Mây Trên Đỉnh Núi

nguyên vũ

- 1 -

Ngay từ tác phẩm này, đã tạo cho mình một thế đứng vững chãi trong nền văn học chính thống dân tộc. Nhà phê bình văn học Tam Ích đã nhận xét như sau về MÂY TRÊN ĐỈNH NÚI:

“Một khởi đầu xuyên phá của một thiên tài đích thực. Viên đá nền tảng của trường phái tự nhiên trong văn học miền Nam.”

Dù được phát hành sau hai bộ ĐỜI PHÁO THỦ và TRỞ VỀ TỪ CÕI CHẾT, MÂY TRÊN ĐỈNH NÚI dung chứa những thông điệp tình người không kém phần sâu sắc, đậm đà.

Một tác phẩm mà bất cứ ai muốn nghiên cứu về cuộc chiến Việt Nam không thể bỏ qua.

MÂY TRÊN ĐỈNH NÚI là truyện dài đầu tay của Nguyên Vũ, được hoàn tất khi tác giả bị “‘đày” lên Cao Nguyên lần thứ nhất (1966).

Đây là một chuyện tình ngang trái giữa Tuấn – người sĩ quan trẻ Biệt Động Quân – và Hélène, cô gái giang hồ mang hai dòng máu Pháp-Việt, trên bối cảnh đại loạn của xã hội Việt Nam.

***

- 1 -

Tay Tuấn run nhẹ khi đón lấy tờ giấy phép màu vàng bẩn. Viên trung sĩ hạ sĩ quan quân số cười hềnh hệch. Đi phép mười lăm ngày sướng quá hé, Thiếu úy. Chà phen nầy chết mấy cô nữ sinh Saigon. Thiếu úy trẻ tuổi, đẹp trai về phép mà. Tuấn cũng cười. Niềm vui xôn xao trong hồn. Niềm vui kéo dài những bước chân. Biến Tuấn thành loài chim sẻ, nhảy từng hai bực thang lên lầu. Chữ ký ngoằn ngoèo bằng bút nguyên tử xanh của người đơn vị trưởng và dấu mộc đỏ chói chang, chồm lên gần nửa chữ ký, nhoè nhoẹt trước mắt Tuấn. Mười lăm ngày phép. Mười lăm ngày phép. Mảnh giấy nhỏ bé, in roneo lờ mờ, chữ còn chữ mất này gói ghém trong nó mười lăm ngày phép ngà ngọc, một thứ ân sủng lớn lao cho bọn lính tác chiến như Tuấn. Mười lăm ngày phép. Tuấn muốn hét lên thật to vì sung sướng, mãn nguyện. Mười bốn tháng xa cách Sàigòn, mồ hôi chảy dài theo những bước chân cam khổ. Tất cả đều trở thành vô nghĩa, biến mất tăm, mất hút. Những hằn học, bất mãn cũng chấp cánh bay bổng lên cao. Chỉ còn lại một niềm vui bao la nhuộm màu hồng lên những khuôn mặt quen thuộc và những đường phố Saigon. Những khuôn mặt và đường phố mà nhiều lần Tuấn tưởng đánh mất chúng giữa lòng rừng núi hay những cánh đồng trắng xóa màu nước, kinh rạch chi chít.

Thấy vẻ mặt rạng rỡ của Tuấn và tờ giấy phép phẳng phiu trên tay chàng, một người bạn đang nằm trên giường, ngồi nhổm dậy. Người bạn cười, hàm răng vàng choé:

– Phép mấy ngày…Tuấn?

Tuấn nhét vội chiếc khăn mặt còn ấm và bàn chải đánh răng vào chiếc túi xách phồng cứng, kéo fermeture, rồi thở phào nhẹ nhõm, mắt sáng rực lên:

– Mười lăm ngày Đắc Nhân Tâm ơi!

Giọng người bạn nồng ấm hẳn:

– Chà! Sướng quá trời! Tao gửi một cái hôn cho Sàigòn nghe mày!

Tuấn mỉm cười, gấp tư tờ giấy phép nhét vào túi áo ngực. Dáng điệu chàng trịnh trọng, hí hửng như một đứa trẻ nâng niu tờ giấy bạc mừng tuổi còn thơm mùi giấy ngày Tết. Người bạn tiếp:

– Về Sàigòn bảo bà cụ cưới vợ gấp nghe Tuấn. Một đời lính dễ mấy lần được đi phép mười lăm ngày. Xin cái phép bảy ngày còn đỏ con mắt, trình diện lên, trình diện xuống má tờ giấy phép mù mịt tin tức như người yêu phụ phàng, lên xe hoa về nhà chồng.

Tuấn nheo mắt tinh nghịch, đưa tay bắt tay người bạn:

– Thôi «zoulou»…Mày ở lại, đừng đến thăm chị Sáu nhiều quá nghe.· Hết gân lội à… Mà rủi kẹt uống «xây chừng» đái «xây nại » thì thành tỷ phú mất.. Ba ngày ký một cái chèque triệu rưỡi, đau lòng thằng Long phệ lắm (1)

(1) Nhà binh dùng Péniciline loại 4 triệu rưỡi.

Người bạn gãi nhẹ ngón tay trỏ vào lòng tay Tuấn, cười hềnh hệch:

– Tao mà mày,

Chiếc túi xách phồng cứng trên tay, nụ cười tươi tắn trên môi. Tuấn đi như bay ra ngoài phòng ngủ, phóng những bước thật dài xuống thang lầu, chiếc thang lầu ọp ẹp đã bắt đầu mục nát vì không được tu bổ, nhưng mỗi mùa mưa lại bê bết sình lầy.

Xuống tới sân, Tuấn gọi lớn về phía đồn canh:

– Hai ơi! Tài xế trực đâu rồi?

Người Hạ sĩ già trực đồn canh bước hẳn ra ngoài gian nhà tôle, hỏi vọng lại:

– Thiếu úy đi đâu vậy?

– Ra phi trường. Kêu tài xế trực cho tôi ngay đi. Còn có mười phút nữa phi cơ xuống rồi. Lẹ lên.

Người Hạ sĩ già chậm chạp tiến lại dãy phòng ngủ binh sĩ độc thân, thò đầu vào trong tìm kiếm. Chú tài xế trực hiện ra ở khung cửa nhìn quanh về chỗ Tuấn đứng, rồi chạy lại phía chiếc xe Jeep cũ kỹ đang nằm sưởi nắng bên cạnh đồn canh.Tiếng động cơ tru lên thảm thiết, rồi chiếc xe Jeep khật khưỡng bò một vòng quanh cột cờ, đứng sững trước mặt Tuấn. Tuấn leo lên xe, nói ngay:

– Ra phi trường. Chạy lẹ lên nghe cưng. Tao mà trễ máy bay thì cho mày xuống sông ở với cá chốt luôn.

Chú tài xế cười thật hiền:

– Thiếu úy đi phép hả? Nhà Thiếu úy ở đâu Thiếu úy?

Tuấn mồi một điếu thuốc đưa cho chú tài xế, rồi mồi điếu khác cho mình. Chú lính trẻ lí nhí hai tiếng cám ơn. Kéo một hơi thuốc thật dài, Tuấn vừa nói vừa thở khói:

– Qua ở Sàigòn em ơi,

– Chà, Sàigòn thì nhất, Thiếu úy.. Hồi nhỏ em cũng có lên Sàigòn hai lần… Hồi đó «cù là» hết chỗ nói. Tối ngày chui «dzô» rạp hát thường trực không à.

Tuấn cười lùng bùng trong cuống họng. Sàigòn! Hai tiếng gọi tối nghĩa, một thứ thổ âm kỳ cục! Nhưng chỉ cần nhắc tới nó – Sàigòn – Người lính trẻ xa nhà nào cũng chợt chấn động tâm can. Cảm nghĩ trùng xuống trong vô vàn nuối tiếc. Tiếng gọi Sàigòn ngắn ngủi ấy mang theo nó một thứ quyến rũ ma quái. Thôi thúc buồn phiền đàn trải ra, thật rộng thật dày, hút cả tầm mắt. Như tiếng hát nhân ngư huyền thoại. Như ma lực hồ ly ve vuốt đam mê. Saigon – Cái thành phố bụi bậm, rác rưởi – của cuộc sống ồ ạt, thác lũ – của những xóm lao động nghèo nàn, mỗi gia đình không có được một chiếc cầu tiêu riêng, phải ngồi xếp hàng lộ thiên một cái cầu ván công cộng dựng trên mặt sông; của những building cao vòi vọi; của những quán cóc năm đồng một ly cà-phê đá, người ta vừa uống vừa khạc nhổ vừa gãi đùi sồn sột vừa chửi thề ầm ĩ; của những nhà hàng sang trọng thực khách phải đóng khung đồ lớn, cà-vạt, puộc-boa hàng trăm. Sàigòn – Cái thành phố của những mối tình bến Bạch Đằng, Chương Dương, một đêm đi khách được ba bốn điếu Ruby hay vài ba chục bạc – của những hộp đêm nhất dạ đế vương. Thành phố của những tên du đảng đầu tóc bù xù, ân đền oán trả, trái tim rướm máu xâm trên ngực, trên cánh tay, những đồng đô-la đeo lủng lẳng, của những vụ hiếp dâm, cướp bóc, giết người và những buổi thuyết trình về văn hóa, nghệ thuật, chính trị… Nhưng, Sàigòn vẫn là đối tượng mơ ước, nhớ nhung của những thằng lính ăn bờ, ngủ bụi như Tuấn. Vì Sàigòn dành cho mỗi người một thế giới riêng tư, tùy theo mức độ hưởng thụ. Sàigòn của Tuấn là người mẹ già nua, Tuyết Mai cô em gái độc nhất, Diễm người yêu, Hélène già nhân ngãi non vợ chồng và những thằng bạn nghịch ngợm, nham nhở như quỉ sứ. Sàigòn của Tuấn còn là những con đường vắng vẻ, nhiều bóng cây đến mát lạnh, cổng trường Trưng Vương nơi chàng thường đón Diễm những buổi tan học. Diễm! Khuôn mặt trái xoan, mái tóc đen mượt của Diễm đọng lại trong trí óc Tuấn. Tuấn hơi ngạc nhiên vì chàng chợt khám phá ra một sự việc vừa đột biến trong nếp sống nội tâm của chàng. Ngày xưa, mỗi lần thoáng nghe đến tên Diễm, cố ôn tưởng bóng dáng nàng những đêm trằn trọc, những chiều giăng mưa, hay những lúc cô đơn, Tuấn thường nghe xao động trong hồn. Bao giờ cũng là một nỗi luyến nhớ hiu hắt dấy lên tự bề sâu thăm thầm của tâm thức. Nhưng, ít lâu nay, hình bóng Diễm đã phai nhạt nhiều rung động. Với Tuấn, tình yêu và đàn bà chỉ còn là một thứ đồ trang sức rẻ tiền, bày bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Diễm trở chành một chiếc bóng nhòe nhoẹt của cố nhân. Không phải vì đã có một cô gái nào khác bước vào hồn chàng. Mà có lẽ mỗi giây, mỗi phút xa cách như một giọt nước lạnh nhỏ vào dung dịch tình yêu nồng đậm ban đầu. Dung dịch ấy cứ giảm dần nồng độ. Giảm dần. Tuấn thầm đoán có lẽ Diễm cũng đang muốn xa lánh khỏi vùng ảnh hưởng của chàng. Những trang thư, gửi tới từ thành phố mỗi ngày một thưa, Khoảng cách ba ngày nới thành một tuần, rồi một tháng. Và rồi hai, ba tháng Tuấn mới nhận được một lá thư của Diễm. Chiếc phong bì cũng mỏng dần theo thời gian.

Khoảng năm tháng trước, Diễm cho Tuấn biết nàng đã đổi kiểu tóc. Diễm nêu lý do cái nóng mùa nắng Sàigòn. “Trời dạo này nóng quá anh ạ. Để tóc dài nóng và khó chịu ghê. Chủ nhật trước em đi uốn lại tóc. Kiểu Sylvie dạo này phát triển mạnh lắm. Lại mát mẻ, dễ chịu nữa, anh nhỉ. Em chỉ sợ anh giận em thôi. Đừng vội trách em nghe anh. Ráng xin phép về Sàigòn đi. Anh sẽ thấy em trẻ hẳn ra. Cũng như anh hồi mới vào quân trường đó. Mái tóc húi cua khiến anh trẻ và khỏe mạnh ghê làm em nhìn mãi mới nhận ra, anh còn nhớ không?”. Được tin Diễm bỏ mái tóc dài, mái tóc của kỷ niệm, chải kiểu Sylvie, Tuấn buồn và ngơ ngác suốt một tuần lễ. Chàng phân vân tự hỏi phải chăng Diễm đã quyết định cắt đứt dĩ vãng, đang tìm cách loại bỏ chàng ra khỏi cuộc đời nàng? Những ngày còn yêu nhau, quấn quít bên nhau, Tuấn thường bảo mái tóc Diễm là những sợi tơ liên kết cuộc đời hai người. Diễm đã hứa giữ mãi mái tóc ngày «hai đứa quen nhau» cho tới lúc buông xuôi hai tay. Tuấn bị ám ánh bởi ý nghĩ ấy nên chàng không đủ can đảm viết thư cho Diễm nữa. Chàng bình thản chấp nhận sự đổ vỡ – dù còn là nghi vấn dù thật mơ hồ.

Công việc thường ngày của chàng vẫn tiếp diễn đều đặn buồn nản. Những sáng mờ sương rời bỏ thị trấn bằng công-voa, hay tàu đò, đi vào trận địa. Những buổi chờ trực thăng nhảy diều hâu, phơi nắng và hít bụi phi trường. Đường mòn dọc theo bờ kinh đầy chông và lựu đạn. Những cây cầu khỉ chênh vênh, trơn như thoa mỡ. Tử thần. Súng đạn. Lau nước mắt khóc vội vàng cho một thằng bạn vừa chết, để lại chỗ trống bên bàn rượu. Điên cuồng giận dữ vì quá nhiều thuộc hạ ngã gục. Hò hét, reo cười khi đắc thắng. La cà từ phòng ngủ này sang phòng ngủ khác. Ôm con điếm này tới con điếm khác. Để đợi chờ lúc ngã xuống. Bạn bè nhỏ cho ít giọt nước mắt. Vài tiếng thở than. Mẹ chàng và Tuyết Mai sẽ được lãnh 12 tháng lương tử tuất và tiền tương trợ binh chủng. Một trăm đồng mỗi đầu sĩ quan. Mẹ chàng sẽ có cái vốn nho nhỏ khoảng sáu bảy chục ngàn. Chưa bằng tiền chi phí một bữa tiệc tiếp đãi tân khách tại nhà hàng Caravelle hay Maxim’s.

Chiếc Jeep bắt đầu lăn bánh vào phi trường.

Bụi đỏ bốc lên cuồn cuộn. Ổ gà làm thân xe rung chuyển kêu ken két, nhảy chồm lên như con ngưa bất kham. Chú tài xế lầu bầu:

– Đường vô phi trường mà tụi nó chẳng chịu sửa sang gì cả… Chạy hoài đường này, xe đưa đi đệ tứ cấp hết!

Qua khỏi đoạn đường đất đỏ gồ ghề, xe dừng lại trước căn nhà tôle nổi lên chênh vênh giữa đồng trống. Mặt phi đạo đầy sỏi đá nằm phơi mình dưới ánh nắng vừa chớm gay gắt. Tuấn nhảy xuống xe, bước vào nhà. Viên Trung sĩ người Mỹ phụ trách việc thu nhận giấy tờ của hành khách, nằm dài trên chiếc ghế xích đu xanh đỏ. Cặp mắt xanh lơ của hắn tạm rời cuốn sách loại bỏ túi nhìn Tuấn dò hỏi. Hắn liếc qua giấy giới thiệu đi Caribou, gật gù tỏ ý chấp thuận, rồi lại gục mặt vào cuốn truyện trinh thám mà nguyên cánh tay lông lá đặt trên tấm lưng trần một thiếu nữ trẻ đẹp ngoài bìa sách đã đủ để những người lính xa nhà bỏ ra ba, bốn chục cent mua rồi.

Màu mắt đồng cua chìm vào hốc mắt quầng đen của người thiếu nữ trên bìa sách khiến Tuấn trạnh nhớ tới Hélène. Hélène không biết viết thư tình. Nàng đọc chưa trôi chảy một bài tập đọc Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Nhưng cuộc đời bỉ ổi, cái xã hội nhơ nhớp này đã dạy cho Hélène nhiều điều bổ ích hơn những chữ cái ngoằn ngoèo, những danh từ vô nghĩa và bất lực như ông lão bảy mươi sau một tuần lễ hú hí với cô vợ trẻ mới cưới. Hélène có vẻ đài các, cao sang của cô công chúa. Giọng nói thanh lịch, êm dịu của một cựu nữ sinh nhà dòng. Không ai có thể nghi ngờ được dĩ vãng nàng.Và, Hélène thì giàu tưởng tượng như một thi sĩ. Ai cũng tin chắc rằng Hélène là con ngoại hôn của một viên công sứ và một mệnh phụ phu nhân. Vị mệnh phụ phu nhân này đã bị chồng ép buộc leo lên giường viên công sứ, không một mảnh vải che thân. Đến lần thứ ba thì Hélène bắt đầu được quyết định mở mắt chào đời để làm một thứ nhân chứng hiện thực nhất cho sự khai hóa của dân tộc Pháp và nền văn minh Tây phương trên mảnh đất khô gầy được mệnh danh là man dã này. Vừa cất tiếng khóc oe oe, Hélène được gửi ngay cho một vú nuôi. Rồi lớn lên, lớn lên nữa. Chưa bao giờ Hélène dám gọi người đàn bà đài các, đẹp não nùng là mẹ. Tiếng mẹ đã biến thành những tiếng nức nở âm thầm mỗi lần thức giác, mỗi lần bắt gặp ánh mắt lạnh lùng khinh rẻ của những người lính xa nhà, những người đồng chủng với mẹ Hélène. Năm mười sáu tuổi, nàng yêu một sinh viên viên y khoa nghèo. Nàng không gìn giữ gì với chàng. Nhưng chưa đầy sáu tháng sau, người tình đầu mà Hélène coi như thần thánh ấy tìm cách trốn lánh nàng: – “Cha mẹ anh khó khăn lắm, Hélène ạ. Anh đã năn nỉ các người bao ngày đêm nhưng các người cương quyết giữ vững ý định. Xa em hay ngược lại, gia đình sẽ đăng báo từ anh!».

Kể tới đoạn này, bao giờ giọng Hélène cũng đanh lại vì chua chát cho tình đời. Nàng gằn từng tiếng: – «Đời chó má vậy đó, anh! Anh biết không, ngay tối hôm đó nó đưa em về phòng trọ, định đưa nhau đi trốn. Nó gài bẫy cho một thằng bạn, nó ngủ với em. Em tỉnh mộng thì đã muộn. Từ đó em nằm trong tay người này sang tay người khác. Thân thể nào chẳng phải là một thằng đàn ông. Cái mồm nào không hôi mùi nhựa thuốc và thốt ra những tiếng nói tục tằn, bỉ ổi. Giọng cười nào, không phảng phất âm phách dâm đật khi nhìn thấy một thân thể đàn bà trần truồng, nhễ nhại trên giường…!»

Chỉ có Tuấn là người duy nhất biết rõ dĩ vãng Hélène. Vì thế mỗi lần nghe những người từng bỏ ra hai ngàn bạc ngủ với nàng một đêm chưa kể những khoản chi phí khác để chứng tỏ mình hào hoa, lịch lãm, thuật lại chuyện Kiều thời đại, Tuấn thầm chua xót, thương cảm cho Hélène. Tội nghiệp – Tuấn chỉ có thể than thầm như thế. Có lẽ Hélène nhiều khi cũng tưởng đó là chuyện thực đời nàng để được mang ảo giác êm ái giúp nàng thoát khỏi thể khối nhày nhụa, tanh tưởi của những thực thể bỉ ổi, cay đắng trong cuộc sống thường ngày.

Có tiếng người tài xế nói như reo:

– Thiếu úy!Thiếu úy ơi! Caribou sắp xuống rồi kìa!

Từ ống khuếch đại của chiếc máy truyền tin ở góc phòng cũng rè rè vang lên tiếng gọi của phi tuần trưởng chiếc Caribou, vừa xuất hiện thành một chấm đen trên bầu trời chất đầy mây xám.

Viên trung sĩ người Mỹ lúc này mới chịu gấp cuốn truyện trinh thám, nhét vào túi quần sau. Hắn đưa tay vuốt mái tóc hoe vàng, khật khưỡng tiến lại cuối phòng. Bầu không khí oi bức đóng khung trong bốn bức vách ván, mái tôle đỏ bụi mỗi lúc một đặc quánh sự mệt mỏi, chán chường. Nó khiến người lính Mỹ lười biếng, chậm clạp một cách thảm hại.

Sau những tiếng «over, over» khàn đục, người lính Mỹ quay lại đám hành khách lưa thưa Mỹ có, Việt có, hất hàm về phía phi đạo nói tiếng Việt bằng giọng mũi, Sok Tăng Cantơ. Follow me! (Sóc Trăng, Cần Thơ. Đi theo tôi!)

Đã quen với những chuyến tháp tùng phi cơ quân sự Mỹ, Tuấn biết thân, biết phận lủi thủi xách hành lý đi sau cùng. Quân nhân Mỹ bao giờ cũng được ưu tiên, kế đó là những người «làm» sở Mỹ rồi tới quân nhân Việt Nam. Tuấn đã nhiều lần nghe tủi hổ dấy động trong hồn. Nhiều quân nhân Việt đang ngồi trên phi cơ, mặt mũi hí hửng, người cơ phi bước tới lạnh lùng xách tay đẩy xuống đất, nhường chỗ cho lính Mỹ hoặc các cô me Mỹ. Bạn bè chàng nhiều người cũng được hân hạnh tống cổ xuống phi cơ, uổng công năn nỉ bằng mớ Mỹ ngữ “nhảy dù». Nhưng biết sao hơn. Air Việt Nam mua được cái vé khứ hồi mất hàng tháng. Và lính tráng thì nghèo kiết xác. Air …xe đò thì ớn mấy chú du kích chặn đường hỏi thăm. Đành chịu nhục một tí nhưng khỏe người, tiết kiệm được những giờ phút nghỉ phép vàng ngọc. Cũng như dân tộc này đã từng nuốt nước mắt tủi nhục hơn một thế kỷ. Cũng như nòi giống này là nòi giống «chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa»…

Chiếc Caribou nghiêng cánh, là là hạ thấp xuống phi đạo. Những âm thanh nhói buốt xuyên vào màng nhĩ. Rồi đến những cơn lốc bụi đỏ rác rưởi ào ào phủ lên thân thể, đầu tóc mọi người. Những chiếc mũ nhà binh đủ loại được hạ xuống, cầm tay để che mặt và tránh cảnh dở khóc dở cười nhìn theo chúng bị cuốn bay về phía mấy vũng nước đọng ở đầu phi đạo.

Phi cơ còn rộng chỗ nên không hành khách nào bị bỏ lại. Người Hạ sĩ trẻ, một cánh tay băng bột cứng ngắc, bẻ góc thước thợ, nhìn Tuấn cười hân hoan:

– Mừng quá, Thiếu úy! Em chờ phi cơ ba bữa nay rồi.

Tuấn giúp người lính buộc dây lưng, hỏi:

– Cậu đi phép hả? Tay sao vậy?

– Dạ bị thương. Em về Phan-Thanh-Giản tái khám. Thiếu úy đi phép ạ?

Tuấn gật đầu:

-Ừ, đi phép. Lâu quá rồi mới được cái phép về Saigon đó. Ở xứ này hoài thân thể mọc rễ mất!

Hai người lính cùng cười cởi mở. Tuấn thì cười vì niềm vui trọng đại có tờ giấy phép gấp tư phẳng phiu trong túi áo ngực – niềm vui vừa phai lãng đi giây lát vì những khuôn mặt con gái chi phối nếp sống tình cảm chàng. Người Hạ sĩ cười vì được ngồi yên ổn trong lòng phi cơ sau ba ngày chờ đợi, vì có người để ý tới cánh tay bị thương của mình.

Thân phi cơ chợt rung động mạnh, cánh quạt chém gió nhanh hơn, ầm ĩ hơn. Mọi người đưa mắt về đuôi phi cơ, ở đó, khoảng phi đạo chói nắng mỗi lúc một mù mịt bụi đỏ, rồi bị bỏ rơi lại với sự cô tịch, buồn thảm thường ngày.

- 1 -

Tiến >>

Lê Thy đánh máy từ sách của TM tặng
Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com/
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 15 tháng 2 năm 2025