Có thứ tình cảm nào dữ dội hơn tính tò mò ở người phụ nữ không? Ồ! Giá mà được biết, được làm quen, được sờ mó những gì mà ta hằng mơ ước! Có việc gì mà họ không làm để đạt được những thứ ấy? Người đàn bà, khi tính tò mò của họ đang trỗi dậy, sẽ phạm phải mọi điều điên rồ, mọi hành động khinh suất, sẽ có đầy đủ lòng quả cảm, và sẽ không lùi bước trước bất cứ một cái gì. Tôi nói về những người đàn bà thực sự đàn bà, những người thừa hưởng được cái tinh thần ba mặt, mà mới nhìn qua dáng vẻ bên ngoài, nó dường như hợp lý và lạnh lùng, nhưng cả ba ngăn bí mật của nó đều được chất đầy, cái thì bằng nỗi lo âu đàn bà luôn luôn xao động, cái thì bằng những mưu mẹo được tô điểm bởi lòng chân thực, cái mưu mẹo của kẻ mộ đạo, ngụy biện và đáng sợ, và cái thì bằng sự gian trá duyên dáng, sự lừa đảo mê hoặc, sự phản trắc ngọt ngào, và bằng tất cả những đặc tính đồi bại khác đã xô đẩy những tình nhân cả tin một cách xuẩn ngốc đến con đường tự vẫn, nhưng lại làm những người tình khác đắm say.
Người đàn bà mà cuộc phiêu lưu sắp được tôi kể ra đây là một phụ nữ nhỏ bé ở tỉnh lẻ, đến lúc ấy chị vẫn hoàn toàn lương thiện. Cuộc đời của chị bề ngoài rất lặng lẽ, nó trôi qua trong công việc nội trợ, với một người chồng luôn bận bịu, và hai đứa con mà chị đã nuôi nấng như mọi người đàn bà giỏi giang khác. Nhưng con tim chị luôn run rẩy vì một nỗi tò mò không nguôi, một sự thèm muốn cái mới lạ. Chị luôn mơ tưởng đến Paris, và thường đọc ngấu nghiến các tờ báo thời thượng. Các bài tường thuật những ngày hội, những trang phục, những cuộc vui làm nỗi khát khao của chị sôi sục lên; nhưng nhất là chị hay bối rối một cách huyền bí bởi những tin vặt đầy ngụ ý, bởi những câu văn khéo léo nửa kín nửa hở, để hé ra những chân trời lạc thú tội lỗi và bại hoại.
Từ xó xỉnh của mình, chị nhìn Paris trong cảnh thần tiên của xa hoa lộng lẫy và đồi bại.
Và trong những đêm dài nằm mơ tưởng, được ru bằng tiếng ngáy đều đều của ông chồng nằm ngủ thẳng cẳng bên cạnh, đầu quấn phu la, chị nghĩ đến những con người tiếng tăm vang lừng mà tên tuổi của họ thường xuất hiện nơi trang đầu của báo chí, như những ngôi sao rực sáng trên bầu trời tăm tối; và chị tưởng tượng ra cuộc sống đến kinh hoàng của họ, với những cuộc sa đọa liên tục, những buổi chè chén theo kiểu thời cổ, dâm đãng một cách đáng sợ, và những khoái lạc tinh tế, phức tạp đến nỗi thậm chí chị cũng không thể tưởng tượng ra được.
Các đại lộ đối với chị là một thứ hang vực của những đam mê của con người; và mọi ngôi nhà ở đó, chắc chắn có tàng trữ những huyền bí của tình yêu thần kỳ.
Lúc này, chị cảm thấy già di. Chị già đi mà không hể biết gì về cuộc đời, ngoài những công việc thường ngày, đơn điệu một cách đáng tởm, và tầm thường, mà người ta thường nói đó là hạnh phúc gia đình. Chị vẫn còn xinh, vì khép kín trong một cuộc sống lặng lẽ, như một quả chín mùa đông, được gìn giữ trong tủ kín, nhưng bị gặm nhấm, tàn phá, và khuấy động bởi những ngọn lửa bí ẩn. Chị tự hỏi chẳng lẽ cho đến lúc chết, chị không được nếm thử tất cả những cơn ngây ngất tội lỗi ấy, không được đắm mình trọn vẹn, dù chỉ một lần thôi, vào ngọn sóng của những lạc thú ở Paris hay sao.
Với một sự kiên nhẫn bền bỉ, chị chuẩn bị một chuyến đi Paris, chị nghĩ ra một cớ, rồi gợi ý cho mấy người bà con mời chị về chơi, và vì chồng chị không thể tháp tùng chị được, nên chị đi một mình.
Vừa đến nơi, chị đã nghĩ ra được những lý do để có thể vắng nhà hai ngày, hoặc đúng hơn, hai đêm, nếu cần, vì chị vừa gặp lại những người bạn thân ở tận vùng ngoại ô, chị nghĩ bụng như thế.
Và chị đi tìm. Chị rảo khắp các đại lộ mà chẳng thấy chi, ngoài bọn gái điếm đang lượn lờ. Chị đưa mắt thăm dò các quán cà phê lớn, chăm chỉ đọc mục giao lưu của báo Figaro, đối với chị, nó như một hồi chuông thúc giục, một tiếng gọi của tình yêu vào mỗi buổi sáng.
Và chị vẫn chưa bắt gặp một mẩu tin nào giúp chị lần theo dấu vết của những buổi tiệc tùng của giới nghệ sĩ, chẳng có chi tiết nào hé cho chị thấy những vùng đất thiêng của sự sa đọa mà chị thường tưởng tượng ra, rằng nó được đóng kín bằng một câu thần chú, như cái sào huyệt của bọn cướp trong truyện "Nghìn lẻ một đêm", và như những hầm mộ La Mã, nơi chứa dựng một cách bí ẩn những huyền bí của một tôn giáo bị bài xích.
Cha mẹ chị thuộc giới trưởng giả lớp dưới, họ không thể giới thiệu cho chị một người nào trong giới thượng lưu cả, những người mà tên tuổi luôn réo rắt trong đầu chị; và thất vọng, chị đã nghĩ đến chuyện quay về nhà, bỗng sự tình cờ đến giúp chị.
Một hôm, khi xuôi con đường Ghaussee-d’Antin, chị dừng lại ngắm nghía một cửa hiệu chất đầy đồ trang trí Nhật Bản, màu sắc sặc sỡ đến độ làm cho chị thấy thích mắt. Khi đang xem xét những món đồ xinh xắn bằng ngà voi, những chiếc bình to có nước men lộng lẫy, những tượng đồng kỳ dị, thì chị nghe ở bên trong cửa hiệu, người chủ hết sức cung kính đang chỉ cho người đàn ông mập mạp, lùn tịt, đầu hói, xem một tượng Thần Tài rất to, ông ta nói đây là bức tượng duy nhất. Và trong mỗi câu nói của người bán hàng, cái tên của người mua, một cái tên nổi tiếng, lại vang lên như tiếng kèn. Những khách hàng khác, gồm những phụ nữ trẻ và quý ông thanh lịch, bằng những cái liếc mắt lịch sự và kính cẩn ra mặt, họ chiêm ngưỡng nhà văn nổi tiếng đang say mê nhìn bức tượng bằng gốm kia. Cà hai đều xấu xí, như thể hai anh em cùng một mẹ sinh ra.
Người chủ nói: "Nếu ông mua, thưa ông Jean Varin, thì tôi xin để lại với giá một trăm ngàn quan, vừa đúng giá vốn của tôi đấy, còn nếu là người khác, tôi bán một nghìn năm trăm quan; nhưng vì tôi quý những khách hàng là nghệ sĩ, nên tôi lấy giá đặc biệt. Tất cả họ đều mua hàng của tôi, thưa ông Jean Varin. Hôm qua, ông Busnach đã mua của tôi một chiếc đĩa cổ. Hôm nọ, tôi đã bán hai chân nến như thế này (đẹp chứ, phải không?) cho ông Alexandre Dumas. Còn bức tượng mà ông đang cầm ấy, nếu ông Zola thấy được, thì ông ấy đã mua rồi, thưa ông Varin".
Nhà văn rất đắn đo, lúng túng, vừa bị thôi thúc bởi món hàng, vừa nghĩ đến số tiền phải trả, và ông không hề quan tâm đến mọi ánh mắt nhìn mình, như thể ông đang một mình ở trong sa mạc.
Chị run rẩy bước vào, ánh mắt nhìn thẳng vào ông khách một cách sống sượng, và thậm chí chị không không thèm tự hỏi là ông ta có đẹp trai, có phong nhã, có trẻ trung hay không. Đó chính là Jean Varin, Jean Varin!
Sau một hồi đấu tranh và phân vân một cách khổ sở, ông ta đặt bức tượng xuống bàn và nói: "Không, đắt quá".
Người bán hàng lại tăng thêm khoa hùng biện: "Ồ! thưa ông Jean Varin, đắt quá? Cái này chẳng khác nào mua một món hàng đáng hai ngàn quan chỉ với giá một xu mà thôi".
Nhà văn buồn bã trả lời, vừa nhìn bức tượng có đôi mắt tráng men: "Tôi không phản đối, nhưng nó đắt quá so với túi tiền của tôi".
Lúc ấy, chị bỗng trở nên táo tợn hơn, chị tiến lên: "Ông bán thứ ấy cho tôi bao nhiêu?"
Người bán hàng kinh ngạc trả lời: “Một nghìn năm trăm quan, thưa bà".
“Tôi lấy nó”.
Từ nãy giờ, nhà văn không thấy chị, bây giờ bỗng quay lại, và ông nheo mắt nhìn chị từ đầu đến chân như một giám khảo, rồi ông phân tích từng chi tiết trên người chị như một người sành sỏi.
Chị rất duyên dáng, sống động, gương mặt rạng rỡ bởi một ngọn lửa từ trước tới nay vẫn ngủ yên trong lòng chị. Và kế đến, một người đàn bà dám bỏ ra một nghìn năm trăm quan để mua món đồ chơi này ắt không phải là người đến đây lần đầu.
Lúc ấy, chị có một cử chỉ nhã nhặn mê hồn; và quay sang ông, chị nói, giọng run run: "Xin lỗi ông, có lẽ tôi đã hơi sỗ sàng. Có thể ông đã chưa dứt giá".
Ông ta nghiêng mình: "Tôi đã trả đứt giá rồi, thưa bà".
Nhưng chị vô cùng xúc động: "Thôi thì, thưa ông, hôm nay hay sau này, nếu ông cần đổi ý, món hàng này sẽ thuộc về ông. Tôi mua nó chỉ vì ông thích nó".
Ông mỉm cười, vẻ thích thú ra mặt: "Vậy bà đã quen tôi như thế nào?" - ông nói.
Thế là chị huyên thuyên nói với ông về niềm thán phục của mình, và kể cho ông nghe những tác phẩm của ông.
Ông tựa khuỷu tay vào một chiếc tủ khi nói chuyện, và hướng đôi mắt soi mói vào chị để tìm cách xét đoán chị.
Đôi khi, người bán hàng sung sướng vì đã có được một bảng quảng cáo sống, và vì có nhiều khách mới bước vào, nên ông ta kêu lên từ đầu đằng kia của gian hàng: "Này, ông Varin, ông hãy nhìn cái này, đẹp chứ?". Thế là mọi cái đầu ngẩng lên, và chị rùng mình vì thích thú, vì được mọi người thấy chị đang chuyện trò thân mật với một người lừng danh.
Thế rồi chị ngây ngất, và có một hành động táo tợn tột cùng, như những viên tướng sắp ra lệnh xung phong: "Thưa ông, chị nói, xin ông cho tôi được hưởng một sự thích thú, một thích thú thật to lớn. Xin phép ông cho tôi được tặng ông bức tượng này, như là kỷ niệm của một người đàn bà ngưỡng mộ ông một cách say mê, người đàn bà mà ông chỉ mới gặp có mười phút thôi”.
Ông ta từ chối. Chị nài nỉ. Ông cự tuyệt, lòng cảm thấy thích thú, và ông cười sảng khoái.
Chị bướng bỉnh nói: "Vậy thì tôi sẽ mang nó đến nhà ông. Ông ở đâu?"
Ông ta từ chối cho chị biết địa chỉ, nhưng chị cũng biết, nhờ hỏi người bán hàng; và khi trả xong tiền, chị chạy ngay ra một chiếc xe ngựa thuê. Nhà văn đuổi theo để giữ chị lại, vì không muốn nhận món quà của người mà ông chưa hề quen biết. Ông đuổi kịp, lúc chị vừa nhảy lên xe, và ông cũng nhảy bổ theo, và gần như ngã vào lòng chị, vì chiếc xe đang chuyển bánh; đoạn, ông ngồi xuống bên cạnh chị, lòng cảm thấy rất bực bội.
Mặc cho ông van nài, khẩn khoản, chị tỏ ra không lay chuyển. Khi họ đến trước cổng nhà, chị ra điều kiện: "Tôi sẽ bằng lòng không để lại món quà này cho ông, nếu hôm nay ông thực hiện tất cả nguyện vọng của tôi".
Vấn đề có vẻ kỳ cục đến nỗi ông chấp nhận ngay.
Chị hỏi: "Vào giờ này, hàng ngày ông làm gì?"
Sau một lúc do dự, ông đáp: "Tôi đi dạo."
Thế là, bằng một giọng quả quyết, chị ra lệnh: "Vào rừng".
Rồi họ lên đường.
Ông ta phải kể tên tất cả những người đàn bà nổi tiếng, nhất là những bà nhơ nhớp, cho chị nghe, cùng với những chi tiết thầm kín về họ, cuộc đời của họ, những thói quen, những tật xấu và nỗi lòng của họ.
Màn đêm buông xuống, chị nói: "Vào giờ này, hàng ngày ông làm gì?"
Ông ta trả lời, vừa cười: "Tôi uống một cốc rượu".
Thế là chị nói tiếp, giọng nghiêm nghị: "Vậy thưa ông, ta đi uống".
Họ bước vào một hiệu cà phê lớn trên đại lộ mà ông ta thường đi dạo, và là nơi mà ông thường gặp bạn đồng nghiệp. Ông ta giới thiệu chị với mọi người. Chị như điên lên vì vui sướng. Và cái từ này cứ vang lên không ngừng trong đầu chị: "Đây rồi!"
Thời gian trôi qua, chị hỏi: "Đã đến giờ ăn tối của ông chưa?"
Ông trả lời: "Vâng, thưa bà”.
"Vậy thưa ông, ta đi ăn".
Vừa bước ra khỏi quán cà phê Bignon, chị nói: "Buổi tối, ông thường làm gì?"
Ông nhìn chị chằm chặp: "Cái đó còn tùy; đôi khi tôi đi xem hát”.
"Vậy thì thưa ông, ta đi xem hát".
Họ bước vào rạp Vaudeville, diễm phúc thay, một vinh dự tột đỉnh, nhờ ông mà chị được mọi người trong phòng trông thấy, khi ngồi bên cạnh ông ta, ở dãy ghế ban công.
Buổi diễn đã dứt, ông ta hôn lên tay chị một cách quí phái: "Thưa bà, tôi còn một việc phải làm nữa là cảm ơn bà về một ngày hạnh phúc". Chị ngắt lời ông: "Vào giờ này, ông làm gì, vào mỗi đêm?"
“Nhưng... nhưng… tôi về nhà".
Chị phá lên cười, một giọng cười run run. "Vậy thưa ông, ta về nhà ông".
Và họ không nói chuyện với nhau nữa. Chốc chốc chị lại rùng mình, run rẩy từ đầu đến chân, vì chị vừa khát khao được bỏ chạy, vừa mong muốn được ở lại, với một nguyện vọng sắt đá tận đáy lòng, là được đi đến cùng.
Trong cầu thang, chị bám chặt vào tay vịn, vì nỗi xúc động của chị trở nên quá mãnh liệt; và ông ta đi trước, mồm thở hổn hển, tay cầm một que diêm dài.
Khi đã đặt chân vào phòng ông ta, chị cởi đồ ra thật nhanh, và chui vào giường mà không nói một tiếng; và chị thu người vào sát tường nằm chờ đợi.
Nhưng chị chất phác như người vợ chính thức của một viên chưởng khế ở tỉnh lẻ, còn ông ta thì lại khó tính hơn một quan Tổng trấn Thổ Nhĩ Kỳ, họ không hiểu nhau gì cả.
Thế là ông ta ngủ thiếp đi. Một đêm trôi qua lặng lẽ, chị bị những tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường quấy nhiễu; và nằm bất động, chị nghĩ đến những đêm cùng chồng ân ái; dưới ánh đèn vàng vọt của ngọn đèn Trung Quốc, chị mủi lòng nhìn người đàn ông bé nhỏ nằm ngửa bên cạnh, người tròn lẳn, chiếc bụng phệ làm tấm chăn trương lên như một quả banh căng hơi. Ông ta ngáy như tiếng kèn, những tiếng khèn khẹt kéo dài, những tiếng nghẽn hơi thật buồn cười. Mấy sợi tóc lưa thưa của ông lợi dụng lúc nghỉ ngơi này cũng sổ tung ra kỳ dị, như thể mệt mỏi vì đã ở một chỗ quá lâu trên chiếc đầu trọc mà chúng phải che đậy. Và một giọt nước bọt chảy ra từ khóe miệng hé mở.
Thế rồi bình minh tỏa một chút ánh sáng qua kẽ hở của các tấm màn che. Chị choàng dậy, rón rén mặc quần áo vào, và lúc đó mở hé cửa ra, chị làm ổ khóa rít lên, và ông ta vừa thức giấc, vừa dụi mắt.
Ông ta còn nằm lại trong vài giây, trước khi tỉnh táo hoàn toàn; đoạn, khi toàn bộ câu chuyện hiện ra trong trí ông, ông hỏi: "Bà đi đấy à?”
Chị lúng túng đứng nguyên tại chỗ. Chị lẩm bẩm: "Vâng, trời sáng rồi”.
Ông ta ngồi dậy và nói: "Nào, bây giờ tới phiên tôi, tôi có vài điều muốn hỏi bà”.
Chị không trả lời, ông ta nói tiếp: "Từ hôm qua đến nay, bà làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Hãy nói thật, hãy cho tôi biết tại sao bà lại làm như thế, vì tôi không hiểu gì cả".
Chị từ từ tiến lại, đỏ mặt như một trinh nữ. “Tôi muốn biết... cái... cái thói xấu... thế mà... thế mà... chẳng thú vị tí nào cả!"
Và chị vùng bỏ chạy, chị xuống cầu thang, và đâm bổ ra đường.
Đội quân quét rác đang quét dường. Họ quét trên vỉa hè, trên mặt đường, vừa đẩy mọi thứ rác rưởi xuống lòng cống rãnh. Bằng một động tác đều đều, động tác của người thợ cắt cỏ trên cánh đồng, họ dồn bùn đất thành một vòng cung trước mặt họ; và từ con đường này sang con đường khác, chị lại thấy họ giống như những con rối được lên dây cót và hoạt động một cách tự động bằng một lò xo giống nhau.
Và dường như người ta cũng vừa quét đi một cái gì đấy trong lòng chị, vừa đẩy xuống cống rãnh những giấc mơ quá quắt của mình.
Chị trở về nhà, mồm thở hổn hển, người băng giá, và chỉ còn giữ lại trong đầu cảm giác của những nhát chổi đang quét đường phố Paris mỗi sáng.
Và khi đã về đến phòng, chị khóc nức nở.*
Đánh máy: hoi_ls
Nguồn: hoi_ls -
Tạp chí Kiến thức Ngày nay
VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 4 tháng 9 năm 2020