- GIỚI THIỆU NỘI DUNG TÁC PHẨM
- Cuộc đời vui quá, không buồn được.
- lối mộng vào đời (!) ...
- biết ơn hoa
- đi bộ và chạy
- phút nói thật của Picasso
- “hèn đại nhân”
- “viết một cuốn sách là giết chết một cái cây”
- người… truyền hình
- SỰ THẬT NÀO CHO MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT
- chạy trời không… khỏi nhậu (!)
- Thầy dạy… Ăn trộm
- Ăn… nỗi nhớ
- Cong lên giữa phố cọng rơm vàng
- xóm Gà hôm nay
- tàu qua phố
- di động và lục bát
- thơ giang hồ,
- (Mình)ở làng
- tết này, đi chợ Bà Hoa (!)
- buổi chiều Văn Thánh
- cây bao-báp ở Sài Gòn
- đi ngắm … hoa mười giờ nở
- khi con heo đất … cất tiếng kêu (!)
- những ngày áp thấp
- Phố xá bùi ngùi!
- Tiếng khóc và tiếng hát
- chúng ta đang đọc những cuốn sách cũ (!)
- có một thế giới sách đang bị mất
- những bài học cũ ở nông thôn
- thời trang
- thời xanh
- thời đại thẻ
- lấp
- bốn mùa cưới
- vẽ trâu từ những giấc mơ mục đồng
- khi chùa khép cửa
- khoảng vườn xuân
- sự che chắn nhỏ bé
- cuộc đời dài quá
- Trần Nhã Thụy
Cuộc đời vui quá, không buồn được” là một câu do Trần Nhã Thụy mượn từ nhà thơ Tuân Nguyễn để đặt tên cho tập tản văn vừa xuất bản của anh. Cái tên ấy cũng gói ghém trong các bài viết ngắn nhiều nỗi niềm riêng, chung của tác giả trong dòng chảy cuộc sống đô thị ồn ào và hoài niệm về ký ức làng quê.
Nếu ví nôm na các bài viết ngắn trong là những bức ảnh chộp lại nhiều khoảnh khắc đó đây trên bước đường đời rong ruổi của Trần Nhã Thụy, độc giả có thể hình dung người nhiếp ảnh gia này không ngần ngại bày ra những góc đẹp tinh tế lẫn những góc bụi bặm, buồn bã và xù xì của cuộc sống.
Trần Nhã Thụy chia sẻ với độc giả niềm vui khi phát hiện thảm hoa mười giờ đỏ tươi mọc ở một khu gần một đại lộ ầm ĩ xe cộ ngày đêm. "Một đám hoa mười giờ đỏ thắm xuất hiện, như muôn vàn dấu son bất ngờ in xuống", những câu chữ tươi tắn reo trên trang viết như ấp iu giây phút lãng mạn hiếm hoi còn sót lại, không phải ở ngoại cảnh, mà là chính trong tâm hồn con người.
Trên một trang viết, anh dẫn người đọc về miền thơ ấu - thời tuổi trẻ của mình, với tiếng đập vui tai con heo đất no ú mỗi khi xuân về, với món bột mì nhứt chấm mắm nêm ăn xúm xít bên bạn bè thời nghèo khó, với con trâu, cánh đồng, dòng sông, bụi cỏ hoa đượm mùi thơm rơm rạ... Thì cũng thoắt đó, trên trang viết khác, không gian thị thành xô ùa trên con chữ với ngột ngạt, dồn nén, với trăn trở, suy tư. Đến bao giờ để một thành phố ngập lụt vì mưa, đường sá hư hỏng, lô cốt mọc chằng chịt, nơi hàng bao triệu người đang sống và nhiều thế hệ đang lớn lên - đang già đi có thể trở thành một đô thị tinh tươm, ngăn nắp? Tại sao lòng tham, sự hoài nghi và mất lòng tin ở con người vẫn ngang nhiên tồn tại chính ở nơi được xem là thiền tịnh và bao dung như chốn chùa chiền? Nhiều câu hỏi như thế ẩn sau các câu chuyện kể của Trần Nhã Thụy.
Đọc tản văn của Trần Nhã Thụy, vừa hiểu thêm tâm tư của một người cầm bút, vừa thấy yêu thêm cuộc sống, như lời tác giả tâm sự "viết để nhớ lại một thời áo trắng đơn sơ, hồn nhiên mà biết bao nỗi niềm", "cảm nhận niềm vui và nỗi buồn cùng len nhẹ vào hồn mình".
Thuở nhỏ đọc văn, tôi hay nghĩ lẩn thẩn rằng đất quê mình khô cằn, người quê mình chân chất, liệu có sản sinh ra được những nhà văn, nhà thơ hay không. Tôi lục tìm trong sách báo, thấy có năm, ba văn nhân thi sĩ gốc Quảng Ngãi, nhưng người đã mất, kẻ lưu lạc nơi xứ khác mới thành sự nghiệp. Rồi tôi tự hỏi vậy ai sẽ tả lại thành thơ mười cảnh đẹp quê mình và ai sẽ kể lại những nỗi đau khổ gần như bất tận của người dân ở đây.
Lần đầu tiên nói chuyện với Trần Nhã Thụy, lúc Thụy đã ra trường và bắt đầu khẳng định mình trong làng văn làng báo, tôi vừa cảm thấy bất ngờ vừa cảm thấy hạnh phúc. Bất ngờ khi biết nhà Thụy ở ngay bên con đường mà tuổi thơ tôi vẫn đi về giữa quê nội và quê ngoại và chúng tôi từng học cùng một ngôi trường huyện lỵ. Hạnh phúc vì thấy một người cùng quê đến với nghiệp văn như một chọn lựa tự nguyện chứ không hề miễn cưỡng như tôi.
Nhiều bạn bè của tôi cũng như của Thụy, mười tám tuổi đã xa nhà vô Nam, lòng vẫn mang nặng ơn nghĩa xóm làng nhưng ít người nghĩ mình sẽ quay trở lại sống cuộc đời bình dị ở quê nhà. Điều khác với chúng tôi là Thụy ra đi khi chiến tranh đã thôi gầm thét, đất nước yên hàn. Dù sao, cái thị trấn Đồng Cát ngày càng nhiều quán xá mà ít dần hiệu sách cũng không còn hấp dẫn chúng tôi như thời thơ dại.
Và như vậy, chúng tôi luôn rơi vào một tâm trạng giằng xé khi viết một cái gì đó gắn với quê nhà. Đôi khi tôi thấy mình như “làm bộ” yêu thương để xóa đi một mặc cảm nào đó. Lại có lúc tôi thấy mình thích đứng ở xa ngoái lại hơn là về gần nơi chôn nhau cắt rún.
Tôi không biết tâm trạng Thụy thế nào, vì những gì mà chúng tôi cảm nhận về nơi chốn đó thật không giống nhau: khi Thụy sinh ra thì tôi đã đi xa rồi. Nhưng từ những truyện ngắn đầu tay cho đến hai tập tạp bút Gối đầu trên mây và Cuộc đời vui quá không buồn được … của Thụy, tôi vẫn thấy nồng đượm hơi thở của cánh đồng, nỗi rụt rè của dòng nước dưới cây cầu nhỏ hay cái xao xác của phiên chợ huyện một ngày cuối đông. Ta nghe ra điều đó dù khi Thụy nói về những câu chuyện khác, ở một nơi nào khác: những cọng rơm vàng lấm bùn đất và vương vết máu của những quả trứng gà ta bày bán trên hè phố, cây bao báp từ châu Phi xa xôi về đứng trên đất lành của Trường Đại học Sư phạm, những
vạt hoa mười giờ tô điểm cho mùa hè Thủ Đức, bãi cỏ và ao sen Văn Thánh trong buổi chiều xuống chậm …
Nhưng người ta không thể sống mãi với ngày hôm qua. Phải thích nghi với hiện tại dù có khi phải chống chọi lại thế giới của những “người truyền hình” mà mình có nguy cơ nhập vào. Văn xuôi Trần Nhã Thụy rất nhạy cảm với những được và mất của tâm hồn tuổi trẻ trong guồng máy đô thị. Anh viết: “Có lẽ chưa bao giờ tính chất nước đôi của thời đại lại biểu hiện rõ nét trong đời sống đô thị như thế.” Cái vết xước trở đi trở lại mà nhân vật nhà văn trẻ phải đối mặt trong cuốn tiểu thuyết có tiếng vang của Thụy hẳn nhiên không phải là một ẩn dụ thi vị. Đó là sự tổn thương mà nếu người ta xem thường, không chịu băng bó kịp thời, sẽ có nguy cơ lây lan và trở thành mãn tính.
Mới đây, Rebekah Linh Collins, một nhà nghiên cứu gốc Việt ở lứa tuổi 7x, đã lìa xa Việt Nam sang nước Mỹ khi còn nằm trong nôi, đang làm luận án ở Đại học California về văn học của thế hệ mình, có nhờ tôi kết nối để gặp Trần Nhã Thụy, người mà chị đọc tác phẩm khá kỹ. Linh nói rằng nỗi bơ vơ và trống trải mà chị từng trải nghiệm tuy không có cùng nguồn cơn với những nhân vật của Trần Nhã Thụy, nhưng đọc anh, chị cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Tôi chia sẻ cảm nhận đó của Linh. Văn xuôi của Trần Nhã Thụy có thể không có cái dữ dội như trong tác phẩm của một số nhà văn khác, nhưng lại có một sức bền mà ngòi bút của anh muốn nuôi dưỡng để truyền trao đến người đọc, những người cũng mang những vết xước khác nhau và muốn được thuốc thang, chạy chữa kịp thời, không phải bằng những viên kháng sinh liều cao mà bằng những nắm lá thuốc nam hái trên đồng cỏ hay trong rừng vắng. Và đến một lúc nào đó, người ta có thể miễn nhiễm với những vết xước cũng như có đủ nội lực để đương đầu với những trớ trêu của cuộc đời.
Và tôi hình dung Trần Nhã Thụy viết tạp văn cũng như anh trồng những khóm rau, bụi ớt, giàn mướp trong khoảnh vườn nhỏ bên nhà. Anh trồng cho anh mà cũng là cho chúng ta, những người đã có một thời xanh và vẫn muốn sống mãi một thời xanh, dù cho Làng Mai ngày nay bị lấn đất đang phải thu hẹp dần với bao luyến tiếc.
Sài Gòn, 8/2009
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
GIỚI THIỆU NỘI DUNG TÁC PHẨM
Tiến >>
Nguồn: BookaholicClub.com
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 26 tháng 12 năm 2020