Bóng đêm u uất đè nặng lên thôn xóm. Mới chập tối một lúc mà tưởng chừng như đã khuya lắm. Tất cả chìm đắm trong không khí hoang vắng yên lặng đến rợn người. Dòng sông Luộc ban ngày xanh trong giờ sẫm màu uốn mình trôi xuôi. Cả những thửa ruộng lúa chín vàng trên cánh đồng Thiện Phiến, những ruộng mía xanh tươi, những cây nhãn ven đường cũng bị xóa nhòa trong bóng đêm đặc quánh. Trên nền trời đen kịt chập chờn mấy ngôi sao cô độc, mờ nhạt như sẽ lặn mất lúc nào không biết. Chỉ có về phía bốt Triều Dương, ánh sáng đỏ quạch từ những lô cốt hắt lên. Một tràng đại liên vẳng đến từ phía rất xa mạn Thái Bình, rời rạc, buồn tẻ như một tiếng nấc dài. Tiếng súng tắt ngấm trong tiếng gió hú lồng lộn từ bờ sông Luộc thổi vào. Cánh đồng mênh mông hoang vắng như càng trải rộng thêm ra.
Trong làng Thiện Phiến, những ngọn đèn dầu hỏa vặn bé bằng hạt đỗ xanh tỏa sáng lù mù trong những gian nhà tranh bé nhỏ. Không một tiếng chó sủa. Dân làng đã giết hết chó để anh chị em du kích dễ hoạt động và để bảo vệ thôn xóm. Ban đêm bất cứ lúc nào, hễ nghe tiếng chó, giặc đều có thể câu đạn moóc-chê về. Những bóng người thấp thoáng khẽ gọi nhau đi về xóm Giếng. Dân làng vội vã sửa soạn liềm hái gặt đêm. Lúa đã chín vàng trên đồng. Không gặt nhanh, bất ngờ giặc có thể cho quân đi càn, phá hoại mùa màng. Những xe cóc sẽ quần nát những ruộng lúa. Hình ảnh những bông lúa chín mẩy đẹp đẽ, bị dìm trông bùn, ai trông thấy mà không xót ruột. Mới năm kia, vụ chiêm chưa kịp gặt, giặc cho xe về quần nát hơn một trăm mẫu ruộng.
– Nhanh lên bà ơi!
– Gượm! Tôi dỗ cháu ngủ tí đã!
– Bà con đi hết rồi! Còn bắt chờ đến bao giờ?
Tiếng trẻ khóc thét lên trong gian nhà. Người mẹ cầm hái chạy bổ ra sân, còn quay lại dặn với:
– Bướm! Dỗ em cho bu cái! Bà Học ơi! Tôi đi đây! Bà Học ơi!
Không có ai trả lời. Người đàn bà hối hả chạy theo dọc đường ngõ hẹp.
Phía dưới đầu xóm Giếng, mọi người đã tụ tập đông đủ. Họ quay vào từng đám ngồi, đứng lộn xộn. Tiếng cười nói rúc rich râm ran trong đám con gái. Một anh du kích gân cổ rít điếu cày. Đốm lửa lóe sáng. Giọng con gái lảnh lói khó chịu cất lên:
– Gớm! Ông mãnh nào đấy! Có tắt ngay đi không? Nó thấy lửa, nó câu moóc- chê về bây giờ? Tắt đi! Hút ở nhà chửa chán à?
Đám phụ nữ lao xao, phản đối. Tiếng điếu cày lại rít lên sòng sọc như trả lời trêu tức.
– Tắt đi! Tắt đi!
– Hút thuốc thì đã sao? Phụ nữ nhát bỏ mẹ. Chưa chi đã cuống cả lên!
Một bóng người con gái bật dậy. Chị ta quay nhìn về đám thanh niên:
– Cậu nào vừa bảo phụ nữ nhát đấy. Đã làm liều còn cãi bừa. Rõ dơ!
Đám thanh niên cụt hứng, im bặt.
– Con bé nào đanh đá thế cậu?
– Cái Mơ, cái Mơ nổi tiếng chanh chua chứ còn ai?
Anh chính trị viên xã đội vừa đến làm cắt đứt câu chuyện của đám thanh niên nam nữ đang trêu đùa nhau. Tất cả mọi người im lặng nghe anh nói:
– Du kích đã canh gác cẩn thận. Bà con cứ yên tâm gặt hái. Xã đội xin chịu trách nhiệm về mọi mặt. Nếu lúc làm việc, giặc bất ngờ bắn ra, mọi người cứ nằm nấp ngay chỗ ruộng mình gặt. Đừng chạy lộn xộn. Anh chị em du kích gặt những thửa ruộng sát ven đường. Đêm nay, chúng ta gặt những thửa ruộng xa này. Mai, ban ngày, gặt nốt những thửa ruộng sát làng…
Đám người tỏa ra khắp nơi. Cô gái tên là Mơ làu bàu khó chịu:
– Cha đời mấy thằng mũi lõ, làm các chị mày mất cả giấc ngủ.
– Chao ơi là chua!
Mấy thanh niên nghịch ngợm chép miệng kêu thành tiếng như là đang ăn mơ thật. Họ đấm vai nhau cười rũ rượi, bước đi. Bóng đêm dày đặc vẫn bưng bít lấy mắt mọi người. Thỉnh thoảng mấy tiếng súng nổ bâng quơ từ xa vẳng đến. Tiếng lưỡi hái đưa nhanh soàn soạt cắt lúa. Vài tiếng ho lạc lõng bật lên. Đám con gái vừa làm, vừa cười đùa trêu chọc nhau:
– Cái Tý nó chả muốn gặt đâu! Đố các cậu nó thích gì?
– Thích gì?
– Nó chỉ thích đi gác với anh Tuấn nó thôi!
Tiếng cười rúc rích quấn quanh những bông lúa trĩu hạt. Hương lúa thơm dịu tỏa nhẹ trong bóng đêm mênh mông. Một số đã bắt đầu gánh lúa về xóm. Tuy đã quen đường, thỉnh thoảng họ vẫn trượt chân ngã xuống ruộng.
– Đỡ hộ tôi lên với. Ướt tiệt rồi!
Khoảng hai giờ sáng một phát đạn moóc-chê nổ bất ngờ sát ven đường cái. Ánh lửa lóe sáng soi rõ những bóng người chạy dạt ra. Mọi người ngừng tay nằm dạt cả xuống. Họ nhớn nhác hỏi nhau:
– Có ai việc gì không?
– Chắc nó biết mình gặt đêm rồi. Về thôi!
Bóng tối vẫn bao phủ mịt mùng. Anh chính trị viên xã đội chạy vội đến chỗ đạn vừa nổ:
– Bà con cứ yên tâm, tiếp tục làm việc. Nó bắn mò đấy thôi. Không ai việc gì cả.
Mười lăm phút trôi qua yên tĩnh. Hơi thuốc súng khét lẹt thoảng trong gió. Giặc không bắn thêm phát nào. Mọi người lại mải mê bắt tay vào việc. Tiếng cười trong trẻo vẫn quẩn quanh trên thửa ruộng những chị du kích trẻ tuổi đang gặt.
Ngày hôm sau, du kích và thanh niên đảm nhiệm gặt nốt những thửa ruộng còn lại. Lúc bất giờ là khoảng quá trưa. Mặt trời vừa ló ra khỏi đám mây, cảnh vật tươi vui rực rỡ hẳn lên. Ánh nắng mênh mông tràn ngập đồng lúa chạy dài ven chân đê đường 39. Dòng sông Luộc lóa nắng óng ánh như một dải bạc lớn. Gió sông mát rượi lồng lộng thổi.
Trên con đường làng Thiện Phiến, từng toán người nhịp nhàng gánh những đon lúa vàng trĩu hạt. Họ rẽ ngoặt vào con đường nhỏ lượn quanh làng. Xa xa bóng những du kích gác nhấp nhô trên bờ ruộng phía bốt Triều Dương. Từng vàng nón lay động như những bông hoa trắng lớn nở trên thảm lúa tươi vàng.
Na đặt gánh dưới bụi cây râm mát. Chỗ này kín đáo, khuất sau những lũy tre. Na lấy nón quạt, bảo bạn:
– Nghỉ tí đã cậu, mệt lắm!
– Gớm! Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Chưa chi mà đã…
Cặp mắt Tý đen láy, tinh nghịch nhìn lên. Một nốt đồng tiền lúm trên đôi má ửng đỏ. Na cười hiền hậu:
– Thì ai dám bì sức với cô! Chỉ có anh Tuấn họa chăng là…
Nghe nhắc đến người yêu, Tý lườm bạn:
– Cái quái lại sắp dở chuyện rồi đấy!
Tý hơn Na một tuổi. Cả hai đều ở trong đội du kích xã Thủ Sỹ. Họ thân nhau từ tấm bé. Tý ở cùng xóm với Tuấn, một thanh niên du kích lầm lì gan dạ. Cả ba người lớn lên sau những rặng nhãn xanh tươi của một xóm nhỏ làng Thiện Phiến. Tý đẹp nhất vùng, nhiều anh trai làng ngấp nghé.
– Nhãn ăn được rồi cậu ạ! Trông ngon quá!
Tay Na đang níu một cành nhãn, rung rung. Rồi quay lại phía sau, phát mạnh vào cánh tay bạn.
– Này, bẻ non các cụ chửi chết!
Nắng lọc qua vòm lá, đổ lấm tấm trên màn áo nâu non bó sát thân hình tròn lẳn của người con gái. Na đưa mắt nhìn Tý ngẫm nghĩ: Con bé vui hát như chim. Không bao giờ nó chịu để yên chân, yên tay lấy một phút. Người ta bảo cái Tý hót như sáo cả ngày. Nó đúng là vô tâm.
Tay Na rời cành nhãn. Vài là nhãn rụng bay trước gió. Ngày nay trên con đường 39 không còn bóng dáng những vòm lá nhãn sum suê, râm mát che bóng cho khách đi đường những ngày nắng gắt. Giặc đã tàn phá, chặt trơ trụi hết cành lá. Chúng bổ gốc lấy thân cây về chấn công sự xây đồn. Con đường 39 trơ trụi bị vết tích xe tăng háp-tờ-rác cầy lên từng quãng. Cây nhãn mé đầu làng còn sống sót lại là chỗ để an hem du kích hội ý hoặc nghỉ ngơi. Một toán người gánh lúa đi qua. Tiếng cười nói vui vẻ vây quanh hai chị du kích.
– Hai cô chưa về à?
– Còn đợi ai đấy?
– Này thằng Tuấn đang đi sau. Nó gửi lời hỏi thăm.
Một thanh niên tiến lên tinh nghịch nhìn Tý:
– Anh chị lại hẹn nhau dưới gốc nhãn rồi!
Tý cười hồn nhiên không chịu kém:
– Chuyện! Thế mà có người mong mãi không được!
Anh chàng bị hụt luôn mấy đám trúng nọc, đỏ tai im bặt, quay ngoắt đi.
Người đi sau cùng là Tuấn. Anh có dáng người khỏe mạnh, đôi vai nở rộng, bước đi chắc nịch như tất cả những người trai đồng bằng đang độ lớn.
Thấy Tuấn, Na ra hiệu cho anh dừng gánh nghỉ:
– Buổi họp thanh niên hôm qua kết quả thế nào anh?
Tuấn trả lời thong thả:
– Giờ các tổ văn nghệ cứ chuẩn bị tiết mục trước để mấy hôm nữa thư mùa cái đã.
Nghe nói liên hoan, Tý ríu rít hỏi Tuấn:
– Em thấy nói định tổ chức to phải không anh?
– Ai bảo cô thế?
– Cái Nụ.
Tuấn có vẻ chín chắn:
– Cũng thường thôi! Còn lo việc khác chứ, vây bốt, quấy rối địch…
– Quấy rối thì cứ quấy rối, bao vây cứ bao vây, còn vui cứ vui chứ!
Tuấn muốn đi ngay nhưng bị Tý níu lại hỏi. Tính Tuấn nhút nhát. Anh không muốn nói chuyện với Tý nhiều ở trước đám đông. Anh chỉ thích nhất được thủ thỉ với người yêu dưới gốc nhãn sau nhà Tý trong đêm vắng.
Một người con gái vác đòn càn ở xa đi tới. Thoáng thấy hai người đang nói chuyện, chị đã cất tiếng hò lanh lảnh:
Tình cờ mà gặp nhau đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng… ơ hò…
Cả bọn phá lên cười. Tý nhận ngay ra Mơ, cùng trong hàng ngũ du kích, có tiếng hay trêu chọc. Mơ nói bâng quơ:
– Gớm! Đi đâu cũng gặp cả anh lẫn chị!
Hai tai Tuấn đỏ gay. Anh đang lúng túng không biết nên đứng lại hay nên đi. Vừa may mấy bóng người vừa ló lên mặt đê. Tuấn vớ được dịp gọi với:
– Anh Thân ơi! Chờ tôi cùng về với!
Tuấn quẩy gánh vội vã bước nhanh. Một đon lúa rơi ra ven đường Tuấn cũng không kịp đứng lại để nhặt.
– Anh đi đâu vội thế?
Tý phát vào vai Mơ:
– Đùa gì mà đùa dai như đỉa đói!
– Bênh nhau à?
– Không bênh nhau còn bênh ai?
Khi Tuấn gánh lúa đi khuất sau ruộng mía quanh làng, anh vẫn còn nghe tiếng cười đuổi theo tinh nghịch.
*
Trong đêm tối, từng toán người len lỏi qua các xóm về phía cuối thôn. Họ đến địa điểm an toàn, cách đường 39 hơn năm cây số. Nơi đây du kích bảo vệ cơ sở bí mật, dựng nhiều điếm canh, nhiều hàng rào chông. Anh chị em thường gọi đùa là hậu phương tự do của xã.
Mấy chị bá vai nhau cười khúc khích.
– Hôm nay ra mà nghe cái Tý hát.
– Anh Quyền ra vai gì các cậu?
– Đóng vai chính đấy!
Một chị ghé sát tai Mơ thì thầm:
– Con bé này phải lòng thằng Quyền đến nơi rồi!
Mơ đấm lưng bạn nhưng trong bụng cũng thấy thinh thích:
– Ranh con chỉ nói nhảm!
Cả xã này không ai không biết tài văn nghệ của Quyền. Nhà Quyền vào loại khá nhất trong làng. Một số anh em không ưa vì tính Quyền lúc thường hay ba hoa bẻm mép, nhưng lại nhát gan. Thật ra Quyền cũng chả ưa gì vào du kích, nhưng vì say mê Tý, Quyền viện lẽ xin vào tổ văn nghệ của du kích xã. Quyền không lạ gì mối tình giữa Tý và Tuấn. Nhưng sắc đẹp và tính tình hồn nhiên của cô gái dậy thì làm hắn ngẩn ngơ mù quáng. Quyền vẫn cố tình theo đuổi, tin rằng tài văn nghệ của mình sẽ làm Tý phải xiêu lòng.
Hôm nay Quyền vui sướng vì sắp được đóng vai vợ chồng với Tý. Quyền chạy lăng xăng thúc giục ra vẻ đàn anh. Thỉnh thoảng Quyền dừng lại liếc Tý đang hóa trang. Dưới ánh sáng ngọn đèn ba dây, vẻ mặt Tý càng tươi mơn mởn.
– Quái! Sao hai bên má cứ không đều thế này?
Tý soi gương lẩm bẩm. Quyền vội đến sát cạnh:
– Đánh phấn hồng như thế làm gò má cao lên, trông xấu lắm!
– Anh quen tay đánh hộ với!
Mấy đầu ngón tay Quyền mơn man trên má người con gái.
– Đây, chỗ này chưa có.
Tý hồn nhiên kéo tay Quyền dịch xuống. Anh chàng mê mải quên cả kéo màn. Phía ngoài đồng bào đã có người sốt ruột. Mấy chú bé đùa nhau cười nói lộn xộn.
– Không ra mau, bắt đồng bào chờ đến bao giờ?
– Nhanh lên! Không muộn rồi!
Nghe giọng nói gay gắt, Quyền quay lại. Hắn bắt gặp cặp mắt khó chịu của Tuấn đang nhìn hai người. Tuấn trong ban tổ chức đến từ lâu. Nhìn Quyền cứ vớ vẩn quấn quanh Tý, anh thấy bừng bực trong lòng, nhưng cố nhịn. Khi Tý nắm tay Quyền, anh không thể để yên được nữa. Trông gai mắt quá, Tuấn ghét cay ghét đắng con người nói nhiều, làm ít, tính hay bờm xơm.
– Nhanh lên! Không đồng bào ra về bây giờ!
Tuấn nhắc lại lần nữa. Mấy ngón tay ngập ngừng tiếc rẻ rời đôi má mơn mởn. Quyền quay đi, nói to làm bộ tự nhiên:
– Thôi, các cậu sửa soạn ta kéo màn đi thì vừa!
Tý vuốt vội mái tóc lẩm bẩm:
– Cứ giục rối lên thế này. Bực quá!
Vở kịch bắt đầu. Tý hát điệu bồng mạc. Giọng của Tý trong vắt và êm đềm như dòng sông chảy giữa mùa xuân. Vở dân ca này do Quyền soạn. Câu chuyện tả cặp vợ chồng trẻ vừa lấy nhau chưa được hai tháng thì có phong trào tòng quân. Anh chồng dùng dằng, người vợ cố nén lòng, an ủi, khuyến khích để chồng yên tâm ra đi.
Điệu bộ Quyền khéo léo diễn tả đúng lúc. Giọng Quyền ấm ngân dài, đôi lúc lắng xuống, thấm nhẹ vào tâm hồn người xem. Cả khu im lặng mê man theo tiếng hát. Một chị du kích xuýt xoa:
– Hay! Hay quá!
Tuấn ngẩn người, bị tiếng hát lôi cuốn. Có tiếng bàn tán thì thầm của mấy thanh niên ngồi cạnh anh.
– Nó hát hay như thế đến mình cũng phải mê nữa là con gái.
Tự nhiên Tuấn sa sầm nét mặt. Trên sân khấu, cặp vợ chồng trẻ đã đến giờ chia tay. Tý quyến luyến nắm tay Quyền không muốn rời. Trong đám người xem có nhiều chị xúc động, mắt hoe đỏ:
– Y như vợ chồng thật ấy nhỉ!
Mơ ngồi bên, tấm tắc khen. Câu nói vô tình như mũi kim đâm vào ruột gan Tuấn. Anh quay ngang bực bội gắt:
– Im cho người ta xem.
Mơ tủm tỉm cười nhìn Tuấn. Chị hiểu nỗi lòng của anh du kích.
Tiếng đại bác đột nhiên nổ dữ dội phía Thái Bình. Chớp sáng vụt lóe lên một vùng bên kia sông Luộc. Trong đám người xem đã có vẻ nhốn nháo.
Nhiều người lộ vẻ lo lắng. Từ góc trái sân khấu nổi lên những tiếng xì xào. Mọi người ngước nhìn những vệt sáng trong tối, tiếp theo là những tiếng nổ giòn mỗi lúc một gần. Có tiếng nói to của đồng chí chính trị viên xã đội:
– Anh chị em du kích cần giữ trật tự cho đồng bào, đề phòng kẻ gian lợi dụng cơ hội để phá rối. Đề nghị bà con bình tĩnh để tiếp tục đêm vui. Tiếng đại bác nghe giòn nhưng rất xa. Theo quy luật, vào giờ này địch thường bắn vu vơ để uy hiếp. An hem du kích đã canh gác khắp mấy ngả, nếu có hiện tượng địch đi càn du kích cũng sẽ biết trước.
Số người rục rịch định ra về đã ngồi lại. Trên sân khấu, giọng Tý lại cất lên trong vắt. Một loạt súng đại bác lại dội liên tiếp. Quyền lo lắng, tiếng hát đã lạc giọng. Quyền liếc nhanh sang mạn Thái Bình, điệu bộ càng lúng túng. Tiếng cười khúc khích nổi lên trong đám du kích trẻ tuổi:
– Cu cậu bắt đầu mất tinh thần rồi.
– Lại sắp sửa chuồn như lúc mới chống càn thôi!
Một chị bĩu môi mỉa mai:
– Con trai gì mà nhát như cáy.
Tiếng đại bác thưa dần, thưa dần rồi ngừng hẳn.
Quyền như vừa trút được gánh nặng. Đóng xong vở kịch Tý xuống tìm Tuấn nhưng anh du kích đã bỏ về từ bao giờ.
*
Ra đến ngõ bà Cần còn quay lại dặn con:
– Bu họp xong còn xuống bà Xã Vang có tí việc. Con cứ đi ngủ trước đi.
Chồng chết từ lúc Tý mới chập chững biết đi, bà Cần chỉ có Tý là con một. Hai mẹ con rau cháo nuôi nhau. Bà đã tần tảo sớm hôm, sống qua những ngày khó khăn của nạn đói năm Ất Dậu và những ngày đầu kháng chiến. Bây giờ Tý đã lớn, giúp đỡ bà nhiều trong việc làm ăn. Cửa nhà đã khấm khá hơn. Bà thương yêu chiều chuộng Tý, vì đó là nguồn hy vọng và an ủi độc nhất của bà.
Tý nhìn mẹ đi ra ngõ. Chị vào lấy dao ra sân chặt mía để ngày mai đi chợ Bốt.
Tiếng dao chặt mía đều đều. Tý vừa làm, vừa hát. Dáng người con gái đang độ lớn phơi phới như ngọn lúa xanh đồng bằng đang lên.
Những ngọn mía xếp đống ở góc sân càng nhiều. Có bóng người thấp thoáng qua hàng giậu góc vườn, phía cây nhãn. Một tiếng đằng hắng cất lên. Chị du kích mỉm cười, nét tươi vui hiện ra trong đôi mắt sáng. Chị đi tắt qua luống cải ra ngõ sau.
Tuấn cầm thanh mã tấu. Anh vừa ở vọng gác về. Hai người ngồi bệt xuống đám cỏ dưới gốc nhãn. Những lần trước gặp nhau, thái độ Tuấn thân mật khác hẳn. Hôm nay, nét mặt anh hờ hững. Mấy đêm liền, câu chuyện tối liên hoan dằn vặt anh khổ sở. Tuấn nghi ngờ Tý đã có gì thay đổi. Tự nhiên anh có ý nghĩ so sánh mình với Quyền. Về thành tích chiến đấu rõ ràng Quyền kém anh xa. Nhưng có những mặt Quyền khá hơn, nhất là tài văn nghệ. Giọng hát của Quyền dễ làm xiêu lòng bao cô gái làng, Quyền kể chuyện lại có duyên, các cô cứ sán vào nghe, Tuấn suy nghĩ, lo lắng nhất về chuyện cưới xin. Chưa có điều gì thật chắc chắn bảo đảm bà Cần bằng lòng cho Tuấn lấy Tý. Hai người tuy đã yêu nhau tha thiết, nhưng Tý vẫn phải giấu mẹ, chối quanh. Tuấn biết bà Cần vẫn có ý muốn tìm nơi khá giả để sau này con gái được nhờ. Nhà Quyền vốn giàu có hơn tất cả bà con trong xóm, nên bà đã để ý tới.
Tý vẫn không biết một tí gì về những điều làm cho Tuấn thắc mắc. Chị yên lặng nhìn ra cánh đồng, Tuấn bắt đầu gợi chuyện.
– Tối kịch có kết quà đấy nhỉ?
Anh muốn thăm dò thái độ của Tý. Cặp mắt người con gái nhìn Tuấn hơi có vẻ ngạc nhiên:
– Hôm ấy sao đang xem anh lại bỏ về?
Tuấn lúng túng:
– Tôi về gặp anh Thân bàn tí việc.
Tý tin ngay. Chị vui vẻ khoe với người yêu:
– Đồng bào thích lắm! Bọn cái Mơ, cái Nụ nó cũng bảo thế! Chúng nó thích nhất là nghe anh Quyền hát. Cứ như rót vào tai ấy!
Một bóng mây chợt đến che lấp mặt trăng. Tý không thấy nét mặt Tuấn thay đổi nhanh chóng. Một cái gì chẹn lấy cổ làm Tuấn khó thở. Giọng Tý vẫn náo nức:
– Anh Quyền ra vai gì cũng hay. Em cho là ngay đội kịch của huyện cũng khó có ai ăn đứt.
Tuấn lặng người. Anh thấy trong lòng tê tái. Hình ảnh hai bàn tay nắm nhau hôm nào lại hiện lên chập chờn trước mắt. Tai anh còn nghe văng vẳng câu nói của Mơ:
– Giỏi thật! Y hệt như vợ chồng!
Một nỗi bực bội ghê gớm cuồn cuộn dâng lên trong lòng. Anh đứng dậy lẳng lặng bước đi. Tý ngạc nhiên mở to mắt.
– Kìa anh Tuấn! Anh Tuấn!
Tuấn vẫn như không nghe tiếng gì. Tý lạ lùng chạy theo nắm áo kéo lại!
– Anh Tuấn! Sao tự nhiên lại về?
Tuấn gạt tay Tý không trả lời.
– Hôm nay anh sao thế?
– Chả sao cả. Cô buông ra để tôi đi có việc.
Tiếng Tuấn dằn dỗi, nét mặt cau có. Tý bực mình, vùng vằng:
– Em không buông. Anh phải nói rõ tại sao mà anh lại thế?
– Ô hay! Trẻ con thật!
– Ừ, trẻ con… Nhưng nếu anh không nói thì cứ đứng đây đến sáng.
Giọng Tuấn dài thượt mỉa mai:
– Giữ làm quái gì? Báu gì? Tôi thì đâu được tài giỏi bằng anh Quyền nhà cô!
Tý vẫn ngây thơ:
– Sao anh lại đem ví mình với Quyền? Nó chưa đáng là bạn sơ, không nói là bạn thân…
Tý ngập ngừng, giọng trách móc:
– Sao anh lại dở hơi như thế?
Tuấn nghe hơi mát lòng nhưng vẫn chưa hết bực.
Không hiểu sao tự nhiên anh buột miệng:
– Cô khen nó thì ra mà đi với nó. Hát hay, kịch giỏi, con nhà giàu, muốn gì chả được!
Đến bây giờ Tý mới chợt hiểu. Tuấn ghen với Quyền từ bao giờ mà chị không hay. Tý vừa bực, vừa thương hại. Chị dịu dàng nhận lỗi:
– Khổ quá! Tính em cứ vô tâm như thế. Em có biết đâu!
Đám mây lướt qua, trăng lại sáng vằng vặc. Nét mặt Tuấn tươi tỉnh dần. Nhưng khi anh cười vui vẻ, thì lại đến Tý hờn mát:
– Anh chưa thật hết lòng với em. Chưa chi đã ghen bóng, ghen gió…
Tý cúi mặt yên lặng. Giọng chị buồn bã nghe như hơi gió thoảng qua:
– Anh quên đã bao nhiêu lần sống chết với nhau rồi à?
Tự nhiên Tuấn thấy mủi lòng. Những hình ảnh thắm thiết, những kỷ niệm đau xót trong những ngày chiến đấu gian khổ vụt sống lại. Tất cả đều ghi dấu chân hai người từ bờ đê sông Luộc, bãi mía, nương khoai, con đường 39, đến cả gốc nhãn hai người đang ngồi. Tuấn thấy rõ điều nghi ngờ của mình vừa rồi đã dằn vặt Tý. Anh hối hận, đặt tay lên vai Tý như muốn xin lỗi người yêu.
Tý trở lại vui vẻ, cười nói như thường. Tuấn bồi hồi nhớ lại những ngày qua…
Chương 1 - 1 -
Tiến >>
Nguồn: Sách này được thực hiện theo dự án SÁCH HIẾM – Số 6/2014 bởi các thành viên diễn đàn Gác Sách
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 27 tháng 3 năm 2025