Cái tên ấy nghe thật khác lạ ở miệng anh: êm ái hơn, nhẵn nhụi hơn. Lưỡi anh trượt qua những phụ âm chướng ngại, quyện các nguyên âm lại với nhau, trơn tuột như gió lùa qua các cây hạt dẻ. Sau này, khi còn một mình, chị thử lặp lại cách anh đọc tên thành phố đó mà không được. Cả cái tên lẫn thành phố làm chị sợ:
SARAJEVO
Xe buýt ở Stockholm phô ra ghê sợ hình ảnh những đàn ông đàn bà trong cảnh cùng quẫn, những đứa trẻ với ánh mắt tố cáo, và bên dưới là một tài khoản ngân hàng viết bằng những con số lớn, đen sẫm: đó là lời kêu gọi cứu trợ. Hai người đi sang bên kia đường; anh đưa tay che mặt. Anh bảo không thể tưởng tượng được là những hình ảnh nói lên sự khủng khiếp của nạn đói trong thế giới thứ ba kia lại là đến từ chính nước anh. Anh đã nói như vậy: “Đất nước tôi”. Tháng Mười một, tuyết trên hè tan ra bẩn thỉu, xe buýt làm bắn nước lên gấu quần, lên giày khách qua đường. Hai người đi đến chân ngôi nhà nơi anh vẫn ngồi viết, nằm trong khu Vasastan, mé thành phố mà chị rất ít khi lui tới. Gian phòng lạnh lẽo. Mùi khói thuốc phảng phất, lửng lơ, đọng lại. Bên cạnh ghế là một lò sưởi điện. Trên bàn, một chiếc máy xử lý văn bản anh mượn của ai đó, một máy in và một máy fax kiểu cổ. Trên gờ cửa sổ, một chiếc máy cát-xét nhỏ và tiếng đàn viôlôngxen. Nhạc Bach qua tiếng đàn Pablo Casals. Những cát-xét này anh mang từ nhà đến: tôi cần nghe thứ nhạc này khi suy nghĩ. Dải giấy từ chiếc máy in chạy ra. Anh đi lại trong phòng, tay đút túi, vẻ bồn chồn, chị cảm thấy thế. Vậy là chị đã khá hiểu anh để có thể cảm thấy nỗi lo âu đó.
STOCKHOLM THÁNG MƯỜI MỘT:
Một thành phố bắc cực trôi giạt, bầu trời xám nâu, những ngôi nhà nghiêng ngả từ từ lún xuống và mất hút dưới mặt đất. Một vầng đỏ lựng loé lên nhoáng một cái trong cái hẽm giữa mầu đen của mặt đất và mầu đen của bầu trời. Ánh đèn nê-ông nhợt nhạt bên kia cửa kính xe buýt như những lời kêu cứu bi ai. Stockholm tháng Mười một thật khó tả, một tấm khăn liệm quắng vào mùa đông.
I HAVE BEEN CALLING FOR MORE THAN ANHOUR…[1]
Điện thoại chắc đã đổ chuông lâu rồi chị mới nghe thấy và chạy vội đến trả lời, vấp cả vào dây cắm của chiếc máy hút bụi, rồi vào mấy thùng bìa, chồng sách, đôi ván trượt tuyết, gậy hốc-cây, những quả bóng đá, chồng đĩa hát, túi quần áo, đống báo, tất cả những thứ lỉnh kỉnh chị đã lôi ra từ trong tủ, mắc áo, ngăn kéo. Chị rủa to. Bên ngoài, trời đen kịt. Nhưng căn phòng tràn ngập ánh sáng. Thế lại tốt. Rất sáng, các ngọn đèn đều được bật lên hết. Thoạt tiên, chị không nhận ra ai gọi. Một giọng lạ.
BUT IT’S ME! [2]
Chị lấy chân đẩy một thùng bìa sang một bên, lấy ra từ đống lộn xộn một chiếc ghế đẩu rồi ngồi xuống. Nhận được một cuộc điện thoại của ai đó sau bao nhiêu năm trời không gặp mặt. Ai đó mà ta không còn nghĩ được nghe lại tiếng nói trên cõi đời này. Đúng thế, chị đã nói chuyện điện thoại lâu, dễ đến một tiếng đồng hồ. Sau đấy, chị cho chạy máy hút bụi. Anh làm gì ở Stockholm, anh đã nhập cư rồi ư? Anh giễu cợt sự bối rối của chị. Không đâu, anh không nhập cư vào đây. Mấy gã kiểm tra hộ chiếu đã rất cảnh giác khi anh đặt chân tới Thụy Điển, họ đã xem xét giấy tờ của anh rất kỹ và hỏi anh rất nhiều. Trong khi anh nói, chị thấy gương mặt anh hiện lên dần dần, như một bức ảnh hiện dần lên trong khay thuốc hiện hình: đôi mắt trong, có lẽ là mầu xám, chị không nhớ nữa, vành môi sắc nét, khóe miệng nhục cảm hoặc giễu cợt; chị đã sống qua một đêm với người đàn ông này, lâu lắm rồi. Từ bao nhiêu năm nay rồi? Mười một năm, anh nói thế.
PHI TRƯỜNG SKOPJE.
Có ai đó, một trong những người chủ trì hội nghị, đã đưa chị ra đấy, hôn lên má chị và trao cho chị một món quà kỷ niệm: một chiếc lọ gốm nhỏ quai khum khum. Qua cửa kiểm soát hộ chiếu xong, chị dựa lưng vào tường nhìn những hành khách khác, khuỷu tay tì lên lan can sắt chạy xung quanh phòng đợi. Nóng ngột ngạt. Nhiều người lao động nhập cư trở lại sau một chuyến về thăm quê hương; hành lý gồm nào là túi xách, thùng bìa, một số ngồi bệt xuống đất, ghế nào cũng có người ngồi cả rồi. Bên kia những tấm kính bụi bậm, có thể thấy cây cối khô cằn, kiệt quệ vì nóng, rễ cây khẳng khiu. Skopje đấy: chị còn nhớ những bài báo đăng sau ngày động đất năm 1963, hình ảnh những đống gạch đổ nát, những con người vô gia cư, những xác chết. Thành phố bị tàn phá trong vài giây đồng hồ. Giờ đây, người ta đã xây dựng lại rồi. Hiện đại, với những khu chung cư rẻ tiền sơn trắng kiểu trại lính. Chị đến từ Struga, nơi diễn ra hội nghị: một khách sạn rộng mênh mông; các nhà thơ từ khắp thế giới đến ngâm thơ vào ban tối, giữa quầng sáng của những ngọn đèn rọi, trên một chiếc cầu bắc ngang giữa sông. Người dân trong vùng, đàn ông lẫn đàn bà, đến nghe thơ, nằm ngồi ngoài bãi cỏ trên bờ sông cao trong đêm tối. Chị cũng vậy, ngồi trên một mảnh báo gấp lại, hai tay bó lấy gối, nghe được cả tiếng nước róc rách, để mặc cho ý nghĩ lang thang và thử nghe hiểu mấy từ tiếng nước ngoài trong lúc lời dịch song song vang lên trong loa phóng thanh.
MƯỜI MỘT NĂM TRƯỚC.
Tuy mọi người có hơi bị mê muội vì cái nóng và rượu vang, người ta vẫn nói chuyện không ngớt xung quanh những chiếc bàn gỗ dưới những vòm cây lớn; tiếng nói cứ rì rào, bay lên trời. Những ngôn ngữ thiểu số là những cái túi ký ức của nhân loại, một vị giáo sư ở Ljublijana đã nói vậy khi so sánh một cách bóng bẩy với đặc điểm địa lý của nơi họ đang ở, cách hồ Ohrid không xa, một trong những vùng trũng nhất thế giới, dấu vết của biển Egée từ thế mioxen muộn, với những chi lưu ngầm trong lòng đất và hệ động vật biển duy nhất của nó: một cái nôi cho những mô hình tiếp hợp nguyên thủy của tự nhiên. Một hôm, cảm thấy cần yên tĩnh, chị đã trốn đi và một mình đi xe ô tô đến tận Ohrid, một thành phố đẹp mà chị nghĩ có lẽ chị sẽ muốn trở lại sau này; những bậc thang dốc đứng bằng đá, những ngôi nhà trắng nhỏ xíu nằm giữa những bụi cây nhỏ tỏa hương từ những bông hoa đỏ và trắng, và ở mé dưới rất xa là mặt hồ xanh thẳm lặng như tờ. Chị đã đến thăm một bảo tàng sàn nhà đen xỉn, trên tường trang trí đầy tranh và tượng thánh: những con mắt u tối với cái nhìn soi mói, bàn tay giơ lên trong một động tác tiêu biểu, ngón giữa và ngón cái chạm vào nhau; có một con bướm vàng bay lạc vào giữa những bức tranh, ở mảnh sân có những chiếc bàn trống trơ, trước một bục biểu diễn bỏ không, chị đã uống một ly rượu vang trắng. Trời ngả về chiều, bóng đổ dài. Vài ba đứa trẻ chơi đá bóng, gió nhè nhẹ thổi, thật dễ chịu.
VIẾT
giữ lại một vài khoảnh khắc, dấu vết của chúng, trước khi sự lãng quên làm tắt ngấm ánh sáng. Đi tìm những mối liên hệ mà có lẽ chúng không tồn tại. Cái khó nhất là: tránh sa vào những dự định.
TRỞ VỀ:
trong máy bay cũng nóng, lại có mùi thuốc tẩy trùng. Chị tìm được một chỗ gần cửa sổ, tít phía sau. Máy bay nhanh chóng chật kín người. Túi xách, áo khoác ngoài chồng chất trong giá hành lý phía trên ghế ngồi. Có người đến ngồi bên cạnh chị, một người đàn ông quần jean, sơ-mi trắng, may mà không to béo; chị còn có chỗ trên tay ghế để đặt khuỷu tay. Khi máy bay lượn vòng trên bầu trời, cả thành phố Skopje hiện ra dưới cánh máy bay nghiêng nghiêng, những ngôi nhà trắng, những lối đi, những khối nhà công nghiệp, đường xá. Chẳng mấy chốc hiện ra những ngọn núi, những mỏm đá đen nhô lên như những dấu chấm than xơ xác, dữ tợn, bị cắt ngang bởi những hẽm núi dựng đứng, những thung lũng lấp lánh, xanh biếc. Ngồi cạnh cửa sổ, chị ngắm nhìn bóng đen của mây và ánh sáng lướt trôi. Chuyến bay chắc là dài. Trước hết là chặng dừng ở Belgrade, hoặc có thể là Zagreb, có lẽ phải qua đêm ở đó. Người đàn ông ngồi cạnh chị, tóc để hơi dài, nét mặt thanh, đọc một tờ báo tiếng Slave. Chị nhìn qua vai anh thấy một bức ảnh Count Baise[3]. Lúc những ngọn núi mất đi dưới những đám mây xôm xốp nắng chói chang thì hai người bắt chuyện với nhau. Anh cũng sẽ phải ngủ qua đêm tại thành phố sắp tới đế sáng hôm sau đi tiếp về Paris. Sau giây lát, chị hiểu rằng anh đến ngồi cạnh chị không phải do tình cờ. Anh đã đế ý đến chị từ lúc ở phi trường, tại Skopje. Đấy là Emm.
CHÀNG NGỐC
chị đánh vần cái tên xa lạ đó trong điện thoại. Chị đã không mời anh đến nhà tuy chị hiện đang ở nhà một mình. Chị gợi ra cái quán ăn nhỏ bé này trên một con phố vắng vẻ. Chị đánh vần cả tên bến metro, Zinkensdamm, và tên con phố, Brannkyrkagatan, nhưng sau bao nhiêu là âm tiết câm, khi chị muốn chỉ cho anh đường đi thì anh ngắt lời chị. Anh bảo anh đã có một bàn đồ Stockholm rất tốt, sẽ không có khó khăn gì. YES, TUESDAY[4]. Ừ, vào lúc bảy giờ.
GƯƠNG PHÒNG TẮM:
ta có thể kinh ngạc trước ánh nhìn lạ lùng của chính mình trong gương. Hầu hết những biến cố mà đôi mắt kia đã nhìn thấy, hầu hết những tiếng phát ra từ cái miệng kia đều đã bị xóa nhòa. Cuộc gặp gỡ tình cờ này, mười một năm về trước, lẽ ra đã phải chịu một sự xói mòn tự nhiên, lẽ ra đã phải chìm sâu hơn nữa vào trong lãng quên, nhưng bỗng nhiên, những gì đã diễn ra cách đây mười một năm lại có một tầm quan trọng bất ngờ.
CUỐI THÁNG TÁM.
Chị đã có một giấc chiêm bao kinh hoàng.
Chị sống trong một tòa nhà lớn với cơ man nào là phòng. Bên ngoài là một khu vườn tươi tốt, rất nhiều hoa. Tòa nhà và khu vườn nằm ở đỉnh một ngọn đồi lớn. Tầm mắt phóng ra xa tít tắp đến nỗi nhìn thấy được đường cong của trái đất ở chân trời: một quả cầu xanh nhỏ bé bị ném vào trong vũ trụ. Chị lang thang trong khu vườn ngào ngạt hoa. Không khí nhẹ tênh như ête. Lúc bấy giờ chị thấy có hai cô gái trẻ đi bên cạnh mình. Một cô gái tóc vàng như từ một bài dân ca bước ra: cô gái đồng trinh mảnh mai, mắt trong vắt. Cô kia tóc nâu u buồn, gương mặt khuất trong bóng tối. Cả hai cô gái tuổi không quá mười sáu. Cũng như chị, hai cô gái này đã ăn nằm với chồng chị và đã ở với anh. Chị biết thế. Chuyện ấy không còn làm chị phiền muộn nữa. Mọi thứ đều dễ hiểu. Chồng chị sắp về, anh ấy đã gọi cho chị ngay sáng nay báo tin đó. Cả mấy người bây giờ đều cùng nhau hái hoa đón anh về. Đúng vậy, người đàn ông yêu dấu sắp trở về. Tan vỡ và ly dị chỉ là chuyện hiểu nhầm. Bỗng nhiên, chị thấy mình lại đang ở ngoài cánh đồng phía dưới khu vườn giữa một đám người, chị nhìn thấy trên trời có một bộ áo giáp kỵ sĩ xoay quanh trái đất như một vệ tinh. Bộ áo giáp xuất hiện nhanh trở lại, quỹ đạo của nó không lớn. Chị khiếp sợ nhận ra có một người đàn ông bị giam ở bên trong. Người đó đang hấp hối, hầu như chết rồi. Chị gặp một cô bạn gái rất phẫn nộ khi nhìn thấy vệ tinh: thật là kinh khủng việc chúng ta quen sống với kiểu như vậy. Đúng lúc ấy, chồng chị xuất hiện và đi về phía chị. Chị chạy đến với anh, say sưa hạnh phúc. Nhưng cô gái có gương mặt dân ca lại đang ở bên cạnh anh. Hai bóng người, bóng người đàn ông chị yêu quý và bóng cô gái sát nhau đến nỗi hầu như chồng lên nhau, một lách dao lách vào không nổi. Chị bước chậm lại rồi đứng yên. Vậy đúng là như thế ư? Chồng chị đã bỏ chị để đi với một người con gái khác, với người con gái có gương mặt dân ca. Bộ áo giáp hiện ra và biến mất trong bầu trời với một tiếng kêu loảng xoảng. Đêm xuống nhanh. Đám đông sôi nổi kể với nhau là đã xảy ra một tai nạn khủng khiếp trên hệ thống sông ngòi trên đất liền. Chị bỗng nghĩ rằng tai nạn ấy đã xảy ra trong chính tuổi thơ của chị. Mọi người tản mát bỏ chạy và chị còn lại một mình. Trong khoảnh khắc, chị thoáng nhìn thấy trong đám người bỏ chạy có cô gái tóc nâu âu sầu, gương mặt còn chìm trong bóng tối. Lúc bấy giờ, cô gái tóc vàng tiến đến, bây giờ còn lại mỗi mình cô, chìa tay ra với chị như muốn nói một điều gì quan trọng. Ánh mắt cô gái đượm vẻ thương cảm, xót xa. Chị khước từ bàn tay chìa ra với chị, và cô gái biến mất ngay tức thì. Lúc này đã là đêm. Chị đứng bên bờ một dòng sông đen ngòm cuộn sóng. Một chiếc thuyền máy lớn tiến lại, chở đầy những người chạy trốn tai họa. Đúng lúc nhảy lên thuyền, chị nhìn thấy chồng và cô gái tóc vàng ngồi trên thành tầu, lại đang ôm ghì lấy nhau. Cảnh ấy làm chị đau nhói. Chị muốn hét lên. Nhưng thay vì la hét, chị nhảy lên thuyền, không có cách làm nào khác nếu chị muốn sống sót. Con thuyền chở mọi người về tuổi thơ của chị; về một bến trên quần đảo nơi chị đã sống qua nhiều mùa hè lúc còn là một cô bé.
TIM CHỊ đập nhanh loạn xạ. Một lúc lâu, dễ đến nhiều phút, chị không nhận ra đó là một giấc chiêm bao vì nó quá sống động. Miệng khô khốc, chị tự ép mình đứng lên khỏi giường.
CHIẾN TRANH.
Bộ áo giáp lượn trên trời như một vệ tinh kia là của ông vua nào? Người đàn ông sắp chết kia là ai? Phải chăng là đại diện cho một thời đã qua, cho một lý tưởng mạnh mẽ lỗi thời, cho một trật tự phụ hệ hấp hối? Những cô gái kia là ai? Chị là ai? Giấc chiêm bao không buông tha chị. Chị bước ra ban công, trên người khoác chiếc áo ngủ, một vài cây phong đã vấy vàng, không khí đã có cái lạnh cắt da cắt thịt. Một màn sương mù dịu dàng giăng bên trên vịnh; hơi ẩm làm dịu đi đường viền các tảng đá. Chị trở vào trong nhà, nhặt một tờ từ đống báo buổi sáng ở ngoài cửa. Sarajevo. Đọc bài báo làm chị gần như buồn nôn. Trật tự thế giới mới chỉ là một ngôn từ trên mặt báo. Chị dường như thấy căn phòng chị đang ở một mình lơ lửng rất cao trên trời. Nàng công chúa bị giam giữ trên chòi cao bị hoàng tử bỏ rơi. Chóng mặt.
Chú thích:
[1] Anh đã gọi dễ đến hơn một tiếng…
[2] Anh đây mà!
[3] Nghệ sĩ nhạc jazz - ND.
[4] Ừ, thứ ba nhé.
MỘT
Tiến >>
Nguồn: Nxb Văn học 2007 - ebook©vctvegroup
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 25 tháng 3 năm 2023