Chiều nào mà ông trời không vui, kéo mái tóc đen thui, che mặt lại rồi khóc sướt mướt là Tư buồn hiu. Chàng không thèm nấu cơm, chỉ uống từng ly, từng ly nước trà để cầm hơi.
Không phải Tư là người đa cảm đến mức đó, chỉ vì Tư biết trời mưa như vầy là Ý, cô hàng bán cháo gà đầu hẻm, rầu thúi ruột nên chàng buồn ăn theo.
Chờ cho cái bụng phản đối quyết liệt, kêu rồn rột liên tục. Tư mới chịu rút cái bóp ra, đếm lại số tiền trong đó, làm nhanh mấy bài toán cộng, trừ trong đầu, rồi mặc áo mưa đi ăn một tô cháo gà để ủng hộ mỹ nhân.
Ở đầu hẻm có đến ba, bốn hàng bán thức ăn.
Tư phải đi qua quán cơm bình dân, xe bánh mì, xôi mặn... rồi mới đến gánh cháo gà. Trời mưa nên hàng nào cũng ế. Mấy người bán hể thấy có ai đi ngang là chào mời um sùm, thiếu điều muốn lôi tuột vô hàng của mình. Họ đều là dân ở trong xóm "chuồng bò" của Tư, quen mặt quá nên Tư hết sức là ngại. Chàng đã kéo cái nón áo mưa che kín mặt rồi vậy mà dì Ba bán cơm cũng nhận ra, bà đon đả réo:
-Ghé ăn giùm dì một dĩa cơm đi Tư, có cơm cháy ngon lắm nè!
Tư lắp bắp:
-Dạ để khi khác, cháu không đói!
Chú Sáu chủ xe bánh mì cười nhăn nhở:
-Mời làm chi cho mắc công chị Ba ơi! Người ta chỉ mê cháo gà thôi hà!
Ông ta và cô Liễu bán xôi mặn, xôi ngọt cùng cười thật to làm Tư quê muốn độn thổ.
Tư còn không dám nhìn vô gánh cháo thì nói chi tới chuyện ghé vào. Tư đi huốt qua luôn, lang thang ba đồng bảy đổi, chờ họ không chú ý rồi mới len lén quay lại. Chàng nghe tội nghiệp cho mình quá chừng! Ai đời? Đi ăn cháo mà mang tâm trạng y như người đi ăn trộm.
Nhìn Tư mặt mày ướt sủng, lựa cái chỗ tối nhứt mà ngồi rón rén, cử chỉ ngượng ngập, lúng túng... Ý nghe lòng nao nao, tình cảm giành cho chàng, chừng như nặng thêm một chút.
Ý hỏi:
-Đi dạy kèm mới về hả Tư?
Tư gật đầu mà mắc cỡ cùng mình. Chàng đoán là Ý đã nghe, đã thấy mình đi ngang qua ban nãy nên chắc chắn nàng biết là chàng nói dóc.
Ý hỏi tiếp:
-Tư ăn gỏi gì?
Tư ấp úng:
-Gỏi gì cũng được, món nào còn nhiều nhứt thì lấy.
Ý cười:
-Món nào cũng còn nhiều hết!
Rồi Ý múc cho Tư một tô cháo đầy cùng một dĩa đầu, cánh, cẳng quen thuộc.
Tư nhìn nồi cháo còn hơn phân nửa mà xót ruột vô cùng. Ôi! phải chi Tư có đủ tiền để bao hết mấy đứa con nít trong xóm ra ăn sạch gánh cháo.
Ý bắt gặp tia mắt buồn hiu của Tư bèn an ủi:
-Coi vậy chớ một lát khuya khuya, mấy người đi chơi về, họ đói bụng ghé ăn lai rai cũng hết hà!
Ý vừa nói xong là ngay lập tức, hai chiếc xe gắn máy do hai cặp choai choai chở nhau ghé lại liền. Tim Tư đập rộn ràng, mừng như trúng số!
Hai đôi nam nữ trẻ măng ấy vừa ngồi xuống cái bàn nhỏ dưới bóng đèn kê sát mái hiên là hối:
-Cho bốn tô cháo, một dĩa gỏi " gió đầu cành" đi chị, lẹ lẹ giùm!
Tư liền hỏi Ý:
-Có cần lấy dĩa gỏi nầy đưa qua cho họ không? Tui chưa chạm đũa?
Ý gật nhẹ đầu, Tư chuyền trở lại dĩa gỏi cho nàng.
Tư nói:
-Ý múc cháo đi, để tui bưng lại cho!
Ý cười ra vẻ cám ơn, đưa tô cháo cho Tư rồi nói:
-Coi chừng phỏng nghe!
Tô cháo nóng hổi, Tư đặt xuống xong là chụp lên hai trái tai liền cho bớt nóng. Phục vụ họ đến nơi, đến chốn rồi mới trở lại ngồi xuống cái ghế của mình.
Ý hỏi:
-Tư biết ăn phao câu hông?
Đấy là cái bộ phận mà hiếm người thích bởi cái mùi đặc trưng của nó. Cũng có người khoái nhưng ra đường ít ai dám gọi, nhứt là mấy cô gái.
Tư cười:
-Cái gì tui ăn cũng được.
Ý lại hỏi:
-Bỏ hay để cái chình dầu?
Tư hỏi lại:
-Chình dầu là cái gì?
Ý cầm cái phao câu gà đưa tận mặt Tư, chỉ vào cái cục u lên bằng đầu ngón tay nằm ở chót đuôi:
-Là cái nầy nè!
Rồi Ý hỏi tiếp:
-Chắc Tư chưa ăn phao câu gà lần nào phải hông?
Tư gật đầu, chợt nhớ má mình khi còn sống thường nói ăn đầu gà học giỏi còn ăn phao câu học ngu. Nên cái câu "nhứt phao câu, nhì đầu cánh" ấy, cho đến nay Tư chỉ biết cái món đứng hạng nhì.
Ý nói:
-Vậy thì bỏ đi, cái nầy nặng mùi lắm!
Tư ăn và nghe tiếc quá! Trách má mình sao kỵ lãng xẹt. Cái món ngon như thế nầy mà hơn hai mươi tuổi đầu mới biết! Thật là lãng phí quá chừng!
Ý chờ Tư ăn được nửa tô cháo mới nói:
-Cháo nguội hết rồi, đưa cái tô đây tui múc thêm vô một vá cho nóng!
Tư ngại quá nhưng cũng đành chìu bởi sức trai đang độ cường tráng, ăn một tô cháo lỏng le đâu có thấm tháp gì, vả lại chàng cũng muốn kéo dài thời gian...
Ý múc đầy nhóc một tô, còn bỏ miếng huyết gà vô nữa.
Bọn trẻ đang ăn kêu thêm bốn tô cháo. Tim Tư lại nhảy cà thọt và chàng lại hăng hái đóng vai người phục vụ. Vẻ mặt hớn hở ấy làm Ý mắc cười quá cỡ!
Tô cháo của Tư đâu còn nóng nữa, thế nhưng chàng cứ thổi hoài, thổi hoài...
Tư múc thật chậm, nhai thật chậm, nuốt thật chậm... Cầu mong ông địa xúi khách đến ăn cháo để chàng có dịp giúp Ý một tay. Thế nhưng...
Bốn người khách đã ra về nhưng Tư vẫn ăn chưa hết tô cháo. Chàng cứ múc từng muỗng cháo đã nguội ngắt, đưa lên miệng mà thổi mãi...
Ý bỗng nhắc:
-Tư bỏ áo mưa ra đi cho mát.
Thì ra mưa đã tạnh mà Tư không hay.
Chàng cởi nó ra, đem vắt lên cây cột đèn gần đó. Ngay lúc ấy, Ý múc một vá cháo đổ thêm vào cái tô chỉ còn một nửa. Khi Tư quay về chỗ ngồi của mình, đã thấy tô cháo lại đầy nhóc.
Tấm màn mưa vừa vén lên là sân khấu lòng đường liền tấp nập. Các diễn viên đầu tiên là những người bán hàng rong đang trú mưa dưới hiên nhà. Họ hấp ta, hấp tấp...không thèm cúi chào khán giả mà cắm đầu bước nhanh thoăn thoắt, rao một cách hối hả để bắt lại cho kịp những vị khách bị thất lạc.
Kế tiếp là mấy người chạy xe ôm. Họ chạy chậm chậm, ngoái nhìn từng người đi bộ, bám riết theo rồi cứ lập đi lập lại một câu duy nhứt:
-Lên xe đi mà, tui tính rẻ thôi!
Ý thầm cảm ơn ông trời biết điều cho mưa tạnh sớm. Nếu ổng kéo dài thêm chút nữa, chắc Ý phải gánh nửa nồi cháo về. Lại phải rình coi nhà nào còn thức để đem cho bớt.
Đường phố bắt đầu tấp nập. Dân Sài Gòn vốn thích ra đường hóng gió. Chiều chiều mọi con đường, nhứt là mấy con đường ở trung tâm đều đông nghịt người và xe. Già trẻ, gái trai quần là áo lượt. Họ ra đường để ngắm nhau, để cười với nhau dù chẳng hề quen biết, để mang một niềm vui rất nhẹ về nhà...
Trong các xóm nghèo, buổi chiều là thời điểm nhộn nhịp nhứt. Những bậc trưởng lão, chân run, gối mỏi, không còn đủ sức để đi đi, lại lại nữa. Họ sai con hoặc cháu rinh hai chiếc ghế thấp ra trước nhà, ngồi một chiếc, gát chưn một chiếc, nhìn ông đi qua, bà đi lại... Gặp người quen là chào hỏi, trao đổi vài câu. Cái họ xài không bao giờ hết là những lời khuyên, nên hể thấy con, cháu nhà ai trái chướng, ăn mặc coi không vừa mắt là gọi lại rầy. Mấy đứa nầy cho dù ở nhà ông bà, cha mẹ chúng đều chào thua, nhưng vẫn ráng đứng nghe rồi vâng vâng, dạ dạ, một cách hết sức lễ phép...Đặc biệt là quý ông, quý bà có cháu gái xinh đẹp hoặc cháu trai tài năng, thì lời nói của quý vị ấy càng có giá trị. Thành thử họ đổi nhau, người nầy dạy cháu con người khác.
Mấy đứa con nít thì khỏi nói, chúng chiếm đa số, dồi dào cả chất lẫn lượng. Chúng rượt đuổi, chơi đùa, trêu ghẹo nhau không ngớt. Chúng chẳng ngơi tay, ngớt chân, thoắt chỗ nầy, thoắt lại chỗ kia... Chúng chạy để mà chạy, hét để mà hét, cốt giải tỏa số năng lượng dư thừa trong người cho nhẹ bớt.
Những bà mẹ trẻ hông nách con, tay bưng chén cơm hoặc cháo, bột, sữa... đi lòng vòng khắp xóm, chỉ trỏ thứ nầy thứ khác cho bé chú ý. Họ rình rình hể thấy đứa bé vừa há miệng là nhét cái muỗng thức ăn vào liền. Những đứa có kinh nghiệm hơn nhứt định "ngậm miệng ăn tiền" thì phải dùng biện pháp khác. Gặp bất cứ người nào đi ngang qua là họ kéo đứng lại nhờ hù dọa giùm, chỉ vào y hoặc thị ấy mà nói:
-Con ăn đi! Hông thôi ông (bà, bác, chú, cô, chị...) nầy bắt đem về làm thịt đó!
Cũng không hiếm những cuộc nhậu, những bàn cờ mà thành viên toàn là dân đực rựa. Có nhiều đám quy tụ đến trên chục người vừa dự, vừa xem, nghiễm nhiên choán gần hết lối đi.
Người Sài Gòn ít thích mưa (bộ ai cũng là nhà thơ sao?). Những ngày mưa, cực chẳng đã phải ngồi ru rú trong nhà là họ cứ nhấp nhỏm không yên, bồn chồn lật đi, lật lại những dự tính của mình, chờ mưa tạnh là xông ra đường liền. Mấy lúc như vậy giữa người và trời thường nãy sinh xích mích.
Có những ngày ông trời cắc cớ, mưa từ sáng đến tối, thế là cái ông đó bị truất phế liền. Ông khác lên thay, lấy lòng thiên hạ bằng cách đãi họ một bầu trời xanh ngắt, trong veo không một áng mây, kéo dài mấy ngày có khi lên đến một tuần. Nắng gắt gao cho đến nổi hơi nóng bay ra cả miệng, cả hai lỗ tai mới kịp, bằng không chắc bộ đồ lòng của mọi người đều chín hết ráo!
Chính những người ghiền ra đường, ghiền đi chơi và ghiền ăn thiệt ấy đang lấp đầy những khoảng trống chung quanh mấy gánh hàng ăn.
Xe bánh mì được chiếu cố trước tiên. Nó thu hút một lượng khách đông nhứt rồi mới đến xôi, kế tiếp là quán cơm bình dân... Mãi chẳng thấy ai ghé vào hàng cháo.
Tư đang sốt ruột thì một cô gái trẻ măng ghé lại. Có lẽ là khách quen nên cô ta đưa cái gà mên bốn ngăn cho Ý mà chẳng nói một lời. Chỉ đến khi cô ta trông thấy một người con trai, mặt mày hiền khô, mặc cái áo sơ mi ngắn tay, với cổ áo ướt nhẹp thì mới tíu ta, tíu tít:
-Nãy giờ bán được hông chị Ý?
Ý cười:
-Từ hồi chiều tới giờ bán chưa tới nửa nồi cháo. Bình thường giờ nầy là chị dẹp gánh rồi.
Cô gái an ủi:
-Chị đừng có lo, một chút là khách tới ăn đông nghẹt cho coi! Trời hơi lạnh như vầy ai mà không khoái húp mấy miếng cháo cho ấm bụng?
Cô ta vừa nói vừa liếc Tư một cái. Ánh mắt ánh ấy như mũi tên nhắm trượt mục tiêu, tín hiệu đó chẳng được đón nhận bởi Tư đang nhìn tận đâu đâu.
Lời tiên đoán của cô ta lập tức trở thành sự thật. Gánh cháo bỗng đắc khách chưa từng có, mấy cái ghế đều có người ngồi. Tư đang ăn cũng bỏ ngang để nhường chỗ cho họ.
"Sau cơn mưa, hàng lại đắc". Tuy trời vẫn còn tối hù nhưng gương mặt của những người bán hàng đều sáng trưng, mắt, mũi, miệng...đều tươi roi rói.
Chú Sáu, chủ xe bánh mì, đẩy cái xe không về trước rồi tới dì ba bán cơm. Cô Liễu còn nán lại vớt vát mấy người khách đến muộn, bán nốt mấy miếng xôi cháy rồi cũng lót tót ra về.
Tư giúp Ý thu dọn tô dĩa. Dù Ý không chịu nhưng chàng quyết giành cho được cái xô rồi băng qua bên kia đường để hứng nước từ phông tên mang về cho Ý.
Ông trời nãy giờ nín nhịn, chờ họ thu dọn gần xong liền xán xuống một trận nữa. Tư lật đật xếp mấy bộ bàn ghế vào cái bụng trống rổng của cây cột đèn, lấy dây xích kết dính thành một chùm rồi khóa lại.
Lúc xế, khi Ý dọn hàng ra thì trời còn nắng nên không thèm mang theo áo mưa. Cho nên khi ông trời bỗng dưng trở mặt thì nàng trở tay không kịp.
Tư ép Ý phải mặc cái áo mưa của mình, lấy lý do nhà chàng ở ngay trong hẻm. Chàng sẽ vừa đi vừa núp theo mấy hàng hiên, bảo đảm về đến nhà áo không dính một hột nước.
Từ chối mãi chẳng được Ý đành phải chìu.
Tư mang cả một niềm vui theo về cùng mình. Chàng nghe trong lòng như có một ngọn lửa sáng bừng, ấm áp cho dù chân dò dẫm trong bóng tối và mưa văng khắp đầu, khắp mặt.
Xóm Chuồng Bò đã ngủ say...
Chỗ trọ của Ý ở xóm Đình.
Tư biết xóm đó rành lắm! Nó nằm đối diện với xóm của Tư. Chúng sẽ thông làm một với nhau nếu không bị cắt ngang bởi một con đường lớn. Hai con đường nhỏ giữa hai xóm giống như hai cánh tay dài thậm thượt, một trái, một phải, của một người cao lêu nghêu nằm dang thẳng cánh mà ngủ vậy. Chúng cùng là xóm nghèo với nhà cửa lôi thôi và dân cư chen chúc.
Ở Sài gòn, tên của mỗi xóm thường bộc lộ bản sắc, hình thể, hoặc một đặc điểm nào đó mà chúng có. Xóm Ý ở có cái đình nên được gọi là "xóm đình".
Lúc còn nhỏ, những dịp cúng đình, Tư thường theo mấy đứa trong xóm đến đó xem người ta làm lễ. Tư biết luôn cả cái xóm phía trong cũng nằm trên con hẻm đó, nhưng ở tận khúc đuôi. Nơi được gọi là xóm "Bông giấy" vì từ trước, và hình như cho đến tận ngày nay vẫn còn một số nhà chuyên sống bằng nghề làm bông giấy, bởi Tư thấy những mảnh giấy vụn đủ màu bay khắp đường
Xóm "Chuồng bò" của Tư, gọi là vậy thôi chớ bây giờ cho dù bỏ công sức ra mà tìm đến đỏ con mắt cũng không ra cái chuồng, hay con bò nào cả. Thế nhưng qua lời kể của những người cao tuổi trong xóm, thì ngày xưa ở nơi đây, nhà nước có xây một cái chuồng rất to, chứa đến mấy chục con bò. Những con bò ấy được thương lái mua từ khắp miền, đem về nhốt để chờ dắt vô lò mỗ. Điều nầy được khẳng định bởi cách đó không xa vẫn còn một cái xóm mang tên "Lò mỗ".
Cái tên "Chuồng bò" của nó khiến Tư mặc cảm nên ít khi giới thiệu với bạn học. Vậy mà còn có những cái tên còn kinh thiên động địa hơn nhiều!
Có lần Tư quen với một người bạn mới. Nhân dịp nhà bạn ấy có đám giỗ, thế là y ta cứ nài nỉ, mời chàng đến dự cho biết nhà luôn thể.
Tư hỏi:
-Tên xóm của ông là gì để tui biết chỗ mà đến?
Anh bạn đáp tỉnh rụi:
-Ông cứ kiếm mấy người chạy xe ôm, hỏi "xóm "Đĩ" là ai cũng biết!
Tư nghe mà chới với, hết hồn và hết dám đi luôn.
Mấy lần Tư định đưa Ý về tận nhà nhưng nàng cứ nhứt quyết từ chối, lần nào đến đầu hẻm Ý cũng bắt Tư quay lại. Ý chẳng bao giờ mời Tư đến nhà dù chàng đã nhiều lần gợi ý. Tư đành lần mò tìm kiếm. Nhờ nhận ra đôi dép trước cửa và cái áo Ý thường mặc đang bay phất phới trên sợi dây phơi đồ ngoài ban công nên Tư mới biết.
Mỗi ngày đi học hoặc đi dạy, Tư đạp xe từ con hẻm ra đường lớn, thay vì quẹo phải và chạy thẳng một lèo. Tư đều quay trở ngược, quẹo trái, đánh một vòng quanh cái bùng binh để đi theo con đường nằm ở cuối xóm "Bông giấy". Từ xóm Bông giấy Tư chạy qua xóm Đình, mục đích liếc vô nhà Ý trọ một cái rồi mới quay ra đường cái để đi tiếp.
Có một lần Tư thấy Ý, chắc vừa thức dậy nên còn mặc áo cánh, đang ngồi ngoài ban công chải đầu. Tim Tư chới với như bị một niềm vui quá lớn bắn lên tận cổ, mắc kẹt lại đó độ một giây khiến Tư muốn nghẹt thở. Tư cố nuốt khan để đuổi nó trở về vị trí cũ. Trái tim ngoan ngoãn vâng theo, đập đều trở lại, nhưng niềm vui ấy chẳng chịu nằm yên, cứ len lén phát tác, Tư chẳng thể nào đè cho nó nằm rạp xuống nổi.
Hôm ấy mấy đứa học trò cứ hỏi:
-Thầy ơi! Bộ thầy trúng số hay sao mà vui quá vậy?
Tư hỏi lại chúng:
-Sao tụi em biết thầy vui?
Chúng trả lời:
-Ngó thầy giống như mắc cười lắm mà ráng nín.
Những sáng dậy muộn, không thể theo đúng cái lộ trình đó được. Thế là hôm ấy Tư nghe bức rức trong mình ghê lắm! Có cảm giác như mọi sự vật quanh chàng đều hết sức vô vị.
Có một lần Tư đánh bạo hỏi Ý vài câu về "cuộc đời, ái tình và sự nghiệp" của nàng. Ý cúi mặt, làm thinh hoài không trả lời một tiếng nào hết.
Thấy Tư có vẻ không vui, nàng nói:
- Tư thông cảm nghe, đừng có giận! Có những câu hỏi mà tui không muốn trả lời vì biết sẽ làm Tư thất vọng. Mình chỉ cần biết tên nhau để gọi qua, gọi lại là được rồi.
Tư rất buồn khi nghe Ý nói thế. Xem ra Ý không thích Tư xen vào cuộc đời của nàng, hay vì nó không đơn giản, không vui nên Ý chẳng muốn nhắc đến?
Một hôm Ý bỗng hỏi chàng:
-Tư có thấy phiền không nếu tui xin địa chỉ để nhận thơ?
Tư đáp ngay, không cần phải suy nghĩ:
-Được chớ!
Rồi xé tờ giấy trắng trong cuốn sổ tay, ghi tên họ, số nhà ra đưa.
Cách đó gần một tháng, khi đi học về, Tư vừa mở cửa liền thấy một bao thơ nằm trên nền gạch. Cái tên người gửi đã rất lạ, lại còn mang địa chỉ của một trại cải tạo ở miền trung.
Tư lẩm bẩm:
-Cái tên gì mà lạ hoắc, chưa nghe một lần nào.
Tư cẩn thận đọc lại. Họ và tên người nhận đúng là chàng, địa chỉ cũng ngay chóc, lật ra phía sau thì thấy một hàng chữ nhỏ: "Nhờ chuyển giùm Vân".
Càng ngạc nhiên hơn, Tư lại lẩm bẩm:
-Mình có biết Vân là ai đâu mà đưa hả trời?
Tư rất hiếm nhận được thư, hầu như chưa bao giờ.
Ông bác phát thư gầy nhom, đạp chiếc xe cọc cạch với cái ghi đông treo mấy chùm bánh tét, bánh ú, bánh ít, chỉ ghé nhà Tư có một lần duy nhất để đưa cái giấy báo trúng tuyển vào đại học tổng hợp cho chàng. Má Tư mừng đến phát khóc. Bà mua mão hết mấy thứ bánh gói bằng lá chuối đó rồi phát cho mấy đứa con nít trong xóm. Chúng vừa ăn vừa chạy khắp nơi vừa hét:
-Anh Tư thi đậu rồi, anh Tư thi đậu rồi.
Làm Tư mắc cỡ trốn biệt trong nhà, chẳng dám thò mặt ra.
Thân quyến, họ hàng nào có ai, bởi má Tư là trẻ mồ côi. Ngày trước bà sống khép kín ít giao thiệp, không có bạn bè, quan hệ với láng giềng cũng chỉ ở mức xã giao mà thôi! Tất cả tình thương của mình bà đều đổ hết vào Tư và chàng cũng vậy. Ngay cả cha mình Tư cũng chẳng bao giờ nghe bà nhắc đến tên thì nói gì...
Tư cũng không bị lôi cuốn theo cái phong trào đang thịnh hành, chơi trò "Tìm bạn bốn phương", viết thư cho một người không biết mặt để tâm tình.
Bạn học hiện tại cũng chỉ lèo tèo vài người, gặp nhau trao đối vài câu là hết chuyện để nói. Mấy đứa học trò mà chàng dạy kèm đều nhỏ xíu, hiền khô...đâu đủ trình độ để bày cái trò nầy.
Tim Tư chợt nhói lên một cái. Chàng nhớ ngay đến tờ giấy hôm trước đưa cho Ý. Chắc chắn đây là thư của một người nào đó gửi cho Ý chớ không ai khác.
Tư khóa cửa, thót lên xe, đạp vù vù ra đầu hẻm để gặp Ý liền.
Gánh cháo gà đang đông khách, Ý thấy Tư đến thì mừng ra mặt. Chàng vội nhét cái thư vào túi, lật đật dựng chống xe xuống rồi chạy đến phụ Ý một tay.
Mãi cả tiếng đồng hồ sau khách mới vắng bớt. Chờ Ý rửa tô, dĩa xong, Tư vói tay lấy cái khăn vắt trên cột đèn xuống, đem lại đưa cho nàng.
Ý lau khô hai bàn tay, giũ cho chiếc khăn thẳng ra rồi đem phơi trở lại chỗ cũ. Nàng ngồi xuống cái ghế thấp sau gánh cháo, thở ra một hơi nhẹ nhõm.
Tư móc túi lấy cái thư đưa ra cho Ý coi rồi hỏi:
-Cái thư nầy phải của Ý hông?
Gương mặt Ý đột nhiên tái nhách, rồi từ từ ửng hồng trở lại. Ý cầm cái thơ, nhìn rồi áp lên ngực. Hai giọt nước mắt thập thò, không rơi xuống mà nằm hoài trong khóe.
Tư nhìn Ý đăm đăm, tự nhiên nghe lòng buồn vô hạn. Ý đọc thấy hai cái dấu hỏi to tổ bố trong mắt chàng, lòng chợt nghe ray rức như người đang phạm tội.
Ý giải thích:
-Thơ của chồng tui!
- 1 -
Tiến >>
Nguồn: Tác giả VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 21 tháng 10 năm 2019