Quen với Cinderella là tại ga Đài Bắc.
Nói cho rõ hơn, thì lần đầu tiên nhìn thấy cô là ở ga Đài Nam, còn quen cô thì ở ga Đài Bắc.
Nếu như nhìn thấy có thể coi là quen biết, vậy người mà mỗi người chúng ta quen biết đầu tiên có lẽ là bà mụ hay y tá nhà hộ sinh rồi.
Cũng may là dù ở Đài Nam hay Đài Bắc, cũng đều là ở ga xe lửa.
Cinderella? Người nước ngoài sao? Nếu không sao lại có cái tên nghe như trong truyện Cô bé lọ lem vậy? Không, đó chỉ là tên tiếng Anh của cô ấy mà thôi.
Cô nói cô tên Hân Nhuỵ[1], cho nên mới lấy tên tiếng Anh là Cinderella.
– Thật là không liên quan gì đến cô bé lọ lem chứ? – có lần tôi đã thắc mắc.
– Đâu phải cứ tên Clinton thì đều là tổng thống Mỹ. – lần nào cô cũng đốp lại như vậy.
Còn nhớ ngày cuối tuần hôm đó, tôi từ ga Đài Nam bắt chuyến tàu Cử Quang, lúc 4.55 phút chiều, đi Đài Bắc.
Lúc chờ tàu ở sân ga thứ nhất, tôi đã chú ý tới cô.
Thực ra cũng không phải vì tôi buồn chán quá, mà vì rất khó có thể không nhìn cô lại lần thứ hai.
Cũng giống như trong một đống chanh bỗng xuất hiện một trái táo, trái táo đó dĩ nhiên sẽ rất bắt mắt.
Cô mặc chiếc quần jeans bó màu xanh thẫm, đi bốt màu đỏ, áo khoác cộc màu trắng.
Hệt như màu sắc trên quốc kỳ của Trung Hoa Dân Quốc, thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng[2].
Cô không trang điểm, nhưng sắc mặt vẫn trắng hồng.
Mái tóc dài đen tuyền, hơi xoăn một chút, bay bay trong gió lạnh cuối tháng 12.
Vì áo khoác của cô trắng tới mức có thể ví như sữa tươi, nên nước da cô trông lại hơi giống sữa đậu.
Mà cũng nên như thế. Nếu không những cô gái phương Đông có nước da trắng muốt đã bị loại ra khỏi tộc người da vàng từ lâu rồi.
Vẻ nhàn tản của cô không giống như đang chờ tàu, mà giống như đang thưởng ngoạn phong cảnh hay đang ngắm tranh trong viện bảo tàng vậy.
Nếu xét theo góc độ của các tiểu thuyết gia, có lẽ không nên xếp cô cùng với những người đang chen chúc ở ga tàu.
Cô chỉ nên có mặt ở những quán cà phê sang trọng, nơi mà giá một ly cà phê lên đến 200 tệ.
Tôi bất giác nhìn cô tới cái thứ ba, lúc hai mắt chạm nhau, cô không hề né tránh, dường như chẳng hề bận tâm.
Không bận tâm nhìn người khác, cũng chẳng bận tâm việc bị người khác nhìn.
Nhưng giống như con hổ trong vườn bách thú, dù là đang ngáp vặt dưới ánh nắng, vẫn có vẻ oai hùng hoang dại khiến cho người ta không thể tới gần.
Nhà ga báo hiệu tàu vào bến, tất cả chanh ùn ùn dồn lên, táo vẫn đứng nguyên tại chỗ, nghịch đôi bốt ‘mãn địa hồng’.
Tôi bị những quả chanh khác đẩy lên tàu, cũng may mà trời hơi lạnh, nếu không sẽ ngửi thấy mùi chua.
Tìm được ghế rồi, tháo balô ra. Qua ô cửa, tôi nhìn thấy cô đang chậm rãi bước lên tàu.
– Vui lòng cho qua. – Cuối cùng tôi cũng nghe thấy giọng cô. Giống như gió tháng 12, phảng phất hơi lạnh.
Tôi dịch ra lối đi, nhìn cô ngồi xuống cạnh cửa sổ, cởi áo khoác ngoài ra vắt lên.
Tôi liếc mắt nhìn cô. Một chiếc áo thun ôm màu đen, để lộ thân hình mảnh dẻ.
Cô lôi chiếc máy CD ra, đeo tai nghe vào, chỉnh lại tư thế, nhắm mắt lại.
Tàu vẫn chưa chuyển bánh.
Dường như bị lây từ cô, tôi cũng thử nhắm mắt, nhưng không tài nào ngủ được.
Nếu muốn đếm cột điện ngoài cửa sổ, ánh mắt tôi phải lướt qua gương mặt cô, tuy cô đã nhắm mắt lại, nhưng tôi vẫn không dám nhìn tới.
Cảm giác đó giống như việc khi đi trên con phố Trung Hiếu Đông sầm uất nhất của Đài Bắc thì sẽ không dám đi dép lê.
Tôi tiện tay lôi quyển ‘Nam tước trên cây’[3] ra, lật vài trang giết thời gian.
Kể cũng lạ, trong balô có mấy quyển truyện tranh, nhưng đến dũng khí lôi truyện tranh ra xem tôi cũng chẳng có.
Hoá ra trình độ đọc sách của tôi lại tỷ lệ thuận với khí chất của người con gái ở bên cạnh tôi.
Điều này cũng hơi giống với việc đi lượn nhà sách. Ở Thành Phẩm[4] thì rón rén dùng đầu ngón tay lật từng trang một, ở Kim Thạch Đường[5] thì chẳng thèm quan tâm xem có làm rách trang nào hay không.
– Đã qua Đài Trung chưa? – cô đột nhiên mở mắt, tháo tai nghe, quay đầu hỏi tôi đang đọc sách.
– Chuyến tàu này đi dọc biển, không đi qua Đài Trung đâu.
– Tôi biết – cô chỉnh lại dáng ngồi – cho nên tôi mới hỏi là ‘đã qua chưa’ chứ không hỏi ‘đã đến chưa?’
– Không ‘đến’ Đài Trung thì làm sao ‘qua’ Đài Trung được?
– Đừng chơi chữ nữa. Tôi chỉ muốn biết tàu đang ở vị trí nào thôi.
– Cứ cho là qua Đài Trung rồi vậy. Sắp đến Trúc Nam rồi.
– Cảm ơn. – cô miễn cưỡng nhếch miệng lên, có thể coi như là cười vậy.
Ánh mắt chủ yếu của tôi lại quay về trang sách, ánh mắt thứ yếu liếc nhìn cô.
Tay phải cô nghịch nghịch chiếc bông tai bên phải, trên đó có một viên pha lê trong suốt hình lập phương.
Dưới sự phản xạ của ánh sáng, pha lê phát ra thứ màu xanh nhạt của nước, xuyên qua mắt kính tôi, hơi chói mắt.
– Anh đọc Calvino[6] à? – Tay phải cô rời khỏi chiếc bông tai, hỏi tôi.
– Tiện tay xem qua thôi. Cô cũng thích à?
– Cũng không hẳn là thích, chỉ là không ghét thôi. Tôi thích Capuchino.
– Capuchino là cà phê mà!
– Dĩ nhiên tôi biết Capuchino là cà phê. Nhưng anh không thấy hai từ phát âm rất giống nhau sao?
– Như thế hình như hơi…
– Hơi miễn cưỡng đúng không? Óc hài hước của tôi không phải ai cũng thưởng thức được đâu.
Nói xong, cô lại đeo tai nghe, nhắm mắt lại.
Đợi đến khi cô lại mở mắt ra thì đã đến Đài Bắc.
Tôi xuống tàu, trước khi ra khỏi sân ga, không kiềm lòng được lại quay đầu nhìn vào trong toa.
Cô vẫn ngồi đó, tay phải nghịch chiếc bông tai bên phải. Dường như tôi có thể nhìn thấy màu xanh nhạt chói mắt của chiếc bông tai pha lê.
Tôi nghĩ, có lẽ cô sẽ đi tới ga cuối của chuyến tàu này – ga Tùng Sơn.
Tôi nhìn đồng hồ, khoảng 10h10. Tôi hẹn với bạn 11h ở cửa Tây, vẫn còn phải đợi.
Nghiện thuốc lá đúng là tội nghiệp, nhất là bây giờ nơi công cộng nào cũng cấm hút thuốc.
Đành đi ra ngoài cửa Tây, làm vài hơi vậy.
Đài Bắc lạnh thật, nhất là đêm vắng lại lất phất mưa, lạnh ngấm vào tận xương.
– Shit! – Phải chờ đợi đã chẳng vui vẻ gì rồi, châm lửa mãi không được lại càng bực bội.
Tôi ngậm chặt điếu thuốc, bỗng muốn cắn nát nó ra, rồi…
‘Tách’ một tiếng, cô bỗng xuất hiện trước mặt tôi, bật lửa, đưa về phía tôi.
– Hả? Cảm ơn.
– Khỏi cần khách sáo. Cùng nghiện thuốc như nhau, tôi có thể hiểu được nỗi khổ của việc không châm được lửa.
Tôi châm thuốc, hít một hơi thật sâu, hy vọng có thể đem tới chút hơi ấm cho buồng phổi.
– Đợi bạn à? – cô kéo cao cổ áo khoác, vuốt vuốt mái tóc bị gió thổi tung, hỏi.
– Vâng. – tôi thận trọng không để khói thuốc làm mờ ánh nhìn của tôi và gương mặt của cô.
– Tôi cũng vậy.
Cô rút ra một điếu Davidoff màu trắng.
– Đợi bạn gái à?
– Tôi không đợi bạn gái. Bạn tôi là nam.
– Tôi cũng không đợi bạn gái. – cô thở ra một vòng khói nhỏ – tôi đợi bạn trai.
– Sao lại đến Đài Bắc? – cô dụi tàn thuốc, hỏi tôi.
– Tôi sống ở Đài Bắc, nhưng đang học ở Đài Nam. – tôi nhấc chân trái lên, dùng gót giày dụi tắt mẩu thuốc.
– Tôi lại ngược với anh.
– Cô đang học…?
– Tôi vừa tốt nghiệp Đại học ở miền Nam, đến Đài Bắc để ôn Toefl.
– Cô có thích Đài Bắc không?
– Thật tiếc, tôi không phải là gián.
– Hả?
– Chẳng lẽ anh không thấy những người sống chen chúc ở thành phố này đều có tính cách của loài gián hay sao?
– Cô so sánh lạ thật.
– Biết sao được, tôi thật sự không thích Đài Bắc. – cô lắc lắc đầu – Còn anh?
– Tôi lớn lên ở miền Nam, hai năm gần đây mới tới Đài Bắc, còn chưa kịp ghét nó.
– Cảm giác của anh chậm chạp thật. Ngày thứ ba tôi tới Đài Bắc đã phải kêu trời rồi.
– Vậy sao? Cũng may năm sau tôi lại dọn về Đài Nam rồi.
– Vậy thì chúc mừng anh. Chỉ tiếc là Đài Bắc lại thiếu đi một con gián.
Đây có lẽ là óc hài hước của cô chăng? Tôi nghĩ thầm trong bụng.
– Anh ta tiêu rồi. – sau một hồi im lặng, cô lại nói.
– Hả? Tại sao?
– Tôi ghét nhất là chờ đợi. Quá 20 phút là tôi phát điên ngay.
– Biết đâu là tắc đường.
– Mười giờ đêm còn tắc đường? Tôi thà tin rằng anh ta bị tai nạn còn hơn.
Tôi nhìn cô ngạc nhiên. Cô nhún vai như chẳng hề có chuyện gì, cười cười nói:
– Anh vẫn không thể thưởng thức được óc hài hước của tôi.
– Thôi, tôi gọi taxi vậy. – cô nhìn đồng hồ rồi đột ngột quyết định.
– Vậy có được không? Bạn trai cô đến không thấy cô thì sao?
– Anh ta bắt tôi đợi, tôi khiến anh ta phải sốt ruột. Rất công bằng mà.
– Sắp 11h rồi, cô đi taxi không an toàn lắm. Đợi bạn tôi tới rồi bọn tôi đưa cô về.
– Không cần đâu, hai người đàn ông xa lạ và một tài xế taxi, cái nào nguy hiểm hơn hả?
– Cô nói không sai, tôi và bạn tôi nguy hiểm hơn thật. – nói xong, tôi không nhịn được bật cười.
– Anh tiến bộ rồi, cuối cùng đã có thể thưởng thức óc hài hước của tôi. – cô cũng mỉm cười.
Cô bước vào taxi, đóng cửa xe. Tôi vẫy tay chào.
Bỗng cô hạ cửa xe xuống: – Này, bắt lấy.
Tôi giơ tay ra đón lấy đốm sáng bạc loé lên thành hình vòng cung trong đêm, cúi đầu nhìn xuống. Là chiếc bật lửa.
– Tặng anh đấy. Bye bye, Calvino.
– Bye bye, Capuchino.
Ngồi trên xe của người bạn, trong đầu tôi cứ nghĩ mãi về cô gái có thể nói là xa lạ kia.
Không biết có phải do thời tiết không, tôi cứ thấy cảm giác mà cô đem lại thật lạnh.
Người như thế lẽ ra nên quen vào mùa hè thì mới không cần đến điều hoà.
Nếu quen vào mùa đông, thì đúng như câu thành ngữ: Trên tuyết có sương.
Đúng lúc tôi đang dần dần quên đi cô gái đó, thì cô lại xuất hiện.
Lần này vẫn là ở nhà ga, trước cửa mua vé trước.
– Hi, lại gặp anh rồi. – Cô vỗ nhẹ vai tôi từ phía sau.
– Chà, khéo thật. Cô cũng đến mua vé tàu à?
– Đến ga tàu không mua vé tàu, chẳng lẽ mua áo len?
– Quả là những lời vàng ngọc, tiểu đệ đã hoàn toàn lĩnh hội. – tôi đã quen với óc hài hước của cô gái.
– Anh mua vé hôm nào?
– Chuyến tàu Cử Quang 4.55’ chiều mai.
– Tốt, mua luôn hai vé nhé.
Hôm sau, từ xa tôi đã nhìn thấy nụ cười của cô trên sân ga.
Lần này cô mặc chiếc áo gió màu xanh nhạt, quần bò ống côn màu trắng, vẫn đôi bốt đỏ thẫm lần trước.
Vẫn là thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng.
– Cô yêu Trung Hoa dân quốc đến vậy sao? – tôi hỏi tếu.
– Anh nói gì? – cô nhếch mép cười.
– Tôi nói màu sắc quần áo của cô. – tôi chột dạ trả lời, nghĩ bụng không biết câu đùa tếu vừa rồi có gì không ổn không.
– Ờ – cô trả lời nhẹ tênh.
Tôi nghĩ không chỉ có những người khác khó lòng thưởng thức óc hài hước của cô, mà cô dường như cũng rất khó dung nạp óc hài hước của người khác.
Trên tàu, chúng tôi tiếp tục trò chuyện. Tôi mới biết tên cô: Hân Nhuỵ và Cinderella.
Hai chúng tôi, không có thời gian nào trải qua cùng nhau, cũng chẳng có người bạn nào chung.
Vì thế, những cuộc nói chuyện của chúng tôi, nếu nói là gắng tìm đề tài, thì thà nói là cố gắng thoả mãn sự tò mò về đối phương.
– Cô định học gì ở bên Mỹ?
– Thống kê giáo dục.
– Chỉ học Thạc sĩ thôi, hay học cả Tiến sĩ nữa?
– Nếu có thể, tôi hy vọng có thể ở nước ngoài càng lâu càng tốt. Tốt nhất là đừng quay lại Đài Loan nữa.
– Cô ghét Đài Loan đến vậy sao?
– Có rất nhiều người ghét Đài Loan mà, đâu chỉ riêng tôi. Hơn nữa, môi trường ở nước ngoài cũng phóng khoáng hơn.
– Tôi thấy việc ra nước ngoài học tập hay sinh sống là việc riêng của mỗi người, không cần thiết phải chỉ trích đến môi trường ở Đài Loan. – tôi hít một hơi dài, thầm mong gan mình to ra một chút.
– Môi trường Đài Loan quả thật rất tệ, nhưng cũng không cần nói như thể vì Đài Loan tệ quá nên ‘bắt buộc’ phải ra nước ngoài học tập hay sinh sống.
– Dĩ nhiên mỗi người đều có quyền theo đuổi cuộc sống tốt đẹp hơn, hay cơ hội học tập tốt đẹp hơn, – tôi nhìn cô – nhưng khi theo đuổi, cũng nên thừa nhận tham vọng của chính mình, chứ không nên tìm lý do bào chữa.
– Anh giáo huấn hay lắm. – giọng cô vẫn lạnh lùng như cũ.
– Xin lỗi, đây là những lời ghen tị của một kẻ muốn ra nước ngoài mà không thể nào đi được, cô đừng để ý.
– Tôi nói thật đấy. Tôi vẫn luôn muốn được ra nước ngoài, nhưng chưa hề biết tại sao tôi lại muốn ra đi. – Giọng cô bỗng trở nên dịu dàng:
– Mà những lý do tôi đưa ra để thuyết phục bản thân, thường là ‘Đài Loan quá tệ’ hay ‘mọi người ai cũng đi hết’.
Tay phải cô lại mân mê thuỳ tai phải. Cô thở dài:
– Có lúc nghĩ, ra nước ngoài dù dát một đống vàng cũng chẳng thể thay đổi được gì.
– Bạn trai cô thì sao?
– Anh ấy à? Chắc là sắp chia tay rồi.
– Hả? Tại sao?
– Lúc đến bên anh ta là hồi còn trẻ dại, giờ tôi muốn bỏ anh ta rồi.
– Không phải vì chuyện lần trước ở ga Đài Bắc chứ?
– Dù không có chuyện đó, tôi với anh ta vẫn chỉ là hữu danh vô thực. Cho nên tôi thấy rất may mắn.
Cô lại đưa tay lên mân mê thùy tai phải, vừa nói vừa giống như thở hắt một hơi.
Theo động tác của cô, tôi không tránh được liếc nhìn tai cô. Không thấy đôi bông tai pha lê đâu nữa.
Thuỳ tai đã từng đeo bông tai, hình như lộ chút trống vắng.
– Sao hôm nay cô không đeo bông tai?
– Ai quy định có lỗ tai thì phải đeo bông tai?
– À… tôi chỉ hỏi cho có thôi, không có ý gì cả. – tôi hơi ngượng.
– Tôi cũng chỉ trả lời thế thôi, không có nghĩa là tôi không vui. – cô điềm nhiên trả lời.
Câu chuyện dường như kết thúc, chỉ còn lại tiếng tàu chạy và tiếng khóc đòi ăn khô mực của cậu nhóc ngồi phía sau.
Không khí im lặng này kéo dài từ Gia Nghĩa tới tận Tân Trúc.
Tay phải cô chống cằm, nhìn ra ngoài cửa sổ mông lung, ánh mắt như dừng lại ở một nơi nào xa lắm.
Mà nơi xa đó, cứ chuyển động theo chuyển động của con tàu.
Những đám mây lãng đãng trên trời, những hàng cây vùn vụt hai bên đường, biển hiệu quảng cáo trên những cánh đồng, đều không thể cản được ánh mắt ấy.
– Đôi bông tai pha lê đó là quà Valentine của anh ta tặng tôi.
Khi tàu sắp tới Tân Trúc, nhà ga đang nhắc nhở hành khách xuống tàu chớ bỏ quên hành lý, cô bỗng mở miệng. Khi tôi còn chưa biết phải nói gì tiếp theo, cô đã nói tiếp:
– Tôi còn vì đôi bông tai đó mà đi bấm lỗ tai. – cô lại sờ lên thuỳ tai phải.
Nếu tôi không nhầm, thì đây là lần thứ sáu từ khi cả hai bắt đầu im lặng ở Gia Nghĩa, cô làm động tác đó.
– Khi đó chúng tôi kẻ Nam người Bắc. Mỗi khi nhớ anh ta, tôi lại đeo đôi bông tai đó, sờ lên viên pha lê.
Lần thứ bảy.
– Năm nay tốt nghiệp, đến Đài Bắc ôn Toefl. Lúc đầu tôi rất vui, vì không còn phải chịu đựng sự nhung nhớ nữa.
– Còn bây giờ? – cuối cùng tôi cũng tìm được một chỗ trống để chêm vào một câu.
– Bây giờ tôi phát hiện ra, tình cảm mà không còn phải nhung nhớ, thì không còn gọi là tình cảm nữa rồi.
– Hơi khó hiểu.
– Nhớ nhung là dùng đầu để nghĩ, còn ở bên nhau là dùng mắt để nhìn. Có lẽ tình cảm của sự nhung nhớ luôn đẹp hơn.
– Tại sao?
– Bởi vì đầu óc thì dễ dàng lãng mạn hoá, còn mắt nhìn thì chỉ có thể phản ánh hiện thực mà thôi.
Cô lại thở mạnh một hơi, sau lần thứ tám.
– Thôi bỏ đi, tôi chẳng còn lý do gì để nhớ anh ta nữa.
Tôi không đành lòng đếm tiếp số lần cô sờ lên thuỳ tai phải nữa, trầm ngâm suy ngẫm về những lời cô vừa nói.
Cũng giống như cô đang trầm ngâm. Nhưng tôi trầm ngâm suy nghĩ, còn cô trầm ngâm, phải chăng là nhung nhớ? Tôi nghĩ cô nhất định tưởng rằng, bỏ đi đôi bông tai là có thể vứt bỏ tình cảm đã qua, cắt đứt tất cả mọi nhung nhớ.
Cô hy vọng tự đưa ra cho mình một lý do để không nhớ người đó nữa, nhưng vẫn giữ lại thói quen khi nhớ anh ta.
Đôi bông tai hữu hình đã vứt đi rồi, nhưng tình cảm vô hình không phải nói bỏ là có thể bỏ được.
Bởi vì nếu có thể dễ dàng dứt bỏ, thì đâu thể gọi là tình cảm?
– Cuối cùng cũng đến Đài Bắc. – cô khoác áo khoác vào, mỉm cười nhìn tôi:
– Đi ăn cái gì đi. Tôi phải mời anh chứ.
– Why?
– Chà, tiếng Anh cơ đấy. Anh quên là tôi vẫn chưa đưa anh tiền vé tàu sao?
Cô bỗng mỉm cười rạng rỡ. Tôi bất giác đờ người ra…
Có lẽ vì nụ cười của cô quá rạng rỡ, cũng có lẽ chỉ vì tôi chưa từng thấy cô cười sảng khoái và ấm áp như vậy.
Tuy tôi biết đứng trên núi băng ở Nam cực vẫn có thể thấy được mặt trời, nhưng tôi vẫn không thể hình dung mặt trời và núi băng ở cạnh nhau.
– Tiền vé là 571 đồng, chúng ta ăn cái gì ngon ngon một chút. – cô cao hứng đề nghị.
– Chẳng phải cô bảo ‘mời’ tôi sao?
– Anh thấy có khả năng đó không?
– Tôi thấy chắc chắn là không có.
– Biết thì tốt rồi. Quen với tôi xem như anh xui xẻo, cho nên cứ tiêu hết 571 đồng này đi có phải hơn không.
– Được thôi.
Chúng tôi tìm tới một quán ăn Âu ở gần ga Đài Bắc. Là một nhà hàng có những người phục vụ với nụ cười hết sức khoa trương.
Giá cả của loại nhà hàng này thông thường sẽ tỷ lệ thuận với nụ cười của người phục vụ.
Chúng tôi vừa ăn vừa tán gẫu. Cô kể về cuộc sống sinh viên của cô, và cả những tháng ngày bi thảm ở Đài Bắc.
Bi thảm là từ cô dùng.
Còn tôi, một suất sườn bò 500 đồng mới gọi là bi thảm. Càng thảm hơn là còn phải trả thêm một đống tiền phục vụ.
– Phải trả thêm tiền phục vụ đúng là hết sức vô lý.
Ra khỏi nhà hàng, tôi oán thán.
– Dĩ nhiên là phải trả rồi. Nếu không tại sao người ta lại tươi cười lịch sự chào anh là ‘hoan nghênh quý khách’ chứ?
– Tôi thà bị họ mắng là ‘Đến đây làm gì?’ mà tiết kiệm được phí phục vụ còn hơn.
– Óc hài hước của anh còn kỳ quái hơn cả tôi nữa đấy. – cô lại cười toe.
– Không dám không dám. Trước mặt cô, óc hài hước của tôi chỉ là có chút nhân tính hơn một chút thôi.
– Anh đang giễu tôi đấy à? – giọng cô pha chút đùa cợt.
Không ngờ cô cũng giống những cô gái khác, cũng biết nói đùa theo kiểu này.
– Còn 21 đồng nữa, ăn gì bây giờ? – có lẽ vì thời tiết nên giọng cô như hơi run run.
– Ê, ở kia bán bánh đậu đỏ kìa. – Cô chỉ về phía bà cụ bên kia đường: – Ăn bánh đậu đỏ được không?
– Of course, why not?
– Anh lại nói tiếng Anh rồi. Đừng có quên, tôi đang ôn thi Toefl, nhưng đã đạt đến trình độ cao nhất của tiếng Anh rồi đấy.
– Vâng vâng vâng, sau này không dám múa rìu qua mắt thợ nữa.
– Thực ra anh chỉ bị phát âm không chuẩn, ngữ điệu không đúng lắm mà thôi. Tôi nghe vẫn hiểu anh nói gì.
Mở miệng ra nói tiếng Anh, ngoài ngữ điệu và phát âm ra, còn cái gì nữa chứ?
Chúng tôi mua 20 đồng bánh đậu đỏ. Vừa cầm miếng bánh, cô vội vã ăn ngay.
– Vừa rồi cô ăn chưa no à?
– No chứ, no căng cả bụng.
– Vậy sao cô vẫn ăn được nữa?
– Nếu phụ nữ có thể chống lại sự mê hoặc của đồ ăn, thì đã không có nhiều trung tâm giảm béo đến vậy.
Tôi gật gật đầu, coi như đồng tình.
– Vẫn còn 1 đồng nữa… – cô mân mê thuỳ tai phải, cúi đầu suy nghĩ, cuối cùng nói:
– Tôi cho anh số điện thoại, lát nữa anh gọi điện thoại công cộng cho tôi.
Cô rút giấy bút ra, viết ra 8 con số, đưa cho tôi.
– Tôi sợ 1 đồng không đủ đâu – tôi nhét mẩu giấy vào túi áo khoác, cười nói.
– Thật không? Dám cá với tôi không? Tôi quyết không để anh phải móc đồng thứ hai ra đâu.
Cô lại quay về trạng thái lạnh lùng. Thì ra Nam Cực dù có mặt trời, cũng vẫn có đêm đen.
Và tôi cũng phát hiện ra, động tác sờ thuỳ tai của cô cũng giống như ánh sáng xanh nhạt của đôi bông tai pha lê, đều làm tôi chói mắt.
– Muộn lắm rồi, cô định về như thế nào?
– Tôi thuê nhà ở gần đây, đi bộ về là được rồi.
– Có cần tôi đưa cô về không?
– Không cần đâu, tôi không thích cho người ta biết chỗ ở của tôi.
– À. Vậy thì tạm biệt.
– Anh có thể nói bye bye bằng tiếng Anh mà, không sợ bị tôi cười đâu.
Nói xong, cô lại cười, lấy ra một đồng 1 xu: – nhớ gọi điện cho tôi đấy. Đi đường cẩn thận.
Tôi về đến nhà, tiện tay vứt chiếc bánh đậu đỏ lên mặt bàn ăn, rút miếng giấy trong túi áo ra, lại ra đường gọi điện thoại công cộng.
– Xin hỏi…
– Không cần phải hỏi, ở đây chỉ có mình tôi thôi. – cô nhanh chóng ngắt lời tôi: – anh về đến nhà chưa?
– Về rồi. Còn cô?
– Hỏi thừa. Chẳng lẽ anh gọi điện giả vờ?
Tôi gõ gõ đầu, tự mắng mình ngu ngốc, rồi nghĩ không biết nên tiếp tục làm sao?
– Thế sao anh còn ra ngoài gọi điện thoại công cộng?
– Chẳng phải cô nói phải gọi điện thoại công cộng hay sao?
– Vậy trên người anh nhất định chỉ có một đồng 1 xu thôi phải không?
– Phải.
– Anh đúng là ngốc. Chúng ta có cá cược đâu. Cho tôi số điện thoại của anh. 10 phút sau tôi gọi lại cho.
Tôi không hề suy nghĩ gì, đọc luôn số điện thoại cho cô. Đến cả thời gian nghĩ xem nên do dự nên nghi ngờ nên vui sướng hay nên từ chối cũng không có.
– Ừm, là tôi đây. – 10 phút sau, lời mở đầu của cô từ phía đầu dây bên kia chỉ đơn giản như vậy.
– Điện thoại nhà cô chỉ có mình cô, nhưng chắc gì điện thoại nhà tôi đã chỉ có mình tôi!
– Tôi tin là anh nhất định ngoan ngoãn đợi điện thoại của tôi, đúng không?
Tiếng cười của cô truyền qua ống nói, lại có cảm giác như trẻ thơ.
– Cô nói đúng – như bị lây tiếng cười của cô, tôi cũng thấy thoải mái hơn.
Không hiểu do đường dây điện thoại có thể làm tăng độ ấm áp trong giọng nói của cô, hay vì cô trong điện thoại vốn không hề lạnh, tôi cảm thấy nói chuyện điện thoại với cô rất an toàn.
Cái gọi là an toàn, có nghĩa là tôi không phải lo mỗi câu tôi buột miệng nói ra sẽ khiến cô phóng trở lại một mũi tên lạnh lẽo.
Đã từng có thời gian, tôi quên mất chúng tôi chỉ có thể coi là bạn không thân thôi, thậm chí cũng không dám nói là bạn của nhau.
Giống như vai nam chính trong phim lúc ôm vai nữ chính thề non hẹn biển, quên mất rằng chỉ cần đạo diễn hô Cut, nàng có thể chỉ là mụ vợ già của người khác mà thôi, hỉ nộ ái lạc của nàng chẳng hề liên quan gì tới chàng.
Hoặc là nàng sẽ vội vã trèo lên Taxi tới khách sạn hẹn hò với các đại gia.
Hoặc là nàng sẽ chửi thầm thằng diễn viên chính sao mà ôm chặt thế.
Tôi chỉ nhớ lúc cô gọi điện tới là vừa qua 12 giờ đêm.
Giờ này Cinderella nên trút bỏ bộ xiêm y lộng lẫy trên người, cởi bỏ đôi giày pha lê.
Không có đôi giày pha lê và bộ xiêm y, Cinderella mới là cô bé lọ lem, chứ không phải nàng công chúa cao sang như nàng mơ tưởng.
Còn khi tôi cúp điện thoại, đũa thần của bà tiên hết hiệu lực, tôi mới biết đã xảy ra chuyện gì.
– Đúng 10h sáng mai gặp nhau ở cửa Tây ga Đài Bắc. – tôi nhớ cô đã nói như vậy.
Nhưng tôi quên tôi đã trả lời như thế nào.
Tôi thậm chí còn quên rằng mình đã đồng ý hay chưa.
Tôi chỉ nhìn kim đồng hồ đang chỉ số bốn trên tường, rồi nhẩm xem còn được ngủ thêm bao nhiêu tiếng nữa.
Tôi biết cô không thích chờ đợi, nên tôi tới cửa Tây trước để đợi cô.
Nhưng những người không thích chờ đợi thường có một thói quen xấu, đó là bắt người khác phải chờ.
Cũng giống như những người chê cơm nấu không ngon thường là những người không biết nấu cơm vậy.
– Ê, xin chào!
– Khách sáo vậy? Nghe cứ như người lạ. – cô nghiêng đầu mỉm cười.
– Đi đâu đây? – tôi hỏi.
– Anh nghe theo tôi. Hay là tôi nói anh nghe?
– Chẳng phải cũng như nhau cả sao?
– Đương nhiên không giống. Một cái là thỉnh cầu, một cái là ra lệnh.
Cô nói thản nhiên như không, vẻ như đang nghiêm túc phân biệt hai việc dễ lẫn lộn.
– Dù là ra lệnh hay thỉnh cầu, chỉ cần để tôi làm chủ là được – nụ cười của cô hết sức ma mãnh.
– Được thôi, vậy cô làm chủ đi.
Cho nên tôi phát hiện ra, đi với cô có một cái lợi: Tôi không bao giờ phải lo đến vấn đề đi đâu để giết thời gian.
Lúc nào cô cũng nghĩ ngay ra được những chỗ cần đi, sau đó chọn ngay ý tưởng đầu tiên mà cô nghĩ đến.
Tục ngữ nói: Vạn sự khởi đầu nan. Khởi đầu xong, về sau dường như không còn khó khăn nữa.
Từ hôm đó, từ việc đi xem phim dạo phố, tới việc ngồi chuyến tàu 4:55, chúng tôi đều đi cùng nhau.
Như thế có coi là hẹn hò không? Có lúc trong đầu tôi đã loé lên câu hỏi này.
Nếu nhìn từ ngoài vào, có lẽ chúng tôi giống như một đôi tình nhân không có mối tiếp xúc về thể xác.
Ngoài việc cơ thể chúng tôi chưa từng tiếp xúc với nhau ra, những hiện tượng gì thường xảy ra khi các đôi tình nhân khác hò hẹn, chúng tôi đều có cả.
Điều thiếu hụt duy nhất là, chúng tôi chưa từng cãi cọ.
Về lý thuyết, cãi nhau là không tốt.
Nhưng điều mâu thuẫn là, tình cảm của con người thường phải tích lũy đến một mức độ nào đó, mới có đủ tư cách để cãi nhau, và mới có thể cãi nhau.
Tôi thường hoài nghi, có phải nên nói rằng chúng tôi vốn không thể cãi nhau được, chứ không phải không có cơ hội để cãi nhau.
Khẩu khí của cô lúc nói chuyện lạnh như băng, tính khí cũng như băng, lúc giận lên lại càng giống băng.
Cho dù tôi có là lửa hừng hực cháy, e rằng cũng không thể làm tan chảy tảng băng kia?
Mỗi sáng khi thức dậy, đêm không ngủ được, chiều không có việc gì làm, tôi thường tất lẽ dĩ ngẫu sẽ nhớ đến cô, giống như khi khát nước sẽ muốn lấy cốc rót nước uống vậy.
Nếu như bản chất của tình yêu giống như khát khao muốn uống nước, vậy cô chỉ là quá trình để tôi giải quyết nỗi khao khát đó? Hay là cách thức tôi thoả mãn khao khát đó? Nói cách khác, cô là cốc? Hay là nước?
Tôi cũng thường nghĩ tới một câu nói: Vì sao lại có tình? Là vì có sắc. Vì sao lại tạo sắc? Là vì có tình.
Tại sao bạn lại nảy sinh tình cảm với cô ấy? Đó là vì hình ảnh của cô đã in sâu trong trí óc bạn.
Tại sao trong trí óc bạn lại có hình ảnh của cô ấy? Đó là vì bạn đã nảy sinh tình cảm với cô ấy.
Thì ra cuộc sống chính là một vòng tròn. Tình yêu cũng vậy.
Lúc giác ngộ được, thì tôi đã bị rơi vào vòng xoáy đó rồi.
Điều duy nhất có thể kéo tôi ra khỏi cái vòng xoáy đó, chỉ có đôi bông tai pha lê của cô. Cũng có thể nói là động tác sờ thuỳ tai của cô.
Nhưng cũng giống như lời một bài hát đang thịnh:
“Yêu hay không yêu đều cần dũng khí. Cho nên hai ta đều lựa chọn sự trốn chạy.”
Cô trốn chạy nỗi nhớ đối với người đó. Còn tôi trốn chạy sự thực là cô đã có bạn trai rồi.
Nếu như trước mặt Châu Ngọc Khấu không được nhắc tới Hoàng Nghĩa Giao [7], vậy thì “người đó” là điều uý kị nhất trong mối quan hệ của chúng tôi.
Có lần, cô nhại lại lời thoại của Chung Sở Hồng trong phim “Lưu manh đại hưởng”
“Yêu một lần tổn hao nguyên khí”
Đây là câu nói gần với điều uý kị nhất của cô. Nhưng cũng chỉ có một lần đó thôi.
Tôi không quên được, là vì cô cũng không quên được việc sờ lên thùy tai phải.
– Nếu như, chỉ là ‘nếu như’, anh thật sự thích em, anh có nói cho em biết không?
– Giả sử, chỉ là ‘giả sử’, em chưa có bạn trai, em có thích tôi không?
– Nếu như anh thích em, giả sử em chưa có bạn trai, anh có nói với em không?
– Nếu như tôi thích em, giả sử em chưa có bạn trai, em có thích tôi không?
Giữa nếu như và giả sử, chúng tôi cùng lúc kiên quyết bảo vệ phòng tuyến cuối cùng nơi cửa miệng.
Có lẽ, tôi và cô cũng giống như những đôi nam nữ khác trên tình trường, không ai muốn nói ra lời trước.
Giống như là người nói trước sẽ phải chịu sự xấu hổ trước, hoặc là có thể bị cười nhạo.
Cũng giống như con cò và con trai trong truyện ngụ ngôn, không bên nào chịu bên nào, kết quả là đợi ngư ông đến tạo nên một kết cục lưỡng bại câu thương. [8]
Chỉ tiếc rằng trên tình trường mãi mãi chỉ có cò và trai, chưa từng xuất hiện ngư ông.
Vì thế, tôi và cô không những không phải kẻ chiến thắng, mà đến quyền được thua trắng tay cũng không có.
Không biết là lần thứ bao nhiêu, chúng tôi cùng ngồi trên chuyến tàu 4:55. Chỉ nhớ hôm đó cũng là một ngày cuối tuần.
Hôm đó, dường như cô nói rất nhiều, nhiều tới mức còn để lộ ra cả vòng eo.
Khi tàu sắp tới Đào Viên, tôi đang đợi cô để lộ vòng ngực, thì cô đột ngột đổi đề tài, hỏi tôi:
– Anh nghe bài 4:55 chưa?
– Chưa. Bài hát tiếng Trung à?
– Là một bài hát tiếng Anh xưa, chính là bản gốc của bài “Yêu em vạn năm” tiếng Trung đó.
– Ừm, hình như cũng có chút ấn tượng.
– Muốn nghe không?
– Có.
Cô lôi máy nghe CD ra, một tai nghe nhét vào tai phải của cô, tai kia nhét vào tai trái của tôi.
– Chuẩn bị chưa? Phải tập trung nghe nhé.
Tôi gật đầu.
Cô đưa ngón trỏ lên miệng, suỵt khẽ một tiếng.
Rồi nhấn nút Play.
Yes I saw you at the station
Long distance smile
You were leaving for the weekend
Catching the 4:55
With you new…
– Có hay không? – tôi đang nhập tâm thì cô kéo phắt tai nghe ra khỏi tai tôi.
– Hay lắm. Sao tự nhiên em lại nghĩ tới bài hát này?
– Anh thông minh lắm mà, tự mình nghĩ đi.
– Anh chỉ thông minh thôi chứ có phải thần thánh đâu.
Cô như cố ý phớt lờ câu phản đối của tôi, chỉ cười nhạt nhoà.
Sau này tôi mới biết, điều cô muốn nói là ở câu thứ ba và thứ tư của bài hát.
Vì hai ngày sau, cô sẽ rời Đài Loan, từ sân bay Trung Chính ở Đào Viên bay đi Mỹ.
Đó là lần cuối cùng tôi cùng cô ngồi trên chuyến tàu Cử Quang 4:55’.
Cô không nói tạm biệt, cũng chẳng nói bye-bye.
Đương nhiên cũng chẳng giống như cô bé lọ lem, để lại một chiếc giày pha lê.
Tuy đây là kết quả có thể dự tính từ trước, nhưng khi nó xảy ra, tôi vẫn không thể nào chấp nhận.
Tôi nghĩ, một khởi đầu kỳ lạ phải đi kèm với một kết thúc kỳ lạ.
Ngay cả việc tôi dùng từ “khởi đầu” để hình dung về mối quan hệ của chúng tôi, vốn đã là kỳ lạ.
Bởi vì có lẽ chúng tôi chưa từng có khởi đầu.
Có lẽ, tôi và cô không phải là không thể bắt đầu, cũng không phải là không muốn bắt đầu, mà là không dám bắt đầu.
Những ngày cô ở Mỹ, tôi vẫn khát nước.
Mỗi lần rót nước vào cốc, tôi đều nghĩ: Cô là cốc? Hay là nước? Từng cho rằng cô chỉ là cốc mà thôi, nên đã muốn đổi cốc khác để uống nước.
Nhưng sau đó phát hiện ra rằng, cho dù cô chỉ là cốc thôi, tôi vẫn cố chấp muốn coi cô là nước.
Vì nếu như đổi cốc rồi, tôi sẽ không muốn uống nước nữa.
Tôi nghĩ, suy nghĩ này của tôi sẽ làm tôi héo mòn đi mất.
– Alô, ngạc nhiên không? – một tuần sau, tôi lại nghe thấy tiếng cô.
– Dĩ nhiên là ngạc nhiên rồi. Mọi việc tốt cả chứ?
– Tốt cả. Sắp thích ứng rồi.
– Sao em đi mà không nói với anh?
– Nói với anh làm gì? Anh đâu có đi cùng em được, cần gì phải biết.
– Ít nhất anh cũng có thể ra sân bay tiễn em mà. Chưa biết chừng chúng ta còn có thể làm một màn chia ly sướt mướt ở sân bay nữa.
– Anh đừng nói linh tinh. Mau lấy giấy bút ra, em đọc cho anh số điện thoại.
– May I speak to Cinderrela? – đó là lần đầu tiên tôi gọi điện ra nước ngoài, luyện tập rõ lâu.
– This is Cinderella speaking… May I have your name, please?
– You can call me Number One!
– What do you mean?
– Em có thể gọi tôi là Số dách!
– Shit! Sao anh không nói sớm.
– Em không nhận ra giọng anh sao?
– Tiếng Anh của anh tệ như vậy, ai mà nghe ra chứ.
Tuy chúng tôi vẫn có thể dễ dàng nghe thấy những lời thăm hỏi nhau rất ân cần, nhưng khoảng cách giữa hai người đã không chỉ còn là không gian, mà còn có cả thời gian, thời tiết, thậm chí là cả tâm trạng.
– Chúng ta cách nhau xa thật, xa tới mức anh không thể nghe thấy nhịp tim em đập nữa rồi.
– Bye-bye, chúc anh ngủ ngon chúc em buổi trưa tốt lành.
– Anh biết không? Thật ra lúc tuyết rơi chẳng lạnh như mình tưởng tượng đâu.
– Nói nhỏ cho anh nhé, hội trưởng hội đồng hương Đài Loan ở đây hình như rất thích em. Anh phải cố lên đấy.
– Em phát hiện ra em có tính cách của hoa mai. Hoa mai càng lạnh càng nở hoa, em càng lạnh càng hứng khởi.
So với nói chuyện điện thoại thì tôi thích nhận được thư của cô hơn.
Dù đó là thư tay có dấu bưu điện hay là email.
Ngoài những câu chuyện về đời sống học tập ra, điều cô thường nhắc tới nhiều nhất, chính là chuyến tàu Cử Quang 4:55.
Bởi vì cô cứ nhớ mãi những ký ức khi cùng tôi ngồi trên chuyến tàu đó.
Cô còn nói cô từng nhìn thấy một chuyến tàu 4:55 ở ga New York, nhưng đó là sân ga số 9.
– Mặc kệ, em cứ lên tàu. Dù sao cũng đang ở Mỹ, chỗ nào chẳng xa lạ. So… who cares?
Không biết tại sao, tôi cứ cảm thấy con gái đi du học ở nước ngoài, không nên không có nước mắt.
Ít nhất là khi tới những ngày lễ như Đoan Ngọ hay Trung Thu, cũng nên rỏ vài giọt nước mắt gọi là tưởng nhớ.
Nhưng dù qua điện thoại hay qua thư, tôi chưa từng nghe thấy hay nhìn thấy cô tỏ vẻ yếu đuối.
Cô lúc nào cũng cố gắng “chứng minh” là mình lạc quan, chẳng hề cô đơn. Còn cố khoe về cuộc sống mới mẻ thú vị nơi đất khách.
Kể cả khi kể về việc xe cô bị lún trong tuyết cũng vậy.
Có một câu tục ngữ thế này: “Trai đẹp cũng như mỹ nữ, càng cố chứng tỏ, càng không phải”
Vậy thì, cô càng chứng minh cô vui vẻ, phải chăng cô càng không vui vẻ? Dù sao thì trai đẹp hay gái sắc thực sự, nhìn là biết liền, cần gì phải chứng minh.
– Giáng sinh được nghỉ một tháng. Em về Đài Loan gặp anh.
Cô hào hứng nói qua điện thoại.
– Được thôi. Có cần anh đi đón không?
– Không cần đâu. Về đến nhà em sẽ gọi anh.
– Ừm.
– Sao phản ứng lạnh nhạt thế? Anh phải nhảy cỡn lên mới phải chứ.
– Vâng vâng vâng, anh đang vui sướng hết mức đây nè.
– Đồ ngốc.
– Ừm, là em đây. – về đến Đài Loan, giọng cô nghe cũng gần hơn.
– Ờ… – tôi xúc động quá không nói lên lời. Dù gì cũng đã hơn 9 tháng không gặp.
– Ngày mai gặp nhau nhé.
Cô vẫn chẳng hề thay đổi, hẹn hò mà cứ dùng dấu chấm than chứ không dùng dấu hỏi.
– When? And where?
– Giả vờ như chúng ta phải đi chuyến tàu 4:55, gặp nhau ở sân ga thứ nhất.
– Anh có nhận ra em được không?
– Thừa lời. Anh có phải dân của Trung Hoa dân quốc không vậy? Thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng là nhận ra ngay.
Tôi rất dễ dàng nhận ra cô. Dù sân ga vẫn đầy chặt những chanh.
Nhưng điều làm cô giống trái táo, không biết là nụ cười vừa thân quen vừa xa lạ kia? Hay là cách ăn mặc thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng?
– Em chẳng thay đổi gì cả.
– Vậy sao? Anh không thấy em xinh hơn trước sao?
– Không, phải nói là càng ngày càng xinh.
– Anh thì biết cách ăn nói hơn rồi đấy.
– Đi đâu bây giờ? – tôi cũng không thay đổi, vẫn quen để cô làm chủ.
– Em cố tình chạy ra đây cho anh ngắm em một lát thôi, chỉ 10 phút thôi. Lát nữa bố mẹ em muốn làm tiệc tẩy trần cho em.
– Anh ngắm xong rồi. Rồi sao?
– Vậy thì anh có thể nhắm mắt vào được rồi.
– Khiếu hài hước của em chẳng hề thay đổi.
– Tốt, anh vẫn có thể thưởng thức óc hài hước của em. Em đi trước đây. Tối em sẽ gọi cho anh.
Có lẽ là trùng hợp, cô vừa quay người bước đi, xe lửa cũng bắt đầu nhả hơi xình xịch.
Chuyến tàu Cử Quang 4:55, cả tôi và cô nữa, cùng lúc rời khỏi sân ga thứ nhất của ga Đài Nam.
– Alô, là em đây.
Đoạn mở đầu vẫn thế, nhưng âm thanh tắc nghẹn rồi.
– Em sao vậy? Em khóc à?
– Chẳng lẽ đấy là tiếng cười sao?
– Sao em lại khóc?
– Em nhìn thấy một vật.
– Vật gì?
– Anh rất thông minh, chắc anh phải biết.
Lần này đầu óc tôi đột ngột sáng láng, tôi đoán cô nhìn thấy đôi bông tai pha lê kia.
– Rồi sau đó?
– Em nghĩ tại sao trước đây mình lại ngốc nghếch như vây? Tại sao không quen với anh trước?
– Cho nên?
– Cho nên em giận mình bất lực, đến quên một người cũng không làm nổi.
– Vì vậy?
– Vì vậy em càng tức giận hơn, em ném nó ra ngoài cửa sổ.
– Sau đó?
– Em nhận ra mình đau lòng biết bao.
– Kết luận là?
– Em… em hình như không thể quên anh ấy được. Nhất là khi em biết, anh ấy cũng đã sang Mỹ.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy cô khóc. Tiếng khóc khiến tôi liên tưởng tới tiếng cốc vỡ.
Cốc vỡ rồi thì làm sao đựng nước được nữa!
Bên tai văng vẳng tiếng máy tàu của chuyến tàu 4:55…
– Cinderella, bật bài 4:55 lên nghe đi.
– Anh muốn nghe bây giờ à?
– Ừ. Nhớ mở tiếng to một chút anh mới nghe được.
– Tại sao lại muốn nghe bài hát này?
Tôi không trả lời, chỉ bảo cô cùng nghe với tôi.
Cũng giống như lần đầu tiên tôi và cô cùng đeo tai nghe nghe bài hát 4:55.
Nếu nói cô không thể thoát khỏi sự ràng buộc của đôi bông tai pha lê, thì thà nói tôi không thể chịu nổi ánh sáng xanh chói mắt của nó.
Cho nên, tạm biệt, Hân Nhuỵ.
Không, em đã từng nói tôi có thể dùng tiếng Anh mà.
So bye bye Cinderella.
Everything just has to change…
Em cũng rất thông minh, em sẽ hiểu ý nghĩa của câu hát này.
– The end –
[1] Cinderella phiên âm theo tiếng Trung là Hạnh Đế Nhuỵ La, chữ Hạnh và chữ Hân phát âm giống nhau.
[2] Trời xanh mây trắng mặt đất ngập màu đỏ tươi.
[3] The Baron in the tree – tiểu thuyết của Italo Calvino.
[4] Hiệu sách nổi tiếng ở Đài Loan.
[5] Một hiệu sách ở Đài Loan
[6] Italo Calvino (1923-1985): nhà văn, nhà tiểu thuyết người Ý.
[7] Châu Ngọc Khấu: Nữ chính trị gia người Đài Loan, từng tham gia tranh cử thị trưởng Đài Bắc. Từng có quan hệ tình cảm mật thiết với Hoàng Nghĩa Giao, uỷ viên đảng Tân Dân. Sau Hoàng Nghĩa Giao theo đuổi người đẹp Hà Lệ Trân, bỏ rơi Châu Ngọc Khấu, tạo nên một scandal ầm ĩ trên báo chí
[8]Trai đang mở vỏ thì bị cò bay qua mổ thịt. May thay, trai kịp thời khép hai mảnh vỏ lại, cặp chặt luôn mỏ của cò. Cò đau đớn lắm, giãy giụa thế nào cũng không thoát ra được. Vì thế, cò lúng búng miệng, doạ dẫm:
– Hôm nay và ngày mai đều không mưa đâu, ngươi sẽ chết vì khát.
Trai cũng không vừa, đáp lại:- Hôm nay và ngày mai nữa, ta cũng không thả ngươi ra, ngươi sẽ chết vì đói!
Chúng cứ mải cãi nhau um tỏi. Kết quả là, cả hai đều bị một ngư ông đi qua bắt gọn đem về nhà làm thịt.
Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 2 tháng 4 năm 2024