Phải, thực là một truyện rất ghê-gớm, rất lạ-lùng. Mà lạ-lùng ghê-gớm nhất là vì có thật, không huyền-hồ như bao nhiêu truyện ma truyện quỷ, đã làm cho người nghe phải sởn gáy rùng mình.
Ông cụ nói cho mấy ông người làng nghe đến đó, thì ngừng lại, uống cạn bát nước chè tươi, hút xong một điếu thuốc lào; hắng giọng một cái rồi lại tiếp:
– Tôi bình-sinh nghe đã lắm truyện lạ, tôi không hề sợ-hãi, vì không tin những điều vô-lý hoang-đường. Nhưng mà đến câu truyện này thì lại khác… Bởi chính tôi được chứng-kiến, chính tôi phải một phen nguy-hiểm, chính tôi là một người trong truyện này đây! Các ông ạ, mỗi khi một mình trong lúc đêm khuya thanh-vắng mà nghe thấy tiếng ếch-nhái nó ỳ-oặc nghiến răng, tôi lại nhớ đến truyện trước. Bên tai như nghe thấy tiếng người chết nó cười, nó kéo nhau từng đàn từng lũ đến bên giường tôi nằm mà nhao-nhao lên nguyền rủa tôi…! Không thể nào quên được! Tôi phải một phen sợ quá, hầu như mất hết hồn vía ; còn sống lại đây là chỉ để làm cái kho chứa bao nhiêu điều quái gở tôi trải qua thôi.
Năm Minh-mệnh thứ sáu, tôi lạc kỳ thi Đình lần thứ hai, bấy giờ mới có hai mươi mốt tuổi. Hai kỳ thi hỏng nhà lại nghèo; phần thì chán-nản, phần thì không đủ tài lực cố gắng đợi đến khoa sau. Nhân trước có tập-tành cung kiếm là những món hợp với chí-hướng mạo-hiểm của tôi, tôi quyết chí bỏ làng đi phiêu-lưu cho thỏa lòng mong muốn. Các bạn đồng-niên ai cũng khuyên tôi ở lại. Tôi không nghe, mặc họ ở nhà kiên lòng với văn-chương kinh sử….
Nay đây, mai đó, sau mới nhất-định ở trong một làng gần rừng trên miền Lạng-sơn. Tôi ưa ở đấy vì trong cái phong-thổ rừng thiêng, nước độc lại còn ẩn bao nhiêu điều quái gở ly-kỳ. Lần đầu, bước chân vào đất lạ chỉ nghe thấy toàn cái kinh người cả: nào truyện ma gà, truyện hùm tinh, truyện lợn biết hát, truyện thần rắn, truyện Mán ăn thịt người.
Làng ấy gọi là làng Khau-dé.Tiếng rằng gọi là một làng, song chỉ lác-đác mấy nóc nhà cỏ là nhà những người Nùng sinh-nhai về nghề đi săn thôi. Người Nùng săn rất giỏi, rất nhậy. Cuộc đi săn của họ rất nguy hiểm mà lại cực kỳ vui. Tôi ở với họ đã gần hai năm lấy làm thú lắm, không muốn đi đâu nữa. Thường thường chúng tôi đi săn ở những miền gần đó thì chia ra từng bọn ba bốn người vào một rừng. Khi nào đi săn ở rừng xa, rừng dữ, thì cả làng cùng đi. Lần ấy định săn ở mãi mạn Mùng-sa, Mùng-sáy. Sáng hôm đi, hơn hai chục người tay lao tay nỏ, cơm nước xong đâu đấy, mỗi người đeo thêm lương-thực đủ dùng trong mười ngày. Đầu canh tư bắt đầu đi. Gặp những cuộc này tôi hăm-hở lắm, vì một năm họ mới đi như thế có một lần.
Đi từ canh tư đêm hôm trước đến quá canh năm đêm hôm sau thì đến chỗ săn. Chúng tôi không ai nghỉ chân cả, vào ngay trong rừng tìm chỗ để làm chòi. Chúng tôi định ăn ngủ trong rừng cho tiện. Tìm được chỗ tốt đang chia tay nhau người đẵn cây, người mang lá, thì một người trọng bọn tìm thấy một tòa cổ-miếu ẩn trong đám cây cối ùm-tùm. Chung quanh có quây tưòng, nhưng tường đã đổ nát. Qua tường thì đến miếu. Miếu đã xiêu vẹo, không còn dấu hương khói của người đến phụng thờ. Trước miếu có sân rộng. Gạch ở sân hầu hết bị bẩy trồi lên, rêu phong với lá chen phủ kín gần khắp. Tôi còn đứng xem mấy chữ đại-tự, chưa thể đoán biết là «Mai-hoa-tự» hay « Hải-hoa-tự» hay « Mẫn-hoa tự » vì chữ đã nhòe, và chưa hiểu miếu đó thờ ai ; thì có người bàn nên dùng chỗ này, đắp thêm đất cho cao tường để làm nơi ăn ngủ. Mọi người đều khen hay. Chúng tôi liền đem cây và lá đã đẵn được làm thành cái nhà một gian có cửa phên rất chắc-chắn. Làm xong cùng ngả lương ra ăn uống rồi vun thêm lá khô bên ngoài trải lên đất mà nghỉ ngơi.
Đi đường tuy mệt, tôi cũng không muốn ngủ. Một mình ra ngồi trước cửa, vừa xem những bầy khỉ trên cây nó lấy làm lạ mà dòm nghé vào gian nhà mới của chúng tôi, vừa nghĩ ngợi vẩn-vơ. Bỗng cái bụm cây trước mặt sột-soạt, tôi giật mình. Nhìn kỹ thì như có một con vật rẽ lá cây mà tiến đến! Tôi sửng-sốt, vào trong lều. Các bạn săn còn ngủ cả. Tôi không đánh thức, vớ lấy cái nỏ chĩa vào bụm cây sắp bắn ra thì lại không thấy động nữa. Nhưng có tiếng chân chạy. Bước chân nghe một ngày một xa dần. Có lẽ không phải là thú dữ, thật phải là giống ấy tất xông vào mà bắt tôi rồi. Tôi liền rẽ ngang theo tiếng chân dẫm lá của con vật mà đuổi nó. Thoáng một cái trong đám cây lá, tôi thấy bóng một người. Tôi không trông rõ mặt: người ấy lẩn mau lắm, mà lại cách xa tôi. Chỉ biết là người to béo, mặc quần áo lam, lại có đuôi sam. Tôi đoán ngay là một người Khách. Nhưng quái lạ! Người ấy là ai? Mà người ấy đến chốn nguy hiểm này làm gì? Có lẽ là người đi săn? — Người Tàu không bao giờ họ săn ở đây. Mà có đi săn chăng nữa tất có bọn, chứ không ai dám đi một mình… Mà không biết vì sao hắn thấy tôi lại trốn chạy? — Hay là quân cường-bạo? – Hay là tội-nhân vượt tù? – Hay là người bị tróc-nã truy-tầm gì đây chăng?
Tôi vừa quay về vừa nghĩ thế, thỉnh-thoảng vẫn ngó lại đàng sau. Về nhà ngồi nghĩ mãi vẫn không thể đoán ra người lúc nãy là người thế nào. Bọn người Nùng ngủ dậy, tôi đem việc ấy kể cho họ nghe. Không ai muốn tin tôi, bảo tôi rằng không đời nào có người dám táo tợn mà vào trong núi ghê gớm này như thế. Tôi nói là chính mắt tôi trông thấy nó, chính mắt tôi trông thấy người Khách, tôi lại cầm chính cái nỏ này đuổi theo kia mà. Họ vẫn chưa chịu tin, chỉ có một vài người đoán rằng: «Hẳn trước đây, có anh Khách đi qua rừng một mình rồi chết ; vong-hồn không đi khỏi, giờ thành ma hiện lên để trêu tôi.» Rồi mọi người nhất định tin là thế. «- Phải, phải. Ma Khách đấy, ở rừng thì nhiều ma lắm, nhưng đừng sợ nó thì nó sợ mình.» Tôi không chịu lời họ nói, nhưng cũng không cãi cố làm gì. Bỏ truyện đó một nơi rồi sửa soạn cung nỏ để đêm đi săn mãnh-thú.
Chúng tôi ở trong rừng đã được ba hôm, ngày thì ngủ, đêm lại đóng cửa để đi săn. Săn có hai đêm trời mà được ba con cọp lớn với năm con hươu đem về lột lấy da và róc lấy cốt. Còn thịt thì một nửa đem phơi khô, một nửa nướng lên ăn với lương thực. Ai cũng vui vẻ lắm, thường cười nói với nhau rằng: «Trời giáng thiên tai cho rừng này, nên sai toán thiên-tướng chúng ta xuống sát phạt một mẻ ».
Chiều ngày thứ ba tôi thức dậy trước nhất, vừa bước chân ra khỏi miếu, vụt đã thấy bóng người Khách kỳ-lạ hôm đầu. Lần này thì tôi trông thấy mặt, nhưng hắn lủi ngay mất.Tự nhiên tôi nổi lên giận lắm, tức-khắc lấy cung tên miệt đuổi theo. Tôi không cần gọi đến người Nùng, cứ đuổi một mình, hễ trông thấy thì là thằng Khách hay ma Khách tôi cũng bắn chết. Tôi chạy sấn vào lối hắn lủi được một lát thì đã trông thấy hắn chỉ còn cách tôi độ hai mươi bộ. Tôi không để cho hắn rẽ vào đám cây mất, vội giương cung bắn, bỗng rắc một cái như cành khô gẫy, thằng Khách đã đâu mất. Rồi từ phía đó, một con trăn rất to bò lại gần tôi. Phát tên tôi buông không trúng nó, rút bắn phát nữa thì không kịp nào, tôi phải quay đầu chạy. Lúc gần đến miếu, tôi liền kêu lên để gọi bạn săn. Bạn săn đã dậy cả. Nghe tiếng tôi đều chạy ra, mỗi người tay đã cầm sẵn lao với nỏ. Con trăn hình như không trông thấy người, cứ tiến. Chúng tôi liền xúm nhau xông lên, bấy giờ nó mới vùng tìm đường trốn chạy. Bằng ấy người đuổi đón một độ rồi đâm chém chết ngay.
Người Nùng hỏi tôi sao lại đi ra ngoài sớm thế. Tôi thuật chuyện đuổi thằng Khách cho họ nghe. Họ cười ồ cả lên rồi nói:
– Nó là ma đấy, sao lại đuổi nó? Nó đây rồi, con ma ấy đây rồi.
Vừa nói, họ vừa chỉ vào con trăn vừa vỗ vai tôi:
– Con ma ấy nó nhập vào con này, bây giờ con này nó chết, con ma nó cũng chết.
Thằng Khách lại là con ma? mà con ma lại hóa con trăn? Quái lạ! Tôi trông xuống thì hai mắt con trăn vẫn mở, như còn hằn-học nhìn tôi trừng-trừng. Tự-nhiên rợn người lên một lát, có lẽ là ma thật rồi! Lúc nãy rõ ràng trông thấy thằng Khách chạy, chỉ tí nữa mũi tên của tôi bắn trúng, thì lại thấy mất, rồi thấy hiện ra cái quái vật này. Có lẽ là ma thật. Tôi vốn không tin ma quỷ, bây giờ cũng đến phải gượng tin.
Nhưng ma hay là rắn, tôi cũng thoát khỏi nguy rồi. Còn người Khách kia là người hay là yêu-tinh tôi cũng không cần để ý tới nữa. Người Nùng nói có lý: « Đuổi nó làm gì, mặc nó. Nó có tự nhiên làm hại đến mình đâu.»
Mọi người vừa lôi con trăn vừa gật-gù bảo con trăn này lắm mỡ đem về ép hẳn được nhiều dầu ; da lại bền, lát mặt trống hay bịt chuôi dao rừng đều tốt lắm. Bấy giờ tôi ngẩng trông về cửa miếu, hốt nhiên kêu to lên một tiếng. Tôi thoáng thấy thằng Khách vừa lẻn vào! Các người Nùng giật mình ngạc-nhiên hỏi:
– Lại cái gì đấy?
– Thằng Khách!
– Thằng Khách làm sao?
– Nó vừa vào trong miếu!
– Không có gi đâu mà, không có gì đâu, anh trông lầm đấy!
– Không. Chính nó! Chính nó! Tôi trông thấy chính nó!
Rồi tôi xăm xăm chạy về, chợt chột dạ, giục họ mau cùng đi. Họ vẫn chùng-chình vừa lắc đầu vùa nói:
– Đã bảo không có gì mà sợ gì mới được chứ!
Tôi bực quá:
– Thì cứ về mau xem nào, chả lẽ tôi mơ hồ đến thế.
Họ nể lời liền rảo chân theo tôi, tôi liền vung thanh dao xông vào trước, bắt cho được thằng Khách cho người Nùng mất nói là ma. Kỳ lạ quá! Nhà vẫn vắng, đồ đạc vẫn nguyên, sục tìm từng li mà không thấy thằng Khách đâu cả! Ô hay!Tôi đã yên chí thằng Khách là con trăn rồi. Nay thấy nó đến, tìm nó nó lại biến mất. Tôi kinh ngạc không xiết nói, mà các bạn săn thì cứ một mực rằng: « Đừng sợ nó, ma không bao giờ dám làm chết những người thật thà. »
Tôi không hiểu những việc xảy ra là nghĩa-lý gì nữa, ngồi bực-dọc một mình một xó, mặc họ hỳ-huych lột da con trăn. Họ thấy tôi thế, thấy một người ngay thẳng, can-đảm như tôi, mà băn-khoăn quá như thế, thì vùng phải tin những điều tôi trông thấy là việc phi-thường.
Sau có người đồ chừng là ông Thần ở cái miếu này thấy mình đến ở thì giận, nếu mình cúng bái mà xin, tất không việc gì ngay. Trong bọn có người làm thầy “Then” cho là phải. Liền đốt lửa ở trong miếu và gõ thanh-la cầu khấn ông “Thẻng” ông “Thần”, xin ông “Thẻng” ông “Thần” đừng giận dỗi người đi săn làm chi, vì người đi săn giết nhiều hổ, nó khỏi làm hại đến con đến cháu người Nùng, nó khỏi ăn trộm mất con lợn, con bò của người Nùng ; xin ông “Thẻng” ông “Thần” cho người Nùng ở miếu.
Cúng xong, các người Nùng lại nói đến truyện săn, không ai còn quan tâm đến việc thằng Khách hay ông ông “Thẻng” ông “Thần” nữa. Vì gặp một việc phải điều ngăn trở cho công việc họ, thì họ giết chết người làm ngăn trở ấy đi. Nếu lại là thần-nhân xui nên thì họ lạy lục, kêu nài, khấn khứa. Đã cầu khấn là họ yên lòng rằng thần-nhân nghe ngay rồi. Phần tôi, tôi không yên lòng được như thế, nhưng cũng ra bộ không lo ngại gì, sợ họ lại cười mình là nhút-nhát.
Chiều tối hôm ấy ăn cơm, họ bảo tôi uống rượu đi cho vững chí. Tính tôi không hay rượu, nhưng bữa này cũng uống chơi. Vả rượu của họ làm họ dùng như cơm bữa mình có uống chút ít cũng chỉ thêm phần hăng cho sức mình. Uống rượu quả thấy khoan-khoái, cũng sẵn lòng vui cười không còn lo sợ điều chi. Mình lại tự nhủ: Ừ việc gì mà nghĩ ngợi? Mình là người chính-trực, không làm hại đến ai, thì dẫu có ma-quỷ thật chăng nữa, nó cũng không dám phạm tới minh… Nhân vui chén uống mãi sợ uống nữa thì không đi săn được. Tuy vậy cũng đã quá say rồi, ăn được chút cơm chỉ chực những nôn ra hết. Một người bạn săn thấy thế phải vực tôi nằm yên một nơi.
Chương I
Tiến >>
Đánh máy: Lê Thy
Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com/
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 9 năm 2024