- MỞ ĐẦU
- Chương 1
- Chương 2
- Chương 3
- Chương 4
- Chương 5
- Chương 6
- Chương 7
- Chương 8
- Chương 9
- Chương 10
- Chương 11
- Chương 12
- Chương 13
- Chương 14
- Chương 15
- Chương 16
- Chương 17
- Chương 18
- Chương 19
- Chương 20
- Chương 21
- Chương 22
- Chương 23
- Chương 24
- Chương 25
- Chương 26
- Chương 27
- Chương 28
- Chương 29
- Chương 30
- Chương 31
- Chương 32
- Chương 33
- Chương 34
- Chương 35
- Chương 36
- Chương 37
- Chương 38
- Chương 39
- Chương 40
- Chương 41
- Chương 42
- Chương 43
- Chương 44
- Chương 45
- Chương 46
Big Ben đổ chuông bốn tiếng.
Mặc dù đã kiệt sức bởi những gì diễn ra tối hôm đó, nhưng vẫn còn đủ chất kích thích được bơm đi khắp cơ thể khiến vị Đại Chưởng ấn hầu như không thể ngủ nổi. Ông đã cam đoan với các thành viên Thượng viện sẽ đưa ra một phán quyết cho vụ tranh tụng của Barrington chống lại Clifton về vấn đề thừa kế tước hiệu lâu đời và tài sản khổng lồ của gia tộc.
Thêm một lần nữa, ông cân nhắc các sự kiện thực tế, vì ông tin vào chúng, và chỉ có chúng được phép quyết định phán quyết cuối cùng của ông.
Khoảng bốn mươi năm về trước, khi ông bắt đầu tập sự, người hướng dẫn đã khuyên ông phải loại bỏ mọi cảm xúc hay thiên kiến cá nhân khi cần đưa ra một phán quyết về thân chủ hay về vụ tranh tụng đang diễn ra trước mắt. Ngành luật không phải là ngành dành cho những kẻ có trái tim yếu đuối hay lãng mạn, sư phụ của ông đã nhấn mạnh như thế. Tuy vậy, sau khi tuân thủ tôn chỉ này trong bốn thập kỷ, ngài Đại Chưởng ấn buộc phải thừa nhận ông chưa bao giờ gặp phải một vụ việc cân bằng đến mức gần như tuyệt đối thế này.
Ông chỉ ước gì F. E. Smith1* vẫn còn sống để ông có thể tìm kiếm lời khuyên từ sư phụ của mình.
Một mặt... ông căm ghét những lời lẽ sáo mòn này biết chừng nào. Một mặt, Harry Clifton đã ra đời sớm hơn ba tuần so với người bạn thân nhất của anh ta, Giles Barrington: đó là thực tế. Mặt khác, Giles Barrington, không nghi ngờ gì nữa, là con trai chính thức của Sir Hugo Barrington và người vợ kết hôn hợp pháp của ông ta, Elizabeth: đó là một thực tế nữa. Nhưng điều đó vẫn không làm chàng trai trở thành người con được ra đời sớm nhất của Sir Hugo, và đó là điểm mấu chốt của bản di chúc.
Một mặt, Maisie Tancock sinh Harry vào ngày thứ 28 của tháng thứ chín sau khi bà ta thừa nhận đã có quan hệ tình dục với Sir Hugo Barrington khi họ tham gia chuyến dã ngoại dành cho công nhân tới Weston-super-Mare2*. Thêm một thực tế. Mặt khác, Maisie Tancock đã kết hôn với Arthur Clifton khi Harry ra đời, và giấy khai sinh khẳng định rõ ràng Arthur là bố đứa trẻ. Một thực tế khác.
Một mặt... Dòng suy nghĩ của Đại Chưởng ấn quay trở lại những gì đã diễn ra trong phòng họp sau khi Viện cuối cùng cũng thực hiện biểu quyết để quyết định xem Giles Barrington hay Harry Clifton nên được thừa kế tước vị và tất cả những gì đi kèm. Ông nhớ lại chính xác những lời của người phụ trách kiểm phiếu khi công bố kết quả trước Thượng viện đông kín.
“Đồng ý ở bên phải, hai trăm bảy mươi ba phiếu. Không đồng ý ở bên trái, hai trăm bảy mươi ba phiếu.”
Những tiếng xôn xao ồn ã vang lên khắp các băng ghế đỏ3*. Ông chấp nhận việc kết quả bỏ phiếu cân bằng sẽ buộc ông phải đảm nhận trách nhiệm không hề mong muốn là đưa ra quyết định ai là người được thừa kế tước vị của gia đình Barrington, công ty hàng hải danh tiếng, cũng như mọi tài sản, đất đai, vật sở hữu có giá trị. Giá như không có nhiều thứ đến vậy gắn liền với quyết định của ông khi tính đến tương lai của hai người đàn ông trẻ tuổi. Liệu ông có nên chịu ảnh hưởng bởi thực tế Giles Barrington muốn được thừa kế tước vị còn Harry Clifton thì không? Không, ông không được làm thế. Như Lord Preston đã chỉ ra trong bài diễn thuyết đầy sức thuyết phục của ông ta từ băng ghế phe đối lập, rằng như thế sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, cho dù nó thật tiện lợi.
Một mặt, nếu ông thực sự ra phán quyết có lợi cho Harry... cuối cùng ông ngủ thiếp đi, để rồi bị đánh thức bởi một tiếng gõ cửa khe khẽ vào lúc bảy giờ, một thời điểm muộn bất thường. Ông rên lên, đôi mắt vẫn nhắm trong khi đếm từng tiếng chuông của Big Ben. Chỉ còn ba giờ đồng hồ nữa trước khi ông phải đưa ra phán quyết, và ông vẫn chưa đi được tới quyết định.
Đại Chưởng ấn rên lên lần thứ hai khi ông đặt chân xuống sàn, xỏ dép vào và đi sang phòng tắm. Thậm chí lúc ngồi trong bồn tắm, ông vẫn tiếp tục đánh vật với vấn đề.
Thực tế. Harry Clifton và Giles Barrington đều bị mù màu, giống như Sir Hugo. Thực tế. Bệnh mù màu chỉ có thể di truyền từ mẹ, vậy nên đây chỉ đơn thuần là trùng hợp ngẫu nhiên, và cần được loại bỏ trên đúng cơ sở đó.
Ông ra khỏi bồn tắm, lau khô người, khoác lên mình một chiếc áo mặc trong nhà. Sau đó, ông ra khỏi phòng ngủ, đi theo hành lang trải thảm dày tới phòng làm việc của mình.
Đại Chưởng ấn cầm một cây bút máy và viết hai cái họ "Barrington" và "Clifton" lên đầu một trang giấy, phía dưới ông bắt đầu liệt kê những ưu thế và yếu thế của từng người. Cho tới khi ông viết kín ba trang giấy với thứ chữ gọn ghẽ như bản khắc đồng của mình, Big Ben đã đánh tám tiếng chuông. Song ông vẫn chẳng sáng suốt được thêm chút nào.
Ông đặt bút xuống và miễn cưỡng đi ăn sáng.
Đại Chưởng ấn ngồi một mình, lặng lẽ dùng bữa sáng. Thậm chí ông không để mắt tới những số báo ra buổi sáng được xếp ngay ngắn ở bên đầu bàn, cũng không bật máy thu thanh lên, vì ông không muốn một bình luận viên không được thông tin đầy đủ nào đó làm ảnh hưởng đến phán quyết của mình. Những tờ báo nghiêm túc tập trung vào tương lai của nguyên tắc thừa kế thế tập nếu Đại Chưởng ấn phán quyết có lợi cho Harry, trong khi các tờ lá cải dường như chỉ bận tâm đến chuyện liệu Emma có thể kết hôn với người đàn ông cô yêu hay không.
Khi ông quay trở lại phòng tắm để đánh răng, cán cân công lý vẫn chưa nghiêng về bên nào.
Ngay sau khi Big Ben đánh chuông báo chín giờ, ông quay trở lại phòng làm việc và đọc lại các ghi chép của mình với hy vọng rằng cuối cùng cán cân cũng sẽ nghiêng về bên này hay bên kia, song nó vẫn cân bằng tuyệt đối. Ông tiếp tục nghiền ngẫm các ghi chú khi một tiếng gõ cửa nhắc nhở Đại Chưởng ấn rằng cho dù có hình dung quyền lực của ông lớn đến thế nào, ông vẫn không thể ngăn được thời gian trôi đi. Ông thở dài, xé ba tờ giấy khỏi tập sổ ghi chép, đứng dậy, tiếp tục đọc trong khi bước ra khỏi phòng làm việc và đi xuống hành lang. Khi vào phòng ngủ, ông trông thấy East, người hầu phòng, đang đứng cạnh chân giường, chờ đợi thực hiện phần việc buổi sáng.
East bắt đầu bằng việc khéo léo cởi chiếc áo mặc trong nhà bằng lụa ra trước khi giúp ông chủ mặc lên người một chiếc sơ mi trắng vừa là xong vẫn còn ấm. Tiếp theo, một cái cổ cồn hồ bột, rồi đến một chiếc khăn quàng cổ nhỏ tinh tế có dây buộc. Trong khi Đại Chưởng ấn kéo cái quần dài đen lên, ông tự nhắc nhở mình đã tăng thêm vài cân kể từ khi nhậm chức. Tiếp đó, East giúp ông mặc chiếc áo thụng dài màu đen và vàng trước khi chuyển sự chú ý sang đầu và bàn chân ông chủ. Một bộ tóc giả che kín gáy được đội lên đầu ông trước khi ông xỏ chân vào đôi giày có cài khóa. Chỉ sau khi sợi dây chuyền vàng chức tước từng được ba mươi chín vị Đại Chưởng ấn trước đó đeo đã nằm trên vai, ông mới từ bộ dạng một vai quý bà cáu bẳn trên sân khấu kịch câm chuyển thành quan chức tư pháp có quyền lực lớn nhất ở quốc gia này. Một cái liếc mắt vào gương, và ông cảm thấy đã sẵn sàng để bước lên sân khấu diễn vai của mình trong vở diễn đầy kịch tính đang được công diễn. Chỉ tiếc một điều là ông vẫn chưa biết lời thoại sẽ thế nào.
Việc căn thời gian cho Đại Chưởng ấn đi vào và ra khỏi tòa tháp Bắc cung điện Westminster hẳn có thể khiến một thượng sĩ nhất của trung đoàn phải thấy ấn tượng. Vào lúc 9 giờ 47 phút sáng, có một tiếng gõ cửa và David Bartholomew, thư ký của vị đại thần, bước vào phòng.
“Chúc buổi sáng tốt lành, thưa ngài,” ông ta mở lời.
“Chúc buổi sáng tốt lành, ông Bartholomew,” Đại Chưởng ấn chào lại.
“Tôi rất tiếc phải thông báo,” Bartholomew nói, “là Lord Harvey đã qua đời tối qua, trong một chiếc xe cứu thương trên đường tới bệnh viện”.
Cả hai người đều biết điều đó không đúng. Lord Harvey - ông ngoại của Giles và Emma Barrington - đã gục xuống ngay trong phòng họp, chỉ giây lát trước khi chuông báo giờ bỏ phiếu vang lên. Tuy thế, họ cùng chấp nhận một quy tắc đã được thừa nhận từ lâu đời: nếu một thành viên của Hạ viện hay Thượng viện mất trong phiên họp của Viện, bắt buộc phải thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ về hoàn cảnh dẫn tới cái chết. Để tránh màn kịch vừa chẳng vui vẻ gì vừa không cần thiết đó, “chết trên đường tới bệnh viện” là cách diễn đạt được chấp nhận để áp dụng trong những trường hợp như thế. Phong tục này đã có từ thời Oliver Cromwell4*, khi các nghị sĩ còn được phép đeo kiếm vào phòng họp, và những hành động gian trá phản phúc là một khả năng nổi bật phải xem xét đến bất cứ khi nào có một cái chết xảy ra.
Đại Chưởng ấn không khỏi buồn bã trước sự ra đi của Lord Harvey, một đồng nghiệp mà ông vừa yêu mến vừa ngưỡng mộ. Ông chỉ ước rằng người thư ký không nhắc làm ông nhớ tới một trong những thực tế ông đã ghi lại phía dưới tên của Giles Barrington; cụ thể là Lord Harvey đã không thể bỏ phiếu sau khi ông ấy bị quỵ xuống, và nếu ông ấy kịp bỏ phiếu, chắc chắn sẽ là cho Giles Barrington. Điều đó hẳn đã cho phép mọi việc được giải quyết ổn thỏa một lần dứt khoát, và tối hôm đó ông đã có thể ngủ ngon. Còn giờ đây, chính ông đang được trông đợi sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề này một lần dứt khoát.
Phía dưới tên của Harry Clifton, ông đã ghi một thực tế khác. Sáu tháng trước, khi yêu cầu ban đầu được đệ trình lên Hội đồng tư pháp, các thành viên đã bỏ phiếu với kết quả 4-3 nghiêng về việc cho phép Clifton được thừa kế tước vị và, như được viết trong di chúc, tất cả những gì đi kèm.
Một tiếng gõ cửa thứ hai, và người tùy giá của ông xuất hiện, mặc bộ đồ kiểu Gilbert và Sullivan nữa, để báo hiệu nghi thức cổ xưa sắp bắt đầu.
“Chúc buổi sáng tốt lành, thưa ngài.” “Chúc buổi sáng tốt lành, ông Duncan.”
Đúng khoảnh khắc người tùy giá nâng diềm chiếc áo thụng đen dài của Đại Chưởng ấn lên, David Bartholomew bước tới mở toang hai cánh cửa phòng khánh tiết để vị đại thần có thể bắt đầu cuộc hành trình kéo dài bảy phút tới phòng họp Thượng viện.
Các thành viên quốc hội, người đưa tin có đeo phù hiệu và những nhân viên làm việc tại quốc hội đang thực hiện công việc hàng ngày của họ hối hả đứng tránh sang bên khi thấy Đại Chưởng ấn tới gần, đảm bảo để cuộc hành trình của ông không bị cản trở. Khi ông đi ngang qua, họ cúi chào thật thấp, không phải trước ông, mà trước quyền lực ông đại diện. Vị đại thần bước đi theo hành lang trải thảm đỏ theo cùng nhịp chân như ông vẫn đi mỗi ngày trong sáu năm qua, để ông bước vào phòng họp cùng thời điểm tiếng chuông đầu tiên vang lên khi Big Ben điểm chuông mười giờ sáng.
Vào một ngày bình thường, và hôm nay không phải là một ngày như thế, bất cứ lúc nào bước vào phòng họp, ông cũng sẽ được chào đón bởi một nhúm các nghị sĩ lịch thiệp đứng lên từ các băng ghế đỏ, cúi đầu trước Đại Chưởng ấn và tiếp tục đứng trong khi vị giám mục trực ban điều hành lễ cầu nguyện buổi sáng, sau đó những công việc trong ngày có thể bắt đầu.
Nhưng hôm nay thì không, vì từ rất xa trước khi tới phòng họp, ông đã có thể nghe thấy tiếng rì rầm của những giọng nói đang khe khẽ trao đổi. Thậm chí cả Đại Chưởng ấn cũng phải ngạc nhiên trước cảnh tượng chờ đợi mình khi ông bước vào. Các băng ghế đỏ kín người, đến mức một số nghị sĩ phải di cư đến chỗ các bậc cấp phía trước ngai chủ tọa, trong khi có những người khác đứng ngoài lan can của Viện vì không tìm nổi chỗ ngồi. Một dịp duy nhất ông nhớ Viện từng đông đến thế này là khi Nhà vua đọc Diễn văn Hoàng gia, trong đó thông báo cho các thành viên của cả hai Viện về những đạo luật chính phủ ngài đề xuất ban hành trong nhiệm kỳ tiếp theo của Quốc hội.
Khi Đại Chưởng ấn bước vào phòng họp, các nghị sĩ lập tức ngừng nói chuyện, đồng loạt đứng dậy và cúi chào trong khi ông ngồi vào chỗ trước ghế Chủ tịch Thượng viện.
Quan chức tư pháp cao cấp nhất của đất nước từ tốn đưa mắt nhìn quanh phòng họp và bắt gặp cả nghìn con mắt đang nóng lòng chờ đợi. Ánh mắt của ông cuối cùng dừng lại ở ba người trẻ tuổi đang ngồi phía cuối phòng họp, đối diện với ông trên Khu vực dành cho Khách quan trọng. Giles Barrington, em gái Emma của anh và Harry Clifton đều mặc đồ tang màu đen để tưởng nhớ tới người ông rất được yêu quý và, trong trường hợp của Harry, một người bảo trợ và người bạn thân thiết. Ông thấy thông cảm cho cả ba người, ý thức được phán quyết ông sắp đưa ra sẽ làm thay đổi toàn bộ cuộc đời họ. Ông cầu nguyện để sự thay đổi đó sẽ theo hướng tốt đẹp hơn.
Khi mục sư Peter Watts, giám mục Bristol - thật hợp cảnh làm sao, Đại Chưởng ấn nghĩ - mở cuốn kinh cầu nguyện của ông ta ra, các nghị sĩ cùng cúi đầu xuống, và không ngẩng lên cho tới khi ngài giám mục nói ra những từ “Nhân danh Cha, Con và Thánh Thần”.
Những người có mặt ngồi lại xuống chỗ, chỉ còn lại Đại Chưởng ấn là người duy nhất còn đứng. Sau khi mọi người đã yên vị, các nghị sĩ chờ đợi nghe phán quyết của ông.
“Thưa quý vị,” ông bắt đầu, “tôi không thể giả bộ rằng phán quyết mà quý vị đặt niềm tin vào tôi là một chuyện dễ dàng. Ngược lại, tôi thú nhận đây là một trong những quyết định khó khăn nhất tôi từng phải đưa ra trong sự nghiệp phụng sự pháp luật lâu năm của mình. Nhưng vậy đấy, Thomas More5* chính là người đã nhắc nhở chúng ta rằng khi ta mặc lên người chiếc áo thụng này, ta cần sẵn sàng đưa ra những quyết định hiếm khi làm vừa lòng tất cả mọi người. Và quả thực, thưa quý vị, vào ba dịp như thế trong quá khứ, vị Đại Chưởng ấn, sau khi đưa ra phán quyết của ông ta, đã bị chặt đầu trong cùng ngày”.
Tiếng cười vang lên phá vỡ sự căng thẳng, nhưng chỉ trong giây lát.
“Tuy nhiên, bổn phận của tôi vẫn là nhớ rằng,” ông nói sau khi tiếng cười lắng xuống, “tôi chỉ phải giải thích trước Đấng Toàn Năng. Với ý thức đó trong tâm trí, thưa quý vị, trong vụ tranh tụng Barrington chống lại Clifton, người được kế tục Sir Hugo Barrington với tư cách người thừa kế hợp pháp và được trao cho tước vị của gia đình, lãnh địa và tất cả những gì đi kèm là...”.
Đại Chưởng ấn lại một lần nữa đưa mắt nhìn lên khu vực khách mời, do dự. Đôi mắt ông dừng lại ở ba con người trẻ trung vô tội ngồi trên hàng ghế, lúc này đang chăm chú nhìn xuống ông. Ông cầu nguyện có được sự thông thái của Solomon trước khi nói thêm, “Sau khi cân nhắc tất cả các sự kiện thực tế, tôi quyết định dành quyền thừa kế cho... Giles Barrington”.
Âm thanh rì rầm của những giọng nói đang thì thầm lập tức vang lên trong Viện. Đám nhà báo hối hả rời khỏi khu báo chí để thông báo phán quyết Đại Chưởng ấn vừa đưa ra tới các biên tập đang chờ đợi, phán quyết cho thấy nguyên tắc thừa kế thế tập vẫn được giữ nguyên vẹn và Harry Clifton giờ đây có thể cầu hôn Emma Barrington để cô trở thành người vợ hợp pháp của anh. Đám đông trên khu vực khách mời cúi xuống qua lan can để quan sát xem các nghị sĩ phản ứng thế nào với phán quyết vừa rồi. Nhưng đây không phải là một trận bóng đá, và ông không phải là trọng tài. Tất cả các thành viên Thượng viện sẽ phải chấp nhận và tuân thủ phán quyết của Đại Chưởng ấn mà không được bỏ phiếu biểu quyết hay phủ quyết. Trong khi đợi cho cơn xúc động lắng xuống, Đại Chưởng ấn lại một lần nữa ngước mắt nhìn lên ba con người trên lan can chịu ảnh hưởng lớn nhất từ quyết định của mình để xem họ phản ứng thế nào. Harry, Emma và Giles vẫn nhìn ông vô cảm, như thể họ vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa phán quyết của ông.
Sau nhiều tháng trời sống trong bất an, Giles lập tức cảm thấy nhẹ nhõm, cho dù cái chết của người ông ngoại yêu quý đã xua đi mọi cảm giác chiến thắng.
Harry chỉ có một ý nghĩ duy nhất trong đầu khi nắm chặt tay Emma. Giờ anh đã có thể cưới cô gái anh yêu.
Emma vẫn cảm thấy không chắc chắn. Nói cho cùng, Đại Chưởng ấn đã tạo nên một loạt những vấn đề mới khiến ba người họ phải bận tâm suy nghĩ, những vấn đề họ không thể gọi ông tới để giải quyết.
Đại Chưởng ấn mở cặp tài liệu có trang trí tua vàng của mình ra và nhìn qua nội dung chương trình nghị sự trong ngày. Một cuộc tranh luận về Chương trình Sức khỏe Quốc gia đang được đề xuất ở mục thứ hai. Một vài nghị sĩ lặng lẽ rời phòng họp, vì công việc đã trở lại như thường nhật.
Đại Chưởng ấn sẽ không bao giờ thú nhận với bất cứ ai, thậm chí cả người tâm giao gần gũi nhất, việc ông đã thay đổi quyết định vào phút cuối cùng.
1* Frederick Edwin Smith, Bá tước thứ nhất của Birkenhead, là một chính trị gia và luật sư bảo thủ người Anh.
2* Một thị trấn ven biển ở Somerset, Anh.
3* Ở Quốc hội Anh, các băng ghế tại phòng họp Thượng viện sơn màu đỏ, còn Hạ viện sơn màu xanh.
4* Oliver Cromwell (1599 - 1658) là một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự người Anh, người đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập nền cộng hòa ở Anh và sau đó là Huân tước bảo hộ của Anh, Scotland và Ireland.
5* Sir Thomas More là một luật sư, nhà triết học xã hội, chính khách và là một người phái chủ nghĩa nhân văn thời Phục hưng nổi tiếng trong lịch sử nước Anh.
MỞ ĐẦU
Tiến >>
Nhà xuất bản: Lao Động
Nguồn: TVE-4U - Ebook:nguyenthanh-cuibap
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 14 tháng 1 năm 2024