Đang ở căn nhà rộng rãi gần mé lộ có xe cộ người qua lại đông đúc, tự dưng ba tôi dọn nhà đi nơi khác, tuổi thơ anh em chúng tôi cảm thấy hụt hẫng xen lẫn cái náo nức trong lòng, hụt hẫng là phải xa những người láng giềng tốt bụng, ông bà Bốn, nhà chú Tư Chuông, chú Thím Hai, và nhất là xa cái tiệm tạp hóa của cô ba Sao trong xóm, và phải xa lủ bạn cùng trang lứa từng chơi đùa, học hành trong khoảng thời gian dài, ngược lại chúng tôi háo hức vì không biết chỗ ở mới ra sao, nơi đó có những hàng xóm tốt bụng và thân tình như nơi ở cũ không, nhất là có những đứa trẻ như chúng tôi để cùng chơi đùa hay không, những ý nghĩ này nó cứ lẫn quẫn trong tâm trí tôi khiến tôi buồn muốn khóc vì tôi chẳng muốn phải dời đi sinh sống nơi khác.
Chuyện gì đến rồi sẽ đến, sáng nọ tôi còn chưa thức giấc, má tôi vào phòng "dựng đầu" hết anh em chúng tôi dậy:
- Dậy đi mấy con, sáng trưng rồi mà ngủ nghê gì nữa, ba kêu phụ dọn nhà kia, xe cam nhông của chú Vàng đang chờ phía trước rồi.
Tôi dụi mắt vì ánh sáng chói lòa đã đập vào mắt khi má tôi mở cửa phòng rộng toang hoác, tôi khều anh chị em dậy để bắt đầu hành trình cuộc sống mới.
Chiếc xe GMC mui trần do chú Ba Vàng lái đã được chú de sát vô khoảng sân trước nhà, tùy theo sức của mỗi người, anh em chúng tôi khiêng các đồ vật ra xe, chúng tôi làm việc chăm chỉ vô cùng, có lúc tôi thầm nghĩ chúng tôi như đàn kiến tha mồi về tổ.
Làm việc một chút mà mồ hôi trong người tuôn ra như tắm, tôi đến ngồi nghỉ mệt cạnh chú Ba Vàng đang ngồi uống nước, thấy tôi có thân hình "Dế ốc tiêu" mà làm việc không thua kém mọi người nên chú Ba cười với tôi rồi chú nói:
-Cha chả tao thấy thằng Phương bây cũng khỏe ghê hén, coi ròm ròm vậy chứ "chì" ghê nhe, ly nước nè bây nghỉ tay chút đi rồi mần tiếp, còn sớm chán lo gì.
Tôi đưa hai tay đỡ lấy ly nước chú Ba rót cho tôi, tôi hớp một ngụm rồi tôi hỏi chú:
-Chú Ba biết nhà con dọn đến chỗ nào vậy chú, có xa lắm không, con ghét ở chỗ lạ mấy đứa con nít ở đó tụi nó hay ăn hiếp lắm.
Chú Ba trố mắt nhìn tôi, rồi chú hỏi:
- Bây thiệt chưa biết chỗ ở mới hả, ừ thì xa lắm đó, nhưng không sao bây giờ xe cộ đường sá tốt, đi tới đi lui dễ ẹc, mà ở chỗ mới thì mình có bạn mới chứ ai mà ăn hiếp ai con ơi!
Tôi cố cãi lại chú Ba và chứng minh cho chú biết tại sao như vậy:
- Chèn ơi thông thường là vậy đó chú Ba ơi! Trong như trong lớp con năm rồi có bạn chuyển từ quê lên đây học, vô lớp có đứa ăn hiếp dữ lắm, con còn thấy tục ngữ có câu: " Ma cũ ăn hiếp ma mới" đó chú.
Nghe tôi nói xong chú Ba phá lên cười, cười xong chú mới nói:
- Tía ông, cha chả lúc này lý sự dữ hén, thì tục ngữ người ta nói vậy, chứ nhiều khi ngoài đời có khác đi chứ đâu có răm rắp như vậy đâu ông ơi...
Khi chuyến xe đầu tiên đã được chất đầy nhóc đồ đạc phía sau, để tránh đồ đạc có thể rơi rớt trên đường có thể gây nguy hiểm, chú Ba lấy dây dù cột ràng cẩn thận, chú ưu tiên cho tôi và thằng em kế tôi được vô ca bin ngồi, còn mấy ông anh lớn của tôi phải bám vào cửa hoặc thành xe phía sau để đi đến nhà mới.
Chú Ba "Đề ma rưa" tiếng máy kêu en éc vài ba lần nó mới bắt đầu nổ máy, tiếng máy gầm gừ thật lớn, khói từ cái ống pô phía trên cao phun ra đen nghịt như ống khói tàu, khi máy nổ đều thì chú Ba cho xe lăn bánh, xe chạy chưa đầy năm phút đã đến nơi ở mới của gia đình tôi, chưng hửng trong lòng vô cùng vì tôi nghe chú Ba nói sẽ đi xa lắm vậy mà nhà tôi ở đoạn giữa con đường đất đỏ này, mà nơi ở mới thì gần cuối con đường, hèn chi thay vì chú Ba phải nhấn ga chạy ào ào, đàng này chú cho máy chạy "ga răng ti" nó bò từ từ xuống dốc con đường là đến nơi mới, thấy cũng khá gần nhà cũ tôi mừng thầm trong bụng, nhưng nhớ lại lời chú Ba nói với tôi khi nãy tôi bèn trách móc chú:
- Chú Ba xí gạt con nít há, gần xịt vậy mà chú nói xa lắc xa lơ, làm con buồn quá, mắc đền chú Ba đó.
Thấy tôi làm mặt giận chú Ba cười giòn rồi chú nói:
-Thì chú muốn cho con ngạc nhiên chơi đó mà, vậy là sướng rồi há...
Nhà chúng tôi dọn đến là dãy phố gồm ba căn nhà, chúng tôi về sau cùng nên đành phải ở căn giữa, tôi thấy nó không thoải mái như nơi ở cũ, vì căn nhà cũ rộng rãi có cửa hông, cửa hậu và có khoảnh sân trước lẫn sân sau, còn nơi đây thì chật hẹp, cửa phía sau thì giáp cái hẻm nhỏ thật tù túng, nhưng bù lại phía trước nhà có khoảnh sân chung rộng lớn, nơi đây có giếng nước và nhất là có cây khế ngọt thật to, tàn cây phủ rộng che mát cả khoảnh sân này.
Từ ngoài lộ muốn vô nhà phải đi qua bãi cát trắng phau, nơi đây là một ngọn đồi nhỏ thấp, đất chung quanh thì rộng mênh mông, có một điều tôi không thích ở đây vì phía xa trước nhà là khu đồng mả, phía sau nhà cũng nhiều ngôi mộ xưa, người sống ở sát rạc với "người chết" khiến tôi "ớn da gà" khi bắt đầu sinh sống nơi đây.
Khi dọn nhà và lo chỗ ăn ở coi như xong, một hôm tôi làm gan đi lòng vòng để quan sát toàn khu vực này xem nó ra sao.
Tôi lần mò theo bờ đất giáp ranh đường rầy xe lửa, tôi thấy rất nhiều ngôi mộ được chôn ở đây, những ngôi mộ bằng đá ong cũ kỹ, bên cạnh những ngôi mộ xây tô bằng đá mài, đá rửa còn có những ngôi mộ đất mới chôn không lâu, tôi thấy vết tích đồ cúng, hoa quả còn vương vải khắp nơi.
Đang khám phá khu đồng mả tuy mặt trời đã lên cao, nhưng tôi có cảm giác lành lạnh, tôi kéo cổ áo cho ấm rồi chăm chú xem hàng mộ bia của các ngôi mộ, bổng tôi giật bắn người khi thấy một người đàn ông ốm nhách mà đen trùi trũi, tôi định la lên vì sợ đây là ma quỷ gì đó, bởi ông ta xuất hiện bất ngờ từ phía bên kia ngôi mộ nơi tôi đang đứng làm tôi chới với nhưng tôi nào thốt ra được nên lời, miệng tôi như bị ông ta bóp chặt, chợt ông ta nhe hàm răng trắng toát ra cười rồi hỏi tôi:
-Cái thằng nhóc con này đi đâu đây, sao gan vậy dám ra đây một mình.
Nghe ông hỏi, tôi trấn tĩnh lại vì biết đây không phải là ma quỷ, vì tôi thấy rõ cái bóng của ông in rõ trên nền ngôi mộ do ánh mặt trời chiếu vào, tôi nghe mấy cô bác lớn tuổi nói ma quỷ thì không có bóng và chân thì hổng mặt đất nên tôi trả lời:
- Con chào chú, con mới dọn về ở xóm này nên con đi lòng vòng cho biết, mà chú làm gì ở đây, chú hiện ra bất tử làm con sợ muốn té đái luôn nè.
Ông Ta cười hiền rồi nói cho tôi hiểu:
- Chú là Năm đen, chú chăm sóc khu đồng mả này, chú đang làm cỏ bên đây, chúng ta nghe bước chân bây đi chú tưởng mấy đứa xóm Sở Thùng lên quậy phá chứ, ai dè bây.
Tôi mừng trong bụng vì gặp "thổ địa" giải đáp thắc mắc cho mình, rồi tôi nhìn dọc theo hàng rào kẽm gai phía bên kia cũng cơ man là mồ mả, tôi hỏi chú Năm:
- Sao đất mình với đất bên kia toàn là mồ mả không vậy chú?
Rồi tôi chỉ mấy ngôi mộ đá ong ý muốn biết mộ này của ai và chôn cất bao lâu, chú Năm cho biết những mộ cổ này có từ thời Tây, còn ai nằm yên nghỉ bên dưới thì chú cũng chẳng biết, chú Năm cho biết thêm đây là đất của gia tộc nên những ngôi mộ cũ lẫn mới đều là người trong dòng họ.
Ngày nọ khi trời chạng vạng tối, trên bầu trời còn xót lại một vài cánh chim đang vội bay về tổ sau một ngày kiếm ăn, đang ngồi mơ màng nhớ về mấy đứa bạn trong xóm cũ thì tiếng gọi của Ba khiến tôi phải quay về thực tại:
-Thằng Phương đâu, lên quán bà Tư mua cho ba ly cà phê coi.
Nghe ba tôi sau đi mua cà phê nhằm cái giờ ác ôn này khiến tôi "dựng tóc gáy", vì đây là thử thách đầu tiên với tôi khi sống ở xóm gò mả này, bởi từ nhà tôi ra lộ để đi về hướng nhà cũ của tôi mới đến cái quán cà phê của bà Tư, tôi có hai lựa chọn, một là đi phía trước nhà để ra lộ phải đi qua cái đồi cát mênh mông giáp với khu mồ mả mà tôi gặp chú Năm đen buổi sáng nọ. Hai là tôi sẽ đi cửa sau và phải băng trực tiếp qua các ngôi mộ đáng sợ kia, chưa hết tôi còn phải đi ngang cây "lê kiu ma" nơi có cái giếng nước, nơi đây bà con chung quanh đồn đãi có người đã gặp ma rồi, con ma phía sau nhà mặc toàn bộ đồ trắng, miệng đỏ au, da xanh tái mét, hốc mắt sâu hoắm và lơ lững trên cây lê kiu ma này nhất là những đêm trăng non mờ sáng.
Thấy tôi chần chừ chắc ba tôi biết tôi đang sợ ma nên ông bèn kêu anh tôi theo yểm trợ.
- Phước đâu bây, đi với em con mua cho ba ly cà phê cái coi.
Thấy có đồng minh tôi cũng bớt sợ, khi anh tôi gặp tôi anh nói:
-Giờ mình đi ngõ trước hay ngõ sau.
Sau một hồi bàn cãi không bên nào chịu bên nào để chọn hướng đi,cuối cùng hai anh em tôi phải "Quánh tù tì", vận may đã mĩm cười với tôi vì tôi đã thắng, thế là chúng tôi chọn đi phía trước nhà băng qua bãi cát, theo tôi tuy đi ngõ này xa hơn một chút nhưng đỡ sợ hơn phải băng trực tiếp qua mồ mả..
Để chống lại sự sợ hãi, tôi lén đem theo một tượng phật bằng ngà voi cất trong túi áo, tôi còn bắt chước mấy ông thầy bùa lấy tay bắt ấn để ma quỷ không dẫn mình đi lung tung, rồi miệng thì lâm râm khấn ngài Quán Thế Âm bồ tác phù hộ tai qua nạn khỏi. Riêng anh Phước tôi không biết có "thủ cẳng" cho mình bửu bối nào không thì tôi không rõ.
Hai anh em bặm gan dẫn nhau đi, trời về đêm không khí se lạnh, rồi không biết vì sao đêm ấy lại xuất hiện sương mù thật sớm, với cây đèn dầu "hột vịt" trên tay nên ánh sánh rọi vừa đủ cho anh em tôi bước đi trong màn đêm cô tịch, đi qua được nửa đoạn bãi cát, chúng tôi bước đi những bước nặng trịch do cát lún bám lấy chiếc dép rất khó di chuyển, ra gần mí lộ cạnh cây gòn cổ thụ bổng dưng có vật gì vừa thoáng qua trước mặt chúng tôi đã vậy cộng với cơn gió lạnh vừa thổi qua khiến tôi nỗi gai óc, cái vật vừa thoáng qua trước mặt chúng tôi nó băng thật nhanh qua bãi cát rồi mất hút sau dãy mộ làm cho tôi thêm phần sợ sệt.
Quán cà phê bà Tư tuy về đêm mà cũng còn nhiều người ngồi thưởng thức, từ xa tôi đã nghe mùi cà phê của bà Tư bốc mùi thơm ngào ngạc, bà dùng cái vợt bằng vải pha thật nhiều cà phê rồi bán dần cho khách, ngày xưa cà phê không sử dụng hóa chất hoặc chất độn nên hương vị tinh khiết vô cùng.
Trên đường trở về nhà khi đi ngang cây Điệp cổ thụ ven đường, tôi ngước mắt quan sát những cành Điệp de ra sát mé lộ vì tôi nghe bà con trong xóm nói xưa kia có ông Thầy chùa thắt cổ tự vẫn tại đây nên đường vắng mà phải qua ngang nơi này khiến lòng dạ tôi bồn chồn không yên, về đến ngõ sau đi vào khu nhà tôi ở, tôi kéo tay anh Phước lại tôi hỏi anh:
- Bây gờ mình đi ngõ sau nhà đi anh, nó gần hơn đó.
Anh tôi đồng ý, thế là hai anh em trân mình để đi qua cái ải này, sở dĩ tôi muốn đi ngõ này vì tôi muốn tránh cái vật gì xẹt qua trước mặt chúng tôi ở cái ngõ phía trước, đến gần gốc cây Lê kiu ma không hiểu anh tôi loay hoay như thế nào để cho cây đèn " hột vịt" tắt ngúm, tôi kinh hãi trong lòng vì sắp đi ngang sát mấy ngôi mộ mà đèn đuốc không còn, cũng còn may phước bầu trời cũng còn ánh sáng le lói của mảnh trăng non nên chúng tôi cũng mò mẫm để đi, vừa đến gốc cây tự dưng tôi thấy một bóng mặc bộ đồ trắng đang vờn bay trước mặt, gai ốc trong người tôi nó nỗi lên, tóc gáy muốn dựng đứng vì rõ ràng đây là con ma nó đang ghẹo hai anh tôi, không nói không rằng anh tôi quăng cây đèn dầu xuống đất rồi kéo tôi chạy nhanh qua mấy ngôi mộ kia, cũng may cà phê được đựng trong cái lon guigoz đậy kín, nếu không thì chẳng còn giọt cà phê nào để ba tôi thưởng thức, khi về đến nhà ba tôi thấy hai đứa lấm lem mồ hôi, mặt mày xanh như tàu lá chuối, ba mới hỏi:
- Hai đứa làm gì vậy? bộ gặp chuyện gì phải không, nói ba nghe đi.
Định bụng giấu ba chuyện vừa qua, sợ ba cho chúng tôi là "Thỏ đế", hoặc cho chúng tôi là "Trông gà hóa cuốc", nhưng thấy ba truy vấn mãi anh tôi đành khai thiệt diễn tiến vừa qua.
Nghe xong ba tôi cười khanh khách, ông ôn tồn nói:
- Thôi đi hai ông con ơi, ma có gì đâu, nhiều khi mình sợ quá rồi thấy gì nghe gì cũng đều tưởng là ma đó thôi.
Nghe ba tôi nói vậy, anh tôi khẳng định lần nữa:
-Con với thằng Phương thấy ma thật mà ba, nó lơ lửng bay bay trên cây Lê kiu ma rõ ràng luôn đó.
Nghe anh tôi quả quyết như vậy, ba tôi bèn lấy cây đèn "Măng xông" đốt lên, ánh sáng trắng của đèn chói chang khắp sân, ba tôi dẫn hai đứa tôi quay lại cây Lê Kiu ma để xem cho rõ sự tình, đến nơi tôi và anh tôi hai đứa run lập cập vì sợ, ba tôi nhìn quanh quất trên cây chừng chẳng thấy gì nên ba tôi nói như trấn an:
- Đó có cái gì đâu, hai đứa sợ quá rồi tưởng tượng ra thôi, ba có thấy gì đâu nè.
Hai đứa tôi nhìn nhau không nói một lời, tuy không dám cãi lại ba tôi nhưng trong lòng chúng tôi thì xác định đúng là có ma tại cái cây này...
Trưa hè oi ả không khí ngột ngạt vì nắng nóng như thiêu như đốt, chúng tôi tụ tập dưới gốc cây Lê kiu ma để chơi đùa, từ lúc làm quen với mấy đứa trang lứa trong xóm nên mỗi khi chơi đùa gì chúng tôi cũng tụ tập bên góc cây này, vì phía sau khu nhà tôi không có bóng mát nào lý tưởng như ở đây, tôi cùng bọn nhóc chơi trò búng dây thun, chơi một hồi đâm chán thì thằng Xâm nó đề nghị:
- Thôi không chơi nữa, bây giờ kể chuyện đời xưa nghe chơi, tao có chuyện Phạm Công Cúc Hoa hay lắm tụi bây nghe không?
Thằng Cu sì nghe tên câu chuyện của thằng Xâm sắp kể nó bèn trề môi rồi nói:
- Thôi đi mầy ơi, truyện đó cũ sì hà,à nó buồn thấy tía luôn, tao thấy hay nhất là kể chuyện ma đi, chuyện đó mới ly kỳ.
Nghe Cu sì đòi kể chuyện ma đứa nào cũng nhao nhao lên, thằng Phát nói:
- Kể đi, kể đi.
Rồi nó chỉ ngay tôi nó kêu tôi phải kể trước, tôi định từ chối nhưng thằng Phát là cái thằng có tính du côn số một, nó hay gây gổ với đám nhóc ở khu Sở Thùng và chùa Giác Quang, mỗi lần đánh nhau có đứa u đầu mẻ trán, hôm ấy nó ép tôi phải kể chuyện ma cho nó nghe tôi đành phải chìu ý nó, nếu không thì tôi e nó sẽ kiếm chuyện với mình, trong bụng tôi thầm nghĩ " đây là ma cũ ăn hiếp ma mới nè".
Tôi bắt đầu kể câu chuyện mình gặp ma trong cái đêm tôi mua cà phê cho ba tôi, cứ tưởng kể xong chắc đứa nào cũng xanh mặt, nhưng tôi lầm to vì tôi vừa kể xong thằng Phát và thằng Xâm ôm bụng cười bò lăn sau khi nghe câu chuyện trên, hai đứa nó cười như chưa bao giờ được cười, tự ái nổi lên tôi bèn hỏi thằng Xâm:
- Tao thấy ma thiệt đó bộ nói giỡn sao tụi bây cười dữ vậy?
Thằng Phát cướp lời thằng Xâm nó phang liền một câu:
- Ma cái con khỉ khô họ đó.
Lúc này tôi giận trong bụng quá chừng nên tôi quên luôn sợ cái tính du côn của nó tôi hỏi:
- Ờ mầy không tin phải không bữa nào đêm có trăng mầy ra đây đi thì biết.
Thằng Phát cười hô hố rồi nói:
- Con ma áo trắng nhát hai anh em mầy là tao với thằng Xâm nè chứ đâu, đêm đó tụi tao treo cái áo trắng cũ của bà Ba cá bả bỏ, tụi tao lấy dây treo lên cây rồi núp sau cái mả của ông Thời, tụi tao dự định nhát con Thanh con thím Năm đen cho nó sợ chơi, ai dè hai anh em mầy đi tới tao với thằng Xâm nhát bây luôn.
Tôi cãi lại nó:
- Mầy xạo ke, nếu áo treo trên cây sao ba tao ra tìm không thấy.
Cũng thằng Phát:
- Tụi bây vọt về nhà là tao với thằng Xâm tháo ra cất giấu liền, chứ để vậy bể mánh sao mậy.
Lúc này đến lượt tôi cười ra nước mắt, tôi lấy chân đạp cho thằng Xâm mỗi đứa một cái khiến hai đứa lăn cù mèo trên đất trông rất mắc cười, tôi nói với tụi nó:
- Cho bỏ tật tụi bây nhát ma tao nghe.
Tuy bị đạp té, nhưng hai thằng nhóc cũng cười với tôi, đúng là nụ cười cầu hòa...
Thời gian trôi đi nhanh chóng, thắm thoát nhà tôi về khu đồng mả này cũng gần chục năm, người lớn tuổi ra đi cũng bộn, lớp trẻ tấn lên xóm gò mả vẫn đông đúc, ngoài xã hội lúc bấy giờ không hiểu vì sao có những vụ cháy nhà thật bí ẩn, thủ phạm giấu tung tích rất kỹ khiến xóm ấp lo lắng, làng xóm lập ra Thanh Niên đi gác đêm ở đầu trên xóm dưới, vũ khí là cây tầm vong, quần áo thì các anh được trang bị bộ đồ ka ki xanh dương, trạm gác được chong đèn điện vàng vọt.
Từ lúc lập ra trạm gác này tình hình nhà cháy bí ẩn có giảm nên bà con cũng mừng. Một hôm trời nhá nhem tôi tôi đang chạy xe đạp ngoài lộ đất đỏ, ngang khu đồng mả phía gần cầu hang tôi thấy thấp thoáng hai bóng người đang rình mò gì bên trong khu mộ, tôi thất kinh lại nghĩ quẩn không lẽ có ma thật sao vì tôi thấy rõ ràng hai bóng người, nhưng tôi nhớ lại các vụ cháy nhà gần đây nên tôi cho là thủ phạm đang rình mò để đốt nhà dân đây mà, tôi lật đật đạp xe xuống trạm gác báo cho Ông Năm Vàng là sếp của trạm có người đang làm việc gì mờ ám trong đồng mả. Nhanh chóng bác Năm dẫn bốn thanh niên cộng hòa bao vây khu đồng mả, dân chúng thấy vậy cũng nhào vô phụ giúp, vòng vây xiết chặt dần đến chừng cây đèn pin rọi ngay mặt hai tên nọ thì mọi người mới vỡ lẽ và có được một trận cười vui vô cùng.
Số là hai tên rình mò kia là ông Anh lớn của tôi và cô bồ của anh ta, không hiểu vì sao anh chị hẹn hò mà chui vô cái đồng mả làm gì.
Sau khi nghe Bác Năm Vàng cho biết sở dĩ bắt được anh tôi là do " công" của thằng Phương em mình, khỏi nói các bạn cũng biết tôi được cái gì rồi.
Tối đó trở vô nhà, chưa kịp cất chiếc xe đạp vô nhà, anh lớn tôi nhào ra cốc lên đầu tôi một cái đau điếng và kèm theo câu nói:
- Nè, cho làm tài lanh nè....
Vậy đó, từ lúc sự việc xãy ra với anh tôi thì tôi mới biết cái xóm gò mả tuy âm khí ghê gớm nhưng dân tình sống hiền hòa chan chứa tình cảm xóm làng, và nhất là không có con ma nào cư ngụ trong xóm gò mả..
(Viết xong 18.8.2017.lúc 19h49)
Nguồn: Tác giả VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 29 tháng 8 năm 2017