Giang Hồ Kỳ Hiệp

chu sa lan

Vài lời của người viết truyện - HỒI I -

Truyện này tôi bắt đầu viết vào năm 2000 và mãi tới ngày hôm nay vẫn chưa hoàn tất. Lý do là vì tôi quá ôm đồm hay nói một cách khác là có nhiều thứ, nhiều đề tài trong cái đầu nhỏ nhoi hoặc cái óc chứa ít chữ của tôi. Đa phần tôi viết theo cảm hứng, suy tư hoặc tâm tình của một kẻ nửa đời lưu vong song vẫn nặng lòng với quê hương, với cái quá khứ và kỹ niệm ám ảnh thường xuyên. Vì vậy mà tôi viết lung tung, viết để thỏa mãn nhu cầu của chính tôi hơn là chú tâm vào chuyện hoàn thành một truyện này rồi mới bắt đầu viết truyện mới. Phải nói tôi viết để vui hơn là để kiếm cơm. Hôm nay tôi đăng truyện này lên cũng chỉ với thành ý để cho quí vị đọc cho vui. Thành ra nếu đọc mà truyện chưa kết thúc thì xin quí vị cũng đừng nên phàn nàn. Bộ truyện dở dang này ít nhiều gì cũng giải trí phần nào cho quí vị trong cuộc sống hối hả và đầy bon chen. Đa tạ…

1

Thanh Kiếm Thiết Huyền

Mồng hai tết. Vầng thái dương từ từ lên cao. Thiên hạ lũ lượt kéo về bến Đông Bộ Đầu chờ xem cuộc biểu diễn vũ thuật và đả lôi đài. Năm nay đúng ngày mồng hai tết triều đình mở cuộc tuyển lựa vũ sĩ để xung vào các chức vụ thuộc binh đội triều đình. Ngoài ra vị vũ sĩ vô địch có hi vọng trở thành thượng tướng chỉ huy binh đội. Đây là cơ hội tốt cho các thanh niên yêu chuộng võ thuật chọn đường binh nghiệp để tiến thân và lập công danh với đời.

Trên lề đường cạnh quán ăn nhỏ một thư sinh vận nho phục bạc màu ngồi đọc sách. Trước mặt thư sinh là một miếng vải điều bày ba vỏ kiếm đen tuyền và cũ kỷ. Không mời chào người mua cũng như không màng đến người qua lại thư sinh gầm đầu vào trang sách.

Lẩn lộn trong đám người xuôi về bến Đông Bộ Đầu có hai thanh niên còn trẻ tuổi ngoài hai mươi, mặc vũ phục và vai mang vũ khí tùy thân. Thái độ chửng chạc, phong cách đường hoàng hai thanh niên vừa đi vừa kháo chuyện với nhau.

– Phong huynh rủ tôi tới đây chắc huynh có ý định đả lôi đài phải không?

– Không có đâu… Tôi chỉ muốn đi xem cho mở rộng tầm mắt và học hỏi thêm kinh nghiệm. Đại Việt ta nhân tài vô số cho nên họ sẽ hiện diện đông đủ trong cuộc tuyển lựa võ sĩ toàn quốc này. Làm gì một kẻ lục lục thường tài như tôi dám ghé mắt vào…

– Ha… ha… Phong huynh khiêm nhượng quá… Nguyễn gia trang ở Tam Đảo nức danh giang hồ về kiếm thuật. Cái danh Nhất Kiếm Trấn Tam Sơn của Nguyễn bá bá không phải tự nhiên mà có được…

– Cám ơn huynh có lời khen tặng. Tệ trang nổi danh giang hồ nhưng làm sao sánh với Trần gia trang ở Đông Triều của huynh. Ngón đánh bút chì của Trần gia trang mới chính là tuyệt kỹ đặc dị nhất giang hồ hiện nay…

Hai người vừa đi vừa kháo chuyện. Ngang qua chỗ thư sinh ngồi thanh niên họ Nguyễn dừng lại ngắm nghía giây lát xong hỏi nhỏ:

– Tiên sinh bán kiếm…

Dường như mải mê đọc sách thư sinh không nghe nên chẳng thèm trả lời câu hỏi của khách. Khom người thanh niên nói vào tai thư sinh:

– Tiên sinh bán kiếm…?

Tuy không nhiều song thanh niên họ Nguyễn đã phổ kình lực vào tiếng nói. Âm thanh hàm chứa kình lực này có thể làm cho một người không biết võ phải giật mình nhảy nhỏm. Thong thả ngước đầu lên nhìn người khách qua đường thư sinh điềm đạm thốt:

– Tôn ông muốn xem kiếm?

Thanh niên họ Nguyễn gật đầu:

– Phải… Phong tôi muốn xem thử thanh kiếm của tiên sinh…

Thư sinh nhấc thanh trường kiếm lên trao cho khách. Rút kiếm ra được phân nửa thanh niên gật gù mỉm cười:

– Quả là kiếm tốt… Tiên sinh định bán bao nhiêu?

Lặng lẽ quan sát hai người khách, thư sinh cười hỏi:

– Tiện sinh đường đột hỏi nhị vị thuộc gia trang, môn phái nào trong giới giang hồ?

Hai thanh niên nhìn nhau dụ dự chưa trả lời. Thư sinh mau mắn tiếp.

– Tiện sinh có lý do để hỏi câu trên. Tiện sinh chỉ bán kiếm cho người xứng đáng làm chủ nhân của nó…

– Ạ…

Hai thanh niên nhìn nhau rồi người trẻ tuổi hơn lên tiếng:

– Không dấu chi tiên sinh. Tôi họ Nguyễn tên Đăng Phong quán ở Tam Đảo, còn vị bằng hữu đây tên Trần Thúc Bạch quê ở Đông Triều…

– Hóa ra nhị vị xuất thân từ hai đại trang lừng danh giang hồ. Tiện sinh hân hạnh được gặp gỡ…

Ngừng lại giây lát thư sinh thong thả tiếp.

– Nói về giá cả của kiếm thời tiện sinh có ba giá. Nếu nhị vị mua trọn bộ giá sẽ là một trăm lạng vàng ròng. Nếu nhị vị mua lẻ thời giá thanh trường kiếm là năm mươi, thanh trung kiếm ba mươi và đoản kiếm hai mươi. Còn nếu gặp đúng người tiện sinh sẽ kính biếu mà không lấy một xu nào…

Nguyễn Đăng Phong và Trần Thúc Bạch nhìn nhau thầm thắc mắc về câu nói của thư sinh.

– Tiên sinh nói nếu gặp đúng người tiên sinh sẽ biếu không là nghĩa làm sao?

Mân mê vỏ kiếm han rỉ và sờn mẻ giây lát, thư sinh nhẹ kéo ra lưỡi kiếm đen xì phản chiếu màu sắc rực rỡ dưới ánh mặt trời.

– Tiện sinh có một bộ kiếm gồm ba thanh trường, trung và đoản kiếm. Mấy năm xuôi ngược khắp nơi song chưa gặp được ai xứng đáng để tặng. Nhị vị biết kiếm này thuộc loại kiếm gì không?

Nguyễn Đăng Phong và Trần Thúc Bạch thay phiên nhau quan sát thật lâu rồi rốt cuộc phải lắc đầu chịu thua không biết đó là loại kiếm gì. Họ có vẻ ngượng ngùng vì thuộc con nhà võ nổi danh mà không đủ kiến thức vũ học để nhìn ra lai lịch của thanh kiếm. Nhất là Nguyễn Đăng Phong thời đỏ cả mặt vì mang danh kiếm thủ thêm xuất thân từ Tam Đảo trang mà lại không nhìn ra lai lịch thanh kiếm của thư sinh lạ mặt. Thong thả cầm lấy thanh trung kiếm thư sinh từ từ rút ra khỏi vỏ. Lưỡi kiếm đen tuyền lấp lánh dưới ánh mặt trời. Nhìn kỹ lưỡi kiếm có khi phát ra ánh sáng màu xanh, màu đen hoặc màu vàng, hoặc có khi lẫn lộn giữa các màu đen xanh vàng thành thứ màu sắc rực rỡ làm chóa mắt người nhìn. Thư sinh búng khẽ vào lưỡi kiếm. Tiếng ngân vang ròn rã và kéo dài thật lâu mới dứt.

– Kiếm tốt thật…

Dù không biết lai lịch song Nguyễn Đăng Phong và Trần Thúc Bạch cũng nhận ra thanh kiếm thật quí.

– Nhị vị thử sờ vào thanh kiếm xem có điều gì lạ không?

Hai thanh niên họ Nguyễn và Trần đưa tay sờ vào lưỡi kiếm xong đồng gật đầu.

– Lạnh… Lạnh lắm… Lưỡi kiếm này lạnh hơn kiếm thường rất nhiều…

Trần Thúc Bạch nói thêm:

– Ngọn bút chì của tôi được đúc bằng thép ròng cực tốt cho nên cũng lạnh, nhưng so ra không lạnh bằng thanh kiếm của tiên sinh…

Mỉm cười thư sinh gật gù giải thích.

– Trần thiếu hiệp nói đúng… Vũ khí càng lạnh chừng nào chứng tỏ chất thép càng thuần và càng tốt chừng đó. Đây là điểm đầu tiên để phân biệt ra vũ khí tốt hay xấu hoặc sắc bén hay không. Nhị vị hãy xem đây…

Thư sinh bứt sợi tóc thả rơi xuống. Dường như bị sức hút vô hình phát ra từ thanh kiếm, sợi tóc rơi xuống thật nhanh và bị lưỡi kiếm cắt đứt làm đôi. Nguyễn Đăng Phong và Trần Thúc Bạch không ngớt trầm trồ khen ngợi. Giọng nói của thư sinh thong thả vang lên giữa chốn đông người.

– Sư phụ tôi bảo rằng ba thanh kiếm này rất linh, có thể báo cho chủ nhân biết trước điều nguy hiểm như khi có gian phi lẻn vào hành thích. Là vũ sĩ giang hồ chắc nhị vị có nghe nói tới thiết huyền kiếm?

Nguyễn Đăng Phong cười nói.

– Tôi có nghe gia phụ đề cập đến song chưa bao giờ được thấy tận mắt…

Tra kiếm vào vỏ thư sinh điềm đạm lên tiếng:

– Sư phụ tôi có nói thiết huyền kiếm là loại kiếm được đúc bằng sắt ròng trộn với hoàng sa nấu chảy. Muốn đúc một thanh kiếm thiết huyền người ta phải đun chảy sắt và cát rồi trộn hai thứ lại thành thứ kim loại hổn hợp cực kỳ cứng rắn và sắc bén. Đúc xong thanh kiếm người ta đem ngâm nó xuống dưới đáy biển để nhờ chất muối trong nước biển ăn mòn những chỗ bợn nhơ trên lưỡi kiếm. Mười năm sau người ta mới lấy nó lên tôi luyện lại lần nữa rồi đem ngâm xuống biển. Ba lần như vậy với thời gian ba mươi năm thanh kiếm thiết huyền mới thực sự thành hình. Nó trở thành thứ báu kiếm vô giá thừa khả năng xẻ đá cắt sắt một cách dễ dàng. Nhị vị xem đây…

Lục trong gói hành lý lấy ra thanh đoản đao, thư sinh chém nhẹ vào lưỡi kiếm thiết huyền. Xoẹt tiếng khẽ. Thanh đoản đao bị tiện đứt một cách ngọt sớt. Nguyễn Đăng Phong xuýt xoa khen ngợi xong mới nói.

– Thưa tiên sinh vì giá tiền quá lớn nên tôi chỉ muốn mua thanh đoản kiếm mà thôi. Tuy nhiên tôi không có sẵn tiền vậy xin tiên sinh đúng ngày tiết đoan dương đem kiếm tới tệ trang tại Tam Đảo. Tiên sinh muốn tôi đặt tiền cọc trước không?

Thư sinh khoát tay cười.

– Khỏi cần… Một tiếng nói của Nguyễn anh hùng có giá trị hơn nghìn lạng vàng. Đúng ngày mồng năm tháng năm tiện sinh sẽ mang kiếm tới Tam Đảo…

Nói lời kiếu từ xong Nguyễn Đăng Phong và Trần Thúc Bạch theo làn sóng người xuôi về bến Đông Bộ Đầu. Thư sinh bán kiếm vẫn còn ngồi gầm đầu đọc sách. Cả ba người gồm thư sinh, hai thanh niên họ Trần và Nguyễn đều không để ý đến tên chủ quán đứng trước cửa lắng nghe câu chuyện về thanh kiếm thiết huyền. Chờ tới lúc Nguyễn Đăng Phong và Trần Thúc Bạch bỏ đi hắn hối hả theo sau.

Được đoạn đường hắn tạt vào căn nhà cửa đóng im ỉm. Đây chính là trạm lượm tin của toán thủy khấu ở bến Đông Bộ Đầu. Lát sau tên chủ quán ngồi thuyền theo con nước ròng xuống khúc sông Hoàng Giang đoạn cập vào một chiếc đại thuyền neo giữa dòng sông mênh mông.

Đây là đại bản doanh của tay chúa tể đám thủy khấu miền bắc. Náo Giang Long. Với thuật xử kiếm thần sầu cùng công phu đăng bình độ thủy tân kỳ, cách đây mười năm hắn từng làm dậy sóng Lô giang và được giang hồ phong tặng danh hiệu Náo Giang Long đồng thời bước lên tột đỉnh danh vọng là chúa tể đám thủy khấu miền bắc.

Cai quản hơn năm ngàn thủ hạ, hàng trăm cứ điểm, trạm liên lạc, hàng ngàn quán ăn, sòng bạc, động hút và nhà chứa gái mãi dâm; Náo Giang Long nắm trong tay một thế lực mạnh nhất nhì giang hồ.

Khúm núm bước vào căn phòng rộng tên chủ quán cung kính vái chào một tráng niên ngồi bệ vệ trên chiếc ghế giao ỷ bọc da cọp.

– Trình đại vương tôi nghe được một tin hay lắm…

Vuốt hàm râu rồng hung hung đỏ, Náo Giang Long cất giọng ồm ồm:

– Tin gì vậy… Ngươi nói ta nghe…

– Dạ… Tin về một thanh kiếm…

Tên chủ quán gải đầu lúng túng khi quên mất tên thanh kiếm mà hắn đã nghe được.

– Thanh kiếm gì nói mau lên…

Náo Giang Long gằn giọng khiến cho tên chủ quán sợ xanh mặt. Cũng vì sợ mà hắn rặn hoài không ra tên của thanh kiếm.

– Dạ… Trình… Đại… Đại vương… thanh… thanh kiếm thiết huyền…

Rặn hồi lâu tên chủ quán mới nói hết câu nói trên. Náo Giang Long đứng bật dậy khi nghe tới bốn chữ ” thanh kiếm thiết huyền “. Bước nhanh tới chỗ tên chủ quán đang đứng, tên chúa cướp hỏi dồn:

– Thanh kiếm thiết huyền… Ngươi có nghe lầm không?

– Thưa đại vương thuộc hạ không nghe lầm đâu…

Tên chủ quán nhanh nhẩu thuật lại từ đầu tới cuối câu chuyện bán kiếm của thư sinh. Nghe xong Náo Giang Long lẩm bẩm:

– Thiết… huyền…. kiếm… Thanh kiếm ngàn năm mới có một… Làm chủ nó ta sẽ trở thành minh chủ giang hồ… Bây đâu gọi Lý Anh tới cho ta dạy việc…

Thủ hạ hối hả đi kiếm Lý Anh. Chúng không lạ gì tật mê kiếm của chủ tướng. Náo Giang Long mê bảo kiếm hơn mọi thứ trên đời dù hắn có năm thê bảy thiếp, ngọc ngà châu báu vô số kể. Hắn có nguyên một bảo khố chưng bày đủ mọi loại kiếm từ mộc kiếm, bạch kiếm, hắc kiếm, trường kiếm, đoản kiếm, ngọc kiếm… Hắn xử dụng thanh huyết kiếm quí báu vô song nhưng vẫn chưa vừa ý. Hắn thường bảo thủ hạ lẫn bạn bè là bảo khố của hắn thiếu giá trị nếu không có chưng bày thanh thiết huyền kiếm. Nay nghe được tên chủ quán tường thuật về thanh kiếm thiết huyền của người thư sinh hắn động lòng tham muốn ra tay chiếm đoạt.

Hấp tấp bước vào Lý Anh cung kính thi lễ với chủ tướng:

– Trình đại vương gọi tôi có điều chi sai khiến?

Náo Giang Long nói thật nhanh:

– Ngươi dẫn chục thằng theo tên chủ quán tới bến Đông Bộ Đầu tìm cho được gã thư sinh hỏi mua bộ kiếm thiết huyền của hắn. Hắn muốn bán giá bao nhiêu ta cũng mua. Còn như hắn không chịu bán thời ngươi cướp lấy đem về đây cho ta. Ngươi đi lẹ lên kẻo lỡ việc. Nếu các ngươi mà đem về dâng cho ta bộ kiếm thiết huyền thời ta sẽ trọng thưởng bằng không ta vặn cổ cả đám… Đi…

Lý Anh kéo thủ hạ xuống thuyền. Lát sau thuyền cặp bến. Tên chủ quán đi trước dẫn đường. Dừng lại nơi ngã ba hắn nói nhỏ với Lý Anh:

– Gã kìa… Gã vẫn còn ngồi đọc sách…

Lý Anh gật đầu bảo thủ hạ:

– Tới nơi các ngươi chia nhau chận đường đừng cho gã chạy trốn. Chuyện mua hay chiếm đoạt thanh kiếm cứ để phần ta đối phó…

Khi đám thủy khấu vừa tới nơi thời thư sinh ngưng đọc sách và đang sửa soạn dọn dẹp.

– Tiên sinh bán kiếm?

Lý Anh hỏi gọn một câu. Liếc nhanh khách, thư sinh lắc đầu cười:

– Tôn ông tới chậm quá.. Đã hết giờ bán kiếm rồi…

– Tiên sinh nói gì ta không hiểu…

Thư sinh tươi cười giảng giải:

– Tiện sinh bán kiếm có giờ giấc nhất định và nhất là chỉ bán cho vài hạng người mà thôi…

Láy mắt ra hiệu cho đồng bọn, Lý Anh trầm giọng:

– Nghe tiên sinh có kiếm quí nên chủ nhân của ta muốn mua. Giá bao nhiêu cũng được. Nhược bằng tiên sinh không khứng bán thời ta bắt buộc phải nặng tay…

– Tiện sinh mạn phép hỏi chủ nhân của tôn ông là ai?

Lý Anh cười ha hả nói lớn:

– Tiên sinh là người đọc sách nên chắc không biết chủ nhân của ta là Náo Giang Long, ông vua ăn cướp nước trong giới giang hồ…

– Ạ… Hóa ra… Nhưng tôn ông thứ lỗi… Kiếm đã có người mua vả lại đã hết giờ bán kiếm rồi…

Đem danh hiệu của chủ tướng ra hù mà thư sinh vẫn không chịu bán, Lý Anh vừa giận vừa nóng lòng. Hơn ai hết hắn biết chủ tướng mê kiếm tới mức độ nào. Hôm nay nếu hắn không đem thanh báu kiếm về dâng nộp, thời ông ta sẽ bẻ gãy cái cổ của hắn như bẻ cổ con gà. Do đó hắn không còn cách nào hơn là ra tay chiếm đoạt. Không nói lời nào hắn vung tay tát vào mặt kẻ bán kiếm. Thư sinh la nho nhỏ:

– Tôn ông làm gì vậy. Thấy ta ốm yếu tôn ông định giở trò ăn cướp hả…

Dường như sợ hãi thư sinh vội lùi lại một bước. Bằng cách hồi bộ này y tránh thoát được cái tát của Lý Anh một cách dễ dàng. Hơi giật mình gã ăn cướp cười khẩy:

– Giỏi đa…

Lồng trong tiếng nói Lý Anh xô người nhập nội. Tay tả mở khoằm khoằm như vuốt chim ưng móc vào hông, trong khi tay hữu nắm lại thành quyền đấm vào đản trung huyệt của thư sinh. Xuất hai đòn này, Lý Anh cố tình đánh cho thư sinh ngất xỉu xong mới ra tay chiếm lấy thanh kiếm. Bịch… Thư sinh ôm bụng la lớn:

– Bà con làng xóm ơi… cứu mạng… cứu mạng… Ăn cướp… Ăn cướp…

Tuy nghe thư sinh lớn tiếng cầu cứu nhưng thiên hạ không ai dám can thiệp. Họ sợ bị đám thủy khấu đánh đập hoặc trả thù. Được trớn Lý Anh hò hét ra lệnh cho thủ hạ nhảy vào ăn có.

Dường như sợ hãi thư sinh la làng chói lọi đồng thời cuống quít vung tay cố gắng đỡ đòn. Bịch… Bịch… Lý Anh và thủ hạ té lăn cù nằm im không cục cựa trên đất. Trơ mắt nhìn gã thư sinh quảy hành lý bỏ đi, chúng tự hỏi tại sao tay chân của mình bị tê liệt không nhúc nhích được.

Ngồi trên chiếc ghế bọc da cọp, Náo Giang Long giận tím mặt khi nghe thủ hạ báo cáo gã thư sinh bán kiếm đã bỏ đi biệt dạng sau khi đánh bại Lý Anh và thủ hạ. Hắn quát tháo, nạt nộ, đánh đập thủ hạ khiến ai ai cũng không dám lại gần.

– Trần đại ca về…

Đám thủy khấu mừng rỡ ra mặt. Trên đời này Náo Giang Long chỉ nể nang và chịu nghe lời có một người. Tiểu Trí Trần Bình. Náo Giang Long có sức mạnh và trình độ vũ thuật cao siêu song Trần Bình mới chính là cái hồn của hắn. Họ Trần bày mưu định kế, chỉ huy mọi hoạt động của đám thủy khấu. Hắn có tâm cơ sâu xa, đa mưu túc trí, tiên liệu mọi sự đúng phong phóc, cho nên Náo Giang Long và thủ hạ đều kính nễ. Nay có việc rắc rối khó giải quyết mà nghe Tiểu Trí Trần Bình trở về, Náo Giang Long thuật đầu đuôi về chuyện gã thư sinh và thanh kiếm thiết huyền.

– Đại ca đừng nóng nảy… Chuyện đâu còn có đó. Tôi bảo đảm với đại ca trong vòng một tuần sẽ tìm ra tông tích gã thư sinh bán kiếm…

Náo Giang Long tươi cười gật đầu vì Tiểu Trí Trần Bình chưa bao giờ sai lời. Thong thả ngồi xuống ghế, Trần Bình bảo tên chủ quán thuật tỉ mỉ từng chi tiết về chuyện gã thư sinh bán kiếm bên đường xong mới tươi cười nói với Náo Giang Long:

– Ngay cả không tìm ra tông tích gã thư sinh bán kiếm ta vẫn còn có cách khác tuy phải mất nhiều thời giờ và công sức. Gã đã ước hẹn với Nguyễn Đăng Phong đúng ngày tiết đoan dương sẽ đem kiếm tới Tam Đảo. Nếu biết chỗ hẹn ta có thể chiếm đoạt thanh thiết huyền kiếm một cách không khó khăn lắm…

Náo Giang Long Đứng bật dậy nói nhanh:

– Chúng ta đi Tam Đảo ngay bây giờ hả Trần hiền đệ. Ta nóng lòng muốn thấy thanh kiếm thiết huyền…

Tiểu Trí Trần Bình lắc đầu cười:

– Đại ca đừng nóng… Có đi Tam Đảo giờ này chúng ta cũng không gặp gã thư sinh bán kiếm. Vả lại tôi cũng không muốn đụng chạm tới Nguyễn gia trang trừ trường hợp bắt buộc… Ta hãy lùng bắt gã thư sinh trước…

Ngừng lại giây lát họ Trần tiếp:

– Ta nên rải thủ hạ chận các ngã đường vào ra bến Đông Bộ Đầu. Phần tôi và đại ca điều động thủ hạ tới xem đả lôi đài. Tôi đoán gã thư sinh chắc lẩn quẩn nơi lôi đài…

Hai tên chúa cướp kéo thủ hạ tới bến Đông Bộ Đầu. Năm nay cuộc tuyển lựa vũ sĩ được chủ tọa bởi một nhân vật đặc biệt là thái sư Trần Thủ Độ. Khi Náo Giang Long và Tiểu Trí Trần Bình tới thời cuộc đả lôi đài đang đi vào phút cuối của vòng chung tuyển cực kỳ hào hứng và gay cấn. Ban tổ chức xướng danh hai võ sĩ cuối cùng trong cuộc tranh đoạt danh vị vũ sĩ vô địch toàn quốc. Người thứ nhất là Đỗ Thoại quán tại Bắc Giang còn người thứ nhì là Đặng Anh quê ở châu Quảng Oai. Điểm khác biệt là năm nay người ta không thấy các vũ sĩ giang hồ ghi tên tham dự cuộc tuyển lựa vũ sĩ vô địch toàn quốc.

Tiếng cồng nổi lên báo hiệu cuộc tranh tài bắt đầu. Hai vũ sĩ ôm quyền thi lễ cùng khán giả đoạn thi lễ với nhau xong Đỗ Thoại xoạc chân đứng tấn.

Lấy chân mặt làm trụ, chân trái co lên ép sát vào chân mặt, hai tay dang ra thẳng băng, hai bàn tay nắm lại thành quyền; Đỗ Thoại triển khai chiêu thức mở đầu thật trầm ổn và vững vàng. Chỉ cần nhìn chiêu thức mở đầu này ai ai cũng biết y phải có công phu khổ luyện võ gia truyền ít nhất hai mươi năm.

Từ thời sơ khai của nhà Lý cho tới nay giới giang hồ Đại Việt tiến vào thời kỳ hưng thịnh. Không kể các môn phái lớn nhỏ, mười hai đại trang kỳ cựu, giới giang hồ còn có mấy ngàn vũ sĩ xuất thân từ các nhà mà vũ thuật của họ chính là võ gia truyền tức là cha chỉ truyền thụ cho con cái trong nhà mà không truyền cho người ngoài.

Cũng vì tính chất gia truyền này mà võ thuật của các nhà đượm nét kỳ bí và lạ lùng. Nhiều gia đình cha chỉ dạy võ cho con trai mà không dạy cho con gái vì sợ con gái học rồi khi lấy chồng sẽ truyền dạy lại cho người bên nhà chồng. Hoặc giả có những tuyệt kỹ người cha chỉ dạy cho trưởng nam hoặc người con nào có đức độ mà thôi.

Cũng do ở tính chất bí truyền này mà vũ thuật đôi khi trở thành thất truyền vì nếu người cha không có con trai hoặc có con trai mà kém đạo đức thời tuyệt kỹ của ông ta kể như mất luôn.

Đỗ Thoại là một vũ sĩ gia truyền. Quyền thuật của y thoạt trông giống như hạc quyền nhưng hơi khác vì hai bàn tay nắm lại trong khi hạc quyền của Thông Thánh Quán hai bàn tay chụm lại nhọn hoắt như mỏ con chim hạc.

Trái với tiên đoán của người dự khán, không xoạc bộ, thủ thế mà cũng không đứng tấn Đặng Anh xuôi tay triển công phu trầm tịnh.

Nhìn Náo Giang Long, Tiểu Trí Trần Bình cười hỏi:

– Đại ca đoán ai thắng?

Náo Giang Long chầm chậm lắc đầu:

– Ta chưa đoán được vì hai đấu thủ chưa trổ ngón nghề gia truyền độc địa. Đỗ Thoại thuộc gia trang nào hiền đệ biết không?

Trần Bình cũng lắc đầu:

– Giang hồ nước ta chỉ có ba nơi chuyên về Hạc công phu. Đó là Bạch Hạc phái ở Hắc Giang, Thông Thánh Quán nơi huyện Bạch Hạc và một nhà ở Bắc Giang. Hình như Đỗ Thoại thuộc về một nhà ở Bắc Giang…

Ngừng lại giây lát Trần Bình chép miệng nói:

– Tôi không nhìn ra lai lịch và sư thừa của Đặng Anh. Y ở Quảng Oai mà dường như vùng này không có gia trang hay môn phái nào nổi tiếng trong giang hồ. Có lẽ y thuộc về một nhà mới xuất hiện nên ta chưa nghe nói tới…

Đỗ Thoại ra tay trước. Chân trái đang ép sát vào chân phải chợt bỏ xuống rồi bước tới một bước. Bàn chân vừa chạm sàn đài hai cánh tay hằn bắp thịt bắt từ ngoài kéo ập vào ngay thái dương huyệt của đối thủ. Y ra đòn thần tốc, trầm trọng, hung hãn và hiểm độc vô song vì đánh ngay vào thái dương là một trong ba mươi sáu tử huyệt của con người.

Song quyền của Đỗ Thoại vừa đi hơn nửa đường Đặng Anh chợt mở mắt cùng với hai chân nhích động.

– Tuyệt…

Náo Giang Long gật gù mỉm cười còn Tiểu Trí Trần Bình không nhịn được phải buột miệng khen một chữ trên. Một cao thủ giang hồ như y mà còn phải buột miệng khen cú đá của Đặng Anh.

Hai chân họ Đặng đá ra hai hướng khác nhau và nhằm hai mục tiêu cũng khác nhau. Hữu cước từ trong đá bung ra ngoài mà mục tiêu là cổ tay, trong lúc tả cước từ ngoài đá ập vào trong mà mục tiêu chính là khuỷu tay của Đỗ Thoại. Cú đá tuyệt diệu này hóa giải một cách dễ dàng chiêu quyền của đối thủ.

Tuy nhiên vỏ quít dầy có móng tay nhọn. Khổ luyện võ gia truyền từ lúc lên năm bảy đã cho họ Đỗ có một bản lĩnh cao siêu. Song cước của đối phương vừa bung ra y biến thế liền.

– Hạc trảo… Ta biết trước mà…

Náo Giang Long hò lớn. Vốn tay hành gia vũ học nổi tiếng trong giới giang hồ Đại Việt, hắn biết trước sau gì Đỗ Thoại cũng phải trổ hạc trảo hầu hóa giải cú đá tuyệt diệu của Đặng Anh.

Bàn tay mặt đang nắm lại thành quyền chợt biến thành chỉ điểm vào huyệt dũng toàn nơi lòng bàn chân trái, còn tả quyền chợt đổi thành trảo móc tới chân. Toàn thể các huyệt đạo trên hai chân của Đặng Anh như trung ủy, dương đài nơi đầu gối; hoàn khiên, ngũ lý, phúc thổ, dương tiền, bạch thị, chiếu hải đều nằm trong vùng phong tỏa của hai chiêu này.

Họ Đỗ biến chiêu lanh khủng khiếp. Hai bàn tay y khi mở ra thành trảo, lúc cụp lại thành chỉ, khi khép lại thẳng băng như triệt thủ nào điểm, chém, chặt, móc, vổ, bấu, bắt, vặn, bẻ khắp hai chân đối thủ.

Đặng Anh cũng không chịu kém. Hai chân y bung lên hạ xuống, tạt ra co vào tạo thành trùng trùng bóng ảnh cùng với hai ống quần phất gió kêu rèn rẹt.

Rốp… Rốp… Đặng Anh lạng mình ra khỏi vòng đấu. Ôm quyền thi lễ y cười gượng:

– Đỗ huynh quyền thuật tuyệt luân nên tôi xin nhường chức vô địch cho huynh…

Đặng Anh bước xuống đài. Y đi khập khểnh chứng tỏ bị thương không nhẹ. Ban tổ chức tuyên bố Đỗ Thoại thắng cuộc và trở thành võ sĩ vô địch toàn quốc. Theo thông lệ vị võ sĩ vô địch sẽ đứng ra thách thức mọi người giao đấu. Đứng hiên ngang nơi khán đài Đỗ Thoại cao giọng:

– Đỗ Thoại tôi kính mời quí vị thượng đài giao đấu…

Y lập lại ba lần mà không có ai lên đài.

– Không lẽ trăm ngàn anh hùng hào kiệt, vũ sĩ giang hồ hiên diện ở đây ngày hôm nay lại không có ai lên đây chỉ giáo cho kẻ hèn này vài đường quyền thế cước…

Náo Giang Long cười hực còn Tiểu Trí Trần Bình hơi cau mày vì lời lẽ ngạo mạn của vị võ sĩ vô địch.

– Để tôi lên… Để tiện sinh thượng đài…

Thiên hạ bật cười khi thấy một thư sinh từ từ bước lên đài. Nho phục bạc màu, đầu quấn vành khăn nhiễu tam giang, dáng điệu bạc nhược; thư sinh đúng là kẻ trói gà không chặt.

– Xuống…

– Lôi cổ thằng học trò xuống…

– Hắn biết cái gì mà lên đó đánh đấm…

– Hắn mà võ gì… Vỏ cua vỏ còng chắc…

Thiên hạ la rầm khi thấy thư sinh thượng đài. Chỉ có Trần Bình và Náo Giang Long im lìm quan sát thư sinh. Lão chủ quán thì thầm vào tai Náo Giang Long:

– Trình chủ tướng hắn đấy…

Gật đầu Trần Bình nói nhỏ:

– Ta chờ xem hắn giở trò gì…

Dứt lời họ Trần thì thầm vào tai tên thủ hạ thân tín. Lệnh được truyền ra và đám thủy khấu sẵn sàng vây bắt thư sinh khi có lệnh của chủ tướng.

– Tiên sinh lên đây làm gì?

Đỗ Thoại hỏi lớn. Quay nhìn xuống đám đông đứng dưới khán đài thư sinh cười thốt:

– Tôn ông thách thức mọi người thượng đài kia mà…

Đỗ Thoại cao giọng:

– Tôi thách thức các vũ sĩ giang hồ so tài chứ đâu có mời tiên sinh là một anh học trò trói gà không chặt…

– Tôn ông cho rằng tiện sinh không biết võ?

Thư sinh hỏi và Đỗ Thoại gật đầu. Hướng về phía ban giám khảo thư sinh cười hỏi:

– Nếu tiện sinh trong vòng một chiêu đánh ngã vị võ sĩ vô địch toàn quốc thời quí vị trong ban giám khảo tính sao?

Ban giám khảo còn đang do dự chưa trả lời, thái sư Trần Thủ Độ đột ngột lên tiếng:

– Ngươi sẽ là võ sĩ vô địch toàn quốc và trở thành thượng tướng của triều đình… Anh học trò kia ngươi tên gì?

– Lãng Thư Sinh tôi không ham chức võ sĩ vô địch toàn quốc cũng như thượng tướng của triều đình. Tôi chỉ muốn chứng tỏ cho mọi người biết rằng, võ sĩ vô địch toàn quốc chưa hẵn tài cao hơn thiên hạ, cũng như thượng tướng của triều đình chỉ là phường bị thịt…

Lồng trong tiếng ” thịt ” tà áo xanh chớp ngời bóng ảnh. Bịch…. Bịch… Đỗ Thoại té nằm dài trên đài.

– Quân sĩ… Bắt thằng học trò ngạo mạn đó cho ta…

Thái sư Trần Thủ Độ hét lớn. Tà áo xanh chuyển động. Bóng người vọt lên không rồi tựa như chiếc lá vàng khô tà tà bay theo cơn gió dạt ra xa và biến mất trong đám đông.

Ngay lúc thân ảnh thư sinh loáng động Náo Giang Long đứng bật dậy. Nắm chặt tay thủ lĩnh Trần Bình gằn giọng:

– Đại ca đừng vọng động. Gây náo loạn ở đây và ngay lúc này ta sẽ trở thành tội phạm của triều đình. Đã nhận dạng, biết danh hiệu thời sớm muộn gì ta cũng sẽ tìm gặp hắn. Bằng không chúng ta sẽ đi Tam Đảo vào ngày mồng năm tháng năm…

Nghiến răng kèn kẹt Náo Giang Long ngồi xuống. Nhìn cảnh quan quân túa ra truy lùng Lãng Thư Sinh trong đám đông, Tiểu Trí Trần Bình cười gật gù:

– Bản lĩnh hắn hay tuyệt… Thành thực mà nói tôi không thể đánh ngất Đỗ Thoại bằng một chiêu. Hắn thi triển công phu hoặc tuyệt kỹ gì đại ca biết không?

Náo Giang Long lắc đầu:

– Chính ta cũng không thể đánh ngất Đỗ Thoại bằng một chiêu. Hắn thi triển thứ quyền thuật lạ lùng chưa từng thấy. Đường lối và lộ số quái dị lắm. Phải trực diện giao đấu may ra ta mới đoán được. Hiền đệ ráng tìm thấy hắn. Ta muốn giao đấu với hắn một trăm chiêu…

Biết tánh háo võ của thủ lĩnh, Trần Bình gật đầu đứng lên. Hai tên chúa cướp từ từ rời khán đài.

Vài lời của người viết truyện - HỒI I -

Tiến >>


Nguồn: Tác giả VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 19 tháng 9 năm 2019