dậu nhìn Khánh, đáng nhẽ cô sai Khánh đi lấy củi, nhưng cô tự làm lấy và chỉ hỏi Khánh:
- Anh Thân chưa về?
- Chưa.
- Chị Mai?
- Chưa.
Dậu ôm bó củi vào bếp, Khánh xách làn theo vào. Nhà này sâu nên cụ Tư đun ngay giữa sân cho tiện, còn mấy anh em Khánh đun riêng ở bếp trong.
Khánh để cái làn xuống đất rồi hỏi Dậu:
- Cơm mấy gì thế chị?
- Rau luộc.
- Gì nữa?
Dậu mở to mắt, nhìn Khánh như lạ lùng về câu hỏi, rồi trả lời em:
- Thôi chứ, lại còn gì nữa.
- Thế sao làn nặng thế hở chị?
- À, tại có gạo ở trong.
Khánh đang nhặt rau, Dậu đang vo gạo thì Mai và Thân cùng về; mấy anh em vào cả trong bếp thổi cơm; ở nhà ngoài có tiếng cụ Tư cao giọng ngâm một bài thơ cổ. Thân lắng tai nghe rồi mỉm cười nói:
- Ý chừng bà cụ đang nhắm rượu.
Vừa nói Thân vừa nghĩ tới gia đình cụ Tư. Cụ sống ở đây với người con gái đã lớn tên là Tần. Hai mẹ con cụ Tư dọn một cửa hàng tạp hóa, bán các thứ lặt vặt, như ô mai, bánh, kẹo… Ngoài ra, cụ còn bán hai thứ đặc biệt là dấm tây và chuối sấy.
Cụ làm rất nhiều chuối sấy để bán cho các hàng kẹo rong. Cụ Tư, người dong dỏng cao, đầu đã bạc quá nửa, nước da nâu, với nhiều vết răn trên mặt; cụ rất hiền, dáng khỏe mạnh, phải cái tật nghiện rượu; ngày hai bữa cụ tự làm thức nhắm rồi cụ đem ra bộ phản kê ở ngoài cửa hàng, ngồi nhâm nhi.
Khi bữa rượu đủ chếnh choáng, bao giờ cụ cũng leo lên võng nằm, rồi ngâm thơ, hoặc bắt cô Tần đọc tiểu thuyết Tầu cho đến khi cụ ngủ say.
Nhưng không bao giờ cụ ngủ lâu, chỉ độ hơn tiếng đồng hồ đã dậy, rồi cụ lại tỉnh táo làm mọi công việc vặt trong nhà. Cô Tần, khoảng hai mươi bốn, hai mươi nhăm tuổi, người mảnh khảnh, hai gò má cao, nước da mai mái. Cô thường bảo với Dậu cô bị bệnh chóng mặt và đau bụng kinh niên.
Lúc mấy anh em Thân vào ăn cơm, cụ Tư ngừng ngâm thơ, chắc cụ đã ngủ. Tần lo trông hàng ở nhà ngoài. Ánh nắng gay gắt chiếu trên sân; trong nhà râm mát và yên tĩnh quá, nên nghe rõ tiếng mâm bát lạch cạch với những tiếng và cơm của mấy anh em đói bụng và đương mải ăn. Khi gần xong bữa, Thân như sực nhớ, nói với các em:
- À, sáng nay anh gặp anh Trưởng bạ Phúc ở nhà quê ra, kể chuyện bác gái đã biết hôm nọ anh nói dối để lấy hai bộ phản. Bác tức lắm, làm ầm cả làng, bảo anh dám lừa cả bác.
Dậu cau mặt nói:
- Lừa thế nào, của thầy đẻ để lại, bây giờ anh em mình dùng đến thì lấy về chứ việc gì phải lừa ai.
Mai hậm hực tiếp:
- Phải, giá chúng mình cứ mặc kệ cho bác ấy chiếm hết của cải thì mới cho là tử tế hay sao?
Khánh ngửng lên hỏi anh:
- Hôm ấy anh bảo anh lấy ra cho bác trai à?
Mai quay sang mắng Khánh:
- Có thế mà cứ hỏi mãi, không nói lấy ra cho bác trai thì đời nào bác gái chịu giả.
Thân không để ý đến lời nói của các em, anh đương mải nghĩ…
Cách đây mới nửa tháng, bốn anh em còn sống chung với ông bác ruột và ba người anh con của bác, ở một căn nhà phố Hàng Bè.
Bác trai làm nghề thợ mũ, ông cần cù, chịu khó, tính rất hiền nhưng hay cục và hay nghe vợ. Vợ ông ở nhà quê, cứ đầu tháng lại đem gạo lên cho chồng con, và nhân thể thu tiền lương của chồng đem về, bà chỉ bớt lại rất ít, phải khéo tằn tiện lắm mới đủ tiền mua rau đậu làm thức ăn. Người giữ tiền chợ lại là Dậu, vì vậy mới xảy ra một việc rất đáng buồn.
Sau khi bà mẹ anh em Thân mất được mấy tháng, cái cửa hiệu may lớn bị tịch-ký. Bốn anh em phải về ở với bác. Lúc đó, Thân mới có mười lăm, chưa đủ tuổi để trông coi lấy ruộng nương ở nhà quê và nuôi các em. Ruộng đất của mấy anh em, do bác gái cày cấy. Hoa lợi có thể thừa sức nuôi mấy anh em ăn học.
Nhưng bác gái, dường như quên, không bao giờ nghĩ đến. Chỉ biết tháng tháng ra lấy lương của chồng, thấy ít đi, vì còn phải bớt lại để nuôi thêm bốn miệng ăn, và gánh gạo bà đem ra cũng nặng hơn lên thì bà sốt ruột. Vốn tính xảo quyệt, bà không hề kêu ra mồm, chỉ ngấm ngầm dằn vặt và xúc xiểm người chồng. Vì vậy, hễ bao giờ bác gái ra tỉnh thời bác trai như thay đổi tính nết; những cử chỉ, lời nói, một đôi khi tỏ ra rất thương các cháu đều mất hết.
Ông hay cáu kỉnh, mắng hết đứa này đến đứa khác. Thấy lời ton hót của mình có hiệu nghiệm, bác gái càng tỏ ra ăn nói ngọt ngào với các cháu.
Khánh quét nhà, bà cũng bảo: "Thôi để đấy, tí nữa anh", chỉ con trai bà, "quét cho con ạ." Tính giả dối của bác gái, anh em Thân biết cả. Vì vậy cứ đến ngày bà ra Hà Nội là mấy anh em Thân lại buồn.
Ý nghĩ đem các em đi ở chỗ khác đã đến với Thân nhiều lần lắm. Nhưng nhà ở đâu? Tiền đâu?
Từ ngày mẹ mất, bốn anh em đều phải thôi học. Bác trai dạy Thân làm nghề thợ mũ. Bây giờ có khéo lắm cũng chỉ kiếm được đủ mình anh ăn là cùng, lấy đâu ra nuôi các em? Nhưng một việc xảy ra khiến Thân bắt buộc phải làm theo ý muốn của anh. Hôm ấy bác gái đem gạo ở quê lên. Khi mới vào bà đã chú ý ngay đến đôi hoa tai năm phân vàng lóng lánh trên tai Dậu. Đấy là công lao của Dậu sau bao tối thức khuya, khâu "rua" thuê, dành dụm được.
Nhưng bác gái chỉ nghĩ đến tiền chợ, bà hối rằng hãy còn để lại nhiều quá, nên Dậu mới có thể bớt xén được. Bà bực dọc, trước mắt bà, đôi hoa tai vàng trên tai Dậu, như một cái đinh. Bà cố nén giận, gượng cười, gượng nói, chờ tới lúc chồng về.
Ngồi nghe vợ to nhỏ, bác trai luôn luôn điểm những tiếng hừ… hừ… Mặt ông lộ rõ vẻ tức giận; cùng lúc ấy, Dậu bưng nồi cơm ở bếp lên. Ông bác gọi Dậu, rồi đứng dậy, rít giọng chỉ tay vào mặt Dậu, hỏi:
- Con kia, mày lấy tiền đâu mà sắm hoa hở?
Dậu bị mắng oan, tức run người lên, mãi mới nói được nên lời:
- Cháu khâu thuê. Cháu để dành tiền…
Bác gái cười nhạt, lạnh lùng nói:
- Khâu thuê, khâu thuê mà đánh được hoa tai, chỉ có ăn bớt tiền chợ…
Dậu ứa nước mắt cãi lại:
- Cháu không ăn bớt… Cháu không...
Bác gái không nhịn được nữa, bà lồng lên, tay xỉa sói vào mặt Dậu, riếc:
- Mày bảo không ăn bớt tiền chợ thì chỉ có đi đánh đĩ; bằng ngần ấy mà đã biết đánh đĩ lấy tiền hay sao mà bảo không ăn bớt?
Dậu ức quá khóc nức nở và kêu lên:
- Mẹ ơi! Sao con khổ thế này!
Câu đó làm bác trai càng cáu. Ông vớ luôn cái cốt gỗ làm mũ ném vào người Dậu. Dậu tránh được, chạy vào trong nhà. Cùng lúc ấy, Khánh ở bếp lên, bác trai đang cơn cáu giận, túm lấy Khánh đánh túi bụi. Ông vừa đánh, vừa mắng:
- Còn con ôn con này nữa, bây giờ không dạy, sau lớn lên lại thế.
Khánh khóc thét lên, vừa đúng lúc Thân về tới nhà. Trông thấy Khánh đang bị đánh, Thân thương em quá, muốn tìm cách gỡ cho em, liền cầm chiếc ghế đẩu giơ lên, dọa ném vào người bác. Mấy người con của bác ngồi gần đấy thấy thế, xô cả lại phía Thân, làm anh buộc lòng phải dùng ghế thủ thân.
Những người cùng nhà xúm đông đến can gián.
Bác gái vừa khóc vừa kêu ầm ỹ:
- Giời đất ơi! Chúng nó đánh chồng tôi. Có đời thuở nhà ai, cháu đánh bác bao giờ không? Ới các ông, các bà ơi!
Trong lúc mọi người đang ồn ào, Thân lẳng lặng đi ra phía cửa. Tay vỗ nhè nhẹ trên đầu Khánh đang ngồi khóc thút thít ở đấy, anh ngập ngừng định nói gì với em nhưng lại thôi, rồi anh bỏ đi thẳng.
Mai vừa đến cửa, thấy Khánh đang ngồi khóc, trong nhà bác gái còn đang kể lể. Mai hỏi. Khánh kể cho chị nghe chuyện đã xảy ra. Mai quay vào trong nhà, nhìn bác gái với đôi mắt oán hận rồi ngồi xuống cạnh Khánh. Nhìn những vết tím vì bị đòn bầm trên mặt em, bất giác Mai ôm lấy đầu Khánh tựa vào ngực mình rồi nghẹn ngào nói:
- Thôi nín đi.
Chợt nhớ ra, Mai đứng lên, hỏi vội:
- Chị Dậu đâu?
Vừa hỏi, Mai vừa đi vào trong nhà. Bác trai sau cơn nóng giận, đang nằm trên giường.
Lúc trông thấy Mai vào, ông chỉ đưa mắt nhìn mà không nói gì. Hình như ông buồn lắm. Mai thấy lòng nao lên. Lúc ấy, Mai thấy thương bác hơn là giận.
Mai cúi đầu đi nhanh vào bếp.
Mai cảm thấy những con mắt của bác gái và mấy người anh họ đang lườm nguýt theo mình.
Ở trong bếp, Dậu đang ngồi bệt xuống đất, hai tay vòng qua đầu gối, mặt gục xuống, rấm rứt khóc. Mai nhẹ đi lại bên cạnh chị, đứng yên mấy phút, nén sự nghẹn ngào, rồi ngập ngừng gọi:
- Chị Dậu!
Dậu không trả lời em. Tiếng nức nở của cô to hơn làm rung cả người. Trên mặt Mai lúc đó cũng đẫm nước mắt. Cả hai chị em cùng khóc.
Mấy hôm sau, bác gái về quê, bác trai trở lại với tính tình hiền lành, ít nói, thêm nỗi hối hận về chuyện đã đánh các cháu.
Một buổi đi làm về, ông gọi Khánh lại gần, dúi cho một chiếc kẹo, xong ông vờ quay đi, không dám nhìn vào mặt Khánh; ông biết Khánh hay tủi thân và cảm động khi nhận được cái kẹo từ tay ông. Tuy vậy, ông vẫn chưa dám bày tỏ tình thương, hay hối hận với Dậu và Mai. Trong những bữa cơm, ông ăn vội vàng hoặc đắn đo mãi mới dám ngỏ lời khen món canh Dậu nấu ngon.
Nghĩ đến Thân, ông rất buồn và lo ngại, vì Thân đã bỏ đi đâu từ hôm ấy không về. Buổi chiều, Dậu và Mai rủ nhau đi tìm Thân ở các nhà quen biết. Bác trai đi làm chưa về, Khánh đứng ở cửa lòng nhớ anh và lo sợ. Khánh chỉ sợ Thân đi biệt. Mắt nhìn ra phía đầu đường, Khánh hồi hộp trông từng người qua lại, mong ngóng anh. Bỗng Khánh nhìn không chớp mắt, trông ai như anh Thân đang đi tới. Vóc người bé nhỏ trong chiếc áo dài thâm, đầu đội cái mũ trắng cũ, dáng đi nhanh, hơi cúi đầu về phía trước.
"Thôi đúng rồi!" Khánh chạy vội đến, ôm chầm lấy anh, nói trong tiếng nức nở:
- Anh… anh… đi đâu?
Thân nắm chặt tay em, cười trong lúc nước mắt anh đọng đầy trong hai mí mắt, giọng anh nói khác hẳn đi vì cảm động:
- Anh… đi tìm thuê nhà, đưa các em đi ở chỗ khác.
Khánh nhìn anh lộ vẻ ngạc nhiên, nhưng không dám hỏi gì. Thân nói tiếp:
- Anh thuê được nhà rồi, bây giờ anh về đón các em. Chị Dậu, chị Mai đâu?
- Các chị ấy đi tìm anh, hôm qua các chị ấy khóc mãi. Chúng em chỉ sợ anh bỏ chúng em. Anh đi đâu?
Thân mỉm cười, không trả lời em ngay; im lặng một lát, anh nói:
- Thôi được, bây giờ anh hãy đưa Khánh đi trước đã, rồi anh lại đón hai chị sau.
Thấy anh bảo đi ngay lúc ấy, Khánh bối rối nghĩ đến bác trai. Độ này trông bác như gầy đi, lúc nào cũng có vẻ lo buồn và hay thở dài.
Trong lúc Khánh đang nghĩ ngợi, Thân cầm tay em dắt đi. Khánh bước theo anh, lòng chỉ thương cho bác, miệng mếu máo khóc. Lúc này Khánh không còn nhớ gì đến trận đòn hôm nọ nữa.
Vừa đi, Thân vừa kể cho Khánh nghe:
"Hôm nọ, sau lúc tức giận, anh đến ở nhờ nhà anh Bảng, bạn thân của anh...
... Anh kể cho anh Bảng rõ những sự bất bình xảy ra giữa bác và bốn anh em mình, rồi ngỏ ý muốn tìm nhà để đưa các em ra ở riêng. Anh Bảng cũng đồng ý, và giúp cho một món tiền nhỏ."
Với số tiền ấy, Thân đã thuê được một căn nhà ở phố Hàng Than. Bảng giúp ý kiến, bảo Thân có thể nhờ trạng sư đòi lại số ruộng đất của bố mẹ để lại, rồi bán một ít đi, lấy tiền mở một cửa hàng mũ.
Thân ngừng một lát, lại tiếp:
- Bây giờ anh hãy đưa em lại đằng chỗ dì Ba ở tạm vài hôm, chốc nữa anh bảo chị Dậu, chị Mai đến đấy; các chị ấy đều biết nhà rồi, đến mai anh về quê lấy giường phản ra, rồi anh đón các em đến nhà mới.
Khánh hỏi:
- Bộ phản, bốn tấm gỗ, rộng lắm anh nhỉ? Nhưng anh về quê lấy giường phản ở đâu ra?
- Của thầy đẻ để lại, hồi nhà bị tịch-ký, bác gái xe về quê hết, chứ còn ở đâu.
- Thế bác gái chịu giả anh à?
- Được, anh sẽ có cách...
Hôm sau, Thân về quê, lúc trông thấy bác gái, anh cúi mặt, giọng nho nhỏ, cố làm ra vẻ biết lỗi, anh xin bà thứ cho anh cái tật nóng nảy vừa qua.
Rồi tiếp lời, anh bảo bác trai cho anh về lấy hai bộ phản ra tỉnh để dùng vì những bộ cũ đều hỏng và lâu ngày bị mọt ăn nhiều quá.
Nghe giọng nói của Thân, bác gái tin ngay, bà không ngờ rằng Thân đã phải cố nén lắm mới nói được ở trước mặt bà những câu như vậy. Hai tay Thân nắm chặt lấy vành mũ đến nổi gân, miệng chỉ muốn hét: "Bà giả lại những bộ phản, và tất cả ruộng nương cho anh em tôi đây!". Vì không ngờ nên bà bác đã phải bận rộn sai người đi thuê đò, khuân đồ xuống, chở ra ga, rồi dặn người nhà phải chờ cho đến khi tàu hỏa đến, khuân đồ lên rồi mới được ra về.
Trong khi ấy, Thân không phải làm gì, nhưng lòng Thân nhiều ý nghĩ hỗn độn không được vui.
Giá bà bác tỏ một vẻ nghi ngờ, hoặc cứ để mặc anh phải khó nhọc đem phản ra ga, thì anh lại không tự ngượng về sự giả dối của mình.
Nhưng bà lại tin ngay, một cách dễ dãi quá, khiến anh bứt rứt. Anh nhận thấy bác gái điêu ngoa, hiểm độc mọi ngày, hôm nay đứng trước sự lừa dối của anh, chỉ còn là người đàn bà nhẹ dạ. "Đi dối cha, về nhà dối chú", câu ấy cứ thoáng hiện trong óc anh, tuy anh không cố tình nghĩ đến. Anh tặc lưỡi: "Ồ, mình có nói dối thế bác gái mới chịu trả."
Phần thứ nhất -Chương 1
Tiến >>
Sưu tầm: Thanh Vân
Nguồn: NXB ĐÔNG PHƯƠNG
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 27 tháng 1 năm 2020