Tài xế! Tài xế đâu?
Theo liền tiếng ông huyện Bỉnh gọi, tiếng “dạ” ran từ công đường vào tới nhà trong. Rồi một anh lính lệ thét lớn nhắc lại lời quan:
- Bác tài! Bác tài đâu lên quan truyền!
Một người từ vòm trại cơ đâm bổ ra, mắt như còn ngái ngủ, vừa chạy vừa cài vội khuy chiếc áo lương mới. Bỉnh đã đứng chờ ở bậc gạch xuống sân:
- Tài xế! Đánh xe ra ga Hà Nội đón ông Hai, ông Ba.
- Dạ.
- Hai ông ở Nam lên chuyến hai giờ. Phải đi ngay mới kịp. Bây giơ mấy giờ rồi?
Bỉnh móc túi lấy đồng hồ ra xem:
- Năm giờ kém hai mươi. Từ đây ra Hà Nội chỉ độ nửa giờ là cùng. Còn kịp đấy.
- Dạ.
- Lúc về nhớ rẽ qua phố Hàng Buồm mua vài cân lẽ, vài cân cam với lại vài cân táo.
- Dạ.
- Bây, cầm lấy năm đồng.
Bỉnh mở ví đưa cho người tài xế cái giấy bạc:
- Mà đi ngay mới kịp.
Trâm đứng đón ở Kiên nhà trong, thấy chồng vào liền hỏi:
- Cái gì thế cậu?
Bỉnh vui mừng giơ ra tờ điện tín màu xanh:
- Chú Hai, chú Ba lên chơi, mợ ạ. Tôi vừa nhận được dây thép.
Vợ lạnh lùng:
- Thế à? Bao giờ lên?
- Năm giờ hơn xe hỏa tới Hà Nội. Tôi đã bảo nó đánh xe đi đón.
- Thế à?
- Mợ bảo nó làm cơm nhé... A, nhà còn sâm banh không nhỉ?
- Còn. Nhưng uống gì đến sâm banh!... Ăn cơm ta thì uống sâm banh làm gì?
- Hừ! Ăn cơm ta, bây giờ người ta uống sâm banh là thường. Được mợ cứ lấy ra hai chai nhỏ đằng ngon đấy, đằng giấy xanh ấy.
Người đàn bà quay ngoắt đi lẩm bẩm nói một mỉnh: “Lại hai ông tướng ấy đến chơi, khổ quá!”
Tuy thế, nàng vẫn xuống bếp sửa soạn các thức ăn. Bổn phận người nội trợ đã thắng lòng tức tối của nàng.
Xưa nay nàng vẫn thù ghét hai người em chồng Trình và Khoa. Nàng thù ghét, không phải vì họ không tốt hay vì họ kém lễ phép đối với nàng. Trái lại, họ ăn ở hết sức khéo léo và phải đạo để lấy lòng nàng, một người chị dâu mà họ thi nhau ca tụng là hiền. Nàng thù ghét họ, - thù ghét ngấm ngầm thôi - chỉ vì thấy chồng yêu mến họ, say mê họ hầu như say mê tình nhân. Nhiều lần nàng đã mỉa mai bảo chồng: “Nếu cậu nghĩ đến tôi được chu đáo như cậu nghĩ đến hai chú thì tôi đã chẳng khổ”. Bỉnh nghe vợ nói chỉ cười, nếu không mắng át: “Ô chào! Mợ lôi thôi lắm!” Bao giờ đến câu gắt ấy người vợ cũng im ngay, vì sự thực, không những nàng kính nể, nàng còn sợ hãi chồng nữa, coi chồng như một vị bất khả xâm phạm.
Nàng là con nhà nho, theo khuôn phép lễ giáo ngay từ thủa nhỏ, năm mười bảy lấy chồng con một nhà quan mấy đời xuất thân khoa bảng. Vì thế, khi ở nhà, nàng chỉ biết giữ đạo hiếu, khi về nhà chồng nàng chỉ nghĩ đến phụng dưỡng cha chồng và phục tòng vâng lệnh chồng, để được tiếng là người dâu hiền, người vợ thảo.
Cha chồng nàng, ông án Thân, rất nghiêm khắc: Các con, thời còn nhỏ, không mấy khi giáp mặt ông mà không run sợ. Người vợ cả của ông mất sớm, sinh được một trai một gái: Bỉnh và Thu. Khi ấy Bỉnh và Thu cùng ở với dì ghẻ và hai em trai khác mẹ, Trình và Khoa, trong một nếp tư thất năm gian tại một huyện lỵ miền trung du. Chúng sớm hiểu đời, và, vì hoàn cảnh, sớm biết đem trí non nớt ra xét đoán nhân tâm: Sống bên cạnh một người cha lãnh đạm, trầm mặc, không để ý tới gia đình, chúng chỉ trực tiếp với sự bất công của dì ghẻ và lòng ghen ghét, ích kỵ của hai đứa em suýt soát tuổi mình.
Nhưng vào khoảng mười năm sau, cảnh gia đình ông Thân đổi khác hẳn. Người vợ hai chết. Chiếm chỗ người, ấy là một thiếu nữ xinh đẹp và rất ngỗ ngược, ngỗ ngược đến nỗi đàn áp cả người chồng trước kia vẫn có tính độc đoán. Dần dần vì si tình, ông lão trở nên nhu mì, rụt rè, nhút nhát.
Để đối phó lại người dì ghẻ đáng ghê sợ ấy, tự nhiên bọn anh em khác mẹ nhận thấy cần phải hòa thuận với nhau, cần phải chống đỡ bênh vực lẫn nhau. Lòng ghen ghét, hiềm khích nay nhường cho cho lòng thương yêu thành thực, mật thiết. Biết bao đêm khuya ba anh em ngồi khóc vì việc gia đình hay cùng nhau bàn bạc tìm mưu lập kế, để ra khỏi một trường hợp khó khăn, để tránh thoát một cái cạm bẫy chặt chẽ của người đàn bà tàn ác.
Hơn mười năm sau, lại một lần biến đổi: Ông án Thân chết.
Lúc bấy giờ Bỉnh đã tốt nghiệp trường Đại học và đã được bổ tri huyện. Còn Trình và Khoa thì về quê làm ruộng, cùng nhau ở chung một nhà, - cái dinh cơ rộng rãi của cha mà Bỉnh, người anh cả, nhường hẳn cho, kèm với một phần số ruộng của chàng. Nhờ đó, Trình và Khoa sống rất an nhàn, sung túc và mọi người có tới hơn ba chục mẫu vừa vườn vừa ruộng toàn hạng phì nhiêu.
Còn bà Ba mà bọn tôi tớ, bọn môn hạ đi lại vay mượn tôn gọi là cụ lớn, thì sống biệt hẳn một giang sơn với một người con gái nhỏ.
Bà ta giàu lắm. Cũng không ai biết bà ta giàu tới bực nào. Người này đồn bà ta có tới chục vạn... Người kia quả quyết một con số to gấp năm thế. Họ bảo: “Trong mười mấy năm bà ta theo ông án ở chỗ làm quan, quyền bính, tiền nong ở cả trong tay, thì làm gì mà không có tới năm chục vạn”. Một người khác thêm: “Phải, vì khi bà ta lấy ông án, cái vốn riêng của bà ta đã tới gần chục vạn rồi kia mà!”
Sự thực, bà ta có bốn năm tòa nhà cho thuê ở Hải Phòng, ở Hà Nội và hơn trăm mau ruộng ở quê chồng. Cái tài sản ấy anh em Bỉnh không hề thèm muốn, ước ao - ấy là nói về bề ngoài. Trái lại, nó luôn luôn là đầu đề cho những câu chuyện chế riễu, mỉa mai. Gặp nhau đông đủ, trong bữa tiệc vui, không mấy khi họ quên nói đến cái “giàu khốn nạn” của “cô Ba”, quên thuật những “hành vi đê hèn” của “Troisième”. Họ trở nên những nhà triết học với những tư tưởng khuôn sáo về luân lý, về tâm lý, về nghĩa sống của đời người. Họ thêm thắt, bịa đạt, tưởng tượng đủ điều, cốt có cớ để nhắc đến người đàn bà kia mà họ không cùng nhau thù nữa, chỉ cùng nhau ghét và khinh thôi.
Tóm lại, ngày nay cũng như ngày xưa, người ấy vẫn là cái dây thiêng liêng ràng buộc tình, thân ái trong mấy anh em.
II
Đương ngồi nói chuyện với vợ ở tư thất, Bỉnh hấp tấp đứng dậy khi nghe thấy hai tiếng trống báo:
- Các chú đã đến!
Trâm giọng đĩnh đạc:
- Làm gì mà cậu phải cuống lên thế?
Không để ý đến câu mỉa mai của vợ, Bỉnh bảo đứa con gái nhỏ mà chàng rất yêu quý:
- Hồng! Mau ra đón chú Hai, chú Ba.
Hồng vỗ tay reo:
- A a! Các chú đã lên!
Hai anh nó, Hải và Văn, đương đùa nghịch ở hiên sau cùng chạy theo ra, kêu:
- Chú! Chú!
Tiếng rít hãm ô-tô trước công đường. Bỉnh đã tới bên xe, nhanh nhảu chào trước:
- Hai chú!
Trình và Khoa mỗi người nhảy xuống một bên cửa ô-tô chắp tay hất lên ngực:
- Lạy anh ạ!
Hải, Văn và Hồng nhao nhao:
- Lạy chú! Lạy chú!
Khoa cúi xuống bế Hồng lên hôn:
- Cháu! Cháu tôi ngoan quá!
Rồi chàng vuốt má Hải và Văn hỏi:
- Mợ đâu, cháu?
Trình tiếp luôn:
- Ừ các cháu đưa hai chú vào chào mợ nhé.
Bỉnh gạt:
- -Thôi được. Mời hai chú vào phòng khách nghỉ mát. Nhà tôi sắp ra.
Tuy nói thế mà chàng vẫn theo hai em tiến vào nhà trong, vì chàng biết rằng muốn cơm nước thết đãi được chu đáo, cần nhất phải lấy lòng người nội trợ.
- Lạy chị ạ!
- Lạy chị ạ!
Người chị dâu đứng lên, niềm nở:
- Không dám, lạy hai chú.
Khoa giọng thành thực:
- Thưa chị, em trông chị hai gầy, da dẻ không được hồng hào như chuyến trước.
Bỉnh đỡ lời:
- Ấy, tháng trước nhà tôi ốm... Đi lỵ.
Trình vội vã, ân cần:
- Thế à! Vậy nay chị khỏi hẳn rồi chứ?
- Vâng, tôi khỏi hẳn rồi. Mời hai chú lên xa-lông ngồi chơi xơi nước.
Khoa vui vẻ, thân mật.
- Xin vâng. Và xin chị cho chúng em ăn ngay. Em đã thấy kiến bò bụng lắm lắm rồi đấy.
Chàng quay lại hỏi Văn:
- Có phải không cháu... Ồ! Mà suýt nữa chú quên quà của các cháu. Cháu Hải bảo đem va-li vào đây cho chú, mau.
Ba đứa trẻ sung sướng tranh nhau chạy và gào:
- Lanh ơi, vác va-li của chú vào!
Vợ chồng Bỉnh đưa mắt như thầm bảo nhau:
-“Các chú vui tính quá!”
Ba đứa con đã theo người xách va-li đi vào. Khoa mở lấy ra một gói kẹo tây, giơ lên trước mặt các cháu.
Trình bảo em:
- Khoa chia cho đều nhé!
Khoa cười:
- Phải tùy theo tuổi, chứ đều sao được.
Rồi chàng hỏi Hải:
- Cháu lên mấy?
- Thưa chú, cháu lên tám ạ.
- Được rồi! Lên tám thì tám cái.
Vừa nói chàng vừa nghiêng gói kẹo đổ ra hai bàn tay tí hon của Hải.
- Một, hai... bốn... sáu, tám. Đủ rồi. Bây giờ đến lượt Văn. Mấy tuối?
Văn ngập ngừng:
- Thưa chú, cháu cũng lên tám.
Trình cười:
- Ha ha! Ăn gian rồi. Em lại bằng tuổi anh bao giờ!
Nhưng Khoa nghiễm nhiên lấy kẹo đếm lên bàn tay Văn:
- Được rồi, lên tám thì cũng chỉ tám cái. Còn em Hồng?
Hồng đứng im, nước mắt chạy quanh, vì nó biết nó mới năm tuổi thì sẽ chỉ được chia phần có năm cái kẹo.
Người mẹ trông thấy thế, liền mắng:
- Hồng láo lắm nhé!
Khoa vội bênh cháu:
- Không, chị cứ nói thế, chứ Hồng ngoan nhất nhà. Năm nay Hồng lên năm, phải không? Lên năm thì được mười cái. Hai lần năm là mười, mà lại.
Hồng tươi ngay nét mặt lại và vội chìa tay ra đón lấy kẹo, khiến ai nấy phải bật cười.
Trâm, giọng cảm động:
- Các cháu nói đến hai chú luôn. Chắc hai chú cũng đến sốt ruột vì chúng nó.
Khoa cười vui vẻ:
- Nếu thế thì anh chị và các cháu sốt ruột vì chúng em cũng chẳng kém.
- Nhưng mời hai chú ra xa-lông xơi nước.
Rồi nàng gọi:
- Nhài, lấy chè mạn sen cho nó pha nước nhé!
Khoa hý hửng như trẻ con, reo mừng:
- Ồ! Chè mạn sen thì ngon lắm nhỉ! Chị cũng biết tính hai em thích chè mạn sen.
Để cắt ngắn câu chuyện, Trâm bảo chồng:
- Cậu mời hai chú ra xa-lông xơi nước. Tôi xin xuống bếp giục nó làm mau cơm.
Khoa lại cười:
- Nếu thế thì chúng em xin vâng ngay.
Ba người đàn ông cùng nhau ra phòng khách. Mới tới cửa phòng, Trình đã thì thầm bảo Bỉnh:
- Về rồi đấy!
Bỉnh lơ đãng hỏi lại:
- Chú bảo ai?
- Troisième ấy mà!
- Thế à?
Anh em vui sướng thuật lại cho nhau nghe những việc nhỏ nhen xảy ra trong đời người đàn bà, vào khoảng mười năm gần đây. Họ lắng tai chú ý, không ngắt lời nhau, tuy chẳng ai không thuộc lòng những câu chuyện ấy. Cốc rượu khai vị thứ hai càng làm tăng phần trào phúng và hài hước.
- Hai anh còn nhớ cái ngày cô ta giận thầy bênh anh huyện, cô ta bỏ cô ta đi, rồi thầy bắt đánh ô-tô thân hành đón cô ta về không?
Trình cúi gò xuống cười nức nở. Bỉnh chỉ khẽ nhách mép và buồn rầu nói:
- Thương hại ông cụ, con mụ nó tác ác thế nào cũng phải chịu.
- Chả chịu, nó làm ầm cửa ầm nhà lên thì cũng khổ với nó.
- Sao không cứ để nó đi đâu mặc kệ nó, lại còn đuổi theo đón nó về?
- Nhưng nó đẹp!
Ba người cùng vỗ tay cười reo:
- Đả đảo sắc đẹp!
- Đả đảo vợ lẽ!
Trâm lên, đứng sững ở cửa phòng, hỏi:
- Đả đảo gì thế?
Trình đáp:
- Thưa chị, đả đảo sắc đẹp và vợ lẽ.
Trâm cười:
- Nếu thế thì tôi xin ký cả hai tay.
Rồi nàng bảo chồng:
- Đấy, cậu còn muốn lấy vợ lẽ nữa thôi?
- Vợ lẽ cũng năm, bảy đường vợ lẽ chứ! Vơ đũa cả nắm thế nào được
Bỉnh đáp lại vợ thế, chừng để hai em đỡ ngượng, vì chàng vừa chợt nhớ ra điều mà ít khi chàng nghĩ đến: Trình và Khoa là con bà Hai. Nhưng người vợ không hiểu nhã ý của chàng, lại bảo hai em chồng:
- Đấy, nhờ hai chú khuyên anh hộ tôi. Anh chỉ nằng nạc đòi lấy vợ lẽ.
Trình, giọng thành thực, bảo Bỉnh:
- Tình cảnh vợ lẽ nhà ta, anh không thấy cái gương tầy liếp đấy hay sao mà còn chực đa mang vào.
Thì ra Trình và Khoa cũng không còn nhớ rằng mình với Bỉnh là anh em khác mẹ. Trong mấy chục năm, họ thân mật yêu nhau nên đã như ngầm đồng tình phá hủy cái giới hạn thiên nhiên của cốt nhục, khí huyết.
Khoa buồn rầu nói tiếp:
- Thiết tưởng dù mê gái tới bực nào, lúc chợt nghĩ đến “cô ả” anh em chúng ta cũng phải rời bỏ để tránh cho gia đình chúng ta sau này cái nạn tan tác.
Trâm cười sung sướng, bảo chồng:
- Cậu đã nghe rõ chưa?
Khoa yên lặng rót đầy bốn cốc Gap-Corse, rồi chắp tay lên ngực trịnh trọng nói với Trình và vợ chồng Bỉnh:
- Xin uống máu ăn thề.
Trâm cười:
- Thề gì thế?
- Thề không lấy vợ lẽ.
Bỉnh cũng cười theo:
- Làm gì mà như truyện Đông Chu Liệt Quốc thế?
Nhưng Trâm nghiêm trang nâng cốc rượu:
- Vâng, xin thề.
Trình bảo nàng:
- Chị thề trước đi.
- Tôi xin thề không lấy vợ lẽ cho chồng tôi.
Khoa uống hết cốc rượu, tiếp luôn:
- Nếu em lấy vợ lẽ thì đời em sẽ cạn như cốc rượu này.
Bỉnh khôi hài:
- Chú chẳng thề thì thím ấy cũng chẳng để chú lấy vợ lẽ.
Trình cười sặc, phì cả rượu ra áo. Giữa lúc ấy người nhà mời sang phòng bên ăn cơm.
Câu chuyện gia đình lại kế tiếp trên bàn ăn, trong tiếng reo vui của cây đèn măng-sông lớn.
Phần thứ nhất - I & II
Tiến >>
Đánh máy: casau
Nguồn: casau - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 9 tháng 11 năm 2017