Năm Người Gặp Trên Thiên Đường

mitch albom

Lời cám ơn của tác giả.

Tác giả muốn gửi lời cám ơn đến Vinnie Curci, ở Amusements of America và Dana Wyatt, giám đốc điều hành Pacific Park ở Santa Monica Pier. Sự hỗ trợ của họ về việc nghiên cứu sao cho cuốn sách này được thành hình là vô giá, và lòng tự hào của họ về việc bảo vệ những khách vui chơi ở công viên giải trí là rất đáng khen ngợi. Ngoài ra, xin cám ơn bác sĩ David Collon, bệnh viện Henry Ford về những thông tin liên quan đến những vết thương chiến tranh. Và Keri Alexander, người đã xử lý mọi thứ một cách chu đáo. Sự cảm kích sâu xa của tôi đến Bob Miller, Ellen Archer, Will Schwalbe, Leslie Wells, Jane Comins, Katie Long, Michael Burkin và Phil Rose về niềm tin của họ đã gây cảm hứng cho tôi; gửi đến David Black về những mối quan hệ giữa tác giả và người đại diện công ty; gửi đến Janine, người đã kiên nhẫn nghe đọc cuốn sách này nhiều lần; gửi đến Rhoda, Ira, Cara và Peter, những người tôi đã chia sẻ vòng đu quay Ferris đầu tiên của mình; và gửi đến chú tôi, ông chính là Eddie ở ngoài đời, người đã kể cho tôi những câu chuyện của ông từ lâu trước khi tôi kể câu chuyện của mình.

Sau đây là những chương mở đầu của cuốn sách bán chạy nhất hiện nay ở nhiều nước. Cuốn Tuesdays with Morrie, của tác giả Mitch Albom.

Mitch Albom chưa gặp lại Morrie Schwartz, vị giáo sư đại học của ông, trong nhiều năm, nhưng ông đã tìm lại được ở ông một người thầy thông thái của mình vào những tháng cuối cùng trong cuộc đời của một người cao tuổi. Mối quan hệ được thắp sáng lại của họ đã biến thành một “lớp học” cuối cùng: những bài học về cách sống. Tuesdays with Morrie là một biên niên sử có sức lôi cuốn kỳ diệu về thời gian họ gần gũi nhau.

Một người cao tuổi, một chàng thanh niên và những bài học hay nhất của cuộc đời...

Chương trình giảng dạy

Lớp cuối cùng trong cuộc đời vị giáo sư già của tôi diễn ra mỗi tuần một lần trong ngôi nhà của ông, bên cửa sổ nơi phòng làm việc mà ông có thể nhìn thấy một cây râm bụt nhỏ rụng những chiếc lá màu hồng của nó. Lớp học ấy gặp nhau vào những ngày thứ ba. Nó bắt đầu sau bữa sáng. Môn học là Ý Nghĩa về Cuộc Đời. Nó được dạy dựa theo kinh nghiệm.

Không cho điểm, nhưng có những bài sát hạch miệng mỗi tuần. Bạn phải trả lời những câu hỏi và bạn phải đặt ra các câu hỏi của chính mình. Thỉnh thoảng bạn cũng phải làm những bài vận động chân tay, chẳng hạn như, nâng đầu của giáo sư vào vị trí thoải mái trên gối hoặc đặt cặp kính lên sống mũi của ông. Hôn tạm biệt ông để có thêm được lòng tin.

Không cần đến sách vở, nhưng bao quát nhiều chủ đề, bao gồm tình yêu, công việc, cộng đồng, gia đình, sự già lão, sự tha thứ và cuối cùng là sự chết. Bài giảng cuối cùng ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn một vài từ.

Đám tang được tổ chức thay cho lễ trao bằng tốt nghiệp.

Mặc dù không có bài kiểm tra cuối khóa, nhưng bạn phải nộp một tờ giấy dài về những gì bạn đã học. Tờ giấy đó được trình bày ở đây.

Lớp học cuối cùng trong cuộc đời vị giáo sư già của tôi chỉ có một sinh viên.

Tôi là sinh viên ấy.

♣ ♣ ♣

Cuối xuân năm 1979, một buổi chiều thứ bảy oi bức, ẩm thấp khó chịu. Hàng trăm người chúng tôi ngồi bên nhau thành từng dãy trên những chiếc ghế gấp bằng gỗ ở bãi cỏ của khuôn viên chính nhà trường. Chúng tôi mặc áo choàng bằng vải ni lông xanh dương. Chúng tôi sốt ruột phải nghe những bài diễn văn dài dòng. Khi buổi lễ kết thúc, chúng tôi tung những chiếc mũ vải lên trời và chúng tôi chính thức được tốt nghiệp đại học, lớp năm cuối của đại học Brandeis ở thành phố Waltham, Massachusetts. Đối với nhiều người chúng tôi, bức màn ấy đã khép lại thời thơ ấu.

Sau đấy, tôi tìm được Morrie Schwatz, vị giáo sư ưa thích nhất của tôi và giới thiệu ông với cha mẹ mình. Ông là một người mảnh khảnh đi từng bước nhẹ như thể một cơn gió mạnh có thể thổi ông bay lên mây bất cứ lúc nào. Trong cái áo choàng ngày lễ tốt nghiệp của ông, ông trông có vẻ như một sự pha lẫn giữa một vị tiên tri trong kinh thánh và một chú lùn trong lễ Giáng Sinh. Ông có đôi mắt màu lục lam lóng lánh, mái tóc thưa bạc phơ phủ lên trán, hai tai to, cái mũi tam giác và chòm lông mày xám. Mặc dù hàm răng của ông quặp và những cái răng thấp hơn nghiêng vào trong - như thể người nào đó trước đây đã đấm vào chúng - khi ông mỉm cười thì nó như thể bạn vừa kể cho ông nghe câu chuyện buồn cười đầu tiên trên trần gian.

Ông nói với cha mẹ tôi là tôi đã theo học mọi lớp ông dạy như thế nào. Ông đã kể cho họ, “Anh chị có một đứa con trai đặc biệt ở đây”. Ngượng ngùng, tôi nhìn xuống chân mình. Trước khi chúng tôi từ giã, tôi đã tặng vị giáo sư của mình một món quà, một cái cặp da với những chữ viết tắt tên của ông ở phía trước. Tôi đã mua cái cặp này ngày hôm trước tại một phố mua sắm lớn. Tôi không muốn quên ông. Có lẽ tôi cũng không muốn ông quên tôi.

Ngắm nhìn cái cặp thích thú, ông nói “Mitch, anh là một trong những sinh viên giỏi”. Rồi tôi ôm chầm lấy ông. Tôi cảm thấy những cánh tay mảnh khảnh của ông vòng chung quanh lưng tôi. Tôi cao hơn ông và khi ông ôm tôi, tôi cảm thấy lúng túng, cảm thấy như lớn tuổi hơn, như thể tôi là cha còn ông là đứa con.

Ông hỏi xem tôi liệu sẽ còn giữ mãi quan hệ này hay không, không chần chừ tôi nói ngay, “Tất nhiên”.

Khi ông lui bước, tôi thấy ông khóc.

Đề cương khóa học

Bản án tử hình xảy đến vào mùa hè năm 1994. Quay lại nhìn, Morrie biết điều gì đó không may đang xảy đến trước đó từ lâu. Ông biết điều đó là ngày ông phải bỏ khiêu vũ.

Ông luôn luôn là một người thích khiêu vũ, vị giáo sư già của tôi. Âm nhạc không có gì quan trọng. Nhạc Rock ‘n’ roll, nhạc jazz, nhạc blues. Ông thích tất cả. Ông thường nhắm mắt lại và với một nụ cười hạnh phúc, bắt đầu chuyển động theo cảm thụ nhịp điệu riêng của ông. Điệu nhảy không phải lúc nào cũng đẹp mắt. Nhưng mặt khác, ông chẳng cần phải có bạn nhảy. Morrie nhảy một mình.

Ông thường đi nhà thờ ở Harvard Square mỗi tối thứ tư vì một điều gì đó được gọi là “Dance Free”. Họ có những đèn nhấp nháy và các cái loa nói oang oang, Morrie đi lang thang vào trong đám có đông sinh viên, ông mặc áo thun trắng và quần tập thể dục màu đen, khăn quấn quanh cổ, bất kể loại nhạc gì đang được chơi, thì đều là loại nhạc ông có thể khiêu vũ được. Ông chơi từ nhạc Lindy tới Jimi Hendrix. Ông xoay người và quay nhanh, ông vẫy cánh tay giống như người chỉ huy dàn nhạc dùng thuốc kích thích, cho tới khi mồ hôi chảy xuống giữa lưng ông. Không ai ở đó biết ông là một tiến sĩ xã hội học xuất chúng, với nhiều năm kinh nghiệm là một giáo sư đại học và có vài cuốn sách sách nổi tiếng. Họ chỉ nghĩ ông là một ông già kỳ cục.

Có một lần, ông đưa ra cuốn băng điệu nhảy tang-gô và bảo họ phát ra loa. Rồi ông trưng dụng sàn nhảy, nhảy thoăn thoắt tới lui giống như một người thích nhạc nóng La tinh. Khi ông nhảy xong, mọi người vỗ tay. Ông có thể nhớ mãi giây phút ấy.

Nhưng rồi chuyện khiêu vũ dừng lại.

Ông mắc phải bệnh suyễn vào tuổi ngoài sáu mươi. Tình trạng hô hấp của ông trở nên khó nhọc. Một ngày ông đi dọc theo Charles River và một cơn gió lạnh làm cho ông không thở được. Ông được đưa vội vào bệnh viện để chích thuốc Adrenalin.

Một vài năm sau, ông bắt đầu đi lại khó khăn. Tại một tiệc liên hoan sinh nhật của một người bạn, chẳng hiểu sao ông đã quỵ té. Một đêm khác, ông té xuống bậc tam cấp của một nhà hát, làm cho một đám người phải hốt hoảng.

Người nào đó la lên, “Hô hấp nhân tạo cho ông ta!”

Vào lúc này, ông đã ở độ tuổi ngoài bảy mươi, vì vậy họ xì xào bàn tán “tuổi già” và giúp ông đứng lên. Nhưng Morrie, một người luôn luôn dựa vào chính mình hơn là vào những người khác trong số chúng tôi, ông biết có điều gì khác không ổn. Điều này đáng kể hơn tuổi già. Ông luôn tỏ ra mệt nhọc và khó ngủ. Ông mơ thấy ông đang hấp hối.

Ông bắt đầu đến gặp các bác sĩ. Nhiều người trong số họ đã xét nghiệm máu của ông. Họ thử nước tiểu. Họ cho ông nằm đưa mông ra để nội soi ruột. Cuối cùng khi không phát hiện thấy gì, một bác sĩ cho sinh thiết cơ, lấy một miếng niêm mạc nhỏ ở bắp chân ra. Báo cáo của phòng thí nghiệm trả lại cho là bị vấn đề thần kinh và Morrie lại được đưa vào một loạt xét nghiệm khác. Ở một trong những xét nghiệm ấy, ông ngồi ở một cái ghế đặc biệt khi họ làm cho ông ngất đi bằng dòng điện - một chiếc ghế điện, loại nào đó - và nghiên cứu các phản ứng thần kinh của ông.

Xem các kết quả của ông, các bác sĩ nói, “Chúng tôi cần kiểm tra thêm vấn đề này”.

Morrie hỏi, “Tại sao? Nó là vấn đề gì?”

“Chúng tôi không biết chắc. Nhịp độ của ông chậm”.

Nhịp độ chậm? Điều đó có nghĩa là gì?

Cuối cùng, vào một ngày oi bức tháng tám năm 1994, Morrie và Charlotte, vợ ông đến phòng khám của bác sĩ thần kinh và ông bác sĩ yêu cầu họ ngồi chờ trước khi ông ta báo tin: Morrie bị xơ cứng cột bên (ALS), bệnh Lou Gehrig’s, một chứng bệnh thần kinh quái ác và khó trị.

Chưa có thuốc chữa.

Morrie hỏi, “Làm sao tôi mắc bệnh đó?”

Không ai biết.

“Có phải nó ở giai đoạn cuối không?”

Đúng.

“Vậy tôi sắp chết?”

Bác sĩ nói, đúng, ông sắp chết. Tôi rất lấy làm tiếc.

Ông ta ngồi với Morrie và Charlotte gần hai giờ đồng hồ, kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của họ. Khi họ ra đi, bác sĩ cho họ một số thông tin về bệnh ALS, một tập sách mỏng, như thể họ đang mở một tài khoản ngân hàng. Bên ngoài, mặt trời chói chang và người ta đang bắt tay vào công việc. Một phụ nữ chạy vội đến bỏ tiền vào máy tính tiền đậu xe. Một người khác xách hàng tạp phẩm. Charlotte có một triệu suy nghĩ thoáng hiện trong đầu bà: Chúng tôi có bao nhiêu ngày còn lại? Chúng tôi sẽ phải làm gì? Chúng tôi sẽ phải trả bao nhiêu cho việc chữa trị?

Trong lúc ấy, vị giáo sư già của tôi bị choáng váng bởi những cái bình thường của ngày ấy xảy ra chung quanh ông. Phải chăng thế giới dừng lại? Phải chăng họ không biết những gì đã xảy ra với tôi?

Nhưng thế giới không dừng lại, nó chẳng để ý đến ai và khi Morrie kéo cánh cửa xe một cách yếu ớt, ông cảm thấy như thể mình rơi vào một cái hố.

Ông nghĩ, bây giờ là cái gì?

♣ ♣ ♣

Vị giáo sư già của tôi đã tìm các câu trả lời, chứng bệnh đã xâm chiếm toàn bộ con người ông, ngày này qua ngày khác, tuần này đến tuần kia. Vào một buổi sáng ông de lùi chiếc ô tô ra khỏi nhà xe và chỉ vừa đủ khả năng để đạp thắng. Và ông không còn lái xe được nữa.

Ông tiếp tục đi dạo, vì vậy ông đã mua một cái ba toong. Như thế là ông đã chấm dứt việc đi đứng tự do không cần chống đỡ.

Ông đi bơi như thường lệ ở YMCA (Hội Thanh niên Cơ Đốc), nhưng ông thấy mình không còn tự cởi đồ ra được. Vì thế ông thuê một người đầu tiên giúp việc nhà - một sinh viên thần học tên là Tony - người giúp ông lên xuống hồ bơi, thay đồ bơi. Trong phòng có khóa, những người bơi khác giả vờ không ngó thấy. Dù sao đi nữa họ cũng đã thấy. Như thế là chuyện riêng tư của ông không còn nữa.

Vào mùa thu năm 1994, Morrie đến khu sân trường đại học Brandeis nơi có nhiều đồi núi, để dạy lớp đại học cuối cùng. Đương nhiên ông có thể không làm tròn công việc này. Trường đại học ấy cũng sẽ hiểu. Tại sao phải chịu đau đứng trước quá nhiều người? Hãy ở tại nhà. Hãy để mọi việc được ổn. Nhưng ý tưởng bỏ dạy không hề có trong ý nghĩ của ông.

Thay vào đó, ông đi khập khiễng vào phòng học, đó là ngôi nhà của ông trong hơn 30 năm. Vì cái ba toong ấy, ông phải mất một lúc để đi tới cái ghế. Cuối cùng, ông ngồi xuống, bỏ kính khỏi mũi và để ý vào các khuôn mặt trẻ trung, họ im lặng nhìn chăm chú vào ông.

“Những người bạn của tôi, tôi cho rằng tất cả các bạn ở đây là vì muốn học lớp xã hội học. Tôi đã dạy lớp học này trong 20 năm và đây là lần đầu tiên tôi có thể nói có một sự rủi ro trong việc theo học lớp này, vì tôi có một chứng bệnh chết người. Tôi không thể sống để hoàn tất học kỳ này.

“Nếu các bạn cảm thấy đây là một vấn đề, tôi sẽ thông cảm nếu như bạn muốn bỏ ngang khóa học”.

Ông mỉm cười.

Và như thế, ông không còn gì là bí mật nữa.

Bệnh ALS giống như một ngọn nến cháy: nó làm tan chảy thần kinh của bạn và để lại một thể xác như một cục sáp. Thường thì nó bắt đầu từ chân và lan dần lên trên. Bạn mất kiểm soát các cơ đùi của mình vì thế bạn không thể tự nâng mình đứng dậy được. Bạn mất kiểm soát các cơ thân của bạn, vì thế bạn không thể ngồi thẳng. Vào giai đoạn cuối, nếu bạn vẫn còn sống, bạn sẽ thở qua một cái ống ở mũi thông vào cổ họng, trong khi linh hồn của bạn, hoàn toàn tỉnh thức, nó bị giam cầm bên trong cái vỏ bọc ủ rũ, có lẽ bạn có thể chớp mắt hoặc tặc lưỡi, giống như chuyện gì đó ở phim khoa học giả tưởng, con người bị đông cứng bên trong xác thịt của chính mình. Tình trạng này mất không quá năm năm kể từ ngày bạn nhiễm bệnh.

Các bác sĩ của Morrie dự đoán ông chỉ còn sống hai năm nữa.

Morrie biết không còn lâu được như vậy.

Nhưng vị giáo sư già của tôi đã đưa ra một quyết định sâu sắc, một quyết định mà ông bắt đầu đặt ra từ ngày ông ra khỏi phòng khám của bác sĩ với một lưỡi kiếm treo trên đầu. Ông đã tự hỏi chính mình, tôi có bị suy tàn và biến mất, hay tôi có thể làm được điều tốt nhất trong thời gian còn lại của đời tôi?

Ông sẽ không bị tàn héo. Ông sẽ không thấy hổ thẹn vì cái chết.

Thay vào đó, ông sẽ làm cho cái chết thành một dự án cuối cùng, điểm trung tâm của những ngày tháng còn lại của ông. Vì mọi người đều sẽ phải chết, ông có thể có giá trị cao quý, đúng không? Ông có thể trở thành một công trình nghiên cứu. Một sách giáo khoa về con người. Hãy nghiên cứu tôi về cái chết từ từ và kiên nhẫn chịu đựng. Hãy quan sát những gì xảy ra với tôi. Học với tôi.

Morrie sẽ đi trên chiếc cầu cuối cùng giữa sự sống và sự chết và thuật lại chuyến hành trình ấy.

♣ ♣ ♣

Học kỳ mùa thu trôi qua nhanh chóng. Những viên thuốc càng tăng thêm. Liệu pháp vật lý trở thành một thông lệ thường xuyên. Các y tá đến nhà ông để chữa trị cho đôi chân đang teo dần của Morrie, để giữ cho các cơ hoạt động, co duỗi chúng tới lui như thể đang bơm nước từ một cái giếng. Mỗi tuần một lần, các chuyên viên xoa bóp đến để cố làm êm dịu chỗ ông cảm thấy xơ cứng nặng thường xuyên. Ông ta đã gặp các thầy dạy thiền và ông đã nhắm mắt và thu hẹp những suy nghĩ của mình cho tới khi thế giới của ông rút lại còn một hơi thở đơn thuần, hít vào và thở ra, hít vào và thở ra.

Một hôm, dùng ba toong, ông bước lên lề đường và té lộn nhào xuống đường. Cái ba toong ấy được coi như thay thế cho một người dẫn bộ. Khi cơ thể ông suy yếu, việc đi tới lui để vào phòng tắm đã trở thành một công việc quá mệt nhọc, vì vậy Morrie bắt đầu phải tiểu vào bình đựng nước tiểu. Ông phải tự đứng một mình khi làm việc này, nghĩa là người nào đó phải giữ bình đựng nước tiểu khi Morrie tiểu vào đấy.

Hầu hết chúng ta đều sẽ cảm thấy ngượng khi phải làm như vậy, nhất là ở vào độ tuổi của Morrie. Nhưng Morrie không giống như chúng ta. Khi một số đồng nghiệp thân cận ông ghé thăm, ông thường nói với họ, “Này, tôi phải đi tiểu. Anh cảm phiền giúp tôi được chứ? Anh có đồng ý điều đó không?”

Thường họ đều phải ngạc nhiên.

Thực ra, ông tiếp đãi dòng khách đến thăm càng lúc càng nhiều. Ông đã có các nhóm thảo luận về sự chết, nó có ý nghĩa đích thực là gì, các lối sống xã hội luôn luôn e ngại về điều đó mà không có được sự hiểu biết cần thiết về sự chết như thế nào. Ông nói với các bạn ông nếu như họ thực sự muốn giúp ông, họ sẽ đối xử với ông không phải bằng sự quí mến cảm thông mà là bằng những lần ghé thăm, bằng các cú điện thoại, bằng việc chia sẻ các vấn đề của họ - theo cách họ thường chia sẻ các vấn đề của họ, vì Morrie lúc nào cũng là một người lắng nghe tinh tế.

Đối với tất cả những gì đang xảy ra với ông, tiếng nói của ông kiên quyết và hấp dẫn, và tâm trí ông rộn ràng với hàng triệu ý nghĩ. Ông có ý định chứng minh cho bằng được là từ “chết” không đồng nghĩa với từ “vô dụng”.

Năm mới đến rồi đi. Mặc dù ông chưa bao giờ nói điều đó với ai, Morrie biết năm nay sẽ là năm cuối cùng của cuộc đời ông. Bây giờ ông phải dùng xe lăn và đang là lúc ông phấn đấu để nói tất cả những điều mà ông muốn nói với tất cả những người ông yêu thương. Khi một đồng nghiệp của ông ở đại học Brandeis chết đột ngột vì cơn đau tim, Morrie đã đi đám tang. Và khi về ông rất buồn.

Ông nói, “Uổng phí biết bao. Tất cả những người đó đều nói những điều tuyệt vời như thế và Irv chẳng bao giờ nghe được những điều đó”.

Morrie có một ý tưởng hay hơn. Ông gọi một số cú điện thoại. Ông đã chọn một ngày tháng. Và vào một buổi chiều chủ nhật giá lạnh, ông được một nhóm nhỏ bạn bè và gia đình tham dự “đám tang sống” trong nhà của mình. Mỗi người họ nói và tỏ lòng kính trọng vị giáo sư già của mình. Một số người khóc. Một số người cười. Một phụ nữ đọc một bài thơ:

Các anh chị em thân mến yêu thương của tôi...

Trái tim trẻ mãi không già

như đã đi qua thời gian, qua từng lớp, từng lớp,

cây cù tùng mềm yếu...

Morrie khóc và cười với họ. Và tất cả những điều chân thành mà chúng ta không bao giờ nói với những người chúng ta yêu thương, Morrie đã nói ngày đó. “Đám tang sống” của ông là một sự thành công trong việc thức tỉnh con người.

Chỉ duy nhất có một điều Morrie chưa chết lúc đó.

Thực ra, giai đoạn đặc biệt nhất của cuộc đời ông sắp được phơi bày.

Sinh viên

Vào lúc này, tôi sẽ giải thích những gì đã xảy ra với tôi từ cái mùa hè đó khi tôi ôm chầm lấy người thầy kính yêu và thông thái của mình, và hứa sẽ luôn luôn giữ mối quan hệ với ông.

Tôi đã không giữ mối quan hệ ấy.

Thực ra, tôi mất liên lạc với hầu hết những người tôi quen biết ở đại học, bao gồm những người bạn uống bia với tôi và người phụ nữ đầu tiên cùng thức giấc với tôi trong những buổi sáng. Những năm tháng sau khi tốt nghiệp đã tôi luyện tôi thành một người hoàn toàn khác với một sinh viên tốt nghiệp đầy kiêu hãnh, đã rời sân trường đại học ngày đó và hướng thẳng tới thành phố New York, sẵn sàng cống hiến tài năng của mình cho thế giới.

Thế giới, tôi đã khám phá không phải là tất cả những gì đáng làm cho phải quan tâm. Tôi đi lang thang vào cái tuổi mới ngoài hai mươi, trả tiền thuê nhà và đọc các mục rao vặt trên báo, tự hỏi không biết tại sao những ngọn đèn ấy không bật sang màu xanh cho tôi. Ước mơ của tôi phải trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng (tôi chơi piano), nhưng sau vài năm tăm tối, những hộp đêm vắng người, những lời hứa bị bội ước, các ban nhạc cứ rã đám mãi và các nhà sản xuất đĩa nhạc dường như nồng nhiệt với mọi người ngoài tôi, ước mơ ấy đã trở thành chua chát. Lần đầu tiên tôi thất bại trong đời.

Vào cùng lúc ấy, tôi chạm trán lần đầu tiên với cái chết. Người bác quí mến nhất của tôi, anh của mẹ tôi, người đã dạy tôi nhạc, dạy tôi lái xe, chọc ghẹo tôi về các cô gái, ném cho tôi quả bóng - một người lớn mà tôi hướng tới khi tôi còn là một đứa trẻ và nói, “Đó là người tôi muốn trở thành khi tôi lớn lên” - đã chết vì bệnh ung thư tuyến tụy ở độ tuổi bốn mươi bốn. Ông lùn, một người đàn ông hào phóng với bộ ria mép rậm, và tôi ở với ông trong năm cuối đời ông, sống trong một căn hộ ngay bên dưới căn hộ của ông. Tôi thấy cơ thể khỏe mạnh của ông ngày càng tàn tạ, rồi sưng húp lên, tôi thấy ông phải chịu đau đớn, hết đêm này tới đêm khác, đau dữ dội hơn vào lúc ăn tối, ấn mạnh vào bụng ông, đôi mắt ông khép lại, miệng ông nhăn nhó đau đớn. Ông rên rỉ, “Ôi Chúa ơi, Á Giêsu!” Còn lại những người chúng tôi - bác gái tôi, hai người con trai của ông và tôi - đứng đó, lặng lẽ, dọn dẹp chén đĩa, quay đi nhìn chỗ khác.

Đó là sự bất lực nhất mà tôi đã từng cảm thấy trong cuộc đời mình.

Một đêm tháng năm, bác tôi và tôi ngồi trên ban công căn hộ của ông. Trời có gió thoảng ấm áp. Ông nhìn đăm chiêu về phía chân trời và qua cái nghiến răng, ông nói rằng ông sẽ không còn sống được để thấy những đứa con của mình vào niên học kế tiếp. Ông hỏi liệu tôi có thể chăm sóc được chúng hay không. Tôi bảo ông đừng nói như vậy. Ông nhìn tôi buồn bã.

Một vài tuần sau ông chết.

Sau đám tang ấy, cuộc đời của tôi đã thay đổi. Tôi cảm thấy như thể đột nhiên thời gian thành quí báu, nước đã tràn tới chân, tôi không sao còn đủ nhanh để xoay chuyển. Không còn chơi nhạc ở các hộp đêm thưa người. Không còn viết nhạc trong căn hộ của tôi nữa, những bài hát không còn ai muốn nghe. Tôi quay trở về trường tiếp tục học. Tôi lấy được bằng thạc sĩ về báo chí và nhận công việc đầu tiên là một người viết về thể thao. Thay vì theo đuổi tiếng tăm của mình, tôi viết về những lực sĩ nổi tiếng đang theo đuổi danh vọng của họ. Tôi làm việc cho các tờ báo và làm việc tư cho các tạp chí. Tôi làm việc theo tiến độ, không biết đến giờ giấc, không có giới hạn. Tôi thức dậy vào buổi sáng, đánh răng và ngồi vào đánh máy với cùng bộ đồ tôi đã mặc ngủ. Bác tôi từng làm việc cho một công ty và không thích nó - công việc ngày nào cũng như ngày nào - và tôi đã quyết tâm không bao giờ kết thúc cuộc đời như ông.

Tôi đi lòng vòng từ New York tới Florida và cuối cùng nhận một công việc ở Detroit làm người phụ trách chuyên mục cho tờ Detroit Free Press. Sự yêu thích về thể thao ở thành phố đó khó mà thỏa mãn được - họ có những đội chuyên nghiệp về bóng bầu dục, bóng rổ, bóng chày và khúc côn cầu - và điều đó phù hợp với tham vọng của tôi. Trong vài năm tiếp theo, tôi không chỉ viết chuyên mục trên báo, tôi còn viết sách về thể thao, thực hiện các buổi nói chuyện trên sóng phát thanh và xuất hiện thường xuyên trên TV, trình bày những ý kiến của tôi về các cầu thủ bóng bầu dục giàu có và những chương trình thể thao đại học đạo đức giả. Tôi là một thành phần của lực lượng gây sóng gió trên phương tiện truyền thông đại chúng mà hiện nay đã thâm nhập vào đất nước tôi. Tôi được công chúng yêu chuộng.

Tôi không còn phải đi thuê nhà. Tôi bắt đầu mua nhà. Tôi đã mua một ngôi nhà trên một ngọn đồi. Tôi sắm xe hơi. Tôi đầu tư vào chứng khoán và xây dựng danh mục đầu tư. Tôi khởi động máy ở số năm và bất cứ cái gì tôi làm, tôi đều đi tới giới hạn ngay lập tức. Tôi đã tập lái như một ma men. Tôi lái chiếc xe của mình với tốc độ dễ gây tai nạn. Tôi kiếm được nhiều tiền hơn tôi đã tưởng tượng thấy. Tôi đã gặp một phụ nữ có mái tóc sậm, tên là Janine, không biết vì sao người ấy đã yêu tôi dù công việc của tôi đã chiếm hết thì giờ khiến tôi luôn luôn vắng mặt ở nhà. Chúng tôi lấy nhau sau bảy năm tìm hiểu nhau. Một tuần sau đám cưới tôi quay lại làm việc. Tôi nói với cô ấy - và chính tôi - là chúng tôi sẽ có một ngày nào đó để bắt đầu cuộc sống gia đình, điều mà cô ấy rất muốn. Nhưng ngày đó không bao giờ đến.

Thay vào đó, tôi đã tự chôn mình trong việc đạt được thành tích, vì với thành tích, tôi tin mình có thể kiểm soát mọi thứ, tôi có thể siết chặt từng mảnh hạnh phúc cuối cùng trước khi tôi lâm bệnh và chết, giống như bác tôi trước đây, tôi hình dung đó là số phận tự nhiên của tôi.

Về phần Morrie? Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ tới ông, những điều mà ông đã dạy tôi về “sống làm người” và “mối quan hệ với người khác,” nhưng điều đó lúc nào cũng ở xa vời, như thể từ một cuộc sống khác. Qua nhiều năm, tôi đã vứt bỏ bất cứ thư từ nào gửi tới từ đại học Brandeis, chỉ tưởng rằng họ xin tiền. Vì vậy tôi không biết bệnh tình của Morrie. Những người có thể báo tin được cho tôi thì tôi đã quên họ từ lâu rồi, số điện thoại của họ đã bị chôn vùi trong cái thùng nào đó nhồi nhét đủ thứ ở gác xép.

Có thể tôi vẫn còn sống cái kiểu đó, nếu tôi không liếc mắt vào các kênh TV vào một tối đã khuya, khi điều gì đó làm tai tôi phải chú ý vào...

[1] Cá hay thịt trai hầm với hành và thịt muối...

HẾT.

Lời cám ơn của tác giả.

Tiến >>


Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 2 tháng 4 năm 2024