Năm ấy, hạn hán dữ, suốt vụ không có mưa. Những rộc mạ héo vàng hắt. Có nơi, cả mạ cả lúa tự dưng bốc cháy đùng đùng như ai đốt cây rơm. Cánh đồng xơ xác, quang vắng, đất nẻ toác, con trâu lọt chân xuống lỗ nẻ không rút lên được. Giữa vụ gặt mà nhiều nhà đứt bữa.
Vợ bảo chồng:
– Nhà ta chẳng còn một hạt gạo gãy. Mình hay nói là cái khó chẳng bó được cái khôn, bây giờ cũng túng lắm rồi, mình hãy đi tìm đâu được vài ba cái khôn về cởi cái khó ra cứu mẹ con tôi xem có được không nào.
Quả tình là người chồng vẫn nói thế và tin thế. Chàng ta vui tính, cái gì cũng tính ra toàn cái được, không chịu mất, không chịu thua bao giờ. Người không biết, bảo anh ba hoa, khoác lác. Không phải, anh là người cả tin.
Lúc ấy, người chồng gật gù:
– Ờ để tao đi xem có được cái gì nào.
Suốt buổi, chồng vơ vẩn không tìm ra cái quả, cái lá, con dế, cái gì có thể đem về nhà ăn được, mà cũng chẳng gặp người nào nói một câu khôn ngoan, chỉ thấy người đói mím miệng cúi đầu đi tất tả, ai cũng đi đâu không biết.
Vừa buồn vừa mỏi chân, anh bần thần trở về lại vừa đi vừa nghĩ nói thế nào cho yên lòng vợ con, làm sao không được cái ăn mà vợ con vẫn vui.
Cũng buổi sáng hôm ấy, khi chồng vừa đi thì vợ ở nhà cùng các con cũng ra ruộng tìm cái ăn, hôm nào mẹ con cũng loăng quăng, vơ vẩn thế. Đến một ruộng ngô nhà ai vừa bẻ, mót được mấy bắp ngô kẹ, mừng quá, đem về nướng.
Nướng ngô xong, mẹ nói:
– Chỗ này của mẹ con ta, bắp ngô kia thì cất vào trong chĩnh, để chốc nữa bố về ăn. Nhớ đậy cái mo nang kẻo chuột chui vào gặm mất.
Chồng về đến cổng, nghe tiếng vợ trong nhà đương nói. Chồng không vào mà đi trở ra, một lát mới quay lại, làm như vừa mới về.
Vợ hỏi:
– Thế nào, đi đâu từ sáng tới giờ?
Chồng cười:
– Chẳng được cóc khô gì!
– Thế mà còn cười cười là cười thế nào?
Chồng vẫn cười:
– Nhưng mà tao gặp được cái này cũng hay.
Vợ lại hỏi:
– Hay là hay thế nào?
Chồng nói:
– Con ngựa chỉ đi đường có một lần, dù xa đến đâu, dù nó trở về một mình ban đêm hay ban ngày, ngựa chỉ đánh hơi mà nhớ đường. Tao cũng giống con ngựa.
– Thế thì là sao?
– Nhà ai vứt con mèo xa mấy ngày đường, cách mấy phiên chợ rồi mà mèo cũng lần ra đường về nhà. Tao cũng bằng con mèo.
– Thế thì sao?
Người chồng được đà ba hoa, kể:
– Chẳng là tao vừa gặp một ông dạy tao hít, biết hít đánh hơi như con ngựa, con mèo, con chó khi đi đường một mình. Giấu ở đâu tao cũng hít thấy, đứa ăn trộm ăn cắp cất kỹ thế nào tao cũng hít ra.
Nghe chồng nói cũng hay hay, vợ cười:
– Thế nhà nó thử hít xem trong nhà ta đương có gì ăn được không?
Chồng bước ra giữa nhà, hếch mũi lên hít quanh bốn phía. Rồi đến chỗ cái chĩnh, nhấc chiếc mo nang thò tay vào, lấy ra cái ngô nướng.
Vợ lạ quá, đi khoe khắp các hàng xóm.
– Nhà tôi mới học được mẹo thầy hít, cái gì để đâu cũng hít thấy được.
Có bà ở xóm ngoài vào hớt hải vừa chạy vừa kêu: “Các ông các bà ơi! Đứa nào bắt mất của tôi đàn lợn con. Tôi tìm từ sáng không thấy. Hay là con hổ tha mất rồi, con hổ ăn cả sáu con lợn con của tôi rồi. Bác ơi! Bác cứu tôi với!”
Vừa hay, anh chàng lù lù về. Anh đi kiếm tổ ong mật ở ven rừng. Lúc nãy, đã trông thấy một đàn sáu con lợn tháu chui vào bụi tre. Chỉ tình cờ gặp, anh chẳng biết đàn lợn đi tìm cái ăn hay đàn lợn sợ con hổ hay con chó sói mà chạy vào đấy – anh cũng không để ý. Anh bước nhanh nhanh về nhà, bởi còn lo bọng mật ong chảy hết. Vai anh đeo tổ ong nặng trĩu, mật chảy giọt giọt xuống đất.
Anh đã nghe tiếng bà lão rền rĩ kêu khóc.
Anh hỏi:
– Bà khóc gì đấy?
Trông thấy anh, bà lão càng hét to:
– Ối giời ơi, ông trạng Hít đây rồi. Ông mà tìm được đàn lợn, tôi biếu ông con đầu đàn.
Trạng Hít đặt cái tổ ong vào mặt tàu lá dáy ở bãi cỏ cho mật khỏi chảy phí. Rồi trạng Hít ra giữa sân, bốn phía, nhắm mắt, làm vẻ nghiêm, hếch mũi thở một hơi dài. Sau đấy mở mắt trỏ tay vào cửa rừng:
– Đàn lợn nhà bà đi lạc thôi, không bị hổ vồ đâu. Đi theo tôi.
Rồi trạng Hít khoan thai đi trước, bà lão lập cập bước theo. Đến bên bụi tre, trạng Hít cúi xuống nhìn dấu chân lợn con chi chít in trên mặt bùn. Bà lão lom khom theo vết bùn vào trong bụi tre. Thấy cả đàn sáu con lợn ngủ lăn lóc phơi bụng trong ấy.
Trạng Hít được bà lão giữ lời hứa biếu anh con lợn đầu đàn.
Lời đồn đại về trạng Hít càng vang dội. Người vợ vui nhất, họ hàng bên nội bên ngoại nể vì, nhất là phía nhà vợ. Mấy lâu nay ả xấu hổ, vì có ba người chàng rể trong nhà thì chồng chị vô công rồi nghề lại ăn bơ làm biếng, bị cả nhà xem thường nhất.
Bây giờ thì ai cũng khen anh hết lời, lại có vẻ sợ nữa, vì anh có phép lạ.
Một hôm, chị về nhà, bố nói:
– Chồng mày thành ông trạng rồi. Cả thiên hạ bảo thế. Tao muốn thử tài nó xem thế nào. Mày về bảo chồng mày đến đây, nó mà hít được chỗ nào tao chôn chĩnh bạc thì tao cho nó một nửa.
Vợ trạng Hít về nhà. Chị hớn hở, chị mừng vì cha mẹ đã biết quí chàng rể tài ba hơn là cái mừng được thưởng chĩnh bạc. Chị hí hửng kể với chồng về việc bố vừa bảo.
Nhưng trạng Hít nghe xong, sa sầm nét mặt, thở dài nói:
– Thế này thì chết tao rồi.
Vợ ngạc nhiên hỏi tại sao. Trạng Hít bảo tao có biết hít, biết đánh hơi ra cái gì đâu. Mới kể lại đầu đuôi thật tình từ việc cái ngô nướng trong chĩnh.
Rồi băn khoăn hỏi vợ:
– Bây giờ làm thế nào?
Lạ thay, vợ trạng Hít không bối rối mà lại thản nhiên nói:
– Chẳng có sao mà lo, hơi đâu mà lo. Con cái trong nhà thì phải biết tiền bạc để ở đâu chứ. Từ ngày chưa đi lấy chồng tôi đã biết bố chôn chĩnh bạc ở chỗ gốc cây mít. Đương lúc đói kém thế này mà được bố thưởng bạc thì hay lắm.
– Có thật không?
– Thật chứ.
Trạng Hít reo lên:
– Thế thì được rồi, thế thì được rồi.
Vợ chồng trạng Hít sang nhà bố mẹ, đã thấy giữa nhà bày mâm rượu với thịt gà. Bố vợ bảo chàng rể:
– Bấy lâu anh đi trổ tài những đâu, nghe nói giỏi lắm. Nhưng tao mới tin một nửa. Bây giờ tao thết anh bữa chén rồi nếu anh mà chỉ ra được chỗ tao chôn chĩnh bạc thì tao mới thật cho anh là trạng, tao thưởng cho nửa chĩnh.
Trạng Hít chắp tay vái tạ bố vợ. Rồi ngồi vào mâm, bố vợ và chàng rể chè chén khề khà một lúc rồi trạng Hít đứng dậy thong thả bước ra giữa sân, ngoảnh mặt nhìn bốn phía rồi lại hếch mũi lên hít từng hơi dài. Xong đâu đấy, trạng Hít thong thả đủng đỉnh tới chỗ gốc cây mít to đằng sau nhà.
Bố vợ hoa tay múa chân hét lên: “Thật là trạng! Thật là trạng!” Rồi bố con lại ngồi vào mâm rượu. Chặp tối, bố vợ lấy thuổng ra đào cái chĩnh bạc bên gốc mít lên. Rồi chia cho con rể năm mươi lạng, bỏ vào cái tay nải. Trong đêm, chàng rể xách ngay túi bạc về.
Tiếng tăm trạng Hít càng lừng lẫy. Trạng Hít cũng giả bộ làm cao, được mời nhưng không đi hít tìm những cái lặt vặt. Thế rồi một ngày kia, trong kinh đô, nhà vua mất trộm một con rùa bằng vàng. Quan quân đã bắt, đã tra hỏi cả trăm người trong triều ngoài nội mà chưa ra manh mối. Có người hiến kế biết ở cõi ngoài có ông trạng Hít khét tiếng, cái gì ở đâu cũng hít thấy được.
Nhà vua sai một quan hoạn với hai người lính bí mật về tận làng trạng Hít. Tức khắc, trạng Hít được ngồi cáng võng lên kinh đô, không kịp từ biệt vợ con.
Nằm trên cáng, trạng Hít lo sốt vó. Cả đêm không thể ngủ được. Vua gọi lên kinh tìm của báu, mà trạng Hít chỉ có tiếng hão, tìm làm sao được. Thế thì chết đến nơi rồi. Càng gần tới kinh đô, tưởng như cái chết càng đến bên cạnh. Sau cùng, trạng Hít nghĩ trăm cách chỉ có cách chết đi thì mới hết lo.
Trời nắng to, đến bến đò sang sông. Ra tới giữa dòng, trạng Hít nằm trên cáng lăn mình rơi tõm xuống nước. Quan và lính cuống lên. Đi đón trạng, lại để trạng ngã xuống sông, trạng mà chết thì mất đầu cả bọn. Ngay lập tức, hai người lính nhảy xuống sông mò trạng Hít. May quá, một lát kéo được trạng Hít lên thuyền.
Mấy người cầm chân dốc ngược cho ông trạng ộc nước ra đằng miệng, trạng Hít lại sống.
Trạng Hít ngồi dậy, nói:
– Bận đâu đến chúng mày mà rối cả lên, tao lội xuống thủy cung để hỏi vua Thủy có biết đứa nào đã lấy cắp con rùa vàng để nhà vua cho đi bắt chúng nó chứ có phải tao ngã chết đuối đâu.
Nói thế rồi trạng Hít lại lên nằm cáng, lại càng lo, lo hơn lúc nãy, lo hơn mọi lúc, bởi vì trốn cái lo muốn chết mà không thoát. Bây giờ biết chết cách nào, từ đây vào thành có còn qua con sông nào nữa để nhảy xuống trầm mình được?
Nhớ nông nỗi bấy lâu vì lừa lọc dối trá mà được tiếng, chứ có tài cán thế nào đâu. Nghĩ hối quá, trạng Hít vật mình trên cáng, kêu to:
– Bụng làm dạ chịu, bụng làm dạ chịu, còn oan ức nỗi gì!
Không ngờ người lính khiêng cáng tên là Bụng. Viên quan hoạn đi theo cáng hộ tống ông trạng Hít thì tên là Dạ. Lại không ngờ nữa, chính quan hoạn Dạ và bọn người lính nọ đã mưu với nhau vào cung lấy trộm con rùa vàng. Nghe trạng Hít kêu lên thế, cả mấy người rụng rời tay chân. Tưởng trạng Hít đã gặp vua Thủy, vua Thủy đã cho biết tên Dạ, tên Bụng là thủ phạm, là kẻ trộm, sự thể việc gian trên trời dưới nước biết hết cả rồi.
Thế là quan hoạn Dạ bắt hai người lính hạ cáng quan trạng Hít xuống. Cả quan lẫn lính quì lạy trạng Hít như tế sao. Rồi thú tội ăn trộm với quan trạng, nói con rùa lấy trộm vẫn còn giấu trên mái nhà trong cung, ở một đầu đao mái. Lại giập trán xuống xin quan trạng tha cho tội chết, đừng mách vua biết chúng họ là kẻ trộm.
Trạng Hít ngồi trên cáng chỉ lừ mắt không nói gì. Không hiểu quan trạng nghĩ thế nào, họ lại càng sợ. Cả người khiêng cáng và quan hoạn cứ bước dật dờ như sắp ngã.
Về đến trong thành, vua cho đưa trạng Hít vào cung ngay. Vua bày tiệc khoản đãi mừng quan trạng đi đường xa về. Nhưng trạng Hít nói việc khẩn cấp lắm, xin nhà vua cho trạng ra tìm báu vật đã rồi mới yên tâm ăn uống được.
Trạng Hít chắp tay giữa sân rồng, đứng ngẩng mặt, lại cong mũi hít bốn phía. Rồi dõng dạc quát:
– Đuổi được con ma, ma biến rồi kìa. Cho ngay năm trăm quân bắc thang trèo lên mái điện sẽ lấy lại được con rùa vàng ma giấu ở đầu đao.
Mấy trăm quân leo lên mái nhà khắp hoàng cung, lại trèo ra lục soát tất cả các đầu đao ngoài mái cong vút. Quả nhiên, thấy con rùa vàng.
Đến hôm được thưởng to rồi ra về, trạng Hít nằm trên cáng ngủ một giấc no. Câu chuyện ăn trộm của quan hoạn Dạ và người lính tên là Bụng không một ai biết.
Bây giờ thì trạng Hít giàu có nhất cõi rồi. Trạng Hít không nhận đi tìm của cải mất trộm cho người nào nữa. Vả chăng, người ta cũng không dám đến nhờ, sợ ông Trạng Hít có phép thần, ông là người nhà trời xuống thế gian, gặp ông trạng ai cũng cúi đầu vái.
Thế là trạng Hít ung dung giàu có và nhàn hạ. Tiếng tăm trạng Hít cứ càng nổi như sóng cồn.
Sảy trong kho của nhà vua nước Trung Quốc phải một mẻ trộm lớn, mất cả những chiếc vạc bằng vàng đựng vô số kim cương, châu ngọc. Nhà vua đã cho triệu đạo sĩ, thầy bói các cõi về cầu cúng, dàn bùa khấn trời bắt ma cả tháng mà không dò thấy tăm hơi của cải đâu.
Nghe tin bên nước Nam có ông trạng Hít tài giỏi, vua cho sứ giả đi nhờ vua nước Nam mời ông trạng Hít sang giúp. Ôi chao, lần này thì trạng Hít còn phát hoảng gấp bao nhiêu lần năm trước lên kinh đô tìm con rùa vàng, hoảng đến hóa điên mất. Làm sao tìm được, ôi chao thôi thì chẳng biết thế nào, lại chỉ có cái chết mới có thể hết chuyện được.
Một ngày kia, trên đường đi, đoàn sứ giả cùng trạng Hít qua sông Trường giang mênh mông. Bất thần, trạng Hít ở trong kiệu bước ra đầu khoang, nhảy xuống sông. Bọn lính lao theo, vớt ngay lên được. Chẳng may, lúc trạng Hít lao xuống nước, va mặt vào cái bơi chèo, sứt một bên cánh mũi, máu chảy lõa lợi.
Trạng Hít lóp ngóp ngồi lên sạp thuyền, rầu rĩ nói:
– Không phải tôi vấp chân kiệu ngã xuống sông đâu, mà tôi xuống nước hỏi vua Thủy về việc mất trộm. Các người chẳng biết gì cả, đã kéo tôi lên, làm cho mũi tôi đập vào mạn thuyền sứt một cánh mũi thần mất hết thiên cơ rồi. Bấy lâu nhờ mũi thần mà tôi nghe được tiếng con chim trên trời, con cá dưới nước, biết mọi chuyện trần gian, chuyện thiên cơ, có thế mới hít được những cái không trông thấy. Bây giờ, tôi chẳng còn nghe biết gì nữa, mất phép thiêng rồi. Thôi, tôi chẳng đi sang gặp vua nữa.
Đoàn sứ giả nhốn nháo cả lên. Không biết thế nào, đi đón quan trạng mà không có quan trạng về thì cả quan cả lính chắc phải tội chết chém. Thế là mọi người cứ áp tải trạng Hít về kinh đô, đi đường canh gác cẩn mật.
Trạng Hít vào cung trình bày mọi nhẽ với vua nước Trung Quốc. Từ việc xuống hỏi vua Thủy đến khi bị vớt lên đụng vào mạn thuyền vỡ mất tinh mũi thiêng.
Vua Trung Quốc nghe thế, rất buồn, nhưng cũng bảo trạng Hít cứ đánh hơi thử xem sao. Trạng Hít ra sân quay bốn phía, ngẩng mặt lên hít. Rồi vào tâu với vua chẳng ngửi thấy mùi vàng bạc ở đâu cả.
Vua Trung Quốc bấy giờ mới tin là thật.
Bèn lệnh cho người ngựa đưa trạng Hít trả về quê nước Nam. Lại bỏ ngục các sứ giả và bọn lính đi công cán mà làm hỏng việc.
TRẠNG HÍT
Tiến >>
Đánh máy: LVBT, Kpage
Nguồn: NXB: Phụ nữ - Năm : 2006
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 2 tháng 4 năm 2025