Lúc xưa thật xưa, người Việt Nam ta có tục lệ bầy cỗ Trung Thu vào dịp tết trăng tròn tháng 8 âm lịch. Cỗ này thường để dành cho trẻ con, vừa vui Trung Thu, vừa ăn bánh vừa ngắm trăng tròn, sáng tỏ.
Thường cỗ này gồm phần lớn là bánh Trung Thu, bánh dẻo bánh nướng và rất nhiều thứ trái cây, trái cây chánh là bưởi, bưởi hồng đào ngọt và tròn xoay như một vầng trăng. Ăn bưởi xong, có thể sâu hột trái bưởi, phơi khô đi sem sém, và có thể đốt hạt bưởi từng sâu như đốt nến, đèn cầy.
Gọt bưởi xoay tròn, người ta có cái vỏ rỗng, có thể cuốn lại làm một cái lồng đèn, đẹp và tiết kiệm… thêm nữa giống hình ông trăng.
Ngoài bánh, đèn, còn có ông tiến sĩ giấy trên mâm cỗ, ý là phụ huynh mua ông tiến sĩ về để làm quà và cũng là khuyến khích các con, các cháu phải noi gương học hành chăm chỉ, đỗ đạt cho danh gia vọng tộc thành đạt như ông tiến sĩ, gọi là ông trạng nguyên.
Bên cạnh bánh Trung Thu, ông tiến sĩ, còn là vô số trái cây, hoa quả sung mãn, như hồng, lê, cam, nhãn, táo. Họ làm thành từng mâm trái cây trồng lên nhau, cao và đầy màu sắc, gọi là mâm ngũ quả.
Có những lễ hội nhân gian thì chấm giải mâm ngũ quả đẹp. Mâm ngũ quả của gia đình nào đẹp nhất được giải thưởng. giải thưởng là tiền, vàng, hay sắc chỉ ban khen.
Và thời xa xưa đó, cũng có lần ông trạng Quỳnh mang mâm ngũ quả đi thi và ông đã trúng giải.
Nhớ lại gần đây hơn thì ông trạng Quỳnh, là khi trước năm 1975, ở Sài Gòn vẫn có một con đường rất đẹp, tọa lạc nơi trung tâm thành phố, con đường mang tên gọi là đường Cống Quỳnh. Đường đó chạy ngang cửa nhà thương Từ Dũ, nối liền đường Hồng Thập Tự tới kênh Tầu Hũ…
Ngày đó, chưa đi học nhiều, đã có lúc tôi ngây ngô hỏi bà nội tôi:
Bà ơi, tại sao lại gọi là con đường Cống Quỳnh? Bộ ở đó có nhiều cống lắm sao?
Bà nội tôi cười hắc hắc trước cái ngây ngô của tôi, bà nói là: không phải đường có nhiều cống, mà là ông trạng Quỳnh, ổng không đậu trạng nguyên, ổng chỉ đậu hương cống, một chức thấp hơn trạng, nên người ta kêu con đường mang tên ổng là đường Cống Quỳnh!
Vả lại tánh khí ổng hay châm chọc người khác, có thể ổng thíếu tí chút oai đường bệ, nhưng nếu căn cứ vào cái tài văn chương chữ nghĩa, người ta có lúc vẫn kêu là trạng Quỳnh.
Theo ý bà nội tôi kể lại, khi xưa ông đùa dai, tính khí khác người thường thái quá, hay chế riễu mọi người nhưng chắc ông trạng Quỳnh là người sung sướng tại ổng đã sống tự nhiên như ổng thích. Thây kệ, ai muốn kêu là trạng Quỳnh cũng ổn, ai muốn kêu là cống Quỳnh cũng êm.
Nhưng trong lũ con cháu chúng tôi sống vây quanh bà, mà lỡ một khi, có đứa nào ba hoa tán dóc, tán láo quá cỡ bằng trời, là bà nội đưa tay làm hiệu:
-Thôi, đủ rồi, vừa vừa vậy chớ… bay nói cứ như trạng đấy!
Có lần chúng tôi tìm dở sách in “giai thoại làng nho“ ra xem ông trạng tài giỏi cỡ nào, châm biếm chọc ghẹo thế nhân cỡ nào. Thì lần đó, may quá, gặp đoạn văn tả trạng sửa soạn một mâm ngũ quả đi thi, thi ngũ quả Trung Thu vào dịp hát hội trăng rằm.
Đúng vậy, một lần đó trạng đi ứng thi và trạng đoan quyết là thế nào trạng cũng giật giải.
Thời đó (1700-1760) triều vua Lê Dụ Tôn, đồng thời của chúa Trịnh Cương, chính chúa hàng năm hay lo tổ chức thi. Chúa và bà chúa rất khó tánh, khắt khe trong cách lựa chọn mâm ngũ quả trúng giải dự thi tết Trung Thu.
Thời đó, Hà Nội xưa, là ở thành Thăng Long, người giầu có hay mang mâm trái cây đi thi, người ta chọn những trái đẹp và ngon như hồng dòn Thái Nguyên, lê Đông Triều, nhãn lồng Hưng Yên, bưởi đào Nghệ An, cam Bố Hạ v.v…
Nhà nào ứng thí cũng đội tới phủ chúa mâm Ngũ quả nhiều màu, trái tươi, ngon, xếp lớp lang khéo léo. Riêng ông trạng thì đi tay không, ông chỉ cầm theo một cuộn giấy trắng và một cây quạt giấy xếp nếp, dài hơn cây quạt dân thường dùng.
Chẳng may năm đấy, đổi mùa và chúa bị cảm, chúa sợ nắng, sợ gió lùa, chúa chỉ ngồi sau màn che trướng rủ, nhưng bên cạnh chúa, hiện diện bà chánh cung, bà phụ với chúa một phần làm chủ khảo.
Vào cuộc thi, mọi nhà lần lượt xếp hàng, đặt lễ dự thi và qua mặt hai vị giám khảo để trình thưa.
Đến lượt ông trạng, chúa nhìn ông, bà chánh cung của chúa cũng nhìn ông. Ông mới từ từ mở cuộn giấy cầm theo, trải rộng ra bàn thi, gọi là án thư, trước mặt hai vị giám khảo, trên bản giấy, là hình vẽ của trạng Quỳnh. Ông vẽ cái gì? Thưa, ông vẽ rất đẹp, hình ảnh một thiếu nữ khỏa thân, đẹp yêu kiều, nằm nghiêng nghiêng, một chân co, một chân duỗi thẳng, hai bàn ta úp lại dưới ngực, 10 ngón tay khép lại đan chéo vô nhau khép nép. Dưới bức tranh, ông trạng có chú thích: mâm hoa trái thi giải rằm Trung Thu!
Xong đâu đó, ông trạng từ tốn tiến tới trước mặt chúa và bà chánh cung, thưa:
-Xin chúa và lệnh bà thưởng ngoạn và chấm điểm cho!
Chúa lừ mắt nghiêm sắc mặt hỏi:
-Người nghĩ thế nào mà dám bảo cái bản vẽ này là mâm ngũ quả?
Ông trạng lặng lẽ lùi ra xa tí chút, xếp cây quạt giấy dài lại, thong dong cầm quạt chỉ từng điểm trên bức tranh, ung dung như một vị chỉ huy xác định những yếu điểm trên bản đồ hành quân quân sự:
Trạng Quỳnh chỉ đầu cô thiếu nữ, và nói: thưa đây là quả bưởi đào, mọng và ngọt. Tiếp đó chỉ đôi mắt đen của nàng, thưa đây là nhãn lồng ngon có tiếng. Trạng chỉ tiếp bộ ngực căng đầy, thưa đây là đào tiên, trồng từ động thiên thai. Tiếp đến hai bàn tay xinh xinh của nàng với những ngón tay búp măng, thưa đây là những trái phật thủ cao quý… và dưới cùng kia, thưa là mít ạ!
Chúa đang ốm cũng bật cười ra tiếng.
Bà chánh cung, thì chán nản cánh đàn ông, bà cật vấn:
-Trời ơi, ngỡ trạng cho xem trò gì ghê gớm mới mẻ, chớ cái thứ ngũ quả này thì nữ nhân nào mà không có.
Trạng lùi ra xa hơn chút nữa, trổ tài biện bác:
-Tâu lệnh bà, tục ngữ có câu, người năm bẩy đấng, của năm bẩy loài. Đâu phải người nào cũng giống người nào. Có bậc anh hùng nữ lưu như bà Trưng bà Triệu, có những bậc hiếu hạnh tài trí… và cũng có những kẻ ăn hại, người trần mắt thịt, tầm thường vô số, thì đem gánh đổ ra sông ra biển không hết.
… Và thưa lệnh bà, cây trái thì cũng vậy, bẩm bưởi là có bưởi ngọt bưởi chua; đào có đào điếc, đào thơm, đào lộn hột… nhãn có nhãn lồng nhãn khô. Mít, có mít mật, mít sơ, mít dai, mít đặc, mít ước, mít tố nữ… xin lệnh bà chấm kỹ cho, mâm ngũ quả của thần mang dự thí đây toàn là của quý!
Trạng cứ thao thao tán tỉnh, bà chánh cung vụt hỏi:
-Như ta đây, trạng xếp vào hạng người nào?
-Tâu lệnh bà, cứ nhan sắc và cử chỉ của lệnh bà, lệnh bà thuộc hàng khuynh quốc khuynh thành, nết na như Tây Thi nước Việt.
Bà chánh cung có vẻ xúc động trước vẻ xu nịnh, nhưng lại cũng yên trí là mình có sắc đẹp, có nết na thiệt.
Chúa thấy lệnh bà ngồi im cảm động, chúa liền phán cho trạng Quỳnh một câu:
-Này, nếu mà mâm ngũ quả này của trạng mà là đồ thiệt, thì ta chấm ngay cho giải hoa khôi.
Lệnh bà thấy ghét cái thứ đàn ông ham vui, muốn đẩy cái bản vẽ của Quỳnh xuống đất, nhưng trạng lanh tay để nguyên lại chỗ cũ và trổ tài tán tỉnh:
-Bẩm chúa, bẩm lệnh bà, nếu cái mâm ngũ quả của thần đây mà là đồ thiệt; có thể sờ được, dùng được, ăn được… thì giá trị của nó đâu có lâu bền. Những thứ ăn được, ăn ngon, ăn no mà vào nhà cao sang như phủ chúa, phủ lệnh bà thì ăn vài lần chán ngay!
Còn cái mâm ngũ quả bản vẽ này của thần là vô cùng quý giá, không sợ héo úa, không sợ phai tàn hay ung thối… nó vĩnh viễn với thời gian. Nó có thể ăn lúc no, ngắm lúc đói. Cả nhà, cả phủ, cả họ dùng và thưởng lãm hoài hoài không hề suy xuyển.
Khải lệnh chúa, khải lệnh bà, vì nó mang cái tính chất siêu vượt thời gian, không gian tới vô hạn đó mà thần mới dám đem trình thi nơi phủ chúa… còn chuyện được thua, chỉ là nhiên hậu.
Lệnh bà không hiểu lắm, thí sinh đang nói hươu nói vượn gì gì… bà chợt nhớ, lúc nãy, ông trạng có liệt bà vào loại khuynh quốc khuynh thành như Tây Thi. Bà chợt đắc ý, chợt mỉm cười sung sướng.
Chúa Trịnh Cương mệt rồi, thấy lệnh bà cười và nhác thấy bức vẽ cũng rất đẹp… chúa liền đồng ý cho trạng quỳnh thắng giải, và ngài không quên buông thõng một câu:
“Nhà ngươi đúng là Trạng!“
Phỏng theo “Cống Quỳnh“ trang 91 giai thoại
làng nho của tác giả Phùng Tất Đắc.
Trung Thu 2024
Chúc Thanh
Nguồn: https://vietbao.com/
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 15 tháng 9 năm 2024