Được Học

tara westover

dịch giả: nguyễn bích lan

Lời chú giải của tác giả

dành tặng tyler

Quá khứ đẹp bởi vì con người ta không bao giờ hiểu rõ một cảm xúc ở thời điểm đó. Mãi đến sau này cảm xúc đó mới phát triển, vậy nên chúng ta không có được những cảm xúc trọn vẹn về hiện tại, mà chỉ về quá khứ.

Virginia Woolf

Cuối cùng thì tôi cũng tin rằng giáo dục chắc hẳn được hình thành nhờ những kinh nghiệm được tái thiết liên tục; rằng quá trình và mục đích của giáo dục là một và như nhau mà thôi.

John Dewey

Lời chú giải của tác giả

Câu chuyện này không xoay quanh phái Mặc Môn (Mormon). Và nó cũng không nói về một đức tin tôn giáo nào khác. Trong câu chuyện có khá nhiều kiểu người, người là tín đồ, người không; rồi thì người tử tế, người không. Tác giả không tán thành bất cứ sự đối chiếu nào, dù là tích cực hay tiêu cực, giữa những kiểu người đó.

Những tên gọi dưới đây (theo thứ tự bảng chữ cái) là hư cấu: Aaron, Audrey, Benjamin, Emily, Erin, Faye, Gene, Judy, Peter, Robert, Robin, Sadie, Shannon, Shawn, Susan, Vanessa.

Một số chú thích được đưa vào cuốn sách này là để những ký ức khác với ký ức của tôi có tiếng nói. Những ghi chú liên quan đến hai câu chuyện – chuyện Luke bị bỏng và chuyện Shawn ngã từ tấm nâng – là quan trọng và cần dẫn giải thêm.

Trong cả hai sự việc nói trên, những chi tiết không nhất quán giữa hai lời kể là khá nhiều và đa dạng. Nói về chuyện Luck bị bỏng. Mọi người có mặt ngày hôm ấy hoặc có nhìn thấy một người nào đó, hoặc không. Bố tôi nhìn thấy Luke, và Luke nhìn thấy bố. Luke nhìn thấy tôi, nhưng tôi không nhìn thấy bố và bố không nhìn thấy tôi. Tôi nhìn thấy Richard và Richard nhìn thấy tôi, nhưng Richard không nhìn thấy bố, và cả bố lẫn Luke đều không nhìn thấy Richard. Điều gì đã tạo lên mâu thuẫn như trò kéo quân vậy? Sau khi tất cả đã quay vòng tròn, khi tiếng nhạc cuối cùng cũng ngừng lại, người duy nhất mà mọi người đều nhất trí rằng đã có mặt ở đó ngày hôm ấy, là Luke.

Chuyện Shawn ngã từ trên tấm nâng xuống thậm chí còn gây bối rối hơn. Tôi không có mặt ở đó, tôi chỉ kể lại những gì được kể cho nghe, nhưng tôi tin rằng đó là sự thật bởi nhiều năm trước tôi đã nghe nhiều người kể như vậy, và bởi vì Tyler cũng nghe kể y như thế. Mười lăm năm sau, anh vẫn nhớ chuyện đó giống hệt tôi đã nhớ. Vậy nên tôi đưa nó vào trang viết. Nhưng một phiên bản khác của chuyện này xuất hiện. Chẳng đợi chờ gì hết, phiên bản ấy khẳng định, máy bay trực thăng được gọi tới ngay tức khắc.

Nếu nói rằng những chi tiết này không quan trọng thì đó là tôi nói dối; rằng dù bạn tin lời kể nào thì “bức tranh toàn cảnh” vẫn không thay đổi. Những chi tiết ấy quan trọng đấy. Bố tôi bảo Luke xuống núi một mình, hay bố đã không làm thế; bố đã để Shawn ngồi dưới nắng với chấn thương nghiêm trọng ở đầu, hay bố không làm thế. Một người bố khác, một con người khác, được sinh ra từ những chi tiết đó.

Về chuyện Shawn ngã, tôi không biết tin vào lời kể nào. Đáng chú ý hơn, tôi không biết nên tin vào phiên bản nào của chuyện Luke bị bỏng, mà tôi có mặt ở đó hẳn hoi. Tôi có thể trở lại thời điểm đó. Luke ở trên cỏ. Tôi nhìn xung quanh. Chẳng có ai khác ở đó, không thấy bóng bố tôi đâu, thậm chí không hề có ý niệm bố tôi đang xốc tới ở bên rìa ký ức của tôi. Bố không ở đó. Nhưng trong ký ức của Luke, bố ở đó, nhẹ nhàng đặt anh vào bồn tắm, cho anh dùng thuốc vi lượng đồng căn để chống sốc.

Điều tôi rút ra từ chuyện này là việc điều chỉnh lại, không phải ký ức của tôi mà cách hiểu của tôi. Tất cả chúng ta đều phức tạp hơn những vai mà chúng ta được phân cho trong những câu chuyện mà người khác kể. Đây là điều đặc biệt đúng trong các gia đình. Khi một trong những người anh của tôi lần đầu tiên đọc lời kể của tôi về cú ngã của Shawn, anh ấy đã viết cho tôi: "Anh không thể tưởng tượng nổi là bố gọi 911. Thà Shawn chết." Nhưng có thể không. Có lẽ, sau khi biết con trai mình bị vỡ sọ, bố tôi không còn là người mà vốn dĩ chúng tôi nghĩ là ông, và cũng không phải cái người mà nhiều năm sau này chúng tôi coi là ông. Tôi luôn biết rằng bố tôi yêu con cái, yêu mãnh liệt; tôi luôn tin rằng mối thù ghét các bác sĩ ở ông còn mạnh mẽ hơn. Nhưng có thể không. Có lẽ, vào thời điểm đó, thời điểm khủng hoảng thực sự, tình yêu của ông đã chiến thắng cả nỗi sợ hãi lẫn mối thù ghét trong ông.

Có lẽ bi kịch thực sự là, bố tôi có thể sống trong tâm trí chúng tôi, trong tâm trí các anh tôi và tôi, theo cách này, bởi phản ứng của ông vào những thời điểm khác – hàng nghìn sự việc nhỏ nhặt hơn và các khủng hoảng ít nghiêm trọng hơn – đã khiến chúng tôi thấy ông trong vai đó. Tin rằng nếu chúng tôi ngã, bố sẽ không can thiệp. Thà chúng tôi chết.

Tất cả chúng ta đều phức tạp hơn những vai mà ta được phân cho trong các câu chuyện. Không điều gì tiết lộ sự thật đối với tôi hơn việc viết tự truyện này – cố gắng giữ những người tôi yêu mến trên trang sách, để nắm bắt toàn bộ ý nghĩa về họ trong vài từ, việc mà tất nhiên là bất khả thi. Đây là điều tốt nhất tôi có thể làm: kể câu chuyện khác song song với chuyện tôi nhớ được. Về một ngày hè, một đám cháy, mùi thịt cháy, và một người cha giúp con trai mình xuống núi.

Lời tựa

Tôi đang đứng trên nóc toa tàu hỏa bị vứt bỏ cạnh khu chuồng trại. Gió thổi ào ào làm tóc tôi bay lòa xòa khắp mặt và đẩy cái lạnh xuống cổ áo sơ mi không cài cúc của tôi. Càng tới gần núi, những cơn gió càng mạnh, như thể chính đỉnh núi đang thở ra gió vậy. Ở phía dưới, thung lũng thanh bình và yên ả. Trong khi đó trang trại của chúng tôi đang múa: những cây tùng khế đung đưa, đám ngải đắng và những cây kế rung rinh, uốn cong trước mỗi luồng gió thổi ào qua và trước mỗi lỗ hổng không khí. Phía sau tôi, sườn đồi cao dần, cao dần rồi nối vào chân núi. Nếu tôi ngước lên, tôi có thể nhìn thấy hình dáng của nàng công chúa da đỏ hiện ra đen sẫm.

Quả đồi được phủ một thảm lúa mỳ mọc hoang. Nếu như đám tùng và ngải đắng là những nghệ sĩ độc diễn thì cánh đồng lúa mỳ là một vũ đoàn ba-lê, mỗi thân lúa đều hòa theo những thân lúa khác trong chuyển động vỡ òa, cả triệu vũ công ba-lê uốn mình, hết lượt này sang lượt khác, khi gió đập mạnh những cái đầu màu vàng sẫm của chúng xuống. Cảnh đó chỉ diễn ra trong thoáng chốc, gần như khi ai đó bắt đầu nhìn thấy gió.

Quay đầu về phía nhà chúng tôi trên sườn đồi, tôi nhìn thấy những chuyển động khác, những cái bóng cao cứng nhắc di chuyển qua những luồng gió. Các anh trai tôi đã thức dậy, đang ra ngoài xem thời tiết như thế nào. Tôi hình dung mẹ tôi đang ở bên lò nướng, canh mẻ bánh kếp. Tôi hình dung ra bố tôi cúi lom khom gần cửa sau, buộc dây đôi giày mũi thép của ông và xỏ đôi tay đầy vết chai vào đôi găng tay của thợ hàn. Trên đường cao tốc ở phía dưới, chiếc xe buýt của trường học chạy qua mà không hề dừng lại.

Tôi mới bảy tuổi, nhưng tôi đã hiểu một điều, hơn bất cứ điều gì khác, điều này khiến gia đình tôi trở nên khác biệt: Chúng tôi không đến trường.

Bố lo rằng Chính phủ sẽ buộc anh chị em tôi phải đến trường, nhưng không thể, bởi vì Chính phủ không biết về sự tồn tại của chúng tôi. Bốn trong số bảy đứa con của bố mẹ tôi không có giấy khai sinh. Chúng tôi không có sổ khám chữa bệnh bởi vì chúng tôi được sinh tại nhà và chưa bao giờ đi khám bác sĩ hoặc y tá[1]. Chúng tôi không có hồ sơ ở trường học bởi vì chúng tôi chưa bao giờ đặt chân đến lớp học. Khi tôi chín tuổi, tôi sẽ thuộc diện làm giấy khai sinh muộn, nhưng bây giờ, theo bang Idaho và Chính phủ Liên bang, tôi không tồn tại.

Dĩ nhiên tôi tồn tại. Tôi lớn lên chuẩn bị cho Ngày Tận Thế, chờ mặt trời tối sầm lại, chờ mặt trăng nhỏ giọt như nhỏ máu. Mùa hè nào cũng như mùa hè nào, tôi dồn những quả đào vào các bình chứa, còn mùa đông tôi quay vòng đồ dự trữ. Khi thế giới của con người sụp đổ, gia đình tôi sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, chẳng bị ảnh hưởng gì.

Tôi được giáo dục theo nhịp của núi, những nhịp điệu chẳng mấy khi thay đổi mà chỉ mang tính tuần hoàn. Sáng nào cũng như sáng nào, vầng mặt trời ấy xuất hiện, quét qua thung lũng, và trôi xuống phía sau đỉnh núi. Tuyết rơi vào mùa đông, luôn tan vào mùa xuân. Cuộc sống của chúng tôi là một vòng tuần hoàn – của ngày, của mùa – những vòng tuần hoàn của sự thay đổi không ngừng mà khi hoàn tất lại có nghĩa rằng chẳng có gì thay đổi hết. Tôi tin gia đình mình là một phần của khuôn mẫu vĩnh cửu này, rằng theo một nghĩa nào đó, chúng tôi bất diệt. Nhưng sự bất diệt chỉ thuộc về ngọn núi kia mà thôi.

Có một câu chuyện mà bố tôi thường kể về đỉnh núi ấy. Nàng là điều gì đó thật cổ xưa, uy nghi, là thánh đường của một dãy núi. Dãy núi đó có những ngọn núi khác, cao hơn, uy nghi hơn, nhưng đỉnh Buck được tạo hình đẹp nhất. Chân núi trải ra cả dặm, hình hài sẫm đen của nó phình ra từ mặt đất và vươn lên thành một chóp nhọn hoàn mỹ. Từ xa bạn có thể nhìn thấy vẻ đẹp ấn tượng của thân hình một người đàn bà trên rặng núi: đôi chân nàng hình thành từ những hẻm núi khổng lồ, tóc nàng là những nhành thông xòa trên đỉnh núi phía Bắc. Dáng đứng của nàng oai nghiêm, một chân duỗi về phía trước trong một động tác đầy uy lực, giống đang sải bước hơn là bước đi bình thường.

Bố tôi gọi đó là Nàng Công Chúa Da Đỏ. Hằng năm nàng xuất hiện khi tuyết bắt đầu tan, mặt hướng về phía Nam, nhìn lũ trâu trở về thung lũng. Bố nói những người da đỏ sống du mục chờ sự xuất hiện của nàng như chờ một dấu hiệu báo xuân cho biết tuyết trên núi đang tan, mùa đông đã trôi qua, và đã đến lúc trở về nhà.

Tất cả những câu chuyện của bố đều là về ngọn núi, thung lũng, về khu đất lởm chởm của chúng tôi ở Idaho. Bố chưa bao giờ dạy tôi phải làm gì nếu tôi xuống núi, nếu tôi vượt đại dương, đi xuyên lục địa và nhận ra mình đang ở trên một vùng đất xa lạ, nơi tôi chẳng thể tìm nàng công chúa da đỏ phía chân trời. Bố chưa bao giờ dạy tôi làm thế nào để biết đã đến lúc phải về nhà.

Chú thích:

[1] Trừ chị tôi là Audrey, bởi vì chị từng bị gãy cả tay và chân hồi còn nhỏ. — TG

Lời chú giải của tác giả

Tiến >>

Đánh máy: Pandaa
Nguồn: Pandaa- NXB: PHỤ NỮ VIỆT NAM -
VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Thanh Vân đưa lên
vào ngày: 24 tháng 3 năm 2022