Tôi không có ý định làm văn chương ở những cái ghi chép nhỏ về những chuyện tình trong ngõ Lỗ Thủng này. Bởi bấy lâu nay, giới văn chương nước nhà dấy lên một cuộc cãi lộn khá sôi nổi, về nhân cách của nhà văn. Một bên khen ông Nguyễn Huy Thiệp là viết hay, viết sắc sảo và trung thực. Còn một bên chửi ông Thiệp là đồ bịp bợm, ăn nói văng mạng, tục tĩu đểu cáng. Thậm chí có người, để chứng tỏ chính kiến của mình, đã tuyên bố rất hùng hồn rằng, loại văn sĩ như Nguyễn Huy Thiệp thì không có cách xử lý nào hơn là đem chém!
Tôi phải xin lỗi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, vì tôi chưa có dịp được gặp ông lần nào, cũng chỉ là mới đọc truyện của ông thôi. Truyện nào của ông được in ra tôi cũng tìm đọc. Và càng đọc, tôi càng phục ông. Thế mới biết cái sự khen chê ở đời lắm điều phức tạp. Nhưng cũng nên nghĩ cho nhẹ nhàng, cho giản dị, thì đó chẳng qua chỉ là quan niệm của mỗi người. Đến như ông Vũ Trọng Phụng hồi xưa, trung thực, sắc sảo là thế, vẫn có người tìm ra điều để mà chê, để mà trách nữa là.
Cái truyện mới nhất của ông Thiệp mà tôi được đọc là truyện "Cún". Tôi cứ hình dung chàng "Cún" của ông đang tồn tại trong ngõ Lỗ Thủng chúng tôi. Tôi sống ở ngõ Lỗ Thủng này có tới hơn chục năm rồi. Kỳ thực thì, nếu làm cuộc phỏng vấn, hẳn chẳng ai muốn mình phải sinh ra và lớn lên trong cái ngõ Lỗ Thủng tối tăm bùn lầy ấy. Thế nhưng, số kiếp con người ta nó cứ khác nhau. Khác nhau một cách ngang ngược, khiến cho bản thân chúng tôi, những người sống trong ngõ, lại không bao giờ tự đặt ra câu hỏi để mà trả lời. Có lẽ cũng vì vậy mà người ta mới cần đến thứ văn chương trần trụi, đời thường. ở ngõ Lỗ Thủng chúng tôi sống, toàn dân tứ chiếng giang hồ, sau ngày giải phóng Thủ đô, dạt tới đây, tụ lại đây trên một khu rác rưởi và lần mò kiếm sống. Công bằng mà nói, chính là nhờ có công trình xây dựng Thủ đô, cái công viên này mới được xây dựng. Có công viên lên rồi thì ngõ Lỗ Thủng chúng tôi mới được hình thành.
Có lẽ chỉ vì đời sống quá lam lũ, nên đám dân trong ngõ chúng tôi ít có dịp đặt vấn đề văn hóa, ấy là nói lối sống văn hóa, chứ còn học chữ thì cũng có. Trẻ con trong ngõ thường cũng phải học hết lớp năm, lớp bảy rồi mới thôi. Cũng có người đi đại học, thành kỹ sư, bác sĩ, thành thầy giáo rồi. Nhưng những người thành đạt ấy thường nhanh chóng tìm cách thoát khỏi cộng đồng. Và lối sống trong ngõ thì vẫn dữ, ngày càng dữ, chưa hề có dấu hiệu gì khả quan. Ngay bây giờ tôi có thể dẫn bạn đi ngang qua một dãy nhà, ba phút, bạn có thể nghe rõ không dưới ba câu chửi tục. Rất tục. Tục tới mức không thể tục hơn thế. Nếu bạn tới đây lần đầu, hẳn bạn sẽ rất ghê tởm. Còn nếu bạn phải buộc ở đây một ngày, bạn sẽ rất kinh hoàng, chỉ vì phải chứng kiến những cảnh sống "không còn biết thế nào." Ai lại bố nói với con: "...Mẹ mày?"- (tôi bỏ cái chữ đầu đi để bạn đỡ ngượng khi phải đọc nó, chứ còn tôi thì nghe quen rồi). "Mày là thằng mất dạy!" Con trả lời bố: "... Mẹ! Có ông mất dạy thì có. Có đứa... nào dạy tôi đâu?"- "A! thằng này khốn lạn, mày cãi lại ông hả?" - “Thì tôi hỏi ông, ông không mất dạy, sao lại đẻ ra tôi là thằng mất dạy?... Mẹ!" - Bà mẹ xen vào: "...Tổ mẹ cái thằng mặt... Ai bảo mày đem bán cái quạt có hai chục ngàn để lấy tiền uống rượu? Còn bai cái mồm ra cãi nhau với con!" -
Ấy là bà vợ mắng ông chồng chứ không phải chửi con đâu nhé! Cứ tưởng như họ sắp giết nhau không bằng. Kỳ thực chỉ là hơi bực nhau tí thôi. Mà cái sự bực nhau kiểu ấy có mà suốt ngày, hai bốn trên hai bốn, nếu như ngần ấy thời gian họ cùng có nhau ở nhà! Xin bạn chớ vội lo ngại, bởi vì bạn cũng sẽ được chứng kiến những cảnh tươi mát, ví như ngoài xã hội có cái gì, thì trong ngõ chúng tôi cũng không đến nỗi kém cạnh. Không phải chúng tôi không biết sống hoa lá cành đâu nhá. Có cả đấy! Có cả mừng sinh nhật các cháu bằng hoa hồng, bánh ga tô, mừng đám hỏi, đám cưới trầu cau. Nghi lễ, hương khói ngày rằm, mùng một, vòng hoa khi chết, nâng li, cụng chén đến nơi đến chốn vào dịp tết nhất, hội hè, lễ lạt. Tóm lại là có đủ, nhưng theo cái lối tiến hành riêng, cái cách biểu hiện riêng, cách thẩm định riêng. Và vì thế, chia buồn, chia vui cũng đặc sắc, âu yếm hay tức giận, không nhất thiết theo một lề thói nào.
Tôi sống được ở đây không phải tôi tài giỏi gì. Là một anh nhà báo quèn, lại làm việc ở một tòa báo ngành, chẳng mấy ai để ý đến tờ báo lá cải ấy. Thêm nữa, tên tuổi tôi cũng chưa có gì đặc biệt nổi lên trong giới, và tôi được sống tự nhiên, ít ai để ý. Tôi sống độc thân, thỉnh thoảng mới về nhà. Mà cái nhà tôi mua lại là do anh Gù mách mối, thành thử chẳng ai dám đụng chạm tới tôi. Uy danh của anh Gù trong ngõ có thể xếp vào bảng A. Thật cũng khôi hài, một thằng lành lặn, khoẻ mạnh, có công ăn việc làm, đi Nam, về Bắc, ra sống, vào chết, lại phải núp dưới cái bóng của thằng Gù! Đây là lời bình luận của ông tiến sĩ, thư ký tòa soạn, người bạn già tốt bụng của tôi.
Một hôm, vì có chuyện gì đó không vui với ông Tổng biên tập, tiến sĩ tới, nằm vật trên giường, vẻ ủ dột. Trời chệnh choạng tối, lại mất điện, lại cuối tháng, cả hai anh em cùng rỗng túi, tôi bèn rủ ông ra quán anh Gù ăn cái bánh rán, uống nước chè ghi nợ, tán chuyện tào lao. Cũng vì chán đời nên nhà trí thức thân yêu của tôi mới chịu nhận lời mời. Vừa thấy mặt tôi, anh Gù đã: "...Mẹ! Đi đâu mất mặt cả tháng?" - Tôi: "Đi cứt đâu? Đói!" - "...Mẹ! Mày khinh anh mày thì có!" - Tôi cười hì hì, kéo tay ông tiến sĩ ngồi xuống, giới thiệu với anh. Mới nghe mấy câu đối thoại thân tình của tôi với anh Gù mà ông tiến sĩ đã đỏ mặt. Chả biết ông đứng lên, ngồi xuống thế nào, động vào tay cô gái đang bưng chén rượu. Chén rượu rơi xuống chân cô ta. "... Mẹ thằng già!", cô ta chửi bốp vào mặt tiến sĩ. "Đồ vô văn hóa!", cô ta tiếp. "ấy chết! ấy chết! Tôi... tôi... xin... xin lỗi!", tiến sĩ cuống quít. "Xin lỗi cái lỗ... Có rót đền người ta không? Đồ mất trí khôn, vô học thức!". Cả tốp mấy chàng trai cùng cười rộ lên.
Tôi nhận ra Hạnh, cô láng giềng đáo để, liền quay lại vỗ đánh "bộp" một cái thật mạnh vào mông cô, chửi: "...Mẹ mày, thầy tao đấy". Hạnh quay lại, véo tai tôi: "Không lể anh, em cho lão cái tát!" Anh Gù ra lệnh: "Câm mõm?". Các chàng trai im bặt. Hạnh nhận chén rượu từ tay anh Gù, quay sang ông tiến sĩ: "Con mời bố!", cô nói từ tốn. Ông tiến sĩ của tôi nghệt mặt ra, không biết xử sự thế nào. Rồi ông đưa mắt cầu cứu tôi. Tôi cầm chén rượu, nói: "Rượu bất khả từ, xin ông anh chớ ngại. Cô ấy đã mời thì ta có bụng!". Tôi san chén rượu đưa cho ông một nửa: "Xin cụng chén chúc cô Hạnh ăn nên làm ra!" Hạnh cụng cùng chúng tôi, ngửa cổ uống hết. Ông tiến sĩ cũng nhăn mặt uống. Thế là tôi vào cuộc, còn ông tiến sĩ ngồi nói chuyện với anh Gù, ăn bánh rán, bánh mỳ phết bơ, hút thuốc lào vặt.
Sau bữa ăn uống hú hồn hú vía ấy, tiến sĩ bảo tôi: "Tớ phục cậu!" - "Phục gì?"- "Cậu bụi thật đấy!" - "Nhập gia tùy tục, không thế không được". Rồi tôi phải phân tích thêm cho ông tiến sĩ của tôi hay rằng, ông là đồ "vô văn hóa", đồ "vô học thức" một trăm phần trăm. Bởi vì ở chốn này, chúng tôi đang tồn tại một nền văn hóa riêng, nền văn hóa "Ngõ Lỗ Thủng". Nếu như tôi lỡ đánh đổ chén rượu của cô Hạnh, chắc chắn tôi xử sự khác: "...Mẹ mày cái con vô duyên, đi với chả đứng!" Hoặc: "... Mẹ con mặt..., đi với đứng thế hả?". Như thế mới là có văn hóa! Và chỉ có một cách ấy, Hạnh mới nhận ra bản chất của giới tính mình, cô ta sẽ lủi thủi nhặt cái li lên, lủi thủi rót li khác, và tự cô nhận ra lỗi thuộc về ai. ở đây không có chuyện động cái là cám ơn với lại xin lỗi. Tất cả những thứ ấy đều trở nên lố bịch. Không ai xài thứ xa xỉ phẩm bừa phứa thế được. "Ừ, cũng có lý...", ông tiến sĩ khen tôi triết luận khá là lôgich.
Sự thực thì đâu có phải như vậy. Cái thứ triết lý vặt của tôi đâu có đủ sức thuyết phục lẽ đời. Ông bạn tiến sĩ già của tôi thật thà và cả tin, nhưng ông không tự biết rằng, chính ông đang chết dần, chết mòn trong cái sự cả tin của mình ấy.
KHÚC DẠO ĐẦU
Tiến >>
Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn
Nguồn: TVE-4U
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 24 tháng 12 năm 2020