Hoa Hồng Đêm

thái trí hằng

Giới Thiệu

Từng cho rằng, sau khi viết xong cuốn Cây tầm gửi dài 12 vạn chữ, có lẽ tôi sẽ không thể viết thêm cuốn tiểu thuyết 12 vạn chữ nào nữa.

Nói cho chính xác, tôi cho rằng mình sẽ không viết tiểu thuyết nữa.

Nhưng, bộ truyện Hoa hồng đêm này lại có một số điểm trùng hợp tương tự với Cây tầm gửi.

Thứ nhất, tên cả hai đều có ba chữ;

Thứ hai, cả hai đều là thực vật;

Thứ ba, cả hai đều 12 vạn chữ.

Tôi buộc phải nói rõ trước đó là “trùng hợp”, để tránh cho các bạn cảm thấy cuốn tiểu thuyết tiếp theo của tôi, có lẽ cũng sẽ là tiểu thuyết 12 vạn chữ kiểu Hoa loa kèn, Uất kim hương, Tử la lan…

Hoa hồng đêm vốn không phải tên Hoa hồng đêm, ít nhất là vào khoảng ba năm về trước.

Lần đầu tiên khi tôi có mong muốn viết nên câu chuyện này, nó không hề mang tên Hoa hồng đêm.

Mà là một cái tên khác.

Một cái tên không phải Hoa hồng đêm.

Còn nó tên là gì, đến giờ tôi vẫn không biết.

Bởi vì ba năm trước, tôi chỉ viết vài câu trong file máy tính, rồi lưu lại là “noname.doc”.

Sau ba năm, khi đọc lại những dòng chữ của “noname.doc”, tôi quyết định hoàn thành nó.

Bởi nếu có những câu chữ, đã trải qua ba năm, mà cảm giác khi đọc vẫn vẹn nguyên không thay đổi, thì rất đáng để hoàn thành.

Vì thế tôi dùng tám mươi buổi tối, viết xong Hoa hồng đêm.

Trong quá trình này, không có chuyện gì đặc biệt xảy ra, ngoài việc đánh vỡ hai tách trà.

Khi viết Hoa hồng đêm, tôi rất tập trung, nhưng tâm trạng lại thả lỏng, tránh dùng “quá sức”.

Cũng giống như đánh bóng chày, khi pitcher(1) ném cú bóng tốc độ cao nhất, hoàn toàn không phải là dùng sức mạnh nhất.

Vì thế so với Cây tầm gửi, tiết tấu của Hoa hồng đêm nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Còn việc Hoa hồng đêm viết có tốt hay không, thì tôi không bận tâm lắm.

Bởi vì điều tôi quan tâm nhất, là tôi có tiếp tục “sáng tác” hay không.

Theo định nghĩa của tôi, sáng tác và viết lách không hoàn toàn giống nhau.

Có lẽ tôi có thể nhờ ăn may mà viết ra được một tác phẩm phóng khoáng tiêu dao, hoàn mỹ trọn vẹn, nhưng chỉ cần trong tác phẩm đó không có linh hồn của tôi, không có những điểm khác biệt rõ rệt giữa tôi và người khác, thì nó chỉ là “viết lách”, chứ không phải là “sáng tác”.

Đối với tôi, việc sáng tác, giống như một người leo núi Himalaya mà không đeo bình dưỡng khí. Quá trình đó cô độc, hơn nữa thường hít thở khó khăn. Nhưng tôi thật sự rất muốn viết.

Tôi sáng tác trên mạng, cũng nhờ mạng mà được mọi người biết đến. Vì thế rất nhiều người viết thư qua mạng cho tôi, nói với tôi, họ muốn viết.

Nhưng họ không viết được, không viết nổi, không hài lòng với những gì mình viết.

Tôi luôn viết thư lại hỏi họ: “Bạn có thật sự muốn viết không?”

Nếu “muốn”, hơn nữa còn “rất muốn”, vậy thì bạn chính là dòng Trường Giang cuồn cuộn.

Bạn đã bao giờ thấy khi Trường Giang muốn chảy ra biển lớn, lại sợ mấy cây gỗ nhỏ chắn đường chưa?

Tôi luôn cảm thấy, không gian sáng tác trên mạng mênh mông rộng lớn như thảo nguyên, người viết trên mạng nên giữ lại tính hoang dã của động vật, bắt mồi bằng móng vuốt và tốc độ, không nên bị nuôi dưỡng bởi danh lợi và được mất.

Một khi đã bị nuôi dưỡng, tuy có thể tránh được nguy cơ đói rét, nhưng cũng mất đi khoái cảm săn mồi.

Điều quan trọng nhất là, bạn sẽ bắt đầu chú ý tới ánh mắt bên ngoài chiếc lồng.

Vì thế tôi chẳng hề bận tâm Hoa hồng đêm rốt cuộc là thỏ, linh dương hay ngựa vằn.

Điều tôi quan tâm là, liệu tôi có vì cảm giác đói khát do khát vọng sáng tác mang đến mà tiếp tục săn mồi hay không.

Tôi càng không cần phải bận tâm tới những áp lực do bất kỳ ánh mắt nào của người đời mang lại.

Bởi vì trong thế giới của tôi – vốn không có cái lồng nào.

Thái Trí Hằng

Đại học Thành Công Đài Nam – tháng 9 năm 2002

Giới Thiệu

Tiến >>


Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 24 tháng 12 năm 2020