(Viết lại một kỷ niệm trong lớp chia sẽ cùng các bạn tôi đang ở khắp bốn phương trời)
Lớp 11 tôi học môn Việt Văn cùng cô Lê Thị Ngọc Diệp tại trường Marie Curie Sài Gòn.
Các bạn còn nhớ chương trình văn lớp 11 thời ấy học về tác phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du. Rất nhiều trích đoạn từ truyện Kiều được giảng dạy, trong đó hay nhứt có lẽ là đoạn Thúy Kiều xử Hoạn Thư, tức là đoạn nói về Thúy Kiều sau khi làm vợ Từ Hải đã cho người bắt Hoạn Thư về tính bề trả oán ngày trước.
Hôm đó Thúy Kiều đường đường là một Áp Trại Phu Nhân, nắm quyền sinh sát Hoạn Thư trong tay đã cay đắng nói rằng:
“Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan?
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều!”
Nghĩa là ngày trước Hoạn Thư cay nghiệt bao nhiêu, hôm nay oan trái càng nhiều bấy nhiêu, đừng oán trách ta đây ác độc.
Tình thế rất là nguy ngập
Nhưng Hoạn Thư bình tĩnh bào chữa cho mình như vầy:
“Rằng: tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng, riêng những kính yêu.
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.”
Cô Diệp khi giảng dạy trích đoạn này đã hết lời ca ngợi Hoạn Thư là người bình tĩnh, khôn ngoan, lý luận sắc bén tự cứu được mạng sống của mình.
Cô nhắc đi nhắc lại mấy lần rất tâm đắc câu
Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông cũng thói người ta thường tình
Và câu:
Lòng riêng, riêng những kính yêu.
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai
Kiều là đàn bà dĩ nhiên phải hiểu, phải thông cảm và do đó đã tha cho Hoạn Th ư
Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du đến lớp 11 mới được chính thức dạy, nhưng học sinh thời tôi hầu như ai cũng đã biết chút ít trước rồi nếu không qua sách vở thì cũng qua các tuồng tích chèo cổ, cải lương trên TV. Nhân vật Hoạn Thư tuy không đến nỗi bị làm kẻ tàn ác tồi tệ, nhưng cũng thuộc loại hà khắc đáng ghét.Thỉnh thoảng có tuồng còn diễn Hoạn Thư như một nhân vật hài hước, ngu ngơ, xấu xí.
Chúng tôi vốn ít nhiều bị ảnh hưởng và có ác cảm với Hoạn Thư, nên những điều cô giảng, khen ngợi nhân vật này thật là mới mẻ!
Phải nhiều năm sau, với phương tiện thông tin internet rộng rãi như hiện nay, tôi có dịp lên những trang web văn học bình luận về Kiều cả trong lẫn ngoài nước, thì hầu như ai cũng đồng quan điểm như cô, khen ngợi Hoạn Thư hơn là chê trách. Nếu không khen thì ít nhứt cũng xác định rằng những sự ghen tuông và hành xử của Hoạn Thư là bình thường của một người phụ nữ, không có gì trái cả.
Cô Diệp dạy Văn của chúng tôi ngày đó đã đi trước thời đại một bước dài.
Nhớ thêm hôm đó cô đang thao thao giảng, một tên ngồi gần tôi quay qua nói với mấy đứa chung quanh “Ý ẹ! cô chắc cũng ghen ghê lắm nên bênh Hoạn Thư!” Cả bọn cười khúc khích khá lớn làm cô để ý hỏi “Mấy em kia cười chuyện gì?” Cho tiền cũng không đứa nào dám trả lời!
Vài hôm nữa là đến 20 tháng 11, ngày tri ân thầy cô, nên kể chuyện này gởi đến cô Lê Thị Ngọc Diệp.
Kính chúc tất cả quý thầy cô luôn được dồi dào sức khoẻ và an vui.
./.
Nguồn: Tác giả - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 15 tháng 11 năm 2016