- ĐÊM PHÙ SA CHÂU THỔ
- THƯƠNG QUÁ, BÀN TAY ĐEN CỦA MÁ!
- CON NƯỚC MIỀN QUÊ
- SÀI GÒN CHẨN TẾ TRAI ÐÀN
- CON CÁ RONG CHƠI SÔNG NƯỚC CỬU LONG
- ĐẬP LÚA MA
- BÓNG TRĂNG QUÊ
- CÔ HAI RẠCH QUẢN LỘ
- THẮT LÒNG BA THẮC
- MÓN ĂN QUÊ NGOẠI
- HƯƠNG QUÊ NỘI
- TRÂU KÉO NHƠN TÌNH
- GÀ CÙNG MẸ
- TẢN MẠN GÀ NAM BỘ
- ĐÁ GÀ - CÁI THỨ GIẢI KHUÂY
- GẠO NẾP QUÊ CHỒNG
- HOA GÒN QUÊ NHÀ
- MẮM TÔM CHÀ RẠCH BÀ TÀU
- BẾN CHÙA XƯA
- NỒI CANH CHUA LÁ GIANG
- BẠT
- CHÚ THÍCH
Trời chuyển mưa chớp giựt, Tư chìa vôi níu chặt be xuồng vỏ gòn và có ảo giác mặt nước sông nghiêng. Anh Sáu tỉnh bơ, ngồi hút thuốc sau lái chờ bạn hàng tới nhận hàng. Tư chìa vôi đâm lo: “Sắp mưa, anh Sáu không kêu mình che đậy, rủi ướt đồ đạc, hàng bông ướt ráo nạo, sao trời!”. Thình lình, trời ngưng gầm gừ sấm nổ, tự dưng chớp giựt lặng trang. Trời quang mây tạnh. Anh Sáu “đi guốc trong bụng” thằng Tư, có điều anh chưa nói ra đó thôi! Tư ở phương xa, mới tới xin “đi bạn” chưa “quen nước quen cái” thì nói chi quen phong thổ đồng bằng.
Đợi chở chuyến hàng bận về và chờ con nước, anh rủ Tư lên bờ kiếm cái gì mần lai rai cho đỡ buồn miệng. Tư giữ phận, không dám vượt ranh chủ tớ. Anh Sáu vỗ vai Tư, rồi cười bằng mắt:
– Trong việc mần ăn, người Nam Bộ coi nhau là “bạn” . Tui mời chú em đi “kéo ghế” . Ghế ở đây, thuộc loại ghế đẩu tuy không sang nhưng cũng vừa đủ ấm lòng kẻ thương hồ.
Anh Sáu ngó bộ dạng và cặp giò ốm tong teo, cao lêu nghêu của Tư chẳng khác mấy cái chìa vôi ngoáy trầu; hèn gì đám “đi bạn” chung với nó, gọi nó “Tư chìa vôi” . Bước lên thân cây dừa đẽo rãnh bực thang, Tư cúm rúm sợ trợt chưn té.
Thềm quán cao, Tư ngồi ghế đẩu ngó bến sông thấy chiếc xuồng vỏ gòn giống hệt vỏ trái gòn trong khu vườn nhà ở Quảng Yên. Tư cố giấu cảm xúc chạnh lòng ly hương, quay sang hỏi anh Sáu:
– Khi nãy, sao anh gọi đi “kéo ghế”?
– Thì, gốc gác của tui cũng từ ngoài đó vô đây!
Ánh mắt xa xăm, anh buông thõng một câu:
– Đã hơn ba đời người, chớ ít ỏi gì đâu!
Dường như muốn né tránh xúc động, anh hớp ngụm rượu rồi nói lảng sang chuyện mưa nắng.
– Miền phù sa châu thổ có năm tháng mưa, bảy tháng nắng. Nếu, gió mùa Tây Nam đem mưa về thì, gió mùa Đông Bắc mang nắng hạn đến. Và, xứ Rạch Giá bao giờ cũng được trời mưa sớm hơn các nơi khác độ mươi ngày, nửa tháng.
– Anh nói chi? Tui không hiểu!
Anh Sáu lắc lắc chai rượu, rót đều đôi chén bằng nhau.
– Theo chuyện kể dân gian, sở dĩ Rạch Giá uống nước trời mưa sớm vì, nó “hứng ngọn gió Tây Nam đầu tiên” và cũng bởi, trời sanh cây giá mọc đôi bờ hai con rạch ăn thông nhau nhằm bảo vệ đất cù lao không trôi ra biển. Cây giá khát nước mưa, trời chìu như sự thưởng công giữ đất. Lưu dân từ ngũ Quảng vô khẩn hoang lập điền, nghe thấy vậy, đồng tình đặt tên miền đất mới là cù lao Giá. Đất sống nhờ nước, cù lao phát triển nhờ rạch. Rạch trữ nước ngọt cận kề biển chứa nước mặn nên người đời tôn vinh rạch: Ngăn mặn, giữ yên bờ cõi. Từ đó, thiên hạ gọi Rạch Cây Giá; lâu ngày dài tháng, chữ “Cây” rễ lút sâu lòng đất chỉ còn hai tiếng gọn hơ: Rạch Giá!
Chủ hàng chất hàng gửi đã xong, con nước anh Sáu chờ cũng vừa kịp tới. Lúc xuồng tách bến, anh Sáu cười và nói lớn:
– Trời gầm gừ, chớp giựt vào tháng cuối năm... Tui không kêu chú em che đậy hàng vì, hiểu trời hù dọa chơi; chớ nếu mưa trái mùa, chả lẽ trời tạo cớ xúi giục vạn vật trần gian đảo điên, ly tán à!
❖ ❖ ❖
Tính ra thì, Tư chìa vôi cũng đã đi bạn với anh Sáu hơn ba cái Tết. Tư quen dần cảnh vật, nếp sống sông nước miền Nam. Anh Sáu nhiều lần nhắc nhở: “Cần “để”, không cần “giữ” ý tứ. Nhiêu đó, đủ hòa nhau và được thuận lòng”. Rồi anh dặn: “Để” phải tinh tường, “giữ” cái phải giữ, không câu nệ. Anh Sáu thương Tư vì tánh nết hơn vì cảnh ngộ. Bản chất dân sông rạch không tùy hứng, ngẫu nhiên mà từ, kinh nghiệm thực tế khi lựa chọn nơi ăn chốn ở cho phù hợp với môi trường tự nhiên. Anh Sáu nói thêm cho Tư “để ý”:
– Dòng chảy con sông như sợi dây thiên nhiên cột ràng xóm ấp vì nhà cất: “tiền sông, hậu ruộng” . Chú em nghiền ngẫm rồi sẽ hiểu ra. Biết đâu sau nầy nó hữu ích khi, chú em muốn chọn nơi lập thân.
Chuẩn bị chở chuyến hàng đêm, Tư hối hả tắm gội, giặt giũ áo quần trên cây cầu ván gie ra mé sông ở bến sông. Bên kia liếp vườn, nắng táp hỗn hàng cau mềm rũ lá, thứ nắng người ta thường nói: “Nắng quái chiều hôm”!
❖ 2 ❖
Đêm phù sa đen tối mặt.
Chiếc xuồng vỏ gòn bốn chèo chở hàng về Rạch Giá. Xuồng lướt gió nước thuận trên dòng kinh xáng Xò No băng ra sông Cái Lớn. Thị trấn Gò Quao xưa kia, có tên chữ Đại Hà huyện đã ngái ngủ êm đềm dưới trời sao đồng bằng. Từ sau lái, anh Sáu nhắc:
– Chú em! Cẩn trọng khi tới khoảng giữa rạch Cái Tư, một nhánh sông Cái Lớn và rạch Cần Thơ ăn ngang thị tứ Vị Thanh.
Tư hiểu ý anh Sáu nhắc “cẩn trọng” là cẩn trọng cái gì. Khoảng giữa rạch Cái Tư và rạch Cần Thơ tạo nên vùng “đất mật”, dân tứ xứ đổ xô về kiếm sống, dân chuyên nghề “bối” và “ghe quan” cũng lảng vảng mò tới kiếm ăn. Ông bà mình thường nói: “Có mật có ruồi, theo ruồi sẽ đến cầu tiêu” . Bởi vậy, vùng “đất mật” cũng là vùng “đất đắng” .
– Dạ! Tui biết rồi, anh Sáu!
Tư vừa chèo vừa căng mắt quan sát. Sông nước im ắng lạ thường, thỉnh thoảng có tiếng cú kêu hoặc tiếng vạc kêu sương rời rạc... Người nghe ai mà chẳng sợ, chẳng chạnh lòng. Tư mong và rất mong, có tiếng hò của ai đó, vào lúc nầy, cái sợ sẽ tan đi và lòng thì, bớt chạnh.
Tư nhớ những chi tiết do anh Sáu chỉ vẽ: “Ghe hầu khác ghe điệu cả hình dáng lẫn kẻ sử dụng. Ghe hầu của đám quan lại, ghe điệu của bọn giàu có. Ghe điệu mũi lái chạm trổ, kèo mui sơn phết son vàng. Ghe hầu tàng lọng, về đêm đèn đuốc sáng choang. Hễ nhác thấy hai loại ghe đó, né lẹ tránh xa; kẻo “tai bay vạ gió”.
Xuồng đang lướt mái chèo ngon trớn. Bỗng, anh Sáu la thất thanh: “Bát! Bát!...” âm vang giựt dội mặt nước. Chiếc ghe trước mũi chẳng những không chịu “cạy” [1] mà nó, lao xắn tới. Trên ghe lố nhố năm, bảy thằng bôi mặt giấu tông tích, chực chờ nhảy qua xuồng. Không kịp trở tay chèo, Tư la chói lói:
– Bối! Bớ người ta, bối... b... ố... i...
Lấy hết sức bình sinh trung niên, anh Sáu cố “cạy” chiếc xuồng.
– Rầm! Rầm! R... ầ... m...!
Tư văng xuống kinh. Mũi xuồng quay mòng mòng đâm vô chiếc ghe neo bờ không treo đèn báo hiệu. Đồng thời, cùng lúc, chiếc ghe của đám “Bối” đụng thẳng hông xuồng. Trời tối, giơ bàn tay không thấy!
❖ ❖ ❖
– Giờ Tý canh Ba, Bá hộ đi đâu qua hướng rạch Cái Tư?
Huyện Heo nghiêm sắc mặt, hỏi Bá hộ Thao.
– Dạ! Bẩm quan anh, em... e... m...
Bá hộ Thao cà lăm cà lặp một hồi mới nói được, rằng: “Em lặn lội đêm hôm sương gió là để kiểm tra bất thình lình bọn tá điền bê trễ việc tá túc [2] ”. Huyện Heo ngồi tréo ngoảy, tay xe xe sợi lông tài mọc trên mụt ruồi đen mép phải miệng. Bởi, huyện Heo thừa biết âm mưu của thằng Thao “mượn tay quan cướp ruộng đất thằng Sáu”.
Đời trước, ông bà anh Sáu khẩn hoang được mươi mẫu đất và qua nhiều mùa cấy cày, đất trở nên “ruộng mứt”. Rủi cho gia đình anh, “ruộng mứt” đó lại nằm cặp ranh đất Bá hộ Thao.
Huyện Heo đập tay xuống bàn.
– Đi kiểm tra bọn tá điền bê trễ việc tá túc, hay léng phéng đi thông dâm với vợ thằng Biện Tình vậy, ông Bá hộ?
Bị huyện Heo điểm ngay chóc huyệt, Bá hộ Thao đứng chết trân, trán rịn lấm tấm mồ hôi. Quán tính “đầu trộm đuôi cướp” có từ buổi chập chững hành nghề trộm bất chợt hiện về, giúp Bá hộ Thao kịp lấy lại bình tĩnh.
– Thì, em cũng vì muốn mang lợi lộc dâng tặng quan anh, đó thôi! Miễn sao, quan anh xử nó đi tù và bắt nó bán nhà cửa, ruộng vườn lo chạy án, lo phí tổn sắm lại cái ghe điệu cho em.
Cặp mắt giống mắt heo của huyện quan lạnh lùng ngó lên trần nhà, giọng nói không xì hơi qua đôi hàm răng khít rịt:
– Bá hộ khinh khi quan quá mức, tù mọt gông đó, nha!
Nói xong, quan chắp tay sau đít, đi tới đi lui, mặt tai tái, đóng kịch giận dữ.
– Đẩy vào thế kẹt, nó bán mình mua theo giá mình định. Mình có cướp giựt của nó đâu, quan rầy rà em quá thể!
Bá hộ Thao tức mình thầm nghĩ: “Mình với va mần ăn nhiều năm, nào phải lần đầu. Ngay vợ thằng Biện Tình, va cũng mần banh chìa sứt gọng. Chuyện bọn bối lộng hành khúc sông về miệt Cái Tư cũng chính va giao kèo bán bãi cho chúng. Lạ thiệt, sao hôm nay, va trở chứng?”. Nghĩ thì nghĩ vậy, sợ sẩy mồi và hỏng việc mần ăn với quan, Bá hộ Thao chơi bài ngửa:
– Em bỏ tiền mua, quan khỏi lo!
Bấm bụng nói vậy, chớ trong bụng Bá hộ Thao tiếc tiền hùi hụi và chẳng phải, Bá hộ Thao mù tịt lai lịch huyện Heo. Huyện quan xuất thân Hương quản làng Hòa Hưng, họ tên cúng cơm Lê Văn Nạo, con Lê Văn Ráo. Dân Hậu Giang thời đó, không ai không ngán
“cặp bài trùng Ráo – Nạo”. Tuy đụng gì ăn đó, nhưng ở vùng phù sa châu thổ không có cái ăn nào ngon lành hơn “ăn đất” và, ăn đất khỏi cần cạp. Tía con thằng Nạo cố sức ăn sạch sành sanh, ăn ráo nạo; ăn đến đỗi thành danh: “Heo, ăn như heo”!
Huyện Heo vỗ vai Bá hộ:
– Thôi được, cứ vậy mà mần!
Bầy chim sẻ đậu mái hiên huyện đường, vụt bay tán loạn!
❖ 3 ❖
Sau cái đêm hãi hùng đó, anh Sáu bị bắt. Chị một nách nuôi ba con nhỏ và chăm sóc má chồng. Tư chết đứng, chứng kiến cảnh nhà chị sa sút dần và có lẽ, chuyện “táng gia bại sản” chỉ là thời gian. Lớp nào đền tiền chủ hàng, lớp nào bỏ tiền sửa “ghe điệu” của Bá hộ Thao đang đêm “đi khám điền thổ”; chưa kể “tiền lót lại, đút quan”... hòng cứu chồng thoát vòng lao lý! Lần hồi, chị cắn răng bán nhà cửa, ruộng vườn để trang trải nợ nần. Chị nuốt lệ, má chồng khóc hết nước mắt; còn anh thì, được huyện Heo “chụp cho cái mũ” đội chơi, gỡ bốn cuốn lịch kể cả năm nhuận, không bớt một ngày, về cái tội “Bối ghe điệu”; nghĩa là, cướp ghe Bá hộ Thao (!?)
Ghe lui khỏi bến còn dầm
Người thương đâu vắng chỗ nằm còn đây.
(Ca dao)
Đêm khuya khoắt, lời ru con của chị Sáu buồn man mác. Hẳn là, lời đựng tâm ý thuộc về mẹ, tiếng ru chứa âm điệu thuộc về con. Phù sa châu thổ từ sông nước mà mênh mông, tình con người từ cảnh ngộ mà lai láng. Và, “Mật ngọt còn tổ chết ruồi/ Những nơi cay đắng là nơi thiệt thà”. Họa phúc cùng chia, Tư chẳng thể quay lưng bỏ đi khi chủ sa cơ thất thế.
Tư gom số tiền tích cóp, dành dụm bấy lâu “đi bạn” đưa cho chị Sáu mượn dựng quán ở giáp nước rạch Cái Tư. Má chồng chị Sáu, nói:
– Chỗ nào giáp nước, chỗ đó tấp nập xuồng ghe ngược xuôi ghé lại. Trước là, vô hàng quán ăn uống, nghỉ ngơi qua chuyến đi dài. Sau là, đợi con nước để đi tiếp. Nó cũng là đầu mối nghe ngóng, trao đổi “đường đi, nước bước” và, truyền miệng rất nhanh đủ thứ chuyện trên đời... Người ta gọi đó là, “chợ thông tin”.
Hỏi ra, Tư mới biết, chỗ giáp nước là chỗ con sông đổi con nước.
Buổi trưa, đám trẻ con xóm chợ rủ nhau tắm sông, đứa thả ngửa, đứa trầm nghịch ở bến đậu ghe xuồng tạo nên hoạt cảnh náo nhiệt, người buồn mấy cũng vui lây. Tư nhớ lời anh Sáu: “Nghèo khó không bó cái lạc quan”. Phải rồi, một khi cái lạc quan bị bó thì, “chó cũng bỏ đi” nói chi tới người. Anh Sáu gặp nạn do nghề hay do nghiệp? Tư không sao giải nổi. Noi gương người xưa, Tư mượn rượu “phá thành sầu” . Thành sầu bị phá ở đâu chẳng thấy, chỉ thấy cái sầu đốt cháy tâm can.
– Bánh lái gãy, xuồng cần tay chèo tỉnh táo. Gia cảnh tui giờ rối như canh hẹ; suốt ngày chú nhậu li bì... Tui biết mần sao?
Tiếng chị Sáu buồn buồn, nửa khuyên nửa trách.
Tư nhớ hồi chiều, anh em bàn nhậu hỏi:
– Tư chìa vôi, chú mầy thuộc loại “anh Hai xuồng ba lá” hay “anh Ba ghe chài”?
Tư ngơ ngơ, ngáo ngáo giữa đám cùng “đi bạn”. Tới lúc về nhà học lại cho chị Sáu nghe, Tư vỡ lẽ: “Xuồng ba lá là người uống được rượu ít, ghe chài là người uống được rượu nhiều”. Đời cũng có lắm khi công bằng: “Uống ít, say mau, tỉnh mau. Uống nhiều, say lâu, tỉnh lâu”. Tư chợt nghĩ: “Kẻ sống đoản hậu sẽ mất cơ may trường phúc”. Và, hạng người như Bá hộ Thao, dù điền sản mấy ngàn mẫu đất chẳng kém gì ruộng đất của Tổng đốc Phương ở vùng Hỏa Lựu, Vĩnh Hòa Hưng... cũng không có cơ may tận hưởng trường phúc, lộc; nói chi tới trường thọ!
❖ 4 ❖
Nầy con! Giờ thì thằng Sáu đã thụ án, vợ nó cũng tạm sống “gạo chợ nước sông” đắp đổi qua ngày bằng cái nghề buôn bán lặt vặt để nuôi con, đợi ngày chồng về. Má tính như vầy, con coi có đặng không?
– Tính sao, hả má!
Bà nói nhỏ nhẹ:
– Má tính tới mùa lúa sau, lãnh ruộng thầy Cai cho con mần tá điền; với sức vóc và tính cần cù của con, rồi con chẳng thua kém ai.
Từ lâu, Tư coi má anh Sáu như mạ của mình. Lời má là lời chơn tình, muốn Tư có việc làm ổn định. Nhưng, Tư không thích trở thành tá điền để cả đời làm tôi mọi chủ điền. Những tháng năm “đi bạn” và có lúc thúc thủ “ăn nhờ ở đậu” miền phù sa châu thổ, bằng trải nghiệm tự nhiên và tự thân, Tư nhận ra “mái chèo, con thuyền” vẫn hơn “tay cày, tay cuốc”. Sông nước cho người sự phóng khoáng, tự do; còn đồng ruộng, cho người trực canh ruộng chủ để rồi đói nghèo, nợ nần lưu cữu, không đủ lúa nộp lúa ruộng. Thân tá điền, dẫu cơ cực sơn trường, cái ăn quanh quẩn cũng chỉ là: “Vai mang bông súng, tay cầm củ co” (Ca dao).
– Dạ! Thưa má, con vẫn muốn nối tiếp trở lại cái nghề của anh Sáu. Đợi anh Sáu ra tù rồi hẵng hay!
Tư rụt rè thưa chuyện với má. Mặt má buồn dàu dàu, chẳng nói chẳng rằng, hồi lâu má mở lời:
– Má tuy là đàn bà chỉ có phận, không có danh nhưng, vì là người cố cựu ở vùng nầy nên má biết nhiều chuyện. Đường đi sông rạch chẳng thiếu cái cân luật lệ, chỉ thiếu cái tâm của người cầm cân. Con “đi bạn” với thằng Sáu nhà má đã ba cái Tết, nếu con không để ý để tứ thì, dù con có đi bạn hơn vài mươi cái Tết cũng bằng không. Chỉ là, “chèo xuồng vọc nước” chẳng hữu ích gì cho tấm thân bám cuộc sống thương hồ.
Rồi, má chép miệng than thở:
– Luật lệ đường thủy càng chất chồng đống, xuồng ghe càng khốn đốn trên sông. Má già rồi, không có đứa nào chịu nghe má. Thằng Sáu nhà nầy, không nghe má mới ra nông nỗi!
❖ ❖ ❖
Tiếng trở mình của chị Sáu, tiếng ho sù sụ của má chồng chị, Tư thức giấc.
Nằm im trên cái phảng nẹp tre, Tư lắng nghe từng cơn gió lẻ loi nghịch con nước nơi giáp nước, thổi thốc mái lá xạc xào nửa khuya. Đâu cứ hễ vấp ngã trên con đường mình đã chọn thì, con đường đó hẳn là sai. Tư nghĩ lung lắm! Má nói chẳng sai nhưng, cái chẳng sai đó còn tùy thời. Xuồng ghe coi vậy, vẫn là cái thuộc về mình; đồng ruộng “thẳng cánh cò bay” dẫu sao, vẫn là cái thuộc về người. Tư cân phân, nhắc lên bỏ xuống lúc buộc phải đối mặt với sự chọn lựa: Thương hồ hay tá điền! Và, bất chợt, Tư nghe văng vẳng lời anh Sáu căn dặn hồi nẳm: “Tiền sông, hậu ruộng” một khi đã tới lúc lập thân.
Tư bồi hồi nhớ thân côi cút từ nhỏ, cơ cực cũng lắm, đắng cay cũng nhiều. Tuổi thơ của Tư thả theo dòng sông Bồ trôi qua vùng đất Quảng Thọ. Xứ ruộng lúa mà quanh năm suốt tháng dân vẫn thiếu ăn. Rồi, Tư nhớ anh Sáu, nhớ những chuyến đò dọc không chở người chỉ chở hàng, nhớ trăng đồng bằng rụng xuống lòng nước lung linh, mang bao câu hò tình tứ đầm đậm tình quê. Nỗi nhớ day dứt và mênh mông! Tư rưng rưng nước mắt, giận Trời bất công: “Anh Sáu nào phải kẻ gian, sao Trời bất dung? ”.
Tư bước xuống bến sông, xuồng ghe đông ken nằm chờ con nước và bầu trời, hằng hà sa số sao cũng không đủ sáng soi thấu đêm phù sa châu thổ!
ĐÊM PHÙ SA CHÂU THỔ
Tiến >>
Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 16 tháng 1 năm 2025