Chiếc kiềng vàng 24

chu sa lan

Tin Sáu thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học Hồ Ngọc Cẩn khiến cho nhiều người ngạc nhiên và bàn tán xôn xao. Hàng xóm thì hỏi han và chúc mừng còn người ở trong gia đình thì lại ngược đời hơn. Hổng có ai tin nó thi đậu vì lý do rất dễ hiểu là họ chẳng thấy nó học hành gì hết. Suốt hai tháng hè của năm lớp nhất, sáng thì nó ngủ trưa trờ trưa trật mới dậy; rồi cả ngày nhõng nhõng chơi từ đầu xóm trên xuống tận xóm dưới, hổng câu cá thì đánh đáo, hết đánh đáo thì cặp bè cặp bạn chèo ghe hay bơi lội ở rạch Thị Nghè. Ban đêm thì nó chong đèn dầu lửa đọc tiểu thuyết chứ hổng phải gạo bài thi. Mới đầu thấy nó thức khuya má tưởng nó đang gạo bài để thi nên mua nào đậu đỏ bánh lọt, chè thưng, bắp nướng cho nó ăn no nê đặng có sức để học. Sau khi chị hai rình bắt gặp nó thức khuya, thay vì học thì lại đọc tiểu thuyết nên khỏi có màn ăn khuya nữa.

Cả nhà chẳng ai thấy nó cầm cuốn sách Luyện thi đệ thất bao giờ, vậy mà nó lại có tên trong danh sách 100 thí sinh của cuộc thi tuyển vào lớp đệ thất. Thế mới kỳ. Chẳng lẽ nó là đứa học trò làm biếng nhớt thây nên ông thần lười phù hộ cho nó. Chẳng lẽ nó là ” siêu thần đồng ” vượt trội hơn cả ông Lê Quý Đôn nên hổng có học mà cũng thi đậu. Chẳng lẽ nhờ ngồi kế bên thằng nào rồi nó cọp dê của người ta. Hổng chừng mấy ông giám khảo già nua, mắt mờ mắt kém lại thêm lẫn vì vậy mà cho điểm lộn rồi. Hàng chục cái ” hổng lẽ ” được anh chị và bạn của anh chị nó nêu ra về lý do tại sao nó lại thi đậu. Tuy nhiên dù dèm pha, chế diễu, cười cợt rồi rốt cuộc các anh chị em trong nhà và bạn bè của họ đều phải công nhận là nó bảnh hơn họ. Họ hổng công nhận cũng không được vì cái tên Lê Văn Sáu, sinh năm 1945 tại Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre nằm chình ình trên bảng danh sách thí sinh trúng tuyển thì còn ai chối cãi gì được nữa. Hổng lẽ lại có người trùng tên họ, ngày sinh và nơi sinh với nó.

Mấy anh chị của nó vì thi hổng đậu vào trường công nên toàn học trường tư chứ hổng có ai thuộc vào cái dạng thần đồng hổng học mà cũng thi đậu vào trường công như nó. Trường tư hay trường công thì cũng học giống nhau, chỉ có cái hơi khác nhau chút xíu là học trường công thì má nó khỏi phải lo chạy tiền đóng học phí hàng tháng. Nó được má cưng cũng ở chỗ đó vì nó là người duy nhất trong gia đình đi học mà hổng phải trả tiền. Hơn 1000 học trò nộp đơn thi, trường chỉ lấy có 100, thế mà tên của nó lọt vào số 100 đó và lại đứng thứ nhì thì nhất định phải bảnh rồi. Bảnh ở chỗ hổng học mà thi đậu và lại đậu hạng nhì. Cái này mới là đại bảnh. Nói theo hồi xửa hồi xưa, thì nó chỉ thua mấy ông trạng nguyên chút xíu thôi. Nếu nó mà chịu khó học chút xíu thì chắc đã trở thành ông trạng sáu rồi.

Dù công nhận chuyện nó thi đậu song mỗi ngày ngồi vào bàn ăn cơm thì anh tư cười nói đùa.

– Thằng Sáu thi đậu mới lọa à nghen… chắc nó cọp dê thằng nào ngồi gần…

Chị năm cười cười.

– Đúng là chó táp phải ruồi…

Thương và cưng con nên mẹ bênh nó.

– Nó lù khù thì có ông cù độ mạng…

Chị hai phán một câu xanh dờn.

– Thằng đó mà lù khù… Lù khù vác lu mà chạy…

Mấy ngày sau, lúc hổng có ai ở nhà, mẹ ôm nó vào lòng, hôn lên tóc nó.

– Con giỏi quá… thi đậu vào trường công thì mẹ đỡ phải tốn tiền đóng học phí cho con… Ráng học giỏi mẹ cưng nhiều… nhiều…

Bà hôn hít lia lịa như thưởng cho thằng con trai được bà thương và cưng nhất nhà. Được dịp Sáu bèn vòi vĩnh.

– Mẹ mua cho con xe đạp nghen mẹ… Hổng có xe đạp con đâu có đi học được…

Câu nói của nó làm cho mẹ nó trầm ngâm suy nghĩ. Nhà ở Thị Nghè mà trường lại ở Bà Chiểu, cách nhau khá xa, nếu không có xe đạp thì nó phải đi bằng xe ô tô buýt mỗi ngày vừa mất tiền và phải chờ đợi lâu lắc.

– Nghen mẹ… mẹ mua xe đạp cho con nghen mẹ…

Sáu nài nỉ và mẹ nó gật đầu dù bà không biết mình đào đâu ra tiền để mua xe đạp cho con. Nhà con đông năm đứa, đứa nào cũng có xe đạp để đi làm, đi học hết. Bà đã phải bán vòng vàng tư trang để sắm cho ba đứa con lớn nhất mỗi đứa một chiếc xe đạp làm chân rồi. Riêng thằng Sơn còn nhỏ, học gần nhà nên đi học bằng xe lô ca chân. Bây giờ lại tới phiên của Sáu.

– Ừ… để từ từ mẹ sẽ mua cho con chiếc xe đạp đi học…

Sáu mừng rơn ôm lấy mẹ. Nó không thấy được nét buồn hiện ra trên mặt của mẹ nó. Còn không đầy một tháng để bà kiếm ra tiền mua cho con chiếc xe đạp cũ. Đâu phải xe đạp không thôi mà còn quần áo, giầy vớ, sách vở bút mực đủ thứ hết. Học trường công thì phải mặc đồng phục, quần xanh áo trắng và phải có ít nhất ba hoặc bốn bộ để thay đổi chứ hổng lẽ có một bộ mặc hoài sao. Tất cả những thứ đó cộng lại không ít đâu. Mà bà thì đâu có đi làm để có tiền. Con nhà giàu, tiểu thư khuê các, từ nhỏ tới lớn và sau khi lấy chồng, bà chưa hề làm việc một ngày. Bà sống nhờ vào của hồi môn của cha mẹ. Ngồi không mà ăn thì núi cũng lỡ chứ nói gì vài chục mẫu vườn dừa, mấy trăm lượng vàng, cà rá hột soàn, vòng vàng nữ trang và các món đồ cổ. Bà phải cầm bán hết rồi. Còn vườn tược cho người ta mướn thì vì chiến tranh mỗi ngày lan rộng thành ra thất thu rất nhiều. Tá điền, người nào tốt thì họ còn trả tiền mướn đất, còn người nào xấu họ giựt thì bà cũng chẳng làm gì họ được.

– Mà con phải ráng học thì mẹ mới thương…

Sáu cười dụi đầu vào ngực mẹ. Nó thích ngửi mùi hương của mẹ. Đó là thứ mùi hương làm cho nó ghiền để đêm đêm lén chui vào giường nằm ké bên mẹ vào những đêm mưa gió lạnh được mẹ ôm vào lòng ngủ và mơ có chiếc xe đạp. Nó mơ thấy mình đạp xe đi cùng thằng bạn ” bắc cờ 54 ” vào sở thú coi con khỉ và con cọp. Đây là thằng bạn mới của nó tên Kha. Thằng này có cái giọng trọ trẹ khó nghe và xổ ra những tiếng lạ hoắc.

– Tại sao tụi nó gọi mày là bắc cờ 54?

– Tớ đếch biết… chắc tại tớ sinh ở Hà Lội?

– Hà Lội xa hông vậy?

– Ở ngoài bắc cơ… Bố bảo Hà Lội đẹp lắm…

– Tại sao gọi là Hà Lội?

– Bố bảo Hà Lội ở gần sông nên bị nước dâng lên hoài. Muốn đi đâu người ta phải lội. Vì vậy người ta mới gọi là Hà Lội…

– Mày đi vô trong nam bằng gì?

– Bố bảo đi vào nam bằng tàu há mồm…

– Tàu há mồm là tàu gì?

Thằng Kha giơ hai tay lên trời.

– Ối giời ơi… sao mày hỏi lắm thế…

Sáu trợn trắng con mắt và lùng bùng lỗ tai vì mấy tiếng lạ hoắc nó mới nghe lần đầu. Nó nghĩ thầm: ” thằng này xưng là tớ chắc lúc nhỏ nó làm đầy tớ cho người ta…”. Dù có nhiều cái khác nhau, hai thằng nhỏ lại chóng thân nhau hơn những đứa khác, có lẽ chúng là dân ở đâu đâu vì hoàn cảnh phải trôi dạt về Sài Gòn.

Còn hai tuần lễ nữa tới ngày tựu trường mà không nghe anh chị em bàn tán, cũng như không nghe mẹ đá động về chiếc xe đạp của mình Sáu buồn lắm. Nó nghĩ là mẹ nó quên hoặc bà không có tiền mua xe đạp cho nó rồi. Điệu này là nó hổng có xe đạp đi học với thằng Kha rồi.

Đang ngồi trước hàng hiên nhìn ra đường, Sáu thấy mẹ bước ra. Hôm nay bà diện đẹp và lạ hơn ngày thường vì mặc áo dài và mang guốc cao gót. Mẹ nó lúc nào cũng đẹp và trẻ hơn so với tuổi ngoài 40 của bà. Mấy bà trong xóm lúc nào cũng trầm trồ và đôi khi tỏ ra có chút ganh tị với cái trẻ cái đẹp của mẹ nó. Hôm nay mẹ nó còn đẹp và sang hơn vì bà đeo bông, đeo chiếc kiềng vàng ở ngực và đeo vòng cẩm thạch ở tay nữa.

– Mẹ đi đâu vậy mẹ?

– Mẹ đi ra Sài Gòn có chuyện cần. Con ở nhà coi chừng nhà nghen. Một hồi mẹ về mẹ có quà cho con…

Gật gật đầu Sáu nhìn theo mẹ cho tới khi bà đi khuất sau dãy nhà sàn gần cây cầu bắt ngang con rạch nhỏ. Trưa hôm đó bà trở về nhà, tay ôm tay xách hai túi giấy dầu. Sáu mừng ứa nước mắt khi moi túi giấy dầu. Ba bộ đồng phục lại có thêu huy hiệu Hồ Ngọc Cẩn trên ngực nữa. Mẹ nó giúp nó thử. Tuy quần áo không vừa vặn vì áo thì rộng còn quần thì dài song mẹ nó cười nói.

– Mai mốt con lớn lên thì vừa…

Sáu không có gì phàn nàn. Đối với nó thì ba bộ đồng phục cũ và không vừa vặn này quá tốt rồi. Ngắm nghía con trai xúng xính trong bộ quần áo mới mua bà cười an ủi con trai.

– Cũ của người ta mà mới của mình phải hông con?

Sáu gật đầu cười ôm mẹ.

– Con chẳng để ý cũ hay mới. Có mặc là được rồi mẹ…

Mẹ nó cười vui dịu dàng thốt.

– Bây giờ con đi với mẹ ra chợ. Mẹ sẽ mua cho con chiếc xe đạp…

Sáu nhảy tưng tưng vì mơ ước đã thành. Ôm nó vào lòng mẹ dỗ dành.

– Mua xe cũ nghen con… Mẹ hổng có đủ tiền mua cho con chiếc xe mới…

Sáu gật đầu cười.

– Con thương mẹ… Cũ người mới ta mà mẹ…

Cười thánh thót, mẹ nó ký nhẹ lên đầu đứa con yêu xong nắm tay con đi ra chợ. Bước song song với mẹ, được bà nắm tay nó như nhớ lại cái mẫu chuyện Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh.

Ra tới tiệm bán xe đạp ở chợ Thị Nghè, sau một hồi lựa chọn và so đo với trả giá, mẹ mua cho nó chiếc xe đạp tuy cũ song nó rất thích. Dắt xe băng qua đường Sáu cười với mẹ.

– Con thương mẹ…

Mẹ nó cười rưng rưng nước mắt. Sáu nói nhỏ với mẹ.

– Con ráng học giỏi để sau này có tiền con sẽ mua xe hơi chở mẹ đi chơi…

Mẹ nó bật cười rồi dịu dàng nói với con trai.

– Ừ… Con ráng mà học đi…

Mấy tháng sau, chị hai mới nói cho Sáu biết là mẹ nó đã phải bán chiếc kiềng vàng, quà cưới của bà để có tiền mua chiếc xe đạp cho nó đi học.

chu sa lan

hvln


Nguồn: https://chusalan.net
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 14 tháng 3 năm 2024