1.- Lời khuyên của Pascal.
2.- Bất đắc dĩ mới phải dùng tiếng đồng nghĩa.
3.- Điệp tới mấy lần thì được?
4.- Thuật điệp tự của Phan Huy Ích.
Pascal khuyên ta:
Quand dans un discours, se trouvent des mots répétés et qu’essayent de les corriger, on les trouve si propres qu’on gâterait le discours, il faut les laisser.
(Khi, trong một bài luận, có những điệp tự và rán sửa, người ta thấy nó đúng quá, bỏ đi sẽ hỏng bài luận, thì phải để nó.)
Ta nhận thấy trong câu ấy, ông cố ý dùng hai lần danh từ discours và hai lần động từ trouver để làm thí dụ. Qui tắc thì phải mà thí dụ thì sai. Tôi dở Pháp văn, đâu dám sửa lỗi cho một đại văn hào vào bực nhất thế giới, song tôi tưởng những điệp tự ấy đâu phải là cần thiết và không có cách nào tránh được. Chẳng hạn ta có thể viết:
Si, en essayant de corriger les mots répétés, on les trouve tellement propres qu’on gâterait le discours, il faudra les laisser.
Những thí dụ dưới đây có phần xác đáng hơn:
L’infanterie française prit pour la première fois sa place dans le monde par la bataille de Rocroy. Cet événement est bien autre chose qu’une bataille; c’est un grand fait social. La cavalerie est l’arme aristocratique; l’infanterie, l’arme plébéienne. L’apparition de l’infanterie est celle du peuple. Chaque fois qu’une nationalité surgit, l’infanterie apparait. Tel peuple telle infanterie.
Michelet
Bộ binh Pháp lần đầu tiên chiếm địa vị của nó trên thế giới là do trận Rocroy. Biến cố đó còn là một cái gì khác hẳn một trận đánh, nó là một sự thực xã hội quan trọng. Kị binh là khí giới quí phái; bộ binh là khí giới bình dân. Sự xuất hiện của bộ binh là sự xuất hiện của dân chúng. Mỗi khi một dân tộc trổi lên thì bộ binh xuất hiện. Dân chúng ra sao thì bộ binh như vậy.
Lời một cái giường hư:
Người ta mấy mươi lần bắt tôi đổi chỗ, mang từ phòng này sang phòng khác, đặt hết lối dọc đến lối ngang. Ban đầu tôi là chỗ nằm của ông chủ bà chủ. Rồi sau năm năm, một cái giường nguy nga tráng lệ đến làm bật hẳn sự hèn kém của tôi. Tôi thành chỗ nằm của những người khách đến ở vài ngày. Rồi tôi lại thành chỗ nằm của một bọn trẻ con, mình chúng nhẹ song những cách tàn phá của chúng thì rất nặng. Chúng trèo lên mình tôi và đi guốc, đi giày lên, và nhảy nhót đùng đùng, và đánh lộn nhau ầm ỉ.
Xuân Diệu
Những chữ điệp trong hai đoạn ấy rất tự nhiên hoặc có nghệ thuật, nếu bỏ đi thì lời văn sẽ non; nên ta đã chẳng thấy khó chịu, mà còn thấy thích thú.
*
Muốn bỏ một điệp từ, cách thông thường nhất là dùng một chữ đồng nghĩa thay vào; nhưng cách đó rất vụng về, dù hai tiếng nghĩa y như nhau, người đọc vẫn thấy bất mãn như trong những câu thơ dưới đây của Victor Hugo:
Quand l’enfant de cet homme
Eut reçu pour hochet la couronne de Rome
Lorsqu’on l’eut revêtu...
Lorsqu’on eut bien montré
Quand son père eut pour lui...
Lorsqu’il eut épaissi...
Quand ce grand ouvrier...
Quand toul fut préparé...
Lorsqu’ on eut de sa vie..
Quand pour loger un jour...
Lorsqu’ on eut pour sa soif...
Ta có cảm tưởng như tác giả cho ta ăn hoài một món thịt lợn, nếu không phải là thịt lợn kho thì là thịt lợn luộc.
Đến như Alexandre Dumas con, đổi de tout genre làm de toute espèce, rồi làm de toute sorte, thì ta không còn bực mình nữa mà chỉ nực cười thôi:
Les servitudes de tout genre, les humiliations
de toute espèce, les souillures de toute sorte...
Khi muốn nhấn mạnh, nhà văn thường dùng phép điệp tự. Nhưng không nên lặp lại nhiều lần quá. Hình như khắp thế giới lấy con số ba làm mực, và khi Victor Hugo lặp tới bốn lần chữ dormez (ngủ)
Dormez! Dormez! Dormez! Dormez!
và Mallarmé bốn lần chữ azur (thanh thiên)
Je suis henté: l’azur! l’azur! l’azurỉ l’azur!
Tôi bị ám ảnh: thanh thiên! thanh thiên! thanh thiên! thanh thiên!
thì chẳng những người Pháp thấy chướng[1] mà chúng ta cũng thấy khó chịu.
Chỉ lặp lại hai hoặc ba lần là vừa như:
Songe, songe, Céphise, cette nuit cruelle.
(Racine)
Nghĩ tới, nghĩ tới cái đêm ác nghiệt đó, Céphise.
*
Trong văn thơ Trung Quốc, bài mà phép điệp tự được dùng một cách khéo léo để diễn một mối tình êm ái, triền miên, là bài Đề tích sở kiến xứ của Thôi Hộ:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện (A) đào hoa (B) tương ánh hồng
Nhân diện (A) bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa (B) y cựu tiếu xuân phong.
(Nhớ người năm ngoái cửa trong này
Đỏ ánh bông đào dáng mặt người.
Không biết mặt người đâu đó nhỉ?
Bông đào y cũ đón xuân cười).
Vô Danh dịch[2].
Chỉ có hai điệp tự (nhân diện và đào hoa) mà mỗi chữ chỉ lặp có hai lần, xét ra còn kém nghệ thuật của Phan Huy Ích, trong bản dịch Chinh phụ ngâm[3]:
Thuở (A) lâm hành, oanh (B) chưa (C) khắn liễu;
Hỏi ngày về (D), ước nẻo quyên (E) ca.
Nay quyên (E) đã trục oanh (B) già,
Ý nhi lại (F) gáy trước nhà líu lo.
Thuở (A) đăng đồ mai (B’) chưa (C) dạn gió (G),
Hỏi ngày về (D) chỉ độ đào (E’) bông.
Nay đào (E’) đã quyến gió (G) đông.
Phù dung lại (F) rã bên sông ba soà[4].
Ta nhận thấy vừa điệp vừa đối, có tới chín chỗ điệp (thuở, oanh, chưa, hỏi ngày về, quyên, lại, mai, gió, đào) sắp theo như vầy:
A B C D E E B F
A B’ C G D E’ E’ G F
Tuy nhiên phép điệp trong đoạn đó gần như hoàn toàn thuận một chiều, không uyển chuyển như khúc dưới đây:
Chốn Hàm Dương (A) chàng còn ngoảnh lại,
Ngác Tiêu Tương (B) thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương (B) cách Hàm Dương (A)
Cây Hàm Dương (A) cách Tiêu tương (B) mấy trùng.
Cùng (C) trông lại mà cùng (C) chẳng thấy (D)
Thấy (D) xanh xanh (E) những mấy ngàn dâu (G)
Ngàn dâu (G) xanh (E) ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?[5]
Thực là tuyệt diệu, rõ ra cái ý đi rồi lại, muốn rời mà không rời, bồi hồi, quấn quít:
A B B A A B
C C D D E G G E.
Nhất là khi ta so sánh với nguyên tác của Đặng Trần Côn và bản dịch của nữ sĩ họ Đoàn thì ta càng phục thiên tài họ Phan:
Lang cố thiếp hề Hàm Dương
Thiếp cố lang hề Tiêu Tương
Tiêu Tương yên trở Hàm Dương thụ,
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang.
Tương cố bất tương kiến,
Thanh thanh mạch thượng tang.
Mạch thượng tang. Mạch thượng tang.
Thiếp ý quân tâm thùy đoản trường.
Chàng ngóng lại thiếp ở Hàm Dương.
Thiếp ngóng sang chàng ở Tiêu Tương.
Khói Tiêu Tương cách cây Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách sông Tiêu Tương.
Cùng ngóng nhau mà không thấy nhau,
Chỉ thấy đám dâu xanh trên đường,
Những dâu trên đường. Những dâu trên đường!
Ý thiếp và lòng chàng, bên nào nhiều ít?
Hoàng Xuân Hãn dịch nghĩa.
Bản dịch của nữ sĩ họ Đoàn:
Chàng thì đoái thiếp Hàm Dương,
Thiếp thì dõi dõi Tiêu Tương đoái chàng.
Bến Tiêu Tương mấy hàng khói tỏa,
Cây Hàm Dương bóng lá ngất đầu.
Trông nhau mà chẳng thấy nhau,
Xanh xanh những thấy bóng dâu trên đường.
Dâu mấy hàng lá hay chăng nhẻ[6],
Lòng đấy đây ai kẻ vắn dài?
Chú thích:
[1] Người ta kể chuyện học sinh trường Trung học Tournon (Pháp) đã có lần ghét câu đó của Mallarmé đến nỗi đem bêu nó trên bảng đen.
[2] Vô danh tức Phương Sơn, bác ba của Nguyễn Hiến Lê. (Goldfish).
[3] Trong khi chờ đợi những tài liệu đích xác chứng tỏ rằng bản dịch Chinh phụ ngâm được lưu hành của Đoàn Thị Điểm, tôi theo thuyết của Hoàng Xuân Hãn mà tạm nhận rằng bản đó của Phan Huy Ích.
[4] Trích trong Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn.
[5] Trích trong Chinh phụ ngâm bị khảo
[6] Nhẻ: sách in là “nhé”. (Goldfish).
CHƯƠNG I
Tiến >>
scan: Hoaithu84 - eBook: Goldfish
Nguồn: goldfish-NXB Tổng Hợp, TP. HCM – 1/2006 -
http://www.e-thuvien.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 24 tháng 7 năm 2023