Thiên Nga

minh đức hoài trinh

<< Lui -☆- Tiến >>

Chương I

Tới tháng nầy rồi mà trời còn chưa chịu mưa, nóng điên cả người.

Maurice vừa xếp dọn giấy tờ ở bàn vừa khe khẽ cằn nhằn một mình. Trên trần, tiếng quạt chạy không ngừng thế mà mọi người vẫn có cảm tưởng như chẳng có quạt hay quạt chỉ gởi gió nóng xuống mà thôi. Đệm thêm vào giọng nhạc trầm buồn ấy là tiếng lách tách của mấy cái máy chữ từ các phòng bên vọng lại.

Tất cả mọi âm thanh đều tầm thường u uất như cuộc đời của người công chức ít lương.

Maurice vẫn thù ghét nhất là buổi trưa vì trời càng về trưa càng nóng mà tí nữa còn phải trở lại sở làm việc nghe lại những âm thanh u uất cũ. Nhìn sang phòng bên qua hai cánh cửa không đóng Maurice thấy ông bạn Thiếu tá Georges đang cúi gằm xuống đống hồ sơ, như chẳng hề có một ý niệm gì về thời gian. Không biết đến cái phút thần tiên nhất của những kẻ phải sống giam mình trong bốn bức tường: Cái phút kéo ghế ra về,

– Georges là thằng ngốc.

Chẳng nghe tiếng bạn trả lời, Maurice nói thêm một lần nữa, nhưng lại cũng như lần trước, người bạn vẫn lầm lì cúi xuống mấy trang giấy đầy những gạch và chữ.

– Georges là thằng ngốc.

Lần nầy Maurice hét to lên làm cho Georges phải ngẩng đầu quay nhìn sang phía bạn.

– Mầy có nghe tao nói gì không?

– Có nghe đại khái…

Georges trả lời cho được lòng bạn rồi lại cúi xuống định viết nốt, nhưng Maurice đã đến bên cạnh giật lấy cái bút trong tay bạn.

– Thôi xin ông, ông có biết giùm con mấy giờ rồi không?

Georges lật tay áo nhìn vào chiếc đồng hồ cũ kỹ, nhăn mặt nói để tự chữa lỗi.

– Mải làm việc quên cả ngày giờ, trưa thật nhỉ.

– Vâng, trưa thật, thế bây giờ thì mầy chịu cho người gác đóng cửa về với gia đình họ đấy chứ?

Rồi không để cho bạn kịp trả lời Maurice nói tiếp ngay:

– Hélène vừa giới thiệu cho tao một cô gái Việt rất thuần túy. Hôm nọ đi ngang hiệu sách, gặp hai người đang chọn sách thế là tao phóng vào…

– Chuyện của mầy có dính gì đến tao?

– Nàng khá xinh, tao mời nàng với Hélène đi ăn, nhưng sáng nay Hélène kêu bận, hẳn phải đi theo hầu vị hôn phu, cô ta đợi đến lúc nãy mới điện thoại bảo xin lỗi. Còn có mình tao, sợ không vui nên tao muốn mầy cùng đi…

Nói đến đây Maurice hơi tiu nghỉu nhận thấy bạn có vẻ hờ hững với câu chuyện của mình. Georges vẫn cúi xuống lẩm nhẩm lần theo mấy trang giấy như có ý tiếc rẻ muốn tiếp tục làm cho xong công việc.

Con người ấy lạnh lùng đã nổi tiếng, chẳng biết gì ngoài sự làm việc, bạn bè chỉ có mình Maurice là thân nhất.

Từ độ đổi sang Việt Nam, chưa ai trông thấy Georges đi chơi la cà như những quân nhân xa xứ và xa gia đình khác. Nếu Maurice không bắt buộc, thì chắc hẳn Georges cũng chưa biết thành phố Sàigòn ra thế nào,

Mặc dầu đôi bạn rất khác tính nhau, trong câu chuyện luôn luôn có những điểm bất đồng về quan niệm sống, về cuộc chiến tranh giữa hai nước Việt Pháp, về những thành phần của chính phủ Pháp, Georges vẫn giữ lập trường của mình, chàng tin rằng rồi đây nước Pháp phải trả lại sự tự do cho dân tộc Việt Nam và cuộc chiến tranh vô nghĩa lý nầy phải chấm dứt. Trái lại, Maurice cứ nhất định cãi là nước Việt Nam còn non chưa nên để độc lập hoàn toàn, nếu có độc lập thì cũng chỉ có thể đứng trong khối Liên-hiệp Pháp. Georges đồng ý với Mendès France trong khi bạn chàng không ngớt chửi.

– Sao lại đi giao vận mệnh nước nhà cho một tên Do Thái định đoạt, chỉ nhìn cái mũi Do Thái của hắn ta không thôi mà đã phát ghét.

Thật ra Maurice làm Đại úy cũng như người khác làm nghề súc chai. Đấy chỉ là một phương tiện kiếm ra đồng lương hằng tháng

Đối với Maurice, sống là ăn là chơi, là tận hưởng, như thế mới khỏi phụ lòng tạo hóa.

Georges không thế, giàu tình cảm bên trong nhưng bên ngoài khó ai có thể đoán hiểu.

– Để rồi mầy xem, cô nàng duyên dáng vô cùng, cho mầy mở con mắt mầy ra. Ngộ nhỡ mai kia máy bay mầy có bị trúng đạn, ít nhất trước khi chết mầy cũng biết thế nào là cái duyên của một người đàn bà. Nam-tào Bắc-đẩu có hỏi thăm còn biết đường mà trả lời.

Georges bật cười sau câu nói khôi hài dí dỏm của bạn.

– Ù’ nhỉ, mầy nói đúng.

Mà Maurice nói đúng thật, Georges đã từng gặp rất nhiều người đẹp, nhưng duyên dáng như lời Maurice tả thì chàng chưa được biết, Georges cảm thấy vui lây cái vui của bạn.

– Mầy nhận lời đi ăn cơm tối nay nhé, biết đâu hai người rồi sẽ hợp nhau chứ du côn du kề như tao chắc sẽ bị loại sớm?

Georges nhận lời hắn đi, chàng tò mò muốn nhìn mặt cô bạn gái duyên dáng của Maurice xem con người ấy ra làm sao. Từ trước đến giờ chàng đã có nhiều lần bị thất vọng, sau những cuộc tìm kiếm, những lời giới thiệu nồng hậu như thế mà lần nào rồi cũng chỉ mang đến một sự thật rất mỉa mai. Phần đông cô nào rồi cũng rỗng tuếch như căn nhà chưa có chủ, chưa có cửa ngõ, bàn ghế, và rốt cuộc lại người đàn bà nào cũng giống hệt nhau. Cô gái Togolais hay cô gái Thụy Điển cũng sáng mắt lên trước những món nữ trang óng ánh. Mũi cô nào cũng phập phồng mỗi khi đi ngang cửa hàng nước hoa.

Hôm nay trước sự ngần ngại của bạn làm Georges hơi ngạc nhiên. Tuy rằng chàng đã sẵn sàng đón đợi một lần thất vọng nữa, nhưng biết đâu, biết đâu. Chàng đang muốn tìm hiểu dân tộc Việt-Nam, một dân tộc mà Georges có ngay thiện cảm từ khi bước xuống máy bay. Lúc thoạt nhìn những đôi mắt xênh xếch, những mái tóc cứng tua tủa, những tấm áo dài tha thướt. Nhất là ánh nắng mặt trời mỗi sáng mở cửa sổ như mỗi mùa xuân đang lên. Thế mà tại cái tính lầm lì, tính say mê công việc, và sợ bị thất vọng vì đã quá nhiều lần thất vọng, nên sang Việt Nam từ mấy tháng nay, Georges vẫn chưa gặp một cơ hội nào thuận tiện để làm quen với những người dân Việt.

– Hắn đến đấy, cô cho phép tôi ra đón nhé.

Người thiếu nữ gật đầu nhìn theo bước chân của Maurice đang đi khuất vào bóng tối. Một cảm giác hoang mang vừa ngượng nghịu và tò mò, nàng bằng lòng đi ăn hôm nay, bằng lòng gặp Georges, không phải vì một lý do nào khác mà chỉ vì nghe Maurice ca ngợi ngay từ hôm đầu tiên rằng có người bạn rất thông minh. Tất cả đều công nhận rằng đó là người thông minh nhất phòng tham mưu không quân của Pháp ở tại Sàigòn bây giờ.

Sau ba năm sang học ở Pháp, sống chung đụng với người Pháp, Thiên Nga vẫn cảm thấy không thể, hay chưa có thể chịu nổi những sự bộc lộ trong cảm tình ngôn ngữ. Nàng cho rằng cái gì kém phần kín đáo đều kém phần sâu sắc, làm sao thông cảm được, và Thiên Nga vẫn tự đặt câu hỏi, đông tây có thể nào gặp nhau chăng?

Nhất là mỗi khi nghe kể lại những giai thoại trong thời chiến tranh vừa qua mà cha con vợ chồng cũng giành giựt nhau một miếng thịt, một phần rau. Lại thêm loại tình xác thịt xảy ra giữa hai người đồng giống mà lịch sử vẫn gán cho nữ thi sĩ Hy Lạp Sappho ở Lesbos với các thanh niên Hy Lạp là những kẻ đã bày ra trước nhất loại tình cảm mà tôn giáo nào cũng dành riêng mấy trang kinh sách để ngăn cấm. Một tâm hồn Á đông chịu sao cho nổi.

Muốn giấu sự ngượng nghịu, Thiên Nga quay mặt vào trong chăm chú nhìn mấy bức tranh hoạt họa bằng mực đen treo trên góc tường. Mãi đến lúc có tiếng giày xào xạc nghiến lên sỏi và tiếng nói cười của đôi bạn đang vào gần đến cửa, người thiếu nữ mới quay ra.

– Xin giới thiệu với cô Thiên Nga đây là Thiếu tá Georges bạn tôi, còn đây là cô Thiên Nga một loại đại điểu xinh đẹp mà chúng ta thường hay chạy theo nhìn mỗi khi đi dạo trên những bờ hồ ở Âu châu.

Mọi người đều mỉm cười vì câu giới thiệu kiểu cách, và Maurice được thể nói tiếp trong khi Thiên Nga và Georges đưa tay ra bắt tay nhau.

– Lạy trời cho chúng ta sẽ được một buổi họp mặt vui vẻ hôm nay.

– Có thế mà ông Đại úy của tôi cũng phải lạy trời sao?

– Chứ không ư? Cô Thiên Nga vừa giảng cho tao nghe câu ngạn ngữ: «Một cuộc uống rượu hay một cuộc nói chuyện cũng đều có định trước ». Phải không cô?

– Ai định mới được chứ? – Georges lại hỏi.

– Trời chứ còn ai nữa. Mày lại sắp lên cơn gàn rồi đấy.

– Thật sao cô Thiên Nga, nếu thật thế thì hay quá, tôi chỉ sợ Maurice sang đây lâu rồi lại đâm ra «fataliste ». Những kẻ mới vào đạo bao giờ cũng quá hơn người đạo giòng….

– Thôi đi, ông đang sắp phá con rồi đấy.

Nói xong Maurice xin lỗi để sang phòng trong pha rượu. Vắng bạn, Georges bỗng thấy mất hết can đảm, người thiếu nữ im lặng không biết phải nói gì, nàng cúi nhìn cốc nước lấy ngón tay dí xuống bàn vẽ lăng nhăng để giấu vẻ ngượng ngùng. Thiên Nga biết rằng người đàn ông đang theo dõi từng cử chỉ của mình, ý nghĩ làm nàng càng thêm lúng túng.

Georges mỉm cười, chàng bắt đầu trấn tĩnh lại, và bắt đầu đổi cái nhìn hỗn hợp với muôn nghìn ý nghĩ qua cái nhìn rắn chắc của một nhà giải tích học, không biết nên đặt nàng vào giai cấp nào cho đúng.

Đồng ý với bạn, Georges công nhận rằng người thiếu nữ nầy khá xinh, không phải cái loại nhan sắc búa rìu nghĩa là ai nhìn thấy như bị búa giáng vào mặt. Georges đã chia ra mấy loại nhan sắc, loại búa rìu, loại nước lạnh tức là nhìn vào ta chẳng có cảm giác gì cả, loại thứ ba là loại nhan sắc tự vị. Loại nầy ban đầu mới nhìn thì chưa thấy gì nhưng càng về sau càng thắm thiết, như khi tra tự vị rồi mình mới hiểu hết nghĩa. Đưa ra thảo luận với các bạn có người xin kể thêm một loại nữa là nhan sắc «ống giác ». Nó như cái ống giác hay như loại đỉa nó gặp ai thì nó xoắn vào nó hút lấy da thịt. Georges chưa biết nên đặt Thiên Nga vào loại nào, chắc phải đợi đưa ra thảo luận với Maurice.

Trông nàng giống như người miền núi, xứ Mông Cổ, mái tóc chải cao để lộ chiếc cổ áo cũng rất cao, thòi ra một chút gáy với mấy sợi tóc bướng bỉnh lòa xòa, mặt dài, nước da nâu, lối trang điểm nhẹ nhàng, quả thật nàng không phản bội với cái tên. Nhìn nàng cũng có gì thanh thoát như những con thiên nga. Đặc biệt nhất là đôi mắt xếch hẳn lên, đôi mắt của giống Mông Cổ, cái kiểu mắt nầy đã làm cho người phụ nữ Tây phương mỗi ngày tốn bao nhiêu thì giờ để vẽ cho đúng. Màu đen của ánh mắt ngời lên dưới ánh đèn đêm, cả người nàng bị đôi mắt dành hết.

Georges gật gù, bằng lòng người bạn, ít nhất cũng phải có một lần Maurice và chàng đồng ý với nhau. Tuy vẫn chưa có ai lên tiếng, nhưng Georges cảm thấy có gì thoải mái dễ chịu vô cùng, cái cảm giác mới vừa tắm ở bể lên một chiều hè đẹp trời, nơi quê hương đang hòa với cái cảm giác khi nhìn chiếc bánh đặc biệt của mẹ làm cho các con, riêng những ngày chủ nhật, ăn vào sẽ ngon lành biết mấy.

Không khí trở nên lành mạnh hiền hòa, thứ không khí mà từ lâu lắm Georges chưa được thở, từ khi lập gia đình, từ khi yêu, từ khi ra đời. Thiên Nga mãi đến giờ vẫn chưa thôi dí tay xuống bàn gạch lên những nét vu vơ.

Chiếc áo màu xanh phơn phớt với những nét nhằng nhịt qua lại rất lập thể bó sát lấy tấm thân, lần thứ nhất Georges có dịp nhìn gần một chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam. Nàng xinh quá làm Georges cảm thấy hơi lo ngại, liệu nhan sắc có chịu đi đôi với sự thông minh, tính nết hiền hậu hay là cô thiếu nữ nầy cũng sẽ giống như một hình ảnh chàng đã gặp ở Thụy Sĩ. Biết đâu Thiên Nga cũng giống như cô gái ấy, xinh đẹp vô cùng mà đần độn cũng vô cùng. Hay biết đâu nàng lại chẳng giống như Monique, vợ chàng, rất đẹp và rất không hiền chút nào.

– Ô hay, từ nãy đến giờ chẳng nghe ai nói gì cả.

Maurice ngơ ngác hỏi, chàng cố đứng một lúc ở cửa với khay rượu trong tay, đợi lắng nghe hai người nói chuyện nhưng chẳng nghe được câu nào. Maurice nghĩ thầm hai kẻ nầy mà không trở nên đôi bạn thì chàng xin đi tu và nếu họ ở chung với nhau một nhà thì chắc là láng giềng sẽ bằng lòng lắm, vì khỏi bị những câu chuyện ồn ào phá quấy. Maurice không như thế, tính chàng thích vui nhộn, thích hoạt động, ghét suy nghĩ, ghét cuộc sống phức tạp, nội tâm. Châm ngôn của con người ấy là: «Hôm nay biết hôm nay, ngày mai ra sao thì chờ ngày mai đến hẵng hay».

– Nào cô Thiên Nga uống đi chứ, và Thiếu tá của tôi nữa, xong ta còn bàn xem nên đi ăn chỗ nào cơm Tàu hay cơm Việt, gần sông nước hay vào Chợ Lớn.

– Chịu thôi, đừng hỏi tôi, tôi chẳng bao giờ có ý kiến gì đâu.

Mãi bây giờ mới nghe Thiên Nga lên tiếng. Có Maurice ra, Georges như được thêm tiếp viện, chàng không còn ngại ngùng nữa. Georges mỉm cười nghĩ thầm, cô nầy có rất nhiều em nhỏ ở nhà hay sao mà nghe giọng nói nũng nịu như trẻ con. Georges cũng tinh nghịch bắt chước nhắc lại câu nói của Thiên Nga để trốn cái phần việc phải chọn hiệu ăn mà quả thật chàng không biết gì cả.

Thiên Nga hiểu ngay người ấy muốn phá mình, nàng ngước nhìn lên Georges, cái nhìn thẳng thắn, cái nhìn thứ nhất…

Người thiếu tá bỗng cảm thấy có gì lành lạnh sau lưng, chàng cắn môi đón nhận cái nhìn như kẻ phạm tội đón nhận bản án. Làm sao giảng ra được những mâu thuẫn trong con người ấy, rất anh dũng mà cũng rất yếu đuối.

Georges đưa tay ra níu lấy thành ghế. Cử chỉ lạ lùng bắt Thiên Nga lại phải ngước nhìn lên một lần nữa, cái nhìn thứ hai …

Lần nầy thì yên lòng lắm rồi, Thiên Nga không thể nào giống cô gái Thụy Sĩ năm xưa, người đàn ông tin chắc như thế, bao nhiêu dè dặt ngập ngừng được quét sạch nhờ cái nhìn thứ hai ấy. Georges hỏi Thiên Nga giọng rất tự nhiên như hai người quen nhau đã từ lâu.

– Maurice bảo cô mới về, cô kể truyện quê hương cho tôi nghe đi.

– Hai tháng rồi, tin tức của tôi đã cũ rích, ông ra mua báo Le Monde máy bay mà đọc có hơn không?

– Không sao, tôi có hỏi thăm sức khỏe của ông Coty đâu, tôi chỉ muốn hỏi xem những hiệu sách ở hai bên bờ sông Seine có còn để cho người được tự do đọc nữa không?

Thiên Nga lắc đầu.

– Chỉ cái loại sách vớ vẩn rẻ tiền người ta mới chịu để trần ra, còn những sách nào hơi quý thì các ngài bọc giấy bóng dán kín đầu đuôi lại, mất cả thiện cảm.

Thế là biết rồi, Georges không cần hỏi sang câu thứ hai nữa, cô bé nầy có thể làm bạn được. Georges lựa một câu hỏi rất tầm thường, nhưng với câu trả 1ời chàng có thể đoán được ngay đối phương ở vào loại người nào. Chàng cũng là tay chuyên môn đi lùng ở mấy cái «ke» dọc theo bờ sông, chàng cũng từng cau có khi thấy một quyển sách nào mình định giở xem qua có những gì bên trong, liệu có đáng mua, thế mà gặp người chủ hàng kém tâm lý hay quá ư thương mãi đã bọc kín lại, tức không chịu được.

Nhưng rồi câu chuyện chỉ quanh quẩn có thế, hình như Thiên Nga không muốn để cho ai mới quen hiểu được mình ngay. Thôi cũng đủ rồi, chừng ấy cũng đã đủ làm yên lòng thằng người nghiêm khắc. Từ độ sang đây, Georges vẫn hay tìm đọc tất cả các sách báo phân tách tâm lý của dân tộc Á đông vì chàng tha thiết muốn hiểu. Điều chàng tìm hiểu nhất là vì sao những ai rời nước Việt Nam cũng nói rằng đấy là một chốn thiên đường. Có phải vì con người còn chan chứa tình cảm lãng mạn và chân thành mà ngoài nước Việt ra khó tìm thấy ở một nước nào khác, ngay cả những nước ở vùng Á châu.

Tâm hồn Georges cũng rực nắng như ánh nắng của quê hương chàng ở miền Địa trung hải. Câu chuyện ngả về những niềm tin và những thứ tình cảm ở đời.Một câu nói của Thiên Nga làm Georges giật mình.

– Ai còn đặt tin tưởng vào một thứ tình gì khác ngoài tình mẹ con thì tôi xin phục, văn minh đã giết hết…

– Cô làm như người cha không biết thương con, ngày nào tôi lập gia đình rồi cô xem.

Maurice trả lời Thiên Nga.

– Tôi ngờ vực tất cả.

Giọng người con gái cố giữ vẻ tự nhiên nhưng vẫn có gì ngao ngán mà chỉ một mình Georges để ý thấy. Chàng nghĩ thầm: thì ra đời, rồi chẳng có ai sung sướng, đâu phải riêng mình mới có những ý nghĩ bi quan, Georges bỗng cảm thấy tội nghiệp Thiên Nga.

– Giới thiệu với cô Nga ông bạn quý của tôi cũng học Nga ngữ đấy.

– Thế ạ, ông học ở trường nào?

– Trường đĩa hát Assimil, mỗi sáng nửa giờ lúc chưa ra khỏi giường, còn cô?

– Sorbonne.

Bây giờ hai con hến mới chịu mở miệng, Maurice tinh nghịch cười với ý nghĩ nếu không có câu chuyện học tiếng Nga chắc hai người nầy sẽ «hến» như thế đến lúc ra về. Sợ câu chuyện sắp tàn Maurice vội mồi thêm, chàng vốn ghét sự im lặng.

– Các người thật khôn ngoan, tôi đánh cuộc thế nào cô Thiên Nga cũng biết nói tiếng Anh, đúng hay không?

– Biết chút ít thôi, vì ở Pháp ít có hoàn cảnh dùng đến, nhưng tại sao ông lại đánh cuộc. Ông đoán rằng vì chính trị hai khối mà tôi phòng xa phải không, bên nào thắng thì mình cũng sống được chứ gì. Ông lầm, tôi học ngoại ngữ chỉ để đọc tiểu thuyết vì không muốn bị dịch giả điều khiển mình, có thế thôi. Học Anh ngữ để mê Milton, mê Byron, học Nga ngữ để mê Pouchkine, Dostoevsky.

– Đàn bà mà cũng mê Dostoevsky sao? Tôi tưởng đàn bà thì chỉ dám mê Tolstoi thôi.

Cả ba cùng cười vì câu nói của Maurice.

– Tại sao đàn bà lại chỉ dám mê Tolstoi, xin ông giảng hộ.

Thiên Nga tinh quái hỏi vặn lại.

– Vì Tolstoi viết nghe sang trọng, dễ dàng, truyện nào cũng tả nhiều cảnh yến tiệc lộng lẫy với các bậc vương hầu bá tước làm cho con người dễ thèm.

Thiên Nga lắc đầu nhìn Georges để tìm đồng chí.

– Ông Maurice nói thế chẳng trách mà Sagan được thành công vì truyện của cô ta bao giờ cũng đặt trong những khung cảnh Saint Trop, với Megèvc toàn những cuộc sống ăn chơi phù phiếm làm cho mọi người đều mơ ước, đúng chăng?

Maurice không chịu thua, chàng vẫn cố cãi.

– Mấy người lôi thôi lắm, đọc văn dịch không được sao mà phải đi tìm cho ra nguyên văn, mất bao nhiêu là thì giờ để học một thứ tiếng, số các người thật là vất vả.

– Giá xưa kia Noé đừng có điên đừng xây cái Tour de Babel thì trời đâu có giận, trời đâu có phạt và hai chúng ta đâu có mất thì giờ cô Thiên Nga nhỉ?

Chữ hai chúng ta Georges nói xong chàng bỗng cảm thấy một cảm giác là lạ. Hình như trong bốn bức tường nầy chỉ có hai người, Maurice không thích học ngoại ngữ, ghét đọc tiểu thuyết tức là Maurice chỉ đứng ở bên ngoài. Không biết Thiên Nga có để ý thấy không.

– Bây giờ mà còn nghe mấy người nói đến những nhân vật trong thánh kinh như nói đến ông láng giềng của mấy người. Mà tại sao lại không chịu đọc sách dịch cơ chứ? Đã có đứa bóp đầu bứt tai để tìm chữ tìm ý hộ mình, việc gì mình không đọc cho nó khỏe, quả là số vất vả hay là hơi… – Maurice phát cái cử chỉ ngoáy ngón tay vào mang tai.

– Có lẽ thế, nhưng tại tôi ghét bị dịch giả chi phối, nhất định thế nào cũng có những đoạn, những lúc mà dịch giả không hiểu nổi tác giả.

– Hay chính tác giả cũng không hiểu nổi tác giả.

– Victor Hugo.

Thiên Nga hét lên sau câu nói của Georges.

– Đúng.

Thiên Nga và Georges nhìn nhau, cả hai đều rạng rỡ như vừa bắt được của quí gì. Ngạc nhiên Maurice phải hét lên theo.

– Mấy người làm như từ thuở bé cùng theo học một trường không bằng. Tại sao lại bỗng nhiên nhắc đến Victor Hugo. Ông ấy có dính gì vào đây đâu?

Thấy bạn nhăn nhó, Georges nháy mắt trêu thêm. Lần đầu tiên chàng vui hồn nhiên như thế, nhưng rồi tội nghiệp bạn không theo được câu chuyện, Georges phải kể: « Một hôm Victor Hugo làm bài thơ đọc trong buổi họp đông người. Đọc xong có người thính giả ngưỡng mộ chạy lên vái chào và gãi tai xin thầy giảng nghĩa cho vì không hiểu đoạn ấy thầy muốn nói gì. Nhà văn hào nghe hỏi xong cũng gãi tai trả lời rằng: – Lúc viết ra thì chỉ có mình trời và tôi hiểu, bây giờ thì hình như chỉ còn có trời hiểu nổi mà thôi »

Maurice đập bàn nhảy lên, vừa nhảy vừa cười vang cho là rất thú vị, nhưng rồi chàng buột miệng nói ngay:

– Tôi không ngờ hôm nay, hai người sinh ra để gặp nhau, hai người có biết không.

Câu nói của Maurice bắt Thiên Nga phải cúi đầu xuống, nàng hơi ngượng. Maurice im lặng nhận thấy mình lỡ lời cũng không biết phải nói gì, dầu sao, ý nghĩ của Thiên Nga: « biết đâu dịch giả không hiểu nổi tác giả » làm cho Georges vui thích. Đã nhiều lần chàng đang đọc một quyển sách dịch mà phải đặt xuống gập sách lại suy nghĩ, chàng tin rằng tác giả đang bị hiểu lầm. Nếu có bản nguyên văn để so sánh thì nhất định là chàng sẽ được cuộc.

Trời bên ngoài mát mẻ như một người vừa được gội xong. Saigon dễ thương ở điểm ấy, ban ngày nóng bức đến mấy mà đêm về cũng mát không hừng hực như nằm trong lò bánh mì chưa nguội.

Hôm nay Georges thấy tất cả mọi vật, mọi người đều dễ thương. Suốt bữa ăn, chàng không bỏ sót một cử chỉ một câu nói nào của Thiên Nga.

Nếu ai quen với Georges từ trước mà gặp chàng tối hôm nay, chắc người ấy sẽ ngạc nhiên lắm, chắc họ sẽ tới nhìn kỹ lại xem có phải đấy chính là anh chàng thiếu tá nghiêm nghị, kỷ luật ít ai theo kịp đó không?

Cả phòng tham mưu không một người nào không biết đến cái tính trọng kỷ luật gần như gàn dở của Georges. Các bạn hay đưa thí dụ gàn của chàng ra kể cho nhau nghe trong lúc họp mặt. Chẳng hạn có bận mới đổi đến nhận việc ở một vùng nào, chàng đã cho lệnh đào hầm trú ẩn ngay sau buổi lễ chào cờ giới thiệu. Đào xong hầm chàng lại cho lệnh lấp đi. Không phải vì muốn ra oai, nhưng Georges muốn cho tất cả mọi người phải nhận thức rằng mệnh lệnh gì của thượng cấp đưa ra đều phải tuyệt đối tuân theo, dầu mệnh lệnh ấy có gàn dở vô lý đến thế nào. Kinh nghiệm cho biết rằng ban đầu ai cũng khó chịu, nhưng sau đó thì công việc tiến hành đều và kết quả bao giờ cũng mỹ mãn. Đến ngày Georges lìa bỏ nơi ấy thì mọi người cũng thành thật mến tiếc, kể cả những quân nhân bị chàng phạt rất gay gắt. Một sáng chủ nhật chàng đã phạt người hạ sĩ quan bướng bỉnh bằng cách bắt người ấy đến phòng làm việc với thường phục, vừa đến nơi chàng bảo về thay quân phục rồi lại trở về thay lại thường phục như cũ.

Cố nhiên chàng cũng bỏ cả buổi sáng để đến phòng làm việc với anh chàng bị phạt ấy. Lại một bận khác có cô thư ký rất xinh vừa mới tuyển. Gặp chàng cô thư ký bắt tay chào. Sau cái bắt tay ấy cô nàng bị cự ngay vào mặt:

– Cảm ơn cô đã đưa tay cho tôi bắt nhưng trong quân đội không cần phải bắt tay như thế xin cô để cho vào dịp khác.

Nói xong chàng quay lưng đi làm cô bé tức tím ruột nhưng từ đấy hết dám bắt tay. Mặc những sự chế giễu, phê bình, con người ấy không hề thay đổi.

Nhìn bạn ăn uống rất ngon lành sành sỏi, từ cách cầm đũa cho đến cách chọn món ăn. Maurice đã dạy cho bạn.

– Chúng mình đừng ngốc như những người Pháp chưa bao giờ ra khỏi nhà, các ông ấy tưởng ăn như ăn lối Pháp món gì cũng mỗi đứa một đĩa giống nhau. Mang ra đầy bàn ăn không hết mà đến lúc trả tiền thì phải ngạt thở.

– Mày còn thạo hơn cô Thiên Nga trong việc nầy ; tao cam đoan như thế, có đúng không?

– Chưa biết, nhưng tao đến nước nào là phải sống hệt như người dân xứ ấy, sang Nhật tao mặc kimono ăn cá sống; sang Ả rập tao trùm cachabia bốc couscous; sang Phi luật tân tao cũng mang cà vạt và áo sơ-mi bỏ ra ngoài quần chẳng khác ai.

Georges vui thích như chưa bao giờ được vui thích, nhất là mỗi khi nghe Thiên Nga kể những mẩu chuyện về cuộc sống trong xứ, giọng nàng có gì đặc biệt không giống như những người phụ nữ mà chàng đã được gặp ở đây, lần nào Georges cũng muốn bắt chước theo. Chỉ nội một chữ «Vâng» được nàng kéo dài ra khi đồng ý một chuyện gì cũng đủ làm cho Georges để ý, không lần nào khác lần nào, giá chàng được gặp lâu hơn để tìm thêm những chữ khác chắc là thích lắm.

Ăn xong Thiên Nga đòi về, mặc dầu mới có 10 giờ, trong khi cả chàng và Maurice đề nghị muốn mời Thiên Nga đi uống cà phê ở một hiệu khác. Mục đích của Georges không ngoài sự muốn được nhìn Thiên Nga và được nghe cô gái nói chuyện.

Nài nỉ cũng vô ích, hai người bạn đành phải đưa Thiên Nga về nhà.

Trên con đường dịu mát sương đêm, dưới những cành tre lăn tăn giao nhau âm u chỗ tối chỗ sáng vì ánh đèn đêm thưa thớt, Maurice và Georges đi bộ chầm chậm trở về. Maurice hỉ hả vì được một bữa vui và ăn ngon trong khi Georges thắc mắc với muôn nghìn câu hỏi đang đặt ra trong đầu óc. Chàng muốn kéo dài những giây phút hiếm có ấy ra hơn chút nữa, vì biết có về sớm cũng không thể nào ngủ được. Tính chàng lại rất kỵ những phút nằm thao thức trên giường, đây là lúc mà những kẻ lương thiện hay cảm thấy mình có nhiều tội lỗi…

Georges cố gợi bắt bạn kể hết cho mình nghe những gì thuộc về kẻ mới quen, nhưng Maurice cũng chỉ mới biết nàng mà thôi. Hình như chàng đoán đúng Thiên Nga là một cô gái miền thượng du lạc loài về, được nuôi dưỡng trong một gia đình khá sung túc, nàng sang Pháp học và bây giờ về không chịu khí hậu nên ốm, sắp phải lên Đà-lạt dưỡng bệnh.

Một cảm giác buồn mênh mang xâm chiếm khi Georges nghe bảo Thiên Nga lại sắp đi Đà-lạt, mà chàng cũng không muốn tìm hiểu vì sao.

Tiễn bạn về đến tận nhà rồi, chỉ còn một mình Georges đang âm thầm bước trên con đường vắng vẻ. Những vì sao trên trời đêm nay hình như sáng hơn mọi đêm hay vì trời đêm nay tối hơn mọi đêm. Hơi sương lành lạnh thấm nhẹ qua lần áo vải trắng. Georges bật diêm hút thuốc, ánh sáng lửa lòe ra trong màu đêm đen, tâm hồn người đàn ông đêm nay cảm thấy có gì lạc lõng. Chàng nghĩ đến vợ, người vợ rất đẹp mà chàng đã đặt vào tất cả tình yêu, tất cả tin tưởng, nhưng chưa hề cho lại chàng một lần nào hạnh phúc, hay chỉ dành cho chàng toàn những đau xót thất vọng… Tại sao thế.. Ý nghĩ quay lại với gia đình với cha mẹ, với các anh em. Cả nhà mỗi ngày đến nhà thờ hai lần để cầu nguyện cho đứa con trai ở phương xa khỏi gặp những gì bất trắc.

Ý nghĩ trở lại với hình ảnh cô gái Việt, có đôi mắt xếch của người dân Mông Cổ, với giọng nói là lạ. Georges tự hỏi sao hôm nay mình lại dễ dãi quá thế, đàn bà chàng đã gặp rất nhiều ở trên đời, cô gái nầy có gì khác mà dám chiếm lấy tâm trí chàng từ nãy đến giờ.

Sài-gòn ngày tháng… 21 giờ.

Thưa cô.

Đáng lẽ chúng ta phải đi ăn cùng với nhau một lần nữa, cô, Maurice và tôi trước ngày bạn tôi lên đường. Rất tiếc là sự ấy không thực hiện được vì Maurice đi gấp mà cô thì chưa về lại với Sàigòn.

Chiều hôm nay sau khi tiễn chân người bạn độc nhất của tôi lên đường tôi cảm thấy lạc loài và nghĩ ngay đến cô.

Cô đã trở về rồi, lạy trời như thế, Maurice bảo tôi đến thăm cô. Buổi gặp gỡ đầu tiên tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm cho tôi mong ước.

Dầu cô có bảo thế nào chăng nữa, sau hôm ấy tôi cũng đã nhận thấy rằng ở đời còn những chốn hẹn hò những sự suy nghĩ và những nỗi thông cảm không cần phân chia biên giới.

Tôi chắc cô cũng đồng ý tuy không hẹn nhau nhưng chúng ta đã cùng san sẻ những quan điểm, những ước mơ, cho chúng ta cảm thấy được những hương vị mặn mà sâu sắc của cuộc đời.

Tâm hồn tôi bị xáo động từ chiều ấy, có phải tại giòng Địa Trung Hải nơi quê hương tôi đã có họ hàng với nền nghệ thuật đang nuôi nấng cô. Tất cả những sự kiện ấy đang nung nấu thúc giục tôi tìm đến thăm cô, ngoài ra lại còn bao nhiêu vấn đề thắc mắc muốn được hỏi ý kiến cô.

Cô có ngạc nhiên nếu nghe nói rằng chúng ta là những đứa con được nắn ra bằng một thứ đất, điểm nầy chắc phải thảo luận sau.

Vậy thì tùy ý cô, một hôm nào cô không bận chúng ta phải gặp nhau để đền lại bữa ăn hôm trước. Chúng ta sẽ uống một cốc rượu theo phong tục Nga Hoàng hay Staline.

Nóng lòng chờ tin cô

Ký tên Georges Ferrandini

Đọc xong bức thư, Thiên Nga ngồi thừ một lúc để nghĩ ngợi. Bức thư đóng dấu bưu điện Saigon mà nét chữ chưa quen thuộc làm cho nàng hơi thắc mắc trước khi xé phong bì. Hình ảnh tác giả trở về mỗi phút một rõ rệt trong tâm trí.

Từ hôm đi ăn với Georges và Maurice đến nay, nàng chỉ gặp Maurice có hai lần tại nhà Hélène. Nàng biết Maurice phải về Pháp gấp vì một vấn đề gia đình, nghe nói chuyện lại rằng Georges đòi mời, nhưng vì Thiên Nga bận đi Đà Lạt nên rồi cũng bỏ quên không ai nhắc đến nữa.

Có người đàn ông nào không chuộng những màu sắc lạ, một chút phấn son, một tà áo bay nhẹ cũng đủ mềm lòng sắt đá. Với lập luận ấy Thiên Nga thường phớt qua những lời ngợi khen hay những cái nhìn vờ như đắm say.

Hôm nay Thiên Nga hơi ngạc nhiên nàng chưa gặp lại người Thiếu tá và nàng cũng ngờ như tất cả những cuộc gặp gỡ khác rồi thôi. Tại sao lại có bức thư hôm nầy, theo lệ thường những người đàn ông càng thông minh trí thức càng thích những con búp bế. Tại sao lời lẽ bức thư lại đầy sự thân mật lạ lùng như thế. Thiên Nga phải trả lời làm sao, tính vốn sợ dư luận, sợ những phút khiển trách của lương tâm Thiên Nga thường tránh trước tất cả mọi phiền phức có thể xảy ra.

Sàigòn là một thành phố không lớn không bé, không đủ rộng lớn để mỗi người có thể sống theo ý thích của mình mà khỏi bị những dư luận theo dõi. Saigon cũng không bé gọn lại để mọi người đều đã quá hiểu nhau, hết cần tìm biết, điều tra nhau.

Thiên Nga cho rằng đấy là tâm lý chung của tất cả mọi dân tộc, khi thấy một cô gái xứ mình đi chơi với một người trai khác xứ thì, hoặc bực tức tiếc rẻ hoặc khinh khi phỉ báng.

Từ độ ở Pháp về nàng mới nhận lời đi ăn với hai người Pháp Georges và Maurice là lần thứ nhất vì tưởng rằng có Hélène cùng đi. Vả lại nghe Maurice ca tụng tán dương mãi đến người bạn thông minh nên Thiên Nga cũng muốn gặp xem cái con người thông minh ấy nó sẽ thông minh đến thế nào. Đối với Thiên Nga người đàn ông rất nhiều tự ái, nếu họ đã nhận rằng ai thông minh tức là kẻ ấy phải thật thông minh. Cũng như nhan sắc đối với các bà, khi các bà khen một người nào đẹp thì nhất quyết là người kia phải có gì xuất sắc.

Thiên Nga vẫn ngại ngùng, nàng không muốn vấn vương gì nữa cả nhất là vương vấn bởi một người ngoại quốc, khác giống.

Nghĩ đến người Pháp, Thiên Nga thường bị những hình ảnh của mấy chú lính Tây, mấy ông Tây sở mật thám, sang Việt Nam kiếm cơm, không chút văn hóa, không chút kiến thức. Có lẽ nhờ vậy họ mới làm được cái công việc tra tấn đánh đập người khác mà không gớm tay. Đành rằng chính thể nào cũng phải cần những bàn tay như thế nhất là khi đến đô hộ một nước, phải biết nói láo nói khoét, phải biết tay trái cho một, tay mặt rút lại mười. Ngoài ra còn phải áp dụng chính sách ngu dân, tiêu diệt, chia rẽ để giữ vững quyền lợi. Cái lối chính trị chia rẽ nầy từ thời Cyrus II Le Grand đã biết áp dụng nhờ thế mới ngự trị làm bá chủ được cả vùng Tây Á. Dân tộc Pháp cũng thành công trong sự chia ra ba kỳ Trung Nam Bắc, không người Việt nào có ý thức mà chẳng biết đấy là lối nghệ thuật chia rẽ để cai trị. Nói cho đúng thì ai cũng độc ác khi đứng vào địa vị kẻ đến đô hộ. Chính người Việt Nam xưa kia lúc chiếm nước Chiêm Thành còn làm cho tiêu diệt cả một giống nòi đó thì sao,

Biết thế nhưng Thiên Nga không thể nào rời bỏ những hình ảnh tra tấn cùm xích, hẳn vì nàng chưa quên những bài học tuyên truyền cũ, những kỷ niệm cách mấy năm trước.

Ngày xưa khi còn là một nữ cán bộ hoạt động chống Pháp, Thiên Nga và các bạn gái vẫn được mang theo trong người một gói thuốc độc, nếu không may có rơi vào tay kẻ thù thì dùng nó làm phương pháp giải thoát cuối cùng. Thà chết còn hơn chịu những sự tra tấn nhục nhã. Nói là một chuyện nhưng chết lắm khi cũng khó.

Nhờ mấy năm sống ở Pháp nàng mới bớt được những phút hãi hùng, không còn thấy tim nhảy mạnh khi nhìn những người quân nhân hình ảnh của chiến tranh.

Thiên Nga vẫn ngại ngùng… Nàng phải trả lời thế nào, im lặng đổ lỗi cho nhà bưu điện ư, hay nhận lời đi ăn với Georges.

Ba hôm nay Thiên Nga không ngừng thắc mắc nàng sẽ trả lời thế nào với Georges; đã mấy lần ngồi trước tờ giấy trắng sắp sửa đặt bút xuống viết rồi lại thôi.

Mẩu giấy sao trắng như màu tuyết, như màu khăn tang. Linh cảm thấy một sự gì quan trọng sắp xảy ra để làm rối loạn cuộc đời mình đang yên tĩnh khiến cho người thiếu nữ cứ đẩy lui cái phút phải quyết định.

Một tuần qua, Thiên Nga vẫn còn chưa hết ngần ngại. Cuối cùng nàng nhất định sẽ ghé qua nhà Georges vào giờ sắp đi làm việc buổi trưa, như thế câu chuyện không thể kéo dài và Georges sẽ giúp nàng giải quyết hộ những thắc mắc mâu thuẫn trong lòng chăng.

Thiên Nga chắc lưỡi nói lên một câu để lấy thêm can đảm:

– Cứ tới rồi hẵng hay, có gì đâu mà sợ quá hơn là phải đi chết.

Sau bao nhiêu phút giờ suy nghĩ cân nhắc Thiên Nga mới đến bấm chuông nhà người thiếu tá. Một cử chỉ rất liều lĩnh tuy rằng cũng rất tầm thường đối với một người đàn bà phương Tây.

Nghe tiếng giầy và giọng nói ai ở nhà ngoài Georges hé cửa ra nhìn. Nhận được hình dáng người bạn gái, chàng sung sướng gọi to:

– Thiên Nga.

– Tôi có làm bận Thiếu tá không?

Thiên Nga vừa bắt tay Georges vừa đưa mắt nhìn chung quanh gian phòng muốn nhờ ngoại cảnh trả lời giúp mình trong công việc xét đoán chủ nhân. Gian phòng quá đơn sơ không một tấm tranh ảnh nào ngoài hai bản đồ to tướng, một bản đồ thế giới và một bản đồ Việt Nam. Sách vở ngổn ngang trên bàn viết, một cái gạt tàn thuốc to bằng cái tô đựng canh. Tất cả đều nhấn mạnh sự cô độc của một kẻ sống xa gia đình, xa quê hương.

Thiên Nga nhìn tất cả bằng đôi mắt thương hại, tội nghiệp sao lại có người cô độc đến thế, nàng vẫn nói đùa với các bạn rằng đời phải có đủ bốn chất sinh tố mới mong giúp cho nhân loại được tồn tại đấy là: sách, nhạc, tranh và hoa. Căn phòng nầy chỉ độc một thứ sinh tố S. thì bảo tâm hồn Georges không cằn cỗi làm sao được.

Nhớ đến hôm đi ăn có Maurice câu chuyện được đề cập đến âm nhạc cổ điển Tây phương, Thiên Nga và Georges đều đồng ý rằng người nào chơi được một thứ nhạc khí thì người ấy có thể tự hào rằng mình là kẻ may mắn, kiếp trước có tu nhiều nên kiếp nầy Thượng Đế mới ban cho cái đặc ân kia. Georges tuy đồng ý nhưng chàng không quên phàn nàn rằng mình chỉ chơi được một nhạc cụ gọi là «électrophone» mà thôi.

– Thế cũng đủ lắm rồi, ít nhất ai là láng giềng của ông sẽ không bị chối tai vì phải nghe mãi một bài hay một câu khi người nhạc sĩ cần tập dượt,

– Cô lầm, vợ tôi đòi ly dị với tôi vì cái Oratorio de Noël của Jean Sébatien Bach những hôm nào tôi lên cơn nghiện nhạc và được nghỉ. Nàng bảo rằng đấy là một lý do để ly dị.

– Cũng như tôi đuổi được ông láng giềng vì cái Passion selon Saint Mathieu

– Cô cũng thích Jean Sébastien Bach sao?

Georges ngạc nhiên hỏi vặn, trong khi Maurice mỉa mai nhìn hai người bạn rồi nói đùa:

– Này hãy nghe cái Passion selon Saint “Maurice” đây đã.

Rồi chàng nâng cốc lên uống hết không còn giọt nào. Mọi người đều cười rất vui vẻ.

Thế mà trong gian phòng hôm nay Thiên Nga không tìm thấy một cái đĩa hát nào, ngay cả cái máy électrophone cũng không có.

Sau khi mời người thiếu nữ ngồi xong, Georges đi vào trong mặc quân phục đàng hoàng rồi mới ra kéo ghế ngồi đối diện.

Tuy chỉ là lần gặp gỡ thứ hai, nhưng cả Georges và Thiên Nga đều đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để suy nghĩ cân nhắc, nên hình ảnh như bị in sâu vào tâm trí, và cả hai đều có cảm tưởng rằng mình quen với người đối diện từ lâu lắm rồi.

Georges nghe tâm hồn rộn ràng, chàng tỉ mỉ kể cho người bạn gái nghe rằng mấy hôm nay sáng nào chàng cũng nghi ngờ sự tận tâm của người phát thư, nghi luôn cả cái túi đựng thư không biết có thủng đáy… Chàng đã viết một bức thư rất dài gửi Thiên Nga nhưng rồi lại xé bỏ đi vì sợ… sợ mà chẳng biết sợ gì.

Thiên Nga cũng vui vẻ kể cho Georges nghe những câu chuyện xảy ra chung quanh nàng hiện tại. Một vài sự bất đồng ý kiến ở nhà trọ bắt nàng phải đổi chỗ ở…

– Chẳng may cho tôi là nhà mới thuê nầy lại ở sát cạnh một gia đình rất lủng củng, suốt ngày không ngớt chửi nhau với những câu rủa nặng nề, mà nặng nhất là cứ phải nghe một câu: «xe hơi nhà binh cán mày».

Nói đến đây Thiên Nga nhắm mắt, hình ảnh những chiếc xe nhà binh với tám cái bánh ghép đôi to tướng đang ầm ầm nghiến lên mặt đường làm rung chuyển cả nền nhà của hai bên phố. Hình ảnh ghê sợ như đang nghễu nghện trước mắt, Georges thấy người thiếu nữ cau mặt lắc đầu, có xua đuổi một cái gì.

Cử chỉ làm Georges bật cười, thương hại cô gái quá nhiều trí tưởng tượng.

– Giá cô có thể đến đây được nhỉ, nhà nầy chia ra làm ba ngôi để cho ba chủ ở, chung một ngõ nhưng cửa vào lại riêng biệt. Chúng tôi đây chỉ có hai chủ, ông bạn bên cạnh vừa cưới vợ, còn lại ngôi thứ ba hiện vẫn bỏ trống, nếu cô không ngại thì tôi có thể dàn xếp..

Thiên Nga cảm ơn lòng tốt của Georges, nhưng nàng biết rằng không thể nào dọn đến ở một cách lạ kỳ như vậy. Đối với Âu châu thì sự sống chung trong một ngôi nhà trọ là sự thường, nhưng ở đây thì lại là cả một cuộc cách mạng to lớn trừ khi hai người đã có tình nghĩa với nhau.

Dư luận có thể không đáng kể nhưng trong lòng mỗi người đàn bà Á đông còn có một ông Khổng Tử, một thầy Mạnh Tử luôn luôn ê a những câu luân lý, những bài triết lý. Nhờ có thế mới giúp cho nhiều người tránh được những sa ngã lỗi lầm, nhưng lắm khi cũng làm cho họ cảm thấy tù túng bực tức.

Thầy Mạnh Tử ở trong lòng Thiên Nga còn rất mạnh, mặc dầu đã sống mấy năm ở nước ngoài, Thiên Nga vội vàng cắt ngang ý nghĩ tốt đẹp của Georges bằng cái lắc đầu ngay từ khi chàng vừa nói. Nàng còn muốn giải thích thêm nhưng liệu Georges có hiểu.

– Tôi biết rằng Thiếu tá có lòng tốt đã xem cái vấn đề nhà ở như một bài toán cần phải giải quyết hộ tôi, bài toán mà tất cả những người dân ở các nước văn minh đều phải nghĩ đến sau cuộc thế chiến thứ hai, nhưng.. nhưng chắc Thiếu tá cũng hiểu….

– Vâng tôi hiểu…

Georges khẽ trả lời, cái nhìn thẳng thắn của chàng gặp lại đôi mắt của người thiếu nữ. Cả hai đều im lặng không biết nói gì hơn.

Trên trần nhà tiếng quạt máy vẫn đều đều chạy có hai con thạch sùng đang vờn nhau, vô tình cả Thiên Nga và Georges đều chăm chú nhìn theo những cử động của đôi thạch sùng ấy. Bỗng Georges lên tiếng để phá cái bầu không khí quá trầm lặng ấy.

– Bạn của tôi đấy, có khi tôi ngồi hằng nửa tiếng đồng hồ để theo dõi những cái ngoắc đuôi, gầm ghè nhau của chúng nó. Nhìn chúng nó mất thì giờ vì nhau, chắc chúng nó phải có nhiều cảm tình với nhau lắm.

Câu nói vô tình của Georges làm Thiên Nga khẽ cắn môi để giấu nụ cười, nàng muốn nói một câu gì để trêu Georges.

– Thiếu tá nhiều thì giờ quá nhỉ, vừa có thì giờ đề làm việc, có thì giờ để đọc sách, để học Nga ngữ mà lại còn có cả thì giờ để ngắm mấy con thằn lằn trên trần nhà,

– Cô quên, còn thì giờ để nghe nhạc và để nghĩ đến những người bạn của mình nữa. Nhưng thôi không đùa, tại sao cô lại thích Dostoevsky cô có nhớ, tôi chắc rằng cô phải nhớ… Một câu của Kirilov nói ở trong truyện Les possédés.

Thiên Nga gật đầu đọc «Il ya des moments où le temps s’arrête tout d’un coup faire place à l’éternité…»

– Cảm ơn, tôi không ngờ cô cũng nhớ, nhưng tôi tin chắc rằng thế nào cũng phải nhớ. Hôm trước có Maurice tôi không muốn hỏi vì tôi sợ nó sẽ chế giễu hai chúng ta,

Georges vội ngừng vì một lần nữa chàng đã dùng chữ hai chúng ta mà quả thật là chàng không có ý. Thiên Nga đọc tiếp: « Durant ces cinq secondes je vis toute une existence humaine et pour elles je donnerais toute ma vie, car ce ne serait par les payer trop cher».

– Cô còn nhớ kỹ hơn tôi.

Lần đầu tiên Georges cảm thấy vui thích khi nói chuyện với một cô bạn gái. Ngoài mẹ và vợ là hai người đàn bà đã ghi sâu vào tâm hồn chàng, với ai chàng cũng chỉ thấy câu chuyện không thoát ra khỏi tính chất khoe khoang than thở hay là nói xấu người vắng mặt để tự nâng mình lên. Hẳn tại chàng hay tìm đến những người đàn bà có nhan sắc, mà theo thông lệ thì nhan sắc rất ít khi đi đôi với tâm hồn.

– Nhưng tại sao cô lại nhớ những câu ấy…

– Tại thích nhớ, có những cái mình học mãi mà cũng không sao nhớ nổi, trái lại có những cái… cũng như những nét mặt mình chỉ nhìn thoáng có một lần mà không thể quên.

– Những cái mình học mãi nó cứ không chịu vào chắc là mấy cái biến cách của văn phạm Nga chứ gì.

Thiên Nga lại mỉm cười không trả lời, làm sao biết được trong lòng nàng đang nghĩ gì. Tiếng con thạch sùng gọi nhau làm cả hai cùng ngẩng lên trần nhà nhìn theo. Một con da xanh lên tiếng gọi con thạch sùng trắng từ đằng xa chạy đến, nhưng lúc còn độ vài tấc nữa thì nó dừng lại, cả hai thôi miên nhau, bỗng con xanh quay đi để con trắng chờ đợi ngẩn ngơ một lúc rồi cũng quay lại, nhưng con thạch sùng xanh đã chạy đến cắn vào đuôi bạn nó một cái chắc là khá đau, vì thấy con thạch sùng trắng chạy trốn mất sau ngọn đèn.

– Chúng nó đùa nom vô tư nhỉ; chắc chúng nó phải có cảm tình với nhau nhiều lắm.

– Chắc thế, cảm tình, hay nhỉ, cô có bao giờ định nghĩa cho tình cảm chưa?

– Cảm tình là một chuỗi hạt trai, – Thiên Nga vừa trịnh trọng nói vừa cởi chuỗi hạt mang ở cô mình xuống lùa qua mấy ngón tay rồi tiếp… – Nếu ta có thiện cảm với người nào thì ta phải cho đi một ít, dần dần chuỗi hạt sẽ mất hết, không còn gì trong tay nữa.

Georges lắc đầu, hình ảnh đẹp mà thiếu nữ vừa đưa ra trước mắt một cách cụ thể và mới lạ làm cho chàng không đồng ý như thế.

– Tôi thấy cô hơi nhầm ở chỗ cô bảo nếu mình cho ai thì mình sẽ mất dần, tôi không đồng ý, theo tôi mình càng cho ai thì chuỗi hạt trai của mình càng dài ra, mình sẽ càng giàu có thêm. Cô chịu chứ?

Thiên Nga cười lên khanh khách rất hồn nhiên.

Nghe nàng cười đố ai dám bảo rằng nàng không phải là người sinh ra chỉ để mà sung sướng.

Chương I

Tiến >>

Đánh máy : Lê Thy
Nguồn: sách của MyNgoc Vota- https://baovecovang2012.wordpress.com/2024
Được bạn: đưa lên
vào ngày: 28 tháng 11 năm 2024