Quãng Đời Đánh Mất là quyển tiểu thuyết thứ ba của Dương Thu Hương, do nhà xuất bản Hải Phòng in năm 1989, sau Bên Kia Bờ Ảo Vọng (1987) và Những Thiên Đường Mù (1988) - hai tác phẩm đã đưa tên tuổi bà lên vị trí sáng chói nhất trên văn đàn Việt Nam suốt mấy năm qua. Bộ ba tiểu thuyết này tạo thành một bức tranh hoành tráng công phu của xã hội Việt Nam ngày nay, với biết bao khung cảnh, hình ảnh, nhân vật, tình tiết...Nghệ thuật miêu tả và phê phán hiện thực sắc bén và can đảm cùng với nỗ lực phản kháng và giải ảo trong các tác phẩm của Dương Thu Hương đã giúp bà trở thành nhà văn được tìm đọc nhiều nhất và nổi tiếng nhất cả trong và ngoài nước.
Cốt truyện trong Quãng Đời Đánh Mất xoay quanh ba nhân vật chính cùng trong một gia đình không được bình thường, gồm có người cha là lão Ngạn và hai đứa con cùng cha khác mẹ là Ngọc Bích và Cường. Lão Ngạn trước kia là một công tử, con của một thủy sư đô đốc giàu có và nổi tiếng, rồi do bản chất yếu đuối, ông đã sa ngã và lấy phải một người đàn bà lăng loàn hung dữ, khiến cho ông mất tất cả cơ nghiệp của cha để lại vào tay người ác phụ đó. Bà vợ đầu tiên này, trước khi biến mất, có để lại cho ông một đứa con gái là Bích, thừa hưởng trọn vẹn hình dáng và tính tình của mẹ. Bích đã hư hỏng và bỏ nhà đi từ năm mười ba tuổi. Sau này Bích có chồng là Nghĩa, một cán bộ thương nghiệp tận tụy với vợ con. Nhưng Bích lại lừa gạt chồng mà ngoại tình cùng một người đàn ông tốt bụng khác là Trọng, người mà Bích lại dùng mưu để hứa hẹn và để được thỏa mãn tình dục. Rồi tham vọng quyền lực chợt chiếm ngự người đàn bà này. Khi sự việc lừa dối cả hai người đàn ông cùng một lúc của Bích vỡ lở ra, thì Bích vội quay trở lại với Nghĩa và dựa vào quyền thế của chồng đẩy Trọng lên tận miền núi để trả thù. Sau đó, Bích đã dùng mọi thủ đoạn đê tiện để hãm hại các đối thủ và leo dần lên đến chức Tỉnh ủy Viên. Nhưng rồi Bích lại bị Trọng dàn xếp một màn trả đũa khác, chấm dứt giấc mơ quyền lực của cô.
Trong khi ấy thì Cường, đứa con trai của lão Ngạn với người vợ kế vắn số, chịu một số phận bi đát hơn. Chính vì bản thân lão Ngạn không thực hiện được ước muốn của ông cha thủy sư đô đốc trước kia, nên bây giờ ông quyết tâm muốn con mình phải làm cho được điều đó. Cái áp lực ghê gớm mà lão Ngạn đặt lên bờ vai Cường từ thơ ấu, trái ngược với thể chất yếu đuối của anh, trở thành sự ám ảnh đau khổ. Anh phải theo học hàng hải, phải làm thủy thủ cho vui lòng cha trong sự kinh hoàng thường trực. Trên tàu, anh lại bị vài kẻ xấu khinh bỉ chà đạp, khiến tinh thần anh ngày thêm hoảng loạn.
Quyển sách chấm dứt với sự tan nát của gia đình ấy: Lão Ngạn thất vọng, lâm bệnh chết; Bích xiêu dạt đến một tỉnh khác; Cường phải vào bệnh viện tâm thần, rồi sau được chuyển sang một tu viện, trồng trọt làm vườn như anh từng mơ ước.
Một số chủ đề trong Quãng Đời Đánh Mất đã được trình bầy tương tự và lập đi lập lại trong các tác phẩm của Dương Thu Hương. Trước nhất là vấn đề danh dự của dòng họ, niềm kiêu hãnh và quá khứ vẻ vang của gia đình. Cũng giống như cô Tâm trông đợi nơi Hằng trong Những Thiên Đường Mù, ở đây lão Ngạn đã bắt con trai là Cường phải nhận lãnh cái sứ mệnh mà ông đã thất bại trong đời mình: trở thành một thủy sư đô đốc. Lão muốn con mình bù đắp cho sự thiếu sót kia một cách phi lý. Cường phải sống cái ước muốn của ông mà bỏ phí chính đời sống của mình. Nếu Cường đã yêu cha một cách không sáng suốt, thì ngược lại, lão Ngạn cũng yêu anh với một tình yêu không bình thường ngay từ thơ ấu. Khi ông bắt con phải học bơi, xuất phát từ nỗi mơ ước bệnh hoạn của mình, ông đã ra lệnh cho con như ban một án lệnh tử hình: “Hoặc mày chết, hoặc mày phải biết bơi, tao không thể đẻ ra một thằng hèn như vậy...”
Sự phục tòng tuyệt đối gây ra bao thảm họa. Cường đã phải từ bỏ những ước vọng hiền lành, thích làm vườn, hoặc trở thành một kỹ sư lâm nghiệp của mình để làm theo ý cha. Anh phải chấp nhận cuộc sống lênh đênh trên sông biển, dù rằng đối với thể tạng và tâm hồn anh, đối với những kỷ niệm học bơi hồi nhỏ, sông nước đã mãi mãi “là ám ảnh ghê rợn, là mối thù không phân xẻ...” Cường đã không có nổi sự can đảm của Đính, một tay thủy thủ trên tàu, dám đối diện và chống phá những uy quyền áp đặt tàn bạo và vô lý của cha, không dám phản kháng và đặt câu hỏi như Đính: “Nếu bây giờ có người hỏi: Đời ông, ông đã làm được việc gì?...Bố sẽ trả lời họ ra sao?...Bố học chữ nho, ba năm trời không thuộc nổi một bài phú. Bố chưa trồng được một cây lúa xuống đồng. Mẹ đẻ anh Cả, bố ngồi ngoài đình chuyện gẫu vì sợ về nhà có mùi đàn bà ô uế. Vậy mà bố nghiễm nhiên coi mình là ông chủ ở đây. Vì mọi người quá ngu dốt nên họ chấp thuận điều đó. Còn tường vách này, cột kèo kia mà có mắt có môi, nó sẽ lên tiếng rằng: Ông là kẻ vô giá trị, ông là kẻ ăn chạc, kẻ sống thừa”. Cường là người yếu đuối, nên mãi sau này khi anh đã chịu dựng quá nhiều đau khổ, khi anh biết rằng tất cả những khát khao, trông đợi của cha anh đã tàn phá biết bao năng lực và niềm vui sống của đời anh, anh cũng không đủ sức chống lại và làm thay đổi đi cảnh sống mà chỉ biết buông tay vào bóng tối u uất của bệnh chứng tâm thần. Sau những giấc mơ chìm đắm được vỗ về bởi niềm hạnh phúc mơ hồ của tình yêu vương vấn nơi anh từ khuôn mặt một lần thoáng qua của một cô gái, anh chỉ có thể trở về nhà đối diện cùng cha, khóc lóc và muốn chết đi. Có lẽ anh đã có thể sống khác đi, thế mà quãng đời của anh lại là “quãng đời bị đánh cắp, như con chim tòng phục mù lòa không cất cánh lên trời cao mà đâm đầu vào vách đá cho tới gãy cánh trụi lông.”
Ở phía kia quãng đời đánh mất của Cường, Ngọc Bích lại đánh cắp cuộc đời kẻ khác trong những tham vọng về quyền lực. Tham vọng quyền lực và sự sụp đổ thảm hại của nó cũng là một chủ đề khác mà Dương Thu Hương hay nhắc đến trong các tác phẩm của bà. Do bản chất hư hỏng, sa đọa của mình, Bích chỉ có thể bước trên những nấc thang ảo vọng đó bằng những thủ đoạn đê tiện tàn nhẫn. Niềm say mê có phần không đúng chỗ nơi người đàn bà - sự say mê quyền lực - trong trường hợp của Bích, ban đầu chưa rõ nét so với những thú vui nhục dục, rồi hình như cùng với sự hỗn loạn, hư hỏng rộng khắp của cả một xã hội, nỗi khao khát đó đột ngột trở thành tham vọng chủ đạo của cô. Thiên hướng và đức tính của người nữ tỉnh ủy viên này đã được Trọng, người yêu tội nghiệp của cô, nói một cách hờn căm và thất vọng như sau: “Trời phú cho em một khả năng tổ chức đặc biệt, một khả năng ngụy biện đặc biệt. Em là nhà tổ chức tài ba, ranh mãnh nhất anh đã gặp trong việc tổ chức thực thi những dục vọng của bản thân. Nhưng em quên rằng những biện pháp thông minh không cứu được quả tim bị hư hỏng...” Trước khi dối gạt và đánh cắp niềm tin của xã hội, Bích đã lấy đi những khao khát, những hy vọng trong một phần đời của Trọng, đã “đánh cắp niềm say đắm trong lành nhất, mạnh mẽ nhất của một người lính từ cửa rừng trở về đồng băng, dồn nén những thua thiệt của quãng đời chiến tranh dài dặc cho một gương mặt yêu dấu, một mái nhà yêu dấu...”
Trong khung cảnh đời phong phú, lẫn lộn vui buồn của Quãng Đời Đánh Mất, có hai khuôn mặt thiếu nữ chỉ thoáng qua ngắn ngủi, nhưng trở thành những giấc mơ đẹp cho hai chàng trai bất hạnh là Cường và Trọng. Sự gặp gỡ cô gái nghèo An và cô nhân viên Kim Lan đã mơ hồ mở ra cho hai chàng trai kia một chân trời yên vui bình thường khác của cuộc sống, giúp họ nhìn lại nỗi khổ vô vọng mà họ phải nhận chịu. Tác phẩm không nói đến một chung cuộc hạnh phúc cho những tình cảm vương vấn đó, nhưng hai khuôn mặt dịu hiền và sống động của hai cô gái đã xuất hiện trên con đường đời của Cường và Trọng như lời nhắc nhở của số mệnh, về những khả thể của hạnh phúc và tình yêu, “thứ tình yêu mời gọi và mãi mãi ám ảnh con người, độc chiếm mọi tâm hồn và trái tim giàu nhân tính, chế ngự con người với một quyền lực mãnh liệt và ban phát cho con người những niềm vui không một niềm vui trần thế nào thay thế được.
Sống cuộc đời mình một cách độc lập, can đảm đối diện và chống lại những quyền lực phi lý, nhìn cho đúng và phá vỡ những ảo tưởng xa lạ, yêu thương cuộc đời và con người một cách chân thành...đó là một vài thông điệp chính mà Quãng Đời Đánh Mất gửi đến người đọc. Chúng tôi trân trọng giới thiệu đến độc giả tác phẩm gợi nhiều suy nghĩ này, và mong sao không một ai trong chúng ta để mất đi một ngày sống nào trong đời mình một cách uổng phí như Cường và Trọng nữa.
Nhà Xuất Bản.
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Tiến >>
Nhà xuất bản Hồng Lĩnh - Đánh máy: Pandaa Diễn đàn vnthuquan
Nguồn: VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 11 tháng 6 năm 2021