Tập tiểu thuyết phóng sự trào phúng này đã đăng ở báo Phong-Hóa vào năm 1935. Vì tính cách thời sự của nó, nên tác giả để nguyên những tiếng dùng cũ, mong cố giữ dấu vết riêng của thời đại
Lời nhà xuất bản
Đi Tây tức là đi tây!
Tư tưởng rất thâm thúy của Lãng-Du, nhân vật chính trong truyện này.
.
TRONG LÚC ĐỢI
Tôi xin phép và đự định đi Tây ngoài ba tháng nhưng chưa đi được. Cả ngày hết ra lại vào, buồn chán lạ. Cứ năm phút, lại nhìn ra ngoài cửa sổ ngắm những hàng quà bánh đi qua và ngâm:
... non nước đang chờ gót lãng du.
Phải đến lúc có người bạn bảo tôi rằng độ ấy ông Thế-Lữ chưa làm câu thơ đó, nên tôi mới chịu thôi không ngâm nữa. Nhưng bỗng tôi kinh ngạc mà nhìn ông bạn: nếu Thế-Lữ chưa viết câu thơ đó ra thì sao ông bạn tôi lại biết là của Thế-Lữ!
TẬP LÀM BỒI
Sau tôi nghĩ ra được một kế rất diệu: là xin làm bồi tầu. Làm bồi thì chắc không khó, vừa kiếm được tiền, lại vừa không mất tiền tàu sang Pháp. Thế là tôi bảo tình nhân tôi cho mượn một cái mâm đồng và hai cái cốc để tập làm bồi.
Cả ngày tôi mang cái mâm trên có để hai cốc đầy nước lã rồi chạy quanh nhà, tưởng như mình đương hầu trên tầu thủy. Thỉnh thoảng tôi lại đảo cái mâm nghiên ngả, tưởng chừng như đứng ở tầu, song đánh chòng chành. Tập mấy ngày vẫn chưa được thạo, lại phải cái khát nước tệ. Sau tôi mới phát minh ra rằng bồi không bao giờ hầu khách bằng nước lã. Tôi liền bảo tình nhân pha hai cốc cà phê nước đá, cho giống sự thực.
Từ lúc để hai cốc cà phê, tôi đâm khát nước luôn; sau tôi phải đặt bốn cốc mới đủ.
Uống cà phê mãi cũng chán, tôi bèn lấy rượu thay vào cà phê. Dùng rượu được cái lợi là lắm lúc thấy mình đảo quay, nghiêng ngả y như lúc tầu gặp bão. Âu cũng là một cách tập cho quen khỏi say sóng về sau.
Trên kia, tôi có nói: làm bồi vừa kiếm được tiền, lại vừa không mất tiền tầu sang Pháp, song tôi nhận ra rằng làm bồi theo cách riêng của tôi đã tốn tiền, lại có ngày kia hết cả tiền sang Pháp. Thế là tôi hết cả hy vọng làm bồi: thôi cũng là tại số phận cả.
Nhưng từ đó tôi nghiện rượu.
MƯU GIA CÁT
Gửi đến mười lá đơn xin phép đi mà không có một bức thư trả lời nào. Tôi nghĩ có lẽ là tại trong đơn mình nói xin sang Pháp để thâu thập lấy cái văn hóa tây phương, học lấy cái khoa học tối mầu nhiệm của nước Pháp, khảo cứu về thiên văn, địa lý, triết học, v.v... nên họ cho mình là một thằng vừa nói khoác vừa dở người.
Một hôm vì tình nhân đến rủ tôi đi chụp ảnh làm kỷ niệm, nên tôi thấy nẩy ra trong óc một cái mưu thần tình.
Tôi viết đơn gửi cho công sứ tỉnh tôi chứ không gửi lên tòa thống sứ như trước nữa. Tôi mặc quần áo ta, đội cái mũ trắng, rồi cầm đơn về tỉnh nhà: tôi khúm núm vào buồng giấy nói là xin phép sang Pháp.
Tôi cố nói bằng thứ tiếng tây ‘‘giả cầy’’.
Ông Sứ nhìn tôi như có ý bảo:
— ‘‘Ngài’’ muốn sang Pháp học mà ‘‘ngài’’ nói tiếng tây y như một con bò I- Pha- Nho ( tục ngữ Pháp)
Tuy bị gọi ngay là con bò — mà lại là con bò I- pha- nho nữa — nhưng tôi không tức, và cũng không thấy mình ngu, vì định ý của tôi là muốn biến thành con bò ngu, bò ngu nước nào cũng được.
Tôi hỏi tiếp:
— Tôi muốn sang Pháp để học nghề ảnh.
Ông Sứ thốt ra một tiếng:
— À!
Nghĩa là trong bụng ông nghĩ:
— Ừ, có thế chứ,
Ông lại hỏi:
— Nhưng sao anh lại phải sang tận Pháp mới học được nghề ảnh?
Tôi đáp liều:
— Bẩm vì khách hàng của hiệu tôi phần nhiều là người Pháp; nên tôi nghĩ phải sang tận Pháp học chụp cho quen.
Cái lý của tôi không có lý một chút nào nhưng ông Sứ cũng cho là có lý và cho tôi đi Tây.
Ấy thế là tôi đương làm bồi tập sự nhẩy ngay lên một người thợ ảnh thực thụ.
TIỆC TIỄN HÀNH
Được giấy phép đi Tây rồi thì lẽ cố nhiên là sắp phải cái sầu ly-biệt. Mà khi biệt-ly lẽ thường bao giờ cũng có tiệc, tiệc để lấp cái sầu chia rẽ. Tòi bèn một mặt viết giấy mời tình nhân, một mặt thân hành ra hiệu mua bốn chai sâm-banh... Thế rồi hôm ấy hai chúng tôi vừa uống sâm banh vừa nuốt lệ,... nhưng uống nhiều hơn là nuốt. Dần dà đã hết một chai.
Tình nhân tôi, (tửu lực rất khá) vừa khóc vừa bảo tôi rằng:
— Em càng ứa nước mắt bao nhiêu thì em càng muốn uống sâm banh bấy nhiêu.
— Anh cũng vậy.
Thế rồi hai chúng tôi lại khóc. Một lúc đã hết chai rượu thứ hai.
Tôi nhìn lên tủ, chỗ để hai chai rượu chưa mở, có vẻ lo ngại. Tôi ngọt ngào bảo tình nhân:
— Thôi chúng mình không nên buồn nữa vì cái buồn tai hại lắm.
Tình nhân tôi, để ngón tay lên môi, có vẻ mơ màng, rồi như sực tỉnh, bỗng nói:
— Hay là thôi anh đừng đi Tây nữa. Đi làm quái gì?
— Em nói thế mà phải.
Tình nhân tôi cười nói:
— Anh ở lại thật là một sự đáng mừng cho em biết mấy! Vậy em lại xin uống nữa để mừng anh ở lại.
Thế là hết chai rượu thứ ba.
Uống hết chai thứ ba tôi mới nhận ra rằng không thể ở lại được. Đi, thế nào cũng đi. Giấy má đã xin xong rồi, các anh em bạn ai cũng biết tin mình đi Tây, không sao lùi được nữa. Nhân tình tôi cũng biết là không thể nào lùi được. Chúng tôi đương vui, lại trở nên buồn. Nhân tình tôi lại ứa nước mắt khóc mà chai rượu thứ tư lại theo ba chai rượu trước mà cạn nốt.
Uống hết bốn chai rượu rồi, chúng tôi mới thấy cái sầu vạn cổ của chúng tôi tạm nguôi ngoai.
TẦU NHỔ NEO
Sau khi đã uống cạn rượu và khóc cạn nước mắt, tôi nhứt định từ biệt tình nhân để hiến thân cho các anh em bạn. Trong ba ngày, tôi cùng họ đi chơi từ Khâm thiên đến Đông Hưng viên, rồi lại từ Đông Hưng viên đến Splendid hotel. Nếu cuộc đi Tây của mình cũng cứ quanh quẩn vài ba chỗ đó thì nghe cũng dễ chịu. Phiền một nỗi đã đến ngày phải xuống Hải-Phòng để kịp đáp tầu. Anh em bạn xuống tiễn đưa rất đông. Tôi và tình nhân tôi phải trốn họ ra ngồi ở vườn Bách thú Hải-Phòng và thơ thẩn đi trên con đường Thiên Lôi (1) để cùng nhau khóc một trận nữa cho hả dạ.
Bốn giờ chiều, tầu nhổ neo và kéo cầu. Mùi soa bay phấp phới. Tôi tưởng mình như một nhà đi sứ sang Tây để yêu cầu Chính phủ Pháp một việc có can hệ đến vận mệnh nước nhà. Sau tôi phải nghĩ đến rằng mình lấy tư cách một người thợ sang Pháp học chụp ảnh nên mới bớt kiêu ngạo.
Tầu ra xa dần, tôi quên cả anh em bạn, chỉ đăm đăm nhìn cô tình nhân. Cô tình nhân cũng đứng trông theo. Tầu càng xa, tình nhân tôi càng nhỏ dần, nhỏ dần. Trước bằng người thật, sau nhỏ hơn người thật, sau bằng đứa trẻ, bằng cái lọ lục bình, bằng cái cánh tay, bằng con ruồi, bằng con chấy...
NHỮNG NỖI KHỔ
Lẽ cố nhiên là tôi đi ‘‘Boong’’. Boong không phải là một cái cầu như ý tôi tưởng. Ở trên tầu thủy, cứ chỗ nào không phải là buồng ngủ, không phải buồng ăn, buồng khách, là boong ở đó. Đi boong tức là đầu đội trời, chân đạp gỗ ‘‘Đội trời, đạp gỗ ở đời’’. Trời là màn mà chiếu là một cải ghế vải. Thật ra hạng đi boong cũng có buồng ngủ, có giường đệm, nhưng nếu xuống đấy thì thà nhẩy xuống bể còn hơn. Tôi bắc ghế, nhìn mây kéo trên trời cho quên đời để đợi giờ ăn cơm. Khát nước lần ra máy há miệng nuốt nước lã ừng ực, lại nhớ đến trận khóc đêm trước bên cạnh tình nhân và bốn chai sâm banh và ngâm:
— Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu..
Đển giờ ăn xuống bếp xin đĩa, xin cơm và đồ ăn; ngồi một xó nhai cơm, đếm sạn và lấy răng thử sức mấy miếng thịt bò mới thấu nỗi chua cay của câu kể trên.
Một buổi chiều, ăn uống no nê xong, tôi ra dựa vào bao lơn tầu ngắm mây nước, để tâm hồn về với tình nhân và để nước mắt sa xuống bể, nhất là khi nghĩ đến rằng có lẽ cũng giờ này, phút này, cô tình nhân của tôi đương ngồi uống sâm banh với một người trẻ đẹp khác để quên mình. Bên cạnh tôi, một ông lính tập ngưòi Huế, có lẽ cũng như tôi, đương nhớ tới tình nhân, nên vẻ mặt buồn như chấu cắn. Thỉnh thoảng, ông lại thở dài một cái thật mạnh và se sẽ cất giọng ngâm theo điệu Nam Bình:
— Kéo neo tàu chạy...
Tôi để ý thì cứ đúng năm phút, ông lại thở dài lên một cái và ngâm lên:
— Kéo neo tàu chạy...
Chiều nào cũng như thế. Tôi đã buồn lại thêm bực mình. Có lần, tức quá không chịu được, tôi lại gần bảo ông ta rằng ; ‘‘Này ông, tầu đã chạy rồi’’, ông ta cũng nhất định không hiểu.
Được cái may rằng lúc ở Sàigòn, tầu kéo neo chạy đi Singapore, thì không thấy ông ta đâu nữa.
Từ đấy tầu sắp đến nước ngoài, quyển sổ tay của tôi mới bắt đầu ghi chép những chuyện lạ, Còn một sự lạ nữa mà không ai lấy làm lạ, là tôi thấy dễ thở vô cùng, không biết vì tại mình ở ngoài khơi hay vì cái không khí mình thở đây khác với bầu không khí vẫn thở bấy lâu.
Chú thích:
[1] Con đường vắng nhất ở Hải Phòng – đã dung làm đầu đề cuốn Bên Đường Thiên Lôi của Thế Lữ
TRƯỚC KHI ĐI
Tiến >>
Bản scan: Thuvienso.ìno
Chuyển word Mọt Sách - Đánh máy: Thanh vân
Nguồn: Nhà xuất Bản Sống Mới -
VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 12 tháng 2 năm 2022