Đề Thám - Con Hùm Yên Thế
CHƯƠNG I
* từ chiến tranh xâm lược
*từ phong trào cần vương của nhóm sỹ tử
đến chiến tranh du kích của hoàng hoa thám.
NĂM 1859, vào niên hiệu Tự Đức thứ 11, Việt Nam bắt đầu bị Pháp xâm chiếm.
Mượn cớ bảo vệ kiều dân của các nước thuộc Âu Châu hiện ngụ tại lãnh thổ Việt Nam, trong công cuộc khủng bố giáo sĩ Gia tô và ngăn cấm bọn thương buôn da trắng của triều đình Huế, Pháp quân đem hạm đội viễn chinh mở cuộc xâm lăng nước Việt vào tháng bảy năm Mậu Ngọ tức là năm nói trên.
Ngày 31 tháng 8 dương lịch, đại đội chiến thuyền và binh mã Pháp bắn phá vào cửa Đà Nẵng dữ dội, Ông Nguyễn Tri Phương phải lập đồn Liên Tri chống giữ.
Đến tháng Giêng năm sau, Pháp phân binh vào đánh thành Gia Định và từ đây Việt Nam đã nếm mùi thất bại đầu tiên trước hỏa lực của Pháp. Ông Nguyễn Tri Phương phải vội vã đem quân vào Gia Định thành lập đồn Kỳ Hòa (tức khu vực Chí Hòa ngày nay) để chống cự lại.
Hai bên đánh nhau ác liệt, trong mấy trận đã tổn hại khá nhiều.
Đứng trước tình thế này, triều đình Huế đã bất lực. Trên cao, vua chỉ ham thú văn chương, thi phú. Dưới thì, quần thần tả hữu đều hủ bại, chia rẽ nhau, mạnh ai nấy tranh giành thế lực. Dân chúng khắp nơi đói rét sanh tâm cướp bóc thành loạn lạc. Giữa vua quan và tôi dân đã mất hết tình cảm chân thành và thiêng liêng nên không thể chung lưng đấu cật mà tạo thành một sức mạnh chống cự dẻo dai.
Vì vậy, Pháp quân đã đánh thắng quân ta luôn mấy trận vừa dễ dàng vừa mau lẹ. Chiến thuật “trường xà” cổ lỗ của Nguyễn Tri Phương chỉ là trò đùa của Pháp quân và là mục tiêu rất tốt của súng đại bác của đoàn quân viễn chinh xâm lăng này.
Sau khi chiếm được thắng thế, Pháp tăng cường thêm 70 tàu chiến và 3.500 quân nhất định đánh phá đồn Kỳ Hòa. Ông Nguyễn Tri Phương hết lòng chống cự ráo riết trong hai ngày, sát hại được hơn 300 quân địch rồi mới chịu lui về Biên Hòa vào năm Tân Dậu (1801).
Thừa cơ, Pháp tiến đánh luôn cả tỉnh Định Tường và tỉnh Biên Hòa rồi buộc triều đình Huế phải ký hòa ước, nhường đứt hai tỉnh đó với cả tỉnh Gia Định nữa.
Năm 1862, liên quân Pháp và Tây Ban Nha lại tấn công cửa bể Đà Nẵng
Bắt đầu từ đây, những cuộc cách mạng nổi dậy và người dân Việt mới bắt đầu tích cực kháng chiến với Pháp ở khắp nơi, rất là mạnh mẽ.
Trong năm này ông Phó quân Cơ Trương Công Định từ chối chức Lãnh binh An Giang do triều đình Huế thăng thưởng sau khi đã dầy công chống giữ đồn Kỳ Hòa.
Ông ở lại Gia định thành, tự động mộ binh lính làm nghĩa quân chống Pháp ở khắp ba vùny, tỉnh Chợ Lớn, Tân An và Gò Công. Ông đã làm cho Pháp quân nhiều phen thất điên bát đảo; đến ngày 19 và 20 tháng 8 năm 1864 ông đánh một trận ác lỉệt ở Kiến Phước và bị bắn gãy xương sống.
Noi gương ông, một nhóm sĩ phu, quan lại tại tỉnh Vĩnh Long khởi binh đánh lấy lại tỉnh thành này. Trong khi ấy, vào năm 1865, Hai ông Tri Huyện Toại và Thiên hộ Dương cũng đã dấy binh ở Đồng Tháp Mười, dẫn nghĩa quân dùng chiến thuật du kích đánh phá các đồn Pháp lẻ tẻ khiến cho các đoàn vận tải và đường giao thông của quân đội Pháp gặp nhiều khó khăn.
Đến năm 1867, vào ngày 25 tháng 6, Pháp lại chiếm luôn ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên sau khi tỉnh Vĩnh Long thất thủ từ năm 1861, sau Pháp trả lại và đến năm 1867 mới lấy dứt. Ông Phan Thanh Giản không giữ thành nổi, để giữ tròn tiết nghĩa, ông uống thuốc độc tự tử, có để di chúc lại cho con cháu, dặn không được làm việc gì với Pháp. Các con của ông là Phan Liêm, Phan Tâm, Phan Ngữ, vâng lời cha, cầm đầu một nhóm nghĩa quân kháng chiến tại bốn tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh, Bến Tre.
Sau khi bại trận, ba ông liền theo ông Nguyễn Tri Phương ra Bắc để chống cự với Pháp nửa tại Hà Nội vào năm 1873.
Qua năm 1868, ông Nguyễn Hữu Huân đỗ Thủ Khoa lãnh đạo nhóm Văn Thân kháng chiến tại vùng Định Tường và Tân An. Pháp quân nhiều lần khuyến dụ ông ra đầu hàng nhưng ông không bằng lòng và luôn luôn cự tuyệt. Về sau, ông thất trận bị bắt và bị quân Pháp xử chém tại cù lao Rồng. Trong lúc này, ông Nguyễn Trung Trực cùng nổi lên ở vùng Nhật Tảo, Tân An, cũng trong năm này, ông bị Pháp bắt xử chém ở Rạch Giá.
Khoảng năm 1869-1870, ông Phan Tòng khởi binh ở Ba Tri và tử trận ở Giồng Gạch.
Năm 1871 và 1872, dân chúng ở ba vùng Bà Điểm, Hốc Môn, Gò Vấp cũng tự động nổi lên kháng cự. Họ đã đánh nhiều trận rất ác liệt với quân Pháp. Trận oanh liệt nhất là trận tại 18 thôn vườn trầu. Trận này, nghĩa binh đã tử trận gần hết sau khi đã chống cự mãnh liệt trong mấy ngày liền.
Còn sót lại hơn 70 người, họ liền thề nguyện với nhau nhất quyết chống cự với địch quân đến chết, không một người nào chịu đầu hàng.
Trong khi đó, khắp các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Long xuyên, quân Cần Vương cũng nổi lên đánh phá tứ phía.
Năm 1873, Trung úy Francis Garnier đem binh ra Bắc can thiệp vụ tên lái buôn Jean Dupuis chở hàng Pháp rồi đánh thành Hà Nội. Ông Nguyễn Tri Phương kéo binh chống cự, bị thương, người Pháp băng bó thương tích cho, ông không bằng lòng và xé băng ra mà chết. Ít lâu sau Trung úy Francis Garnier bị quân Cờ Đen giết mất ở Cầu Giấy.
Sang năm sau, hai ông Đoàn Công Bửu, Nguyễn xuân Phụng lại khởi nghĩa ở Trà Vinh.
Ở Trung phần, thấy triều đình luôn luôn nhượng bộ Pháp, các nhân sĩ đều phẫn uất. Tại Hà Tĩnh và Nghệ An, hai ông Trần Tân và Đặng Như Mai nổi lên, truyền hịch “Binh Tây sát tả”.
Qua năm 1875, ở Trà Vinh, miền Ba Động có Trần Bình, Lê Tấn Kế nổi lên.
Bắt đầu từ năm 1876, các tổ chức của phong trào Cần Vương cứu quốc ở Nam phần (Thời đó gọi là Nam kỳ, Trung kỳ và Bắc kỳ) lần hồi bị tiêu diệt.
Năm 1880, triều đình Huế muốn có thêm nhân tài để khôi phục đất nước nên sai Lễ bộ Thị Lang Phạm Bình đem một số nhi đồng sang học trường Anh tại Hương Cảng. Đồng thời, sai sứ đi giao thiệp bí mật với Xiêm và Tàu.
Qua năm 1882, sau khi Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tử vì không giữ nổi thành Hà Nội để mất lần thứ hai được mấy hôm, một số kháng chiến quân của Hoàng Kế Viêm hợp với quân Cờ đen giết Trung úy Henri Rivière tại Cầu Giấy.
Sang năm 1883, Pháp quân tiến đánh cửa Thuận An. Sau ba ngày đêm chống cự, quân ta đành chịu mất thành Trấn Hải. Các quan trấn thành là Lê Sĩ, Lê Chuẩn tử trận còn Lâm Hoằng và Trần Thúc Nhẫn cũng nhảy xuống sông tự tử theo.
Theo đà thắng thế, Pháp càng lúc càng uy hiếp Triều đình Huế bắt buộc phải ký Hiệp ước Patenôtre vào tháng 8, Giáp Thân (1884) nhìn nhận nước Pháp bảo hộ cả Trung và Bắc kỳ.
Trước tình thế này, Tôn Thất Thuyết và Trần xuân Soạn hết sức căm thù, cố ra công lập trường võ bị ở tại kinh đô để tổ chức thành quân đội hẳn hoi. Một mặt hai ông lại cho người ra ngoại quốc mua súng đạn, khí giới để chuẩn bị giao tranh cùng quân Phá, một mặt hai ông ra mật lệnh cho quan quân và dân chúng ở khắp các tỉnh không được hợp tác với Pháp.
Tháng 5 năm 1885, Thống tướng Pháp là De Courcy lại đem 1.700 quân vào Huế định dùng võ lực uy hiếp triều đình Việt nữa, bắt buộc triều đình phải nhận cuộc bảo hộ của Pháp.
Tôn Thất Thuyết khẳng khái đứng vào hàng chủ chiến, không chịu qua tòa Khâm sứ hội kiến với tướng Pháp.
Rồi đến đêm 22 rạng ngày 23 tháng 5, Tôn Thất Thuyết cùng với em là Tôn Thất Liệp và Trần xuân Soạn chia nhau ba mặt đánh úp những nơi Pháp quân đóng giữ. Sáng ra quân ta hết đạn nên tan vỡ thành ra kinh thành phải thất thủ. Tôn Thất Thuyết phải vội vã rước vua Hàm Nghi chạy vào Quảng Trị rồi chạy qua Hà Tĩnh. Từ đấy miền Trung và miền Bắc lại lọt vào tay Pháp.
Vua Hàm Nghi liền lập căn cứ kháng chiến tại Hà Tĩnh vào năm 1886 hạ chiếu kêu gọi Cần Vương cứu quốc. Tôn Thất Thuyết để hai con là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm ở lại hộ giá và cầm binh, còn chính mình sang Tàu xin viện binh của nhà Thanh.
Nhưng hồi ấy, thời cuộc của Tàu dưới thời Mãn Thanh cũng đổ nát be bét hết. Dân chúng nổi lên vận động lật đổ triều đình. Vì vậỵ, Tôn Thất Thuyết sang Tàu đã hoài công, vô ích.
Vì vậy mà ông bất đắc chí đành cam chịu chết già ở nơi đất lạ quê người giá lạnh.
Trong lúc đó các nhân sĩ ở Trung và Bắc nổi lên Cần Vương rất đông, kháng Pháp rất dữ dội.
Không có lúc nào tình hình cách mạng sôi nổi bằng lúc này.
Nhiều vị quan to bỏ chức lui về quê nhà chiêu binh khởi nghĩa, như Tể tướng Nguyễn Thiện Thuật, Đề đốc Tạ Hiện vân vân…
Từ trong Nam ra tới ngoài Bắc, vùng nào cũng có một hoặc hai ba người nổi lên kháng chiến, cầm đầu hai ba nhóm nghĩa quân cách mạng.
Đáng kể nhất là các vùng sau đây:
Vùng Phú Yên, Bình Định có Mai Xuân Thưởng, Nguyễn Đức Nhuận, Bùi Diễn.
Vùng Quảng Nam, Quảng Nghĩa có Nguyễn Hàm, Nguyễn Hiệu, Trần Văn Dự.
Vùng Quảng Bình có Lê Trực, Nguyễn phạm Tuân.
Vùng Nghệ An có Lê doãn Nhạ, Nguyễn Xuân Ổn.
Vùng Hà Tĩnh có Phan Đình Phùng, Lê Ninh, Cao Đạt, Cao Thắng, Đinh Văn Chất, Thái vinh Chính.
Vùng Thanh Hoa có Hà văn Mao, Đinh công Tráng, Cầm bá Thước, Phạm Bành, Tống duy Tân.
Vùng Hải Dương có Tán Thuật cùng 2 người em là Lãng Giang, Hai Kế, Đốc Tích, Đốc Khoát, Ba Giang, Tống Kính, Tuần Văn, Đốc Vinh, Đề đốc Tạ Hiền và Thủ Khoa Nguyễn Cao.
Vùng Hưng Yên, Bắc Ninh có Đốc Mỹ, Đốc Quế, Đốc Sùng, Lãnh Điềm, Đội Văn, Hai Tước.
Vùng Đông Triều, Lục Nam có Đốc Thầy, Lãnh Thừa, Lưu Kỳ.
Vùng Sông Thái Bình có Đề Hồng, Tiến Đức, Lãnh Ý.
Vùng Bắc Giang Thái Nguyên có Ba Phúc, Đề Nam, Đề Thám tức Hoàng Hoa Thám.
Vùng Sơn Tây, Hưng Hóa có Đề Thanh, Đề Kiều, Đốc Ngữ, Cai Văn, Hoàng Công Vinh, Nguyễn Quang Bình vân vân…
Trong số những người trên đây, có bốn tay anh dũng nhất khiến cho Pháp quân phải hết sức nhọc nhằn. Trong những trận mà họ kháng cự từ năm 1885 đến năm 1892, là Đội Văn (vùng Hưng Yên, Bắc Ninh), Đốc Tích (vùng Hải Dương), Đề Kiều, Đốc Ngữ (vùng Sơn Tây, Hưng Hóa).
Ông Đinh Công Tráng cũng đánh được những trận nổi tiếng như trận Ba Đình. Ông Tán Thuật oai dũng ở trận Bãi Sậy. Ông Phan Đình Phùng đã cầm cự với Pháp quân đúng 10 năm, gây được ảnh hưởng lớn lao, cũng đã oanh liệt ở trận Ngàn Trươi và Đề Thám ở Yên Thế…
Năm 1887, hai tướng Dodds và Metzinger kéo quân tấn công chiến khu Ba Đình và Ma Cao của Đinh Công Tráng (lập từ tháng 4 năm 1885) thất bại nên đầu năm nói trên Pháp lại sai đại tá Brissaud kéo rốc đoàn binh gồm có 76 viên sĩ quan chỉ huy với 3.530 quân tinh nhuệ tấn công một lần nữa.
Trận chiến này kéo dài mấy ngày liền, rất ác liệt, hai bên đều tổn thất nặng nề. Khó nhọc lắm Pháp quân mới phá vỡ được cả chiến khu.
Đinh Công Tráng chạy về Nghệ An và bị bắn chết tại làng Tang Yên, ven bờ sông Cả vào đêm 5 tháng 10 năm 1887.
Cũng trong năm này, Trần Xuân Soạn, tướng của Tôn Thất Thuyết định đánh thành tỉnh Thanh Hóa, nhưng thất bại.
Qua tháng 9 năm 1888, vua Hàm Nghi bị bắt tại làng Tả Báo, ở miền núi Hà Tĩnh và Quảng Bình vì tên Trương Quang Ngọc phản bội làm tay sai cho Pháp. Nhà vua liền bị đày an trí ở Algérie.
Trong lúc vua bị Pháp bắt, Tôn Thất Đạm chạy thoát được và thắt cổ tự tử ở trong rừng sâu còn Tôn Thất Thiệp thì bị quân Pháp bắn chết tại trận (1)
Trong năm 1889, ông Tán Thuật đã lập xong chiến khu ở Bãi Sậy, chống Pháp quân hai năm liền rất là can đảm, nhưng cũng tan vỡ nên ông chạy lên Thái Nguyên và rồi vượt biên giới Hoa Việt sang Tàu để nhập bọn với tướng Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc.
Cũng trong năm này, Pháp quân đã cử đại binh đánh quân của Đề Thám ở Yên Thế mấy lần nhưng lần nào Pháp quân cũng thất bại trước địa thế vô cùng hiểm trở và pháo lũy kiên cố của Thám.
Qua năm 1891, Đề Thám cùng một lượt với Đề Kiều, Đốc Ngữ phá hoại cuộc giao thông tiếp tế không ngừng của quân Pháp tại ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Hưng Hóa.
Trong khi đó, sau khi chiến lũy Ba Đình (rộng 400 thước, dài 1.200 thước bao bọc trọn ba làng Mỹ Khê, Mậu Thịnh, Thượng Thọ) tan vỡ vào ngày 20 tháng giêng năm 1887, hai ông Cao Đạt và Tống Duy Tân chạy ra Bắc. Năm 1889 hai ông trở về Thanh Hóa để lãnh đạo công cuộc kháng chiến một lần nữa ở vùng Nông Cống.
Được hơn một năm, hai ông lại thất bại bị bắt và bị chém vào ngày 3 tháng 9 năm 1892 tại tỉnh Thanh.
Từ năm 1892, tinh thần chiến đấu của người Việt Nam thêm mãnh liệt hơn. Chẳng những mãnh liệt về tinh thần bất khuất mà còn tiến bộ bất ngờ về kỹ thuật chế tạo võ khí và chiến tranh.
Ông Cao Thắng, một bộ tướng của ông Phan Đình Phùng đã làm cho Pháp quân hết sức kinh ngạc vì ông đã tự chế ra được một kiểu súng năm 1874, không thua gì súng của Pháp chế tạo. Sự kiện này khiến cho các kỹ sư bác học ở trời Âu hết sức lạ lùng về tài trí phi thường của nhà nho và kháng chiến quân Việt Nam. Nhờ vậy, thanh thế của Phan Đình Phùng càng ngày càng lan rộng thêm lên.
Nhưng không may, sau đó, ông Cao Thắng đem nghĩa quân từ Sơn trại xuống định đánh lấy thành Nghệ An, nửa đường đã tử trận. Năm ấy ông mới có 29 tuổi thôi.
Năm 1894-1895, tình hình cách mạng có phần suy vì ông Phan Đình Phùng mang bịnh chết ở trên núi, phong trào Văn Thân ở Nghệ An, Hà Tĩnh tan rã dần vì không ai có thể lãnh đạo được.
Sang năm 1896, Đề Thám lại hoạt động mạnh mẽ ở Yên Thế, trong tay Thám có độ 60 khẩu súng.
Cũng trong năm này, một sự kiện bất ngờ khiến cho Pháp quân tức tối và tinh thần cách mạng sôi nổi trở lại…
Vốn có một người tên gọi là Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, còn nhỏ tuổi mà tài học phi thường. Người này được Thống Sứ Bihourd cấp dưỡng cho qua Alger (xứ Algérie) ăn học. Thống Sứ cứ đinh ninh rằng thế nào Kỳ Đồng cũng theo Pháp và sẽ không chống đối lại ông.
Không ngờ, Kỳ Đồng vẫn hành động trái lại và luôn luôn tích cực chống Pháp. Tinh thần cách mạng kháng thực không thể nào gột rửa được trong đầu óc của người thanh niên trẻ tuổi này.
Sang ăn học ở Alger từ năm 1887, lúc mới mười tuổi, đến năm 1896, Kỳ Đồng đỗ được bằng Tú tài khoa học lúc 19 tuổi.
Khi về nước, Kỳ Đồng liền mượn cớ lập đồn điền lập ấp tại Yên Thế nhưng thật sự là có ý chiêu tập đồng chí mà giúp đỡ cho Đề Thám.
Sau đó, Kỳ Đồng lại ra mặt hẳn chống Pháp. Khắp miền Nam Định, Thái Bình và Hải Dương vào khoảng cuối năm 1897 (hai năm sau khi thi đỗ Tú tài khoa học ở Alger và sau 1 năm về nước có phong trào gọi là “giặc Kỳ Đồng”.
Tòa sứ và trại giám binh Hải Dương luôn luôn bị kháng chiến quân tấn công dữ dộí. Biết là do Kỳ Đồng chủ mưu, Pháp quân liền tìm cách bắt Kỳ Đồng cho kỳ được và đày sang đảo Tahiti.
Bước sang năm 1898, phong trào kháng Pháp càng lúc càng mãnh liệt ở khắp các nơi.
Vào tháng chạp năm này, quân cách mạng Cần Vương nổi lên đột kích thành Hà Nội vào lúc một giờ khuya đêm 5 rạng ngày 6 tây.
Trận đột kích này rất dữ dội, nội công có một nhóm quân đầy đủ khí giới và số người rất đông đảo. Ngoại kích do nhóm quân của Đề Thám xung phong.
Pháp quân gồm hai thành phần cảnh sát và lính tập chống đỡ kịch liệt trong hơn hai tiếng đồng hồ, nghĩa quân cách mạng mới rút lui, để lại 4 xác chết, 8 người bị thương và 71 người bị bắt.
Cũng trong năm này, Đề Thám trá hàng người Pháp để củng cố lực lượng. Điều kiện quan trọng của ông là Pháp phải để cho vùng Yên Thế có quyền tự chủ, Pháp không được xâm phạm vào.
Trong lúc đó ông Phan Sào Nam cùng với các ông Đại Đẩu, Thần Sơn và Đặng thái Thần bàn định tiếp tục theo chân ông Phan Đình Phùng khởi binh kháng chiến trở lại ở vùng Hà Tĩnh nhưng suy đi tính lại vì không có đủ khí giới trang bị nên đành chịu bỏ dở ý định.
Bước qua thế kỷ XX, một tinh thần cách mạng mới đột khởi.
Các nhà nho bắt đầu nghĩ tới phương sách duy tân tự cường và bắt đầu bỏ lối học từ chương khoa cử chậm tiến ở trong nước, phong trào xuất dương du học khởi xướng từ đây.
Sau khi nhóm Mai Xuân Thưởng thất bại ở Bình Định, ông Tăng Bạt Hổ một chiến tướng tài ba của họ Mai thua buồn bỏ nước, xuất ngoại chu du qua các nước bạn như Xiêm, Tàu và Nhật.
Khoảng năm 1902-1903, ông trở về nước, cổ động thêm cho các nhân sĩ theo ông xuất dương để tìm cách cứu quốc hữu hiệu hơn.
Ông đã gặp cụ Phan Sào Nam rồi hai người dẫn đi khắp Nam Bắc mà tuyên truyền chương trình cách mạng mới.
Trong năm này, cụ Phan có gặp Đề Thám ở đồn Phồn Xương để thảo luận thêm.
Năm 1904 và 1905, cụ Phan Sào Nam tập hợp một nhóm đồng chí ở Sơn trang Nam Thịnh để thành lập Việt Nam Quang phục Hội”. Sơn trang này của ông Nguyễn Hàm ở tỉnh Quảng Nam.
Cụ Phan cùng các đồng chí tôn ông Kỳ ngoại Hầu Cường Để lên làm trưởng Hội.
Sau đó, cụ cùng ông Tăng Bạt Hổ sang Nhựt Bổn giao thiệp với các yếu nhân, chính khách tại đây để sửa soạn rước Kỳ ngoại Hầu sang Đông Kinh.
Thêm nữa, một số đông đảo nhân sĩ trong nước như cụ Phan Châu Trinh, các ông Tiến sĩ Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thượng Hiền, Lương Ngọc Can, tất cả gồm có mấy trăm vị đã cùng cụ Phan Sào Nam thề nguyền đồng tâm hiệp lực lo cho quốc gia.
Trong khi ấy, ông Phan Tây Hổ vừa đỗ Phó Bảng đang làm chức Viên ngoại Bộ Công lại từ chức, đứng vào hàng ngũ cách mạng.
Đến năm 1906, các ông gồm có Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, Phan Châu Trinh, Phan Sào Nam và Đặng Tử Kính đã sang tới Nhựt liền gây ra phong trào Đông Du Cầu Học cứu quốc.
Đáp lời kêu gọi của phong trào, thanh niên Việt Nam đầu tiên đã bỏ nhà sang Nhật du học là ông Lương Ngọc Quyến, biệt hiệu Lập Nham.
Ông đã vào học ở trường võ bị Chấn Võ. Vài tháng sau, theo chân ông một số rất đông đảo thanh niên khác lục tục từ nước nhà trốn sang.
Đức Kỳ ngoại Hầu cùng cụ Phan Sào Nam phải lo xếp đặt nơi ăn chốn ở và công việc học hành của họ.
Kể từ đây, số nhân sĩ nước nhà ra ngoại quốc để vừa ăn học, vừa hoạt động cách mạng, cứu nước rất nhiều.
Trong lúc đó, cũng vào năm 1906, cụ Phan Tây Hồ ở Nhật về, vào ngày 15 tháng 8 có gửi công khai cho chính phủ Pháp một bức thư yêu cầu chính phủ Pháp phải thành thật và tận lực cải cách Việt Nam, diệt trừ những tệ đoan tham nhũng và mở mang tân học.
Năm 1907, các nhà nho duy tân đất Bắc như Dương Bá Trạc, Lương Ngọc Can, Đào Nguyên Phổ, Phan Tuấn Long, Lê Đại, Nguyễn Quyền, Đặng Kinh Luân, Phan Huy Thịnh vân vân… đã họp nhau lại mở trường tư tên là Đông Kinh Nghĩa Thục, bề ngoài là trường học, nhưng kỳ thật bên trong là một tổ chức cách mạng, lo việc tuyên truyền trong giới học sinh, tiếp tế các đồng chí ở ngoại quốc và phản đối những việc làm sai quấy của chính phủ Pháp.
Bởi vậy đến tháng chạp năm 1907, tức là ba tháng sau khi nhà trường khai giảng, nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa.
Trong lúc đó, phong trào cách mạng ở trong Nam cũng bùng sôi dậy. Cầm đầu là hai nhà ái quốc Gibert Chiếu tức Phủ Trần chánh Chiếu và ông Xã Định.
Qua tháng 6 năm 1908, một vụ đầu độc xảy ra tạí trại lính Pháp ở Hà Nội. Vụ này do nhóm Đội Bình, Cai Ngà, Chánh Song, Đội Hổ, có liên lạc với Đề Thám, tổ chức.
Họ định bỏ thuốc độc hại lính Pháp và để cho nhóm nghĩa quân Đề Thám ở bên ngoài tấn công vào thình lình để cho lính Pháp trở tay không kịp.
Nhưng, không may nội vụ bị đổ bể vì có kẻ tiết lộ… Chính phủ Pháp điều tra ra thấy có một số yếu nhân trong nhóm trường Đông Kinh Nghĩa Thục nhúng tay vào nên tức giận lên án rất gắt và đày ra hải ngoại một số rất đông.
Ở Trung kỳ, đám nhà nho duy tân nổi lên khởi xướng cho dân chúng tổ chức những cuộc biểu tình… Quan trọng nhất là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định và Thừa Thiên.
Riêng ở tỉnh Quảng Nam hàng ngàn dân chúng kéo đến tỉnh lỵ, yêu cầu bãi bỏ sưu thuế. Ở Bình Định dân chúng đều mặc áo cộc, đầu đội nón lá, lưng mang nồi niêu và lương thực kéo nhau đi khắp đường. Thấy ai mặc áo dài đen là họ áp nhau lại xé áo, cắt tóc ngắn rồi bắt nhập bọn với họ để biểu tình.
Vì vậy, nhóm người này bị gọi là “loạn đầu bào” hoặc là “vụ cúp tóc”… Trong những vụ này, hàng ngàn nhân sĩ Trung và Bắc phải bị bắt đi đày là ông Tiến sĩ Trần Quý Cáp bị xử chém ở Khánh Hòa.
Cũng trong lúc này, Đề Thám vẫn dùng lối du kích chiến làm cho Pháp quân điên đầu ở những trận tại Yên Thế.
Đầu năm 1909, vào ngày 28 tháng giêng, tức ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch niên hiệu Duy Tân thứ 3, Pháp mở cuộc tổng tấn công Yên Thế.
Thống sứ Bắc kỳ cho dán yết thị tại khắp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và Phúc Yên, tuyên cáo kể tội Đề Thám đã trá hàng với dân chúng.
Đề Thám phải bỏ đồn Phồn Xương, rút quân vào chiến khu trong rừng rậm, dùng lối du kích chiến lưu động để kháng cự lại Pháp quân.
Nhờ có những danh tướng như Cả Huỳnh, Cả Dinh, Cả Trọng hết lòng giúp sức nên Đề Thám đã làm cho Pháp quân khổ sở vô cùng.
Trong khoảng năm 1910 này những nhà cách mạng ở hải ngoại thêm một phen lận đận. Bởi Nhật đã ký thương ước với Pháp nên đuổi cụ Phan Sào Nam và du học sinh ra khỏi đất Nhật.
Vì vậy, các nhà cách mạng hải ngoại phải dời trụ sở từ Nhật sang Tàu. May mắn thay, lúc ấy có cụ Nguyễn Thượng Hiền đang ở Bắc Kinh và quen rất nhiều chính khách Trung Hoa nên cụ hết lòng giúp anh em sinh viên cách mạng bằng cách xin giấy thông hành dùm và cấp lộ phí.
Đến năm 1911 vào khoảng tháng 6, một cuộc âm mưu bị phát giác ở tỉnh thành Gò Công, tại Nam Kỳ. Cuộc âm mưu này mục đích chiếm lấy tỉnh lỵ và tàn sát tất cả người Âu Tây ở trong tỉnh…
Trong lúc này, chánh quyền Pháp đã ân xá cho ông Phan Châu Trinh ở Côn Lôn, đưa ông về Nam Kỳ được mấy tháng lại đưa ông sang ở bên Paris. Không bỏ mất một cơ hội may mắn, ông Phan Châu Trinh liền viết thơ gửi cho hội NHÂN QUYỀN để tố cáo những vụ án bất công đã xử vào năm 1909, sau vụ Đông Kinh Nghĩa Thục ở đất Bắc và phong trào “xin xâu, cúp tóc” ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định, Trung Kỳ… Năm 1913, vào tháng 3 dương lịch, hai đảng viên cách mạng ở hải ngoại là Phạm Văn Tráng và Nguyễn Khắc Cần về nước, ném bom ở Tháỉ Bình, giết chết Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn. Mấy hôm sau, hai người này lại liệng bom vào trong Hà Nội khách sạn (HÀ NỘI HOTEL) ở phố Hàng Trống, giết được hai võ quan Pháp là Chapuis và Mongrand. Ngoài ra còn có một người bị thương nữa.
Cũng trong năm này, còn có những vụ quan trọng khác xảy ra. Trước hết chính phủ thực dân đút lót một số của cải tiền bạc quý giá cho Đô đốc Long Tế Quang ở Quảng Đông (Tàu) để nhờ bắt cụ Phan Sào Nam giam lại và giải về Đông Dương. Rất may cho cụ Phan là nhờ có đảng cách mạng Trung Hoa sớm ra tay giải thoát được.
Vụ quan trọng kể tiếp là chính phủ thực dân lập hội đồng đề hình tại Hà Nội để xử những đảng viên cách mạng đã bị bắt, tất cả 120 người.
Họp vào tháng 9 dương lịch, Hội đồng đã lẻn án xử tử 14 người, trong số này có 7 người bị xử chém (có Nguyễn Khắc Cần và Phạm Văn Tráng trong vụ ném bom ở Thái Bình và Hà Nội). Còn 7 người kia thì vắng mặt vì chưa bị bắt: Trong số này có bốn vị: Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, cụ Phan Sào Nam, Lương Ngọc Quyến và Hàn Ninh tức Nguyễn Văn Thụy.
Vụ sau là vụ Đề Thám bị sát hại trong rừng sâu cách chợ Gò 2 cây số. Và đầu của ông bị bêu ở Nhã Nam…
Đề Thám chết, để lại cho người đời sau bao nỗi câm thù uất tức và bao nhiêu bài học kinh nghiệm về xương máu, đấu tranh…
Sau 54 năm đặt gót xâm lăng lên đất Việt (1859-1913), đoàn quân viễn chinh của thực dân Pháp đã sát hại bao nhiêu bực tài trí anh hùng của Việt Nam…
Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám là một lãnh tụ cuối cùng của phong trào Cần Vương. Người ta đã tin cậy vào Đề Thám và coi Đề Thám như một tướng lãnh kỳ tài chuyên môn về lối du kích chiến, đã tiếp tục con đường đấu tranh gian khổ của Phan Đình Phùng.
Đề Thám chết, cái thời oanh liệt của phong trào sĩ tử Cần Vương cũng chấm dứt theo.
Tuy nhiên, trước Đề Thám có hàng vạn người đã ngã gục vì tranh đấu cho sự mất còn của dân tộc thì sau Đề Thám cũng còn có hàng vạn người khác nối gót theo, tiếp tục hi sinh cuộc đời cho cách mạng và vinh quang của dân tộc, tuy rằng hình thức đấu tranh có khác hơn phần nào.
Chú thích:
(1) Cụ Trần Trọng Kim viết trong quyển Việt Nam Sử Lược rằng Tôn Thất Thiệp bị đâm.
CHƯƠNG I
Tiến >>
Đánh máy: Nguyễn Học & Ct.Ly
Nguồn: Nhà sách Khai Trí
Tủ sách Tuổi Hoa - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 26 tháng 7 năm 2017